Thông tin

TQ13 - KHÔNG AI LÀ TA

KHÔNG AI LÀ TA

Chỉ một lần thấy tận cõi tình yêu 

THÍCH LIÊN PHƯƠNG

 

Tại sao không ai là TA?

Bạn có thể đổi lại câu:  Tại sao Ta không phải là Ai?

Nếu có câu trả lời đến đúng trong bạn thì bạn phải “hình thành được” hình thành nghi vấn trước câu đặt ra.

Đó là: Từ đâu nghi? Ở đâu có câu hỏi? Bạn “tập trung tâm” bạn sẽ không thấy, nếu có sự nghĩ ngợi phân tích thì cái thấy không hiện ra. Dù có một “cố gắng” nhỏ cũng làm “lem” cái thấy biết!

Khi trong tâm trống rỗng, cái “TẠI SAO” cũng không còn. Không có hai đồng âm trắc bình: TẠI SAO, thì các âm giai sau đó không có.

Tại sao không Ai là... Vì không hề có một chủ thể nào cả nên “Ai” chỉ là một âm từ bỏ trống. Mọi hiện tượng tâm hay vật đều không có tên. Vì trọn không “danh – xưng”, ta và vật cũng chỉ có danh. Ta bất an vì cái ta không biết. Khi có danh (tên) ta có cái “biết”. Có cái biết, thì luôn có cái “không biết” ở một bên.

Trong lưỡng phân của đối cực tự tính biết ta trở nên bất định hoang mang, từ hoang mang ta tự tạo ra cái “Hữu - phần thức” để làm nơi dựa và định vị đó là tiếng “TA”.

Ta là một mệnh từ có âm mà không thật. Ta tưởng chừng như có một chủ thể trong điều không bao giờ có, nên không biết đó là gì... Cái khởi đầu không biết “đó là gì” cũng đồng nghĩa đó là ai hay TA là Ai!

Điều đầu tiên không có cái để sanh ra cũng là điều cuối cùng không có nơi để kết thúc. Dù ta tự tạo ra cái hiểu hay cái không hiểu điều không thể được như ta nói có hư không hay không có không đều không kết thúc được

Cái chơn thật là “bất sanh” nên ta luôn tự sanh ra một cái gì để được “có”, đó là tiếng “TA” một âm lượng gốc từ mê mà khởi tác.

Người điên loạn hỏi ta là ai?!

Cái không biết (vô minh) thì luôn “muốn”, có luôn muốn được “cảm nhận”, luôn muốn được trở thành. Cái muốn là tiếng động đầu tiên và hình thành cái sống. Cái sống là “lưỡng cực” giữa tin và nghi, đó cũng là sự biến hóa ra cái thứ ba, sự phát sinh và tồn tại của thời gian và đau khổ.

Hiểu biết phải từ “THẤY”. Thấy là sự hồi sinh, trở về với cái bất sinh. Bạn có thể thấy chỉ chừng trong khoảnh khắc thì có thể đốt được thời gian. Trong tâm bạn không còn tên gọi của quá khứ và vị lai. Bạn không cần phải nhìn ra chân lý mà bạn chỉ cần thấy vật trước mắt mình.

Bạn thấy được một bàn tay nắm lại hay mở ra, bạn thấy một cánh hoa, một con chim hay một chiếc lá vừa lìa cành... Tôi  không mời bạn thấy vẻ đẹp, hay cố nhìn ra những đường nét tinh vi sắc sảo...

Bạn hãy thấy rõ ràng một cái gì đó trong tâm bạn không mong chờ để hiểu, không đợi chờ sự cảm nhận, không có cái muốn và niệm bất cứ một danh xưng nào. Đúng như thế, bạn sẽ lập tức nhận ra cái “chưa từng có” bạn sẽ thấy cái “không mong chờ để thấy”, bạn biết được điều không thể ví dụ.

Khi bạn thấy như cái THẤY là bạn có được vô niệm ở trong tâm. Vô niệm là cái phi thời. Thời chính là tưởng, từ tư tưởng mà bạn thấy có thời gian. Thời gian là khoảng cách của TÂM và vật. Từ ý nghĩ, bạn sẽ định hình và có cái muốn. Khi nào có cái muốn thì không có tình yêu. Muốn là ham muốn, muốn “chiếm đoạt”, giành giật, muốn có cảm nhận để trở thành, tâm trạng này phân mảnh làm ta thành nhỏ mọn... Muốn làm ta trở thành hữu hạn, đối lập, hận thù và sợ hãi.

Lòng ham muốn và dục vọng từ biểu tượng vật chất che chắn sự thật làm cho ta trở thành sợ hãi, lo âu, khổ đau và già chết. Ngược lại là tình yêu “cái hiểu biết” vô hạn, tình yêu là tuệ giác tương giao tương hòa trong tất cả.

Cái THẤY không có trong hay ngoài, không có lớn hay nhỏ nên cảm biết mọi phát minh li ti hình thành, tồn tại và biến thiên.

Vì hiểu biết nên mới có tình yêu, không phải là “tình yêu của TA”. Tình yêu mà không nương dựa, trong tình yêu là vô ngã nên không bào mòn, điên loạn. Hãy phát minh từ cái thấy trong cái thấy hoàn hảo. “Thấy Là Giác”, giác thì không Mê nên gọi là NGỘ

Ngộ là tâm vô tướng, không có nhị nguyên. Khi cái thấy là thực tại không nối kết “sự kiện” làm tri thức thì Ý không phải là TÂM.

Tâm là trống trơn, rỗng suốt không nằm trong thời gian, không gian.

TÂM không hình thành từ cái biết hay cái không biết nên gọi là “CHÂN”.

Người có CHÂN mới biện minh ra thành “LÝ”.

Chân – lý hiện hành trong GIÁC mà không hiện hữu trong MÊ.

Cửa vào từ cái THẤY.

Quê hương là TÌNH YÊU nên nói:

Không ai là TA cả, chỉ một lần THẤY tận cõi tình yêu.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 11
    • Số lượt truy cập : 6058763