Thông tin

TRÍ TUỆ TRONG PHẬT GIÁO (tiếp theo)

TRÍ TUỆ TRONG PHẬT GIÁO (tiếp theo)

HOANG PHONG


Trí tuệ và trí thông minh

Tất cả chúng sinh đều có trí thông minh ngang nhau và giống nhau, tuy nhiên tùy theo mỗi cá thể trí thông minh đó bị che lấp ít hay nhiều, có những góc cạnh hoàn toàn bị phủ kín và trở nên tối om, những phần khác thì bị một lớp màn mỏng hay một tấm kính mờ phủ kín. Tấm màn có thể nhăn nhúm, tấm kính có thể gồ ghề, có chỗ thì dày có chỗ mỏng, đại khái giống như một tấm lăng kính méo mó. Vì thế mà hình ảnh do trí thông minh tiếp nhận được từ bên ngoài sẽ trở nên mờ ảo dưới tấm màn che và hoàn toàn biến dạng phía sau lăng kính. Tuy nhiên, tấm màn hay tấm lăng kính cũng có những góc cạnh hay những kẻ hở có thể giúp cho trí thông minh tiếp nhận trực tiếp được ánh sáng từ bên ngoài. Tóm lại, trí thông minh là một cơ sở hay một "chất liệu cơ bản" (matrice, matrix) ghi nhận những tín hiệu của ngoại cảnh và căn cứ vào đó để tác tạo ra những sự diễn đạt đủ loại. Cũng cần xác định một cách minh bạch là sự lầm lẫn mà trí thông minh có thể phạm phải phát sinh từ hai nguyên nhân khác nhau, nguyên nhân thứ nhất là tính cách giới hạn và méo mó của những kinh nghiệm do ngũ giác cảm nhận được từ những hiện tượng bên ngoài, nguyên nhân thứ hai là sự diễn đạt lệch lạc và u mê từ bên trong của giác cảm tri thức, sự diễn đạt lệch lạc ấy của tri thức là do ảnh hưởng của nghiệp trong quá khứ tác động.

Trái ngược với trí thông minh, Trí tuệ không tiếp nhận những tín hiệu của ngoại cảnh dựa vào những biểu hiện thô thiển thuộc bề ngoài của mọi hiện tượng, mà trái lại chỉ tìm cách gạn lọc và nắm bắt bản thể đích thực của chúng, đồng thời thì Trí tuệ cũng gạn lọc và tinh khiết hóa sự nhận thức từ bên trong, không để cho các ảnh hưởng tiêu cực của nghiệp quá khứ tham gia vào sự diễn đạt mang lại sự hiểu biết sai lầm về bản chất đích thực của mọi hiện tượng. Trong khi đó, trí thông minh lại chấp nhận một cách tự nhiên tấm màn che và tấm lăng kính làm méo mó sự cảm nhận từ bên ngoài của ngũ giác và sự diễn đạt sai lầm của tri thức từ bên trong. Tệ hại hơn nữa, trí thông minh còn xem tấm màn ấy và tấm lăng kính ấy thuộc bản thể tự tại và bẩm sinh của mình và căn cứ vào đó để tạo ra cho mình một "cái tôi". Ngược lại, Trí tuệ là một khả năng, một sức mạnh nhắm vào việc "rọc rách" tấm màn và "đập nát" tấm lăng kính che phủ và làm méo mó sự nhận thức từ cả hai chiều: sự cảm nhận (từ bên ngoài) và sự diễn đạt (từ bên trong) để mang lại sự hiểu biết đích thực. Mặc dầu trí thông minh và Trí tuệ có cùng một nguồn gốc như nhau tức là sự hiểu biết, tuy nhiên vai trò, chức năng và chủ đích của Trí tuệ và của trí thông minh thì lại hoàn toàn khác nhau.

Trí thông minh là hậu quả tự nhiên của quá trình phát triển của chủng loại, quá trình phát triển và biến dạng của trí thông minh tạo ra những khả năng khác nhau tùy theo mỗi cá thể. Quá trình phát triển và biến dạng đó lệ thuộc vào những xung động bản năng và sự bén nhạy của giác cảm không đồng đều giữa mỗi cá thể. Xung động bản năng và sự bén nhạy của giác cảm lại lệ thuộc vào môi trường chung quanh còn gọi là cơ duyên và các hậu quả phát sinh từ những hành động của từng cá thể trong quá khứ. Kết quả là không thể nào có hai cá thể hoàn toàn giống nhau trong cõi người cũng như trong cõi súc sinh. Sự khác biệt về xu hướng cũng như khả năng suy tư và thích ứng phản ảnh sự dị biệt và đa dạng của trí thông minh. Một cách cụ thể, chúng ta thấy trong tập thể con người có nhiều xu hướng khác nhau, chẳng hạn có những người trở thành triết gia, nhà thơ, nhà văn, nhà soạn nhạc, ca sĩ, khoa học gia, kỹ sư, nghệ nhân, công nhân..., có những người thật thà hay tinh ranh, khôn ngoan hay đần độn, có các thánh nhân và có cả những người hung dữ... Ngoài ra còn có những người mang tâm trí hoang mang và lầm lẫn vì tấm màn che phủ tâm thức của họ quá dày, hoặc vì tấm lăng kính quá méo mó làm cho sự cảm nhận của họ về bối cảnh chung quanh trở nên sai lạc quá nhiều, mặt khác sự cảm nhận đó đồng thời cũng bị ảnh hưởng của nghiệp trong quá khứ tác động và chi phối. Trong trường hợp sự sai lạc ấy của họ trở nên quá trầm trọng, thì chúng ta xem họ hay "phân loại họ" thuộc vào những người bị bịnh tâm thần.

  

Trí thông minh không cần nhờ giáo dục cũng có thể phát triển được nhờ vào kinh nghiệm của giác cảm, trong khi đó Trí tuệ chỉ có thể phát triển bằng cách học hỏi và luyện tập mà thôi. Đối với một người bình thường, sự hiểu biết sẽ làm phát sinh ra trí thông minh, đối với một người tu tập thì sự hiểu biết sẽ làm phát sinh ra hai nhánh hay hai lãnh vực khác nhau đó là Trí tuệ và trí thông minh thông thường. Theo quan điểm của Bắc tông thì khi Trí tuệ càng phát triển thì trí thông minh sẽ càng bị thu hẹp, khi Trí tuệ hoàn toàn nẩy nở và xâm chiếm toàn bộ tâm thức thì trí thông minh củng sẽ biến mất, vì nó không còn giữ một vai trò nào nữa. Kim cương thừa thì cho rằng trí thông minh và Trí tuệ có cùng một bản chất tức là sự hiểu biết, cho nên người tu tập chỉ cần tinh khiết hóa trí thông minh và hội nhập nó với Trí tuệ. Thiết nghĩ, đó cũng là một phương tiện thiện xảo giúp tăng cường sức mạnh cho Trí tuệ và giúp Trí tuệ phát triển nhanh chóng hơn.

Trí tuệ và sự tu tập Phật giáo

Trí tuệ có nhiều sắc thái và cấp bậc khác nhau. Nam tông gọi chung là Chính kiến, Bắc tông mô tả và phân loại thành bốn hoặc năm thể dạng. Ngoài các thể dạng Trí tuệ đó Bắc tông còn nêu lên một loại Trí tuệ nữa gọi là Bát-nhã mà người tu tập gần như chỉ có thể đạt được nó bằng thiền định mà thôi. Nếu các cấp bậc thấp của Trí tuệ còn mang tính cách đa dạng thì cấp bậc tối thượng là Bát-nhã là một thể dạng nhất thể, hoàn toàn trong suốt và phẳng lặng.

Tu tập Phật giáo là tìm cách hướng về cấp bậc Trí tuệ cao nhất để đạt được sự Giác ngộ. Sự luyện tập đó có thể so sánh với cách múa thanh kiếm bốc lửa của Ngài Văn thù Sư lợi để rọc rách tấm màn che phủ trí thông minh và chặt vỡ tan tấm lăng kính làm méo mó sự cảm nhận của tâm thức. Đạo Pháp đưa ra tám mươi bốn ngàn thanh kiếm khác nhau, đủ cỡ, đủ kiểu, dài ngắn đều có, với mục đích thích nghi với tầm vóc và khả năng của từng người. Tám mươi bốn ngàn thanh kiếm ấy gọi là Upaya, tức là những phương tiện thiện xảo.

Vì thế nếu một người tu tập gặp phải trở ngại hay khó khăn trên đường tu tập thì nhất định đấy không phải vì thiếu phương tiện mà chỉ vì người tu tập lạc vào khu rừng dày đặc của những phương tiện thiện xảo và không tìm thấy lối ra. Họ chỉ nhìn thấy toàn là phương tiện và phương tiện, nhưng cứu cánh thì biệt tăm. Nếu tự buộc mình vào phương tiện, tìm thấy sự thoả mãn và an vui với phương tiện thì một đời tu tập cũng sẽ hoàn toàn vô ích. Vậy các phương tiện thiện xảo trong Phật Pháp là gì? Đấy là kinh sách như rừng, tiếng tụng niệm và chuông mõ vang rền, nghi lễ đủ loại, hoa quả cúng dường, nhang đèn, cờ lọng, tượng ảnh cầu kỳ, v.v. và v.v... Người tu tập nhìn ngón tay trước mắt, ra sức nhìn gần hơn và cứ muốn ôm ngón tay vào lòng, để rồi một lúc nào đó họ sẽ nhận thấy một cách rành mạch có những ngón tay gân guốc hay nhăn nheo, no tròn hay thon nhỏ, rụt rè hay quả quyết..., nhưng Trí tuệ thì vẫn xa vời.

Một thí dụ thực tiễn

Tóm lại tu tập không phải chỉ nghiên cứu kinh sách, gõ mõ, đánh chuông và tụng niệm liên tục là đủ mà còn phải đem những gì rút tỉa được trong kinh sách để hội nhập với tâm thức mình, để ứng dụng vào tư duy và hành động hằng ngày của chính mình. Xin đơn cử thí dụ sau đây.

Ta cảm thấy đói và thèm ăn một tô phở thật nóng và thật thơm (đòi hỏi và khích động của bản năng làm phát sinh sự thèm khát). Thay vì đọc sách hay ngồi xuống thiền định một lúc để chờ đến bữa cơm thì ta quyết định ra tiệm phở gần nhà để ăn (tác ý), ta thay áo và mang giày để đi ra tiệm phở (tác ý sinh ra hành động). Sắp đến cửa tiệm phở thì ta đạp vào một đống phân chó. Vừa xấu hổ lại vừa bực tức ("cái tôi"vụt phát hiện một cách mạnh mẽ để điều khiển và chi phối hành động của ta), ta thốt ra một lời không thanh nhã (xúc cảm bấn loạn phát hiện thành ngôn từ), ta nhìn chung quanh xem có ai chú ý hay không, đồng thời liếc nhìn xuống đất tìm chỗ nào có cát khô để day đế giày cho bớt dính bẩn (sử dụng trí thông minh).

Đến đây ta tự hỏi tại sao ta lại đạp vào đống phân chó. Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ hậu quả của nghiệp trong quá khứ đưa ta tái sinh trở lại làm người với tất cả những đòi hỏi của bản năng và chủng loại (đói). Nguyên nhân gần hơn là những xung động của tâm thức liên hệ với bản năng, làm phát sinh ra sự thèm khát (bám víu). Sự thèm khát (nguyên nhân) thúc giục ta đi ra tiệm phở (nghiệp đã chín). Chưa kịp đến cửa tiệm phở thì sự thèm khát đã hướng mắt ta nhìn vào miếng thịt tái treo trong tủ kính của tiệm phở, bên cạnh là một khối thịt nạm có cả vè giòn và mỡ gầu, giữa hai miếng thịt còn treo thêm một bó hành lá. Vì dán mắt vào tủ kính nên ta không thấy đống xú uế dưới chân (cơ duyên chờ đợi) và ta đạp vào đó (hậu quả của nghiệp).

Trên đây là phản ứng rất tự nhiên của một người thông thường và có thể xảy ra với bất cứ ai. Đối với một người tu tập thì sao, có gì khác hơn hay không? Một người tu tập cũng phải gánh chịu những đòi hỏi của bản năng và những hậu quả của nghiệp, họ cũng biết đói và có thể cũng thèm. Tuy nhiên, sự khác biệt là người tu tập ý thức được và nhìn thấy được những đòi hỏi của bản năng, của sự thèm khát và biết chủ động từng hành vi của mình. Kinh sách gọi đó là cách thực hiện một Tâm linh tỉnh thức (Mindfulness, Pleine conscience). Nếu người tu tập thực hiện được một Tâm linh tỉnh thức thì khi đi thì biết mình đang đi, khi bước thì biết mình đang bước, khi bước một bước dài thì biết mình bước một bước dài, khi bước một bước ngắn thì biết mình bước một bước ngắn, họ không bị sự thèm khát khích động và miếng thịt tái trong tủ kính của tiệm phở không đủ sức thu hút được họ để nuôi dưỡng thêm sự thèm khát của họ, họ sẽ không dán mắt vào tủ kính của tiệm phở và như thế rất có thể là họ sẽ không đạp phải đống phân chó.

Dù có đạp phải đống phân đi nữa thì người tu tập cũng không thốt lên những lời bất nhã (chủ động được xúc cảm và ngôn từ), và hơn thế nữa họ còn phát hiện được lòng thương cảm đối với một chúng sinh phải ỉa bậy ra đường (từ bi). Con chó cũng giống như ta, cả hai đều có chín cái lỗ (hai mắt, hai lỗ mũi, hai lỗ tai, miệng, lỗ tiểu tiện và hậu môn), chín cái lỗ ấy thường xuyên đào thải những chất ô uế. Nhờ có phương tiện và trí thông minh ta biết xây nhà cầu, đồng thời ta cũng có nhiều may mắn hơn và được đi ăn phở, trong khi đó con chó phải chạy rông ngoài đường và có thể sẽ bị bọn trộm chó bắt làm thịt và đem bán. Dù đạp phải đống xú uế thì người tu tập cũng không tức bực hay xấu hổ, vì họ hiểu rằng đấy là nghiệp trong quá khứ xui khiến như thế, tương hợp với những cơ duyên như thế, người tu tập không thắc mắc và vẫn giữ được sự thanh thản (trong trường hợp đó "cái tôi" sẽ không phát sinh mạnh mẽ và sẽ không gây ra tác động chi phối và điều khiển tư duy, ngôn từ và hành động của chính mình).

Nhìn thấy đống phân chó người tu tập phát động lòng từ bi hướng vào tất cả chúng sinh đang bị trói buộc trong bản năng của chủng loại và mọi thứ khổ đau (phát lộ lòng từ bi) Nhìn thấy một hạt cát người tu tập nhìn thấy cả một sa mạc mênh mông (Trí tuệ), tâm thức vụt mở rộng ra tám phương trời, mười phương Phật (mở rộng và phát triển Trí tuệ), cái tâm thức đó trở nên không bờ bến (Bát-nhã). Xuyên qua cái tâm thức vượt không gian đó, người tu tập không thấy đống phân cũng chẳng thấy một hạt cát nào (đó chỉ là những tạo tác nhất thời do hậu quả và cơ duyên mà có, những tạo tác có tính cách biến động, đổi thay và lệ thuộc vào điều kiện như thế sẽ không chiếm giữ một vị trí nào trong tâm thức của họ), và họ cũng không thấy vị trí của chính mình ở đâu hết (không có "cái tôi") trong cái không gian mênh mông và vắng lặng đang mở ra trước mắt họ (Trí tuệ Bát- nhã ba-la-mật-đa). Tuy nhiên, họ vẫn nhìn thấy một cách minh bạch những cấu hợp trên mặt đất trước mắt họ nhưng tâm thức họ thì hoàn toàn không diễn đạt những cấu hợp ấy thành đống phân nhơ nhớp và những hạt cát dưới chân. Và đó cũng là ý nghĩa của câu "sắc tức thị không - không tức thị sắc" trong Tâm kinh.

Ăn phở xong thì ta trở về nhà, vừa bước vào đầu ngõ ta thấy một con chó. Tuy không biết là con chó này có đúng là con chó đã phóng uế gần tiệm phở hay không, nhưng sự bực tức lúc nãy vẫn bùng lên trở lại. Vậy ta thử tìm hiểu xem sự vận hành nào đã làm cho sự tức giận ấy bùng lên. Lúc nãy khi ta đạp vào đống phân, "cái tôi" phát sinh mạnh mẽ kéo theo sự tức giận và xấu hổ (nghiệp phát sinh), sự giận dữ và xấu hổ để lại một vết hằn trên dòng tiếp nối liên tục của tri thức vào đúng khoảnh khắc mà ta đạp phải đống phân (sự ghi khắc của nghiệp), vết hằn đó "lắng" vào tiềm thức và đã trở thành quá khứ, sau khi ăn phở xong ta đã quên hết biến cố trước đây đã làm cho ta tức giận, tuy nhiên vết hằn của sự tức giận in dấu trên dòng tri thức vẫn còn nguyên và sẽ phát sinh trở lại thành quả khi nào nó gặp được cơ duyên thích nghi. Ta bắt gặp một con chó ở đầu ngõ (cơ duyên thích nghi và phù hợp), vết hằn của nghiệp liền dựa vào cơ duyên đó để phát sinh thành sự giận dữ (nghiệp phát sinh để trở thành quả).

Cơn giận bùng lên (xúc cảm bấn loạn) kéo theo sự thù ghét tất cả những con chó chạy rông ngoài đường, nhất là con chó trước mặt lại xấu xí, dơ bẩn, thọt một chân và ghẻ lở khắp mình(thiếu lòng từ bi). Ta quyết định trừng trị con chó đáng ghét (tác ý), liền nhặt một viện đá và ném nó (tác ý sinh ra hành động). Không ngờ con chó lại không bỏ chạy mà quay đầu lại sủa, trẻ con người lớn quây lại xem. Ta vừa xầu hổ lại vừa tức bực con chó ghẻ ("cái tôi" lại phát hiện để tiếp tục điều khiển ta)..., cứ như thế mà hết nghiệp này đến nghiệp khác thay nhau lôi kéo ta vào một cuộc phiêu lưu và "lang thang" bất tận. Thế giới ta bà là như thế, không có gì khó hiểu cả. Đối với người tu tập thì mối dây níu kéo ấy đã bị cắt đứt ngay sau khi vừa dẫm vào đống phân, vì họ không giận dữ mà lại còn phát lộ được lòng Từ bi.

Thí dụ trên đây nêu lên trường hợp thèm một tô phở, nhưng nếu sự thèm khát mạnh hơn chẳng hạn như bị khích động bởi tham lam, dục vọng, thúc đẩy bởi danh vọng, giàu sang, tình dục..., thì hậu quả sẽ trầm trọng hơn nhiều. Nghiệp sẽ lưu lại những vết hằn sâu đậm hơn trên dòng tri thức tiếp nối của một cá thể, lôi cuốn cá thể ấy hết kiếp này sang kiếp khác (kéo theo sự tái sinh và làm chuyển động bánh xe luân hồi).

Câu chuyện vửa kể cho thấy chỉ có Trí tuệ mới giúp chúng ta một cách hữu hiệu và thiết thực để cắt đứt những mối dây níu kéo của nghiệp. Tụng niệm suông, lên chùa lễ Phật để cầu phúc hay ngồi thiền mà đầu óc suy nghĩ miên man thì chẳng ích lợi gì, vì đấy chỉ là những phương tiện thiếu phần thiện xảo.

Bures-Sur-Yvette, 30.01.10

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 10
    • Số lượt truy cập : 6130329