Thông tin

TRÌ VẬT CỦA PHẬT DƯỢC SƯ VÀ BỒ TÁT PHỔ HIỀN

LƯƠNG THỊ THU

 


 

Trong công trình Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, pháp sư Thánh Nghiêm cho rằng: “Lúc Phật tại thế, Ngài dùng ngôn giáo và thân giáo. Sau khi Phật nhập diệt thì lấy tượng giáo làm trung tâm tín ngưỡng. Phàm khi Phật giáo đã có hình tượng, thì hình tượng Phật có công dụng “hóa thế điệu tục” (giáo hóa thế gian, dẫn dắt người đời), đã thế thì không điều gì là không thuộc phạm vi tượng giáo)1. Bên cạnh đó, “Trì vật” của các tôn tượng bày trí trong điện đường cũng là điều cần rõ khi lễ bái. Trong bài viết này, chúng tôi muốn nói đến ý nghĩa của DƯỢC HỒ (藥壺) là vật cầm tay của Đức Phật Dược Sư và ý nghĩa của NHƯ Ý (如意) là vật cầm tay của Bồ tát Phổ Hiền. Thật ra, chúng ta đều biết ít nhiều về hạnh nguyện của hai vị này khi đã là Phật tử nhưng liên quan ít nhiều đến Trì vật thì ít người để ý đến.

Trước hết về mặt từ ngữ: Dược là thuốc, Hồ là ấm, bình. Dược Sư là Thầy thuốc. Như ý là đạt được điều mong muốn.

Theo quyển Phật lễ Phật tục - Đạo tràng tâm linh có viết về Trì vật (vật cầm nắm) của Phật giáo. Tùy theo hình tướng, hạnh nguyện khác nhau mà hóa hiện thủ trì. Chẳng hạn Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn (nghìn tay nghìn mắt) tay trái cầm bình ngọc Thanh tịnh chứa nước Cam lộ, tay phải cầm nhành dương liễu. Cũng vậy, “bình thuốc” là một trong những trì vật của Phật Dược Sư với ý nghĩa như sau:

(藥壺象征祛除眾生一切身病,心病。以藥壺為持物的本

尊,最廣為人智者,即是藥師如來。藥師如來以世,出世間二

種妙藥,滅除眾生心諸病,古來常 為消災延壽而修藥師法。

藥師如來的全名為藥師琉璃光王如來,簡稱藥師佛。藥師

琉璃光王如號來源,是以能拔除生死之病而為藥師,能照度

三有之黑暗,故名琉璃光。現在為東方琉璃世界的教主,帶領日

光遍照與月光遍照二大菩薩及十二神將等眷屬,化導眾生。

藥師佛的形象是身相金色結跏趺坐,左手持藥壺,右手施無

畏印。項背有圓光,無量相好具圓滿2)。

(“Bình, ấm thuốc” tượng trưng cho sự loại trừ tất cả các bệnh về thân, bệnh tâm bệnh của chúng sinh. Bình, ấm thuốc là trì vật của người trí tuệ tối thắng, tức là Dược sư Như Lai. Dược sư Như Lai đến từ thế gian, trên đời có hai loại thuốc diệu dụng để trừ thân tâm bệnh cho chúng sinh, từ xưa pháp tu Dược sư đã thường dùng để giải trừ tai họa, kéo dài tuổi thọ.

Tên đầy đủ của Dược Sư Như Lai là Dược Sư Lưu ly Quang Vương Như Lai, viết tắt là Phật Dược Sư. Dược sư Lưu Ly Quang Vương Như lai vốn là một thầy thuốc có khả năng diệt trừ sinh tử, có chiếu ánh sáng, xua bóng tối của ba cõi. Ngài hiện là giáo chủ của thế giới phương Đông, thủ lĩnh của hai vị đại Bồ tát Nhật Quang Biến Chiếu cùng Nguyệt Quang Biến Chiếu và Mười hai vị thần tướng quyến thuộc, hóa dẫn chúng sinh. Hình tượng Phật Dược Sư toàn thân sắc vàng, ngồi kiết già xếp bằng, tay trái cầm bình thuốc, tay phải bắt ấn thí vô úy. Sau gáy tròn đầy hào quang, vô lượng tướng hảo cụ túc viên mãn).

Nếu Thích Ca Mâu Ni ở thế giới Ta bà, A Di Đà Phật ở thế giới Cực lạc thì Dược Sư Phật ở thế giới Tịnh Lưu Ly phương Đông. Đức giáo chủ Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã giới thiệu một thế giới của Ngài cùng với phương thuốc tối diệu. Tượng Phật Dược Sư, tay phải triển khai tư thế Vô Úy Ấn (không sợ sệt), tay trái thì cầm bình thuốc. Bình thuốc là phương tiện cứu độ chúng sanh đúng theo công hạnh và nguyện lực rộng lớn của Ngài.

Dược Sư là thầy thuốc. Thế gian có nhiều cách gọi: Tiếng Anh hay tiếng Pháp đều là Doctor hay Docteur. Người Việt Nam gọi Bác sĩ, y sĩ, thầy lang… Như chúng ta đều biết, nhân loại đều cần thầy thuốc để chữa thân bệnh, từ xa xưa ông bà ta có câu “Trong làng có mỏ vàng không bằng có ông lang thầy thuốc”. Đúng vậy, người Việt Nam với cái nhìn đầy thiện cảm: “Lương y như phụ mẫu” thì ai cũng biết đến Bảy Danh y - Thầy thuốc nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam qua những đóng góp của họ với cộng đồng và ngành Y Dược mà danh tiếng của họ theo đó lưu truyền sử sách3.

Trong nhà Phật, đồng thời tồn tại một Thầy thuốc với niềm kính ngưỡng cao sâu. Đó là Đức Phật Dược Sư. Nói về văn chương và tư tưởng nhà Phật, trong Kinh Dược sư Bổn Nguyện Công đức4, lúc Phật Dược sư còn hành Bồ tát đạo, Ngài phát ra 12 đại nguyện để bảo vệ chúng sinh khỏi bệnh tật cả thể chất và tinh thần, những nguy hiểm, những chướng ngại trong cuộc sống. Tuy nhiên, nhận thức này phải trải qua một quá trình tu tập, sinh hoạt trong môi trường Phật giáo. 12 đại nguyện của Dược Sư chính là 12 phương thuốc để mọi người tự điều trị. “Dược” được hiểu là phương thuốc. Phương thuốc có khả năng trị liệu. Người đủ khả năng thắp sáng ngọn đèn tâm của mình để soi rọi những tác nhân đưa đến bệnh tật, khổ đau thì cũng xem như là “Dược Sư trị liệu”. Liệu pháp đó có hiệu nghiệm hay không còn tùy thuộc chúng sinh biết đưa vào thân tâm phương thuốc nào cho phù hợp!

Có người hiểu sâu xa hơn Dược Sư là giúp chúng sanh loại bỏ ba chất độc đó là sự dính mắc, hận thù vô minh, đó là nguồn gốc của mọi đau khổ trên cõi đời này. Trong suy nghĩ của tín chúng, Đức Phật Dược Sư là một vị giác ngộ có lòng từ bi vĩ đại đối với tất cả chúng sinh thì Ngài sẽ cứu khổ cho người lâm vào hoàn cảnh bệnh tật về thân cũng như về tâm.

Như vậy, Phật Dược Sư và bình nước Dược Sư trên tay Ngài đều có ý nghĩa biểu trưng. Khi lễ bái, người Phật tử có hiểu hạnh nguyện Ngài và người tuy mến mộ đạo Phật nhưng chưa hiểu về văn hóa tinh thần này sẽ cảm nhận rất khác nhau.

Thiền Lâm Tượng Khí Tiên5 (禪林象器箋) viết Chư Phật Bồ tát sở dĩ cầm khí vật là có biểu trưng. Tượng Phổ Hiền Bồ tát tay cầm Như ý. Bởi vì khi thuyết pháp đến chỗ mà hội chúng còn nghi ngờ, thì làm sao phải khiến cho họ thông hiểu như ý.

Nếu chúng ta quan sát và biết chữ Hán sẽ dễ dàng nhận ra hình dạng của Như ý giống như chữ Tâm “心. Khí vật này có ý nghĩa gì? Trong quyển Phật lễ Phật tục (佛 礼 佛 俗) có ghi lại:

(如意是說法,講贊,法會時,講師持以示威儀的用具。原來為出家人的常用品。

根據佛經記載,如意有三種用途:一是能隨心所欲地搔抓不到的部分,故稱如意;二是因其山部如篆字的“心”字,表制

心,故菩薩皆執之;三是將祝辭寫在上面,遺忘時可隨時察看,使用起來隨心所欲,故得此名。

在佛教中,普賢菩薩的尊形即是手持如意騎象的造型6).

(Như ý là dụng cụ dùng khi thuyết pháp, khen ngợi trong Pháp hội, giảng viên sử dụng như một dụng cụ để biểu thị sự uy nghi. Vốn là một pháp khí người xuất gia thường dùng.

Căn cứ vào ghi chép trong Kinh Phật, Như ý dùng trong ba trường hợp: dùng để tùy ý gãi những vị trí với không tới, nên xưng là như ý; hai là vị trí đầu pháp khí giống như chữ tâm viết theo thể chữ triện, biểu thị chế ngự tâm ý, nên bồ tát đều cầm nó; ba là đem lời chúc viết ở trên đó để có khi quên thì có thể xem lại bất cứ lúc nào, sử dụng rất tiện, nên có tên là vậy).

Tượng Phổ Hiền Bồ tát trên đầu đội mũ Bảo Quan có hình năm vị Phật, tay cầm bảo bối Như Ý, cưỡi trên lưng voi trắng sáu ngà, cũng có tượng cầm hoa sen. Riêng về Như ý, tác giả Mạc Chấn Lương trong quyển Tạc tượng Phật và Kiến trúc chùa có viết:

Như ý là một loại pháp khí của Phật giáo. Hình dáng giống như bàn tay hoặc mây, ban đầu là dụng cụ dùng để gãi lưng cho đỡ ngứa. Bởi vì có thể gãi đến những chỗ bàn tay không thể với tới được trên thân thể cho nên gọi là “Như ý”. Trong Phật giáo tay cầm như ý biểu thị ý nghĩa cát tường. Sau này thì Như ý trở thành dụng cụ trang nghiêm trong những trường hợp như giảng kinh, truyền giới, thượng tòa... Như ý đều được cầm tay…7.

Phổ Hiền là một trong “Tứ Đại Bồ tát” Phật giáo, đứng phụ trì bên phải Phật Thích Ca, chuyên cai quản “Lý đức” biểu thị “Đại hạnh”. Phổ Hiền được dịch nghĩa là “Biến cái” 遍吉 (khắp nơi đều tốt lành). Chức trách của Ngài là đem điều thiện phổ cập đến mọi nơi. Nói về hạnh Phổ Hiền, kinh sách rút gọn thành 10 đại hạnh mà Chư tăng và Phật tử cư sĩ thường đọc tụng mỗi ngày8.

Trong quyển Nghi thức Lễ Phật nguyên tác của Đại sư Hoằng Tán, HT. Thích Đồng Bổn dịch và thuyết minh về vị Bồ tát này:

“Vị Bồ tát đây có đầy đủ hạnh nguyện rộng lớn, là trưởng tử của chư Phật, đầu đội mũ hoa, thân đeo chuỗi anh lạc, ngồi trên hoa sen báu. Hoặc cưỡi voi trắng sáu ngà để biểu thị cho Lục độ vạn hạnh. Nếu quy y Bồ tát Phổ Hiền, thời được mười phương chư Phật Bồ tát thảy đều gia hộ. Nói chư Phật Bồ tát đều gia hộ ấy, là do các ngài đều tu môn Tam mật, thực hành hạnh nguyện Phổ Hiền, mới chứng đắc thánh quả, là duyên cớ ấy. Bài kệ khen ngợi rằng:

Lục nha bạch tượng vi bảo tòa

Chư độ vạn hạnh tác tần thân

Hoa tạng thế giới xưng trưởng tử

Thập phương sát độ hiện toàn thân9.

(Voi trắng sáu ngà làm tòa báu

Lục độ muôn hạnh, khổ luyện thân

Hoa tạng thế giới xưng trưởng tử

Hiện toàn thân khắp cả mười phương).

Xét về mặt biểu thị, Phổ Hiền Bồ tát cầm Như ý, theo chúng tôi cũng là một mặt chúc nguyện cho chúng sinh sống đời tốt đẹp như ý nguyện, một mặt khác là khuyên răn dẫn dắt chúng sinh học tập Phật pháp, để chuyển hóa những tập khí dẫn đến khổ đau và sớm tìm được an vui hạnh phúc ngay trong hiện tại.

Tóm lại, tôn tượng vốn là một sắc tướng có sức chi phối tính trang nghiêm của mỗi đạo tràng. Mỗi tôn tượng đều có ý nghĩa biểu tượng, nghệ thuật và cách thể hiện. Đó chính là văn hóa Phật giáo. Văn hóa Phật giáo xét về phương diện tinh thần xuất phát từ lòng từ bi hỷ xả, cứu độ chúng sanh. Xét về phương diện vật chất có những hình thức biểu hiện như chùa chiền bảo tháp, hệ thống tượng pháp. Trong tất cả các tượng Phật và Bồ tát đại thể có hình tượng tương đồng. Nhưng điểm để chúng ta phân biệt đó chính là ở chỗ thủ ấn và những trì vật của Phật và Bồ tát như Hồ bình của Phật Dược Sư và Như ý của Bồ tát Phổ Hiền đã được trình bày vậy.

Viết ngày 21/10/2021

  


1. Pháp sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí (dịch) (2008), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, NXB Phương Đông, tr. 286.

2. 走 进 佛 境 从 书(2005),佛 礼 佛 俗 心 灵 的 道 场,大 众 文 艺 出 版 社,第 二节,158.

3. 1. Danh y Tuệ Tĩnh (1330-?), 2. Danh y Hải Thượng Lãn Ông (Lê Hữu Trác) (1720–1791), 3. Giáo sư Hồ Đắc Di (1900-1984), 4. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (1909-1968), 5. Giáo sư Đặng Văn Ngữ (1910 -1967), 6. Giáo sư Tôn Thất Tùng (1912 -1982), 7. Giáo sư Đặng Văn Chung (1913-1999).

4. Kinh Dược Sư được truyền vào Trung Quốc là do Bạch Thi Lợi Mật đem “Phật Thuyết Quán Đảnh Bạt Trừ Quá Tội Sanh Tử Kinh” dịch ra. Sau đời Lưu Tống ngài Huệ Giản dịch ra “Lưu Ly Quang Kinh” 1 quyển. Vào đời Tùy Ngài Đạt Ma Cấp Đa dịch ra “Phật Thuyết Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện Kinh” 1 quyển. Đời Đường, ngài Huyền Trang dịch ra “Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức Kinh” 1 quyển. Sau đó, Kinh Dược Sư truyền vào liên tục. Phật Dược Sư hay trị được trăm bệnh khổ não chúng sanh, giải trừ mọi sự đau đớn bệnh tật, kéo dài tuổi thọ, vì vậy mà được mọi người trong xã hội kính chuộng. Theo nguồn (https://chuahoiphuoc.net/12-loi-nguyen-nhiem-mau-cua-phatduoc-su/)

5. (禪林象器箋) Cũng gọi Thiền tông từ điển thiền lâm tượng khí tiên. Tác phẩm, 20 quyển, mục lục 1 quyển, do ngài Vô trước Đạo trung (1653-1744) người Nhật bản soạn, ấn hành vào năm 1741. Nội dung sách này sưu tập các dụng ngữ liên quan đến qui củ, hành sự, cơ cấu, khí vật... trong Thiền lâm, từ khởi nguồn, biến đổi cho đến ý nghĩa hiện hành của các danh mục trong Bách trượng Hoài hải cổ thanh qui cho đến các thanh qui sau này, mỗi danh mục đều có giải thích rõ ràng, tất cả có 29 loại, gồm 1724 điều. Sách này viện dẫn tất cả 484 bộ nội điển như Kinh, Luật, Luận, Sớ, Tăng sử, Thiền đăng sử, Thi kệ, Thanh qui, Thiền gia ngữ lục... và 286 bộ ngoại điển như Kinh, Sử, Tử, Tập cùng với các tác phẩm của Trung Quốc, Nhật Bản về sự tướng Phật giáo, không thiên vị bất cứ tông giáo nào, Lâm tế hay Tào động. Hai mươi chín loại là: Khu giới, điện đường, tọa vị, tiết thời, linh tượng, xưng hô, chức vị, thân chi, tùng quĩ, lễ tắc, thùy thuyết, tham thỉnh, chức vụ, tạp hành, tội trách, báo đảo, phúng xướng, tế cúng, tang tiến, ngôn ngữ, kinh lục, văn sớ, bộ khoán, đồ bài, ẩm đạm, phục chương, bát khí, khí vật và tiền tài.

6. 走 進 佛 境 從 書(2005), Sđd, tr. 158.

7. Mạc Chấn Lương (2009), Tạc tượng Phật &Kiến trúc chùa, NXB Mỹ thuật, HN, tr. 192.

8. Nhứt giả lễ kính chư Phật, Nhị giả xưng tán Như Lai, Tam giả quảng tu cúng dường, Tứ giả sám hối nghiệp chướng, Ngũ giả tùy hỷ công đức, Lục giả thỉnh chuyển pháp luân, Thất giả thỉnh Phật trụ thế, Bát giả thường tùy Phật học, Cửu giả hằng thuận chúng sanh, Thập giả phổ giai hồi hướng.

9. Thích Đồng Bổn dịch (2007), Nghi Thức Lễ Phật của Đại sư Hoằng Tán, NXB Tôn Giáo, HN, tr. 42.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 29
    • Số lượt truy cập : 6713053