Thông tin

TQ13 - DỊCH LÝ TRONG BÀI CA DAO CHỮ HIẾU

DỊCH LÝ TRONG BÀI CA DAO CHỮ HIẾU

VIÊN NHƯ 

Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa  mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha.

Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con.

Là người Việt lớn lên ai mà chẳng biết bài ca dao này, trừ những ai không lớn lên trong lòng dân tộc hay tự mình tách ra khỏi giòng chảy văn hóa của dân tộc mới không thấm thía được những ngọt ngào, sâu lắng mà những câu ca dao này mang lại mà thôi. Có thể nói đã là người Việt mà chưa nghe, chưa biết thậm chí chưa thuộc bài ca dao này là một thiếu sót không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, bên cạnh nội dung nói lên đạo lý làm người, làm con, bài ca dao còn cung cấp cho ta nhiều hơn thế. Chỉ với 4 câu lục bát cha ông chúng ta đã gởi gắm lại cho hậu thế một phần lịch sử, đặc biệt qua 4 câu ca dao này, tổ tiên ta đã thầm gởi lại cho con cháu một thông điệp đó là: Quê hương của dân Lạc Việt vốn ở tận dãy núi Thái cùng vùng đất Trong Nguồn, nhưng kẻ mạnh đã chiếm đoạt, không những đất đai mà cả một nền văn hóa kỳ vĩ Dịch học và chữ Vuông của dân ta. Tuy ra đi khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng tổ tiên ta xem đó như là một giai đoạn bĩ cực khó khăn ; đồng thời hy vọng rằng với nỗ lực của mọi thế hệ thì rồi sẽ có ngày thái lai, trở về quê cũ. Tất cả thông điệp này được cất giấu trong những quái thông qua những câu thơ mà tôi trình bày dưới đây.

Câu 1-2 : Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa  mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Câu 1 đề cập tới núi Thái, ngọn núi cao nhất của tỉnh Sơn Đông, phía Nam Hoàng Hà, nơi xưa kia người Lạc Việt đã sinh sống hàng ngàn năm, chính nơi đây người Lạc Việt đã đạt đến đỉnh cao của mình trong vấn đề sáng tạo ra con chữ, do đó không có gì lạ khi mà lịch sử của phương Bắc cũng bắt đầu từ đây. Đồng thời cũng tại nơi đây, Ân Khư, người ta đã tìm ra rất nhiều Giáp cốt văn, loại văn tự đầu tiên được viết lại trên xương thú. Từ sau khi mất đi tác quyền về dịch lý và chữ vuông, người Lạc Việt liên tục thối về phía Nam và cuối cùng định đô tại miền Bắc nước Việt bây giờ. Tại nơi ở mới này nhằm tưởng nhớ tới vùng đất cũ, người Việt mới đặt tên đất trùng với tên các vùng đất xưa trên dải đất dọc theo Hoàng Hà như: Thái Nguyên, Hà Nam, Hà Bắc; đồng thời cũng chính vì lý do đó mà các câu chuyện truyền thuyết từ thời vua Hùng đều nói đến giặc Ân. Giặc Ân ở đây chính là nhà Ân hay Ân Thương, một tên gọi nhà Thương sau 5 lần dời đô đã đóng đô tại Ân Khư. Cũng chính vì người Việt từng sống ở Hoàng Hà nên tên các vùng đất ở khu vực này vẫn còn dấu ấn trật tự tiếng Việt (chính phụ) như: Hà nam, Hà Bắc, Sơn Đông, Sơn Tây.

Câu 2 khẳng định rõ sự gắn bó của cư dân Lạc Việt với Nước hay Nát một âm khác của Lạc. Bởi vì Hoàng Hà cung cấp cho người Lạc Việt một cánh đồng phì nhiêu với nguồn nước vô tận nên lúc ấy họ gọi vùng đất ấy với cái tên “Trong nguồn” về sau người phương Bắc gọi là “Trung nguyên”. 

Từ ngày dân tộc ta rời bỏ vùng đất cũ theo những con thuyền quay về lại Giao Chỉ, tổ tiên ta không nguôi nỗi nhớ. Nhớ miền đất cũ, mong ngày trở về. Bởi vì ngày ấy việc phải ra đi, tổ tiên ta xem đó như là vào lúc vận nước yếu suy mà thôi, vì vậy qua hai câu đầu người xưa đã ngầm cho thấy thời điểm đó chỉ là gặp lúc khó khăn thôi, chính vì vậy qua hai câu ca dao họ ngầm gởi một thông điệp qua quẻ BĨ. Đồng thời cũng qua hai câu ca dao này họ còn gởi thêm một thông điệp nữa đó là hãy hy vọng thông qua con chữ CHỬU 帚 tượng trưng cho VÔ CỰC.

Bởi vì họ luôn hy vọng như thế nên ở câu 3, người xưa lại xây dựng một tinh thần lạc quan rằng rồi mọi việc sẽ qua đi, dân tộc rồi sẽ vượt qua mọi chướng ngại, mọi sự rồi sẽ hanh thông. Chính vì vậy mà ở câu 3 tổ tiên ta đã ngầm ghi lại quẻ THÁI với suy nghĩ rằng “ Hết con Bĩ cực tới hồi Thái lai”. Đồng thời qua câu này người xưa cũng ngầm gởi đến cho hậu thế một thông điệp qua việc hình thành THÁI CỰC, đại diện cho khái niệm này là chữ CÓC 覺 (Giác).

Nhưng muốn điều ấy trở thành hiện thực, có nghĩa là ta sẽ đòi lại tác quyền về Dịch học, chữ Vuông cũng như vùng đất cũ thì nhân dân ta phải sống đúng đạo Hiếu. Thế nào là Hiếu, trên kính trọng tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Dưới hòa thuận với anh chị em. Gia đình có đoàn kết một lòng thì xã hội mới mong vững mạnh. Đối với con người thì như thế còn đối với đất trời thì sống thuận theo lẽ tự nhiên. Nương vào mẹ Đất mà sinh tồn, dựa vào cha trời mà được che chở. Làm được điều ấy thì trước sau dân tộc ta cũng sẽ lấy lại những gì mà kẻ mạnh hung hãn kia đã tước đoạt mấy ngàn năm qua.

Như trên đã nói, qua hai câu đầu, tổ tiên ta đã ngầm gởi cho hậu duệ một thông điệp thông qua khái niệm VÔ CỰC, được biểu thị bằng chữ CHỬU và hai câu sau là khái niệm THÁI CỰC, được biểu thị bằng chữ CÓC (Giác). Ghép khái niệm này hay hai con chữ đại Cóc – Chửu - lại với nhau sẽ thành chữ QUY có nghĩa là TRỞ VỀ.

Với những gì đã trình bày trên, nếu Dịch học và chữ Vuông không phải là thành quả của dân Việt thì làm sao tiền nhân lại khắc cốt ghi tâm đến vậy. Ngay cả ngày nay tại Trung Hoa, người ta  còn chưa biết được những thông tin như chữ Quy – Sư – Long – khuê  đều chứa đựng Càn Khôn – Thái cực – Vô cực.

Bài ca dao này được viết theo thể thơ lục bát (sáu tám). Ta có thể đặt câu hỏi: Tại sao cùng là nước đồng văn, cùng là ngôn ngữ đơn âm mà Trung Quốc và Hàn Quốc không có thể thơ này, chỉ riêng Việt Nam mới có? 

Theo tôi, đây là một trong những cách mà tổ tiên nước ta muốn nói lên Dịch lý là của người Việt. Cụ thể là: Lục + Bát (Sáu + Tám) = 14. Con số 14 là tổng của các khái niệm dịch lý : 2 nghi + 4 tượng + 8 quái. Con số này được lặp đi lặp lại trên trống đồng như: Mặt trời 14 tia. Hai âu cầu mùa  bên phía Tây Bắc 7 cái cồng và Đông Nam 7 cái. 7+7 = 14. Tại vòng 8 ta có 6 con gà = 8 con gà = 14 con gà.

 

Ngoài ra ta còn thấy ngày xưa người ta làm những trụ gỗ để viết chữ cũng làm cái 6 mặt và cái 8 mặt. Trên 6 hay 8 mặt đó người ta viết chữ, cái bây giờ ta gọi là Tràng phan.

Trong thuyết văn giải tự viết như sau : Phần chữ Phan 幡.

顔師古曰。觚者學書之牘。或以記事。削木爲之。其形或六面。或八面。皆可書。觚者,棱也。以有棱角。故謂之觚。Thầy Nhan xưa nói : “Cô” ấy là thẻ tre làm sách học hoặc ghi chép sự việc. Lấy gỗ gọt thành hình 6 mặt hoặc 8 mặt. Đều để viết. “Cô” ấy là góc vậy. Phàm có góc cạnh đều gọi là “cô”.

Rõ ràng, đây không phải tình cờ mà là một quy định. Vậy quy định đó dựa trên cơ sở nào nếu đó không phải là Dịch học. Do đó tôi cho rằng thơ lục bát chính là phản ảnh tổng phạm trù Dịch lý như đã nói trên; đồng thời qua đó khẳng định Dịch học do người Lạc Việt phát hiện và đúc kết nên.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 42
    • Số lượt truy cập : 6946717