Thông tin

TQ13 - ĐỪNG SỐNG CUỘC ĐỜI VÔ NGHĨA

ĐỪNG SỐNG CUỘC ĐỜI VÔ NGHĨA

VIÊN THẮNG

 

Trong kinh Pháp Cú, 112, đức Phật dạy:

“Ai sống một trăm năm,

Lười nhác không tinh tấn,

Không bằng sống một ngày

Tinh tấn tận sức mình”.

Đúng vậy! Cho dù người sống một trăm năm mà lười biếng không tinh tấn tu học để cho ngày tháng trôi qua thì uổng phí một đời người. Vì thế, không bằng người dù sống có một ngày mà họ nỗ lực tinh tấn tu học tìm ra chân lý giác ngộ thì hạnh phúc nào bằng. Bởi vì, cuộc sống vốn vô thường, thời gian trôi qua nhanh chóng, cho nên đức Phật tha thiết răn nhắc hàng đệ tử: “Ngày nay đã qua, mạng sống giảm dần, như cá cạn nước, nào có vui chi. Mọi người cần phải tinh tấn như cứu lửa cháy đầu, luôn nhớ nghĩ lẽ vô thường, chớ nên chậm trễ biếng nhác”.

Đức Phật xuất hiện ở thế gian này làm vị Thầy hướng dẫn chúng ta phương pháp thực hành để đạt được giác ngộ giải thoát, còn thực hành hay không là do cá nhân của mỗi người. Ngài không hề ban ân hay giáng họa cho bất cứ người nào. Vì thế, khi sắp nhập Niết bàn, Ngài dạy: “Này A Nan! Những ai hiện nay hay sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa người khác, dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một pháp nào khác...”. Và trong kinh Hải đảo tự thân, Ngài cũng dạy: “Hãy là hải đảo của chính mình, là nơi nương tựa cho chính mình”. Bởi vì trong bản thể của mỗi chúng sanh đều có Phật tánh, nên ai cũng có khả năng thành Phật. Thế nên, khi đức Phật vừa chứng ngộ quả vị Vô thượng chánh đẳng chánh giác, Ngài tuyên bố: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”, nhưng do bản thể chúng sinh bị các thứ phiền não tham, sân, si, mạn v.v... che lấp nên cứ mãi sống trôi lăn trong sáu đường sinh tử luân hồi. Do đó, ngài Thần Tú ví tâm chúng ta như chiếc gương bị bụi trần vô minh, phiền não bám đầy, nên phải siêng lau chùi thì mới thấy được Phật tánh thanh tịnh:

“Thân là cây bồ đề

Tâm như đài gương sáng

Thường hãy siêng lau chùi

Chớ để bụi dơ bám”.

Nếu chúng ta kiên quyết tu tập theo Phật dạy thì chắc chắn thế nào cũng sẽ thành Phật. Cho nên, trong phẩm Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký thứ 8, kinh Pháp Hoa, Phật nêu ra ví dụ gã say rượu được người bạn thân cột hạt châu trong chéo áo mà gã không hề biết, nên cứ mãi bươn chải cực khổ tìm cầu chén cơm, manh áo khắp mọi nơi. Đến khi gặp lại người bạn thân chỉ bảo có viên ngọc cột trong chéo áo thì gã mới trở thành người giàu có. Hạt châu ở đây chỉ cho Phật tánh tiềm ẩn trong tất cả mọi người, chỉ cần chúng ta tinh tấn tu hành, diệt trừ tham, sân, si v.v... làm cho Phật tánh hiển hiện thì chúng ta được thành Phật như Ngài.

Từ những lời khuyên vàng ngọc của đức Phật dạy cho hàng đệ tử, chúng tôi liên tưởng đến cuộc sống các bạn trẻ ngày nay. Có một số bạn trẻ không có chí cầu tiến học hỏi, không dám đương đầu với những khó khăn thất bại để vươn lên làm chủ cuộc đời mình. Có những bạn tốt nghiệp đại học hẳn hoi, nhưng khi đi xin việc làm chuyên ngành mình học không được, nên giết thời gian bằng cách tới quán ngồi bên tách cà phê để thưởng thức ca nhạc, hay ôm chiếc điện thoại bấm chơi suốt ngày, hoặc ôm vi tính chơi game cả ngày lẫn đêm, đến lúc đói bụng thì về nhà ăn mà không nghĩ đến nỗi nhọc nhằn cha mẹ làm ra đồng tiền cực khổ như thế nào.

Lại có các bạn sinh ra trong gia đình khá giả, hoặc con một được cha mẹ cưng chiều, nên ỷ vào tài sản cha mẹ sẽ để lại cho mình, không chịu học tập phấn đấu vươn lên, chỉ sống cho qua ngày đoạn tháng thật là vô nghĩa. Có lẽ trải nghiệm nhiều trong cuộc sống nên ông cha ngày xưa đúc kết kinh nghiệm để nhắc nhở con cháu: “Miệng ăn núi lở” hay “Nhàn cư sinh bất thiện”.

Chúng ta thấy cho dù là con nhà đại gia giàu nứt đố đổ vách mà chỉ biết sống hưởng thụ, không chịu lao động thì lâu ngày của cải cũng sẽ hết. Vả lại, theo thông thường con người sống nhàn rỗi không có việc gì để làm thì dễ sinh ra nhiều tật xấu như tập tành nhậu nhẹt, chơi bida, cá độ bóng đá, bài bạc v.v... Ăn chơi như thế thì của cải chất như núi cũng  hết. Do đó, chúng ta thấy mấy năm gần đây có nhiều tội phạm xuất thân từ con nhà giàu sang, sẵn có xe xịn thì tổ chức đua xe lạng lách, sẵn có tiền rủng rỉnh trong túi nên kéo nhau đến nhà hàng, vũ trường sang trọng nhảy nhót, hút chích. Khi hết tiền thì kéo nhau cướp giật v.v...

Vì lý do trên, chúng ta hiểu được vì sao các tỷ phú nước ngoài, cho dù tài sản của họ đến cả tỷ USD, nhưng họ chỉ cho con họ thừa hưởng tài sản một phần nhỏ, tài sản còn lại họ tặng cho các hội từ thiện. Bởi vì, các tỷ phú này muốn con họ nên người, phải lao động sáng tạo thì đầu óc mới mở mang, cuộc sống mới có ích cho gia đình và xã hội.

Cũng may, phần đông các bạn trẻ nhận thức được giá trị cuộc sống nên đã nỗ lực vươn lên, phấn đấu vượt qua mọi chướng ngại khó khăn trong cuộc sống để làm chủ cuộc đời mình. Thật đúng như mọi người thường nói: “Cuộc đời này cái gì cũng có cái giá của nó”. Lại có một câu nói rất hay: “Đời người như một cuốn sách, điều quan trọng không phải là cuốn sách dài hay ngắn mà ở chỗ cuốn sách đó hay, hay là dở”. Vì thế, chúng ta hãy sống tích cực, nỗ lực làm việc, sống trọn vẹn với thời gian với những gì đang có, sống thật vui vẻ, có ý nghĩa và hữu ích. Hãy nỗ lực làm những việc có ích cho mình và mọi người, phục vụ và cống hiến cho xã hội. Như vậy, cho dù cuộc sống có mong manh, ngắn ngủi cũng trở nên có ý nghĩa và giá trị, đừng để một đời sống trôi qua vô vị sống lâu lên lão làng, chẳng có ích gì cho bản thân, cho gia đình và xã hội thì thật là uổng phí một đời.

Thực tế cho chúng ta thấy có rất nhiều người thành công nhờ biết lạc quan và vượt qua mọi khó khăn thất bại, như Adam Khoo, người có tên trong top hai mươi lăm nhân vật dưới 40 tuổi giàu nhất Singapore nằm trong số này. Anh là tác giả của hơn chục cuốn sách bán chạy nhất như Bí quyết trắng tay thành triệu phú, Bí quyết xây dựng cơ nghiệp bạc tỉ v.v... đồng thời là diễn giả truyền cảm hứng cho giới trẻ nhiều nước trên thế giới trong việc học hành, lập nghiệp.

 Đúng như triệu phú trẻ Adam Khoo đã nói, lợi thế lớn nhất của người thành công không nằm ở tài năng, học vấn hay gia cảnh mà ở chỗ họ không ngừng học hỏi dù thành công hay thất bại. Cho nên các bạn trẻ đừng ngại thử sức, kể cả lĩnh vực không phải sở trường của bạn. Ông cha ta dạy: “Thất bại là mẹ thành công” và thực tế cũng đã có rất nhiều nhân vật chứng minh điều này. Vì vậy, Lỗ Tấn là một nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc từng nói: “Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”.

 Chúng ta sống trong thế giới này được làm thân người là chuyện rất khó, cho nên đức Phật dạy: “Được làm người khó như một con rùa chột mắt, đến một trăm năm mới ngóc đầu lên khỏi mặt biển một lần, và tìm cách chui đầu vào lỗ nhỏ của một khúc gỗ trôi lềnh bềnh trên mặt nước, bị gió Đông, gió Tây, gió Nam, gió Bắc thổi trôi dạt hết phương này đến phương khác”. Chúng ta hãy hình dung ví dụ đức Phật nêu ra thì thấy được thân người này khó biết bao.

Đời này chúng ta được làm thân người, không bị khuyết tật là quá may mắn, nên hãy cố gắng sống một đời này làm lợi ích cho mình, cho gia đình và xã hội thì sẽ không phụ công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ, ơn thầy cô hết lòng chỉ dạy, ơn bạn bè sẻ chia giúp đỡ chúng ta trong lúc gặp khó khăn và còn rất nhiều ơn nữa mà chúng ta đã nợ trong cuộc đời này, cho nên hãy cảm ơn cuộc đời:

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy,

Ta có thêm ngày mới để yêu thương [1]  


[1]. Tác giả: Kahlil Gibran- (Nguyễn Nhật Ánh dịch).

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 140
    • Số lượt truy cập : 6946833