Thông tin

TQ13 - VÀI NÉT VỀ MỘT SỐ NGÔI CHÙA BÊN SƯỜN TÂY YÊN TỬ

VÀI NÉT VỀ MỘT SỐ NGÔI CHÙA

BÊN SƯỜN TÂY YÊN TỬ 

TẠ VĂN TRƯỜNG

 

Núi Yên Tử là ngọn núi cao trong dãy Đông Triều vùng Đông Bắc Việt Nam. Phía sườn Đông thuộc tỉnh Quảng Ninh, phía sườn Tây thuộc các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động tỉnh Bắc Giang. Dọc phía sườn Tây Yên Tử trải dài từ Sơn Động dọc theo sông Lục Nam xuống đến Yên Dũng còn lưu lại nhiều các chùa, di tích liên quan đến Phật giáo thời Lý - Trần, cùng với khu phía Đông Yên Tử (thuộc tỉnh Quảng Ninh) kết nối tạo thành một quần thể danh thắng Yên Tử thống nhất, tạo điều kiện cho phát huy giá trị các di sản văn hóa.

Phía sườn Tây Yên Tử là con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông, cònYên Tử là nơi Ngài tu tập, nơi lưu giữ xá lị của Ngài sau viên tịch. Đặc biệt phía sườn Tây Yên Tử còn có hàng loạt các chùa, di tích liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử như: Chùa Vĩnh Nghiêm, Bình Long, Sơn Tháp, Yên Mã, Am Vãi, Hồ Bấc,... Nhiều di tích đã bị tàn phế do thời gian và chiến tranh, nên việc tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích có vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển nền văn hóa.

1. Chùa Vĩnh Nghiêm

Chùa Vĩnh Nghiêm thuộc thôn Đức La, Trí Yên, Yên Dũng, Bắc Giang. Là nơi hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương, chùa nhìn ra ngã ba sông, phía Lục đầu giang - Kiếp Bạc, vùng Cẩm Lý cửa ngõ ra vào núi Yên Tử. Chùa Vĩnh Nghiêm được xây từ thời Lý và mở rộng vào khoảng thế kỷ XIII thời Trần. Chùa thờ Phật và ba vị Trúc Lâm tam tổ là Phật hoàng Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa và Thiền sư Huyền Quang. Ngôi chùa này được coi là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm, Trường Đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. Hiện chùa còn lưu giữ kho Mộc bản kinh Phật với 3.050 bản khắc ván chữ Hán được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương như: Yên Tử nhật trình từ thế kỷ XV (quá trình hình thành phái Trúc Lâm), Hoa nghiêm sớ, Di Đà sớ sao, Đại thừa chí quán, Giới kinh ni... do các vị sư tổ Thiền phái Trúc Lâm ở chùa Vĩnh Nghiêm cho khắc tạc từ những năm giữa thế kỷ XVIII (triều vua Lê Cảnh Hưng) đến đầu thế kỷ XX. Mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách khắc ngược (âm bản) khoảng 2.000 chữ Nôm, chữ Hán. Các mộc bản kinh Phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm chứa đựng nhiều ý nghĩa to lớn về triết lý nhân sinh, tôn giáo tín ngưỡng, văn học, nghệ thuật, giáo dục con người, giúp người đời sau hiểu một cách đầy đủ, chính xác về lịch sử Phật giáo Việt Nam, về Thiền phái Trúc Lâm cũng như thân thế, sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông và một số danh nhân của dân tộc.

2. Chùa Bình Long

Bình Long tự xưa kia nằm trên dãy núi Huyền Đinh thuộc địa phận xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam. Đây là một trong những ngôi chùa cổ bên sườn Tây Yên Tử, từng được sử sách lưu danh, dân gian truyền tụng là một trung tâm Phật giáo, danh lam cổ tự lớn dưới thời Lý-Trần liên quan tới chùa Vĩnh Nghiêm và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Chùa được phát triển mạnh vào thời Trần với quy mô lớn, rộng khắp cả sườn núi gần 1ha. Chùa ngoảnh hướng Tây Bắc, từ đây có thể bao quát cả khu vực thị trấn Lục Nam. Dãy núi bên phải là các cây gianh, cây dẻ mọc thành rừng. Phía bên trái là các dãy Hang Dơi, Nghè Cả của dải núi Huyền Đinh trùng điệp. Đến thời Lê - Mạc, chùa Bình Long được di chuyển xuống chân núi Gốm. Khu vực này là một quả đồi rộng. Chùa ở đây được xây dựng với quy mô lớn. Tuy nhiên, do điều kiện thời gian và chiến tranh tàn phá, ngôi chùa ở khu vực này cũng trở thành một phế tích, chỉ còn những dấu vết vật chất để minh chứng. Chùa Bình Long đã được nhân dân địa phương trùng tu, tôn tạo lại ở vị trí trung tâm làng Chùa. Ngôi chùa hiện nay tuy không rộng lớn như xưa, nhưng ai cũng tự hào vì có công đóng góp của mình và trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa, tôn giáo của nhân dân trong vùng.

Ngôi chùa với bình đồ kiến trúc kiểu chữ đinh gồm tòa tiền đường 3 gian nối vuông góc với tòa thượng điện 3 gian xây bình đầu bít đốc, ngoảnh hướng Tây. Trong chùa hệ thống tượng Phật được bài trí đăng đối hài hòa trên các bục xây gạch, phủ vữa cao dần từ dưới lên trên cùng các đồ thờ tự khiến cho ngôi chùa thêm khang trang. Trong khuôn viên chùa, ngoài các kiến trúc chính như: Chính điện, nhà Mẫu, nhà Trai... còn có tháp mộ, sân chùa, vườn chùa, ao chùa.

3. Chùa Sơn Tháp

Chùa Sơn Tháp thuộc địa phận xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, được xây dựng vào thế kỷ XIII, hiện còn dấu tích của nền móng nền móng kiến trúc, đồ gốm sứ thời Lý - Trần và một ngọn tháp cổ. Đây chính là nơi Thiền sư Pháp Vân đã viên tịch. Chùa có một ngôi bảo tháp của Hòa thượng Huyền cơ Thiên thọ Pháp Vân. Hiện dân địa phương dựng lại một am nhỏ trên nền cũ để du khách thập phương đến lễ Phật. Gọi là chùa nhưng chỉ là một am nhỏ lúp xúp ẩn sâu trong núi thẳm, xung quanh hoang vu, ít người qua lại. Ngoài sử sách ghi chép sơ lược thì ít người biết đến công trình này.Mấy trăm năm qua, nay tháp đã đổ, chùa không còn, nhân dân địa phương dựng tạm một am sơ sài trên nền móng cũ làm nơi thờ Phật. Tuy vậy các nhà nghiên cứu vẫn xác định được 3 cấp nền chùa cổ, trong đó có tòa tam bảo, nhà ni, nền chùa chính dài 18 m, rộng 10 m. Sách “Đạo giáo nguyên lưu” cũng viết: Vua Trần đi về phía Đông, đến chùa Sơn Tháp và lưu ở đó trước khi lên Yên Tử tu hành.

4. Chùa Yên Mã

Chùa Yên Mã nằm cách chùa Sơn Tháp chừng 1 km đường rừng, thuộc xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam, gồm một quần thể nền móng các công trình kiến trúc đồ sộ: tam bảo, giếng nước cổ, nhà khách, nhà bếp, dấu chân Phật... Cùng với Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, chùa Yên Mã là công trình kiến trúc chùa tháp có quy mô lớn, bề thế do nhà sư Pháp Loa Đồng Kiên Cương, vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm xây dựng hồi đầu thế kỷ XIII. Đặc biệt, nơi đây còn lưu dấu chân Phật tổ Bồ Đề Đạt Ma trên một tảng đá lớn cạnh chiếc giếng cổ. Tiếc rằng ngôi chùa chỉ còn lại sự hoang phế.

5. Chùa Am Vãi

Chùa Am Vãi (Am Ni tự) được xây dựng trên gần đỉnh sườn phía Bắc núi Am Vãi, có độ cao hơn 438 m so với mực nước biển, là một ngôi chùa cổ nằm trong hệ thống chùa tháp thời Lý - Trần, thế kỷ XII – XIII. Di tích chùa Am Vãi tọa lạc trên một địa thế đẹp, gắn liền với phong cảnh núi rừng tự nhiên, hứa hẹn trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh - sinh thái hấp dẫn. Nơi đây nổi tiếng với hai giếng nước quanh năm không cạn, hai bên chùa có hai cụm đá lớn in dấu bàn chân Phật, được gắn cùng những câu chuyện tâm linh huyền bí.


6. Chùa Hồ Bấc

Chùa Hồ Bấc thuộc xã Nghĩa Phương, Lục Nam. Nằm trên độ cao chừng 600m, chùa được xây dựng thời Trần. Trong quần thể khu danh thắng Suối Mỡ, giữa núi rừng bạt ngàn, cảnh quan chốn thiền này đẹp như một bức tranh. Trên đỉnh núi chùa Hồ Bấc có một hồ nước lớn, bốn bề rừng núi thâm u. Chùa bị đổ nát hoàn toàn, hiện nay chỉ còn dấu tích của công trình cổ như: vật liệu xây dựng, gạch, đá, bậc thềm...

***

Những công trình kiến trúc chùa tháp cổ kính kể trên đều là những ngôi chùa lớn và có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với nhân dân trong vùng Tây Yên Tử. Con đường từ Đông sang Tây Yên Tử còn lưu giữ nhiều dấu tích Phật hoàng Trần Nhân Tông. Đa số chùa cổ trong vùng do tổ đệ nhị Pháp Loa đứng ra xây dựng và thường nằm trên đỉnh núi cao, xa dân cư. Sau khi Phật hoàng nhập niết bàn, Pháp Loa và tổ đệ tam Huyền Quang cũng theo con đường này thực hiện nhiệm vụ Phật sự của phái Trúc Lâm. Do đó các chùa trong khu vực có mối gắn kết, chịu ảnh hưởng từ Thiền phái Trúc Lâm trong sơn hệ Yên Tử. Trước sự tàn phá của chiến tranh, thiên nhiên và thời gian, nhiều chùa không được duy tu, bảo vệ nên đã bị phá hủy. Theo quy hoạch, Khu Văn hóa tâm linh Tây Yên Tử thuộc địa bàn xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. thuộc trục đường mòn phía sườn Tây Yên Tử lên chùa Đồng (thuộc đỉnh Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh) với tổng diện tích là 13,8 ha nhằm kết nối bảo tồn, tôn tạo và phát huy tốt các giá trị di sản danh thắng khu vực Tây Yên Tử trên địa bàn tỉnh Bắc giang như: Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, chùa Am Vãi... với khu danh thắng Yên Tử (Đông Yên Tử) Quảng Ninh với thiền phái Trúc lâm Yên Tử; khôi phục lại con đường hành hương trong không gian văn hóa chung, làm sống lại không gian văn hóa, hệ thống đền chùa, di tích lịch sử, để mọi mọi người hiểu thêm những giá trị văn hóa, di sản văn hóa của các thế hệ cha ông đã để lại, từ đó đồng lòng, trách nhiệm với việc xây dựng và bảo tồn phát huy hệ thống di tích hiện có, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 10
    • Số lượt truy cập : 6124872