Thông tin

TQ13 - ÂM NHẠC GIỮA HAI KHOẢNG TRỐNG BẤT LỰC CỦA NGÔN NGỮ

ÂM NHẠC GIỮA HAI KHOẢNG TRỐNG BẤT LỰC CỦA NGÔN NGỮ

LÊ HẢI ĐĂNG

Câu nói: “Ngôn ngữ bất lực phát sinh ra âm nhạc” thường được trích dẫn trong nhiều văn bản có nội dung liên quan tới nghệ thuật âm nhạc như một quan niệm mang tính tiên đề. Từ tiên đề này, vô hình trung làm hình thành cách tiếp cận với lĩnh vực âm nhạc thông qua ngôn ngữ. Vì vậy, chúng ta có thể chia nghệ thuật âm nhạc làm hai giai đoạn trong quá trình phát triển tương ứng của thời kỳ tiền và hậu ngôn ngữ.

1. Âm nhạc thời tiền ngôn ngữ

Thời kỳ tiền ngôn ngữ chiếm khoảng thời gian mênh mông trong lịch sử và có khả năng loại trừ âm nhạc ra khỏi căn cứ văn tự để tồn tại trong bóng đêm hoang vu, cổ tích. Ngoài những ghi nhận mang tính chất suy diễn, thậm chí võ đoán của ngành Khảo cổ học, Nhân học trong cách lý giải về nguồn gốc loài người, các nền văn minh bị chôn vùi, những sa mạc hình thành tác động bởi quá trình biến đổi khí hậu, chiến tranh giành chiếm các vùng đất màu mỡ, sự bồi đắp, tiến lùi của biển cả... từ đó tạo điều kiện hình thành các nền văn hóa, cả sự xâm thực hay bị lấn chiếm... Nhiều đợt di dân, dịch chuyển trên quy mô đại trà cho ra đời các tập đoàn cư trú, nhóm người thống thuộc nhiều nền hóa, văn minh khác nhau và âm nhạc nằm mong manh trong quá trình dịch chuyển biến đó. Âm nhạc không đóng vai trò gì đáng kể qua những vấn đề có tính chất sống còn, tồn tại hay không của cuộc sống. Cả hai ngành Khảo cổ học và Nhân học đều nhằm giải quyết những vấn đề to lớn liên quan tới sinh tồn của những nền văn minh bị sáp nhập hay chia cách hơn là đi sâu giải quyết vướng mắc của ngành âm nhạc. Ngay cả vào thời kỳ văn minh chữ viết ra đời, nhiều dẫn chứng đọng lại trong thư tịch cũng cho thấy âm nhạc thuộc lĩnh vực phải chờ tới lúc “chính sự nhàn rỗi” mới bắt tay chế định. Hiểu một cách khái quát, văn hóa âm nhạc phát triển, thịnh vượng trên cơ sở kinh tế tăng trưởng, phồn vinh, xã hội thái bình, ổn định... Khi quốc gia lâm nguy, biến động, thù trong giặc ngoài, loạn lạc triền miên, họa khởi từ nhân tâm đến xã tắc thì âm nhạc khó thể trở thành mối quan tâm sâu sát. Vì thế, nghiên cứu âm nhạc vào thời kỳ tiền ngôn ngữ hay ngôn ngữ bất lực cho thấy những trở ngại trong cách thức ghi chép, phản ánh tính mập mờ của giai đoạn lịch sử “đen tối” và dàn trải trên một diện rộng mênh mông, chông chênh về thời gian, “bất trắc” theo tư duy huyền thoại. Điều này cần đến năng lực sáng tạo của tư duy suy lý, cùng khả năng tưởng tượng của người nghiên cứu nhằm phác họa bức tranh âm nhạc mờ ảo vào thời huyền sử xa xôi.

Trong bóng tối tri thức phản chiếu vào thời kỳ tiền sử cộng hưởng với tính chất vô căn cứ để xác định các dấu vết mấu chốt của việc hình thành, phát triển âm nhạc vốn đã gặp nhiều trở ngại trên con đường lần tìm dấu vết âm thanh, công cuộc dò tìm, truy nguyên không giống như việc khai quật di tích, di chỉ khảo cổ, mà ở đó, ít nhiều hiện vật, di tích có khả năng tự phát ra tín hiệu mà đòi hỏi sự cộng tồn nhiều giả thuyết cùng khả năng diễn giải hơn những biểu lộ tự phát nơi sự vật được tìm thấy. Trở lại giai đoạn ngôn ngữ bất lực sản sinh ra âm nhạc, trước khi ngôn ngữ sinh ra và chưa được sinh ra, hẳn con người vẫn sống trong tình trạng hồn nhiên tương tự như muôn loài. Giống như nhiều loài động vật khác với bản thể kém cỏi về khả năng phòng ngự, chống lại nguy cơ xâm hại từ bên ngoài của các loài mãnh thú, con người buộc phải cố kết nhau thành bầy đàn, tập đoàn, cư trú rời rạc đến quần tụ thành nhóm gây ảnh hưởng về khả năng duy trì và phát triển. Ở thời kỳ đó, loài người có thể giống như muôn loài từng sử dụng thứ “ngôn ngữ” ám hiệu, tín hiệu... thể diện dưới dạng âm thanh thuần phác nhằm bày tỏ, biểu lộ, bộc lộ tình cảm, nhu cầu... qua tiếng hú, tiếng hét, tiếng kêu, tiếng la, tiếng gào, tiếng rên... nói chung là tiếng kêu, chứ chưa phải tiếng nói với tính ổn định về vỏ âm thanh. Trong một số nghi lễ có nguồn gốc tối cổ, nhiều tộc người thiểu số sống trên miền sơn cước chon von vẫn sử dụng thứ âm thanh này mà thi thoảng chúng ta chứng kiến qua sinh hoạt tín ngưỡng. Thứ âm thanh lưu lại từ thuở hồng hoang tiếp tục truyền vào tiếng sáo, tiếng tù và, loa ốc, pháp loa... nhằm huy động sức mạnh siêu nhiên, kêu gọi thần linh. Tiếng hú, hét, la, gào, thét, gầm... hiện diện ở những dạng thức văn hóa tập thể, sinh hoạt cộng đồng, như những đêm đốt lửa trại, cổ động, cổ vũ thể thao, tiếp lửa, tiếp sức cho đám đông, làm ấm lên bầu không khí huyền thoại trên khoảng không gian rộng lớn làm nền cho chứng tích âm thanh vang vọng thuở xưa. Từ những âm thanh tiền ngôn ngữ đó chuyên trở hàng loạt tập tục thể hiện tính “vô thức tập thể” kéo dài, tiếp nối dai dẳng giữa quá khứ và hiện tại, giữa ký ức và sự tái sinh. Nhiều hư từ xuất hiện trong dân ca, kể cả ca khúc đương đại, như tiếng ngân nga, âm ư, i, a, ơ hờ, hò lờ, la, ấy mấy, ầu ơ, ví dầu, hò hụi... có thể coi như những biến thể hay phái sinh từ thứ âm nhạc mang di chứng của giai đoạn tiền ngôn ngữ.

Ở ngành ngôn ngữ học, nghiên cứu hư từ, thán từ, thứ ngôn ngữ mang tính chất biểu cảm hơn xác định nội hàm ngữ nghĩa trở thành nội dung quan trọng. Và dường như, tính chất nửa vời của hư từ lại chỉ rõ “ý nghĩa” chân thực của thế giới tình cảm hơn nội dung mà ngôn ngữ bấu víu, xác định. Người ta có thể bị lừa phỉnh, dối trá... thông qua lớp ruột nội dung khuất sau bức màn thông tin ngôn ngữ, nhưng lại không hề hiểu nhầm khi cảm nhận, tiếp cận tính chất biểu cảm của thứ âm thanh mà ngôn ngữ nương nhờ. Đứa trẻ ở giai đoạn tiền ngôn ngữ đều cảm nhận “thông tin” nhờ hình thức biểu cảm thông qua cách diễn ngôn của cha, mẹ, người thân... Thuộc tính, phẩm chất âm thanh tác động trực tiếp lên cơ quan thính giác và tâm lý tiếp nhận, mặc cho bộ phận giải mã bất lực trước “nội dung” của nó. Chính vì thế, tiếp cận thông qua hình thức biểu cảm bằng vỏ âm thanh giúp đứa trẻ cảm nhận, nắm bắt được tình cảm của người tiếp xúc. Mọi biểu cảm, buồn vui, giận hờn, khóc cười, bực dọc hay thỏa mãn đều được bày tỏ. Nói cách khác, nội dung của ngôn ngữ đích thực đã chuyển tải thông qua nhịp cầu âm thanh. Mỗi âm thanh tự toát lên nội dung huyền diệu mà chỉ có thể nhận biết bằng cảm quan. Bởi thế, nhiều tôn giáo vẫn sử dụng ngôn ngữ cộng thông qua các câu thần chú diệu dụng. Cùng một câu sấm ngữ phát ra trên miệng thầy phù thủy có tác dụng hủy diệt, qua miệng kinh sư trở thành thần lực có khả năng huy động thế lực siêu nhiên... Cùng một bản nhạc, nghệ sĩ bậc thầy có cách thể hiện khác với nhạc công có trình độ âm nhạc trung bình. Thứ âm nhạc thời tiền ngôn ngữ đương nhiên thô thiển, thô sơ,
giản đơn, hàm hồ, chứa đựng nhiều dư địa khai phá, nhưng tự thân phản ánh tính chất phong phú của bức thông điệp con người trao gửi cùng sự phát triển khả năng biểu đạt, năng lực hành khiển kích thích bởi nhu cầu. Ngôn ngữ ra đời đã phát triển vượt bậc, nhưng còn giới hạn trước nhu cầu phản ánh đa chiều, đa sắc, đa dạng của tồn tại. Ngay kể cả ca khúc đương đại, người ta vẫn không ngần ngại từ chối sử dụng hư từ có cội nguồn xa xưa nhằm lay động ký ức ban sơ trước khi có sự can thiệp về ý nghĩa trong nội hàm ngôn ngữ.

Trong lịch sử di dân lâu dài do biến đổi khí hậu nhằm tìm kiếm cách thức mưu sinh, nguồn thức ăn, kéo theo những cuộc giao tranh, đụng độ, tranh giành quyền chiếm giữ những vùng đất màu mỡ làm nảy sinh nhu cầu cố kết, sống thành bày đoàn của loài người để cùng nhau chung vai đấu cật, chống chọi lại thiên nhiên khắc nghiệt cùng ngăn chặn sự tấn công, xâm lăng của đồng loại, từ đó nảy sinh nhu cầu sử dụng thứ tín hiện chung làm tiền đề cho sự hình thành ngôn ngữ. Đây là một trong những lý do khiến cho ngành Nhân học đã phát hiện ra cơ sở đồng loại nhờ khả năng tưởng tượng, suy lý, nắm bắt cách thức sử dụng công cụ đóng vai trò vỏ vật chất của tư duy là ngôn ngữ. Quan sát từ thực tế, ngôn ngữ nên coi như một trong những công cụ của tư duy (chứ không phải vỏ vật chất của tư duy như quan niệm của Karl Marx). Vào thời kỳ đó, ngôn ngữ nói vẫn chưa ra đời, huống hồ văn tự viết để lấy làm căn cứ cho những phán đoán có cơ sở khoa học nhằm chứng minh cho sự tồn tại hay suy luận nhầm lẫn về âm nhạc! Lịch sử đã cướp đi những dấu tích con người chưa kịp lưu giữ. Vì thế, phương pháp suy lý đưa chúng ta vào thế giới tưởng tượng phong phú với những vùng tối mênh mông của thời tiền ngôn ngữ.

Trước khi loài người có nhu cầu tập kết bầy đàn tạo điều kiện cho sự ra đời của ngôn ngữ, những kẻ vãng lai trong thế giới muôn loài bằng nhiều lý do đã tạo ra những loại âm thanh đa dạng, không thống nhất để bày tỏ nhu cầu. Tuy nhiên, âm thanh sản sinh vào thời kỳ tiền ngôn ngữ khó thể được coi là tiếng ca, tiếng nhạc, mà có lẽ gần với tiếng hát của loài chim, loài sáo mà tác phẩm “Điểu ca” - tiếng hát của loài chim - một trong những tác phẩm nổi tiếng được đưa vào Hai bộ kỹ dưới thời nhà Đường trở thành nổi tiếng với tính chất biểu trưng. Trước thế kỷ XIV ở châu Âu còn tồn tại phổ biến hình thức ca hát với đặc trưng la, hét... theo kiểu đơn âm. Chúng ta chớ vội quên vào thời Trung cổ loài người đã bước sang giai đoạn văn minh, các cảnh diễn, múa huy động tối đa sức người cùng đạo cụ gia nhập vẫn có khuynh hướng mô phỏng loài vật. Cảnh nhảy múa huy hoàng của cư dân Việt cổ cách điệu trên nền hoa văn trống đồng đã đi theo chiều hướng mô phỏng này. Các kiểu hóa trang trên khuôn mặt diễn viên Hý khúc, Trung Quốc, Sân khấu mặt nạ Khon Thái Lan, Rô băm Khmer... đều gián tiếp liên hệ tới loài vật. Việc đồng nhất Tô tem (bái vật tổ) với một chủng loại động vật nào đó cho thấy khuynh hướng lý giải về cội nguồn lịch sử con người mang màu sắc, dấu vết thời tiền sử, tiền ngôn ngữ với những cảnh diễn hóa thân kỳ thú.

Giai đoạn tiền ngôn ngữ chắc hẳn chiếm khoảng thời gian vô cùng dài lâu trong lịch sử tiến hóa của loài người. Ở giai đoạn này, âm nhạc chắc chưa thoát khỏi tính lệ thuộc vào cơ năng, khả năng phát thanh thuần túy của bộ máy cơ thể bất phân với loài vật. Bởi thế, âm nhạc thời tiền ngôn ngữ có thể phỏng đoán như những tín hiệu đoản thanh, chập chờn mang ánh phản thời kỳ hồng hoang. Giai đoạn ngôn ngữ ra đời chiếm đóng vị trí quan trọng làm nảy sinh nhu cầu biểu đạt. Và ở giai đoạn khởi đầu, trong buổi “Đồng dao” của loài người, chúng ta dễ dàng nhận thấy dấu vết kết nối thứ ngôn ngữ ở hai giai đoạn tiền và hậu kỳ. Với khả năng biểu đạt bằng âm thanh, hư từ sống động đã làm nên dấu tích phai nhạt của thời kỳ mà kỹ năng diễn đạt còn chưa phôi thai, hư từ giàu âm thanh, phỏng chiếu tiếng lòng.

Ghi nhận giai đoạn âm nhạc Tiền ngôn ngữ không nhằm mục đích nghiên cứu, vì trên cơ sở dữ liệu hiện tại không cho phép tiếp cận được chúng mà thông qua dấu ấn tiền ngôn ngữ để lại trên những di sản Hậu ngôn ngữ khiến cho ý nghĩa của giai đoạn này trở thành hiện thực. Xét ở góc độ Ngữ nghĩa học, từ hư từ chuyển sang thực từ là một bước tiến về mặt tư duy. Trong phương thức biểu đạt của ngôn ngữ thông thường hay hình thức văn bản, văn tự hóa, người ta ngày càng có khuynh hướng loại bỏ dần hư từ, vì tính chất thừa thãi của chúng! Môn tu từ học không loại trừ mục đích chỉnh sửa văn bản trên cơ sở không ngần ngại gạt hư từ ra ngoài phạm vi nội dung. Tuy nhiên, chính vì lý lẽ đó mà hư từ lọt vào phạm vi của ngành âm nhạc với khả năng biểu cảm thay cho biểu ý. Kho tàng dân ca đồ sộ của các nền văn hóa trên thế giới đều chứa đựng những “nội dung” cần khai phá của hư từ. Ở đó, hư từ không được nhìn nhận bằng khả năng giới hạn của việc biểu ý, mà trở thành phương thức biểu cảm. Xuất phát từ lý do đó, hư từ mang nội dung mở rộng, hướng tới khả năng phát huy vùng ý nghĩa, dồn nén bức thông điệp không có giới hạn. Điều này tương tự các câu Thần chú, Sấm ngữ, Hồng danh các vị Tiên, Thần, Phật, Thánh... Chất liệu hư từ đong đầy các tác phẩm thi ca, dân ca càng cho thấy tính chất hướng nội dung vào ý nghĩa, khía cạnh biểu cảm của nghệ thuật âm thanh. Nó chỉ ra dấu vết của thời kỳ hồn nhiên mà mọi tư duy phản ánh thế giới đều xoay quanh trục cảm tính. Hư từ, thán từ... lồng ghép bên trong những tiếng đệm lót làm nên đặc trưng của thứ âm nhạc phản ánh khả năng bất lực của ngôn ngữ bằng tính chất biểu cảm thông qua vỏ âm thanh. Trên thực tế, theo những phát hiện mới nghiên cứu về não bộ, người ta có cơ sở khẳng định về tính bất phân giữa Lý tính và Cảm tính. Và dường như, hai phương pháp tư duy được coi như ranh giới phân chia tuyến của não bộ đang có khuynh hướng mờ mịt, nhạt dần bởi tính chất chồng chéo của chức năng tư duy. Điều đó chứng tỏ khả năng đáp ứng nhu cầu mệnh lệnh của con người thông qua hình thức biểu lộ, bộc lộ, bày tỏ cảm xúc chủ yếu bằng cảm tính ở giai đoạn đầu. Giai đoạn đó ẩn chứa kho tàng bí hiểm giàu chất liệu âm thanh phong phú, vô hạn mà giai đoạn hậu ngôn ngữ đã kế thừa một cách hạn chế, thậm chí đi đến đoạn tuyệt.

2. Âm nhạc hậu kỳ thời ngôn ngữ sinh ra từ sự bất lực

Hiển nhiên, ngôn ngữ ra đời đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của loài người. Mọi lĩnh vực đều thừa hưởng kết quả tiến bộ của sự phát triển ngôn ngữ, song nó đã đi quá đà đến chỗ xác định căn cứ cho sự tồn tại của âm nhạc. Như chúng ta biết, giai đoạn tiền ngôn ngữ, thái cổ, tiền sử chiếm khoảng thời gian vô cùng lâu dài trong lịch sử. Bước sang thời kỳ Nguyên thủy, tôn
giáo, tín ngưỡng đóng vai trò trung tâm. Trong cả ba nền văn minh cổ đại Hy Lạp ở phương Tây, Trung Quốc ở phương Đông và Ấn Độ ở phía Nam Á đều có đời sống tín ngưỡng hết sức phong phú, đặc biệt là văn minh Ấn Độ. Nền văn minh Ấn Độ có độ đậm đặc sắc màu tín ngưỡng. Hầu hết các ghi chép về âm nhạc đều liên quan đến tôn giáo và sản sinh từ những vị thần. Đến ngay cả giai đoạn đã có bước tiến về tư duy, con người vẫn duy trì khuynh hướng tước bỏ tác quyền đối với sản phẩm âm nhạc. Thời kỳ phong kiến, hầu hết các nguyên tắc hình thành âm luật, tác phẩm âm nhạc nổi tiếng ở phương Đông đều gắn liền với những vị hoàng đế. Dường như người ta muốn quy nạp mọi khả năng sáng tạo về người đại diện được Thiên tử ủy quyền cho làm Vua! Tư tưởng bất lực trước sự sáng tạo nghệ thuật âm nhạc thể hiện rõ rệt trên phương diện xác định quyền sở hữu. Ngay như tác phẩm “Nghê thường vũ y khúc” cũng trao quyền sáng tạo cho vị hoàng đế Đại Đường là Đường Minh Hoàng. Nếu không vì sự nổi tiếng của nó, “Nghê thường vũ y” chắc hẳn đã bị hoàng đế Trung Hoa “đạo nhạc” trót lọt. Mặc dù, theo nghiên cứu của nhà nghiên cứu âm nhạc lừng danh người Nhật Keshibe, tác phẩm trên có nguồn gốc Bà la môn. Đường Minh Hoàng có công phê chuẩn hoặc chỉnh sửa theo khuynh hướng bản địa hóa âm nhạc ngoại nhập. Nhưng, ông không phải là vị vua, người duy nhất có hành vi “đạo nhạc”, mà văn hóa đã sản sinh ra tính chất lệ thuộc của một quan niệm thiết lập trên cơ sở tập quyền trong quản trị xã hội. Trước đó, Hoàng Đế sáng tác khúc Vân môn, vua Nghiêu có Hàm trì, Thuấn có Đại thiều, vua Vũ có Đại hạ, Thành Thang có Đại hoạch, Chu Vũ Vương có Đại vũ, Phục Hy có Phù lai, Thần Nông có Phù trì, Thiếu Cao có Đại uyên, Chuyên Húc có Lục kinh ... Những vị vua không chỉ sở hữu “tác quyền” nhiều danh khúc mà còn nắm quyền “sở hữu trí tuệ” nhiều nhạc cụ, như: Phục Hy làm ra đàn Cầm, Sắt, Hoàng Đế định ra Luật lã... Ở Ấn Độ, Phật Thích Ca sáng chế đàn Tỳ bà, Bồ tát Văn Thù là nhạc thần trên thiên cung... Cây đàn Ấn Độ cổ nhất là Vina do thần Narada phát minh. Thần Vishnu giáng sinh Krishna, nhân vật trung tâm của sử thi Mahabharata thường cầm trên tay cây sáo Bansuri. Trên đỉnh Olympus cao ngất dưới quyền quản trị của CEO Jupite (thần Zeus), cùng 11 vị thần điều hành khác trong thần thoại Hy Lạp cũng có thần Apollo cai quản về âm nhạc, sử dụng đàn Lyre... Thần Hermes chế tác cây đàn này từ mai rùa. Thần Nereus và các nữ hải thần Nereids của Hy Lạp đều nổi tiếng về âm nhạc vốn có liên quan với Narada. Thần Odin, tác giả những khúc ca ma cổ cai quản vùng biển có tên là Nikarr. Vị thần này cư trú nơi biển sâu cùng các thuộc hạ đều là yêu ma quỷ quái thường tổ chức hòa tấu đàn Harp. Tương truyền thuộc hạ của ngài hay ngoi lên mặt nước dạy con người biết đàn. Trong thi ca cổ đại Phần Lan xuất hiện nhạc cụ Kantele của Vainamoinen. Nhạc cụ này làm bằng xương cá, khung đàn, khóa đàn đều làm bằng xương cá. Sự tích Thụy Điển, Scotland kể rằng, ngày xưa có người con gái bị ác nữ dìm xuống nước chết có tên là Harp. Người con gái này bị lấy xương làm nhạc cụ, tay làm khóa đàn, mái tóc vàng làm dây. Khi nhạc sĩ tấu cây đàn đó ác nữ nghe thấy thì tan thây. Câu chuyện trên cũng xuất hiện trong dân gian Island. Xứ Faroe ngày nay thuộc vùng đông nam Island, Đan Mạch và Na Uy cũng lưu truyền những sự tích tương tự... Ở nước ta, cây đàn của Thạch Sanh do vua Thủy Tề ban tặng. Cây đàn bầu do thần linh tặng cho vợ Trương Viên... Qua đó có thể thấy rằng, tính cộng thông của âm nhạc phổ biến, phủ dày trên nhiều nền văn hóa. Âm nhạc xuất hiện từ thiên giới xuống địa giới, từ mây, mưa đến nước biển, trên đỉnh núi Olimpus cao vời xuống cõi A Tỳ sâu thẳm, tăm tối... Bởi vậy, văn nghệ dân gian đã hóa giải nghịch lý trên bằng khoảng trống Vô danh thể hiện sự bất lực trong tiếng nói phản ánh sự thật. Đây có lẽ là một bước đệm quan trọng để tiến tới nền văn hóa Hữu danh, Hữu thực và xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với người sáng tạo!

Một vấn đề rất đáng lưu ý trong việc lý giải các hiện tượng có liên quan, đối với những cộng đồng luân lý, cùng có chung giá trị văn hóa, tôn sùng những vị thần nào đấy đều có chung đặc điểm: Vị thần mình tín thì ngưỡng, còn vị thần cộng đồng khác ngưỡng thì dễ bị coi là ác ma, quỷ dữ... Nhằm tránh khuynh hướng biện giải theo xu hướng độc tôn chủ nghĩa, chúng ta nên thận trọng bóc tách những lớp trầm tích văn hóa phủ ngoài sự vật theo thời gian và mưu đồ cưỡng bức văn hóa nhằm phơi bày bản chất hiện tượng, như tình trạng ác giả ác báo trong truyền thuyết nước ta cho thấy chứng tích của văn hóa Phật giáo, quy mọi hiện tượng về luật nhân quả, mà truyền thuyết Thạch Sanh, Lý Thông là một ví dụ. Ngoài ra, khi kẻ xâm lược có vũ lực mạnh hơn cộng đồng bị áp bức, nhưng lại có một nền văn hóa thấp hơn, nguy cơ bị định dạng lại hay nói cách khác thừa kế trên cơ sở tước mất quyền sở hữu di sản văn hóa cũng có thể xảy ra. Hiện tượng này từng phổ biến ở Ấn Độ qua nhiều thời kỳ viễn cổ. Mặt khác, có thể thấy được việc tìm hiểu đời sống âm nhạc thông qua những cộng đồng có nền văn hóa thấp cũng gặp phải trở ngại khó khăn không kém. Có những bộ lạc vào thời thái cổ đang còn làm nhà lầu trên cây, sống thành từng khu vực trải dài trong rừng sâu, khi đó thật khó thể phát hiện ra dấu hiệu âm nhạc. Điều đó củng cố thêm niềm tin, âm nhạc trước khoảng trống tiền ngôn ngữ tồn tại trong điều kiện mông muội, mù mờ, chưa định hình và khó tìm ra dấu vết để kiểm chứng, cho dù trên di vật hay di chỉ... khảo cổ. Bước vào thời kỳ hậu ngôn ngữ, âm nhạc đối diện trước thực tế bất lực của mình bằng việc trao quyền phát minh, sáng tạo cho những vị thần mà khi lùi sâu vào quá khứ xa xăm trở thành những Đấng tiếp tục ngự trị, cai quản đời sống tâm linh con người. Trường hợp Phục Hy phát minh ra đàn cầm, sắt, Hoàng Đế sai Lịnh Luân tới núi Côn Lôn tìm ống trúc, phát minh ra hệ thống thang âm Luật lữ, hay như vị vua Ravana của Tích Lan sáng tạo ra cây đàn vĩ kéo đầu tiên Ravanastro, trở thành thủy tổ của họ đàn dây kéo bằng Arche trong truyền thống âm nhạc châu Âu đều chỉ ra phương thức liên kết này. Tính chất bất lực của ngôn ngữ và trở ngại của bản thân nghệ thuật âm nhạc chịu ảnh hưởng bởi khả năng thoát khỏi sự vật để đạt tới tinh thần ngoại tại. Con người không nghĩ mình có khả năng kiểm soát, chinh phục được sự vật để tạo ra thứ âm thanh tượng trưng cho tiếng nói quyền uy của tâm hồn là âm nhạc. Quyền sáng tạo âm nhạc vào thời Thượng cổ nói chung thuộc về tất cả các vị thần hay những vị vua được chuyển hóa thành thần sau khi chết. Điều đó cho thấy khả năng tạo ra thứ âm nhạc bởi người, nhưng đóng vai hay tượng trưng cho thần vào thời kỳ ban sơ của nghệ thuật âm thanh. Nó sẽ được trở về trong một vai trò khác ít nhiều được nhận thức rõ hơn về khả năng bất lực ngay tại bản thân cùng quá trình nhận thức. Bên cạnh đó, qua việc gắn kết cho âm nhạc một cái tên hữu danh còn cho thấy sản phẩm âm nhạc vốn mang tính cộng thông, tồn tại trong điều kiện xã hội sơ khai. Nó chưa bao giờ thuộc về cá nhân mà chỉ có những chủ thể đóng vai trò đại diện - điểm khởi phát của tính quyền uy về quản trị xã hội trong việc xác lập chủ quyền sở hữu, định danh trong hoạt động nghệ thuật. Rất nhiều tác phẩm, công trình và đặc biệt là dự án quy mô đều được xác lập bởi những danh xưng quyền uy, ẩn sau là những cá nhân vô danh. Hiện tượng này làm nảy sinh mâu thuẫn cũng như sự nhiễu loạn về căn cứ làm hình thành sự bất lực mới của ngôn ngữ trên đường hướng truy tìm nguồn gốc sự thật. Biết bao công trình văn hóa bị bao phủ bởi bức màn “thánh thể”, che mắt phàm trần khiến cho sự thật luôn được nhìn khúc xạ qua lăng kính thần bí và bầu sinh thái phong hóa. Từ loại hình âm nhạc thời viễn cổ được xác lập quyền sở hữu bởi các vị thần cho đến những vị vua ngự trên ngai vàng chói lọi, nhiều công trình kiến trúc đô sộ và những sản phẩm không hề lấy tên một nhạc sĩ bình dân... và mãi mãi về sau, hiện tượng trên vẫn còn tiếp diễn với những biến tướng phức tạp.

Rõ ràng khả năng bất lực của ngôn ngữ đã gặp trở ngại của hàng rào tập quán và thái độ văn hóa. Nguy cơ vào thời kỳ hậu ngôn ngữ với khả năng biểu đạt phong phú từ tầng biểu ý cho tới nhu cầu tình cảm không hẳn đã mất đi giá trị của mình. Suốt chiều dài lịch sử, âm nhạc từng đóng vai trò là bà mai số 1, ông lão thứ nhất để kết nối sợi dây tình cảm liên kết giữa con người với vũ trụ. Chiếc Hoàng của người Lisu, chiếc Khèn của người Thái, chiếc Utung của người Kho, tất cả đều trở thành những tín vật hẹn ước đong đầy giá trị biểu trưng cho một thời đại ngôn ngữ đã sinh ra nhưng chưa có khả năng kiểm soát mọi góc u tối của tâm hồn và nói lên nhu cầu tình cảm con người. Người ta vẫn phải mượn âm nhạc để nói lời yêu thương, như người Kho xưa không đón khách bằng cái bắt tay mà thay vào đó là câu chào hỏi có sự chuyển tải bằng ngôn ngữ âm nhạc của những bài Lờn. Trên con đường ghập ghềnh, cheo leo hướng lên động Hương Tích xưa kia cũng thường bắt gặp những người rao hàng bằng tiếng hát... Nhạc khí đối với nhiều tộc người thiểu số từng làm nhiệm vụ phát ra tín hiệu hẹn hò trong thời điện thoại di động chưa phủ sóng. Những bài hát giao duyên, những điệu lý trao tình, những bản đàn trong lễ hội... đều là công cụ, cách thức con người ta trao gửi, truyền cảm, chuyển tải bức thông điệp huyền diệu thông qua ngôn ngữ âm nhạc.

3. Kết luận

Trong quá trình phát triển, ngôn ngữ đã làm rơi mất nhu cầu biểu đạt bằng âm nhạc! Mâu thuẫn giữa sự phong phú của đời sống âm nhạc hình thành từ sự bất lực của ngôn ngữ và căn cứ ngôn ngữ để chỉ ra nguồn gốc của âm nhạc đã làm cho chúng ta lạc vào khoảng tối mênh mông của ngôn ngữ bất lực. Ngôn ngữ vừa thể hiện sự bất lực trước và sau khi âm nhạc sinh ra, vừa trở thành căn cứ để xác nhận sự tồn tại của âm nhạc. Giữa vùng trống bất lực mênh mông, ngôn ngữ đẩy con người vào chỗ phải xác nhận sự tồn tại của âm nhạc thông qua chính nó! Âm nhạc với đặc điểm vô hình đã trả bản thể của mình về với bản nguyên đa nghĩa, vô biên... Cùng với múa, hội họa, âm nhạc làm nên thực thể mang ý nghĩa quốc tế, có khả năng vượt qua không gian văn hóa, thời gian lịch sử và đặc biệt là khoảng trống vô biên mà ngôn ngữ bị bất lực.

Nói chung, ngôn ngữ bất lực trong suốt chiều dài lịch sử, không chỉ vào thời kỳ chưa kịp sinh ra, mà ngay cả vào thời hậu kỳ đã phát triển vẫn cần tới sự trợ giúp của các phương tiện chuyển tải phụ trợ mà âm nhạc đóng vai trò ký thác. Không dừng lại ở ngôn ngữ, kể cả những loại hình nghệ thuật được lấy làm căn cứ bổ trợ cho những phát hiện dấu tích âm nhạc như điêu khắc, hội họa cũng phản ánh tính bất lực thông qua đặc điểm của mình. Có điều, ở giai đoạn tiền ngôn ngữ, “ngôn ngữ” và “âm nhạc” là Một, còn bước vào giai đoạn hậu ngôn ngữ, chúng tách ra thành Hai thực thể riêng biệt theo chiều hướng nương nhờ và ký thác vào nhau trong việc xác định ý nghĩa.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 24
    • Số lượt truy cập : 6130383