Thông tin

TQ13 - VĂN HÓA ĐẠO HIẾU Ở NƯỚC TA

VĂN HÓA ĐẠO HIẾU Ở NƯỚC TA 

HOÀNG VĂN LỄ

 

Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng

Sự hiếu thảo là chuẩn mực trong đạo đức của người Việt Nam bao đời nay, được nâng tầm “đạo hiếu”, không ai tranh cãi và nói ngược lại. Hiếu thảo trong từng gia đình có mức độ và biểu hiện khác nhau, song đạo hiếu chung nhất thể hiện qua ứng xử kính trọng đấng sinh thành, lúc còn sống hay đã mất. Đạo hiếu còn biểu hiện trong sự gắn kết dòng họ, đây là đặc trưng rất cơ bản, sâu sắc của người Việt Nam. Có thể nói đạo hiếu là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tiến trình hình thành và phát triển văn hóa gia đình, văn hóa dòng họ nước ta.

Thờ Quốc tổ, thờ cúng tổ tiên là biểu hiện sinh động và cụ thể về đạo hiếu của dân tộc ta. Ý nghĩa căn bản trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của nước ta rất bền chặt, là cơ sở tiếp biến các tác động văn hóa nước ngoài, như Phật giáo, Khổng giáo, phương Tây... Qua đó, sự phát triển trong đời sống người Việt Nam thêm phong phú, luôn cập nhật và phát triển không ngừng.

Đạo được hiểu như cách ứng xử theo một quy tắc chuẩn mực mà con người phải tuân theo trong cuộc sống gia đình, xã hội. Từ ngữ này được văn hóa nước ta sử dụng phổ biến như "đạo làm người", "đạo vợ chồng", "có thực mới vực được đạo"... Một tôn giáo cũng được gọi là một đạo, như đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Cao Đài; chữ đạo này luôn bao gồm 3 yếu tố: có giáo chủ, có giáo lý gọi là kinh, có tu sĩ để thực hiện tôn chỉ và nghi thức của đạo. Đạo hiếu của nước ta được nâng tầm từ lòng hiếu thảo sâu đậm, không chỉ với cha mẹ mà còn với ông bà, tổ tiên; có thể so sánh với một tôn giáo nhưng đạo hiếu không có giáo chủ và tu sĩ. Đạo hiếu là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tiến trình hình thành và phát triển văn hóa gia đình, văn hóa dòng họ nước ta.

So sánh với đạo hiếu của Trung Quốc, Thiền sư Lê Mạnh Thát viết: "Hiếu đạo của người Trung Quốc theo câu mở đầu của Hiếu kinh là: "Thân thể tóc da, nhận từ cha mẹ, không dám tổn thương đó là khởi đầu của hiếu. Lập thân hành đạo, dương danh với hậu thế, đó là kết cục của hiếu"(1). Tục cắt tóc xâm mình của người Việt xuất hiện rất sớm, người Trung Quốc đã biết và chép vào Tiền Hán thư. "Một khi tục cắt tóc xâm mình đã phổ biến như thế, thì ngay câu đầu của thuyết hiếu đạo Trung Quốc nghe đã không lọt tai đối với người Việt. Người Việt làm sao giữ hiếu đạo được theo Hiếu kinh nếu họ đã cắt tóc xâm mình? Từ thực tế đó, bắt buộc người Việt phải có một đạo hiếu khác với đạo hiếu của người Trung Quốc. Và đạo hiếu này được công bố rõ ràng trong kinh Tu Đại Noa của Lục độ tập kinh 2. ĐTK 152 tờ 8b7; Giúp nghèo cứu thiếu, thương nuôi quần sinh, là đứng đầu của hạnh (Chẩn cùng tế phạp, từ dục quần sinh, vi hạnh chi nguyên thủ)"(2) Cứ liệu nêu trên và xét thực tế trong xã hội người Việt, văn hóa đạo hiếu ở nước ta khác biệt với Đạo hiếu của Trung Quốc, mặc dầu cả ngàn năm Bắc thuộc, người Việt có tiếp biến văn hóa Trung Hoa, nhiều nội dung trong đạo hiếu đã trở thành văn hóa Việt Nam, song văn hóa đạo hiếu vẫn được tồn giữ bền chặt trong đời sống người Việt; đó là tục thờ Quốc tổ ("Dù ai đi ngược về xuôi,/ Nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng Ba") và thờ cúng tổ tiên trong đó ông bà cha mẹ là thế hệ liền kề với gia đình hiện tại. Nguyễn Đình Chiểu viết: "Thà đui mà giữ đạo nhà,/ Còn hơn sáng mắt mẹ cha không thờ", một triết lý đao hiếu thực tế ở nước ta.

Văn hóa đạo hiếu ở Viêt Nam đứng trước sự áp đặt của Trung Hoa hơn 1.000 ngàn năm Bắc thuộc. Văn hóa Việt tiếp biến, truyền thống đạo Khổng “Trung với vua, Hiếu với cha mẹ” thời phong kiến có tính chất khuôn mẫu đến mức cực đoan. Đạo lý “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” hay “phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu”; làm cho quan hệ trên dưới, phục tùng trở nên tuyệt đối.

Góc nhìn đạo hiếu của Phật giáo hợp lý hơn, tuân thủ cha mẹ là người bề trên, song khi tối cần thiết phải biết thuyết phục để con đường tu tập mang lại lợi lạc cho mình, cho đấng sinh thành và cho cộng đồng. Chính Thái tử Tất Đạt Đa tự mình đi tìm con đường giải thoát cho mình và cho nhân loại đã không tuân thủ ý nguyện của vua cha; sau khi thành đạo, theo thỉnh mời mới trở về cố quốc, thực hành giáo pháp khất thực ngay kinh đô của mình, làm vua Tịnh Phạn cho rằng bị sỉ nhục; chính Đức Phật đã thuyết phục không những vua cha mà cả triều đình, nhiều hoàng tử và quan lại bỏ quyền chức theo Đức Phật tu hành đạt quả vị từ thấp đến cao (A la hán). Đạo hiếu trong Phật giáo mở rộng hơn khi hành trì sự hiếu thảo với cha mẹ nhiều đời, nhiều kiếp trước theo quy luật luân hồi. Nhận ra lý lẽ tất yếu này, thực hành giới cấm sát sanh kết hợp, vì ăn chúng hữu tình, không lường được là ta đã nghiền nát cha mẹ đời trước của mình.

Vận dụng trong đạo đức Hồ Chí Minh có một cội nguồn tiên khởi là văn hóa phương Đông, trong đó đạo “tam cương, ngũ thường” của Nho giáo và "tứ trọng ân" của Phật giáo. Cán bộ, viên chức thời nay học "Hiếu với cha mẹ", một trọng ân đối với người dân Việt nói chung và Phật tử nói riêng, và mở rộng “Hiếu với dân”. Đây là khái niệm mới, riêng có trong đạo đức Hồ Chí Minh. Đối tượng của chữ hiếu trong “hiếu với dân” quá rộng và trừu tượng, nhưng không quá khó để hình dung. Từ hiếu với cha mẹ mà suy ra như làm con phải phụng dưỡng cha mẹ: từ cái ăn, cái mặc lúc khỏe mạnh, đến lo thang thuốc chăm sóc ân cần lúc người ốm đau, thờ phụng lúc người quá vãng...; đến “hiếu với dân” tức phục vụ dân đúng mực: người dân có việc đến “cửa quan” cán bộ, nhân viên phải ân cần, hướng dẫn tận tình tới nơi tới chốn, ngược lại hoặc to tiếng với dân sao gọi là có hiếu được? Cha mẹ chỉ có một, dân lên tới hàng trăm, hàng ngàn đến với cơ quan công quyền mỗi ngày thì làm sao phục vụ như phục vụ cha mẹ được; do vậy “hiếu với dân” có ý nghĩa biểu trưng về tinh thần thái độ phục vụ càng cụ thể hóa càng có ý nghĩa cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Người phải thực hiện triết lý và đạo lý "hiếu với dân" chính là đội ngũ cán bộ, viên chức các cấp, các ngành hiện nay.

Các giá trị cơ bản trên được Bác Hồ nâng lên và cụ thể hóa trong chuẩn mực đạo đức cách mạng, và Bác là tấm gương sáng suốt đời tuân thủ chuẩn mực đó.

Ngày nay, chữ hiếu với mẹ cha phải giữ hàng đầu không phải ai cũng thực hiện tốt, chúng ta luôn đối mặt với lối sống đang làm tha hóa con người, nên đạo lý phải được thường xuyên nhắc nhở. Mùa báo hiếu là dịp những người con theo Phật nhìn lai đạo hiếu của mình, lại nhấn mạnh phải tưởng nhớ ơn cha mẹ nhiều đời, nhiều kiếp mới trọn vẹn. Trong đạo "hiếu với dân" nói trên, có yếu tố trùng khớp, vì trong hàng triệu dân có cha mẹ ta đời trước tái sinh; ta đã thực hiện đạo hiếu với đấng sinh thành của mình, ý nghĩa lớn biết bao.

Đạo hiếu thời nay chúng ta giữ hiếu không chỉ trong gia tộc mình, mà bước đầu thực hiện chữ hiếu với quý "Mẹ Việt Nam anh hùng", là những bà mẹ được tôn vinh, được phụng dưỡng lúc còn sống và được thờ phụng trang nghiêm không chỉ trong con cháu ruột thịt mà còn được dựng tượng và thờ phụng ở các đền thờ chung của địa phương hay cả nước. Tiêu biểu có tượng "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" dựng ở Quang Nam, theo hình mẫu mẹ Nguyễn Thị Thứ, người mẹ của 9 con trai, 1 con rễ và 2 cháu ngoại là liệt sĩ.

Mùa Vu lan năm 2015


 1. Dịch nghĩa từ câu Hán văn: "Thân thể phát phu, thọ chi phu mẫu, bất cảm tổn thương, hiếu chi thủy. Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, hiếu chi chung".

2. GS.TS Lê Mạnh Thát, “Quan Niệm Về Chữ Hiếu Của Dân Tộc Việt Nam”, trích Lịch sử Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến thời Lý Nam Đế; http://www.buddhismtoday.com/viet/vulan/037-hieuVN.htm.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 158
    • Số lượt truy cập : 6344451