Thông tin

TQ13 - ÁI TÌNH VÀ ...

ÁI TÌNH VÀ...

TRẦN QUỐC TRIỆU

 

 Yêu, là chết ở trong lòng một ít.

Họ lạc lối giữa u sầu mù mịt,

Những người ai theo dõi dấu chân yêu;

Và cảnh đời là sa mạc cô liêu.

Và tình ái là sợi dây vấn vít.

Yêu, là chết ở trong lòng một ít.

                                                      (Xuân Diệu)

Bạn đã từng yêu, đang yêu và sẽ yêu. Vậy tình yêu là gì mà nhân loại đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực viết về vấn đề này như vậy? Những câu chuyện tình yêu đẹp như cổ tích và cả những câu chuyện thật bi đát để người ta phải lệ đẫm trong khổ đau của chia ly... Trong xã hội hôm nay, biết bao người bởi tình yêu mà sống và cũng bao kẻ vì tình yêu mà chết... Chúng ta có mặt trong cuộc đời này cũng từ tình yêu của cha mẹ, sống và lớn lên trong tình yêu thương của gia đình, trưởng thành trong tình yêu giới tính. Một tình yêu tuyệt vời không có sự toan tính sẽ giúp ta thăng hoa trong cuộc sống.

Khi xem xét đời sống tự nhiên bằng góc nhìn của nhân chủng học thì con người là một nhóm cá thể do nhu cầu tồn tại đã liên kết với nhau tạo ra những cộng đồng mang hình thái xã hội mà ở đó người với người gắn kết với nhau bằng các quan hệ và tình yêu là một trong những mối quan hệ đặc thù và phổ biến nhất của loài người. Người ta yêu nhau để tìm sự đồng cảm, sẻ chia, giảm bớt sự sợ hãi, thoả mãn nhu cầu tâm sinh lý... Mục đích chính của sự kết đôi là nhằm duy trì nòi giống và để sự sống tiếp nối trong những thế hệ tương lai. Chúng ta được sinh ra, lớn lên và lẽ thường là có tình yêu rồi kết hôn để tạo ra một gia đình. Tiếp tục như vậy, con cháu chúng ta được sinh ra lớn lên, kết hôn và cái vòng tròn đó cứ quay từ thế hệ này tiếp nối thế hệ khác... Nếu một ai đó không lấy vợ, lấy chồng có thể bị coi là không bình thường.

Như vậy, tình yêu là một điều bình thường và tất yếu phải có trong đời sống xã hội của con người vì lý do này hay lý do khác. Nhưng quán xét sâu vào tình cảm mang tính chất luyến ái như tình yêu giới tính thì bản chất nó chính là biểu hiện của ái dục. Dục là đam mê mang tính vật lý bên ngoài. Ái là thứ vướng mắc, đam mê phát sinh từ cảm thọ, ý thức và nghiệp lực. Xin được chia sẻ một góc nhìn khác về ái tình để ta có thể hiểu hơn về tình cảm vô cùng “ác liệt” này. Như một món ăn thượng hạng chỉ dành cho những thực khách đặc biệt, bài viết này cũng vậy, nó chỉ dành cho những độc giả đặc biệt, những người đã có sự hiểu biết nhất định, vượt lên số đông những người coi lạc thú của ái tình là niềm vui, hạnh phúc... Mong rằng những chia sẻ nơi đây có thể là gợi ý cho những ai thấy ra được sự mâu thuẫn và khổ đau của con người vướng lụy tình ái mà đi sâu tìm hiểu để có thể nhận rõ được chân tướng của nó trong đời sống, thấy ra chân lý và không còn ảo tưởng vào cái gọi là “tình yêu”.

Ai đã từng yêu sẽ thấy ngay tình yêu như thế nào, cái “chất vị” tình yêu nó khác nhau nơi mỗi người và chẳng phải là thứ để chúng ta định nghĩa. Giống như một người khát nước, anh ta chỉ hết khát khi uống nước và cũng chỉ anh ta mới biết được vị của nước mà mình uống ra sao. Nếu ai đó hỏi rằng “Có ngon không?”. Câu trả lời là “Ngon” thì người ta cũng chỉ có thể tưởng tượng chứ chẳng thể thực sự biết được vị của nước là ngon như thế nào. Tình yêu cũng vậy, nó không nằm nơi những con chữ của khái niệm mà nằm ngay trong khoảnh khắc thực tại nơi mỗi người đang yêu cảm nhận. Cảm giác về cái vị của nước và cảm thọ đối với tình yêu cũng trôi qua thật mau và nhanh chóng trở thành ký ức thời gian. Kẻ yêu chẳng thể níu giữ cái cảm xúc yêu thương đẹp đẽ ấy cho ngày sau dùng tiếp. Rồi ra lạt phấn phai hương/ Lòng kia giữ được thường thường mãi chăng (Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Tình cảm là một khái niệm trừu tượng, một đại lượng không thể đo lường, nó luôn biến đổi cùng với những xao động của tâm thức mỗi người. Ta nghe nói rằng “Em yêu anh rất nhiều” thì cái “yêu rất nhiều” ấy sẽ được định lượng như thế nào? Dùng cái gì để đo đếm? Người nói cũng chẳng thể chỉnh cho cái “độ yêu” ấy nó tăng lên hay giảm xuống, có chăng thì chỉ biểu đạt bằng một hình thức nào đó như trao tặng cho người yêu những thứ mà mình nghĩ là quý giá, dành thời gian, sự chăm sóc... Tuy nhiên, lời nói hoặc những việc làm chỉ là cái hình tướng bên ngoài, người ta chẳng thể bước vào một thế giới nội tâm u uẩn, mâu thuẫn và đầy sóng gió bão bùng bên trong mỗi cá nhân để khám phá, để ngắm nghía xem nó như thế nào. Dầu tin tưởng: chung một đời, một mộng/ Em là em, anh vẫn cứ là anh/ Có thể nào qua Vạn Lý Trường Thành/ Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật. (Xuân Diệu).

Hai con người, hai vũ trụ bao la, ở nơi ấy sóng gió có thể nổi lên bất cứ lúc nào. Hai thực thể được hình thành từ những gia đình khác nhau, từ nhưng nền văn hoá khác nhau, được bồi đắp bởi những định kiến và quan niệm đầy ắp cái ta, đầy ắp chấp trước của bản ngã trong đó. Chỉ cần một câu nói, một cử chỉ mà cái ta không được đáp ứng, không được thoả mãn thì ngay lập tức sự hài lòng của một giây trước đó sẽ biến thành sự giận hờn trong một giây sau đó. Thế thì đâu phải là yêu người, đâu phải là tình yêu thực sự dành cho người kia, đó chính là yêu bản thân mình, yêu những cái mà ta cho là của mình.

Khi bước vào đời, chúng ta thực sự chẳng hiểu gì về bản chất tình ái nhưng vẫn sẵn sàng lao vào cuộc chơi mà chẳng hề sợ hãi. Vì sao vậy? Vì truyền thống, văn hóa, luân lý, quan niệm, định kiến... bao đời nay là như vậy, trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng. Rồi ta nghe, đọc thấy ở đâu đó những điều về tình yêu thật ngọt ngào, hấp dẫn, nó kích thích sự tò mò và trí tưởng tượng phong phú làm cái thân vật lý hồi hộp và run rẩy trong những xúc cảm được dẫn dắt bởi tri giác mù lòa. Thêm nữa, những chủng tử trong tâm thức âm thầm kích động, thúc giục chúng ta kiếm tìm đối tượng để thoả mãn sự đòi hỏi xuất phát từ những vi thể được cấu thành bởi năng lượng ái dục đã tích tụ nơi ta nhiều đời nhiều kiếp.

Hầu hết mọi sinh vật hữu tình trên cuộc đời này đều được hình thành từ năng lượng này. Chúng ta cũng trở lại cuộc đời chính bởi dòng năng lượng tham đắm và vướng mắc sẵn nơi tâm thức. Ta sẵn sàng tham gia vào trò chơi tình ái để đi loanh quanh mãi trong cõi dục mà chẳng thể đổi mới nhận thức của mình để thấy bản chất thật của nó. Lý do gì ta có mặt trên cuộc đời này? Nếu chẳng bởi những nhân duyên, ân oán, tham đắm và dính mắc mà gốc gác của nó chính là vô minh thì đâu có rơi vào cái vòng sinh tử luẩn quẩn đó. Có bao nhiêu người trong chúng ta biết rằng mình là kết quả của ái dục giữa cha mẹ cùng với dòng nghiệp thức ái nhiễm của chúng ta bị chiêu cảm tham gia vào trò chơi hoan lạc đó?

Trò chơi đó lại tiếp tục với chúng ta và con cháu chúng ta. Vì sao vậy? Vì chúng ta thấy rằng trò chơi đó mang lại cho ta những hương vị mặn mòi của luyến ái mà ta hằng quen thuộc, cho ta niềm vui mà ta ngỡ là hạnh phúc. Chỉ khi nào ta “nhìn” bằng con mắt trí tuệ vào sâu những yếu tố cấu thành hạnh phúc đó mới có thể thấy ra nó chỉ là một thứ hạnh phúc ngắn ngủi, phù du. Nó đem đến sự thỏa mãn thân xác trong khoảnh khắc như chớp loé nhưng lại che mờ tất cả sự sáng suốt vốn sẵn nơi “tự tánh”. Cũng có thể nói rằng chính tình ái là thứ có thể tàn phá “năng lượng” con người dữ dội nhất, nó nhấn ta ngày càng sâu xuống vũng bùn nhầy nhụa của vô minh mà chẳng biết đời nào kiếp nào mới thoát ra được. Đáng tiếc là hầu hết chúng ta không nhận ra và chẳng biết có con đường nào khác nên vẫn tình nguyện lao vào và đắm chìm trong bể khổ của ái tình để trôi lăn trong sinh tử.

Tại sao con người chúng ta cam tâm lao mình vào cái bể khổ của tình ái như vậy? Chính do năng lượng ái dục tự hữu bên trong làm cho những loài có tình thức như loài người luôn bị thúc đẩy phải tìm đến đối tượng khác giới để thoả mãn dục vọng. Từ đó tạo thành dòng chảy nối dài, cuốn ta vào nhịp vận hành với sức mạnh không thể cưỡng lại của nó là vòng luân hồi bất tận. Sở dĩ chúng ta tình nguyện trôi theo dòng chảy này là vì trên thế gian không có sinh vật nào cô đơn bằng con người. Có những lúc chúng ta cảm nghiệm được là tuy có có bạn bè, người thân quanh mình nhưng trong sâu thẳm vẫn là sự cô đơn trống vắng. Sống với người mình thương yêu nhưng vẫn là hai vũ trụ chứa đầy bí mật “đồng sàng dị mộng”, mỗi người mang một tâm trạng khác nhau.

Gốc gác cô đơn là do con người có tri thức. Tri thức đẩy con người đến chỗ nhận biết con người vốn là kẻ độc hành trên cuộc đời này. Chúng ta đến một mình tay trắng rồi ra đi cũng một mình trắng tay, và trong cõi mênh mông vô cùng chẳng có gì dễ sợ bằng sự trống trải của kiếp người. Điều này được thể hiện rõ trong đời sống hiện tại. Khi mà tâm thức chúng ta có nhiều lo âu, toan tính, bận tâm thì chúng ta cảm thấy đời sống tràn đầy năng lượng. Khi mà không có gì để lo nghĩ, suy tư, trống trải thì chúng ta rất lo sợ. Chúng ta vội vàng hướng ra ngoài tìm một cái gì đó lấp cho đầy lòng mình. Cho nên thật tội nghiệp cho chúng ta khi luôn cần có người để yêu thương, cần có người bên cạnh mình để bớt đi nỗi sợ hãi, cần có người để chia sẻ dù thực tế chính là mang lại phiền não, là nợ nần và lao ngục của nhau suốt kiếp người. Gái có chồng như gông đeo cổ/ Trai có vợ như nợ ở đời. (Ca dao)

Sẽ có nhiều người nói rằng chúng ta bước vào đời sống luyến ái cũng chính là phải trả quả mà chính ta đã là người gieo nhân trong quá khứ. Điều đó đúng nhưng chính chúng ta cũng vì ái dục mà gieo nhân trong quá khứ nên ta tiếp tục phải bước vào để trả món nợ mà mình đã vay từ kiếp nào đó. Điều này thực ra không quan trọng, quan trọng là chúng ta bước vào đời sống tình ái trong hiện tại chúng ta có thực sự thấy ra được bản chất của nó, thấy ra được những vướng mắc, nguyên nhân đưa ta vào đời sống đó hay không. Thêm nữa, dấn thân vào sự mời gọi của ái tình ta có học ra được bài học gì từ đó không. Nếu không học được điều gì mà lại bị dính mắc và kẹt cứng vào những lạc thú của đời sống thì ta sẽ phải tiếp tục trở lại cõi nhân gian này để học tới khi nào thấy ra “sự thật” và có thể viễn ly được những cám dỗ đã đẩy đưa ta vào lao ngục đó.

Chúng ta cũng bước vào và trải qua những mối tình, ra đi cũng để lại sự yêu thương nhưng có lẽ đến tận lúc chia tay từ giã cõi đời chắc gì ta đã “thấy” ra được “tình yêu thực sự” là cái gì. Vì nó vốn là một thứ không có hình tướng, không thể nắm bắt, sở hữu hay chia sẻ. Nó chỉ là một thứ gì đó trừu tượng, mơ hồ nhưng lại thực sự có thể gây ra sự phấn khích, ham muốn hay đau đớn nơi thân xác và chính thân xác lại là đối tượng để những tham đắm mang tính vật lý của tình ái biểu hiện ra bên ngoài như đam mê sắc tướng, tình dục... Nó là một loại năng lượng có sức hút rất mạnh, đặc biệt đối với người đàn ông. Sự hấp dẫn bởi hình thức bên ngoài của người nữ cộng thêm sự tưởng tượng của người đàn ông với sự thôi thúc nội tại làm cho người họ tìm cách chinh phục người nữ. Ở chiều ngược lại, người nữ cũng bị tác động bởi sắc tướng bên ngoài cùng yếu tố “ái” mạnh trong nội tâm đã đẩy họ tìm kiếm đến người nam để thỏa mãn nhu cầu tình cảm của mình.

Vẻ đẹp của người nữ tạo sức hút tự nhiên có sức mạnh chẳng thể chống đỡ nếu ta không thực sự “thấy biết” bằng con mắt trí tuệ. “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” như Từ Hải cũng phải lụy vì giọt nước mắt ngắn dài của nàng Kiều. Cùng với những kích động âm thầm từ sâu bên trong, sắc tướng bên ngoài (sắc, thanh, hương, vị, xúc...) lần lượt tác động tới tất cả các căn (mắt, tai, mũi lưỡi, thân và ý). Đầu tiên mắt thấy sắc và bị cuốn hút, chỉ sắc tướng đẹp đẽ đã làm ta dính mắc và muốn chiếm hữu. Khi tiếp xúc, nói chuyện thì tiếng lời lại tác động thêm vào tai và nâng sự dính mắc thêm một mức độ nữa và cứ như vậy mức độ dính mắc tăng đến tột cùng khi gần gũi thể xác diễn ra giữa những kẻ luyến ái.

Khi có sự chung đụng, hai cơ thể vật lý luôn kích động tạo ra sự phóng thích một số chất hoá học như: Endorphin và encephalin... những chất giúp giảm đau và làm cho con người cảm thấy thoải mái, nó trở thành thứ tạm thời để giải quyết những lo âu, căng thẳng. Tuy nhiên, tác động ngược lại là thấm nhiễm vào các tế bào cũng như tâm thức và dần gây ra tình trạng “nghiện”, đặc biệt ở người nữ. Nghiện bất cứ thứ gì cũng làm người ta sống không thiếu nó được và luôn muốn tìm cách thoải mãn “cơn nghiện”. Cứ thế, để có được sự dễ chịu của khoái lạc đàn ông tìm đến đàn bà, đàn bà say đắm đàn ông. Sự ngọt ngào ngắn ngủi của hoan lạc làm cho ta mê mẩn và tâm trí chết dính vào lạc thú nhân gian này, ta chỉ còn thấy sự mời gọi của cái xác thân trần trụi đầy nhục dục ấy là nỗi khát khao chẳng thể lấp đầy, nó thúc đẩy ta luôn tìm mọi cách, mọi phương tiện để thoả mãn. Ôi! Thật đáng thương thay cho chúng ta.

Nếu quán xét về sắc tướng của cái hình hài được tạo nên bởi đất, nước, gió, lửa ấy có chỗ nào thực sự trong sạch, tinh khiết để cho ta phải lao vào như vậy không hay chỉ là một cái “túi da” dơ bẩn được che đậy bằng những trang sức mong manh. Cơ thể của mỗi người là tập hợp của hơn 300 cái xương được nối lại với nhau bởi 180 khớp dính liền nhờ hơn 900 sợi gân, phủ đầy khắp với 900 miếng thịt, được bọc bằng lớp da trong ẩm ướt, bao bằng ngoài với lớp da có những lỗ rải rác khắp bề mặt, luôn luôn tiết ra như một cái bình dầu mà trong đó hàng triệu triệu con vi trùng cư trú, đó là cái nhà của tật bệnh, nền tảng của những trạng thái đau khổ, xú uế luôn luôn rỉ ra từ 9 lỗ như một thứ ung nhọt kinh niên.

Nơi 2 con mắt ghèn rỉ chảy, nơi 2 lỗ tai thì cứt ráy; từ 2 lỗ mũi là cứt mũi, nước mũi; trong miệng là ổ khổng lồ của siêu vi sẵn sàng bay ra cùng với cặn bẩn của thức ăn dính trong răng rồi đàm, dãi cũng theo đó mà ra; từ 2 lỗ bài tiết bên dưới là phân và nước tiểu và từ 99. 000 lỗ chân lông tiết ra chất mồ hôi đủ sức hấp dẫn cho lũ ruồi nhặng bu quanh. Cái thân xác này, nếu không được tắm rửa, chăm sóc, khoác y phục bên ngoài thì, xét về tính chất đáng ghêtởm, một ông vua cũng chẳng khác gì một kẻ ăn mày. Nhờ đánh răng, súc miệng, nhờ thoa ướp bằng những hương hoa và y phục mà thân xác ta biến thành một thứ hấp dẫn kẻ khác cũng trong vô minh nên chẳng ngại ôm ấp, nâng niu.

Ta yêu cái thân xác là như vậy nhưng khi có một mẩu nhỏ nào nơi thân xác như  tóc, lông, răng, móng rơi ra, thì người ta sẽ không dám động tới, mà còn cảm thấy ghê tởm. Vậy mà, khi chúng còn ở trong thân xác - thì mặc dù vẫn đáng ghê tởm - người ta lại xem là dễ chịu, đáng ham muốn, cho là đẹp đẽ v. v... Nếu cái thân xác mà ta yêu quý ấy có vài chỗ lở loét và bốc mùi hôi thối thì không biết rằng cái sự yêu sẽ dành cho nó như thế nào? Trong ý nghĩa tối hậu, không có một chỗ nào trên thân xác, dù nhỏ nhất, đáng để ta phải tham đắm. Bởi ta bị trùm kín trong vùng tối của vô minh, bị nhuốm đầy tham ái đối với tự ngã, mà ta đã dán cho nó cái nhãn như vậy và tiếp tục tự lừa dối mình để phải trôi lăn trong ảo tưởng và tiêu phí những giây phút của đời mình vào lạc thú.

Sự thật cái bên trong và sắc tướng bên ngoài dơ dáy mà ta bị cuốn hút là như vậy, nhưng nói tránh không đụng tới nó là chuyện không dễ với tất cả mọi người. Vì bản thân chúng ta được cấu thành bởi ái dục, sống trong cõi dục, ái nhiễm nằm trong mỗi tế bào và sâu trong tâm thức. Chúng ta cũng đừng quá sợ hãi vì cái ghê sợ đó chỉ thoáng qua trong chớp mắt để rồi những giây phút được “hưởng lạc thú” lại dễ dàng làm ta quên đi. Ta chưa thực sự hiểu về mình, thấu hiểu sự cô đơn trong chính bản thân mình, thấu hiểu về tình ái thì càng không thể chạy trốn nó. Hãy cứ dũng cảm mà bước vào đời sống tình ái vì ta còn phải học bài học đó, ta phải học cho tới khi nào thực sự thấy ra được vị ngọt cũng như sự nguy hại của nó thì mới có thể không còn bị nó lôi kéo nữa.

Xin hãy vượt lên quan niệm rằng nó tốt hay nó xấu, dù tốt hay xấu mà ta còn bị trói buộc và dính mắc thì vẫn cứ tạo ra những khổ đau. Nếu ta thấy ra rõ ràng bản chất của tình ái thì một lúc nào đó sẽ đủ điều kiện cho ta thực hiện việc thoát ly khỏi tấm lưới nhốt ta trong tù lao của ái dục. Thêm nữa, khi có đủ trí tuệ để thấu hiểu về bản chất thật của ái tình, của dục lạc trong đời sống thì chính nó là bài học quý giá để vén lên bức màn vô minh mà dục vọng phủ xuống, để từng bước thấy rõ sự ái nhiễm, thấy rõ thái độ của mình như thế nào đối với những mời gọi của lạc thú và có thể thực hành từng bước xả ly, thoát dần khỏi sự đắm nhiễm.

Hãy quán xét một cách kỹ lưỡng, dần từng bước ta sẽ vượt lên mức độ cao hơn trong nhận thức để thấy ra rằng là “tình yêu thực sự” thì hoàn toàn “trong trắng”, không phải là khoái lạc, không phải là dục vọng, không bị quy định bởi tư tưởng và không đồng nhất vào một đối tượng cụ thể. Một người với một tâm hồn vị kỷ chỉ biết hướng tới bản thân mình, chỉ quan tâm đến đối tượng được cho là “của mình” cùng với những khao khát dục lạc, tham lam, lo sợ thì không thể THỰC SỰ có thể yêu thương. Một tâm hồn chứa chấp đầy rẫy sự đánh giá, phân tích, toan tính... luôn là biểu hiện của sự ích kỷ và dĩ nhiên không có khả năng yêu thương CHÂN THẬT. Nơi nào có sự phân chia, toan tính thì tình yêu không thể xuất hiện, bởi vì thế giới tự nhiên tự không hề phân chia. Chính chúng ta đã phân rã nó, làm cho nó biến đổi vì dục vọng, lạc thú của mình. Nếu ta có thể thấy ra thế giới là đồng nhất thì chúng ta sẽ thay đổi chính mình và có thể chuyển hoá những năng lượng của luyến ái nam nữ thành tình yêu thương không có sự phân biệt vì thấy ra mình ở trong mọi vật, mọi loài và mọi vật, mọi loài cũng là chính mình. Nếu chuyển hóa được như vậy ta sẽ chẳng còn thấy tù ngục dù trong cõi nhân gian, ta đã thực sự bước vào vùng trời mênh mông của tự do, của giải thoát.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 10
    • Số lượt truy cập : 6124681