Thông tin

TQ13 - TRUNG NGUYÊN, VU LAN, RẰM THÁNG BẢY ÂM LỊCH

TRUNG NGUYÊN, VU LAN, RẰM THÁNG BẢY ÂM LỊCH

NGUYỄN HỮU VIỆT

    

Sách Biên niên sử Phật giáo miền Bắc (1920-1953), cho biết: Ngày 18 tháng 12 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22 ấn định những ngày Tết, kỷ niệm lịch sử và tôn giáo trong đó:

 “Điều thứ nhất: Những ngày Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, ấn định trong bảng đính theo sắc lệnh này sẽ được coi là những ngày lễ chính thức.

Trong những ngày đại lễ ấy các công sở trong toàn quốc sẽ đóng cửa, và sẽ cử nhân viên phụ trách công việc thường trực”.  

Với bản phụ đính kèm theo: Bảng kê những ngày nghỉ Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo. Mục III: Những ngày lễ tôn giáo, điểm a. Phật giáo có: Sinh nhật Đức Phật Thích Ca ngày 8 tháng 4 âm lịch nghỉ 1 ngày; Trung nguyên ngày 15 tháng 7 âm lịch nghỉ 1 ngày; lễ Đức Phật thành đạo ngày 8 tháng 12 âm lịch nghỉ 1 ngày1.

Theo Sắc lệnh này, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xác nhận Trung nguyên ngày 15 tháng 7 âm lịch là một trong ba ngày lễ Phật giáo và quy định vào những ngày này các cơ quan công sở đều nghỉ việc.

Trung nguyên ngày rằm tháng Bảy có phải là ngày lễ Phật giáo?

Học giả người Nhật Onishi Kazuhiko trong bài tham luận Tam giáo thời Lý Việt Nam qua lễ Tết Trung nguyên, cho biết: Từ điển Văn hóa cổ truyền Việt Nam chép về Tết Trung nguyên như sau: “Tết Trung nguyên (Lễ Vu lan). Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm. Theo đạo Phật, ngày này Diêm Vương cho các âm hồn lên trần hưởng lộc. Mọi nhà đều làm mâm cơm cúng tổ tiên...”.

Từ điển này kể về Lễ Vu lan như: “Vu lan (Lễ) (Phật giáo)...Rằm tháng 7 âm lịch gọi là ngày vong nhân xá tội, nghĩa là dưới âm phủ, ngày hôm ấy các vong hồn được tha tội. Bởi vậy đốt vàng mã cúng gia tiên”2.

Từ dẫn chứng của Onishi Kazuhiko, chúng ta thấy, sách Từ điển Văn hóa cổ truyền Việt Nam đã có sự nhầm lẫn Tết Trung nguyên tương tự như Sắc lệnh 22! Ở Việt Nam bấy giờ, Tết Trung nguyên được công nhận là đã kết hợp với Lễ Vu lan và đã trở thành một ngày lễ Phật giáo để cúng các âm hồn, đặc biệt là gia tiên.

Tại sao có sự nhầm lẫn trên?

Ngược dòng lịch sử, các sách Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư  các năm 1072, 1118 và 1128 đều ghi về Tết Trung nguyên và lễ Vu lan bồn, như sau: 

Mậu Tuất, năm thứ 9 (1118). Mùa thu, tháng 7, tiết Trung nguyên bãi cỗ bàn, vì là gặp ngày lễ Vu lan bồn của Linh Nhân hoàng thái hậu (Ỷ Lan). 

Mậu Thân, Thiên Thuận năm thứ nhất (1128). Mùa thu, tháng 7, tiết Trung nguyên, vua ngự điện Thiên An, các quan dâng biểu mừng. Vì là ngày lễ Vu lan bồn của Nhân Tông, nên không đặt lễ yến.

Những sự kiện trên cho phép chúng ta rút ra mấy điều sau đây:

Thứ nhất, vào thời Lý, nước ta đã có lễ Trung nguyên tổ chức vào tháng 7 âm lịch;

Thứ hai, trong ngày lễ Trung nguyên đó các quan biểu thị tấm lòng chúc mừng bằng việc trao tặng quà biếu và mở yến tiệc. Nhưng ngày này không đặt lễ yến vì trùng với ngày lễ Vu lan bồn của Lý Thánh Tông (1072), Linh Nhân hoàng thái hậu (1118) và Lý Nhân Tông (1128).

Thứ ba, từ thời Lý đã có lễ Vu lan nhưng nội hàm chưa mang tính chất báo hiếu.

Sau khi đối chiếu với các tài liệu của Trung Quốc, học giả
Onishi Kazuhiko rút ra một số điều thú vị:

- Cho đến nửa đầu thời Lý, có khả năng Tết Trung nguyên được tổ chức vào ngày 5-7 theo lịch trình đạo Thiên Sư (Đạo giáo) thời Đường.

- Theo Chư Phồn Chí, Tết Trung nguyên thay làm vào ngày 5-7 sang ngày 15-7 do bối cảnh sự phát triển và phổ cập của Phật giáo trong xã hội nước Đại Việt.

- Phong tục tập quán theo Nho giáo như việc thờ cúng tổ tiên định kỳ chưa nổi bật trong ý thức các tác giả ở ba tài liệu của Trung Quốc đã mô tả phong tục tập quán nước Đại Việt thời Lý”.3  

Và, có lẽ từ nửa sau thời Lý trở đi ở nước ta thường tổ chức Tết Trung nguyên vào ngày 15 tháng 7 âm lịch hàng năm.

Lễ Vu lan đúng nghĩa có lẽ bắt đầu từ thời Trần như lời Lê Quý Đôn trong sách Kiến văn tiểu lục viết, Vu lan: (triều nhà Trần nước ta có hội Vu lan) là cứu người bị treo ngược. Tuy nhiên, chúng tôi chưa tìm được tài liệu nói về hội Vu lan thời Trần.

Thời Hậu Lê, năm Giáp Dần, niên hiệu Thiệu Bình thứ I (1434). Mùa thu, tháng 7, ngày 15, vua Lê Thái Tông mở hội Vu lan, tha tù tội nhẹ 50 người, cúng dường các sư tụng kinh 220 quan tiền4.

Sang thời Nguyễn: Các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều tổ chức trai đàn tụng kinh và cầu siêu dài ngày tại các chùa Thiên Mụ, Diệu Đế ở kinh đô Huế nhân lễ Vu lan, tết Trung nguyên và lễ xá tội vong nhân rằm tháng Bảy 5. Nội dung các buổi lễ trên cho thấy, vào triều Nguyễn, ý nghĩa báo hiếu lễ Vu lan đã mở rộng trong dân gian không những cứu độ cha mẹ, tổ tiên mà còn lan ra tất cả mọi người. Vu Lan Bồn đã trở thành một đại lễ cầu siêu rộng lớn, có cả chư tăng, có cả nhà vua và quan lại triều đình tham dự.

Lễ Vu Lan Bồn thế kỷ XX

Đến thế kỷ XX, có lẽ Hội Phật học Lưỡng Xuyên Trà Vinh là hội đầu tiên tổ chức lễ Vu Lan Bồn với hình thức và nội dung mới tại vườn của quan huyện Trương Hoằng Lâu ở làng Phong Phú, quận Cầu Kè, Cần Thơ các ngày 4, 5, 6 tháng 9 năm 1941 (13, 14, 15 tháng 7 âm lịch).

Có đến 18 vị sư tăng và 12 vị sư cô dự lễ, trong ấy, Hòa thượng Lê Khánh Hòa làm Chứng minh, sư cụ Vạn An, sư cụ Kim Huê, sư cụ Khánh Anh làm Pháp sư, Hòa thượng Huệ Quang làm Pháp chủ. Còn bên Ni giới thì sư cô Diệu Kim làm Pháp sư.

Buổi lễ trang nghiêm không có kèn trống om sòm, không tụng kinh theo giọng hát ca, không đầu phướn; không Tiên đồng giáng thế, không đốt vàng mã.

Chiều ngày 13 tháng 7 âm lịch, Ban Trị sự Hội ở Trà Vinh đến dự. Sau khi tụng kinh cầu nguyện, ông Trần Văn Giác, Thông phán về hưu, nhân danh Hội Lưỡng Xuyên Phật học lên diễn đàn trước máy truyền thanh, nói về bốn cái ơn lớn của Phật dạy (Tứ ân) được công chúng hoan nghênh.

Còn sáu thời thuyết pháp trong đám chay thì do 3 vị Hòa thượng pháp sư và sư cô Diệu Kim, là những vị thông hiểu Phật pháp và giỏi hùng biện phụ trách.

Phóng viên báo Duy tâm nhận xét: “Cuộc lễ Vu Lan Bồn này đáng làm mẫu mực cho những người muốn cầu siêu cho ông bà cha mẹ vì cách sắp đặt có lớp lang trật tự thể thống hoàn toàn thực là hy hữu. Trong Nam Kỳ mới có cuộc lễ này là thứ nhất”6.

Sau ngày Bắc - Nam liền một dải, rồi Phật giáo cả nước thống nhất, lễ Vu lan đã được cử hành trọng thể vào ngày 15-7 âm lịch hàng năm, thu hút hàng ngàn người vào hội lễ. Ngoài các mục đọc tụng kinh Vu Lan Bồn, kinh Báo ân cha mẹ, cầu siêu độ vong, còn có các nghi lễ Đại Phật tuyên dương, Mông Sơn thí thực, Bông hồng cài áo v.v...

Rằm tháng Bảy - lễ xá tội vong nhân

Bên cạnh Tết Trung nguyên và lễ Vu Lan Bồn đều làm vào ngày rằm tháng Bảy thì rằm tháng Bảy cũng là lễ xá tội vong nhân, mà người Việt Nam nào cũng biết bởi vì nó là truyền thống dân tộc, nó gắn với tục cúng cháo, nẻ, hoa quả, v.v... nó đã ăn sâu vào truyền thống văn hóa dân tộc, thậm chí lễ này còn là lễ quan trọng nhất, bởi: “Cúng cả năm không bằng rằm tháng Bảy”7.

Theo cách hiểu của văn hóa tín ngưỡng, lễ xá tội vong nhân là để cầu cúng cho các cô hồn (những vong linh không/chưa được thờ cúng ở một gia tiên nào).

Lễ xá tội vong nhân và lễ Vu lan báo hiếu ở Việt Nam đã thể hiện nét đẹp về văn hóa của dân tộc và của Phật giáo và trong thực tế nhiều khi hai lễ này được nhập làm một. Sự nhập làm một ấy có lý do về mục đích vì đều thể hiện sự nhớ ơn các thế hệ đã mất đặc biệt là các vị gia tiên tiền tổ, đều thể hiện sự thương cảm đối với những người bị mất trong những cảnh ngộ éo le mà không được thờ cúng. Tuy nhiên, sự nhập làm một ấy lại nảy sinh vấn đề khác đó là sự rườm rà, phức tạp, thậm chí là tốn kém và có thể kèm theo yếu tố mê tín. Ngay cả việc phóng sinh cũng nảy sinh không ít hệ lụy về kinh tế, văn hóa, và xét theo cách của Phật giáo một cách rốt ráo thì việc làm này cũng chưa hẳn là điều thiện8.

Trong những năm gần đây, việc cúng xá tội vong nhân cũng như lễ Vu lan báo hiếu diễn ra sôi nổi ở nhiều nơi với quy mô nghi lễ khá lớn. Hai lễ này là khác nhau, tuy nhiên cũng có một số trường hợp lại được hiểu và hành làm một, điều đáng quan tâm là lễ xá tội vong nhân với những nghi thức phức tạp, với những lễ vật – nhất là vàng mã tốn kém đã làm giảm đi những giá trị văn hóa đích thực của lễ xá tội vong nhân cũng như lễ Vu lan báo hiếu.


1. Nguyễn Đại Đồng, Biên niên sử Phật giáo miền Bắc, NXB Tôn giáo, 2008.

2. Hữu Ngọc (Chủ biên): Từ điển Văn hóa cổ truyền Việt Nam, NXB Thế giới, Hà Nội, 1995, tr 581, 704.

3. ĐĐ.TS Thích Đức Thiện - TS Nguyễn Quốc Tuấn (Đồng chủ biên), Phật giáo thời Lý với 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr235-245.

4. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tập 1,2, NXB Văn hóa Thông tin, 2004.

5. Châu bản triều Nguyễn, Lý Kim Hoa dịch, NXB. Khoa học Xã hội, 2004.

6. Tạp chí Duy tâm, số ra tháng 10 năm 1941.

7. Kỷ yếu tọa đàm khoa học quốc tế “Tôn giáo và văn hóa, mấy vấn đề lý luận và thực tiễn” do Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại tổ chức, NXB Tôn giáo, 2014.Bài Lễ xá tội vong nhân và Vu lan báo hiếu của Trương Hải Cường, Đại học Quốc gia, Hà Nội.

8. Sách đã dẫn.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 22
    • Số lượt truy cập : 6126222