TQ13 - LỄ VU LAN BÁO HIẾU – MỘT TIẾP BIẾN THÀNH CÔNG CỦA PHẬT GIÁO
LỄ VU LAN BÁO HIẾU –
MỘT TIẾP BIẾN THÀNH CÔNG CỦA PHẬT GIÁO
PGS.TS. HOÀNG THỊ THƠ
Viện Triết học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Lễ Vu lan - báo hiếu của người Việt Nam hiện nay là một kết quả độc đáo của sự tích hợp thành công của Phật giáo Ấn Độ với văn hóa, tín ngưỡng và văn hóa bản địa ở Đông Á, trong đó có Việt Nam, qua quá trình du nhập, thích nghi và tiếp biến. Đây cũng là một điển hình về sự tiếp thu những nhân tố hợp lý của giáo Phật giáo Ấn Độ, như một tôn giáo ngoại lai, qua chọn lọc rồi hòa trộn với tâm lý, tín ngưỡng của văn hóa bản địa, một mặt tạo nên một loại hình lễ hội mới đáp ứng cả nhu cầu tâm linh và đạo đức của người bản địa, mặt khác góp phần phong phú thêm các gía trị tinh thần của Phật giáo nói chung và của Phật giáo Đông Á nói riêng.
Bài viết tập trung phân tích sự giao thoa, tích hợp văn hóa, tín ngưỡng Ấn-Trung và tiếp biến thành lễ Vu lan – báo hiếu của Đông Á, và từ đó nêu một số đánh giá chung.
Không phải ngay từ nguyên thủy Phật giáo đã có lễ Vu lan (Vu lan Bồn). Phật giáo du nhập vào Việt Nam qua hai ngả: vừa qua Ấn Độ bằng đường biển vừa qua Trung Quốc bằng đường bộ. Phật giáo qua đường Trung Quốc đã tiếp biến với Nho giáo Trung Quốc rồi du nhập vào miền Bắc Việt Nam nhưng với những yếu tố mới đã qua một lần hội nhập Ấn - Trung. Lễ Vu lan – báo hiếu là một điển hình của thành tựu tiếp biến Phật giáo Đại thừa (Bắc tông) ở Trung Quốc, và từ đó lễ Vu lan truyền tới các nước Đông Á, trong đó có Việt Nam. Từ đó nghi lễ này tiếp thu thêm các yếu tố bản địa của mỗi nơi để làm nên những hình thức tín ngưỡng đặc sắc.
Ngày nay lễ Vu lan - báo hiếu là một lễ quan trọng trong năm của người Việt nói chung và của Phật tử Việt Nam nói riêng. Để hiểu hơn về lễ Vu lan ta cẫn tìm hiểu nguồn gốc và nội dung của nó trước khi có đánh giá cụ thể và đưa ra dự báo về loại hình tâm linh này.
Về ngữ nghĩa, “Vu lan” hay “Vu lan Bồn” là tiếng Việt chuyển âm từ tiếng Sanskrit: Ullambana hay Alamnàna và tiếng Hán: 盂蘭 với nghĩa là “Cứu đảo huyền”, tức cứu người bị treo ngược ở dưới địa ngục.
Theo Phật giáo (Đại thừa) Bắc tông, Vu lan Bồn (Ullambana) là một pháp đặc biệt mà Phật truyền dạy cho Mục Kiền Liên để cứu cho được mẹ ra khỏi “cõi ngạ quỷ” dưới địa ngục: “... nhân ngày rằm tháng Bảy là ngày chư tăng "ra hạ" mà làm lễ trai đàn xin chư tăng cầu xá tội cho mẹ”[1]. Pháp này đòi hỏi sự tu dưỡng, tĩnh tâm, hướng sự thành kính yêu quý của người con tới cha mẹ và đồng thời kết hợp cúng dường Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) với sự hợp lực, trợ giúp thêm của chư tăng mười phương cùng cầu mong giải cứu thì mẹ của Mục Kiều Liên mới thoát khỏi “cõi ngạ quỷ”.
Trong Đại tạng kinh Đại chính tân tu tên đầy đủ là kinh Phật Thuyết Vu Lan Bồn và được xếp trong Tập bộ (in 1992), số 685, tập 16, trang 779. Giới Phật học Đại thừa thường cho rằng Trúc Pháp Hộ (Dharmaraksa, 233- 311)[2], là người dịch kinh này sang Hán văn[3] (xin trở lại vấn đề này sau), và đến nay nó vẫn được nhiều người lấy làm căn cứ để chú giải và dịch sang các thứ tiếng khác.
Xin nhấn mạnh, Kinh Vu lan không có trong kinh điển Phật giáo nguyên thủy Nam tông (Theravada), nó chỉ có trong kinh điển Bắc tông thuộc Hán tạng qua quá trình hội nhập vào Trung Quốc. Đây là cơ sở văn bản cho sự hình thành lễ Vu Lan đầu tiên ở Trung Quốc khoảng đời Tây Tấn (thế kỷ thứ III-IV) để bổ sung thêm đạo hiếu nghĩa cho Phật giáo, bởi vì khi du nhập và hội nhập vào văn hóa ở Trung Quốc, Phật giáo thường bị Nho giáo tấn công vào điểm yếu nhất, nhưng cũng là độc đáo nhất, đó là lập trường xuất thế, không coi trọng gia đình, dòng tộc, thậm chí coi ham muốn sinh con và có người nối dõi tông tộc là một trong những nguồn gốc của luân hồi khổ. Tranh luận giữa Nho Trung Quốc với Phật Ấn Độ nhiều lúc rất khốc liệt (thành các pháp nạn lớn đối với Phật giáo Trung Quốc), song theo thời gian, vấn đề này dần đi tới sự dung hợp và chấp nhận lẫn nhau giữa Nho giáo với Phật giáo và tín ngưỡng dân gian, thể hiện qua sự phát triển hình thức tín ngưỡng lễ Vu lan được cả tín đồ Phật giáo, Nho giáo chấp nhận.
Kinh Phật Thuyết Vu lan Bồn và lễ Vu lan Bồn có thể được coi là một trong những điểm mốc của sự tiếp biến của Phật giáo Ấn Độ với tín ngưỡng và đạo đức thành Phật giáo Trung Quốc, thể hiện qua một số loại hình lễ hội, văn hóa của Phật tử Trung Quốc đề cao hiếu nghĩa phù hợp với đạo đức truyền thống của Nho giáo. Cụ thể sử sách còn ghi lại, ở Trung Quốc, từ năm 538, sau khi vua Lương Võ Đế lần đầu tiên thiết cúng Vu lan, ngày lễ này đã trở thành một phong tục để các bậc đế vương cũng như thần dân tổ chức báo đáp ân đức cha mẹ, tổ tiên cho đến tận ngày nay và cũng từ đó lan truyền tới các nước có Phật giáo Đại thừa (Bắc tông) như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc.
- Mục Kiền Liên (Moggallana, tên đầy đủ là Kolita Moggallana) là một trong số các vị đại đệ tử của Phật, và là nhân vật chính trong kinh Vu lan Bồn. Ngài được cho là chứng đắc sáu pháp thần thông[4] phi thường nên có thể dùng thiên nhãn xem xét tất cả các “giới” và thấy được mẹ mình bị đọa nơi “cõi ngạ quỷ” và có thể gặp được mẹ dưới địa ngục nhưng không cứu được, cuối cùng phải nhờ pháp Vu lan của Phật truyền dạy mới giải thoát cho mẹ được. Mục Kiền Liên trở thành biểu tượng đạo đức “hiếu nghĩa” của người con đối với cha mẹ và tổ tiên trong văn hóa Phật giáo Bắc tông.
- Địa ngục (Sanskrit: Naraka) là khái niệm của Phật giáo và nhiều tôn giáo ở Ấn Độ cổ, đồng thời quan niệm này cũng khá phổ biến trong tín ngưỡng dân gian nhiều nước Đông Á gắn liền với sự thưởng phạt sau khi chết của con người. Trong quan niệm của Phật giáo Naraka được chia thành 18 tầng, mỗi tầng đều có những hình phạt khác nhau tùy theo những tội lỗi đã làm khi còn ở trần gian[5]. Kinh Vu Lan đã theo đó xây dựng nên biểu tượng ghê gớm của sự trừng phạt của nghiệp báo ở “cõi ngạ quỷ”, còn gọi là “ngục A-tỳ” là nơi mà hồn ma vì làm điều ác khi sống trên dương thế, bị phạt trở thành “quỷ đói” nhưng không thể ăn uống gì vì đồ ăn khi đưa vào miệng liền biến thành than, thành lửa.
Địa ngục là một quan niệm cũng phổ biến trong đời sống tín ngưỡng của nhiều tộc người Đông Á gắn liền với lễ Xá tội vong nhân. Họ tin rằng có những linh hồn vì làm điều bất thiện khi sống, nên khi chết đi bị cô đơn (cô hồn) không được người chăm sóc mồ mả, hương khói và họ bị đày xuống dưới địa ngục thuộc thế giới bên kia sau khi chết. Tại đó người chết bị đày đọa, tra tấn bằng nhiều hình thức, mà khổ nhất là làm ma đói, bị treo ngược (đảo huyền). Có lẽ vì đói khát luôn là nỗi ám ảnh con người khi xã hội còn nghèo đói, lạc hậu và đây là sự cảnh báo hậu quả khủng khiếp của nghiệp ác.
- Lễ Xá tội vong nhân hay còn gọi là lễ cúng cô hồn cũng là một loại hình tín ngưỡng, tâm linh bản địa tương đối phổ biến tại Việt Nam và một số nước Đông Á. Các nghi thức cúng tế cho các cô hồn, cũng thường được thực hiện vào tháng bảy âm lịch. Do vậy, rất nhiều người nhầm lẫn cho rằng lễ Vu Lan chỉ là tên gọi khác của ngày Xá tội vong nhân. Về gốc gác, đây là hai lễ khác nhau và xuất phát từ những điển tích riêng biệt.
Lễ Xá tội vong nhân thực chất là tín ngưỡng dân gian. Ngày 15/7 âm lịch là ngày "mở cửa địa ngục", các vong hồn được xá tội thoát về dương thế, vất vưởng khắp nhân gian. Lễ cúng cho các vong hồn thường bằng đồ ăn, hoa quả, cháo hoa, gạo, bỏng, muối, hương vàng, tiền giấy âm phủ... Nhưng chuyện cúng lễ này đôi khi cũng có ý nghĩa "hối lộ" xin các vong hồn không về trần gian quấy phá, và ngược lại có thể "phù trợ" cho người trên dương thế. Tuy nhiên, việc làm này còn có ý nghĩa kết nối thế giới người dương với thế giới tâm linh của người âm, mở rộng tình thương yêu đối với cả những linh hồn ở thế giới khác.
Ngoài ra, như một hình thức tâm linh của dân gian, lễ cúng “cô hồn” có thể được thực hiện nhiều lần trong năm, thường vào các ngày 2 và 16 âm lịch mỗi tháng, hoặc kết hợp trong các dịp cúng giỗ tổ tiên. Song dịp cúng cô hồn lớn nhất là ngày rằm tháng Bảy, trùng với lễ Vu lan của Phật giáo. Vì có sự trùng ngày tháng nên một số người hiểu nhầm rằng lễ Xá tội vong nhân bắt nguồn từ ngày lễ Vu lan. Đến nay ở Việt Nam nhiều người gần như không phân biệt hai lễ này, mà nghiễm nhiên kết hợp cả hai ý nghĩa báo hiếu và xá tội vong nhân (cúng cô hồn) trong cùng một nghi thức lễ.
Ở Việt Nam xu hướng này chiếm thế ưu trội, bởi vì người Việt Nam vốn có truyền thống tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có ý nghĩa rất gần với lễ Vu lan và lễ Xá tội vong nhân. Đến đời Lê, trong Quốc triều hình luật còn ghi rõ con cháu phải thờ cúng tổ tiên 5 đời[6]. Nghi lễ cúng tổ tiên mang ý nghĩa thiêng liêng thể hiện nếp sống đạo đức “uống nước nhớ nguồn” của người Việt. Triết lý hiếu nghĩa của Nho giáo và lễ Vu lan của Phật giáo đều góp phần củng cố thêm tục thờ tổ tiên của người Việt cho tới hiện nay, song Phật giáo đã thành công và hình thức lễ nghi này được gắn liền với Phật giáo chứ không phải Nho giáo hay Đạo giáo. Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã có ý kiến rằng “Từ góc độ văn hóa tôi thấy đây (lễ Vu lan- HTT) là một đặc trưng đáng trọng của con người Việt Nam, ở chỗ nó là sự tưởng nhớ những người có công trong việc tạo lập cuộc sống ngày nay trong mỗi gia đình và làng xóm Việt Nam”[7].
- Pháp Vu lan bồn là một nội dung độc đáo trong kinh Vu lan. Đó là đức Phật giảng cho Mục Kiền Liên về việc thực hành lòng hiếu thảo để biến thành sức mạnh cứu mẹ ở địa ngục. Mục Kiền Liên được hướng dẫn cách làm thực phẩm cúng dường cho Tăng đoàn vào ngày rằm tháng bảy và cách cộng lực cùng nhiều tăng chúng tụng niệm để tăng hiệu lực thần thông giải thoát cho mẹ ngài khỏi cõi ngạ quỷ.
Nội dung Kinh Vu Lan có hai phần. Phần đầu nói về Mục Kiều Liên và nguyên nhân, cách thức dùng pháp Vu lan để báo hiếu cha mẹ, phần sau khẳng định Phật tử phải thực hành pháp Vu lan như một pháp của Phật để thể hiện đạo hiếu tại tâm đối với cha mẹ và cả với chúng sinh. Đặc biệt là pháp Vu lan sẽ phát huy cộng lực khi được thể hiện thành lễ nghi Phật giáo trong Rằm tháng 7, tức là ngày mở cửa ngục A tỳ.
- Vu Lan Bồn kinh đã có nhiều bản dịch Việt ngữ và hầu hết chúng đều được dựa theo bản Hán tạng của Trúc Pháp Hộ (Dharmaraksa). Đây là trích đoạn một bản dịch của cư sĩ Hạnh Cơ (năm 2011) để chúng ta thấy được các khái niệm cơ bản của Phật giáo, Nho giáo và cả tín ngưỡng dân gian đã gặp nhau trong kinh này:
Tôn giả Đại Mục Liên
Vừa chứng sáu thần thông,
Muốn cứu độ cha mẹ,
Đền đáp ơn sinh dưỡng;
Nên dùng sức thiên nhãn
Quan sát khắp thế gian,
Nhìn thấy thân mẫu mình
Sinh trong chốn ngạ quỷ,
Không có gì ăn uống,
Hình hài trông tiều tụy,
Gầy ốm da liền xương.
...
Vào ngày Rằm tháng Bảy
(Là ngày“Phật hoan hỉ”,
Ngày“Chúng Tăng tự tứ”),
Hãy sắm sửa trai phạn,
Đầy đủ các hương vị,
Đựng trong bồn Vu-lan,
Cúng dường mười phương Tăng
Vừa thọ pháp Tự tứ.
Xin các ngài chú nguyện
Cho cha mẹ hiện tại
Được sống lâu trăm tuổi,
Không các thứ tật bệnh,
Không phiền muộn, khổ đau;
Và cha mẹ bảy đời
Thoát cảnh khổ ngạ quỷ,
Được sinh trong loài người,
Hoặc lên các cõi trời,
Hưởng phước lạc vô cùng.
...
Thực hành hạnh hiếu thuận,
Thì mỗi niệm mỗi niệm
Thường nghĩ nhớ cha mẹ
Hiện tại đến bảy đời.
Rằm tháng Bảy mỗi năm,
Đem tâm thành từ hiếu
Tưởng nhớ đến cha mẹ
Đang còn sống hiện tại
Và bảy đời quá khứ [8].
Có thể khẳng định, lễ Vu lan – báo hiếu là một thành công của Phật giáo Đại thừa khi du nhập và tiếp biến cùng Nho giáo và tín ngưỡng bản địa của Trung Quốc và lan tỏa tới nhiều nước Đông Á.
Ở Trung Quốc, đến thời nhà Đường (618-907), Phật giáo phát triển đến toàn thịnh, song vẫn không ngừng bị Nho giáo tấn công vào điểm yếu nhất, vì là một tôn giáo xuất thế, xuất gia theo tinh thần vô ngã nên không coi trọng dòng tộc, gia đình và sinh sản để tiếp tục nòi giống, tức là đi ngược với đạo trung hiếu của Nho giáo truyền thống. Các nhà sư tìm trong kinh điển Phật giáo cổ những tích chuyện phù hợp để bảo vệ Phật giáo trước sự tấn công đó của Nho giáo. Họ đã tìm được tích chuyện về Moggallana (dịch sang tiếng Hán là Mục Kiền Liên) từng bị phạt ở chốn địa ngục nhưng nhờ biết phép thần thông, đi lại được trong các thế giới, đặc biệt cả nơi “địa ngục sâu nhất” (in the deepest hell), từ đó mà gán thêm chuyện cứu mẹ cho phù hợp với đạo từ hiếu và ghép thêm lễ cúng cô hồn rằm tháng bảy của người Trung Quốc thành lễ Vu lan - báo hiếu.
Tương tự như ở Trung Quốc, ở Việt Nam, trong số các truyện Nôm khuyết danh ra đời vào khoảng thế kỷ XV-XVI, có tác phẩm Mục Liên bản hạnh. Đây là một bản "diễn ca" về sự tích tu hành đắc đạo và cứu mẹ khỏi kiếp đọa đày của Tôn giả Mục Kiền Liên. Bản này được GS Hoàng Xuân Hãn phát hiện rồi phiên dịch từ Hán – Nôm và công bố[9]. Trong phần Dẫn nhập ông có nêu rõ: "... Đây là chuyện về đức Bồ tát Mục Kiền Liên được soạn bằng tiếng Việt xưa, theo thể lục bát để Phật tử nhớ và tôn sùng một vị La hán có tiếng rất hiếu hữu, đã cứu mẹ ra khỏi địa ngục. Cũng nhờ hành động của Ngài mà nay có lễ Vu lan Rằm tháng Bảy để báo hiếu cho tổ tiên ...". Mục Liên bản hạnh gồm 162 câu thơ lục bát, và còn giữ được khá nhiều từ ngữ Nôm cổ của Việt nam cho thấy ý nghĩa của lễ này đã đi vào cuộc sống tín ngưỡng có tính truyền thống của người Việt Nam .
Tuy nhiên nên chú ý, Kinh Vu lan và lễ Vu lan chỉ có ở Phật giáo Bắc tông, tuy rằng Phật giáo Bắc tông có ý kiến nhập nhằng, cho rằng kinh này đã được dịch sang Hán từ tiếng Phạn bởi ngài Trúc Pháp Hộ (Dharmarakṣa). Nhưng thực sự kinh này không có trong kinh điển Phật giáo Nguyên thủy. Có ý kiến nhấn mạnh rằng "... thừa nhận rằng kinh này ban đầu không có ở Ấn Độ, mà xuất hiện ở Trung Quốc vào khoảng giữa thế kỷ thứ sáu"[10]. Như vậy, nó là sản phẩm sáng tạo của Phật giáo Trung Quốc sau một quá trình Phật giáo bị Nho giáo phê phán, nhất là tấn công về sự không phù hợp với đạo hiếu nghĩa truyền thống. Song, ngày nay, khi có điều kiện để đối chiếu trực tiếp kinh điển và văn hóa Phật giáo Nam tông với Bắc tông thì thấy rõ rằng trong Kinh tạng Pali có nhân vật Moggallana và thuật ngữ Ullambana, nhưng không hề có kinh nào về Phật thuyết pháp Vu lan bồn cho Mục Kiền Liên. Tương tự như vậy, trong thực tiễn đời sống tín ngưỡng và tôn giáo của Phật giáo Nam tông (Theravada) ở các nước Srilanka, Thá Lan, Lào, Campuchia cũng không có lễ Vu lan (Ullambana hay Alamnàna). Chỉ riêng Phật giáo Nam tông ở Việt Nam là kết hợp cùng với truyền thống Phật giáo Bắc tông của cả nước, cùng tổ chức lễ Vu lan - báo hiếu hàng năm vào rằm tháng 7. Đây là điều đặc biệt của Phật giáo Việt Nam hiện nay, gồm cả Phật giáo Bắc tông và Nam tông, Phật giáo Khất sĩ thống nhất trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Như vậy, có thể nói lễ Vu lan bồn và kinh Vu lan của Phật giáo Bắc tông (Đại thừa) là sự bổ sung trong quá trình hội nhập, tiếp biến của Phật giáo Ấn Độ khi vào Đông Á. Lễ Vu Lan – báo hiếu trở thành ngày lễ Phật giáo mang tính dân gian, được tăng ni Phật tử Việt Nam, cũng như các tầng lớp xã hội ở các nước Đông Á tổ chức vào rằm tháng bảy tại chùa và tại gia đình.
Song nguồn tích đầu tiên của lễ Vu lan không chỉ từ Phật giáo mà là sự kết hợp nhiều yếu tố: tín ngưỡng bản địa, lễ nghi Nho giáo và giáo lý Phật giáo. Khởi đầu, lễ Xá tội vong nhân vốn là một tục lệ của tín ngưỡng dân gian để cầu cúng cho các cô hồn, vong linh không được thờ cúng ở một gia tiên nào, và đó cũng là ngày "mở cửa ngục” xá tội cho vong nhân.
Ở Việt Nam lễ này còn được gọi là lễ “tế âm hồn” và theo sử sách thì có từ thời vua Lê Nhân Tông, năm Thái Hòa thứ 7 (1449) đã lập đàn tế âm hồn. Lễ tế này được tổ chức kết hợp với lễ Vu lan của Phật giáo và cả cúng tổ tiên, cha mẹ[11]. Sự hòa nhập này đến nay ở Việt Nam vẫn được duy trì. Người dân và tín đồ Phật giáo thường lên chùa dự lễ Vu lan, đồng thời làm lễ cầu siêu cho gia tiên thể hiện lòng kính nhớ và hiếu thảo của con cháu đối với các bậc sinh thành và cũng tranh thủ làm lễ cúng cô hồn theo tinh thần của lễ Xá tội vong nhân. Có thể nói đó là một tiếp biến thành công, khá hòa bình của Phật giáo ở các nước Phật giáo Bắc tông ở Đông Á.
Ở Việt Nam còn có bài Thập giới cô hồn quốc ngữ văn của vua Lê Thánh Tông và bài Chiêu hồn thập loại chúng sinh của Nguyễn Du dành cho lễ trong xá tội vong nhân. Sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, cũng có đoạn giải thích về nguồn gốc của Tết Trung nguyên, đã viết: "Rằm tháng Bảy gọi là Tết Trung nguyên. Ta tin theo sách Phật, thường cho ngày hôm ấy là ngày vong nhân xá tội, nghĩa là dưới âm phủ được tha tội một ngày hôm đó. Bởi vậy, nhiều nhà mua vàng mã cúng gia tiên, các nhà có người mới mất cũng hay đốt vàng mã, làm chay về hôm ấy"[12].
Ở Việt Nam không rõ tài liệu nào ghi chép việc cúng Vu lan bồn xuất phát từ bao giờ. Tuy trong ghi chép của Lê Quý Đôn có nhắc đến ngày lễ này nhưng cũng không rõ thời gian. Trong kho tàng truyện Nôm khuyết danh của Việt Nam, khoảng thế kỷ XV-XVI, Phật giáo Việt Nam có một tác phẩm viết bằng chữ Nôm. Đó là Mục Liên bản hạnh, viết về sự tích tu hành đắc đạo và cứu mẹ khỏi kiếp đọa đày của Mục Kiền Liên.
Sự bổ sung thú vị giữa Phật giáo và Nho giáo, một bên là nhờ Nho giáo đạo lý được chuẩn hóa thành hành vi (lễ), một bên là nhờ Phật giáo hình thức tín ngưỡng được mô hình hóa kết hợp với nghi lễ dân gian thành các lễ Vu lan - báo hiếu vừa chuyển tải thông điệp đạo lý vừa thỏa mãn nhu cầu tâm linh của người dân Đông Á.
Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam cũng như các nước Đông Á có Phật giáo Bắc tông sẽ có thêm cơ hội để tiếp thu các loại hình văn hóa mới hơn, chẳng hạn ở phương Tây, tuy không liên quan tới Phật giáo, nhưng họ cũng có những quan niệm và lễ nghi tương tự như lễ cúng cô hồn và lễ xá tội vong nhân của Đông Á, chẳng hạn như lễ Halloween liên hệ với người chết qua lễ hội hóa trang ma quỷ. Bản chất thì những hoạt động hóa trang trong ngày lễ này chỉ là do người đời sau thêm vào, song khởi nguồn của Halloween có rất nhiều điểm tương đồng với Xá tội vong nhân, nhất là ở sự ra đời và ý nghĩa nguyên thủy của nó.
Có thể sau này sẽ có sự kết hợp Đông-Tây trong các lễ nghi hay lễ hội, nhưng chắc chắn lễ Vu Lan sẽ có những đổi thay nhất định về hình thức và cách thức, song ý nghĩa báo hiếu, đạo đức “uống nước nhớ nguồn” tính nhân văn của tinh thần chia sẻ giữa các thế hệ trẻ với tổ tiên, dân tộc sẽ là hạt nhân bảo tồn bản sắc của văn hóa Đông Á của lễ Vu lan sẽ được tiếp tục giữ gìn trân trọng.
* * *
Qua lịch sử hình thành và phát triển lễ Vu lan ở Trung Quốc rồi Việt Nam cũng như một số nước khác ở Đông Á, xin nêu một số nhận định bước đầu:
- Bản thân các sinh hoạt tín ngưỡng (lễ Vu lan) không tốt mà cũng không xấu.
- Các sinh hoạt tín ngưỡng (lễ Vu lan) không tự nhiên sinh ra và nhất thành bất biến. Chúng là sự phản ánh ước nguyện, tâm lý, văn hóa của người dân (bản địa) trong những bối cảnh cụ thể. Chúng luôn biến đổi, dưới nhiều tác động, nhất là tác động từ kinh tế, chính trị... và chúng luôn tác động lẫn nhau, lúc thì xung đột, lúc thì tích hợp... và có thể mờ nhạt đi, mất đi, hoặc tạo ra loại hình mới, hoặc sống lại loại hình cũ.
- Thực tiễn lịch sử tôn giáo, tín ngưỡng đã cho thấy văn hóa bác học (Phật học, Nho học, Đạo học) cùng chính trị có thể đi trước, vạch đường và chủ động thiết kế hoặc loại bỏ các loại hình sinh hoạt tín ngưỡng, nhưng bao giờ chúng cũng có tính hai mặt với hai khả năng: trở thành yếu tố tích cực, góp phần bảo tồn giá trị tốt đẹp của bản sắc dân tộc, hoặc trở thành yếu tố mê tín dị đoan, gây tác hại tiêu cực tới văn hóa bình dân, thậm chí cả văn hóa bác học. Sự lựa chọn hay phát huy các yếu tố tích cực của các sinh hoạt tín ngưỡng luôn cần có lý luận bác học hỗ trợ, định hướng (mờ nhạt đi, mất đi, hoặc tạo ra loại hình mới, hoặc sống lại loại hình cũ), nhưng không được xa rời nhu cầu cuộc sống thực tiễn.
[1] Mục Kiền Liên bản hạnh - Vietsciences – Hoàng Xuân Hãn, theo trang https://www.facebook.com/permalink.php?id.
[2] Trúc Pháp Hộ (Dharmaraksa, 233- 311) người gốc Nhục Chi, còn gọi là Nguyệt Chi, nay là miền Tây Trung Bộ tỉnh Cam Túc vốn là điểm giao lưu Phật giáo gữa Ấn Độ và Trung Hoa.
[3] http://en.wikipedia.org/wiki/Dharmaraksa.
[4] Xem “chương 7. Moggallana's Magical Powers”, trong Maha-Moggallana (© 1994) của Hellmuth Hecker, Buddhist Publication Society, P.O. Box 61, 54, Sangharaja Mawatha, Kandy, Sri Lanka.
[5] Phật giáo giải thích chi ly về A-tỳ địa ngục. “Thế nào gọi là A tỳ địa ngục; chữ A là vô, chữ tỳ là gián; gián vô tạm lạc, (không tạm vui chút nào) nên gọi là Vô gián. Chữ A là vô, chữ tỳ là giá; chữ A là vô, chữ tỳ là cứu; chữ A là vô, chữ tỳ là bất động; chữ A là cực nhiệt, chữ tỳ là cực não; chữ A là bất nhàn, chữ tỳ là bất trụ; chẳng trụ chẳng nhàn nên gọi là: A tỳ địa ngục. Chữ A là Ðại hỏa, chữ tỳ là Cực nhiệt mảnh hỏa nhập tâm nên gọi là A tỳ địa ngục" (xin xem: Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành, trang huedam.blogspot.com/.../the-nao-goi-la-ty-ia-nguc.ht...)
[6] Quốc triều hình luật nhà Lê, điều 399 và 400.
[7] Phạm Văn Đồng (1994), Văn hóa và đổi mới. Nxb. Chính trị quốc gia, HN. Tr. 75.
[8] Kinh Vu Lan Bồn do cư sĩ Hạnh Cơ dịch ra Việt ngữ từ nguyên tác Hán văn, bản Phật Thuyết Vu Lan Bồn Kinh, số 685,thuộc Tạng Đại Chánh, quyển 16, trang 779, xuất bản năm 2011. Xem: http://hoavouu.com/a25815/kinh-vu-lan-bon.
[9] Xin xem http://hatvan.vn/forum/showthread.php?t=1431.
[10] Bando, Shojun, transl. (2005). The Ullambana Sutra, in:Apocryphal Scriptures, Berkeley , Numata Center for Buddhist Translation and Research,ISBN 1-886439-29-X, p. 17.
[11] Nguyễn Duy Hinh (2007), Tâm linh Việt Nam . Nxb TĐBK, Hà Nội, tr. 225-227.
[12] Xem: Hoàng Xuân Hãn (1970). Việt Nam phong tục, SG, tr.44.
[13] Xem: Tập văn Vu Lan, số 33, tháng 7-95, tr.22.
Tin tức khác
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
- TỪ QUANG Tập 12 - Tháng 04 năm 2015 (P.L.2559)
- Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - Tập II
- Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - Tập I
- Trình tự của cư sĩ học Phật - Chánh Trí Mai Thọ Truyền
Bình luận bài viết