Thông tin

TQ13 - TÂM NGỤC ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN

TÂM NGỤC ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN

LÝ LƯỢC TAM

 

Mỗi năm, qua ba tháng An cư kiết hạ từ rằm tháng Tư đến rằm tháng Bảy là ngày “Tự Tứ” (tùy ý tự bạch sám hối) tăng chúng tập hội nơi chánh điện mỗi người tự kiểm hành vi phạm giới của mình trong thời gian qua, tùy nặng nhẹ xét phạt, sám hối, đồng thời cử hành Phật sự “Vu lan bồn hội” siêu tiễn vong linh tổ tiên cùng thập loại cô hồn theo truyền thuyết mẹ của tôn giả Mục Kiền Liên (một trong mười đại đệ tử Phật) tên Thanh Đề sau khi chết bị đọa vào địa ngục A Tỳ làm Ngạ quỷ. Mục Kiền Liên tuy thần thông đệ nhất nhưng nếu chỉ dùng thần lực của mình thì không thể cứu mẹ được. Phật dạy vào ngày rằm tháng 7 hằng năm cung thỉnh chư tăng thập phương rộng mở Pháp hội “Vu Lan Bồn” để nhờ sự gia lực.

Ngày lễ Vu lan gợi lại chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ bị đọa ngục A Tỳ nó không những chỉ là một bài học nhắc nhở làm lành tránh dữ, hiếu dưỡng mẹ cha, mà có thể nói nó là một thông điệp muôn đời gởi lại cho con người ngày nay suy ngẫm. Chúng ta đều biết cái cảnh giới Địa ngục Ngạ quỷ đó tức Địa ngục Ngạ quỷ trong tâm mỗi con người chúng ta vậy. “Khi Tâm chúng ta không Địa ngục thì Địa ngục âm ty mới không”. Câu nói này phải chăng là lời thệ nguyện của Địa Tạng Bồ tát: “... Chúng sanh độ tận phương chứng Bồ đề”. Địa ngục không nhất định là Địa ngục sau khi chết chịu khổ đọa, mà địa ngục vẫn có ngay trên cõi đời này. Cứ ngay trong thế giới này mỗi con người sống trên thế gian trải qua bốn khổ lớn “Sanh, Già, Bệnh, Chết” (Sanh Lão Bệnh Tử), lại còn thường xuyên nghe, nhìn thấy những cảnh như: Họa người gây ra chiến tranh cướp bóc sát hại nhau dã man, nước lớn trừng phạt nước nhỏ, nghèo đói, bệnh dịch, bom nổ, đạn xuyên chết chóc máu sông thây núi, gia đình ly tán, cùng những thiên tai động đất, bão cuốn, lũ dâng nhà trôi người chết v.v...

Phải chăng đó là sự địa ngục trần gian? Còn như ngạ quỷ ta thử hình dung nó như tâm tánh tham dục của con người thể hiện qua hình ảnh một con người đói khát dơ dáy xấu xa, bụng to yết hầu nhỏ, tứ chi gầy đét như cành củi khô, hai mắt thao láo, ăn uống nhểu nhão nuốt không vô, thức ăn rơi rớt biến đi đâu mất hết lúc nào cũng cảm thấy đói khát thiểu não thảm thương, không sao thỏa mãn tham dục như vậy chúng ta có thể nói địa ngục ngạ quỷ hiện hữu trên thế gian này. Và qua kinh điển Phật giáo, Thiên Thai tông rất xem trọng tư tưởng Địa ngục, theo giáo thuyết: Thập giới gồm có 6 mê giới: Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, A-tu-la, Nhơn và Thiên; và 4 ngộ giới là Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và Phật. “Nhất niệm Tam Thiên” là trọng tâm giáo thuyết thập giới của Thiên Thai tông. “Nhất Niệm Tam Thiên” tức là nháy mắt một sát na tâm “nhất niệm” có đủ sum la vạn tượng. Trong sum la (vũ trụ) vạn tượng có đủ thập giới, 6 giới (lục phàm) thuộc thế giới Mê vọng, 4 giới sau thuộc giới Giác ngộ (Tứ thánh) và theo Thiên Thai giáo nghĩa thì thập giới không phải riêng lẻ cô lập mà mỗi một đều có đủ thập giới trong tâm của kẻ giết người vẫn có tâm Phật (Tâm tức Phật). Trong một niệm nếu khởi lên tham dục tức là tâm Mê vọng, nếu phát từ niệm Thiện thù thắng tức tâm Thiện đạo, nếu phát từ niệm từ bi chánh tín (Tịnh) tức tâm Bồ tát. Như vậy, trong cái tâm niệm tạp khởi, tự có đủ các tướng của thập giới, tức là trong tâm thức của ta có đủ lục phàm tứ thánh (Thập giới) vậy.

Giờ chúng ta thử xem thế nào là “Nhất Niệm Tam Thiên”, chúng ta khởi niệm trong một thế giới, ắt có đầy đủ mười giới, mười nhân mười (10 x 10 = 100) tức một trăm (thế giới) trong một thế giới này mỗi mỗi có đủ mười tướng đồng thời có đủ “Ngũ ấm” “chúng sanh”, “quốc độ” ba thế giới: Trăm thế giới nhân mười (100 x 10 = 1.000) “tướng”, rồi nhân ba (“Ngũ ấm”, chúng sanh “Quốc Độ” tức là ba ngàn (1.000 x 3 = 3.000) “Tam Thiên” thế giới. Ba ngàn thế giới này thực đủ trong cái tâm “Nhất niệm” của mỗi chúng ta. Do vậy, Thiên Thai giáo nghĩa dạy chúng ta hãy quán tưởng “Tam Thiên thế giới” với trí tuệ “Nhất Niệm Tam Thiên” thoát ly “Mê giới vọng tưởng”, thẳng vào “Ngộ giới thanh tịnh”, chuyển hóa tâm tham vọng khổ đau thành Tâm Thiện Hạnh An lạc. Không gì hơn ngay từ đầu, bây giờ chúng ta hãy thay đổi quan niệm sống, thực tập phát tâm cởi mở bao dung, coi mọi sự sự vật vật đều bình đẳng, thực tập và mở rộng tâm từ bi, biết thương xót mọi sự vật và gắng nuôi dưỡng lòng từ bi vị tha. Thiết nghĩ, muốn thay đổi quan niệm sống thiện hạnh thập phần khó khăn, chúng ta phải có lòng tin mỗi con người đều có Phật tánh như Phật dạy mọi vật đều vô thường chỉ có Phật tánh là Tự Tánh chân như của mỗi chúng ta, là bất sanh bất diệt. Hãy tin vào tự Tánh chân, gắng đi vào con đường Thiện hạnh “Từ bi hỷ xả, minh Tịnh Thiện hành”.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 18
    • Số lượt truy cập : 6946687