Thông tin

TQ13 - ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HÓA PHẬT GIÁO VỚI VĂN HÓA DÂN TỘC

ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HÓA PHẬT GIÁO

VỚI VĂN HÓA DÂN TỘC

CHỬ THỊ KIM PHƯƠNG

 

Phật giáo truyền vào Việt Nam từ Ấn Độ và Trung Hoa. Với tinh thần khế lý, khế cơ, tùy duyên bất biến, Phật giáo đã hội nhập, hòa quyện với tín ngưỡng và văn hóa dân gian để trở thành Phật giáo Việt Nam đầy sức sống.

Phật giáo càng phát triển và bén rễ sâu trong đời sống xã hội thì sự gắn bó với dân tộc càng sâu sắc. Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của mình, đạo Phật được xem là quốc giáo với hệ tư tưởng chủ đạo là Phật giáo vào hai thời kỳ: Nhà Lý (1010-1225) và nhà Trần (1225-1400). Có thể khẳng định rằng Phật giáo đã có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng văn hóa phong phú và độc đáo của dân tộc với nhiều di sản văn hóa vật chất và tinh thần có giá trị như: kiến trúc chùa tháp, các tác phẩm điêu khắc tượng thờ, tranh thờ Phật giáo, đồ thờ cúng,... cùng những giá trị về tư tưởng, đạo đức, văn học và nhiều nghi lễ Phật giáo khác. Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc với những đặc trưng giản dị, hài hòa, gần gũi. Ảnh hưởng của Phật giáo với dân tộc và nền văn hóa dân tộc rất sâu rộng.

I. SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HÓA PHẬT GIÁO VỚI VĂN HÓA DÂN TỘC

Trong suốt chiều dài lịch sử, đạo Phật luôn luôn có mặt trong lòng dân tộc Việt Nam, gắn bó với dân tộc Việt Nam trong mọi thăng trầm.Văn hóa Phật giáo đã hòa mình và hợp nhất với nền văn hóa Việt Nam qua ngôn ngữ, qua tư tưởng, được biểu hiện trong nếp sống, sinh hoạt xã hội, đời sống tâm linh. Sự đan xen, hòa quyện đã thể hiện rõ nét trong phong tục tập quán, trong văn học bình dân cũng như trong văn học bác học. Từ ngữ của Phật giáo như: trí tuệ, từ bi, thiện ác, nhân quả, nghiệp báo, v.v... được sử dụng như từ ngữ của văn hóa Việt Nam. Văn hóa Phật giáo giao thoa trong nền văn hóa Việt Nam để lại dấu ấn sau:

Những dấu ấn trong tục ngữ

Tục ngữ là ngôn ngữ dân gian mà người bình dân Việt Nam thường sử dụng để trao đổi tư tưởng, tình cảm với nhau. Những tư tưởng trong ngôn ngữ dân gian được gọi là văn hóa bình dân. Những từ ngữ của Phật giáo đã biến thành ngôn ngữ của người bình dân Việt Nam thường sử dụng, đã được truyền cho nhau trong dân gian mà chúng ta đã thấy tản mát trong văn học bình dân. Chúng tôi xin đơn cử ra đây một vài câu tục ngữ để chứng minh giá trị sự giao thoa của văn hóa Phật giáo trong văn hóa Việt Nam, điển hình như những từ ngữ: “Tội nghiệp quá!”; “Hằng hà sa số” “Lù khù nhưng ông Cù độ mạng”, v.v...

Người bình dân mỗi khi thấy những ai bất hạnh, bị hoạn nạn đau khổ thì liền tỏ lòng thương xót, chia sẻ và thốt lên câu: “Tội nghiệp quá!”... Hai chữ tội nghiệp là từ ngữ của Phật giáo với ý nghĩa chỉ cho nghiệp báo tội ác đã định.

Người ta muốn diễn tả số lượng người quá đông đảo hoặc số lượng vật gì quá nhiều thì liền dùng câu “Hằng hà sa số” để tỏ bày. Hằng hà sa số là từ ngữ của Phật giáo với ý nghĩa là số nhiều như cát sông hằng. Sông Hằng là chỉ cho một trong hai con sông lớn nhất của Ấn Độ. Ấn Độ có hai con sông nổi tiếng thế giới là sông Ấn (Indus) và sông Hằng (Gange) và hai con sông này khai nguồn tài nguyên sức sống cho toàn thể dân tộc Ấn Độ phát triển và tồn tại. Trong các kinh luận, Phật giáo cũng thường dùng những ngôn từ “Hằng Hà sa số” nhằm để nói lên số lượng quá nhiều không thể đếm được.

Trong xóm làng, có một số người với trình độ văn hóa giới hạn, cứ sống buông trôi cho qua ngày đoạn tháng, nhưng không biết tại sao họ lại được rất nhiều may mắn ngoài khả năng của họ. Đối với những người này, người bình dân Việt Nam thường dùng ngôn từ “Lù khù nhưng ông Cù độ mạng” để chỉ sự may mắn nói trên của họ. Lù khù là chỉ cho hạng người khờ dại, ngây thơ, không biết chút gì về cuộc đời. Ông Cù gọi cho đủ là ông Cù Đàm tức là chỉ cho dòng họ của Đức Phật Thích Ca. “Lù khù nhưng ông Cù độ mạng” nghĩa là: Những người này sở dĩ được may mắn là nhờ Đức Phật Thích Ca phù hộ.

Còn nhiều dấu ấn về tục ngữ hàm chứa tinh thần Phật giáo và những tục ngữ đó hiện đang tàng trữ trong kho văn học Việt Nam mà ở đây chưa khai thác được để làm phong phú cho nền văn hóa Việt Nam.

Những dấu ấn trong ca dao

Ca dao là những câu hò tiếng hát theo giọng điệu tự nhiên, phát xuất từ tâm hồn mộc mạc, tình cảm của người bình dân Việt Nam, được lưu truyền trong dân gian. Những câu ca dao này mang tư tưởng, tình cảm của dân tộc nhằm diễn tả luân lý, đạo đức, tình ý, phong tục, tập quán, lối sống của con người... Tư tưởng Phật giáo thâm nhập vào ca dao Việt Nam và thấm vào tâm hồn của người bình dân. Điển hình như những bài ca dao sau đây thấm nhuần tư tưởng của Phật giáo:

Người Việt Nam, rất tin tưởng triết lý thiện ác nghiệp báo, nhân quả, luân hồi và ý thức được giá trị nguyên lý duyên sinh (tương quan với nhau trong sự sinh tồn) của Phật giáo. Để thể hiện tinh thần đùm bọc lẫn nhau, họ thường hát lên những câu hò, những lời ru, nhằm khuyên nhau cách ăn ở nên “tránh dữ làm lành”, mong mỏi cuộc sống được hạnh phúc, an vui, đồng thời hy vọng con cháu sau này nhờ ân đức đó mà gặp may mắn trong cuộc sống, thể hiện trong câu ca dao:

Ai ơi! Hãy ở cho lành

Kiếp này không được, để dành kiếp sau.

 Hai câu ca dao này hàm chứa triết lý sâu sắc của đạo Phật mà thời xưa đã được người Việt Nam coi như triết lý sống, đó cũng tiêu biểu cho đạo đức Phật giáo là “ở cho lành” và lại còn thể hiện tư tưởng nhân quả luân hồi qua hai câu “Kiếp này” và “Kiếp sau”. Họ căn cứ dòng thời gian trải dài xuyên qua ba giai đoạn quá khứ, hiện tại và tương lai, mà tin tưởng rằng sẽ có kiếp sau, vì có kiếp này, cũng như tin tưởng rằng sẽ có ngày mai vì có ngày hôm nay, mặc dù kiếp sau và ngày mai chưa bao giờ đến với họ. Vì tin tưởng những lý lẽ đó, con người khuyên nhau một cách sống thể hiện qua hai câu ca dao nêu  trên “tránh dữ làm lành” và những điều lành đó tuy rằng không được thụ hưởng ở kiếp này nhưng rồi sẽ được thụ hưởng ở kiếp sau chẳng bao giờ biến mất.

Thời đại nào con người cũng cần có đạo đức hơn. Nếu con người có tài năng mà không có đạo đức thì cũng sẽ không là người có ích cho đời. Nếu con người có đạo đức thì sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống: “Có đức không sức mà ăn”.

Văn hóa Phật giáo có thể nói đã hòa mình, biến thành văn hóa Việt Nam, được thấy tản mát qua những câu ca dao dưới mọi hình thức, có chỗ thì bộc lộ cụ thể và có nơi thì gợi ý tâm tình để nói lên ý nghĩa nào đó. Với nội dung bài này, chúng ta chỉ đem một vài nét ca dao để chứng minh văn hóa Phật giáo hiện diện trong văn hóa Việt Nam.

Những dấu ấn trong văn học

Nền văn học bác học của dân tộc Việt Nam đã được ảnh hưởng nền văn hóa Phật giáo có thể tạm khởi điểm từ nền văn học chữ Nôm và tiếp đến nền văn học chữ Hán trở về sau. Trên lĩnh vực nền văn học bác học, văn hóa Phật giáo đã dung hòa vào văn hóa dân tộc rất phong phú. Cụ thể như tác phẩm Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Truyện Kiều của Nguyễn Du, cho đến Văn Học Lý Trần đã nói lên một cách hùng hồn sự đóng góp rất lớn của văn hóa Phật giáo cho nền văn hóa dân tộc.

Trước hết chúng ta xem trong “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều. Nguyễn Gia Thiều, trong “Cung oán ngâm khúc” đã mượn tư tưởng Phật giáo để diễn tả sự si mê của con người không biết cuộc đời là vô thường, không biết kiếp sống là giả tạo như giấc mộng Nam Kha mà cứ mãi đam mê chạy theo bả vinh hoa, mùi phú quý giống như con thiêu thân trước ngọn đèn dầu, rốt cuộc rồi chỉ còn lại hai bàn tay không. Điều đó được thấy trong đoạn thơ dưới đây:

Mùi phú quý giữ làng xa mã,

Bả vinh hoa lừa gã công khanh.

Giấc Nam Kha khéo bất bình,

Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.

Nguyễn Du tin tưởng, nương theo học thuyết nhân quả nghiệp báo của Phật giáo xây dựng nên tác phẩm “Đoạn trường tân thanh”. Học thuyết Nhân Quả Nghiệp báo trong Đoạn trường tân thanh chính là: “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa. Thiện căn bởi tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Học thuyết nhân quả nghiệp báo đã thay thế học thuyết thiên mệnh là không cho nàng Kiều kết thúc cuộc đời bạc mệnh dưới sông Tiền Đường, mà phải được sống để tái hợp với Kim Trọng qua sự vớt lên của sư Giác Duyên. Theo học thuyết nhân quả nghiệp báo, mối tình đầu giữa nàng Kiều và Kim Trọng chính là nghiệp nhân và nàng Kiều được tái hợp với Kim Trọng chính là nghiệp quả mà sư Giác Duyên là biểu tượng cho học thuyết của Phật giáo làm gạch nối gieo duyên.

Nền Văn học Lý - Trần là những chứng tích hùng hồn nhất về sự đóng góp vĩ đại của Phật giáo cho nền văn hóa dân tộc và nói lên được sự phát triển của văn hóa Phật giáo hòa quyện vào văn hóa Việt Nam. Dù bất cứ thời đại nào, cũng không thể chối bỏ được sự đóng góp này của Phật giáo cho nền văn hóa dân tộc trên lĩnh vực độc lập và tự trị, văn hóa Phật giáo đã hội nhập vào nền văn hóa Việt Nam.

II. SỰ ĐÓNG GÓP CỦA PHẬT GIÁO CHO NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM

Phật giáo càng phát triển và bén rễ sâu trong đời sống xã hội thì sự gắn bó với dân tộc càng sâu sắc. Trong bối cảnh cả nghìn năm Bắc thuộc, Phật giáo Việt Nam đã hòa mình, gắn bó với dân tộc thông qua việc vận động tín đồ, Phật tử và nhân dân đoàn kết để phò vua, cứu nước, đánh đuổi ngoại xâm, giành lại độc lập cho dân tộc. Lịch sử dân tộc chứng minh rằng, Phật giáo đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Tín đồ, Phật tử cũng hiểu rằng đất nước có độc lập thì Phật giáo mới ổn định, phát triển và hưng thịnh... Tinh thần Phật giáo đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các vua triều Lý – Trần trong trị nước, an dân mặc dù Đạo giáo và Nho giáo ở thời kỳ này cũng phát triển. Các vị vua tài đức đã tạo nên một triều đại lấy đức từ bi làm căn bản cho chính trị và luôn sống vì dân nên đã cố kết lòng dân để vua tôi, dân chúng đoàn kết chung lòng chống ngoại xâm, xây dựng đất nước. Hành đạo từ bi, đạo đức trong dân chúng nên đời sống xã hội đời Lý – Trần trở thành thuần từ và đẹp đẽ, làm cho dân giàu nước mạnh.

Về văn hóa, với lịch sử gần 2.000 năm du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã thấm sâu vào trong đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; đồng hành cùng dân tộc là một nét đặc trưng nổi bật trong truyền thống và tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam. Đạo Phật đã thấm vào lòng dân Việt Nam từ lâu đời và những người theo đạo Phật đều hiểu rằng Bụt đã hóa thân vào nền văn hóa dân gian. Trong văn hóa dân gian, hình ảnh ông Bụt hiện lên như một vị thần hiền từ, luôn cứu khổ cứu nạn, trong dân gian đã có câu nói không biết tự bao giờ: “Hiền như Bụt”. Vào thời Lý, truyện Ỷ Lan được nhân dân ca tụng là Quan Âm Nữ và được xem là truyện dân gian cô Tấm ở miền Kinh Bắc. Ông Bụt hiền lành là hình tượng Đức Phật trong dân gian Việt Nam, là một kết quả rất đặc sắc của Phật giáo hội nhập vào nền văn hóa dân gian Việt Nam. Người Việt Nam sợ thần thánh, ma quỷ,... nhưng lại không sợ ông Bụt, bởi vì ông Bụt tuy có quyền năng vô hạn “Phật Pháp vô biên” nhưng luôn cứu giúp con người. Người Việt Nam luôn hình dung một ông Bụt giàu lòng thương người, đặc biệt là người cô đơn, bị ức hiếp. Chẳng hạn chuyện Tấm Cám, cứ mỗi lần nghe Tấm khóc nức nở, Bụt lại hiện lên an ủi, cứu giúp. Ông Bụt trong dân gian Việt Nam hiền lành, nhân hậu tới mức không biết giận là gì, cho nên, người ta chỉ gọi là Bụt, nhưng rất đỗi thân thương: Gần chùa gọi Bụt bằng anh/Trông thấy Bụt lành, cõng Bụt đi chơi. Đức Phật còn hòa nhập vào người thành ra những ông Bụt mang thân người, như các vua: Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông - vua Trần Nhân Tông thường được gọi là vua Bụt (Phật hoàng).

Một trong những đóng góp quan trọng của văn hóa Phật giáo là ngôi chùa, rất đặc biệt mà cũng rất gần gũi, gắn bó với người dân. Chùa đã hòa nhập vào làng xã mà biến thành chùa làng. Chùa làng là chùa của làng, nhiều nơi lấy tên làng để đặt tên cho chùa và thường không phải là chùa của sư, tuy rằng vẫn có sư trụ trì chùa. Chùa đã vào làng thì theo lệ làng và được người dân gọi bằng cái tên dân làng ưa thích. Vai trò của ngôi chùa làng rất quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân vì ngôi chùa góp phần hình thành tư tưởng, đạo đức, nhân cách cho dân làng. Bởi vậy, một trong những điều đặc biệt là đất nước bị xâm chiếm nhưng làng xã Việt Nam không mất, các sinh hoạt trong cộng đồng làng xã, trong đó có ngôi chùa vẫn cơ bản giữ được truyền thống, ít bị đồng hóa. Người dân từ nhiều đời đã coi ngôi chùa là trung tâm văn hóa, là trường học góp phần giáo dục nền đạo đức, lòng từ bi nên khi vừa dời đô về Thăng Long, Lý Thái Tổ đã cho xây dựng nhiều chùa và tuyển chọn hàng nghìn người ở kinh thành Thăng Long xuất gia đi tu. Vì thế, thời Lý - Trần, trung tâm sinh hoạt văn hóa dân gian ở các làng xã là quanh các ngôi chùa; sang thời Lê, khi những ngôi đình xuất hiện và phát triển thì chùa làng vẫn không giảm đi phần quan trọng. Theo các nhà nghiên cứu thì 95% nền văn hóa Việt Nam hình thành từ làng xã, do đó, văn hóa Phật giáo trong đó có chùa làng góp phần không nhỏ.

Một vấn đề khác cũng rất đáng quan tâm, đó là chính dân gian Việt Nam và sự ảnh hưởng của Phật giáo đã chuyển hóa giới tính Bồ tát Quán Thế Âm từ nam tính của Ấn Độ sang nữ tính ở Việt Nam. Bồ tát Quán Thế Âm trong Đại thừa Phật giáo từ Ấn Độ là một vị Phật đàn ông. Theo quan niệm, Phật hiển hiện ở khắp mọi nơi và không chỉ đản sinh làm đàn ông mà tùy theo từng trường hợp có thể là nữ giới. Vì vậy, Bồ tát Quán Thế Âm chuyển từ trong tiềm thức nhân dân mà trở thành Phật Quán Âm. Ở chùa Hương Tích (Hà Tây cũ), sự tích Bà Chúa Ba rất đậm chất dân gian và đỉnh cao của sự Việt Nam hóa và dân gian hóa Bồ tát Quan Thế Âm là truyện Quan Âm Thị Kính. Thời Lý, chùa Diên Hựu (Một Cột) chỉ thờ tượng Quán Thế Âm Bồ tát. Sang thời Lê, những pho tượng đẹp nhất được thờ ở nhiều Phật điện vẫn là tượng Quan Âm thiên thủ, thiên nhãn.

Theo lịch sử, các triều đại thời Lê có khuynh hướng thiên về Nho giáo mà không coi trọng Phật giáo như các vị vua thời Lý - Trần, thậm chí vua Lê Thánh Tông đã ra lệnh không cho xây dựng chùa mới nữa, chỉ cho sửa sang những ngôi chùa cũ. Tuy nhiên, vua vẫn đi thăm các di tích danh thắng là những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Hương Tích - “Nam thiên đệ nhất động”, chùa Đọi Sơn (Hà Nam), chùa Non Nước (Ninh Bình),... nổi tiếng từ thời Lý và các đời vua cũng không thể ngăn cản được các hoàng hậu, cung phi đi chùa lễ Phật. Vào thời Mạc, nhiều ngôi chùa được xây dựng lại như chùa Phổ Minh, chùa Dâu,... Vua Minh Mạng có tiếng đề cao Nho giáo nhưng giữa cung đình Huế vẫn có nơi riêng thờ Phật.

Qua đó cho thấy, Phật giáo luôn gắn bó với người dân Việt Nam trong các thời kỳ mặc dù có lúc thăng trầm chính vì Phật giáo đã được dân gian hóa: “Đất của vua, chùa của làng” hay “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Các ngôi chùa cũng qua những giai đoạn lịch sử khác nhau, chùa thời Lý – Trần có nhiều ngôi chùa mang tính “nhà nước” đương thời nhưng thời Lê – Mạc – Nguyễn, chùa về cơ bản là chùa làng theo đúng nghĩa. Theo đó, đi chùa đã trở thành một sinh hoạt văn hóa dân gian trên đường trở về (quy) của một đời người nên dân gian mới thường nói: “Trẻ vui nhà, già vui chùa”. Vì thế, người Việt Nam từ xưa tới nay đã sẵn tâm góp tiền, góp sức xây dựng chùa ở khắp vùng miền và đã được nhân dân đúc kết: Làm chùa, tô tượng, đúc chuông/Trong ba việc ấy, thập phương nên làm.

Những lời đức Phật dạy cách đây hơn 25 thế kỷ nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị, mãi là “khuôn vàng, thước ngọc” để giúp con người hình thành nhân cách, đạo đức và vì thế đã hòa nhập với văn hóa Việt Nam, ngày càng sâu rễ, bền gốc trong lòng dân tộc Việt Nam. Các triều vua Lý - Trần thấy được giá trị nhân bản của văn hóa Phật giáo nên đã tự tu và dạy cho dân chúng tu, hình thành cốt cách văn hóa Đại Việt. Hiện nay, những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc nói chung và văn hóa Phật giáo nói riêng đang có dấu hiệu bị phai nhạt. Nhiều người không hiểu giáo lý Phật giáo mặc dù đi chùa thường xuyên, trong đó có giới trẻ. Trong khi đó, sự cám dỗ về vật chất ngày càng lớn, đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng, tệ nạn xã hội tràn lan, gây bất ổn cho không ít gia đình và phức tạp cho xã hội, nhưng nhiều người lại không tu học, không hiểu nhiều, hiểu sâu về văn hóa Phật giáo để giúp định hướng cho cuộc sống của mình. Đó là vấn đề cần quan tâm, trong đó việc phát huy tinh hoa văn hóa Phật giáo.

Như vậy trong cả quá khứ, hiện tại và tương lai, Phật giáo luôn luôn tồn tại và gắn liền với cuộc sống của con người Việt Nam. Việc khai thác hạt nhân tích cực hợp lý của văn hóa Phật giáo nhằm xây dựng nhân cách con người Việt Nam. Sự đoàn kết, hòa hợp Phật giáo và phát huy truyền thống hòa quyện giữa Phật giáo với Dân tộc trên con đường phát triển của mình, chắc chắn Phật giáo đã, đang phát triển và sẽ còn sống mãi trong lòng dân tộc và giữa nền văn hóa dân gian của Việt Nam. Tuy nhiên, trước thực trạng xã hội hiện nay, vai trò của văn hóa Phật giáo trong giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của Phật giáo để góp phần tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là rất quan trọng, không để bị ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 356
    • Số lượt truy cập : 6947185