Thông tin

TRÍ TUỆ THƠ TRẦN NHÂN TÔNG

 

HỒ TẤN NGUYÊN MINH

 


 

Trong thơ Trần Nhân Tông thường xuyên xuất hiện một con người thông tuệ, có cái nhìn minh triết về cuộc đời, thấu tỏ quy luật sinh - trụ - dị - diệt của tự nhiên và quy luật sinh - lão - bệnh - tử của đời người. Trí tuệ siêu việt giúp con người hiểu lẽ sắc không, cảm nhận sâu sắc về sự chóng vánh, tàn phai, biến ảo của cuộc đời từ đó có nhận thức đúng đắn về ý nghĩa tồn tại của kiếp người trong cuộc nhân sinh. Cảm quan nhân thế vô thường của Phật giáo giúp con người biết được sự ngắn ngủi của thời gian trần thế, nhận ra khoảng trăm năm của đời người trôi qua trong phút chốc, ranh giới giữa sinh - diệt, tồn - vong mỏng manh như sương khói. Trong một buổi “đại tham” ở chùa Sùng Nghiêm, Trúc Lâm đại sĩ đã mở đầu bằng bài kệ:

Thân như hô hấp tỵ trung khí

Thế tự phong hành lĩnh ngoại vân

Đỗ quyên đề đoạn nguyệt như trú

Bất thị tâm thường không quá xuân.

(Thân như hơi thở đi qua buồng phổi

Kiếp tựa mây luồn trên đỉnh núi xa

Chim đỗ quyên kêu ròng rã bao ngày tháng

Đâu phải mùa xuân có thể dễ dàng trôi qua)

Mạng sống con người vụt trôi như “hơi thở qua buồng phổi”, thế giới này không lâu bền vững chắc mà mong manh như “mây luồn trên đỉnh núi xa”. Hành giả tham thiền nhìn thấy nơi “thân” - tức là sự tồn tại của con người - cái tạm bợ, thoáng chốc. Có đấy rồi lại không đấy. Tất cả chỉ là phù du, hư huyễn.

Một lần lên thăm núi Bảo Đài, dõi mắt ngắm cảnh, đắm mình trong thiên nhiên, Trần Nhân Tông khám phá được một bức tranh cổ kính, bình dị và thanh nhã:

Địa tịch đài du cổ

Thời lai xuân vị thâm

Vân sơn tương viễn cận

Hoa kính bán tình âm

(Đăng Bảo Đài Sơn)

(Đài ở vùng hẻo lánh càng thêm cổ

Mùa đến, xuân chưa lâu

Núi phủ mây, ngọn xa ngọn gần

Đường đầy hoa, nửa nắng nửa râm)

(Lên núi Bảo Đài)

Cảnh đẹp nhưng vắng vẻ, im ắng, thoáng một chút buồn xa vắng mênh mông. Đối diện với cái tịch mịch của ngoại giới đang hiện hữu ngay trước mắt, nhà thơ bâng khuâng suy nghiệm:

Vạn sự thủy lưu thủy

Bách niên tâm ngữ tâm

(Đăng Bảo Đài sơn)

(Muôn việc như nước chảy theo nước

Trăm năm riêng lòng nói với lòng)

(Lên núi Bảo Đài)

Hai câu thơ phảng phất tinh thần của Mãn Giác thiền sư trong Cáo tật thị chúng “Sự trục nhãn tiền quá/ lão tòng đầu thượng lai” (trước mắt việc đi mãi/ trên đầu già đến rồi). Việc đời trôi chảy mãi, không ai níu kéo được thời gian. Con người đối diện với chính mình, lòng nhủ lòng để nỗi cô đơn lan tỏa trong tâm trạng. Thể nghiệm nỗi cô đơn trước cái tịch lặng của thiên nhiên, Trần Nhân Tông đã tạo cho bài thơ một ý vị riêng, thấp thoáng vẻ đẹp của trí tuệ. Nói như nhà nghiên cứu Đoàn Thị Thu Vân, “ý thức về nỗi cô đơn của con người không phải là một phát hiện gì mới, người xưa đã nhắc đến rồi, nhưng sự nhận thức sâu sắc về nó của những con người ở vào một thời đại thịnh vượng, huy hoàng của lịch sử và của một ông vua - được xem như chủ thể của thời đại - có tất cả địa vị, quyền lực, danh vọng trong tay, thì lại là một điều có ý nghĩa không nhỏ.

Bằng chiều sâu của lý trí và sự mẫn tiệp của tư duy, Trần Nhân Tông không ngừng suy ngẫm để giác ngộ chân lý, để ý thức được rằng đời người như mây nổi, phú quý chỉ là giấc chiêm bao:

Ai ai xá cốc,

Bằng huyễn chiêm bao;

Xảy tỉnh giấc hòe,

Châu rơi lã chã.

Cốc hay thân huyễn,

Chẳng khác phù vân,

Vạn sự giai không,

Tựa dường bọt bể.

Đem mình náu tới,

Cảnh vắng ngàn kia

(Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca) [10, tr.347]

Đoạn phú xuất hiện một con người với hai thái độ ứng xử khác nhau ở hai thời điểm khác nhau của nhận thức. Con người ấy khi chưa hiểu rõ quy luật thì cảm thấy xót xa, buồn bã trước cái hư ảo của cuộc đời. Để rồi trong giây phút “chợt tỉnh giấc hòe”, cảm thấy trống rỗng mà “châu rơi lã chã”. Nhưng khi đã nhận ra quy luật “vạn sự giai không/tựa dường bọt bể” thì tâm trạng trở nên thanh thản, an nhiên nhìn sự vật vần xoay. Một con người - hai tâm trạng ở hai khoảnh khắc khác nhau diễn tả quá trình tự nhận thức của nhà thơ đi từ “mê” đến “ngộ”, từ mờ mịt đến sáng tỏ. Hiểu được lẽ “ mặt trời lên rồi sẽ lặn, đời người nổi rồi sẽ chìm” (Thử thời vô thường kệ - Trần Thái Tông), “ba sinh như ngọn đuốc trước gió” (Đốn tỉnh - Tuệ Trung), nhà thơ kêu gọi mọi người nhìn thẳng vào quy luật, chấp nhận quy luật và vượt thoát khỏi vòng danh lợi:

Đắc ý công lòng,

Cười riêng ha hả.

Công danh chẳng trọng,

Phú quý chẳng màng.

Tần Hán xưa kia,

Xem đà nhàn hạ.

Yên bề phận khó,

Kiếm chốn dưỡng thân.

(Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca)

Trần Nhân Tông ý thức được tính chất vô thường của thời gian trần thế, ý thức được sự hữu hạn của đời người không phải để tiếc nuối, khổ đau trước chuyện thịnh - suy, được - mất; không phải để mang nặng trong lòng “nỗi buồn quán trọ trần gian”. Trái lại, nhận ra quy luật là để chấp nhận quy luật và vượt lên trên quy luật, đạt đến cảnh giới cao nhất của sự giác ngộ. Con người ấy thời trẻ chưa hiểu lẽ “sắc không”, có lúc lầm tưởng vạn sự thế gian là vĩnh hằng, bất biến nên thường “gửi lòng nơi trăm hoa”, để tâm hồn xao động trước những biến dịch từ ngoại cảnh. Đến khi đủ trải nghiệm để nhận ra “diện mạo của chúa xuân” thì tâm hồn trở nên an lạc, tĩnh tại.

Niên thiếu hà tằng liễu sắc không

Nhất xuân tâm tại bách hoa trung

Như kim khám phá đông hoàng diện

Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng

(Xuân Vãn)

(Thời trẻ đâu biết được lẽ sắc không

Xuân đến lòng để trong trăm hoa

Đến nay đã khám phá ra được diện mạo của chúa xuân

Ngồi trên tấm bồ đoàn giữa thiền bản ngắm cánh hồng rụng)

(Cuối xuân)

Bài thơ thể hiện phút giây con người phản tỉnh, tự vấn, tự xét, nhận ra mê - ngộ, đúng - sai từ đó có những điều chỉnh trong suy nghĩ và hành động. Với trí tuệ thâm viễn và tầm nhìn xa rộng, Trần Nhân Tông không ngừng chiêm nghiệm khiến nhận thức liên tục vận động và thay đổi qua thời gian. Con người lúc “bất tri kiến” thì đối cảnh sinh tình, tâm động theo cảnh, hoa nở thì mừng vui, hoa tàn thì nuối tiếc. Con người sau khi đã “tri kiến” thì “đối cảnh vô tâm” hay “đối cảnh kiến chân như”, tìm thấy chân lý ngay trong cái động của ngoại cảnh. Nhận xét về bài thơ Xuân vãn, Nguyễn Hữu Sơn cho rằng, “vẫn là cảnh xuân, vẫn là trăm hoa năm nào đấy thôi nhưng dường như bây giờ nhà thơ mới nhận diện được bản chất của sự sống. Đó là sự trả giá bằng cả thời gian đời người, bằng sự nghiệm sinh trong cuộc sống, sự thức tỉnh và thức nhận bản chất lẽ sinh - tử, còn - mất, hữu - vô”. Cảm giác bình thản của tâm hồn người khi đã hiểu lẽ “ sắc không” một lần nữa được Trần Nhân Tông diễn tả trong một bài thơ khác:

Thị phi niệm trục triêu hoa lạc,

Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn.

Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch,

Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn

(Sơn phòng mạn hứng II)

(Niệm phải trái rụng theo hoa buổi sớm,

Tâm lợi danh lạnh cùng trận mưa đêm.

Hoa tàn, mưa tạnh, non im lắng,

Một tiếng chim kêu báo xuân tàn)

(Mạn hứng ở sơn phòng II)

Cái tâm được nhắc đến ở đây là “tâm không vọng động”, cái tâm đã loại bỏ thị phi, họa phúc; trở nên vô đoan, vô cầu, vô ngại và không còn bị thế giới ngoại vật chi phối.

Vẻ đẹp trí tuệ trong thơ Trần Nhân Tông còn thể hiện ở hình ảnh một con người tự do với tinh thần phá chấp triệt để. Con người ấy đã mạnh mẽ phá bỏ lối mòn cũ kĩ của tư duy, khai thông tư tưởng, tìm đến với một lối suy nghĩ sáng suốt và mới mẻ. Không câu nệ quá nhiều vào khuôn thước, không phụ thuộc quá nhiều vào giáo lý, con người tự tìm cho mình một con đường riêng, một lối đi riêng để tự giác ngộ.

Cội nguồn triết học của tinh thần phá chấp trong thơ Trần Nhân Tông có lẽ xuất phát từ phương pháp chứng ngộ “trực chỉ nhân tâm”, “kiến tính thành Phật” và chủ trương “cầu chư kỷ vô cầu chư ngoại” (truy cầu nơi bản thân mình, không truy cầu bên ngoài) của tổ sư Bồ Đề Đạt Ma. Sau này Lục Tổ Huệ Năng, nhân vật chủ chốt của phái Thiền Nam Trung Hoa đúc kết thành lời dạy “ bồ đề chỉ hướng tâm giác, hà lao hướng ngoại cầu huyền?” (bồ đề chính chỉ hướng giác ngộ nơi tâm, sao lại nhọc nhằn đi cầu điều huyền ở bên ngoài). Tiếp thu yếu chỉ Thiền Tông, các nhà thơ thời Lý - Trần và đặc biệt là Trần Nhân Tông kêu gọi con người từ bỏ vọng niệm, loại trừ thị phi, quay về với bản tâm để “minh tâm kiến tính”, tự mình ngộ đạo. Họ cho rằng “tu hành chỉ là giam cầm sự ưu việt của trí tuệ” (Cảm hoài - Bảo Giám), chỉ có những con người mê muội, lầm lạc mới đi cầu Phật, cầu Thiền ở bên ngoài. Con người sáng suốt phải là con người tự thân vận động, tùy duyên tùy tục. Tinh thần này được Trần Nhân Tông thể hiện trọn vẹn trong bài phú nôm Cư trần lạc đạo mà đỉnh cao là bài kệ kết thúc tác phẩm:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,

Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.

(Cư trần lạc đạo phú)

(Ở nơi cõi trần mà vui với lẽ đạo, hãy cứ tùy duyên

Đói thì ăn, mệt thì ngủ

Trong nhà có của báu, đừng tìm kiếm đâu xa

Đứng trước cảnh mà vô tâm thì không cần hỏi Thiền nữa)

(Bài phú ở đời vui đạo)

Con người ở đây tự giác khơi dậy tiềm lực của mình, đói thì ăn, buồn ngủ thì ngủ, không câu chấp, cũng không bị lệ thuộc vào bất cứ điều gì. Không phải cứ xuất gia tu hành, trì giới khổ hạnh hay khổ công tìm kiếm nơi thâm sơn cùng cốc thì mới thấy được cảnh giới chân như. Con người phải “tùy duyên nhậm vận” thì mới đạt tới sự giác ngộ. “Tùy duyên nhậm vận” tức là không cầu giải thoát, không tìm an lạc, không nuối tiếc quá khứ, không trông ngóng tương lai, cứ thuận theo tự nhiên, để cho cái tôi bản thể của mình tự do hiển lộ.

Để có thể “tùy duyên nhậm vận”, con người phải ở trạng thái “đối cảnh vô tâm”, tức phải có cái tâm “ ưng vô sở trụ”. Chẳng phải tìm Phật ở đâu xa, Phật ở ngay trong tâm mình. Kẻ thức giả phải là người biết soi rọi bản thể, thổi lớp bụi vô minh để tìm viên minh châu quý giá của Phật tính. Còn nếu cứ chăm chăm tìm cách thoát khỏi bể khổ thì là con đường sai lầm chỉ chuốc thêm phiền não mà thôi. Chân lý không xuất hiện từ ngoại giới, chân lý nằm ngay trong tâm mỗi người “trong nhà có báu tìm đâu nữa?”. Cái chính là phải “vô tâm đối cảnh”, tức là trước mọi biến dịch bên ngoài, cái tâm hoàn toàn an nhiên, dứt trừ mọi vọng niệm, từ bỏ tham sân si để kiến tính thành Phật.

Tư tưởng “Phật tính tự tâm” và phương pháp tu tập “tự giác đốn ngộ” nhiều lần được Trần Nhân Tông diễn tả rất tự nhiên và sinh động trong toàn bộ Cư trần lạc đạo phú:

Thửa (biết) mình học, cho phải chính tông

Chỉn (chỉ) bụt là lòng, xá ướm hỏi đòi cơ Mã Tổ

(Hội thứ ba)

Bụt ở trong nhà

Chẳng phải tìm xa

Nhân khuấy bổn (quên gốc) nên ta tìm Bụt

Đến cốc hay chỉn Bụt là ta.

(Hội thứ 5)

Săn hỷ xả, nhuyễn từ bi

Nội tự tại kinh lòng hằng đọc

Rèn lòng làm bụt, chỉn xá tua một sức dồi mài

Đãi cát kén vàng, còn lại phải nhiều phen lừa lọc

(Hội thứ 8)

Trong bài kệ kết thúc Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, Trần Nhân Tông diễn tả một cách xuất sắc trạng thái tĩnh tại tuyệt đối của cái tâm đạt đạo, ở ngoài danh lợi, rũ bỏ thị phi. Hai chữ “Thanh nhàn” đối với ông còn đáng quý hơn cả vạn nén vàng, hơn tất cả mọi cảnh sống giàu sang, nhung lụa.

Cảnh tịch an cư tự tại tâm,

Lương phong xuy đệ nhập tùng âm.

Thiền sàng thụ hạ nhất kinh quyển

Lưỡng tự thanh nhàn thắng vạn câm

(Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca)

(Cảnh lặng, sống yên, lòng tự tại

Gió mát thổi đến dưới bóng cây thông

Giường thiền ở dưới gốc cây, kinh một quyển

Thanh nhàn hai chữ, đáng muôn đồng)

Tìm một lối đi mới cho tư duy, Trần Nhân Tông kiên quyết chối bỏ cái nhìn nhị kiến phân biệt phàm - thánh, mê - ngộ, tốt - xấu, niết bàn - trần tục… Trước Nhân Tông, người thầy của ông là Tuệ Trung thượng sĩ cho rằng “Chẳng cần lễ Phật, cũng chẳng cần lễ tổ” (Tụng cổ), vì “Phật và chúng sinh cùng một bộ mặt, đều mày ngang, mũi dọc mà thôi” (Phàm thánh bất dị). Thậm chí Tuệ Trung còn phá chấp đến mức phóng cuồng khi đập vỡ thái độ bám víu vào khái niệm, cho rằng tu tập mà quá câu chấp vào giáo lý kinh điển thì cũng giống như “ra vào đống phân ngựa/nghiên tầm vũng nước trâu”. Đến Trần Nhân Tông, một lần nữa ông đả phá giáo điều, nâng con người lên ngang tầm với Phật:

Tích nhân nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích Ca

Cầm giới hạnh, đoạn ghen tham, chỉn thực ấy là Di Lặc

(Cư trần lạc đạo phú - Hội thứ tư)

Mày ngang mũi dọc, tướng tuy lạ xem ắt bằng nhau

Mặt thánh lòng phàm, thực cách nhẫn vân vân thiên lí

(Cư Trần Lạc Đạo phú - Hội thứ mười)

Bàn về lẽ “có” - “không”, Trần Nhân Tông cho rằng, một khi còn phân chia vọng niệm, tức còn vướng bận chuyện thành bại, được mất thì con người còn mãi đau khổ. Để tâm hồn bình yên tuyệt đối phải hiểu lẽ “sắc tức thị không, không tức thị sắc”, đạt đến chỗ vô phân biệt.

Hữu cú vô cú,

Điêu điêu, đát đát.

Tiệt đoạn cát đằng,

Bỉ thử khoái hoạt.

(Hữu cú, vô cú)

(Câu hữu, câu vô,

Khiến người rầu rĩ.

Cắt đứt mọi duyên như dây leo,

Thì hữu và vô đều thông suốt)

(Câu hữu, câu vô)

Thiên kiến nhị phân chính là hàng rào ngăn cản sự phát triển của tư duy, là sợi dây trói buộc tự do con người. Nguồn gốc của mọi đau khổ là do phân biệt, kén chọn mà ra. Con người mong muốn đạt được cái này mà tránh cái kia cho nên sinh ra dục vọng. Mà dục vọng chính là căn nguyên của mọi đau khổ. Nếu từ bỏ nhị kiến tức là có một cái nhìn bình đẳng, không còn đối đãi trên - dưới, sang - hèn, phải - trái… thì sẽ không còn đau khổ nữa.

Quan niệm “ Phật tại tâm”, chủ trương quay về bản thể mà tự thắp sáng trí tuệ, Trần Nhân Tông phản đối tư tưởng vọng ngoại tìm chân lý.

Thùy phục cánh tương cầu giải thoát

Bất phàm, hà tất mịch thần tiên ?

Viên nhàn, mã quyện, nhân ưng lão

Y cựu vân trang nhất tháp thiền

(Sơn phòng mạn hứng I)

(Ai trói buộc mà tìm cách giải thoát

Không là phàm tục, còn cần gì phải đi kiếm thần tiên?

Vượn nhàn, ngựa mỏi, người cũng về già

Vẫn y như xưa một chiếc giường thiền ở nơi am mây)

(Mạn hứng ở sơn phòng I)

“Tìm giải thoát” là lầm, “kiếm thần tiên” là mê, con người nếu không muốn mãi đắm chìm trong mê muội thì phải mạnh mẽ từ bỏ chấp trước, đem lại sự giải phóng hoàn toàn cho bản tâm. Và khi bản tâm hoàn toàn thanh thản thì con người mới có thể giác ngộ. Bài thơ tỏa sáng vẻ đẹp triết lý, đưa con người từ chỗ “vô minh” trở thành một con người hoàn toàn tự do.

Con người trong sáng tác của Trần Nhân Tông không thoát ly thực tại mà tích cực nhập thế giúp đời, gắn liền với những lo toan trần thế. Bậc chân tu không nhất thiết phải xuống tóc quy y, tham thiền, thuyết pháp thì mới đạt đạo. Con người vẫn có thể “ngộ chân như” giữa bao nhiêu biến động của cuộc sống trần tục. Đây là chủ thuyết “cư trần lạc đạo” mà Trần Nhân Tông đề xướng và cũng là một trong những nền tảng tư tưởng quan trọng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Nó giúp chúng ta lí giải được tại sao ngay cả khi đã xuất gia trên non cao Yên Tử, Trần Nhân Tông vẫn nặng lòng với việc dân, việc nước, vẫn lo nghĩ cho tương lai dài lâu của dân tộc. Hành trình tư tưởng của Trần Nhân Tông là “dĩ Nho nhập Thích”. Người Phật tử không lãng quên cuộc sống mà hòa mình vào cuộc sống, làm tròn trách nhiệm đối với cuộc sống.

Sạch giới lòng, chùi giới tướng, nội ngoại nên bồ tát trang nghiêm;

Ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu.

(Cư trần lạc đạo phú - hội thứ sáu)

Vâng ơn thánh, xót mẹ cha, thờ thầy học đạo;

Mến đức cồ, kiêng bùi ngọt, cầm giới ăn chay.

(Cư trần lạc đạo phú - hội thứ sáu)

Trong bản thể Trần Nhân Tông dường như cùng lúc tồn tại hai con người: con người Nho và con người Thiền. Hai con người này quyện hòa vào nhau và thăng hoa thành một vẻ đẹp đặc biệt. Con người Nho dù đang chỉ huy đánh giặc hay đang điều hành chính sự vẫn không lúc nào quên điều khiển chân tâm theo triết lý Thiền để tâm hồn trở nên tiêu dao tự tại. Con người Thiền dù đang suy tư triết học hay đang thả hồn vào cõi thinh không vẫn không lúc nào quên nghĩ chuyện giúp thế. Vĩ đại và bí ẩn, yêu đời và siêu thoát, đó chính là những mặt vừa đối lập, vừa bổ sung cho nhau trong con người Trần Nhân Tông.

Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tất;

Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thực cả đồ công

(Cư trần lạc đạo phú - hội thứ ba)

Sinh vô bổ thế trượng phu tàm

(Họa Kiều Nguyên Lãng vận)

Sống không giúp thế trượng phu buồn

(Họa thơ Kiều Nguyên Lãng)

Có thể nói, xuất hiện trên thi đàn thời Trần như một tên tuổi xuất chúng, tầm vóc văn học của Trần Nhân Tông được thể hiện với hai tư cách: hoàng đế - thi sĩ và thiền sư - thi sĩ. Là một ông vua làm thơ, thơ Trần Nhân Tông mang vẻ đẹp hào sảng của thời đại Đông A. Là một thiền sư làm thơ, thơ Trần Nhân Tông lấp lánh vẻ đẹp của trí tuệ. Vẻ đẹp ấy thăng hoa trong thơ ông tạo nên hình ảnh một con người minh triết, thông tuệ trước mọi việc để từ đó hình thành cho mình một cách sống, một bản lĩnh sống theo đúng tinh thần thời đại.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Huệ Chi (1983), Mấy vẻ mặt thi ca Việt Nam, Nxb.Tác phẩm mới, Hà Nội.

2. Nguyễn Huệ Chi, Trần Thị Băng Thanh, “Trần Nhân Tông - chính khách, thi nhân và tầm vóc thời đại”, Viet - studies.com.

3. Đỗ Thanh Dương (2003), Trần Nhân Tông - Nhân cách văn hoá lỗi lạc, Nxb. ĐHQG HN, Hà Nội.

4. Nhiều tác giả (2003), Thiền học thời Trần, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

5. Hà Ngọc Hòa (2005), “Quan niệm con người trong thơ Thiền của Trần Nhân Tông”, Tạp chí khoa học đại học Huế, (26), tr. 13-19.

6. Nguyễn Phạm Hùng (1998), Thơ thiền Việt Nam - Những vấn đề lịch sử và tư tưởng nghệ thuật, Nxb. ĐHQG, Hà Nội.

7. Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, tập 1.

8. Nguyễn Hữu Sơn (2009), “Tác gia Hoàng đế - Thiền sư - Thi sĩ Trần Nhân Tông”, vienvanhoc.org.

9. Nguyễn Kim Sơn (2006), “Bàn về cảm hứng cư trần lạc đạo trong thơ Trần Nhân Tông”, Mấy vấn đề lý luận và lịch sử văn học, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr. 28-35.

10. Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia (2000), Tổng tập văn học Việt Nam tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

11. Đoàn Thị Thu Vân (1996), Khảo sát đặc trưng nghệ thuật của thơ Thiền Việt Nam thế kỉ X - thế kỉ XIV, Nxb. Văn học, Hà Nội.

12. Đoàn Thị Thu Vân (1998), Thơ Thiền Lý Trần, Nxb. Văn Nghệ, Hà Nội.

13. Đoàn Thị Thu Vân (2007), Con người nhân văn trong thơ ca Việt Nam sơ kì trung đại, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 15
    • Số lượt truy cập : 6920591