TQ13 - NHỊP THỜI GIAN
NHỊP THỜI GIAN
HÀNG CHÂU
Tấm thiệp chúc xuân màu vàng nhạt từ quyển sách nằm trong tủ bất chợt rơi ra, Quyên cầm lên xem, ngoài bìa, nét chữ nắn nót rất mềm mại, nghệ sĩ: “Xuân Nhâm Ngọ 2002”, giữa là đóa hoa mai, vài nụ búp nhỏ trên ngọn với đôi lá xanh mơn mởn, bên dưới 4 chữ “Chúc mừng năm mới”, dòng chữ nhỏ khiêm tốn cuối cùng là tên của bạn. Một trang giấy pelure trắng bên trong, phía tay trái “Chúc Thu Quyên một mùa xuân đầy ý nghĩa”, kế tiếp với hai chữ ký tắt của tên. Trang bên mặt, tựa đề in đậm “Xuân Nhâm Ngọ”, rồi bài thơ với mỗi câu 6 từ:
Hoa cỏ ngày xuân vẫn đợi
Chờ ai bắt nhịp buông duyên
Trầm tỏa lung linh ước nguyện
Chắp tay cầu phúc Phật tiền
Áo mới xôn xao trẫy hội
Trẻ nhiều thăng tiến thảo hiền
Dưa đỏ trà thơm câu chuyện
Già tăng tuổi hạc an nhiên.
C.Đ
Thấm thoát, tính đến nay đã là mười hai năm qua đi. Trước mắt Quyên, ngày ấy, bạn là một thanh niên trang nhã, gương mặt tròn, nước da phai đi màu sương gió. Nhìn lâu, đôi mắt như ẩn chứa bao niềm sầu cảm.
Thu Quyên nhớ lâu lắm rồi, có một người bạn tu ở Thiền viện Vạn Hạnh giới thiệu một tu sĩ đang làm luận văn cao học về “Lễ hội Phật giáo ở Nam Bộ”, nếu muốn tìm hiểu, nghiên cứu đề tài này thì nên đến chùa Xá Lợi làm quen với vị ấy.
Chùa Xá Lợi, ngôi chùa lịch sử nổi tiếng của năm 1963, năm mà phong trào Phật giáo bị đè nén dưới triều đại nhà Ngô bùng phát lên dữ dội với nguyện vọng đòi “tự do cho Phật giáo”. Hòa thượng Thích Tịnh Khiết cùng những vị thầy ở ngôi chùa này với các chùa miền Trung, miền Tây tuyệt thực, tự thiêu, phẫn uất với lời lẽ hống hách của Trần Lệ Xuân “Phải quyết đập tan phong trào Phật giáo”.
Chùa Xá Lợi được xây dựng khang trang cổ kính nằm cạnh con đường Sư Thiện Chiếu và con đường mang tên Bà Huyện Thanh Quan, nữ sĩ nổi tiếng với bài thơ “Qua đèo ngang – nhớ nước đau lòng con quốc quốc, Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”. Đó là con đường có hàng me lá xanh non mát rượi thơ mộng, gió thổi lấm tấm vấn vương, lãng mạn trên mái tóc dài mượt mà, trên tà áo trắng của nữ sinh Trường Trung học Gia Long ngày ấy.
Như có duyên, trường trung học nữ lớn nhất miền Nam này ở cạnh ngôi chùa Xá Lợi. Một đàng là học chữ, trau dồi kiến thức trưởng thành làm người, một đàng là suy ngẫm rèn luyện về đức hạnh để trọn vẹn tài lẫn đức. Ôi! Vô cùng tuyệt diệu để làm hành trang vào đời. Vào cuối giờ nghỉ trưa và chiều, các nữ sinh thường sang viếng chùa. Trang nghiêm, yên tĩnh với cây bồ đề tàng lá tỏa rộng cả vùng sân xua đi sự xôn xao, lo toan tất bật của đời người.
Khi đất nước bình yên, trở về với cuộc sống thường ngày, người thanh niên ấy trăn trở, nghĩ suy, từ đây chọn cho mình một hướng đi. Trong xóm, những người cùng lứa tuổi đã lập gia đình, họ hạnh phúc với đứa con đầu lòng, tất bật với đứa thứ hai. Xóm làng anh ở là khu dân cư lao động, họ ra khỏi nhà từ sáng sớm, lúc chiều về, lưng ướt đẫm mồ hôi, vất vả, cực nhọc. Vùng này phức tạp, xen kẽ có những thành phần bất hảo đâm thuê chém mướn ở nội ô, vượt sông trốn qua An Khánh – Thủ Thiêm, vùng đất sông rạch dừa nước, sình lầy. Ánh sáng của văn hóa văn minh phản chiếu mờ mờ leo lét. Anh thở dài buồn lòng ngán ngẫm khi nghe đâu đây quanh nhà mình tiếng nguyền rủa cãi vã của những lứa đôi mà cha mẹ họ hợp tác lúc tuổi ăn chưa no lo chưa tới với quan niệm trời sanh voi sanh cỏ. Bạn bè đồng đội của anh sau ngày hòa bình họ cũng bắt đầu lo cho cuộc sống riêng và với trách nhiệm của một công dân đối với xã hội. Có ít người số phận may mắn, thuận buồm xuôi gió, lên đỉnh cao danh vọng, còn đa số thì an phận với thời gian. Những đứa em của anh, có người cũng đã lập gia đình. Họ tung bay ra khỏi tổ ấm, tự mưu sinh, nghĩ mà thương cha thương mẹ, cung cúc lo cho cuộc sống, nuôi bầy con từ lúc đút từng muỗng cháo cơm, dạy cho từng vần a – ba, e – mẹ. Con chữ đầu tiên ra mắt cuộc đời, phải biết ơn người sanh thành nuôi dưỡng mình lớn khôn. Đến khi đủ lông cánh, họ bay đi luôn cũng có người thỉnh thoảng trở về thăm cha mẹ già vì trong lòng còn vấn vương chữ hiếu. Nhiều đêm anh xoay lưng trở mình bên nầy rồi sang bên kia với hai chữ - Đời người. Nó như chiếc đồng hồ điểm từng con số thời gian, một giờ, một ngày, một tháng, một năm, rồi cứ thế xoay vần trong số phận lo toan. Năm tháng đầu đi làm, anh nhận thấy, lòng con người luôn biến động, luôn luôn muốn vượt cao hơn kẻ khác. Điều nhỏ nhoi, ích kỷ, sanh ra mưu mô chèn ép đồng loại. Những ước mơ thiên đàng lãng mạn lúc ở tuổi 17 sao không thấy. Chiều chiều, ánh mặt trời dìu dịu về hướng Tây, nhạt nhòa lăn tăn trên dòng sông, anh lững thững từng bước, miên man trong nghĩ suy, lòng vời vợi. Bên kia là đô thị náo nhiệt, trái hẳn với sự bình lặng của vùng quê cạnh bến cảng, vượt qua chiếc cầu đúc nhỏ có một ngôi chùa, bóng vị hòa thượng ẩn hiện với chiếc áo nâu sòng lặng lẽ trong sân sao mà bình yên, hiền hòa thanh thoát đến như vậy? Như có sự quyến rũ, thôi thúc, thế rồi anh ra đi... người mẹ thấu hiểu sự quyết định ấy, im lặng, nhìn bóng dáng người con trai khuất dần nơi ngõ vắng đìu hiu.
Ánh nắng ban mai tỏa sáng trên cành lá còn đọng giọt sương mai, nhành cây Sa la cạnh chánh điện, hoa tỏa ngát hương. Thầy Thanh Tịnh trầm ngâm ngắm nhìn giàn hoa lan trước cửa thư phòng, cánh hoa trắng mong manh tinh khiết, vàng anh dịu dàng quý phái, tím man mác buồn xa xôi. Thầy ngẫm nghĩ, mình vào chùa không thể tưởng nổi đã trên hai mươi năm rồi. Nhớ ngày nào tuổi thiếu niên theo các chú các anh, lặn lội vào rừng Sác, miệng líu lo với khúc quân hành, mặc mưa dông bão tố, chông gai nguy hiểm, khói súng mịt mù. Tuổi trẻ chỉ có nhìn về phía trước với trái tim sôi nổi, háo hức mà đi, chẳng sợ gì đêm tối mênh mông. Rừng Sác sình lầy cách TP.HCM không xa, cây tua tủa gai nhọn, rắn rít, muỗi mòng, cá sấu hung dữ. Thật gian nan khổ cực nhưng tất cả không màng, đầu họ luôn đội trời đạp đất cho ngày hòa bình.
Thời gian cứ trôi qua, thật không ngờ, bây giờ Thầy đã bước sang tuổi trung niên, lấm tấm trên đầu đôi ba sợi tóc ngả màu.
Nhớ ngày nào đây, thầy sang Pháp dự lễ giỗ của sư phụ, hàn huyên với các bạn đồng môn bao năm xa xôi cách trở, tình ấy sao ấm cúng lạ thường.
Có một buổi chiều, nơi quê nhà, người cha yêu quý của Thầy vắng bóng đi xa. Nghe tin, Thu Quyên âm thầm đến viếng, khói nhang lan tỏa, ngậm ngùi... Căn nhà nhỏ chìm trong không gian lặng lẽ u buồn. Chiều bến cảng chiếc thuyền ba lá lững lờ với mái chèo hờ hững, ánh nắng vàng nhạt xuống thấp dần.
Một sự kiên nhẫn với nghị lực phi thường, từng giờ, từng ngày với từng trang sách Phật được truyền lại qua nhiều thế kỷ, thầy cố gắng tìm hiểu ở các trường lớp trong nước nhiều năm, rồi may mắn có dịp ra nước ngoài, không để lỡ cơ hội, thầy đến trường cùng với các bạn nghiên cứu sinh tiếp nhiệm kiến thức quý báu của những nhân tài khoa học khám phá. Học, học mãi vẫn chưa thấy thấm vào đâu văn hóa tốt đẹp của con người đối với người, đối với thiên nhiên và nhu cầu tâm linh. Những lúc ấy, thầy nhớ đến sư phụ, người đầy lòng nhân ái bao dung có sức động viên khích lệ học trò mình tìm hiểu sự phong phú của văn hóa Phật giáo, văn hóa xã hội. Thầy Thanh Tịnh luôn nuôi dưỡng sở thích đọc sách, sự yêu thích văn học, đây là giá trị giáo dục thẩm mỹ và đạo đức ảnh hưởng đến sự phát triển của văn minh văn hóa con người.
Chung quanh thầy ngoài những đồng môn, thầy có rất nhiều bạn xa gần, mỗi người mỗi vẻ, chính những vẻ đẹp riêng ấy của họ đã thành những con số cộng cho cuộc đời, tâm hồn của thầy phong phú.
Điều sách Phật truyền lại đã ngàn ngàn năm, đời con người từ “hạt giống” sinh ra đời, qua thời gian tế bào sẽ già cỗi đi trở thành lão hóa rồi yếu dần sanh bịnh. Thầy Thanh Tịnh tự nhận thấy mình bắt đầu khát khao những phút giây yên tĩnh, sự sôi nổi ngày nào dần dần bị hòa tan, rồi có những buổi chiều cơn sốt rét rừng tái hiện, bao tử không còn tha thiết đủ sức nghiền thức ăn, thỉnh thoảng hơi thở như chậm lại, tuổi càng chồng chất thì thước phân quá khứ cứ hiện về. Tuổi trẻ chỉ nhìn phía trước, tuổi cao thì cứ nhớ thời gian hồn nhiên phơi phới đã qua, nhớ bước chân sáo thoăn thoắt theo cho kịp các anh các chú.
Con người rất cần sự chia sẻ cảm thông, nghĩa tình ấm cúng nuôi dưỡng niềm tin, sức sống. Những người bạn của thầy như tri âm, tri kỷ.
Thật không làm sao quên người bạn, cứ mỗi lần trao đổi điều gì thì người phụ nữ này khăng khăng chỉ tin khi khoa học đã chứng minh và con mắt được nhìn thấy. Chị được gán cho biệt danh là con người “vô phương cứu chữa”. Lại cũng có một anh chàng mệnh danh “người hay cãi”. Người này tranh luận điều gì thì quyết liệt cãi tới cùng. Bức tranh đời sống xã hội, không ai giống ai. Sự nhẫn nhục chịu đựng, sự dịu dàng êm thắm là sợi dây nối kết tình người muôn thuở.
Có những buổi sáng đầu tuần hẹn hò, bạn bè đến với thầy, nơi chiếc băng đá ở hành lang trên sân lầu, nét mặt người nào cũng phơi phới vui vẻ dí dỏm triết lý nhiều chuyện đã qua trong tuần, thầy khẽ nhìn người phụ nữ “vô phương cứu chữa”, nhẹ nhàng nói như phân trần vào tuổi niên thiếu ngày nào:
- Bây giờ cơ thể tôi thấm đẫm không thiếu loại vi trùng tàn phá nào, nhất là vi trùng sốt rét rừng đó nghe chị!
Thu Quyên quay sang thầy cười ý nhị:
- Bệnh của thầy đổi lấy sự vô giá bình yên của đất nước, của cuộc sống, nhất là tình yêu thương của rất nhiều tri âm tri kỷ mà khó có người nào nhận được đó, thầy ơi!
Tin tức khác
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
- TỪ QUANG Tập 12 - Tháng 04 năm 2015 (P.L.2559)
- Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - Tập II
- Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - Tập I
- Trình tự của cư sĩ học Phật - Chánh Trí Mai Thọ Truyền
Bình luận bài viết