TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI HỌC PHẬT
LƯƠNG THỊ THU
Việc làm sống lại tinh thần tư tưởng Kalama và Canki chính là trách nhiệm của người học Phật. Bản kinh 65. Kalama thuộc Tăng Chi Bộ kinh (Anguttara Nikaya, tập 1, trang 188-193) và kinh 95. Canki Sutta thuộc Trung Bộ kinh ( Majjhima Nikaya, tập 2, trang 680-701) đều có đề cập đến ĐỨC TIN.
Đức tin bắt đầu từ đâu?
Bài viết này, chúng tôi muốn nói đến tầm quan trọng của nhận thức dựa trên thực nghiệm. Nếu cho rằng: Tin mà chưa hiểu, hiểu sai, làm sai thì đó là mê tín. Ngược lại, những gì trước đây chúng ta đã mê tín mà nay, khám phá ra chân lý từ việc tìm tòi nghiên cứu và trải nghiệm mà hoàn toàn không dựa vào những khuynh hướng tình cảm hay những thứ gì khác tạm cho là ngộ ra và niềm tin đó không còn có mặt của mê tín nữa. Chính bản thân người viết tâm đắc điều này và khơi nguồn cảm hứng tìm về hai bản kinh trên.
Tin tiến đến thực hành, thực hành đưa đến tri kiến do kinh nghiệm. Đồng thời lấy thực nghiệm để thẩm tra lại lý thuyết là nội dung mà bài viết muốn đề cập đến.
Kinh Kalama thuật lại việc dân chúng Kalama ở Kasaputta thuộc Kosala thưa với Phật có nhiều vị đạo sư đến đây thuyết giáo, nhưng họ băn khoăn vì không biết vị đạo sư nào nói đúng, vị nào nói sai? Phật dạy họ mười điều không được tin ngay mà không thẩm sát, suy xét. Đó là: Những điều được truyền thừa bằng miệng lâu đời; Truyền thống; Tin đồn; Thánh điển; Dường như đúng; Sự thật hiển nhiên; Lập luận có tính thuyết phục; Thành kiến có tính giáo điều; Khả năng tin cậy của người khác; Vị thầy của chúng ta.
Và chỉ khi nào các vị chính mình tự tri: “Những điều này là đúng, không có thể chê bai, được người trí ca ngợi, tư duy quán sát về những điều này đưa đến lợi lạc và hạnh phúc thì hãy chấp nhận chúng”.
Qua đó, chúng ta thấy tất cả niềm tin mù quáng không suy xét, lập luận suông, không cơ sở đều bị Phật phê phán do, thứ nhất không dựa trên thực nghiệm, thứ hai là do không hành trì với trí tuệ. Đức Phật không phủ nhận tất cả mọi lập luận. Sau khi thực hành, có an lạc rồi mới chấp nhận. Điều đó nói lên thực nghiệm vô cùng quan trọng.
Nội dung tiếp theo là đề cập đến vấn đề hạnh phúc. Hạnh phúc là kết quả của hành trì pháp. Một học thuyết sẽ bị từ chối chỉ khi nào nó không mang lại lợi ích. Niềm tin vào Tam bảo là lòng tin có lý trí, tự tin chính mình trên con đường hành pháp. Trong khi khoa học dựa trên quan sát sự vật, thử nghiệm rồi mới đưa ra học thuyết và nó có thể sai còn đạo Phật dựa trên nội quán của thân tâm trong mối quan hệ với thế giới, hành trì liên tục rồi có kết quả, thuần tâm nhu nhuyến thì không thể sai.
Bên cạnh đó, bản kinh Canki có ghi lại rằng:
Bà la môn Canki muốn đi đến yết kiến sa môn Gotama nhưng bị các Bà la môn khác ngăn cản. Bà la môn Canki nêu rõ hai mươi lý do khiến Bà la môn Canki nên đi yết kiến Sa môn Gotama và như vậy cuộc đàm đạo bắt đầu:
Vấn đề 1: Kapathika hỏi ý kiến của Sa môn Gotama về các chú thuật của các Bà la môn mà họ cho là sự thật, ngoài ra đều là hư vọng. Sa môn Gotama trả lời vì không có một bà la môn nào, không có một vị tôn sư nào, không có một vị ẩn sĩ nào xác chứng như vậy thời chẳng khác một chuỗi người mù ôm nhau, người trước, người giữa, người sau cùng đều chẳng thấy.
Vấn đề 2: Chỗ y cứ của lòng tin. Khi thanh niên Bà la môn từ lòng tin bước qua tùy văn (nghe truyền tụng). Sa môn Gotama trả lời là có năm pháp: Tín, Tùy hỷ, Tùy văn, Cân nhắc suy tư, Chấp nhận quan điểm. Nhưng có khi điều mình tin, tùy hỷ… lại trống không, hư vọng, còn điều mình không tin lại chân thật, có thực chất. Do vậy không thể dựa vào năm pháp này để làm tiêu chuẩn cho sự thật.
Vấn đề 3: Hộ trì chân lý là bảo vệ sự thật, tôn trọng sự thât. Hộ trì chân lý “Này Bharadvaja, nếu có người có lòng tin và nói: - Đây là lòng tin của tôi, người ấy hộ trì chân lý nhưng người ấy không đi đến kết luận một chiều - Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều sai lầm”.
Vấn đề 4: Giác ngộ chân lý, dường như là đắc quả dự lưu là người không có tham pháp, sân pháp, si pháp, người này sanh lòng tin, đến gần, liền thân cận giao thiệp rồi lóng tai, rồi nghe pháp, rồi thọ trì, rồi tìm hiểu ý nghĩa các pháp được thọ trì rồi hoan hỷ chấp nhận rồi ước muốn sanh và cố gắng. Sau khi cố gắng liền cân nhắc, tinh cần, cuối cùng người ấy tự thân chứng ngộ tối thượng chân lý.
Vấn đề 5: Chứng đạt chân lý, dường như đắc quả A la hán. Thanh niên Bà la môn hỏi về chứng đạt chân lý. Sa môn Gotama trả lời nhờ luyện tập, tu tập và hành tập nhiều lần. Thanh niên hỏi rằng trong sự chứng đạt chân lý pháp nào được hành trì nhiều.
Vấn đề 6: Người trả lời để chứng đạt chân lý phải có tinh cần nhiều, có sự cân nhắc, có sự cố gắng, có ước muốn, có hoan hỷ chấp nhận pháp. Rồi tìm hiểu ý nghĩa các pháp, rồi thọ trì pháp, rồi nghe pháp, rồi lóng tai, rồi thân cận giao thiệp, rồi đi đến gần và cuối cùng có lòng tin.
Ngoài hai bản Kinh đã trích dẫn trên, trong kinh tạng Pali có ba khuynh hướng được ghi lại vào thời đức Phật tại thế, đó là: Truyền thống luận1, Lý luận Takki vimamsi2 và Thực nghiệm luận3. Vậy đức Phật có mặt trong các trường phái trên không?
Trong kinh 100. Sangarava Sutta, đức Phật tuyên bố có sự sai khác giữa sự chứng đạt thượng trí của Ngài với các ngoại đạo khác theo truyền thống và lý luận: “Ở đây, này Bharadvaja, các vị sa môn Bà la môn ấy đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, tự mình chứng tri hoàn toàn các pháp ấy, tự nhận rằng về căn bản phạm hạnh, họ đã chứng đạt ngay trong hiện tại thông trí và cứu cánh bỉ ngạn nhờ thượng trí, Ta là một trong những vị ấy, ông cần phải hiểu theo nghĩa như vậy”4.
Ta có thể nói, sự chứng đắc của Phật nhờ vào sự nỗ lực hành trì nội quán mà không nghe theo bất kỳ các đạo sư nào. Bằng con đường thực nghiệm, Ngài đã xem truyền thống luận như “chuỗi người mù nối đuôi nhau” và các nhà lý luận thì “trườn uốn như con lươn”. Hai truyền thống này được xem như không đem lại hạnh phúc tối thượng và lợi lạc lớn. Sự phủ nhận truyền thống luận một cách rõ ràng dứt khoát được ghi lại trong Kinh Kalama và Can ki.
Niềm tin chỉ có thể đặt trên cơ sở hạnh phúc. Như vậy hạnh phúc là gì? Hạnh phúc nào mới có thể xác chứng được sự chân chánh của giáo lý mà sau khi thực hành nó đem lại nhiều lợi lạc cho chính bản thân và mọi người chung quanh?
Lý luận suông có mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống hiện tại và tương lai không? Pháp cần được tự nghiệm như người uống nước nóng lạnh tự biết, không thể chỉ phân tích mà biết được vị của pháp. Lý luận đôi lúc có hoa, có hương vị của mùa xuân. Đó chỉ là cảm giác nhất thời mà không hiện hữu ở mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng. Người Kalama có những sự nghi ngờ phân vân về một sự thật từ lời giáo thuyết của các bậc đạo sư mà họ từng đối thoại. Đức Phật dạy khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này là bất thiện; Các pháp này là đáng chê; các pháp này bị các người trí chỉ trích; Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh và khổ đau, thời này Kalama, hãy từ bỏ chúng!”.
Người viết cho rằng: Yêu cầu thực hành và kinh nghiệm là phương pháp hiệu quả tối ưu có thể giúp cho mọi hành giả nhận biết chân giá trị của giáo lý. Lời nói và hành động không gặp nhau ở cùng một điểm mà là hai đường thẳng song song thì có gì đâu để đáng quan tâm và tìm hiểu!
Vì sao giáo lý của đức Phật Thích Ca Mâu Ni khơi nguồn cảm hứng cho niềm tin tưởng của chúng ta?
Bởi lẽ, một khi chúng ta thấy rằng việc thực hành giáo lý quả thật có mang lại lợi lạc, an bình nội tâm ngay trong đời này. Người dân Kalama tiếp cận với các vị thầy, đòi hỏi họ phải có đức tin vào họ mà loại trừ các đức tin khác, vô hình trung họ đã tự loại bỏ mình ngay trên mặt trận có nhiều luồng đối kháng. Chẳng hạn như Takkhahetu5 đối kháng với Nayehatu6, đối lập với Akaraparivitakkena7, đương đầu với Dittinijjhanakkhantiya8. Đó là bốn loại lập luận không thuyết phục và không thỏa đáng. Mặc dù biết rằng trên con đường tìm kiếm chỗ dựa tâm linh là cần có những bậc đạo sư. Tuy nhiên, khi những bậc đạo sư này thực thi quyền lực để áp đặt thì chính họ đã tự mình đào thải lấy mình. Bởi lẽ, không thể có được chân lý từ những bậc đạo sư quyền lực. Đã là chân lý thì không cần thiết phải răn đe, bảo vệ hay hứa hẹn. Đức Phật đều phê phán niềm tin mù quáng không suy xét hay do lập luận suông do không dựa trên thực nghiệm hành trì với trí tuệ. Cũng có nghĩa là lấy thực nghiệm để thẩm tra giáo lý rồi mới đặt niềm tin.
Nguy hại của niềm tin vô căn cứ dường như mọi người trong anh, trong tôi, trong mọi người đều nhất thời hay lâu xa hơn đều có mặt nhưng để xâu chuỗi lại thì ta hãy xem xét đoạn kinh sau:
“Như vậy, này Bharadvaja, không có một Bà la môn nói như vậy với một Bà la môn: Tôi biết việc này, tôi thấy việc này. Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm?”9. Cũng vậy, bản kinh cũng đề cập đến các vị thầy, sư phụ của vị thầy Bà la môn, những vị tiên tri Bà la môn cổ xưa, những người sáng tạo các bài Thánh ca, những tác giả của các bài Thánh ca, ngay cả những vị tiên tri Bà la môn cổ… đều tương tự như vậy.
Họ đều là những chứng nhân trên mặt lập luận chứ không phải người trong cuộc đã từng thấy, biết trong chừng mực nào đó. Thế Tôn đã ví lời nói của họ bằng một hình ảnh sống động là một chuỗi người mù ôm lưng nhau. Họ nối tiếp nhau trong sự phán đoán mù mịt, thiếu sự tỏ tường của chân lý. Như vậy lòng tin của họ có căn cứ không? Có chăng là sự tự lừa dối chính mình và lừa dối mọi người. Nhà bác học vào phòng thí nghiệm để thử nghiệm một loại vi trùng rồi đưa ra giải pháp, công thức để trị liệu. Điều này có thể đúng có thể sai nhưng vẫn hơn là chỉ có lý thuyết suông mà không chạm tới việc hành trì để định giá. Tuy nhiên, để thực nghiệm một học thuyết thì cần có lý trí, loại bỏ các đấng mặc khải Thượng đế. Loại bỏ để thấy được vai trò độc lập của con người.
Ngoài việc thấy biết, con người trong những bước tiến đến giác ngộ chân lý trong việc nghe truyền khẩu thì phải làm gì để xây dựng niềm tin?
Thế Tôn nói với Bharadvaja rằng có năm điều10 có thể đem lại hai kết quả khác nhau là cái điều gì đó có thể hoàn toàn chấp nhận do lòng tin, tuy nhiên điều ấy có thể vô nghĩa, trống rỗng và sai lạc; và ngược lại là cái điều không hoàn toàn chấp nhận do lòng tin, tuy nhiên điều đó lại có thể đúng sự thật, chân thật, không sai lầm. Tương tự với niềm tin, lại có điều khéo truyền tụng, khéo suy tư, khéo cân nhắc cũng cho ra hai kết quả như thế. Như vậy, khi đi đến kết luận: “Chỉ có đây mới là sự thật, tất cả những gì khác đều là sai lầm”, lúc này chân lý có được bảo vệ không?
Tinh thần kinh Can ki khẳng định rằng không thể bảo vệ chân lý khi ta chưa khám phá chân lý. Để khám phá chân lý thì tâm của một vị tỳ kheo phải được thanh lọc, tức tránh xa ba biểu hiện. Thế nào là ba? Biểu hiện xuất phát từ tham dục, từ sân hận, từ si mê. Lúc này, giáo pháp của vị tỳ kheo này có đưa đến chứng ngộ chân lý không? Khám phá vẫn chưa là sự chứng ngộ, vì sao? Bởi khám phá cũng chỉ là dừng lại ở sự mô tả mà tự thân chưa thấy được chân lý. Muốn thấy được chân lý, trước hết phải có sự chú tâm lắng nghe, học thuộc lòng, tìm hiểu ý nghĩa và chấp nhận giáo pháp như là kết quả của sự suy nghĩ cân nhắc, rồi sinh lòng ước muốn, sau đó vận dụng ý chí, cẩn thận nghiên cứu, cố gắng, quyết tâm tinh cần, và tự thân ta chứng ngộ chân lý tối thượng bằng cách dùng trí tuệ để thể nhập chân lý và đến đây ta đã thấy được chân lý. Nhưng như vậy cũng chưa phải là sự chứng ngộ chân lý cuối cùng.
Qua đó, đức Thế Tôn cũng chỉ rõ thực hành liên tục, phát triển tu tập, pháp nỗ lực tinh cần là pháp hữu ích nhất cho việc chứng đạt chân lý cuối cùng. Cẩn thận nghiên cứu là pháp hữu ích nhất để nỗ lực tinh cần. Vận dụng ý chí là hữu ích nhất để cẩn thận nghiên cứu. Ước muốn là hữu ích nhất để vận dụng ý chí. Chấp nhận giáo pháp như là kết quả của sự suy nghĩ cân nhắc là pháp hữu ích nhất để khởi lên ước muốn. Tìm hiểu ý nghĩa là pháp hữu ích nhất trong việc chấp nhận giáo pháp như là kết quả của sự suy nghĩ cân nhắc. Học thuộc lòng giáo pháp là hữu ích nhất trong việc tìm hiểu ý nghĩa. Nghe pháp là hữu ích nhất trong việc học thuộc lòng giáo pháp. Chú tâm lắng nghe pháp hữu ích nhất trong việc nghe pháp. Bày tỏ kính trọng là pháp hữu ích nhất để chú tâm lắng nghe. Trong việc bày tỏ kính trọng, đi đến thăm viếng là pháp hữu ích nhất. Trong việc thăm viếng có lòng tin là pháp hữu ích nhất. Như vậy, lộ trình dẫn đến niềm tin kiên cố, bền vững rõ ràng là tự thân vận động, tự thân trải nghiệm để bước đầu có sự cảm nghiệm hạnh phúc bằng sự có mặt của cảm giác dễ chịu, thư thái, an lạc.
Nếu kinh Kalama, đức Thế Tôn dẫn dắt người dân Kalama đi đến chỗ hiểu biết những nguyên tắc cơ bản mà họ có thể chứng thực bằng chính kinh nghiệm bản thân và trên hết là động cơ thúc đẩy con người hành động, là mối quan tâm về hạnh phúc và an sinh thì kinh Can ki, đức Phật cho thấy những bước tiến để thấy được chân lý tối thượng. Như vậy toàn bộ tiến trình rèn luyện thực hành giáo pháp được bắt nguồn từ kinh nghiệm bản thân. Ngay cả đức tin cũng phải được bắt nguồn từ việc tìm tòi nghiên cứu và dò hỏi chứ không phải chỉ dựa vào những khuynh hướng tình cảm hay đức tin mù quáng. Đức tin là cánh cửa để bước vào những mức độ trải nghiệm sâu xa hơn.
Đức Phật đã tuyên thuyết hai con đường: Một là thăng hoa cuộc sống đời thường giúp cho chúng sanh gieo trồng thiện căn đưa đến hạnh phúc, bình yên an toàn thuộc về bình diện thế gian của đời sống và Hai là con đường vượt thoát thế gian để hướng dẫn chúng sanh đạt đến niết bàn. Giáo pháp mà Ngài tuyên thuyết là những nguyên tắc cơ bản cho sự hiểu biết chơn chánh và cách ứng xử thiện lành. Bởi ngay từ khi Phật khi còn tại thế cho đến mãi ngày nay, đi tìm kiếm con đường tâm linh, niềm tin vào một giáo chủ, một giáo lý luôn luôn phải đối diện với một trong những điểm nan giải vì khối lượng giáo lý về tâm linh và tôn giáo rất đa dạng. Ngày nay, mọi người đang đứng trước một hiện tượng thị trường tôn giáo, chúng ta không khỏi tránh được những va vấp khi rơi vào mười điều không nên tin mà đức Phật đã giảng giải trong kinh Kalama. Cũng như phương pháp tiếp cận giáo lý không tránh khỏi những vết bánh xe đã từng đi qua trong lịch sử. Và hơn thế nữa nó lại phủ thêm lớp áo hiện đại của tầng lớp tín đồ chạy theo cái danh của một vị giáo chủ hoặc một mớ bòng bong luận thuyết pha tạp đủ kiểu hoặc đáp ứng thị hiếu cho một tầng lớp nào đó trong xã hội thì theo chúng tôi: Việc làm sống lại tinh thần tư tưởng Kalama và Canki chính là trách nhiệm của người học Phật, là vô cùng cần thiết!
Viết ngày 3 tháng 5 năm 2020
1. Là sự hiểu biết cao nhất có được từ Thánh điển Veda và chỉ có giai cấp Bà la môn có được thẩm quyền giải thích Thánh điển không thể nghi ngờ này.
2. Là sự hiểu biết nhờ vào sự bàn luận, lý luận này không dựa vào sự hiểu biết thông thường (Các Upanisad ở vào thời kỳ đầu, người theo chủ nghĩa hoài nghi (sceptics), người theo chủ nghĩa khoái lạc (Cavarka,materialism) và hầu hết Ajivakas (Makkhali Gosala).
3. Là sự hiểu biết bằng sự trực nhận bằng kinh nghiệm, trực tiếp không qua suy luận trong các Upanisads thời kỳ giữa và thời kỳ cuối, vài vị Ajivaka và Jian, ngay cả những người theo chủ nghĩa khoái lạc (Carvaka).
4. Toàn tập Thích Minh Châu, Kinh Trung bộ (MAJJHIMA NIKAYA), tập 2, 2015, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 779.
5. Dựa trên lý luận suông.
6. Dựa theo quan điểm riêng.
7. Lập luận không có cơ sở như sự có mặt của Đấng sáng Thế.
8. Sự lập luận dựa trên quan điểm sai lầm.
9. Toàn tập Thích Minh Châu, Kinh Trung bộ (MAJJHIMA NIKAYA), tập 2, 2015, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 689-690.
10. Lòng tin, sự chấp thuận, truyền khẩu ngàn xưa để lại, suy tư có luận lý và chấp nhận quan điểm như là kết quả của sự cân nhắc.
Bình luận bài viết