Thông tin

TQ13 - TU LÀ GÌ?

TU LÀ GÌ?

CHÁNH TRÍ

 

Định nghĩa chữ TU - TU có phải là việc riêng của nhà sư không? Tại sao người đời phải TU? TU theo đạo Phật là như thế nào? Tu có lợi ích gì cho mình, cho gia đình, cho xã hội, cho nhơn loại và về những phương diện nào?

Xứ ta là một xứ có nhiều tôn giáo. Nhưng lạ một điều, hễ nói đến chữ Tu, là người ta nghĩ ngay đến đạo Phật.

Ông này theo đạo Chúa, bà nọ vô đạo Tin Lành, bác kia nhập môn (tức là theo đạo Cao Đài), nhưng chỉ có những người đạo Phật là TU.

Để chỉ có một việc là vâng chịu giáo lý của tôn giáo, tại sao lại dùng nhiều danh từ sai biệt như thế? Có phải chăng vì Phật giáo đã được truyền sang nước Việt trước hết, đã lan tỏa khắp chốn cùng nơi và người dân Việt từ ngàn xưa đã thấm nhuần giáo lý của đức Thích Ca cho nên dân gian dành riêng chữ TU cho những ai muốn khép mình trong quy tắc của đạo Phật? Đây không phải là vấn đề, nên không bàn dài. Sở dĩ nêu câu hỏi này ra là để chúng ta cùng nhận rằng hễ nói đến Tu là Tu theo đạo Phật.

Nhưng TU là gì?

Biết bao hình ảnh tiếng ấy sẽ gây trong đầu óc ta: Nào những nhà sư đầu tròn áo vuông, chùa am ẩn bóng, chay lạt nâu sòng, ly gia cắt ái, cách biệt thế gian; nào là những người được đời ban cho hai chữ "Mê tín" đa số là các cụ bà tay lần chuỗi, miệng Nam mô; nào là những kẻ chán đời hay bất đắc chí, trốn nợ trần gian, lánh xa trách nhiệm, mượn câu kinh bài kệ làm kế tiêu dao; nào nào gì nữa mà mỗi hình ảnh là khêu gợi một khinh bỉ, một nhạo báng, nhớ đến thêm buồn. Tại sao đời lại khe khắt như thế đối với hàng đệ tử Phật mà lại rộng dung với tín đồ của biết bao nhiêu vị Giáo chủ khác.

Tôi không dám nói đời bất công. Tôi chỉ tiếc hai điều: Một là có người tự xưng là Tu nhưng lại không Tu; hai là đời không chịu tìm hiểu nghĩa chữ Tu là gì. Tu mà không Tu là thế nào, chắc đời đã thấy nhiều bằng cớ cho nên mới khinh nhạo. Đến như nghĩa chữ Tu mà đa số vẫn chưa tự giải, để có nhiều thành kiến bất hảo đối với số người chân chánh theo đạo Phật, tôi xin phép quý ngài lấy làm đề buổi nói chuyện hôm nay.

Theo thiển kiến, dầu nói Tu trơn hay nói Tu theo đạo Phật, chữ Tu cũng chỉ có nghĩa là SỬA mà thôi, như chúng ta nói tu kiều bồi lộ (sửa cầu đắp lộ).

Từ chỗ dở, một anh thợ tập sự, ngày ngày vâng theo lời bác thợ chánh, SỬA đổi cách làm việc của mình cho đến chỗ hay, anh thợ ấy đã Tu, tu cái nghề của mình. Một chị thợ may, trước may vụng sau may khéo, là cũng nhờ hằng ngày tu luyện nghề mình, SỬA đổi từ cách cầm kim cầm kéo, đến cách đánh mực, lên trôn... Nói tóm trong tứ dân, sĩ, nông, công, cổ, không nghề nào nghiệp nào mà không cần sửa đổi, dồi mài, tu luyện cho càng ngày càng hay. Thế thì quý ngài tu, tôi tu, tất cả chúng ta đều tu.

Chữ TU đã định nghĩa như thế thì TU đâu phải là việc riêng của các nhà sư, mà của tất cả mọi người, trong đó dĩ nhiên có các nhà sư.

Quý ngài sẽ vặn lại: "Về mặt tôn giáo, chữ Tu đâu có nghĩa như thế". Thưa rằng dầu đứng về phương diện nào, chữ Tu vẫn nghĩa là SỬA mà thôi.

Hôm nay, tôi là một người trà đình, tửu điếm, báo vợ hại con, phụng thờ cha mẹ thiếu hiếu, cư xử với anh em không hòa... Nếu một năm, ba năm, năm năm về sau bao nhiêu tật xấu, thói hư tôi dứt bỏ được một phần hay tất cả, thì tôi đã TU rồi đấy, vì tôi đã SỬA mình tôi từ chỗ NGƯỜI DỞ đến chỗ NGƯỜI HAY. Sửa những cái dở khác như tham lam, trộm cướp, gian xảo, giận hờn, thù oán, u mê, si ám... đều là TU cả.

Thế là tu thân, mà hễ tu thân thì xét mình, sửa nết là đủ, cần gì bày vẽ cho lắm chuyện, như ăn chay, niệm Phật, lễ bái, tụng kinh?

Nếu đời toàn là tòng, bá, thì bất tất phải có những cái bày vẽ ấy. Nhưng thực tế nếu chúng ta bình tâm mà xét chúng ta sẽ thấy rằng tòng, bá bao giờ cũng ít, mà dây sắn /bìm kim cổ vẫn nhiều. Tòng, bá cứng rắn, tòng bá tự cao; dây sắn/ bìm yếu đuối, dây sắn/ bìm phải nhờ nọc, trụ mới lên. Do đó mà tôn giáo phát sanh.

Vậy thì tôn giáo chỉ lập cho những người yếu tánh! Vâng, chính thế. Nhưng ai dám tự hào rằng mình là người mạnh tánh, tức là có đủ sáng suốt nhận lỗi mình, và cũng đủ can đảm sửa lỗi mình? Thường thấy mình đối với mình, bao giờ ta cũng đóng vai trạng sư, đem tất cả hùng biện binh vực mình, không viện lẽ này, lại đem lý khác, bao giờ ta cũng khoác áo quan tòa, nghiêm trang dõng dạc, buộc tội thằng ta. Lại nữa, có khi cũng nhận cái sai, cái quấy của mình, nhưng khốn nỗi quan tòa cũng ta mà bị cáo cũng ta, cho nên rốt cuộc, bao nhiêu lời la quở trong lúc giác ngộ muốn làm tòng, bá, lại thành nước đổ lá môn, rồi lại bìm, sắn vẫn hoàn bìm, sắn, bò mãi dưới nơi đen tối thấp hèn.

Tòng, bá có chí của tòng, bá. Ta có chí của tòng, bá chưa? Ta nên tự vấn và tự đáp một cách thành thực. Nếu thấy rằng ta còn bìm, sắn, thì ngại gì, hổ hang gì mà không tìm nọc, trụ để leo.

Ngườu đời phải TU là thế, theo nghĩa tôn giáo, tu theo đạo nào cũng được miễn đừng sai trái tôn chỉ chánh đáng làm lành lánh dữ.

"Thế nhơn thục vô quá, cải chi vi thánh hiền", người đời ai không sai, sửa cho được cái sai, là làm thánh làm hiền. Làm thợ còn muốn làm người thợ khéo, người thợ "lành nghề", làm người há không muốn làm người khéo, người "lành" ư? Người lành là thánh, là hiền. người trọn lành là Phật.

Đã nhận mình còn chỗ sai cần phải sửa đổi, sao ta chẳng noi gương người bộ hành biết mình lầm đường, tức tốc quày đầu xoay hướng, lại hẹn nay hứa mai, quên rằng sống chết nào do ta định đoạt?! Trong một bài sám thấy có câu: Thân này chẳng độ, còn chờ thân nào, thật chí lý thay! Kiếp này, ta được làm người, có đủ trí huệ, khôn ngoan hơn vạn vật, không thừa gió bẻ măng, biết kiếp sau còn có cơ thuận tiện như thế này chăng? Đây cũng là một lẽ khiến chúng ta chẳng nên phỉ báng những người ngày hôm qua là chè chén, bạc bài, mà hôm nay lại TU. Nếu TU là một việc dành riêng cho những phần tử hiền lành tốt nết của nhân loại, thì tôn giáo theo tôi là thừa. Bao giờ ai lại vác củi về rừng khuyên người "phải" làm việc "phải"! Gặp những trường hợp như nói trên, ta sẽ làm một việc hết sức chánh đáng là khuyến khích kẻ biết tự tỉnh và lấy đó làm gương. Như thế, đó cũng là một cách phục thiện, lại tránh được cái ác, là không vui thấy người ta ra khỏi cảnh ác.

Tu là sửa dở thành hay, xấu thành tốt. Nhưng sửa cách nào? TU là như thế nào?

Như chúng ta biết, một cuộc chơi nào dầu thanh cao như ngâm thơ đánh đàn, hay ô trược như ca lâu, đổ bác, mỗi mỗi đều có cái quy tắc, cái nghệ thuật của nó. Phải theo đúng cái quy tắc và nghệ thuật ấy mới đáng mặt "khách tài hoa". Đến như các môn thể thao, luyện gân cường cốt, cũng thế. Muốn trở thành một nhà quán quân bơi lội, đánh vợt, v.v..., điều kiện cốt yếu không ngoài chỗ phải biết quy tắc của môn mình thích và phải chơi cho đúng điệu.

Muốn TU theo đạo Phật phải theo quy tắc nhà Phật, phải am tường nghệ thuật của người TU và phải TU cho đúng điệu. Chưa hề thấy một người tu Phật chân chánh mà lại không quy y, ăn chay, niệm Phật, giữ giới, tức là những bổn phận căn bản của Phật tử, dầu xuất gia hay tại gia. Không giữ đúng bốn điều ấy là những người giả danh dối thế, không vì một mục đích bất chánh, thì cũng vì một tà tâm tư lợi khác. Quy y, ăn chay, niệm Phật, giữ giới, là quy tắc, là nghệ thuật, là cái "điệu" của người muốn hưởng cái thú tối thanh cao là thú TU Phật.

Vì sao lại đặt ra bốn điều kiện căn bản, tối yếu ấy?

- QUY Y - Quy là về, Y là dựa vào. Người muốn vào cửa đạo Phật, phải phát thệ quay về và nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng.

Danh từ Phật học gọi là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.

- PHẬT là Giác ngộ, là thấy rõ chân lý, là nhập một với Chân lý, vì vậy về với Phật là về với Chân lý dứt bỏ mê lầm gọi là Vô minh, và trọn đời dựa vào Chân lý ấy mà tu thân xử thế. 

- PHÁP là lời giảng dạy của đức Phật, là giáo lý của đức Phật, mà giáo lý ấy không ngoài chỗ diễn tả, giải thích những định luật có sẵn trong vũ trụ, như luật Vô thường, luật Nhân quả, luật Luân hồi, v.v... cho nên ta có thể nói về với Pháp là về với Luật trời đất, thiên nhiên, và trọn đời dựa vào Luật ấy, mà tu thân xử thế. Các định luật về vật lý học, hóa học v.v... đâu phải do bộ óc của những nhà bác học tạo ra. Các định luật ấy có sẵn trong trời đất, ghi chép khắp nơi, trong những cái to lớn như núi cao biển rộng, cũng như trong những cái bé nhỏ như cát bụi, vi trùng, nhưng phải có cặp mắt và bộ óc của nhà bác học, mới đọc và hiểu được những định luật ấy và đem ra áp dụng trong đời. Những luật Vô thường, Nhân quả, Luân hồi... nói trên cũng thế. Đức Thích Ca đâu có bày, đâu có tạo: những luật ấy có sẵn trong mọi vật, mọi loài. Cái biệt tài của Ngài, cái bác học của Ngài, cái bác học mà những nhà bác học hiện đại lần lượt phải công nhận ở chỗ Ngài có cặp mắt và bộ óc khác đời, đọc được và hiểu được những luật ấy, trong khi gần như tất cả nhân loại không thấy gì hết. Chữ Pháp của nhà Phật không khác chữ Thiên của nhà Nho trong câu: "Thuận thiên giả tồn; Nghịch thiên giả vong". Thiên đây là thiên lý, như ta nói "luật trời đất", hay "luật thiên nhiên". Ngày làm đêm nghỉ là "thuận với lẽ trời", do đó ít đau lâu chết. Nếu như lấy đêm làm ngày, mê vui tửu sắc, tránh sao khỏi bịnh, lao mau xuống đất. Xét sơ như thế, ta có thể thêm rằng quy y Pháp là thuận thiên vậy.

- TĂNG là đoàn thể các nhà Tu, sống trong tinh thần hòa hiệp, biểu hiện cho đức tánh Hòa của vũ trụ, đúng với câu "Thiên địa hòa nhi vạn vật sanh" của Nho giáo. Nóng, lạnh, không hòa mùa màng thất bác; âm dương không hòa thảo mộc, cầm thú phải tuyệt; trên dưới không hòa, nội loạn ắt dấy; cha con không hòa luân thường đảo ngược; vợ chồng không hòa, gia đình tan nát; anh em không hòa, nồi da xáo thịt... Hòa là một công lệ trong trời đất. Quy y Tăng là về với Hòa và dựa vào cái Hòa mà tu thân xử thế.

Thế thì Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng là xây lưng cho Mê muội, Ngu dốt, Đấu tranh và hướng về Chơn lý, Luật trời và Hòa thuận.

Ăn chay - Ăn chay có nhiều lẽ, mỗi lẽ là một ích lợi cho xác thịt hay tinh thần, không thể trong năm mười phút nói cho cùng tận được. Trong các lẽ ấy, người Phật tử thấy có hai cái quan trọng nhất là thực hiện lòng TỪ và giữ phép công bằng. Cướp sanh mạng của giống khác để bồi dưỡng sanh mạng của mình. TỪ ư? Thân mình muốn giữ nguyên vẹn lại đi giết thân của loài khác. CÔNG ư? Vả lại bình dơ làm sao giữ nước sạch? rất chí lý thay câu châm ngôn của phương Tây: "Một tinh thần trong sạch, trong một xác thịt trong sạch"! Cũng vì lẽ đó mà người Phật tử phải SỬA xác thịt mình trong sạch để chứa cái tinh thần mà đồng thời cố gắng SỬA cho trong sạch.

Niệm Phật - Niệm là tưởng nhớ đến. Niệm Phật là tưởng nhớ đến Phật, đến Chơn lý. Nhớ tưởng từng giây từng phút, đi đứng, nằm ngồi, lúc nào cũng không lìa Chơn lý để cho Thân, Tâm hoạt động luôn luôn trong cảnh huy hoàng sáng suốt của sự Giác ngộ, Vị tha, tránh khỏi u minh, đen tối của mê mờ, ích kỷ.

Giữ giới - Giới là những điều ngăn cấm, để cho người không lọt vào hố sâu của tội lỗi, sai lầm vừa làm khổ mình, khổ người, làm hoen ố xã hội, tủi nhục nhân loại. Trong tối ra sáng, không người dẫn là phải vấp. Non lòng nhẹ dạ, chẳng ai dìu là phải té. Giới là người dẫn dắt ta đi trong khi ta còn như đứa bé tập đi, như người trong hang tối ra ánh sáng.

Tụng kinh - Tụng kinh cũng như nhiều phương tiện khác của nhà Phật, là một cách bắt ngoài luyện vô, làm cho thân thuần, rồi tâm sẽ tịnh.

Nếu ta quay cái cốt bàn đạp của xe đạp, bánh sau sẽ quay theo, nhờ sợi dây chuyền, đưa lực từ cốt ra bánh. Nếu ta làm ngược lại, nghĩa là quay bánh sau, chúng ta tạo ra một lực phản lại, làm cho cốt bàn đạp phải quay theo. Bắt từ cốt làm động bánh sau, là bắt cái tâm làm động xác thịt, hễ tâm trong sạch, thì xác thịt có những hành động trong sạch. Bắt từ bánh sau làm cho cốt động, là tập xác thịt làm tâm động, hễ xác thịt có những hành động trong sạch, thì tâm trong sạch. Đức Thích Ca quả là một nhà cơ khí đại tài, vì Ngài thấy rõ và áp dụng một cách thần tình luật "động lực cơ khí".

Thật thế! Tập cho mắt xem Kinh luận mà không xem dâm thơ, ác truyện; tập cho tai nghe những lời đạo đức cao thượng, mà không cho nghe những ngôn tình thấp kém, tập cho miệng nói điều hòa nhã lợi tha mà không nói những điều tổn nhơn, hại vật; tập cho mũi ngửi mùi thanh của hoa chưng hương đốt, mà không cho ngửi mùi của cá nướng thịt quay; tay hay mân mê thì cột chúng vào dùi chuông, dùi mõ; cứ như thế một ngày rồi lại một ngày không lâu, ý sẽ bị xiềng, tâm sẽ tịnh, trí tuệ sẽ phát ra! Có phải bắt ngoài đi vô mà kết quả không khác người  lấy tâm sửa nết?

Nói đến đây, quý Ngài chắc đã hội ý được những lợi ích của việc TU HÀNH theo phương pháp nhà Phật, và xin cùng cầu nguyện cho tất cả cùng TU, rồi chúng ta sẽ thấy Địa ngục biến thành Thiên đường, y như lời Phật dạy.

               Trích tạp chí Từ Quang số 3 / 1951

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6946690