TQ13 - VẤN ĐỀ BÁT KỈNH PHÁP
VẤN ĐỀ BÁT KỈNH PHÁP
THÍCH HOẰNG DỰ
Trong hai nền triết học lớn và cổ nhất của loài người là Ấn Độ và Trung Hoa. Sau đó là nền triết học phương Tây, Hy Lạp cũng không có chỗ đứng nào cho nữ giới. Vậy mà trong giai đoạn đó lại có một đấng giáo chủ sáng lập ra một đạo giáo truyền bá sâu rộng trong thế gian, phổ cập đến hang cùng ngõ hẻm ban truyền một triết lý huy hoàng, vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Ngài đã làm nên một cuộc cách mạng phá tan hệ thống giai cấp và giải phóng tệ nạn nô lệ của nữ giới đã từ lâu thấm nhuần tận xương tủy người Ấn Độ (vì bị chi phối bởi bộ luật Ma Nu được hình thành từ khoảng thiên niên kỷ thứ II trước Công nguyên 1500 - 1200).
Lịch sử đã ghi nhận việc thành lập ni đoàn của đức Phật là sau khi ngày thành đạo 5 năm, tức vào khoảng 593 trước Công nguyên, với sự khẩn cầu tha thiết của Mahapajapati đại diện cho hoàng phi, công chúa, thể nữ tất cả 500 vị cùng với sự trợ duyên khéo léo của ngài A Nan. Vậy tại sao đức Phật không đồng ý ngay lần cầu thỉnh đầu tiên mà phải đợi đến ba lần? Âu cũng vì lý do sau đây:
- Chứng tỏ tầm quan trọng của pháp giải thoát, để ni giới không xem thường luôn sanh tâm cung kính, chí thú tu học. Cũng như sau khi thành đạo, phạm thiên Samanpati thỉnh đức Phật thuyết pháp. Phải trải qua ba lần, Ngài mới nhận lời.
- Giúp cho các vị này có thời gian suy nghĩ về đời sống xuất gia khổ hạnh. Trong khi đó Mahapajapati cùng tác hoàng phi, phu nhân thế nữ... là người luôn sống trong nhung lụa êm ấm, có kẻ hầu người hạ. Vậy mà giờ đây phải sống trong giữa rừng vắng, ẩm thực là của bố thí của những người hảo tâm làm sao họ biết được hạ mình nhường nhịn lẫn nhau trước những cơ cực trong đời sống khất sĩ, Phật chế định Bát Kỉnh Pháp).
- Tâm lý chung của Tăng đoàn sẽ nghĩ gì các ngoại giáo đương thời không có bóng dáng người nữ và họ sẽ xử lý như thế nào đối với những người hoàng gia vọng tộc này.
- Bối cảnh xã hội Ấn Độ dù là chế độ mẫu hệ, nhưng người nữ chưa làm nên việc gì lớn lao để tạo nên niềm tin cho xã hội, nên họ không được coi trọng.
- 94 ngoại đạo lúc này sẽ nghĩ gì khi mà một đạo giáo vừa mới được hình thành trong thời gian quá ngắn mà dám đưa nữ giới vào trong giáo đoàn.
Chính vì những nguyên lý căn bản trên, đức Phật phải tìm những phương tiện để lưỡng lợi. Và Bát Kỉnh Pháp được chế định, mà A Nan là giọt nước cuối cùng để bình đầy, là phương tiện đức Phật khai thông đại lộ độ ni.
Thật ra, trong chiều dài kinh tạng lúc nào đức Phật cũng khẳng định: “Ta ra đời vì một nhân duyên lớn khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến” hay “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Đây là lời chấp thuận. Ngài đã tuyên thuyết đầu tiên nhất. Hơn thế nữa, Ngài đã từng khuyên dạy các chúng đệ tử:
“Này các Tỳ kheo, hãy lên đường thuyết pháp vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người”. Chính vì hạnh nguyện đó nên việc đức Phật tiếp độ nữ giới xuất gia, thành lập giáo đoàn ni là việc phải làm và việc làm này làm sáng danh đức Phật không ít.
Lật lại những trang sử vàng son của Phật giáo, ta thấy tất cả các giai cấp sang hèn đều được Ngài hoá độ và chứng đạo, điều này đã làm chấn động dư luận các tôn giáo khác. Đạo Phật với lòng từ bi vô lượng thì Ngài không khỏi xót xa khi nhìn thấy sự khổ nhọc của di Mẫu Mahapajapati tha thiết khẩn cầu được xuất gia và phải trải qua ba lần cầu thỉnh. Hãy nhìn đức Phật ở một cương vị một vị Phật lịch sử chúng ta sẽ thấy rõ, Ngài đang phân vân lưỡng lự và từ đã từ chối đến 3 lần mới cho giới nữ xuất gia. Ở đây không phải là vấn đề “Trọng nam
khinh nữ” mà Ngài đang tìm một biện pháp hữu hiệu nhất giúp cho nữ giới có đời sống phạm hạnh trong giáo đoàn mà cả hai (nữ giới và giáo đoàn) không bị tổn hại về mọi mặt. Thế rồi duyên đã đủ, giờ đã đến, Bát Kỉnh Pháp, một đáp án tối ưu giúp nữ giới xuất gia thành tựu pháp giải pháp với nội dung:
1- Tỳ kheo ni tuy 100 tuổi, nhưng thấy một vị Tỳ kheo mới thọ giới, phải đứng dậy chào đón lễ bái, trải tịnh tọa mời ngồi. Pháp này phải được tôn trọng cung kính khen ngợi trọn đời không vượt qua.
2- Tỳ kheo ni không được mạ lị quở trách Tỳ kheo, không được phỉ báng nói: Phá giới, phá kiến, phá oai nghi. Pháp này...
3- Tỳ kheo ni không được vì Tỳ kheo tăng tác cử, tác ức niệm, tác tự ngôn, không được ngăn người khác làm tội, ngăn thuyết giới, ngăn tự tứ. Tỳ kheo ni không được quở trách Tỳ kheo. Tỳ kheo được quyền quở trách Tỳ kheo ni. Pháp này...
4- Thức xoa ma na thọ giới rồi phải đến Tỳ kheo tăng thọ đại giới. Pháp này...
5- Tỳ kheo ni phạm tội Tăng tàn phải ở trước hai bộ tăng, nửa tháng hành Ma na đỏa. Pháp này...
6- Tỳ kheo ni nửa tháng đến Tỳ kheo Tăng cầu giáo thọ. Pháp này...
7- Tỳ kheo ni hạ không được ở chỗ an cư không có Tỳ kheo. Pháp này...
8- Tỳ kheo ni an cư xong phải đến trong Tỳ kheo tăng cầu ba việc tự tứ: Kiến, Văn, Nghi. Pháp này...
Theo sử liệu thì đức Phật truyền Pháp Bát Kỉnh cho tôn giả A Nan mà không truyền trực tiếp cho Mahapajapati. Có người cho rằng nhờ A Nan nhắc nhở đến công ơn dưỡng dục mà đức Phật mới cho phép bà cùng 500 vị nữ giới xuất gia. Đấng toàn giác vốn biết rõ căn cơ của chúng sanh, nên pháp của ngài nói ra hoặc cao hoặc thấp đều do căn cơ của người nghe pháp lãnh thọ và hành trì. Mục đích là chỉ rõ những điều mê lầm và dạy bảo những phương pháp tu hành sao cho thích hợp đó là chưa nói đến Mahapajapati là di mẫu, là hoàng tộc của Ngài.
Tại sao đức Phật đồng ý cho nữ giới xuất gia với điều kiện phải hành trì Bát Kỉnh? Thời gian gần đây có một số ý kiến yêu cầu giáo hội bãi bỏ pháp Bát Kỉnh. Quý vị này cho rằng đây là 8 điều bất công dành cho nữ giới. Đứng về mặt tâm lý mà nói thì những đứa con cưng thường được dạy rất kỹ. Một điều mà chúng ta không thể nào ngờ là sau khi thành lập giáo đoàn ni thì vô số nữ giới chứng quả A la hán, điểm cần lưu ý là quả A la hán không phân biệt nam nữ. Điều này đã khẳng định vị trí của nữ giới trong giáo đoàn, không thua gì nam giới, đây cũng là minh chứng cho sự thành công to lớn của đức Phật trong vấn đề độ cho người nữ xuất gia. Tuy nhiên phải nhìn nhận một sự thật, với hiện tượng xã hội như vậy, đã chi phối rất nhiều đến lời dạy của Phật sao cho hợp thời thuận thế mới mong cảm hóa được lòng người quay về với chánh pháp giải thoát. Cho nên ở điều cung kính thứ nhất, thứ hai, đức Phật dạy rất đúng và hợp với hoàn cảnh xã hội đương thời. Bởi vì lúc bấy giờ chư Tỳ kheo được đức Phật tế độ, phần đông là những người thuộc giai cấp mà trước đây là nô lệ, là quan quân trong hoàng cung. Nên để phước báo tăng trưởng, chư ni phải hạ mình cung kính. Vả lại, phàm một người xuất gia thì không được mắng nhiếc ai.
Còn điều 3-4-5-6-8, những điều này được chế định người nữ, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ không được học hỏi, không hiểu biết nhiều. Cho nên họ cần phải được hướng dẫn, dạy bảo rất nhiều. Riêng điều thứ 7 cho thấy chư tỳ kheo ni không thể tự bảo vệ mình. Song, có thể từ tâm lý huân tập từ ngàn đời là tính ỷ lại vào người nam. Vì quán sát tâm tánh của người nói như vậy, đức Phật mới chế định ra Bát Kỉnh để bảo hộ cuộc sống tu hành của họ được an toàn. Khích lệ họ tu tập xứng đáng là một trong tứ chúng Tăng già (Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu ba tắc, Ưu bà di) của đức Phật mà Ngài đã khẳng định chư tăng lên giúp đỡ chư ni như thế không có nghĩa là kỳ thị và lấn lướt.
Xuyên qua Bát Kỉnh Pháp, một số người nữ xuất ra trong thời đại tiến bộ, hiện nay lại miễn cưỡng trong niềm hạnh phúc lớn lao đó. Vì ngờ vực đức Phật chưa thật sự triệt để trong việc nâng cao vị trí của họ ngang hàng với nam giới nên đã chế ra 8 điều cung kính. Nhưng chính tám điều ấy thật sự quan trọng làm tăng lợi ích cho giáo hội Tỳ kheo ni tồn tại. Và có phải nó chỉ có tính khả thi trong hoàn cảnh xã hội đương thời mà thôi. Còn hôm nay? Đồng ý rằng mỗi giai đoạn mỗi thời đại có khác. Thế nên, một số người chỉ suy nghĩ một chiều và cho rằng thời buổi ngày nay đã khác nam nữ bình quyền, người nữ ngày nay phát tâm xuất gia không thuộc trong hoàng tộc để Phật đắn đo cân nhắc. Bên cạnh đó, người nữ ngày nay học rất cao, những bằng cấp gì người nam đạt được khi người nữ cũng đều đạt được. Thật ra, người nữ lại có điều kiện học hơn cả nam giới, vì nam giới còn có nghĩa vụ đối với đất nước. Có thể kết luận là tri thức của nữ ngày nay không thua kém gì những trang nam tử. Đó là chưa nói đến khẩu hiệu “đảm việc nước giỏi việc nhà”. Rồi khi họ được học hỏi và hiểu biết nhiều mới nhận ra là họ không thua gì nam giới cả.
Thế nên Bát Kỉnh Pháp ngày nay là một lợi thế cho ni giới, vì ngoài tri thức đã được học, họ còn được một đặc quyền ưu đãi nữa. Như điều thứ nhất nói cho đúng thì chư ni làm gánh nặng mà chư tăng phải mang trọn đời, và Ngài Ca Diếp đã thấu hiểu điều đó nên đã trách A Nan trong lần kết tập kinh điển đầu tiên. Hơn thế, nữa đối với Nam truyền Phật giáo, họ thấy không thể gánh vác nổi trọng trách này và đó phải chăng là lý do mà họ không nhận nữ giới xuất gia? Vậy thì còn phải phàn nàn gì khi mình được cha anh nâng đỡ dìu dắt. Còn điều thứ hai thì khỏi bàn người xuất gia không được phép mắng chửi bất cứ ai. Riêng sáu điều cung kính còn lại đòi hỏi nhân cách, đạo đức, vốn tri thức và lực tu chứng của một vị Tỳ kheo để chứng tỏ mình là bậc đàn cha, đàn anh và điều này A Nan đã hỏi đức Phật về phẩm cách của một sa môn xứng đáng hướng dẫn các Tỳ kheo ni, đức Thế Tôn đã trả lời rằng: Sa môn nào biết thực hành đúng tám quy luật mà Như Lai đã chế định là sa môn sẽ thay mặt Như Lai thuyết pháp đến các hàng Tỳ Kheo ni.
Bên cạnh đó chư tỳ kheo cần phải bảo vệ an nguy cho Tỳ Kheo ni. Quả thật, đây là một trọng trách lớn lao đáng lẽ đức Phật phải hỏi ý kiến các Tỳ kheo có đồng ý hay không. Ngài lại hỏi di mẫu
Mahapajapati, lúc này không những tám điều mà tám mươi điều bà cũng chấp nhận vì cái tâm xuất gia ban đầu rất mạnh và đây lại là những đặc quyền ưu đãi. Bên cạnh Bát Kỉnh Pháp, nữ giới gia nhập
giáo đoàn phải thọ trì giới bổn
Patimokkha (Ba-la-đề-mộc-xoa) là 348 giới. Trong khi đó chư Tỳ kheo thì chỉ thọ trì 250 giới (đành rằng mãi đến năm thứ 13 giới luật mới thực sự hình thành, nhưng trong giai đoạn này ta chỉ luận bàn về tánh giới. Điều này cho thấy tánh giới luôn có mặt, nghĩa là một người nữ đều có thể phạm một trong 348 giới. Và người nam thì 250 giới). Ở đây, xét cho cùng thì cũng không có gì bất bình đẳng cả, bởi phái nữ về cấu trúc tâm sinh lý khác hẳn nam giới nên giới luật cũng khác là chuyện đương nhiên. Thường thì đức tính trí tuệ được đề cao ở nam giới và từ bi được đề cao ở nữ giới. Nên trước cổng tam quan ở các ngôi chùa luôn để “Trí tuệ” là cổng vào của nam và “Từ bi” cổng vào của nữ.
Tin tức khác
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
- TỪ QUANG Tập 12 - Tháng 04 năm 2015 (P.L.2559)
- Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - Tập II
- Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - Tập I
- Trình tự của cư sĩ học Phật - Chánh Trí Mai Thọ Truyền
Bình luận bài viết