Thông tin

TÔN CHỈ VÀ PHƯƠNG PHÁP TU TẬP CỦA LIÊN TÔNG TỊNH ĐỘ NON BỒNG

TÔN CHỈ VÀ PHƯƠNG PHÁP TU TẬP

CỦA LIÊN TÔNG TỊNH ĐỘ NON BỒNG

 

NGUYỄN VĂN QUÝ

 

 

 

Nhằm hướng dẫn cho tín đồ giác ngộ, học đạo giải thoát, ngay từ thuở ban đầu thành lập Liên tông Tịnh độ Non Bồng, Hòa thượng Thiện Phước Nhựt Ý đã “dùng yếu chỉ của Tịnh độ làm tâm tông độ chúng, không lập phái để quản chúng, không dùng giáo quyền để hành đạo lấy cương minh Tịnh độ làm cương lĩnh, dùng pháp môn tu tứ nhiếp pháp và ba mươi bảy phẩm trợ đạo mà giáo hóa chúng”1. Sau này, Hòa thượng Thích Giác Quang giảng rõ hơn như sau: "Yếu chỉ tu Tịnh độ trong Liên tông Tịnh độ Non Bồng là hạnh nguyện, lời phát nguyện tĩnh tu, lời phát nguyện niệm Phật, lời phát nguyện cứu đời, lời phát nguyện giúp đời cứu người bằng mọi phương diện trong đời sống đạo"2. Ông cho rằng, nguyện là Nguyện Ba la mật. Nghĩa là "Ý chí của bậc Bồ tát cầu thành Phật để độ chúng sanh, hay độ chúng sanh xong rồi mới thành Phật, hay là vừa tu vừa độ chúng sanh; cũng chính là ý chí siêu việt của con người"3.

Phương pháp tu tập của Liên tông Tịnh độ Non Bồng, ngay từ đầu Hòa thượng Thiện Phước Nhựt Ý đã đặc biệt chú trọng các nghi lễ Tịnh độ. Ông thường xuyên khai thị các nghi lễ như: Lễ bái niệm Phật, phát nguyện niệm Phật, kinh hành niệm Phật, sám hối trong ba tháng, lục thời tụng kinh… Nổi bật nhất là khóa niệm Phật “Bá nhựt trì danh”, “Phát nguyện niệm Phật” và “Lễ bái niệm Phật”.

Khóa Niệm Phật "Bá nhựt trì danh" không chỉ được xem là tông chỉ tu hành đặc sắc nhất của Liên tông Tịnh độ Non Bồng mà còn là "hạnh tu của nhà sư Tịnh độ Non Bồng"4. Khóa Niệm Phật này kéo dài trong 100 ngày, bắt đầu vào lúc 21 giờ ngày mùng 8 tháng 8 đến ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm, tức đúng ngày kết lễ vía Phật A Di Đà. Trong 100 ngày này, tăng ni, Phật tử ngày đêm niệm Phật không ngừng nghỉ. Theo đó, cách thức hành trì trong khóa Niệm Phật này được Hòa thượng Giác Quang miêu tả rất rõ: "Cứ như thế mọi người chậm rãi hòa nhịp từng bước đi... Đến ba mươi phút kế tiếp các Liên hữu cùng đứng lại theo thứ lớp niệm Phật, những tiếng niệm "Nam mô A Di Đà Phật" - rồi đến ba mươi phút kế tiếp lại quỳ niệm Phật (người lớn tuổi thì ngồi cũng không sao!) và 30 phút sau cùng, trong đó 15 phút tiếp tục ngồi niệm Phật, còn mười lăm phút cuối chuẩn bị thay đổi người niệm Phật trong hai giờ tới... Theo phép niệm Phật thì dù kinh hành hay đứng, quỳ, ngồi niệm Phật đều niệm danh hiệu Phật A Di Đà, mọi người đồng niệm, âm thanh thật hòa điệu, phong cách thật uy nghiêm với những chiếc áo giải thoát, tạo nên dáng vẻ uy nghiêm như tượng vương cho mỗi người con Phật tham dự khóa tu"5. Còn người tham dự niệm Phật thì "bao giờ cũng phải chấp tay gọi là hiệp chưởng, là phong cách chính của người Phật tử, cũng là tính cách đặc biệt của người Phật giáo. Theo phong cách hiệp chưởng của Tịnh độ Non Bồng thì "hai ngón tay cái xếp lên nhau" đấy là phong cách riêng của Phật tử Non Bồng biểu hiện "một niềm tin vững vàng, không lùi bước", trước những khó khăn gian khổ"6. Cội nguồn của khóa Niệm Phật “Bá nhựt trì danh” cầu sinh Tịnh độ do Hòa thượng Khánh Anh khai sáng tại Phật học đường Lưỡng Xuyên (Lưỡng Xuyên Phật học đường), ở huyện Trà Ôn, tỉnh Trà Vinh.  Hòa thượng Thích Giác Quang cho biết: "Năm 1934, Đức Pháp chủ thượng Khánh hạ Anh, mở trường Phật học Lưỡng Xuyên ở Trà Vinh, nơi đây đã khai sơn hoằng truyền pháp môn niệm Phật, mở khóa "Niệm Phật Bá Nhựt Trì Danh"7. Sau này, Hòa thượng Thiện Phước Nhựt Ý kế nối, tiếp tục mở các khóa tu cho tăng ni, Phật tử. Đến tận ngày nay, Liên tông Tịnh độ Non Bồng luôn lấy phương pháp tu tập này làm căn bản.

Phương pháp thực hành “Phát nguyện niệm Phật”, được xem là tông chỉ thứ hai của Liên tông Tịnh độ Non Bồng. Phương pháp thực hành này đòi hỏi tín đồ phải dốc lòng kính tín Tam bảo (Phật – Pháp – Tăng), tôn thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà và Bồ tát Quán Thế Âm. Vì thế, tinh thần từ bi cứu khổ thấm đẫm trong thực hành của Liên tông Tịnh độ Non Bồng, đó là thực hành thiện nghiệp. Cho nên “khi làm Phật sự nào cũng phát nguyện nghiêm túc nguyện tu, nguyện hộ trì, nguyện làm lành bất thối chuyển nguyện làm con Phật bất thối chuyển, nguyện xuất gia bất thối chuyển”8. Theo quy định của hệ thống tự viện thuộc Liên tông Tịnh độ Non Bồng, thời điểm thực hành nghi lễ “Phát nguyện Niệm Phật” được quy định vào 23 giờ mỗi ngày, đối với Phật tử tham dự khoảng 15 – 30 phút, còn đối với tín đồ là 60 phút. Sau khi phát nguyện xong thì hồi hướng. Không một ai ngủ nghỉ trong giờ thực hành phát nguyện niệm Phật.

Phương pháp thực hành “Lễ bái niệm Phật” được xem là tông chỉ thứ ba của Liên tông Tịnh độ Non Bồng. Song, phương pháp này thường áp dụng cho những người tu tập trên núi. Lễ bái niệm Phật về hình thức là quỳ “năm vóc sát đất” thành tâm kính lễ. Nhưng cũng có khi đứng lạy, quỳ lạy, người già yếu thì ngồi lạy. Đối với tư thế đứng lạy, hai bàn chân phải khép sát vào nhau, hai ban tay chắp vào nhau, hai ngón cái xếp lên nhau. Liên tông Tịnh độ Non Bồng quan niệm “Đôi bàn chân đứng theo hình chữ “nhất” biểu hiện cho nội lực vững vàng, không ngã nghiêng, ngã ngửa, dễ dàng đưa hành giả đạt đến chỗ nhất tâm, nghiêm túc giữ gìn giới pháp Phật, hai ngón tay cái xếp lên nhau biểu hiện cho sự tinh tấn, kiên tâm trì chí, tâm chí vững bền, tu hành bất thối chuyển”9. Khi tín đồ, Phật tử lạy thì niệm Di Đà lục tự và khi đứng lên niệm Di Đà lục tự. Người phát nguyện phải thực hành từ 3 lạy (Lạy Tam bảo) đến 12 lạy (12 câu nguyện Nam mô An dưỡng quốc, 12 câu nguyện Quán Thế Âm…), 48 lạy (lạy 48 đại nguyện của Phật A Di Đà), 108 lạy (vừa lạy vừa niệm Phật). Khi thực hành “Lễ bái niệm Phật” có vị Duy na điểm chuông gia trì thật chậm cho tín đồ, Phật tử (Liên hữu) lạy Phật. Thời gian trong một ngày tăng ni, Phật tử trong chùa lễ bái hai lần vào buổi sáng và buổi chiều. Hoặc tập thể cùng nhau hành lễ, hoặc từng cá nhân, nhưng tất cả đều phải mặc áo tràng chỉnh tề. Việc thực hành “Lễ bái Niệm Phật” rất được chú trọng trong các thời gian nhập thất của tín đồ trong 7 ngày, 21 ngày hoặc 49 ngày, 100 ngày. Bên cạnh đó, liên hữu Tịnh độ Non Bồng cũng thường xuyên lễ sám kinh Dược Sư, lạy Vạn Phật, lễ sám Ngũ Bách Danh… thậm chí, lễ cả người già cả trong ngày lễ Vu lan, thể hiện tinh thần nhân văn hướng thượng của Liên tông Tịnh độ Non Bồng.

Cơ cấu tổ chức của Liên tông Tịnh độ Non Bồng

Liên tông Tịnh độ Non Bồng ngày nay là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sinh hoạt dưới sự lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Song, Liên tông Tịnh độ Non Bồng có cơ cấu tổ chức “nội bộ” riêng, nhằm đặt kết quả cao nhất trong sinh hoạt Phật sự và những hoạt động xã hội. Theo Bản nội quy Liên tông Tịnh độ Non Bồng thì cơ cấu tổ chức bao gồm Hội đồng tông phong và Ban chấp sự Hội đồng tông phong Liên tông Tịnh độ Non Bồng; Chùa Linh Sơn là Tổ đình của Liên tông Tịnh độ Non Bồng, tọa lạc tại núi Dinh (núi Bồng Lai hay núi Bao Quan) thuộc ấp Phước Thành, xã Hội Bài, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa  - Vũng Tàu; Quan Âm Tu viện là trung tâm hành chính, thuộc ấp Tân Bản, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Tông trưởng là người nắm vững tông phong, sống đạo đức, có uy tín với tăng ni, Phật tử trong và ngoài tông phái và phải được Hội nghị toàn thể tăng ni, Phật tử suy tôn. Hiện nay, Tông trưởng là Ni trưởng Huệ Giác.

Hội đồng tông phong Liên tông Tịnh độ Non Bồng bao gồm 4 thành phần nhân sự là: Chư tăng, Chư ni, Cư sĩ nam và Cư sĩ nữ. Ngoài ra, nếu Tịnh nhân Cư sĩ có phẩm hạnh tốt cũng được chọn cử vào Hội đồng. Về số lượng thì tùy theo nhu cầu và do Hội nghị bàn bạc.

Ban Chấp sự do Hội đồng suy cử tại Hội nghị Hội đồng tông phong. Ban Chấp sự
bao gồm:

1. Chứng minh: Đức Sư ông Bửu Đức; Đức tông chủ Thiện Phước.

2. Tông trưởng (hiện nay): Ni trưởng Huệ Giác.

3. Thành phần Ban Chấp sự: Cố vấn; Giám Luật Tăng; Giám Luật Ni; Tổng Thư ký; Ban Tăng sự; Ban Hoằng pháp; Ban Thế học và Phật học; Ban Nghi lễ; Ban Từ thiện Xã hội; Ban Trang nghiêm; Ban Nông Thiền; Ban Nghiên cứu Học Phật & Văn hóa Nghệ thuật; Ban Dược Sư; Ban Bảo trợ; Ban Kiểm soát.

Như vậy, Ban Chấp sự Liên tông Tịnh độ Non Bồng gồm 2 chứng minh; 1 Tông trưởng và 15 chức danh. Tại các Tự viện của Liên tông Tịnh độ Non Bồng trên cả nước, nếu lập riêng Đạo tràng Phật tử thì có nội quy sinh hoạt riêng trong phạm vi nội bộ Tự viện, nhưng không làm mất quy củ Tông phong và phải phụng thờ Đức Tông chủ Tôn sư.

Về nhân sự, Ban Chấp sự được bổ sung do nhu cầu Phật sự hoặc nhân sự khuyết tại hội nghị họp mặt hàng năm.

Các Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật Đường, Am, Cốc, Điện thờ Phật của Liên tông Tịnh độ Non Bồng đều phụng thờ: Chứng minh Đạo sư Đức Sư ông Bửu Đức; Tông chủ Thiện Phước Nhựt Ý; Kế thừa tông chủ là Ni trưởng Huệ Giác.

Giáo phẩm là chư vị Hòa thượng 60 tuổi đời, 40 tuổi đạo thì được Hội đồng Tông phong xét tấn phong; Thượng tọa 40 tuổi đời, 20 tuổi đạo được Hội đồng Tông phong xét tấn phong; Việc tấn phong giáo phẩm của chư Ni được áp dụng theo quy chế chư Tăng; và hàng đại chúng bao gồm: Đại đức; Sa di, Sa di ni; Thức xoa, Tịnh nhân10. Phật tử gồm: Bổn đạo là những người quy y tại chùa thuộc Liên tông Tịnh độ Non Bồng; Tín đồ Phật tử phát tâm quy y và Tín đồ tìm học và có khái niệm
về Phật pháp. 


 1. Quan Âm Tu viện (2016), Liên tông Tịnh độ Non Bồng - 57 năm hình thành & phát triển, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 126.

2, 3. HT. Thích Giác Quang (2010), Tịnh độ giảng lược, Nxb. Phương Đông, Hà Nội, tr. 197.

4. Quan Âm Tu viện (2016). Sđd., tr. 127

5, 6, 7. HT. Thích Giác Quang (2010). Sđd., tr. 208.

8. Quan Âm Tu viện (2016). Sđd., tr. 127.

9. Quan Âm Tu viện (2016). Sđd., tr. 128.    

10. Những người xuất gia tập sự ở Tự viện.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 28
    • Số lượt truy cập : 6939701