Thông tin

TÔN NGHIÊM CỦA CHIẾC BÌNH BÁT NHÀ PHẬT

 

HUỲNH THANH BÌNH

 

Nhà sư đi khất thực trên đường phố Luang Prabang, Lào.

 

Chiếc bình bát là vật phẩm thường đi kèm với các tu sĩ Phật giáo. Đó là thứ vật dụng mà ai cũng biết công dụng của nó. Song để hiểu rõ nguồn gốc, chức năng cùng với những quy phạm liên quan lại là một vấn đề đáng chú ý. Bát; Phạn: Patra, Pali: Patta; gọi đủ: Bát-đa-la, Bát-hòa-la; cũng viết: Bát-đa-la Ba-đa-la, Ba-đát-ra, Bát-đát-ra, Bát-hòa-ra (la) Bát-hòa-la; còn gọi: Bát Vu, Hán dịch: Ứng khí, Ứng lượng khí, Ứng tượng khí; Tây Tạng: lhung-bzed. Bát thứ dùng để đựng thức ăn vừa đủ no cho nhà sư khất thực, là vật dùng để nhận thực phẩm do trời người cúng dường.1

1. Phật hồi còn trụ thế, thường bữa mặc áo, ôm bát, đi vào thành phố hoặc làng xóm mà khất thực. Chư Tỳ-kheo hành đạo Đầu-đà cũng làm như vậy. Hiện nay, các sư miền Nam tông thường ngày cũng ôm bát, đi khất thực. Chưa ai cho thì còn ló cái bát ra; xin đủ ăn thì phủ cái bát lại, nhà sư đi thẳng về chùa hoặc ra ngồi nơi gốc cây mà ăn.2

Tăng lữ Phật giáo thường cầm bát trong tay. Bát cùng với áo cà sa là tiêu chí cố định để nhận biết người tu hành. Bát chủ yếu dùng để đựng đồ ăn thức uống, cúng phẩm, đồng thời bát còn tượng trưng cho việc có thể chữa được tất cả bệnh đói khổ của chúng sinh, hưởng thụ pháp vị vô thượng. Bát tượng trưng - cho đoạn trừ và tính không.3

Mỗi vị sư, khi thọ giới cụ-túc thì Hòa thượng nhơn danh giáo hội, truyền cho một cái bát. Hoặc là khi cái bát của mình bể, thì giáo hội phát cho cái khác. Lúc thọ lãnh bát, nhà sư nguyện ba lần như vầy:

Thiện tai Bát-đa-la. Như Lai ứng lượng khí! Phụng trì dĩ tư thán. Trưởng dưỡng trí huệ mạng.

Án chỉ rị chi rị phạt nhựt ra hồng phấn tra.

(Lành thay cái Bát-đa-la, Món đồ ứng lượng của Phật! Tôi nay phụng trì để nuôi thân và để nuôi lớn cái mạng trí huệ).

Mỗi khi cầm bình bát đặng đi khất thực, nhà sư có nguyện như vầy:

Chấp trì ứng khí, Đương nguyện chúng sanh. Thành tựu pháp khí, Thọ thiên nhơn cúng dường.

Án chỉ rị chi rị phạt nhựt ra hồng phấn tra.

(Cũng như tay tôi nâng bát, tôi nguyện cho chúng sanh thành ra món đồ pháp khí và nhận được Tiên và người cúng dường).

Khi thấy cái bát không, chưa đựng đồ ăn, nhà sư nguyện như vầy:

Nhược kiến không bát, Đương nguyện chúng sanh, Cứu cánh thanh tịnh, không vô phiền não.

(Như thấy cái bát không, tôi nguyện cho chúng sanh được thanh tịnh rốt ráo, trống không chẳng có phiền não).

Khi thấy cái bát đầy đồ ăn, nhà sư nguyện như vầy:

Nhược kiến mãn bát, Đương nguyện chúng sanh, Cụ túc thạch mãn nhứt thiết thiện pháp.

(Như thấy cái bát đầy, tôi nên nguyện cho chúng sanh đầy đủ tròn trịa tất cả các pháp lành).4

2. Luật quy định người xuất gia phải dùng bát được chế định đúng như pháp. Bát hình bầu tròn, đáy bằng, miệng hơi nhỏ lại. Nguyên liệu, màu sắc và dung lượng lớn nhỏ của bát được quy định như sau:

Về nguyên liệu, bát cũng có thể làm bằng đồng, bằng thiết, hoặc sắt, có thể dùng hợp kim là sắt và thiếc, có khi cũng làm bằng gỗ, bằng đất; hay thường được làm từ đá có chấm đỏ hoặc những phiến đá dài… Bát bằng đất nung hoặc sắt được sản xuất cho tăng đoàn, nhưng bát tốt nhất được chế tác từ hỗn hợp sắt và thiếc, và thường được phủ lớp sơn đen. Đức Phật A Di Đà được thể hiện cầm bát ngọc lam, và đức Phật Dược Sư cầm bát chứa thần dược bằng khoáng berin lam với sắc xanh da trời của đá lưu ly.5

Nếu bát làm bằng thiếc thì gọi là Bát thiếc (Pali: Ayo-patta), bát làm bằng đất nung thì gọi là Bát sành (Pali: Mattika-patta) hay Bát đất.6

Dựa vào truyền thuyết Phật giáo, Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni sau khi đắc đạo có nhận được chiếc bát từ Tứ Đại Thiên Vương, mỗi vị cúng dường một chiếc bát, cái đẹp nhất được tạo tác từ những loại ngọc, đá quý, và cái đơn giản nhất làm từ đá thông thường, đức Phật đã chọn chiếc bát đá đơn giản, hay ngài nhận cả bốn chiếc bát, nhưng nhập chúng lại thành một chiếc bát đơn giản vừa đủ cho một người hành khất nhỏ bé7. Một chiếc bát dù được tạo ra từ ngọc đá quý, hay ngọc đá bình thường thì đều hợp thành một thể có màu sắc riêng, khiến các tăng nhân bình thường khi đi hóa duyên đều có thể sử dụng, thể hiện Phật pháp không phân chia giàu nghèo, đối với chúng sinh đều bình đẳng8. Theo một vài truyền thống Phật giáo, chiếc bát đá được tạo tác từ đá pocfia hoặc khoáng phen-xpat.9

Phần bên trong của bát theo truyền thống có sắc trắng biểu thị 49 phần chia từ gạo, sữa mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thọ thực trước khi giác ngộ. Chất trắng này cũng có thể được nhìn nhận là sữa chua hoặc sữa và 49 ngày sau đó, thì Ngài đắc đạo, hoặc tượng trưng cho ba loại cam lộ là trí tuệ, trường thọ và sinh mệnh. Trong bát đựng đầy những vật may mắn như hoa quả, cam lộ, hoặc châu báu, hay núi Tu Di, hoặc là vật phẩm cúng dường, hoặc đại diện cho Tam bảo Phật, Pháp, Tăng. Thuộc tính cụ thể của một vị Phật riêng biệt cũng có thể được thể hiện ở chiếc bát của ngài. Bát của những vị Phật khác nhau thì đựng những vật phẩm không giống nhau. Đường kính của bát nhỏ, ở trên thường trang trí châu báu bằng vàng hoặc chuỗi ngọc, thể hiện bát của Phật Đà không chỉ là đồ dùng để đựng thức ăn mà còn biểu thị một hành vi và cảnh giới tu trì tối cao.10

Bát truyền thống của một chư tăng hay tỳ kheo được tạo tác giống ushnisha của đức Phật đảo ngược, một biểu tượng của việc đạt đến Phật tính tối thượng, như sự hiểu biết để nhận thức tính không một cách trực tiếp. Bát nói chung được cầm trên tay trái “trí tuệ” của những vị Phật trong dạng thức ngồi và các môn đệ, tăng đoàn. Tay trái thường đặt trên vạt áo trong tư thế thiền định, với bát biểu thị sự từ bỏ và thủ ấn thiền định theo với tính không.

Trong nghệ thuật Tây Tạng, bát của đức Phật được miêu tả đen như mắt quạ và có hình dáng giống nửa dưới quả trứng chim. Truyền thống mô tả bát trong sắc xanh dương thẫm của sắt, với vành mép cong hướng vào trong để ngăn những thứ từ bên ngoài lọt vào khi vị tỳ kheo đi khất thực vòng quanh vào buổi sáng. Giới luật của tu viện (Phạn: Vinaya) quy định một chư tăng Phật giáo nên thọ thực thường ngày trước buổi trưa do thức ăn dễ hư hỏng vì cái nóng của cả một ngày ở Ấn Độ.11

Còn túi đựng bát gọi là Bát nang hay Bát đại. Chân bát để giữ đừng cho bát nghiêng đổ, gọi là Bát chi. Bát của Đức Thích Tôn dùng gọi là Phật bát (bát đá chỉ dành riêng cho Phật sử dụng). Đời sau, cũng có người làm bát bằng gỗ rồi sơn phết, nhưng loại bát này của ngoại đạo sử dụng, chứ không nằm trong phạm vi giới luật quy định.12

Có 5 phương pháp vá bát nứt hay lủng gọi là Ngũ xuyết bát:

- Dùng que nhọn trám vào lỗ hỏng.

- Dùng miếng thiếc nhỏ để dát vào cho chắc.

- Phía trong và ngoài bốn bên chỗ nứt hay lủng đều kẹp sát nhau giống như răng cá.

- Dùng miếng thiếc trám lỗ lủng, rồi lại dát thiếc bao xung quanh.

- Dùng mạt vụn để vá (mạt sắt vụn hay mạt đá mài).

Nếu bát bị nứt hay lủng phải vá cho đến 5 lần (một lần vá là chiều dài 2 ngón tay, khoảng 6 phân), nếu vá đủ 5 lần mà còn nứt hay lủng nữa, thì không cần vá thêm, mà được phép đổi bát mới.

Bát đã trải qua 5 lần vá mà còn sử dụng được thì gọi là Ngũ xuyết bát (bát đã 5 lần vá).13

3. Dung lượng bát lớn nhỏ tùy theo mỗi bộ luật quy định và cũng tùy theo tên gọi mà có sự sai biệt. Thông thường, có 3 loại bát: Bát thượng, bát trung, bát hạ.

Theo Luật Thật Tụng 43 quy định, thì bát thượng chứa được 3 bát tha cơm, 1 bát tha canh và những thức ăn khác bằng 1/2 canh; bát hạ chứa được 1 bát tha cơm, nửa bát tha canh và những thức ăn khác bằng 1/2 canh; bát trung thì dung lượng bằng 1/2 bát thượng và hạ.

Theo Tát-bà-đa Tỳ-ni Tỳ-bà-sa 5 giải thích, thì 1 bát tha tương đương với 30 lượng cơm, 3 bát tha cơm là 2 lít; 1 bát tha canh và những thức ăn khác bằng 1/2 canh cộng chung là 1 bát tha rưỡi, tức là 1 lít.

Ngoài 3 loại bát thượng, trung và hạ, còn có:

Quá bát, còn gọi: Đại bát, bát này lớn hơn bát thượng.

Giảm bát, còn gọi: Phi bát, bát này nhỏ hơn bát hạ.

Tùy bát, là đồ đựng thức ăn phụ của thiển thiết bát, tương đương với cái chén.14

Vị Tôn chủ ở giữa bức Thangka vẽ trên vải, đời Thanh, lưu giữ tại Bảo tàng Cố Cung, Bắc Kinh là Phật Thích Ca Mâu Ni hiện thành tướng đạo, tay phải kết ấn xúc địa, tay trái nâng bát, trong bát chứa đầy hoa quả, ngồi kiết già trên đài hoa sen, ở phía trước hai bên trái phải là hai đại đệ tử đang đứng là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, phía sau dựa vào tượng rồng Yết ma trang nghiêm, xung quanh có các vị Đại sư, Phạn Thiên, Đế Thích… của Mật tông Tây Tạng.15

Với những gì trình bày trên đây, chúng ta thấy bình bát là một vật phẩm đặc dụng, có quy định tôn nghiêm mà người sử dụng nó luôn phải tuân thủ một cách nghiêm cẩn tránh việc tùy tiện như một thứ đồ đựng thông thường.

 

Bình bát chứa các vật phẩm cát tường như núi Meru, sữa chua, chiêu liệu và tam bảo.
Nguồn: Robert Beer (2003). The handbook of Tibetan Buddhist symbols. Nxb Shambhala, tr. 183.

 

Đức Phật cầm bình bát. 
Tranh tường chùa Tắc Giồng, Sóc Trăng.

 

 

Đức Phật cầm bình bát. Tranh chùa Trà Tim giữa, Sóc Trăng.

 


Chư tăng cầm bình bát. Tượng chùa Pem Puôl, Sóc Trăng.

 

Đức Phật với bình bát. Tranh tường Wat Pangla, Thái Lan.

 

Bình bát, Trung Quốc, cuối thế kỷ 16.

 

Bình bát, Nhật Bản, thời kỳ Nara (710-794).
Hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan, Mỹ.

 

 

Bình bát, Thái Lan, thời kỳ Vương triều Lana.

 


[1] Theo:

- Thích Minh Cảnh (chủ biên). Từ điển Phật học Huệ Quang, Tập 1: A-B, tr. 533-534.

- Đoàn Trung Còn (2011). Phật học từ điển. Nxb Tổng hợp TP.HCM, tr. 169.

- Robert Beer (2003). The handbook of Tibetan Buddhist symbols. Nxb Shambhala, tr. 182-184.

[2] Đoàn Trung Còn (2011). Sđd.

[3] Nặc Bố Vương Điển (2011). Pháp khí Mật tông, Nxb Hồng Đức, tr. 44.

[4] Đoàn Trung Còn (2011). Sđd.

[5] Theo:

- Đoàn Trung Còn (2011). Sđd.

- Nặc Bố Vương Điển (2011). Sđd.

- Robert Beer (2003). Sđd.

[6] Thích Minh Cảnh (chủ biên). Sđd.

[7] Theo: Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1997). Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới. Nxb Đà Nẵng - Trường Viết văn Nguyễn Du, tr. 157-160: … Lễ hiến sinh trong đạo Vệ Đà, biểu trưng sự chia chiếc chén Tvashtri độc nhất bởi ba Ribhu thành bốn chén sáng chói như bốn mặt trời, phản ánh ý niệm về sự khai triển vũ trụ từ một trung tâm sáng tạo ra bốn hướng chính. Ngược lại, khi đức Phật nhập bốn bình bát được bốn Maharaja đem về từ tứ phương thành một bát duy nhất, thì Ngài đã đưa cái con số vũ trụ chia làm bốn trở lại thể độc nhất nguyên thủy.

[8] Nặc Bố Vương Điển (2011). Sđd.

[9] Robert Beer (2003). Sđd.

[10] Theo:

- Nặc Bố Vương Điển (2011). Sđd.

- Robert Beer (2003). Sđd.

[11] Robert Beer (2003). Sđd.

[12] Thích Minh Cảnh (chủ biên). Sđd.

[13] Thích Minh Cảnh (chủ biên). Sđd.

[14] Thích Minh Cảnh (chủ biên). Sđd.

[15] Nặc Bố Vương Điển (2011). Sđd.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 22
    • Số lượt truy cập : 6703619