Thông tin

TQ13 - TỪ KINH NGHIỆM CỦA GIÁO DỤC PHẬT GIÁO THÁI LAN...

TỪ KINH NGHIỆM CỦA
GIÁO DỤC PHẬT GIÁO THÁI LAN...

NGUYỄN VĂN THÔNG

(THƯỢNG TỌA PHÁP TÔNG)

Phó Trưởng Ban Trị sự tỉnh Thừa Thiên Huế

 

Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo, trong đó, Phật giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất. Sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã xây dựng được một hệ thống giáo dục Phật giáo với số lượng cơ sở giáo dục Tăng Ni có đủ các cấp đào tạo từ sơ cấp đến đại học và cao học tại Học viện Phật giáo TP Hồ Chí Minh [2, tr. 22-25]. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục hiện nay của GHPGVN vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển Phật giáo nói riêng, phát triển xã hội nói chung. Có không ít vấn đề làm ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy Phật học, đạo đức Phật giáo trong nhà trường các cấp của Giáo hội, trong đó, chính hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay đang bộc lộ một số hạn chế cho sự phát triển và nâng cao chất lượng giảng dạy.

Thái Lan là quốc gia cùng nằm trong một khu vực địa lý với Việt Nam, có một hệ thống giáo dục Phật giáo vững mạnh được cộng đồng Phật giáo quốc tế công nhận thuộc vào tốp đầu. Do vậy, nghiên cứu hệ thống giáo dục Phật giáo Thái Lan và vận dụng kinh nghiệm cho giáo dục Phật giáo Việt Nam là một vấn đề hết sức cần thiết đối với GHPGVN và ngành giáo dục Phật giáo nước ta hiện nay.

I. THỰC TRẠNG HỆ THỐNG GIÁO DỤC PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Hệ thống giáo dục – đào tạo của GHPGVN hiện nay không thể hiện được đầy đủ các tính chất đặc thù của ba truyền thừa Phật giáo (Bắc tông, Nam tông và Mật tông), mà hầu hết nội dung thuộc về hệ tư tưởng Phật giáo Bắc tông. Có thể xem đây là mô hình hệ thống giáo dục Phật giáo Bắc tông tiêu biểu.

Xét trên tổng quan, hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay bao gồm:

a. Giáo dục Phật học phổ cập: Có trách nhiệm giảng dạy Phật pháp cho các Phật tử tại gia, bao gồm các trung tâm thuyết pháp và giảng dạy giáo lý trên toàn quốc, các lớp Phật pháp hàm thụ, đáp ứng nhu cầu cho mọi đối tượng không phân biệt tuổi tác, trình độ và giới tính.

b. Giáo dục Phật học Sơ cấp: Trung bình 2 năm, chủ yếu được áp dụng tại TPHCM và một số tỉnh miền Tây. Miền Bắc và miền Trung không bắt buộc các sa-di và sa-di-ni phải học chương trình này. Thường do mỗi chùa tự sắp xếp dạy dỗ cho những người mới vào chùa hay đang tập sự.

c. Giáo dục Phật học Trung cấp: Trung bình 4 năm, được áp dụng bắt buộc trên toàn quốc. Đối tượng là các Tăng Ni sinh có trình độ thế học tối thiểu là tốt nghiệp lớp 9. Chương trình học hướng về giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến; cung cấp cho Tăng ni sinh kiến thức nền tảng về Phật học dựa trên khái niệm văn, tư, tu; hướng Tăng ni sinh đến đời sống thanh tịnh và giải thoát tự thân. Cả nước hiện có 30 trường Trung cấp Phật học.

d. Giáo dục Phật học đại học và sau đại học: Đào tạo trình độ Cao đẳng (2-3 năm), Cử nhân (4 năm), Thạc sĩ (2 năm). Là cấp học đào tạo chuyên sâu về Phật học cho những Tăng ni sinh đã tốt nghiệp Trung cấp Phật học và có trình độ thế học tối thiểu là tốt nghiệp Trung học phổ thông. Hiện có 3 Học viện Phật giáo ở ba miền.

Hệ giáo dục này ngoài việc đào tạo bậc cao đẳng và cử nhân để cung cấp nhân sự cho Giáo hội cũng như nhu cầu học hỏi Phật pháp cao hơn, còn có đích hướng là đào tạo bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ, nhằm cung cấp cho Giáo hội những vị có khả năng nghiên cứu, dịch thuật, trước tác, giảng dạy Phật học ngang tầm khu vực và quốc tế [3, tr. 62-63].

II. GIÁO DỤC PHẬT GIÁO THÁI LAN VÀ CÁC THÀNH TỰU

Tại Thái Lan hiện nay đang tồn tại hai hệ thống giáo dục Phật giáo dành cho giới xuất gia lẫn tại gia. Một là hệ giáo dục Phật học truyền thống, được tổ chức giảng dạy tại các chùa lớn có đông chư Tăng và đội ngũ giáo thọ sư (giáo viên Phật học) có trình độ đủ sức đảm đương; hai là hệ giáo dục Phật giáo cấp tiến, do các viện đại học, cao đẳng có mở chuyên khoa Phật học theo mô hình đại học Tây phương. Theo các nhà nghiên cứu đánh giá thì ngôi chùa là 1 trong 5 thành phần cơ cấu nên một làng ở Thái Lan, đó là: gia đình, họ hàng, dân tộc, chùa, trường học. Ở đây chùa và trường học quyết định bộ mặt của một làng và tình cảm của dân chúng đối với nhà chùa. Trên cơ sở đó Giáo hội Tăng già (Saṅgha) Thái Lan đã sớm đặt nền móng cho một hệ thống giáo dục Phật giáo trong cộng đồng xã hội không phân biệt giai cấp, chủng tộc được gọi là hệ thống giáo dục Phật giáo truyền thống.[4] 

III. HỆ THỐNG GIÁO DỤC PHẬT GIÁO TRUYỀN THỐNG

Khác với hệ thống giáo dục Phật giáo hiện đại không phân biệt đối tượng giáo dục, hệ thống giáo dục Phật giáo truyền thống ngay từ đầu đã phân chia đối tượng giáo dục rất rõ ràng thành hai loại: Phật học dành cho người xuất gia (tỳ-kheo, sa-di, tu nữ) và Phật học dành cho cư sĩ tại gia (thiện nam tín nữ, thanh thiếu nhi).

Hệ thống giáo dục cho người xuất gia

Hệ thống giáo dục này có 2 chương trình: Nak Dham (Phật Pháp căn bản) và cổ ngữ Pâli. Cơ sở giảng dạy thường được đặt ở các chùa lớn, có đội ngũ giáo thọ sư có trình độ và năng lực giảng dạy và có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu (phòng học, giáo tài...).

Phật Pháp căn bản (Nak Dham): 3 lớp (Nak Dham ti; Nak Dham thô; Nak Dham ek), thường đào tạo từ 2-3 năm, mỗi lớp học khoảng 6 tháng. Nội dung học được chia thành ba trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao cấp với 4 môn học như sau: Tập viết luận văn; Phật pháp thường thức; Lịch sử Đức Phật và Giới luật người xuất gia.

 Pāli (hay Pāli Phật pháp): Được phân thành 3 cấp, mỗi cấp 3 lớp (mỗi lớp được tính 1 năm); cuối mỗi cấp, người học phải tham dự một kỳ thi; nếu vượt qua được kỳ khảo hạch này mới có thể học tiếp cấp cao hơn. Học tăng/tu nữ nào đậu cả 3 cấp sẽ là một vinh dự lớn cho bản thân và cha mẹ vì được Hoàng gia ân tứ, ban tặng bổng lộc và nhiều vinh dự đặc biệt đến trọn đời.

Hệ thống giáo dục cho cư sĩ tại gia

Từ nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, nhà chùa cũng là trường học dạy các trẻ nhỏ trong làng. Chư Tăng Phật giáo Thái Lan tự cho mình không những chỉ có nhiệm vụ dạy và giáo dục tinh thần cho nhân dân, mà còn tự nguyện dạy tất cả các trẻ em trong nước không lấy tiền. Nhà chùa là nơi đào tạo những người thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau. Ở đây, các em được học đọc, học viết, được dạy những nguyên lý đạo đức Phật giáo và một số những hiểu biết thông thường khác. Chính chư Tăng trong Phật giáo đã đảm đương việc giáo dục cho dân chúng.  

Kể từ sau cuộc cách mạng 1932, Thái Lan tiếp tục đẩy mạnh công cuộc hiện đại hóa đất nước. Việc mở cửa học hỏi và làm theo phương Tây đã có những tác động mạnh mẽ tới văn hóa – xã hội truyền thống của Thái Lan. Bắt đầu từ đây, văn hóa – xã hội truyền thống Thái có nguy cơ bị văn hóa phương Tây lấn át, trong đó có Phật giáo. Tuy vậy, cho tới những năm 60 thế kỷ XX, Phật giáo vẫn còn giữ được vai trò quan trọng nhất định trong xã hội Thái Lan. Giáo hội Tăng già đã được cải tổ lại cho phù hợp với một đất nước có thể chế chính trị là nền quân chủ lập hiến. Và tuy tìm mọi cách để phát triển đất nước theo khuôn mẫu phương Tây, nhưng Chính phủ Thái Lan vẫn có ý thức bảo tồn truyền thống Phật giáo của mình và vẫn coi Phật giáo là quốc giáo.

Từ năm 1950, Phật giáo và đạo đức Phật giáo đã trở thành bộ môn bắt buộc trong tất cả các trường học và được đưa vào dạy từ lớp 1 trở lên. Năm 1960, Bộ Giáo dục đã mời hàng trăm nhà sư làm giáo viên trong các trường học Nhà nước và được lĩnh lương tháng. Hệ thống giáo dục xã hội mà Phật giáo có tham gia đã trở thành chỗ dựa của chế độ hiện nay.

Ngay từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành, mỗi người dân Thái Lan đều được giáo dục về tinh thần và nghĩa vụ đối với nhà vua, với đạo Phật, hiến pháp, chính phủ, gia đình, trường học, xã hội. Học sinh phải học đạo đức học và luân lý của đạo Phật. Từ nhiều năm trước đây, sau khi chào cờ và trước khi bước vào lớp, học sinh đều phải đọc một đoạn kệ bằng tiếng Pâli để kính lễ và tán dương Phật, Pháp, Tăng.

Phật giáo Thái Lan có uy tín vô cùng lớn trong đời sống xã hội của nhân dân Thái Lan. Đặc biệt ở các vùng nông thôn, ngôi chùa không chỉ là cơ sở tín ngưỡng, trung tâm tôn giáo mà còn là trung tâm tư vấn xã hội. Nhà chùa trước đây, khi Chính phủ Thái Lan chưa có cuộc cải cách về giáo dục, đóng hai vai trò quan trọng trong cơ cấu xã hội là: tôn giáo và giáo dục. Hai yếu tố này lại là hai yếu tố thể hiện đời sống tâm linh, tình cảm và sự phát triển của ngôi làng.

Nhà chùa cũng là trường học. Hầu hết tại các chùa đều có tổ chức dạy chữ và giáo dục đạo đức, nghi lễ Phật giáo, giáo lý cơ bản cho thanh thiếu nhi; nhiều chùa còn tổ chức dạy nghề thủ công, nghệ thuật truyền thống như ca vũ, vẽ tranh, làm tượng; hình thành những đội ngũ văn nghệ dân gian (đội múa, đội kèn trống, ban kịch,...) để phục vụ cộng đồng trong các lễ hội của địa phương và nhà chùa.

Trong nhà trường các cấp hiện nay, việc học tập đạo đức Phật giáo là điều đương nhiên và được xem là môn học bắt buộc trong suốt thời gian ngồi trên ghế nhà trường. Đối với tầng lớp công chức nhà nước, đạo đức Phật giáo cũng là một trong những nội dung tư tưởng thường xuyên được Chính phủ, chính quyền các cấp phổ biến, truyền bá. Hơn nữa, Nhà nước còn tạo điều kiện cho bất kỳ cá nhân nào trong hệ thống quan chức, công chức của Nhà nước tham dự các khóa tu học Phật giáo như Xuất gia gieo duyên một thời gian, khóa thiền. Tại các chùa, trường đại học Phật giáo ở thành phố hoặc trung tâm tỉnh lỵ hiện nay có các lớp Phật pháp ngày chủ nhật dành cho thanh thiếu nhi và người lớn tuổi; lớp tập thiền hằng tuần, lớp dạy Vi Diệu pháp (Abhidhamma). Một sinh hoạt thường xuyên ở các chùa khắp cả nước là sinh hoạt tu học vào ngày giới (uposatha). Đó là, mỗi tháng tính theo Âm lịch, vào các ngày 14, 15 và 29, 30 (hoặc 28, 29 của tháng thiếu) các Phật tử cư sĩ thường đến chùa làm phước (đặt bát, dâng thức ăn thức uống lên chư Tăng; cúng hoa, đèn lên đức Phật), nghe chư sư thuyết Pháp, thọ 8 giới (ngày bình thường chỉ thọ 5 giới), hành thiền. Số lớn Phật tử tham dự thường xuyên là người lớn tuổi hoặc đã nghỉ hưu. Họ tìm được niềm an ủi và sự thanh thản nội tâm trong các sinh hoạt này. Đây chính là phần đóng góp quan trọng của hệ thống giáo dục Phật giáo truyền thống cho người lớn tuổi và người già trong xã hội Thái Lan hiện nay.[4]

IV. HỆ THỐNG GIÁO DỤC PHẬT GIÁO HIỆN ĐẠI

Bắt đầu từ cấp cử nhân của đại học. Do vậy, sinh viên muốn theo học chỉ cần có trình độ thế học tương đương trung học phổ thông và phải tham dự một kỳ thi tuyển.

Hệ thống giáo dục Phật giáo này do mô phỏng hệ thống và phương pháp đào tạo theo mô hình Tây phương nên luôn nhạy bén với những thay đổi về giáo dục của thế giới. Hiện nay, toàn bộ các trường trong hệ thống này đều đào tạo sinh viên, học viên cao học theo hệ thống tín chỉ. Hai viện đại học Phật giáo hàng đầu của Thái Lan hiện nay là:

-Viện Đại học Mahāmakut Buddhist University (Educational Council of Mahāmakuta-Rajā Vidyalaya), viết tắt là MBU, được thành lập ngày 30/11/1945 (PL. 2488) và chính thức khai giảng vào ngày 16/9/1946 (PL. 2489) dành cho chư Tăng, tu nữ và cư sĩ Phật tử phái Dhammayuttika.

-Viện Đại học Mahāchulalongkorn Buddhist University (Mahāchulalongkorn-Rajā Vidyalaya), viết tắt là MCU, được thành lập ngày 9/1/1947 (PL. 2490) dành cho chư Tăng, tu nữ và cư sĩ Phật tử phái Mahānikâya.

Mỗi viện đại học đều có các trường thành viên (colleges) ở một số tỉnh, thành trên cả nước và cả chi nhánh đào tạo ở nước ngoài – MCU hiện có 6 học viện chi nhánh ở hải ngoại. Cả hai viện đại học này đều được Hội đồng Tăng già tối cao và Chính phủ Hoàng gia ủng hộ.

Có thể lấy mô hình Viện Đại học Mahāchulalongkorn Buddhist University (MCU) minh họa cho hệ giáo dục Phật giáo hiện đại.

Viện đại học Mahāchulalongkorn Buddhist University (MCU)

+ Triết lý giáo dục: (MCU là) Trung tâm giáo dục Phật giáo hàng đầu tích hợp Phật giáo với khoa học hiện đại vì sự tốt đẹp của xã hội và sự phát triển tinh thần.

+ Tầm nhìn: MCU có dự định quyết tâm trở thành một trung tâm quốc tế về Phật học, giáo dục và nghiên cứu triết học.

+ Sứ mạng: MCU có 4 sứ mạng:

  a) Giáo dục và phát triển các sinh viên/học viên có 9 phẩm chất đáng kỳ vọng: có đức hạnh, có ý thức, hữu dụng, có khả năng, ham hiểu biết, hiếu khách, (có kiến thức) phổ quát, năng lực lãnh đạo, có khát vọng.

b) Nghiên cứu đạo đức để phát triển một bộ khung tri thức được cấu trúc bởi quá trình dạy và học,...

c) Để xiển dương Phật giáo và phục vụ cho mặt học thuật trong cộng đồng bằng việc gia tăng các hoạt động khác nhau thật hữu hiệu nhằm phụng sự cho Giáo hội Tăng già...

d) Nhằm xiển dương và phát triển những nguồn lực tri thức để bảo trì các bộ môn nghệ thuật và văn hóa thích hợp cho việc nghiên cứu, mà chính chúng cũng sẽ hỗ trợ cho sự hiểu biết về xứ sở như là nền tảng cho sự phát triển của cá nhân và xã hội.

+ Chương trình giảng dạy:

Cấp Cử nhân có 4 khoa: Phật học, Giáo dục, Nhân văn và  Khoa học xã hội.

* Khoa Phật học: có 3 phân khoa là:

1) Phân khoa Phật học. 2) Phân khoa Tôn giáo và Triết học. 3) Phân khoa Pāli và Sanskrit. Khoa Phật học có một chuyên ngành cấp Thạc sĩ về Tỷ giảo học tôn giáo.

* Khoa Giáo dục: có 3 phân khoa: 1) Phân khoa giáo dục và quản lý Tăng-già. 2) Phân khoa Chương trình và Dạy học. 3) Phân khoa Pháp học (Pariyattidhamma) và công tác Tăng-già. Khoa Giáo dục có một chuyên ngành cấp Thạc sĩ về Quản lý Giáo dục.

* Khoa Nhân văn học: có 3 phân khoa: 1) Phân khoa Thái ngữ. 2) Phân khoa Ngoại ngữ. 3) Phân khoa Tâm lý học. Khoa Nhân văn học có 3 chuyên ngành cấp Thạc sĩ: Nghiên cứu về sự sống và chết; Phật giáo và các bộ môn nghệ thuật của cuộc sống; Ngôn ngữ học.

* Khoa Khoa học xã hội: có 3 phân khoa: 1) Phân khoa Khoa học chính trị. 2) Phân khoa Kinh tế học. 3) Phân khoa Xã hội học và Nhân loại học. Khoa Khoa học xã hội có 2 chuyên ngành cấp Thạc sĩ: Quản lý công và Quản lý trong Phật giáo.

Ngoài các chuyên ngành Thạc sĩ của các khoa đã kể trên, viện còn có một trường đào tạo sau đại học các chương trình cấp Thạc sĩ và Tiến sĩ theo các chuyên ngành như:

* Trình độ Thạc sĩ: Có các chuyên ngành: Cổ ngữ Pāli, Nghiên cứu Phật học, Triết học, Truyền bá Phật pháp, Tỷ giảo học về tôn giáo, Thiền Tuệ hay Thiền Minh sát (Vipassana), Nghiên cứu Phật giáo Mahāyāna, Quản lý công, Quản lý giáo dục, Nghiên cứu sự sống và chết, Cổ ngữ Sanskrit, Phật giáo và các bộ môn nghệ thuật của cuộc sống, Ngôn ngữ học, Quản lý trong Phật giáo.

* Trình độ Tiến sĩ: Có các chuyên ngành: Nghiên cứu Phật học (tiếng Thái), Nghiên cứu Phật học (tiếng Anh), Triết học, Nghiên cứu Phật học thuộc hệ Pāli văn.

Viện có một chương trình quốc tế hợp tác đào tạo giáo dục sau đại học, đặc biệt về Phật giáo, để sinh viên các nước có nhu cầu có thể đến nghiên cứu về Phật giáo. Chương trình này có một chuyên ngành có tên: Nghiên cứu về Phật học. Một viện nghiên cứu Phật học được thành lập năm 1997 và một viện Ngôn ngữ mới hình thành vào năm 2009 nhưng đã mở được nhiều khóa đào tạo về: - Tiếng Anh thông dụng; - Thái ngữ và Anh ngữ cho sinh viên và đội ngũ nhân viên của viện đại học; - Tiếng Trung sơ cấp, trung cấp và cao cấp; - Khóa dạy viết luận tiếng Thái, tiếng Anh đúng chuẩn mực; - Khảo sát tiếng Thái, tiếng Anh.

+ Cơ sở đào tạo (trường sở):

Ngoài cơ sở chính (Main campus) được đặt tại xã Lam Sai,  huyện Wang Noi, tỉnh Ayutthaya, MCU còn có 10 cơ sở chi nhánh (campus) đặt tại 10 tỉnh, 7 trường đại học cộng đồng thành viên (colleges), 10 lớp Cử nhân mở rộng đặt tại các chùa rải rác trong nước, 18 đơn vị phục vụ cho học thuật đặt ở các chùa, đào tạo cả hai trình độ: Cử nhân và Thạc sĩ, 7 học viện hợp tác với nước ngoài, đào tạo trình độ Cử nhân, Thạc sĩ và có nơi cả Tiến sĩ, tùy theo nhu cầu và điều kiện của nước sở tại – như Học viện Dharma Gate Buddhist College, ở Hungary chỉ hợp tác đào tạo trình độ Tiến sĩ chuyên ngành Nghiên cứu Phật học.

Trong năm học 2010 (PL. 2553), tổng số sinh viên cả 3 cấp của MCU đang được đào tạo ở các cơ sở khắp nơi trong nước và rải rác trên thế giới gồm: - Cử nhân: 15.392 SV; - Thạc sĩ: 1.524 HV; - Tiến sĩ: 297 NCS. [6]

V. CÁC HƯỚNG VẬN DỤNG VÀ CÁCH THỰC HIỆN VÀO GIÁO DỤC PHẬT GIÁO VIỆT NAM

1. Nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng về vai trò của giáo dục Phật giáo trong việc giáo dục con người

- Mục đích, ý nghĩa

Nâng cao nhận thức cho xã hội, cộng đồng về vai trò và tầm quan trọng của giáo dục Phật giáo trong việc giáo dục con người là nội dung trọng tâm của các đề xuất. Đồng thời, nâng cao nhận thức của lãnh đạo, nhân dân về công tác xã hội hóa giáo dục Phật giáo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giáo dục Phật giáo được phát triển trong xã hội, cộng đồng.

- Liên hệ thực tiễn tại Việt Nam và cách thực hiện

Phật giáo hiện diện và đồng hành cùng dân tộc Việt hơn hai nghìn năm nay; đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi và sự thịnh suy của vận nước qua các triều đại. Rất nhiều tư tưởng Phật học qua giáo dục Phật giáo đã hòa nhập vào cộng đồng cư dân người Việt, hình thành các nhận thức về thế giới quan, nhân sinh quan, tạo nên các mẫu mực về văn hóa trong ứng xử giữa con người với nhau trong cuộc sống.

Trung ương GHPGVN cần tập trung chỉ đạo Ban Giáo dục, Ban Hoằng pháp và các cơ sở giáo dục Phật giáo từ trung ương đến địa phương có trách nhiệm soạn thảo kế hoạch, chương trình, giáo trình; nâng cao nhận thức cho đội ngũ quản lý, đội ngũ giảng dạy để  họ thấy được tầm quan trọng trong nhận thức mới có thể tự giác hành động, tích cực đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu chung.

2. Phát huy ảnh hưởng của giáo dục Phật giáo đối với giáo dục đạo đức, giữ gìn và bảo tồn truyền thống dân tộc Việt Nam

- Mục đích, ý nghĩa

Hiện nay đất nước và dân tộc đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách, trong đó có vấn đề đạo đức và truyền thống. Quan hệ ứng xử giữa người và người ngày càng xuống dốc: thiếu tình người, thiếu tính nhân văn và tôn ti trật tự. Tính ích kỷ, cá nhân đang có nguy cơ trở thành phổ biến ở trong gia đình và xã hội.

- Liên hệ thực tiễn tại Việt Nam và cách thực hiện

Để phát huy vai trò của giáo dục Phật giáo đối với giáo dục đạo đức, giữ gìn và bảo tồn truyền thống cộng đồng, truyền thống dân tộc, GHPGVN các cấp trong các hoạt động giáo dục, hoằng pháp cần:

- Tiếp tục nhân rộng và phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng các khóa tu học mùa hè dành cho thanh thiếu nhi ở các tỉnh thành có tổ chức GHPGVN. Trong chương trình tu học cần đưa vào các bài học về ứng xử có văn hóa, nhân văn, lòng tôn trọng, biết ơn đối với tổ tiên, các truyền thống hay đẹp của địa phương cũng như của dân tộc, giống nòi về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật; các giá trị sống mang tính nhân văn v.v...

- Tổ chức úy lạo, thăm viếng và tặng quà các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công với đất nước, thương bệnh binh, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật, mồ côi, trại dưỡng lão, hội những người khiếm thị, người bị phơi nhiễm chất độc da cam v.v... trong các dịp lễ cổ truyền của dân tộc và đại lễ của Phật giáo.

- Hướng đến các đối tượng trong cộng đồng cần đến Giáo dục Phật giáo chuyển hóa, hỗ trợ, nâng đỡ như những người đang thụ án, các trung tâm giáo dục phục hồi nhân phẩm... bên cạnh việc giáo dục Phật học cho Tăng ni, Phật tử.

3. Củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý giáo dục Phật giáo

- Mục đích, ý nghĩa

Một trong những biện pháp quan trọng nâng cao hiệu quả của ngành Giáo dục Phật giáo hiện nay là cần củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý giáo dục Phật giáo từ trung ương đến địa phương.

- Liên hệ thực tiễn ngành Giáo dục của GHPGVN và cách thực hiện

Hiện nay hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam đã có những thành tựu đáng kể, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, mà nổi bật hơn cả là vấn đề quản lý yếu kém. Đây là khâu then chốt trong việc nâng cao hiệu quả giáo dục của ngành Giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay.

GHPGVN và Ban Giáo dục Trung ương cần sớm thực hiện các vấn đề sau:

- Ban hành “Quy chế Giáo dục Phật giáo Việt Nam”, quy định rõ hệ thống giáo dục, các cơ sở giáo dục thực hiện giáo dục cho Tăng ni, xác định trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, tự viện, cá nhân Tăng ni trong việc thực hiện giáo dục Phật giáo qua các cấp học: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học Phật học trong phạm vi cả nước; bảo đảm thống nhất sự phân cấp và tiến độ thực hiện giáo dục Phật giáo cho tất cả các cấp học; thống nhất chương trình đào tạo và đảm bảo chất lượng đào tạo ở đầu ra; quy định chương trình khung cho từng cấp đào tạo đối với mỗi cấp học.

- Tổ chức kiểm tra, thanh tra các trường trung cấp, cao trung Phật học và các học viện Phật giáo Việt Nam trong việc thực hiện chủ trương giáo dục của GHPGVN để kịp thời phát hiện, đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn.

4. Xây dựng và phát triển các cơ sở giáo dục Phật giáo

- Mục đích, ý nghĩa

Một tổ chức xã hội được đánh giá là tiến bộ khi quy mô và chất lượng đều cùng phát triển.

- Liên hệ thực tiễn Việt Nam và cách thực hiện

Hiện nay, GHPGVN đã có một hệ thống giáo dục tương đối ổn định và phát triển với 3 Học viện Phật giáo Bắc tông, 1 Học viện Phật giáo Khmer, 9 lớp cao đẳng, 31 trường Trung cấp Phật học Bắc tông , 3 trường Trung cấp Phật học Pâli, 50 lớp sơ cấp Phật giáo Bắc tông, 36 lớp sơ cấp Pâli. Nhìn chung số lượng cơ sở nói trên so với nhiều thập niên trước thật sự khả quan, là tín hiệu đáng mừng cho hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, so với các nước Phật giáo trong khu vực, đặc biệt là với quốc gia có hệ thống giáo dục Phật giáo lâu đời và phát triển như Thái Lan thì vẫn còn khá khiêm tốn. Một lỗ hổng không nhỏ của hệ thống cơ sở giáo dục của GHPGVN là chưa có trường cao trung Phật học chuyên ngành Nam tông của Tăng ni người Kinh -  mà đây là một trong hai hệ phái Phật giáo chính của GHPGVN!

- Ban Giáo dục Trung ương cần phối hợp chặt chẽ với các Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, thành để có kế hoạch thành lập thêm cơ sở hoặc sáp nhập, liên kết đào tạo giữa các trường cao trung, Trung cấp Phật học cho từng khu vực, liên thông tuyển sinh vào các HV để TN sinh được quyền lựa chọn trường có chất lượng theo học hoặc mở thêm các lớp cao đẳng chuyên ngành, đáp ứng nhu cầu công tác Phật sự đa dạng như hành chính, sư phạm, tổ chức lễ hội, sự kiện, biên soạn sử Phật giáo địa phương, truyền thông, báo chí... vốn đang thiếu hụt nhân sự cho các lĩnh vực này. Và mỗi cơ sở giáo dục của giáo hội dù nhỏ hay lớn, ở sơ cấp hay đại học cần phải xây dựng một thiền đường để các Tăng ni sinh được hướng dẫn thiền tập hằng ngày. 

- Giáo hội Trung ương và Ban Giáo dục Trung ương phải sớm xem xét, tạo điều kiện để cho hệ phái Nam tông dân tộc Kinh được thành lập một số trường cao trung Phật học chuyên ngành Nam tông và học viện chuyên ngành Nam tông để hệ phái Nam tông có cơ sở và điều kiện giáo dục, đào tạo Tăng ni của hệ phái.

5. Tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo

- Mục đích, ý nghĩa

Chất lượng Tăng ni sinh giỏi, xuất sắc là yếu tố khẳng định sự đóng góp hiệu quả của cơ sở giáo dục – đào tạo Phật học đối với công tác đào tạo Tăng tài cho Phật giáo, cho đất nước nhằm phục vụ vào sự nghiệp chung của giáo hội và của quốc gia.

- Liên hệ thực tiễn Việt Nam và cách thực hiện

Ban Giáo dục Giáo hội Trung ương, Ban Giáo dục Giáo hội các tỉnh, thành, Hội đồng các học viện, Ban Giám hiệu các trường cao trung/trung cấp Phật học cần thực hiện tốt những vấn đề cơ bản sau đây:

- Chọn lựa, đổi mới phương pháp, hình thức tuyển sinh đảm bảo công bằng, đánh giá đúng năng lực Tăng ni sinh dự tuyển để nguồn vào đủ chất lượng.

- Phát triển nội dung, chương trình, giáo trình, tài liệu học tập, giảng dạy: Nghiên cứu, chọn lựa các nội dung, chương trình, giáo trình, tài liệu học tập, giảng dạy phù hợp cho từng cấp học (sơ cấp, trung cấp, cao cấp/đại học, cao đẳng), từng truyền thừa (Bắc tông, Nam tông), cùng các môn xã hội học cần thiết như: ngôn ngữ, triết học, pháp luật, sư phạm, quản lý hành chính, quản lý giáo dục...; thống nhất chương trình giảng dạy của từng cấp học tại tất cả các cơ sở giáo dục của Giáo hội.

-  Đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục – đào tạo đảm bảo trung thực, khách quan nhưng lại nhẹ nhàng và hiệu quả cao.

- Tổ chức chu đáo, có chất lượng các kỳ kiểm tra theo học kỳ, kỳ thi kết thúc chuyên đề, kỳ thi tốt nghiệp để có đầu ra thật sự chất lượng.

- Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng để tạo hứng khởi cho người dạy lẫn người học.

6. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giảng sư cho các cơ sở giáo dục Phật giáo

- Mục đích, ý nghĩa

Không thể có Tăng tài khi đội ngũ quản lý, giảng dạy chưa đạt chuẩn hoặc kiêm nhiệm quá nhiều chức vụ.

- Liên hệ thực tiễn Việt Nam và cách thực hiện

Để nâng cao hiệu quả trong quản lý, đào tạo, trước hết, lãnh đạo các cơ sở giáo dục Phật giáo cần chỉ đạo nâng cao nhận thức của bộ phận quản lý và ban giảng huấn của nhà trường về tầm quan trọng của việc đào tạo, bồi dưỡng về hai phương diện: phẩm chất và năng lực.

Bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý, đội ngũ giảng dạy; bồi dưỡng kỹ năng sử dụng các phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ quản lý, đội ngũ giảng dạy có điều kiện làm tốt hơn công việc chuyên môn của họ.

Bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giảng dạy, đội ngũ quản lý, phục vụ nhằm nâng cao, hoàn thiện nhân cách và quan trọng hơn hết là trình độ nghiệp vụ sư phạm của người giảng dạy, trình độ chuyên môn của đội ngũ quản lý, phục vụ trong nhà trường. Nhất thiết cần phải sớm có chuyên ngành sư phạm các cấp, chuyên ngành quản lý hành chính, quản lý giáo dục, tâm lý giáo dục ở các học viện hoặc liên thông với các đại học bên ngoài để sớm khắc phục tình trạng bất ổn này.

Bồi dưỡng năng lực sư phạm cho đội ngũ giảng dạy là nội dung cơ bản, quan trọng trong công tác bồi dưỡng; mặt khác, các vị lãnh đạo cũng phải là người gương mẫu, đi đầu trong công tác tự học, tự bồi dưỡng.

7. Phát huy hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục của giáo dục Phật giáo

- Mục đích, ý nghĩa

Đưa đạo Phật đến với mọi tầng lớp, cộng đồng trong xã hội là sứ mệnh của hệ thống giáo dục Phật giáo hiện đại cần phải đảm đương, thực hiện.

- Liên hệ thực tiễn Việt Nam và cách thực hiện

Tùy theo nhu cầu học Phật của mỗi giới mà hình thức giáo dục có thể linh hoạt tổ chức cho phù hợp như:

- Các lớp học Phật pháp ngày Chủ nhật hay một vài buổi tối trong tuần. - Các khóa tu học từ một ngày, ba ngày, một tuần đến một vài tháng. - Các câu lạc bộ (CLB) sinh hoạt về Phật giáo như CLB Thiền, CLB Học Phật, CLB giúp trẻ em lang thang v.v... - Thuyết trình, thuyết giảng các đề tài Phật giáo có liên quan đến cộng đồng. - Xây dựng mỗi ngôi chùa, nhất là ở vùng quê, nhanh chóng trở thành một trung tâm văn hóa – xã hội của cộng đồng dân cư bằng các hoạt động thiết thực hơn như: hướng dẫn tu học cho Phật tử địa phương, tư vấn cho người dân về các vấn đề họ cần, hỗ trợ dân chúng trong các công tác xã hội địa phương,... ngoài các hoạt động lễ bái, tín ngưỡng.

8. Giáo dục Phật giáo cần chú trọng hơn nữa đến giáo dục người trưởng thành

- Mục đích, ý nghĩa

Giáo hội Phật giáo các cấp cần phải xem xét, tìm hiểu nhu cầu của thiện nam tín nữ và có kế hoạch đưa Phật pháp đến với hàng Phật tử tại gia, quần chúng nhân dân nhiều hơn, thường xuyên hơn và mang tính hệ thống hơn.

- Liên hệ với thực tiễn Việt Nam và cách thực hiện

- Tiếp tục mở rộng, phát triển thêm các loại hình giảng dạy, giáo dục Phật giáo cho Tăng Ni không có điều kiện theo học các khóa Phật học đào tạo chính quy và nhất là người trưởng thành đủ mọi thành phần, ngành nghề, tuổi tác,... có nhu cầu như: các lớp Phật học cho người đang công tác hay đã nghỉ hưu (như dạng đào tạo tại chức của đại học thế tục), đào tạo từ xa; lớp Phật học trực tuyến,...

- Xét nhu cầu tìm hiểu Phật giáo, Phật học của xã hội hiện nay, GHPGVN cần sớm nghiên cứu, xem xét mô hình hai hệ thống giáo dục của Phật giáo Thái Lan, Myanmar, Sri Lanca, Campuchia để trong tương lai có thể thiết lập thêm một hệ thống thứ hai, đáp ứng nhu cầu của xã hội và cộng đồng Phật giáo. Đây là xu hướng của thời đại mà Việt Nam nói chung, GHPGVN nói riêng đang từng bước hội nhập vào cộng đồng quốc tế để cùng nhau phát triển trong hòa bình và bền vững cần nghiêm túc tìm hiểu, học tập và thực hiện vì lợi ích cho cả xã hội, nhất là đối với hàng ngũ những người trưởng thành là cư sĩ Phật tử hoặc quần chúng nhân dân.

KẾT LUẬN

Nghiên cứu, tìm hiểu thực trạng hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam và đặc biệt là hệ thống giáo dục Phật giáo Thái Lan; so sánh các mặt: mạnh, yếu, hạn chế cũng như cơ hội của cả hai hệ thống là cơ sở để người viết đề xuất 8 hướng vận dụng nói trên. Sự tương quan giữa tính cần thiết và tính khả thi của các nội dung đề xuất khá chặt chẽ, khắng khít.

Thực tiễn hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay đang rất cần sớm được khắc phục các mặt bất cập và đổi mới căn bản để phát triển, tạo được sức bật, thúc đẩy hệ thống giáo dục Phật giáo phát huy ở tầm cao mới, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực hơn cho cộng đồng Phật giáo và xã hội.


Tài liệu tham khảo:

1. “Tư liệu văn kiện Đảng”, www.dangcongsan.vn, 12/3/2014.

2. Thích Thiện Nhơn (2012), Kỷ yếu hội thảo “Giáo dục Phật giáo Việt Nam: Định hướng và phát triển”, Giáo dục Phật giáo: Sự kế thừa và phát triển, NXB Tôn giáo Hà Nội.

3. Thích Nguyên Thành (2012), Kỷ yếu hội thảo “Giáo dục Phật giáo Việt Nam: Định hướng và phát triển”, Những mục tiêu của giáo dục Phật giáo Việt Nam, NXB Tôn giáo, Hà Nội.

4. Phạm Nguyên Long – Nguyễn Tương Lai (Chủ biên) (1998), Lịch sử Thái Lan, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

5. Buddhism in Thailand shared, www.dropbox.com, 8/1/2014

6. “Đại học Mahâchulalongkornrajavidyalaya”, www.mcu.ac.th, 21/1/2014  

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 355
    • Số lượt truy cập : 6947200