Thông tin

TQ13 - CẦN HIỂU ĐÚNG Ý NGHĨA LỄ HỘI

CẦN HIỂU ĐÚNG Ý NGHĨA LỄ HỘI

HUỲNH VĂN ƯU

Ngày nay, lễ hội diễn ra khác xưa với nhiều hình thức mới lạ, khó hiểu, vượt qua ngưỡng cửa tôn nghiêm thành kính, không biết phải do văn minh hội nhập hay vì lợi ích cá nhân ích kỷ mà biến lễ hội thành trò chơi không đúng ý nghĩa với bản sắc vốn có, ngày nay lễ hội bị xã hội hóa thành ra điểm hội tụ để kinh doanh, hối lộ, mua thần bán thánh hơn là thành tâm cung kính tâm linh nguyện cầu mưa thuận gió hòa, được mùa được giá bội thu, đời sống ổn định...

Việc hối lộ Phật-Thánh- Thần... không chỉ có nam thanh nữ tú những người lớn tuổi. Buồn làm sao khi giữa dòng người đang “hối lộ” kia có cả những đứa trẻ. Để con được tích phước tụ đức hay được thông minh giỏi giang, học giỏi... hay gì gì đó. Vậy là không ít ông bố bà mẹ gí tiền vào tay con, bày chỉ cho đứa trẻ cách nhét tiền vào Phật-Thánh-Thần... Một đứa trẻ mới dăm bảy tuổi đã được người lớn “luyện” như thế, chả trách gì mai này khi lớn lên, với các em, có lẽ chuyện dúi tiền “hối lộ” Phật-Thánh-Thần và “hối lộ” người này người kia, để đạt được việc này việc nọ trở thành chuyện đời thường. Chợt nghĩ đến “văn hóa” phong bì biết đâu chừng cũng bắt nguồn từ thói hư này mà ra.

 Dư luận nhiều năm nay đã lên tiếng, nhưng buồn thay nước dạt bèo trôi hết đến nơi này thì đến nơi khác, có chăng chỉ thay đổi về hình thức, bản chất cầu xin “hối lộ” Phật-Tiên-Thánh-Thần để được giàu sang phú quý không hề thay đổi. Họ cứ “Tùy thuận chúng sanh, nhi vi lợi ích” nơi chùa chiền, đền thờ Thần Thánh. Còn như ngày lễ hội chọi gà, chọi trâu thì mất hết ý nghĩa chỉ thấy phần nhiều là cờ bạc thắng thua, thậm chí ẩu đả mất đi biểu tượng tốt đẹp con người hòa hợp với thiên nhiên để sinh sôi nẩy nở.

Như vậy, đa số khách đi lễ hội mục đích đã rõ, không phải cầu quốc thái dân an, được mùa bội thu mà chỉ mong cầu cho gia đình cá nhân được nhiều lợi lộc, danh thành công toại, có lẽ họ hiểu biết về lễ hội còn quá mù mờ chăng? Lười biếng tìm hiểu chăng? Do đó mà họ rải tiền lẻ khắp nơi trong ngày lễ hội, họ còn nhồi nhét vào mình tượng Phật, Thánh, Thần, một việc làm phản cảm, đánh đồng thần thánh với con người phàm trần, tục lụy, chẳng những mất đi tính linh thiêng mà còn hạ thấp sự tôn kính chốn tôn nghiêm. Làm mất đi nét đẹp hoạt động văn hóa truyền thống mang ý nghĩa nhân văn và tâm linh. Đôi khi còn  hư cấu, thêu dệt hoang đường, hoặc ca tụng sai lệch phản cảm phàm phu mà sinh ra cá độ, cho nào là hiệp sĩ, tinh thần thượng võ rồi tha hồ cá cược, dẫn đến tan nhà nát cửa, xóm làng mất đoàn kết, không còn tinh thần lao động, suốt ngày cứ mơ tưởng thắng thua. Đó là lẽ hội chọi trâu, chọi gà. Lẽ ra phải làm đúng như truyền thống phong tục xưa.

Chẳng hạn như lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, con trâu thắng làm một cuộc rước giải về đình làm lễ tế thần. Tất cả mọi người dân đều theo tập tục của từng địa phương, các con trâu tham gia chọi, dù thắng dù thua đều phải giết thịt. Lấy một bát tiết cùng một ít lông của trâu (mao huyết) để cúng thần, sau đó đổ xuống ao để tiễn thần. mọi người cùng ăn chúc phúc. Truyền rằng, sau khi ăn thịt con trâu thắng cuộc, mọi người sẽ gặp được may mắn, đặc biệt là người dân đi biển.

Ở Tây Nguyên, đỉnh cao và linh hồn của lễ hội là niềm tin mùa bội thu, hăng say lao động sản xuất trước cuộc sống thường trực bất trắc, thiên tai, địch họa. Để sanh tồn phát triển và vượt qua thách thức ấy, con người cần giao du gắn kết cộng đồng cùng hướng tới sức mạnh siêu nhiên. Cũng có nơi họ bịa ra đằng sau cuộc chọi trâu là tinh thần thượng võ, sức mạnh phi thường như trâu. Rồi thách đố cá độ thắng thua với số bạc tỉ, Con trâu thắng họ xẻ thịt bán với giá đôi ba triệu đồng một ký. Như vậy, lễ hội chọi trâu giờ đã biến tướng, trở thành nơi kinh doanh trước mặt thánh thần.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, Giáo sư Trần Lâm Biền, lễ hội chọi Trâu Đồ Sơn là ý thức hòa với thiên nhiên. Có nơi họ có chọi bằng trâu đâu. Họ làm hai cái đầu trâu rồi chui vào đó diễn trò chọi nhau. Vậy ý nghĩa đằng sau là gì? Là ý thức hòa với thiên nhiên vũ trụ để tồn tại, là tục thờ mặt trăng, mà mặt trăng gần với thủy triều. Thờ như thế là để mong rằng giữa con người với thủy triều có thể cảm thông, hòa vào nhau. Đến lúc cuối cùng, người ta đem con trâu chiến thắng đưa lên mảng ra ngoài khơi để tế thần biển. Người ta quan niệm tế thần biển để được thần phù hộ đánh bắt cá được nhiều và bình yên. Ngoài ra, mặt trăng cũng gần gũi với tâm thức con người về nông nghiệp được mùa, vạn vật sinh sôi nẩy nở.

Còn như chọi gà là biểu tượng mặt trời, gà chọi với nhau là biểu tượng sự vận động của sinh hoạt vũ trụ, còn bây giờ người ta chọi gà mất hết ý nghĩa đích thực của nó. Vì cá độ, nhiều chủ gà sẵn sàng dùng tiểu xảo để can thiệp vào diễn biến trận đấu. Nhẹ thì vài trăm ngàn đồng, nhiều trận người ta bỏ vào đấy cả tỉ đồng. Người ta thù hằn nhau cũng vì chọi gà. Có chủ gà sẵn sàng cho gà mình sử dụng hóa chất để... thua. Thua mà vẫn được nhiều tiền hơn thắng. Chọi gà có ý nghĩa thiêng liêng là một biểu tượng, là tư duy là ước vọng truyền đời của người xưa.

 Trong các trò chơi ấy đã có lễ ẩn chứa mỗi ứng xử ngầm của con người với trời đất. Nhưng nay do sự ham muốn thấp hèn, sự lười biếng của trí tuệ nên chối bỏ sự nghiên cứu về truyền thống mà gán ghép ý nghĩa trần tục để phục vụ ham muốn tầm thường xã hội làm vẻ đẹp lễ hội bị phai mờ, sai lệch, còn ảnh hưởng làm mất ổn định an ninh trật tự xã hội, khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc trấn áp truy bắt. Đáng lý ra phải hiểu đây là lẽ hội truyền thống cần phải bảo tồn và phát huy tinh thần cao đẹp, một biểu tượng tốt đẹp trong lao động sản xuất hòa hợp với thiên nhiên để phát triển..

Lễ hội không phải là cúng bái, cúng bái và tế chỉ là một phần của lễ. Hội không hẳn là trò chơi. Hội trước hết là tập hợp một cộng đồng người nhất định để thực hiện những điều về lễ. Cho nên lễ và hội là một cặp phạm trù không thể tách rời. Nói cho cùng, lễ hội là thúc đẩy tinh thần đoàn kết, tinh thần yêu nước. Lễ hội mà không đạt điều đó cũng chỉ bằng không. Bởi trong lễ hội, người ta dám quên đi chính mình để lo việc cộng đồng làng xã. Đoàn kết trong một làng thì sẽ biết đoàn kết với những cộng đồng lớn hơn.

Các vị tiền bối từng khẳng định: “Mất nước chớ không để mất làng” cũng từ ý nghĩa đó mà dân tộc ta tuy bị giặc phương Bắc đô hộ cả ngàn năm mà chúng ta không bị mất nước, không bị đồng hóa. Đó là nhờ chúng ta biết giữ lễ hội truyền thống của làng, cụ thể là biết phát huy tinh thần đoàn kết chống ngọai xâm và phát triển đời sống trong cộng đồng. Bài học chống giặc ngoại xâm cũng là bài học biết giữ gìn bản sắc truyền thống lễ hội. Đó là kinh nghiệm xương máu mà cha ông ta đã từng chắt lọc để con cháu noi theo tiếp tục phát huy tinh thần lễ hội đúng ý nghĩa vốn có của nó.

Với tình yêu thương chúng sanh, chúng ta không thể đem mạng sống những con vật đánh đổi cuộc vui thắng thua, nếu tiếp tục như vậy, chẳng những ta đem đau thương đến chúng sanh mà còn tạo thêm thế hệ trẻ lòng hăng say giết hại, hình ảnh đó sẽ gieo vào lòng thế hệ trẻ và chắc rằng con cháu chúng ta sẽ mang lòng hận thù đó đến nơi này nơi khác trong đó có cả người thân trong chúng ta. Nên chăng, chúng ta thay thế hình ảnh khác bằng đầu trâu giả như Giáo sư Trần Lam Biền diễn tả, như vậy sẽ không còn cảnh đổ máu chết chóc oan uổng và cũng làm tăng thêm lòng từ bi. Nhưng trong số các cuộc thắng thua lễ hội nêu trên, ai dám chắc là không có người Phật tử tham gia? Nếu thật sự có thì quá đau lòng, xót thương, không tránh khỏi nghiệp quả đã gieo, Chúng con xin thay mặt sám hối, Nam mô A Di Đà Phật.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 197
    • Số lượt truy cập : 6946928