TQ13 - RẰM THÁNG 7
RẰM THÁNG 7
MINH NGỌC
Lễ Tự tứ tại chùa Hòa An (Tam Kỳ, Quảng Nam)
Hằng năm, đến tháng Bảy âm lịch, tất cả mọi người dân Việt, đều biết đến ngày lễ truyền thống Vu lan 15 tháng Bảy. Mặc dù xuất xứ lễ này thuộc về Phật giáo, nhưng hầu như cả xã hội đều quan tâm, và được tác động ảnh hưởng đến giá trị tinh thần tri ân, báo hiếu một cách sâu sắc, tích cực. Đối với riêng người Phật tử, ngoài 15 tháng Bảy là lễ Vu lan báo hiếu, còn có nhiều ý nghĩa giá trị tâm linh khác nữa:
1- 15 tháng 7, ngày Tự tứ của đệ tử Phật xuất gia
Theo như trong các bộ Luật: Tứ Phần, Ngũ Phần, Ma ha Tăng Kỳ, Thập Tụng, Thiện Kiến Tỳ bà sa đều ghi, thì do các hàng đệ tử Phật trong ba tháng an cư bàn nhau đặt chế ra quy định “cấm khẩu” giữ im lặng tuyệt đối, không ai nói với ai. Do nhân duyên này, Phật nhóm họp Tỳ kheo tăng rồi quở trách các Tỳ kheo này: “Các thầy là người ngu si, như oan gia ở chung, tại sao lại nói là được an lạc trụ, tại sao gọi là Tỳ kheo lại thọ pháp câm, đáng lẽ ở trong pháp của ta phải lấy pháp dạy bảo nhắc nhở nhau”, quở trách rồi bảo các Tỳ kheo: “Từ nay không nên thọ pháp câm, nếu thọ pháp câm thì phạm Thâu lan giá, vì sao, vì không cùng nói chuyện là pháp của ngoại đạo. Từ nay cho hạ an cư xong, các Tỳ kheo nên nhóm lại 1 chỗ để nói 3 việc cầu người khác nói tự tứ, đó là thấy, nghe, nghi.
Thế rồi, Phật nói với các Tỳ kheo:
- Kể từ hôm nay vì các đệ tử ta chế định phép Tự tứ gồm các vấn đề: 1. Ba tháng an cư. 2. Nói ba việc: Thấy, nghe, nghi. 3. Kết thúc an cư. 4. An cư ở đâu Tự tứ ở đó. 5. Từ Thượng tọa bắt đầu Tự tứ làm gương trước, theo thứ tự trở xuống. 6. Hòa hợp chúng.
Từ đó, mới có ngày Tự tứ sau khi giải hạ ba tháng, để chính mỗi người tự nói ra những sai sót lỗi lầm của mình trong ba tháng tu học, và mong mọi người cũng tự do nói ra những lỗi lầm của mình đã phạm trong ba việc thấy, nghe và nghi. Với ý nghĩa quan trọng đó, nên nếu an cư sau ba tháng không thọ ngày Tự tứ coi như không được tính một tuổi hạ.
Theo như Luật của Phật giáo Bắc truyền, thì an cư bắt đầu từ 16 tháng 4 đến 15 tháng 7 gọi là tiền an cư, hoặc từ 16 tháng 5 đến 15 tháng 8 gọi là hậu an cư. Nếu trong chúng có một người tiền an cư thì đến ngày 15 tháng 7 tất cả chúng đồng loạt thọ Tự tứ với người này, nhưng khi Tự tứ xong phải ở lại tiếp một tháng đến 15 tháng 8 mới giải hạ. Còn nếu tất cả hậu an cư thì đều thọ Tự tứ vào ngày 15 tháng 8, kết thúc an cư.
Hiện nay, do tình hình tăng chúng các nơi về tập trung hạ, mỗi vị đều có trú xứ riêng, hoặc trụ trì, hoặc ở chúng, nhưng phải về bổn xứ trước 15 tháng 7 để lo công việc Phật sự tại chùa, địa phương nên các trường hạ linh động làm lễ Tự tứ trước vài ngày, có khi cả tuần. Tuy nhiên, việc cử hành lễ Tự tứ coi như bắt buộc không thể bỏ qua.
2- 15 tháng 7, bắt đầu lễ dâng y Ca hi na
Y Ca hi na hay Ca thi na là phiên âm từ tiếng Phạn Kathina, dịch là Y công đức, Y thưởng thiện. Tức là y chứa đựng công đức của các đệ tử Phật xuất gia, sau ba tháng thúc liễm thân tâm trau dồi giới đức, và được tưởng thưởng do hành trì thiện pháp trong suốt thời gian an cư. Theo Luật Thập Tụng, Phật giáo Bắc truyền chép:
“Phật tại nước Xá vệ, lúc đó các Tỳ kheo sau 3 tháng an cư tại nước Tang kỳ đà, Tự tứ xong, may y mới rồi liền đắp y mang bát du hành đến nước Xá vệ, giữa đường gặp mưa lớn nên người bị ướt và lấm lem bùn đất, lại bị gió nóng làm xúc não nên rất mỏi mệt. Khi đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên. Pháp thường của Phật là khi có Tỳ kheo khách đến, Phật đều hỏi thăm có nhẫn đủ không, an cư có an lạc không, khất thực có dễ không, đi đường có nhọc mệt không. Lúc đó các Tỳ kheo đều đáp là nhẫn đủ, an cư được an lạc, khất thực không khó nhưng đi đường nhọc mệt, rồi đem việc trên bạch Phật, Phật nói: “Từ nay cho các Tỳ kheo sau khi an cư, Tự tứ xong hòa hợp một chỗ thọ y Ca hi na. Thọ y Ca hi na rồi thì y đã thọ trước đó vẫn không mất, huống chi là y mới”.
Cũng theo Luật dẫn, người nhận y này được 5 điều lợi ích:
1- Được cất giữ y thừa (ngoài ba y).
2- Được lìa y ngủ qua đêm.
3- Được ăn biệt chúng.
4- Được ăn nhiều lần nhiều chỗ trước giờ Ngọ.
5- Trước và sau bữa ăn không cần báo cho Tỳ kheo khác, mà vẫn được vào thôn xóm.
Và có 5 hạng người không được nhận y này:
1- Người không có tuổi hạ. Như nhập hạ còn là sa di, giữa hạ mới thọ Cụ túc giới.
2- Người phá an cư: Tức không an cư, hoặc an cư không đúng Luật Phật chế.
3- Người hậu an cư tức từ 16 tháng 5 đến 15 tháng 8 thì không được chia sẻ y này.
4- Người bị tẩn xuất, tức vi phạm giới luật trong thời gian an cư.
5- Người đang hành biệt trú, do phạm giới, nên Tăng chúng tác pháp yết ma cho ở riêng một chỗ hành pháp sám hối.
Thời gian tác pháp để thọ trì y là một tháng từ 16 tháng 7 đến 15 tháng 8 (theo Phật giáo Nam truyền là từ 15 tháng 9 đến 15 tháng 10). Trong thời gian một tháng này, các Phật tử tùy theo các trú xứ tổ chức lễ dâng y mà thành tâm dâng cúng.
Còn về hiệu lực của y công đức này được sử dụng là trong 5 tháng kể từ ngày thọ và một số trường hợp khác như trong Luật Ngũ Phần có nêu ra.
Lễ dâng y và tạ pháp tại chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang)
3- 15 tháng 7, ngày lễ khánh tuế chư tăng
Do ba tháng an cư, cấm túc một chỗ, tam vô lậu học tăng trưởng, tuệ mạng thêm lớn, như người trẻ được lớn dần lên và thêm một tuổi qua mỗi cái tết. Đối với người xuất gia thì đây mới gọi là ngày tết, đáng vui mừng, khác với thế gian. Cho nên, các hàng Phật tử chúc tết thầy; các tăng ni trẻ, chúc tết các vị trưởng thượng hơn mình, chúc mừng các vị và đón nhận những lời chúc “lì xì” sách tấn trên con đường tu học tự lợi, lợi tha sắp tới.
Cũng do điều kiện Phật sự tại bổn xứ, nên việc khánh tuế các bậc trưởng thượng thường từ trong vòng vài ngày sau 15 tháng 7. Đây là một ngày lễ tết của hàng xuất gia, mang đậm tính nhân văn, tri ân Thầy Tổ, nên duy trì và phát huy đừng để mai một.
4- 15 tháng 7 đến 30 tháng 7 lễ Chẩn tế kỳ siêu bạt độ cô hồn
Lễ này xuất phát điểm đầu tiên dựa trên kinh Phật thuyết cứu bạt Diệm Khẩu Đà la ni, do ngài A Nan ngồi một mình thiền định trong rừng và thấy loài ngạ quỷ, thân hình hung tợn, xấu ác, miệng bốc lửa... vì đói, xin ăn. Hoảng hốt về bạch Phật, Phật bèn dạy: Ngươi chớ quá lo sợ! Ta nghĩ nhớ lại trong quá khứ vô lượng kiếp, thuở đó ta làm người dòng Bà la môn, đối trước ngài Quán Thế Âm, thụ được pháp Đà la ni (biến thực chân ngôn) của Phật Vô Lượng Uy Đức Tự Tại Quang Minh Như Lai. Ta nay bảo ngươi: Nếu trì tụng thần chú đây, niệm được bảy biến có thể khiến cho một món ăn đều thành mùi vị cam lộ...
Kinh này thuộc về Mật bộ, khi Phật giáo truyền vào Trung Hoa, đến đời Đường, vua Lương Vũ đế kiến thiết đàn chay Thủy Lục, ngài Kim Cang Trí lập thành các khoa nghi sự cúng, và truyền qua Việt Nam cho đến nay.
Trên tinh thần từ bi là chính, người Phật tử hòa cùng tinh thần Vu lan báo hiếu, Mục Liên cứu mẹ thoát khỏi tội ở địa ngục, nên trong tháng 7 này, các chùa hoặc tư gia, Phật tử làm lễ cúng thí thực cô hồn cho các loài ngạ quỷ được hưởng chút thức ăn, mà thức ăn “pháp vị” mới là chính. Qua nghi lễ đàn tràng các vị sám chủ giới hạnh thanh tịnh nhất tâm hướng nguyện các tâm thức ngạ quỷ u mê, sám hối tội nghiệp, chuyển hướng quy y Tam bảo thoát sanh về cõi an lành tốt đẹp hơn. Đây là việc làm thể hiện trọn vẹn tinh thần từ bi cao đẹp của người Phật tử, đối với tất cả chúng sanh.
Tuy nhiên, dân gian không hiểu rõ ý nghĩa, biến tướng cúng cô hồn theo kiểu mê tín dị đoan, đốt vàng mã, mổ gà, vật heo, sẵn dịp ăn nhậu linh đình, vung vãi vật phẩm cúng thí cho đến tiền bạc...một cách khoa trương. Đó không phải đúng ý nghĩa cúng trai đàn chẩn tế theo Phật giáo.
Tóm lại, kết hợp với ngày 15 tháng 7 là lễ Vu lan, người Phật tử nghĩ đến công ơn cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp của mình, phát tâm ăn chay trọn tháng 7, hoặc 10 ngày, 4 ngày, 2 ngày, v.v... tụng kinh Vu Lan, Thủy Sám, Lương Hoàng Sám, Địa Tạng, Đại Phương Tiện Phật Báo Ân..., bái sám lễ vạn Phật, tam thiên Phật v.v... thọ Bát quan trai, giữ gìn 5 giới, trước hết là tự tu sửa bản thân, sau nữa để hồi hướng tất cả công đức cho người quá vãng; đồng thời phát tâm bố thí cúng dường chư tăng hiện tiền, dâng cúng y Ca hi na, thể hiện tinh thần hộ trì Tam bảo, kết duyên với Phật pháp, gieo trồng hạt giống Bồ đề, cũng như thực hành hạnh tài thí, pháp thí và vô úy thí đến những mảnh đời ngạ quỷ “cô hồn” bất hạnh sống cũng như chết. Tháng Bảy quả là một cơ duyên thuận lợi cho các hàng Phật tử thực hành tâm nguyện tự lợi, lợi tha đúng như tinh thần cốt lõi của đạo Phật ra đời hơn suốt 25 thế kỷ qua vậy.
Tin tức khác
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
- TỪ QUANG Tập 12 - Tháng 04 năm 2015 (P.L.2559)
- Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - Tập II
- Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - Tập I
- Trình tự của cư sĩ học Phật - Chánh Trí Mai Thọ Truyền
Bình luận bài viết