Thông tin

TQ13 - KINH VU LAN BỒN THA LỰC VÀ TỰ LỰC

KINH VU LAN BỒN

THA LỰC VÀ TỰ LỰC 

MINH QUANG


Hằng năm, lễ Vu lan thường được tổ chức trang trọng vào dịp rằm tháng bảy. Đối với người xuất gia, đây là khoảng thời gian thiêng liêng và vô cùng ý nghĩa, nó đánh dấu một bước trưởng thành trên con đường đạo hạnh. Bởi vì chư Tăng vừa kết thúc một mùa an cư kiết hạ, tăng thêm một tuổi đạo. Đặc biệt, trước khi giải hạ, theo thông lệ và truyền thống tu tập của Phật giáo Đại thừa, chúng Tăng thường họp mặt để cùng nhau phát lồ sám hối, được gọi là lễ Tự tứ, ngõ hầu làm nền tảng vững chắc cho những ngày tu học và hành đạo về sau. Cũng trong dịp này, đại lễ Vu lan đồng thời diễn ra.

Bắt nguồn từ cảm xúc dạt dào yêu thương khi nghĩ về hai đấng sinh thành, toàn thể Phật tử đoan nghiêm chánh niệm thành kính dâng lên đại chúng Tăng Ni những tịnh tài, tịnh vật và những nén tâm nhang, những lời cầu nguyện tha thiết, thành khẩn nhất để hồi hướng về cha mẹ hiện đời được sống lâu trăm tuổi, người đã quá vãng được siêu sanh Tịnh độ.

Thêm vào đó, lời kinh Vu Lan Bồn du dương trầm bổng theo tiếng mõ và nhịp chuông ngân tràn đầy xúc cảm, tấm gương hiếu đạo của Tôn giả Mục Kiền Liên lần hồi hiện về trong tâm thức mỗi người, lay động thức tỉnh tấm lòng của những người con Phật.

Kinh chép: Thuở nọ, Tôn giả Mục Kiền Liên khi vừa chứng được lục thông, vì muốn báo đáp ân đức sâu dày của cha mẹ, Ngài đã dùng thiên nhãn quan sát khắp nơi, thấy mẹ mình là bà Thanh Đề đang phải thọ khổ trong cảnh giới ngạ quỷ, nghiệp báo mà bà phải chịu là không thể ăn uống được, mặt dù bà rất đói khát, do vậy mà thân thể gầy ốm tiều tuỵ trông rất thảm thương. Khi tận mắt nhìn thấy mẹ mình phải chịu đau khổ đọa đày như vậy, lòng Tôn giả quặn đau như dao cắt, Ngài bèn dùng bình bát đựng cơm đem dâng lên mẹ. Nhưng hỡi ôi! Do nghiệp chướng quá nặng, cơm liền biến thành hòn than lửa không thể ăn được, cơn đói khát tăng lên, khổ đau lại chồng chất, trông rất thê lương. Tôn giả đem tình cảnh thảm thương vừa xảy ra bạch lên đức Phật. Ngay đó Phật dạy Tôn giả Mục Kiền Liên rằng, muốn cứu được mẹ mình thì phải nhờ đến thần lực của chư Tăng trong mười phương. Đặc biệt vào dịp rằm tháng bảy, nên sắm sửa các phẩm vật thành kính dâng lên cúng dường mười phương Tăng nhân ngày Tự tứ, đặng nhờ giới hạnh trong sạch và thần lực nhiệm mầu của chúng Tăng thanh tịnh chú nguyện, mà cha mẹ hiện đời được tăng long phước thọ, an vui hạnh phúc, cha mẹ quá vãng trong bảy đời được sanh về cảnh giới an lành thánh thiện hơn.

Vâng theo lời Phật dạy, Mục Kiền Liên bèn sắm sửa đầy đủ phẩm vật dâng lên cúng dường chư Tăng nhân ngày Tự tứ với lòng tha thiết khẩn cầu cho mẹ mình sớm siêu thoát khổ đau trong cảnh ngạ quỉ. Chư Tăng trong lễ thọ nhận cúng dường của Tôn giả Mục Kiền Liên đã thành tâm chú nguyện và ngay sau đó bà Thanh Đề thoát khỏi cảnh ngạ quỷ sanh về Thiên giới.

Khi được biết nhờ tâm thành của mình và sức chú nguyện của chư Tăng mà mẹ mình liền thoát khỏi cảnh ngạ quỉ sanh về Thiên giới, Tôn giả Mục Kiền Liên vô cùng vui mừng, tâm hồn nhẹ nhàng thanh thoát, cũng nhân đó Ngài đã thành tâm thỉnh cầu đức Phật chỉ bày phương cách báo hiếu để chúng sanh có cơ hội đền đáp thâm ân sâu nặng của hai đấng sinh thành. Trước sự thỉnh cầu tha thiết của Mục Kiền Liên, đức Phật dạy rằng, chúng sanh hiện đời và muôn đời sau, nếu muốn thể hiện lòng hiếu đạo, báo đền ơn sâu của cha mẹ, thì đến ngày chư Tăng Tự tứ vào dịp rằm tháng bảy hằng năm, nên sắm sửa phẩm vật, với lòng thanh tịnh thành kính dâng lên cúng dường chúng Tăng, thì cha mẹ hiện đời cũng như quá vãng sẽ được nhiều lợi lạc.

Như lời đức Phật từ bi chỉ dạy, với tấm lòng hiếu đạo, Phật tử chúng ta nên y giáo phụng hành để trọn vẹn chữ hiếu. Đồng thời là Phật tử, thì chúng ta nên tuân giữ truyền thống báo hiếu này để nhân rộng ra trong đời sống thế gian, ngõ hầu làm nền tảng đạo đức chung cho cộng đồng xã hội.


Theo như kinh thì nhờ lòng chí hiếu của Tôn giả Mục Kiền Liên kết hợp với sức chú nguyện của chư Tăng mà bà Thanh Đề được thoát khổ trong cảnh ngạ quỷ sanh về Thiên giới Điều này phải chăng chỉ dựa vào tha lực của đại chúng Tăng và tấm lòng hiếu đạo của Tôn giả Mục Kiền Liên mà ngay đó được sanh về Thiên giới?

Không phải vậy. Dù trong kinh không nói rõ bà Thanh Đề, vẫn chưa hay là đã “buông xả cố chấp, giải trừ ác nghiệp”... nhưng chúng ta vẫn phải ngầm hiểu rằng, nếu tự thân bà Thanh Đề không tự hối và tự cứu lấy mình, thì cũng khó có thể nương nhờ trọn vẹn vào sức chú nguyện của đại chúng Tăng mà giải thoát khổ đau, phát sanh hỷ lạc.

Do vậy, Phật tử chúng ta cũng nên nhận thức rằng, thông qua kinh Vu Lan Bồn, đức Phật đã mở bày ra cho chúng ta một phương cách báo hiếu rốt ráo và hoàn hảo, tạo cho chúng ta cơ hội đền đáp thâm ân mẹ cha đã cưu mang nuôi dưỡng, nhưng cũng khuyên chúng ta phải tư duy chín chắn rằng, trong phương cách báo hiếu, thì việc chuyển hóa tâm thức người đang thọ khổ phải hướng thiện, hướng thượng là tối cần, là thiết yếu, vì đây là then chốt để tâm chú nguyện và tâm cầu nguyện sẽ hòa hợp, dung thông được với tâm thức tự hóa giải (tự hối tự cứu) của người đang thọ khổ trong ba đường ác. Chúng tôi nghĩ rằng, đây là chỗ sống động của kinh Vu Lan Bồn, cho nên đã 25 thế kỷ trôi qua mà ý kinh vẫn tràn đầy xúc cảm, vẫn có sức cuốn hút và mãi tươi nguyên như vừa mới diễn ra trong hiện tại.

Nhân đây cũng cần nói thêm, khi Phật giáo mới du nhập vào Việt Nam, trong thời kỳ ban đầu, văn hóa Phật giáo vẫn còn không ít dị biệt với văn hóa truyền thống dân tộc và còn phải chờ một khoảng thời gian cần thiết để thích ứng. Tuy nhiên với kinh Vu lan bồn thì có lẽ không cần phải đợi thời gian mà nó vẫn tương thích ngay với tinh thần hiếu đạo của người Việt Nam chúng ta, đó là mong muốn thể hiện một việc gì đó thật có ý nghĩa, thể hiện lòng hiếu đạo đối với hai đấng sinh thành và đặc biệt là người mẹ.            

Kinh Vu Lan Bồn thuật chuyện người con hiếu đạo là Mục Kiền Liên không quản gian lao cứu mẹ là bà Thanh Đề thoát khỏi cảnh ngạ quỷ đã gây xúc động và cảm thông sâu sắc trong xã hội. Trước sự đồng cảm sâu sắc đó, nhân dân ta đã đồng hóa hai nhân vật: “Tôn giả Mục Kiền Liên” và “bà Thanh Đề” thành câu cửa miệng “Mục Liên - Thanh Đề”, và cũng từ rất lâu xa trong đời sống dân gian của người Việt Nam chúng ta, hễ nói đến “Mục Liên - Thanh Đề” tức là người ta nghĩ ngay đến một tấm gương hiếu thảo nào đó trong đời sống, vô hình trung, Tôn giả Mục Kiền Liên đã biến thành một người thuần Việt trong nếp nghĩ và đời sống của người dân Việt và câu chuyện báo hiếu cảm động này gần như đã trở thành một câu chuyện ấn tượng về những tấm gương hiếu thảo trong kho tàng chuyện cổ Việt Nam.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 83
    • Số lượt truy cập : 6946762