Thông tin

TÔN GIÁO VÀ NGÔN NGỮ

 

NGUYỄN HẢI HOÀNH

 


 

Ngày nay ai cũng biết ngôn ngữ và tư duy đồng thời xuất hiện trong bộ óc con người và gắn chặt với nhau như hình với bóng, làm cho loài người khác hẳn mọi loài động vật. Người Hy Lạp định nghĩa con người là “loài động vật biết nói”. Ngôn ngữ (tiếng nói) ra đời cùng với con người và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự hình thành loài người, kết nối họ thành cộng đồng xã hội. Ngôn ngữ tồn tại ngay từ khi bắt đầu hình thành thế giới của con người và muôn loài trên Trái Đất. Ngôn ngữ thể hiện sự tồn tại của con người, ở đâu có con người thì ở đó có ngôn ngữ.

Các nhà sáng lập những tôn giáo lớn như Phật giáo, Kitô giáo... đi đầu nhận thức được ý nghĩa, vai trò quan trọng của ngôn ngữ. Hơn ai hết, họ triệt để sử dụng ngôn ngữ để truyền bá tôn giáo của mình. Các văn bản ghi lại chữ viết cổ xưa nhất như chữ Phạn, chữ Hebrew... là các bản chép Kinh điển tôn giáo. Rõ ràng, tôn giáo đã có đóng góp rất quan trọng vào việc phát triển ngôn ngữ của loài người. Nghiên cứu ngôn ngữ học tất phải nghiên cứu các tôn giáo lớn trên thế giới. Phật giáo góp phần quan trọng trong nghiên cứu chữ Hán ở Việt Nam, không ít thiền sư rất giỏi ngôn ngữ, như Thiều Chửu, Thích Nhất Hạnh… Các ngôi chùa giữ được nhiều di tích chữ Hán trong văn bia, hoành phi câu đối, kinh Phật… Nhiều linh mục Công giáo đi đầu sử dụng chữ Nôm và chữ Quốc ngữ, làm nên cái gọi là Chữ Nôm Công giáo hồi thế kỷ 18-19.

Sau đây xin nêu một ví dụ cho thấy mối quan hệ giữa Kitô giáo với ngôn ngữ.

Có người cho rằng quan điểm đánh giá cao ngôn ngữ là do các nhà ngôn ngữ học ở thế kỷ XX đề xuất, nhưng thực ra từ mấy nghìn năm trước, điều đó đã được viết rành rành trong phần mở đầu sách Phúc âm (Gospel) John trong Kinh Tân Ước [John 1:1 約翰福音] của Kitô giáo:

Vào lúc bắt đầu [tạo ra thế giới] thì đã tồn tại Lời Nói, và Lời Nói ở cùng Chúa Trời, và Lời Nói chính là Chúa. Nó tồn tại cùng với Chúa vào lúc ban đầu. (In the beginning was the Word and the Word was with God and the Word was a God. This one was in the beginning with God)1 ( 在最初就有 “ 話語” 。 “話語” 跟上帝同在, “話語” 是個神。在最初,他就跟上帝同在。)2

Ở đây Lời Nói, Word được viết hoa, “話語” được viết trong ngoặc kép để nhấn mạnh. Kỳ thực câu này cũng chỉ là nhận xét rút ra từ câu chuyện chép trong Sáng Thế Ký (Genesis 創世紀) của Kinh Cựu Ước viết trước Tân Ước mấy nghìn năm: Khi Đức Chúa Trời God Jehovah bắt đầu tạo ra thế giới, tức tạo ra muôn loài trên Trái Đất, Ngài xuất hiện dưới hình ảnh một lời nói vang lên từ trên cao vời vợi: “Hãy có ánh sáng! Let there be light! 要有光” Tiếng Ngài vừa dứt, ánh sáng lập tức bừng lên, xua tan bóng tối trên Trái Đất, làm ra ngày và đêm. Chúa Trời Jehovah dùng 6 ngày để sáng tạo muôn loài, riêng hai thủy tổ loài người là Adam và Eve được tạo ra sau cùng và đặt vào trong vườn Eden. Ngày thứ bảy, Chúa Trời nghỉ ngơi không làm gì.

Như vậy Chúa Trời dùng ngôn ngữ nói để thể hiện sự có mặt, sự tồn tại của mình. Đọc Kinh Thánh, có thể thấy là bất cứ khi nào gặp đối tượng cần giao tiếp, Chúa Trời chưa bao giờ để lộ hình hài của mình, Ngài chỉ hiện ra dưới hình thức âm thanh của Lời Nói (Word); muôn loài trên thế giới đều hiểu rằng Lời đó chính là Ngài.

“Word” còn được dịch là “Ngôi Lời “. Thực ra “Ngôi Lời” có gốc là “Logos”, một từ tiếng Hy Lạp, thứ tiếng dùng để viết kinh Tân Ước, dịch ra tiếng Anh là Word (viết hoa), dịch ra tiếng Hoa là “話語”, dịch ra tiếng Việt là “Ngôi Lời” (viết hoa). Có giải thích “Ngôi Lời” là lời nói ra miệng (có âm thanh), khác với lời trong đầu óc, chưa nói ra miệng (không có âm thanh, không nghe thấy, chỉ là ý nghĩ).

Đức Chúa Trời Jehovah là Đấng Sáng Tạo, một sức mạnh siêu tự nhiên mãi mãi không giải thích được. Các tác giả Cựu Ước thật vô cùng sáng suốt khi diễn tả Chúa Trời bằng hình ảnh Ngôi Lời: bởi lẽ đã là Đấng Siêu nhiên thì Ngài không thể có hình hài cụ thể, phải dùng lời nói ra miệng (tức Ngôi Lời) để thể hiện sự có mặt của mình. Lời Nói ấy thể hiện ý nghĩ của Chúa Trời, Lời Nói là Chúa Trời! Kitô giáo đánh giá ngôn ngữ quan trọng như thế đấy!

Ngày nay, khoa học coi ngôn ngữ là cái vỏ vật chất của tư duy, là công cụ để loài người giao tiếp với nhau, trao đổi thông tin. Hơn nữa, ngôn ngữ là biểu hiện của trí tuệ. Trong sách “Cơ cấu trí khôn (Frames of Mind)”, nhà tâm lý học Howard Gardner viết: Năng lực ngôn ngữ chính là năng lực trí tuệ3. Suy ra, Kinh Thánh viết “Lời Nói là Chúa Trời”, tức Chúa Trời đại diện cho trí tuệ.

Adam, Eve cũng như con cháu của họ, tức nhân loại, đều nghe hiểu lời Chúa. Như vậy nghĩa là loài người thời nguyên thủy đã dùng ngôn ngữ thể hiện tư duy, thể hiện trí khôn của mình. Ngôn ngữ tiềm ẩn sức mạnh to lớn, có vai trò quan trọng đối với đời sống loài người. Từ xa xưa, các nhà sáng lập Kitô giáo đã sớm nhận thức được điều đó và ghi vào Kinh Thánh như một bài học để lại cho đời sau.

Trong thực tế, Kitô giáo coi ngôn ngữ là công cụ quan trọng nhất để truyền bá giáo lý. Tôn giáo này đã có đóng góp lớn vào việc phát triển ngôn ngữ các dân tộc được truyền giáo. Phần lớn các nhà truyền giáo đều là nhà ngôn ngữ học, đến đâu họ cũng học bằng được tiếng nói của nơi đó để có thể giảng dạy giáo lý bằng tiếng địa phương, thậm chí còn làm cả chữ viết cho ngôn ngữ bản xứ.

Ví dụ đầu thế kỷ XVII một nhóm giáo sĩ Dòng Tên Thiên Chúa giáo đến Việt Nam truyền giáo đã bỏ vài chục năm nghiên cứu phiên âm hóa, Latin hóa, hiện đại hóa chữ Nôm, cuối cùng thành công làm ra chữ Quốc ngữ. Đây là loại chữ viết biểu âm (phonograph) Latin hóa, cực kỳ tiện lợi, ghi âm được 100% tiếng Việt, gần như đạt được yêu cầu cao nhất đối với chữ viết là nói-viết hoàn toàn nhất trí, ưu việt hơn hẳn chữ Nho và chữ Nôm đã dùng trước đó.

Chữ Quốc ngữ là một thành tựu vĩ đại, một cống hiến vô giá cho dân tộc ta không chỉ trong lĩnh vực ngôn ngữ học. Học giả Phạm Quỳnh đánh giá chữ Quốc ngữ là công cụ kỳ diệu giải phóng trí tuệ của người Việt Nam. Đúng thế, sau khi chữ Quốc ngữ được phổ cập, trí tuệ người Việt được giải phóng và phát triển như vũ bão, chỉ trong hơn một trăm năm, dân tộc ta đã nâng nền văn minh của mình lên một tầm cao chưa từng thấy, điều mà chữ Nho và chữ Nôm trong mấy nghìn năm tồn tại trước đó đã không thể làm được. Phát minh chữ Quốc ngữ đã chắp cánh cho nền văn minh Việt Nam bay lên, trong một thời gian ngắn theo kịp thế giới hiện đại. Rõ ràng, chữ Quốc ngữ là di sản văn hóa phi vật thể vĩ đại nhất, hữu ích nhất mà chúng ta được thừa hưởng. Tài sản vô giá này cần được tất cả mọi người mãi mãi trân trọng, gìn giữ và phát triển.

 


1. New World Translation of the Holy Scriptures, by the New World Translation Committee, New York 2013.

2. 聖經 新世界譯本,日本印2006 年.

3. “Cơ cấu trí khôn”, Howard Gardner, Phạm Toàn dịch, NXB Tri thức, Hà Nội 2012.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 155
    • Số lượt truy cập : 6794102