TRIẾT LÝ SỐNG CỦA PHẬT TỬ VIỆT NAM
DƯỚI THỜI CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU
THÍCH PHƯỚC ĐẠT*
Không phải ngẫu nhiên các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam cho rằng “Bình minh lịch sử dân tộc ta cũng gắn liền lịch sử Phật giáo”. Nói như vậy, thiết nghĩ triết lý sống của người Phật tử Việt Nam có thể bắt nguồn, thứ nhất là từ tiến trình hình thành phát triển lịch sử dân tộc Việt; thứ hai là từ quá trình tiếp biến giáo lý căn bản Phật giáo mà dân tộc ta đã trải nghiệm, hành trì trong đời sống thực nghiệm tâm linh. Chính hai cội nguồn đó đã tạo ra và phát triển những nét chung và đặc thù của triết lý sống của người Phật tử Việt Nam trong tiến trình dựng nước, giữ nước, mở nước, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và hội nhập của đất nước, cũng như việc truyền bá chánh pháp, đem lại hạnh phúc cho mọi người dân nước Việt.
Thực tiễn cho thấy, Phật giáo đã tồn tại ở Việt Nam gần 3.000 năm. Một thời gian khá dài để cho dân tộc Việt Nam, từ thế hệ này sang thế hệ khác có thể chắt lọc từ trong giáo lý đạo Phật mọi yếu tố thích hợp nhất với điều kiện lịch sử - xã hội của dân tộc ta, đất nước ta, để đồng hành cùng với dân tộc ta, đất nước ta khẳng định sự tồn tại của mình như một dân tộc, một đất nước tự do độc lập với tất cả mọi bản sắc văn hóa thích hợp, phóng khoáng không bài ngoại và càng không lệ thuộc ngoại. Nói theo cách nói của Mâu Tử được ghi trong Lý hoặc luận vào cuối thế kỷ thứ II sau Tây lịch, thực tế có một dân tộc Việt đã sống theo tinh thần độc lập, tự chủ, trong đó có các thuộc tính triết lý Phật giáo. Cụ thể, Phật giáo được xác định như một con đường: “…Cư gia khả dĩ sự thân, tể quốc khả dĩ trị dân, độc lập khả dĩ trị thân” (Ở nhà có thể dùng thờ cha mẹ, làm chủ nước có thể dùng trị dân, đứng một mình có thể dùng sửa thân[1]. Như thế, Phật giáo thuở ban đầu đã nghiễm nhiên trở thành một đạo Phật thể hiện một nếp sống đạo không chỉ giáo dục đối với từng cá nhân, gia đình, xã hội mà còn có thể xem như triết lý sống cùng với tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc để chống lại sự đồng hóa xâm lược phương Bắc.
Rõ ràng, những đặc trưng của triết lý Phật giáo đề cao tính tự cường dân tộc, niềm tự tin vào chính mình và dân tộc mình, đã được nhân dân Việt Nam đồng tình, chấp nhận, biến thành cốt tủy và máu thịt của chính mình. Kết quả, sau chiến thắng Bạch Đằng lịch sử 938 do Ngô Quyền lãnh đạo, từ cột mốc lịch sử, đất nước ta chuyển sang một thời đại mới: Thời đại thống nhất đất nước, thống nhất cộng đồng, phục hưng mọi giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của dân tộc sau hơn 1.000 năm bị đô hộ.
Mở đầu thời đại đó là thời Lý – Trần là sự hiện thực hóa cái triết lý sống mà người Phật tử Việt Nam thực thi vào trong đời sống thực tiễn. Từ một nền Phật giáo chức năng, các nhà lãnh đạo Phật giáo đã phối hợp các Phật tử lãnh đạo quốc gia xiển dương một nền Phật giáo thế sự, tích cực nhập thế nhằm đáp ứng các nhu cầu lịch sử của một quốc gia độc lập tự chủ trên mọi lĩnh vực. Các thiền gia Phật tử lãnh đạo quốc gia như Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Thái Tông, Tuệ Trung, Trần Nhân Tông đã tùy duyên, tích cực đóng cho vương triều như xây dựng kinh đô Thăng Long, tạo dựng chùa chiền, lập trường Quốc tử giám, tổ chức lễ hội cầu an, cầu siêu, lễ hội dân tộc với tầm vóc quốc gia, nhất là dùng chánh pháp để quản dân, an dân trong tinh thần nhậm vận, vô trú, vô trước. Kết quả, các vương triều nhà Lý, nhà Trần đã trở thành những triều đại được mệnh danh là triều đại thuần từ, hiếu sinh, hiếu đạo, trên dưới từ vua quan cho đến thứ dân đều đồng tâm, đồng lòng sống theo nếp sống đạo Thiền nhất trong lịch sử nước ta.
Sau nhà Trần, từ thế kỷ thứ XI đến thế kỷ thứ XIII, chiến tranh giữa Nam triều - Lê Trung Hưng và Bắc triều – Nhà Mạc đã xảy ra; tiếp đến cuộc chiến Trịnh – Nguyễn phân tranh kéo dài dẫn đến nhân dân ta phải chịu một đời sống khổ đau, loạn lạc. Trong một bối cảnh lịch sử Việt Nam nội chiến phân tranh như vậy, một lần nữa triết lý sống của người Phật tử Việt Nam lại được vận dụng, thực thi trong đời sống thực tiễn, nhất là trong việc xây dựng vương triều nhà Nguyễn, mở mang bờ cõi, thống nhất đất nước, thiết lập một xã hội an bình, hạnh phúc, đúng như lời chúa Nguyễn Phúc Chu đúc kết trong bài minh viết trên chiếc chuông đồng đúc tại chùa Thiên Mụ vào năm 1710: 惟 願 風 調 雨 順 國 泰 民 安 法 界 眾 生 同 圓 種 智 (Duy nguyện: phong điều vũ thuận, quốc thái dân an, pháp giới chúng sinh, đồng viên chủng trí: Xin cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, nước thịnh dân yên, mọi chúng sinh trong pháp giới đều được vẹn toàn trí tuệ).
Xứ Đàng Trong là vùng đất mới, hội tụ mọi tầng lớp trong xã hội: bất mãn chính trị từ 2 cuộc nội chiến khiến dân tình loạn lạc, xã hội phân ly, cũng như các thành phần dân cư người Chiêm Thành, Chân Lạp thuần phục người Việt, kể cả sau này người Hoa di dân sang. Trong hoàn cảnh như vậy, triết lý sống Phật giáo của dân Việt bấy giờ được vận hành bằng cách quy tụ sức mạnh đoàn kết toàn dân. Do đó, ta chẳng ngạc nhiên gì, trong thời gian chúa Nguyễn Hoàng trấn giữ hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, đã chủ trương đoàn kết, thu phục nhân tài, nắm giữ lòng dân, trong tinh thần hướng đến Quốc thái dân an: “Vỗ về quân dân, thu dụng hào kiệt, quân lệnh nghiêm trang, mở mang ngoại thương, khiến cho dân trong cõi an cư lạc nghiệp” [2].
Triết lý đó thật là dễ hiểu. Nói theo thiền sư Pháp Thuận, nếu cả nước gắn bó, đoàn kết với nhau chặt chẽ như giây mây quấn (đằng lạc) thì nước Nam sẽ có thái bình. Dân ta tuy không đông nhưng nếu biết đoàn kết với nhau thành một khối, thì có thể tạo thành sức mạnh vô địch, mà kẻ xâm lược dù có hùng mạnh đến đâu và đông gấp hàng trăm lần cũng không làm gì nổi. Khối đoàn kết toàn dân, trước hết được xây dựng trên tình thương giữa đồng bào như là anh em ruột thịt một nhà. Tình thương đó được minh họa bằng các câu ca dao, mà chúng ta đều ai nấy tâm niệm thuộc lòng:“Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước hãy thương nhau cùng.” hay “Khôn ngoan đá đáp người ngoài, Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”… Dĩ nhiên, khối đoàn kết đó cũng được xây dựng xung quanh một trung tâm vững chắc là một bộ phận lãnh đạo trung kiên, có đức độ, có tài năng, có lý tưởng. Kết quả chỉ trong thời gian ngắn trị vì xứ Thuận Quảng Đàng Trong, chúa đã biến một vùng bất an trở thành đô hội lớn, với một hệ thống chùa chiền được trùng tu và xây dựng, Phật pháp được xiển dương, dân an cư lạc nghiệp, thuyền buôn các nước đến nhiều như sử sách đã ghi. Rõ ràng, các chúa Nguyễn đều là những người Phật tử lãnh đạo quốc gia đã rút ra bài bài học kinh nghiệm của cha ông trong tiến trình dựng nước, giữ nước và mở nước, là phải biết vận dụng sức mạnh toàn dân được qua việc thực thi triết lý sống và hành động của đạo Phật trong đời sống thực tiễn.
1. Trùng tu và xây dựng hệ thống chùa chiền xứ Đàng Trong làm cơ sở phát huy sức mạnh nội tại của đạo Phật trong tiến trình thiết lập vương triều nhà Nguyễn trước mắt, mở mang bờ cõi và thống nhất đất nước sau này.
Không phải ngẫu nhiên mô hình kiến lập quốc gia được thiết lập theo kết cấu “Đất vua – Chùa làng – Phong cảnh Bụt” được giới giới lãnh đạo quốc gia và Phật giáo từ xưa đến nay nỗ lực xây dựng nhằm bảo vệ chủ quyền đất nước, cũng là bảo vệ đạo pháp, bảo vệ văn hóa nước nhà. Ba thành tố đó thực chất chỉ là một, bởi vì suy cho cùng đất là của vua, tức là của dân; trong đó mỗi làng đều có chùa, mà chùa thì do sư ở và trông coi đời sống số đông quần chúng Phật tử thực thi đời sống đạo. Hóa ra, khắp cả nước đâu cũng có chùa, mà nhiều chùa trở thành phong cảnh Bụt là ước nguyện chung cả đồng dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay. Và như thế Phật giáo đã hoàn thành sứ mệnh trong một bối cảnh lịch sử dân tộc ta phải luôn đối diện sự xâm lược phương Bắc một cách thường trực. Việc kiến thiết quốc gia, bảo lưu văn hóa nước nhà thông qua chương trình hành động cụ thể mà giới Phật giáo khuyến khích làm là: “Xây chùa, dựng tượng, đúc chuông, Trong ba việc ấy thập phương nên làm”.
Xây chùa là xây dựng tâm thức đời sống người dân Việt Nam bấy giờ sống theo nếp sống đạo. Chùa là cơ sở sinh hoạt văn hóa, giáo dục, đạo đức, tín ngưỡng cộng đồng duy nhất mà thời đó có thể thiết lập. Nhà chùa trở thành nhà trường, nhà sư trở thành nhà giáo, thầy thuốc,… khi mà mọi việc, mọi yêu cầu nhỏ nhất của mỗi người cho đến việc quốc gia đại sự đều được giải quyết từ trong những ngôi chùa làng thân thương. Có thể nói, bấy giờ mà bị mất chùa là mất nước, bởi vì nội lực cộng sinh cả dân tộc đều hình thành và lớn mạnh xuất phát từ trong đời sống sinh hoạt và tu tập ở các ngôi chùa. Dựng tượng là dựng lại hình ảnh ông Phật ở trong lòng phải được hóa hiện qua việc tu thân sửa tánh, hiếu thảo cha mẹ và chị em trong nhà, ra ngoài xã hội thì đóng góp cho dân cho nước mà Mâu Tử từng nói. Đúc chuông là đúc kết quá trình thực nghiệm tâm linh trong đời sống vốn biến động không ngừng để tỉnh thức mà hành xử cho đúng đạo lý làm người. Kết quả là dân tộc đã vượt ra khỏi sự đồng hóa văn hóa phương Bắc trong tâm thức người dân Việt.
Khi đất nước độc lập, hướng đi Phật giáo ắt hẳn phải thay đổi cụ thể mới đáp ứng nhu cầu lịch sử dân tộc đặt ra. Từ một nền Phật giáo chức năng theo xu hướng hội nhập thời đại dần dần đã chuyển sang một nền Phật giáo thế sự. Các thiền sư đã sát cánh các vị vua và quan lại triều đình để vạch định chính sách quốc gia với hai nhiệm vụ chiến lược: tái thiết đất nước và đối phó các cuộc chiến tranh vệ quốc có nguy cơ xảy ra thường trực. Phật giáo bấy giờ chủ động đứng trên vũ đài chính trị, mục đích là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong thời kỳ đầu đất nước mới độc lập.
Tiếp nối truyền thống ấy, khi vào vùng đất mới Thuận Hóa, chúa Nguyễn Hoàng đã tiến hành xây dựng ngôi chùa Thiên Mụ vào năm 1601 ở đồi Hà Khê, xã Giang Đạm, huyện Kim Trà, Thuận Hóa, thể theo huyền sử có bà già áo đỏ quần xanh, ngồi trên đỉnh đồi nói sẽ có một vị chân chúa đến xây dựng chùa ở đây “để tụ khí thiêng, cho bền long mạch” như sách Đại Nam thực lục tiền biên đã ghi và nhiều ngôi chùa khác, kể cả việc tổ chức lễ hội trai đàn, niệm kinh giải oan và cầu cho Quốc thái dân an…
Trong tinh thần nhập thế, đem đạo vào đời, các chúa Nguyễn còn tiến hành thiết lập hệ thống chùa làng làm nơi quy tụ quần chúng, phổ biến giáo lý đạo đức nhà Phật như chùa La Chữ, Thủ Lễ, Thanh Phước, Hà Trung… Nổi bật hơn cả là chúa Nguyễn Phúc Chu, pháp danh Hưng Long, hiệu Thiên Túng đạo nhân, trong thời gian 34 năm trị vì, chúa là người tạo nhiều công đức lớn trong việc phát triển Phật giáo Đàng trong. Các nhà sư danh tiếng của Trung Hoa đã đến xứ Đàng Trong hoằng pháp và được chúa tạo điều kiện xây dựng chùa chiền và tôn vinh ban hiệu. Dấu ấn lớn của chúa là tổ chức giới đàn, thọ Bồ tát giới, trùng tu chùa Thiền Lâm, xây dựng thêm nhiều công trình ở chùa Thiên Mụ, đúc quả chuông đồng nặng 3.285 cân tại chùa này để phụng thờ Tam bảo, mà ngày nay chúng ta có thể đọc phần ghi công đức tạo dựng chuông: 大 越 國 主 阮 福 周 嗣 洞 上 正 宗 三 十 代 法 名 興 龍 鑄 造 洪 鍾 重 三 千 二 百 捌 拾 伍 觔 入 于 御 建 天 姥 禪 寺 永 遠 供 奉 三 寶 Đại Việt quốc chúa Nguyễn Phúc Chu tự Động thượng chính tông tam thập đại, pháp danh Hưng Long, chú tạo hồng chung (trọng tam thiên nhị bách bát thập ngũ cân) nhập vu ngự kiến Thiên Mụ thiền tự, vĩnh viễn cung phụng Tam bảo: Chúa nước Đại Việt Nguyễn Phúc Chu, nối dòng Tào động, đời thứ 30, pháp danh là Hưng Long, đúc quả chuông lớn này (nặng 3.285 cân) an trí ở chùa Thiên Mụ để mãi mãi cung phụng Tam bảo).
2. Thiết lập giới đàn, đào tạo Tăng tài, hướng quần chúng Phật tử tu học trong tinh thần hộ quốc an dân
Theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận thì với lần sang thăm Đại Việt vào năm ấy, đáng kể nhất là đã tổ chức Đại giới đàn tại chùa Thiền Lâm – Thuận Hóa – một trong những Phật sự tiêu biểu nhất của chúa Nguyễn Phúc Chu trong hơn 30 năm trị nước. Thiền sư Thạch Liêm trở thành người có công lớn trong việc truyền bá dòng Thiền Tào Động vào đất Nam Hà cuối thế kỷ 17, tạo được ảnh hưởng rất tốt đối với đường lối trị nước của chúa Nguyễn Phúc Chu.[3]
Đối với Phật giáo, vấn đề truyền thừa Phật pháp, tuyển Phật trường (tuyển người làm Phật) được xem là Phật sự trọng đại, bởi vì nó là cơ sở để phát huy sức mạnh nội tại của Phật giáo trong việc truyền thừa chánh pháp. Sự kiện chúa Nguyễn Phúc Chu trong một thời gian ngắn đã chuẩn bị tốt công việc tổ chức giới đàn, tạo sự ngạc nhiên cho vị Hòa thượng Đại Sán: “Thầm bảo, chắc chừng một vài tháng sau, sẽ được an cư”[4], nhưng qua ngày sau, chừng canh ba, nghe ngoài chùa có tiếng ồn ào, thì ra đã lo sự ngoại hộ chu đáo. Chúa sai: “một viên nội giám, hai viên bộ công, dẫn đến vừa lính vừa thợ chừng nghìn người để xây dựng nhà cửa. Mờ sáng, người vác tre, kẻ vác gỗ, kẻ đánh tranh, người vót mây, có người lại cuốc đất đắp nền, hoặc leo lên mái nhà gọi nhau, hoặc đào hầm đất đi xuống. Từ sáng đến tối, cất xong một toà phương trượng năm gian ba mươi hai cột, bốn phía có hành lang, vách tường, rầm thượng, rầm hạ đều bằng ván, và một nhà hậu liêu năm gian, hai mươi cột, cũng đồng thời làm xong”[5].
Ngoài ra, Chúa còn chủ động họp bàn với Hòa thượng Thạch Liêm, hoạch định chương trình, phân công cụ thể: phần thiền sư thì ra thông bạch, thống suất tăng chúng tổ chức cả ba giới đàn từ mồng một đến mồng tám tháng tư. Còn Chúa sẽ phát lệnh bài đi khắp các phủ sứ cho Tăng đồ về thụ giới, để được cấp giới điệp, miễn xâu thuế: “Phần đông tăng chúng không giữ giới luật, Ta sẽ phát lịnh bài đi các phủ, bắt Tăng đồ đem về trình lão Hòa thượng, khiến cầu chịu Tam đàn giới pháp, thì mới cấp cho Giới điệp, miễn tha sưu thuế. Lão Hòa thượng ra báo đơn thông tri, từ mồng 1 đến mồng 8 tháng 4 làm viên mãn cả Tam đàn cũng được. Ta sẽ suất quyến thuộc, các quan văn võ, ai có tín tâm, đều xin làm đệ tử, chịu Bồ-tát giới, xin Hòa thượng đặt cho pháp danh, đạo hiệu”[6]. Trong Đại giới đàn này, chúa cũng kiến nghị xin phép cho hoàng thân quốc thích, quan lại văn võ, mở giới đàn riêng tại vương phủ để quy y, xin đặt pháp danh, đạo hiệu. Ngoài ra, chúa là người ngoại hộ đầy đủ về mọi mặt vật chất [7]. Thọ giới xong, Quốc Chúa đến chỗ ngài Đại Sán làm lễ, rồi thỉnh giáo. Lúc ấy ngài Đại Sán xét thấy tín căn của vương rất bền vững, có lòng cầu đạo chơn thành, bèn mừng rỡ viết quyển “Hộ Pháp Kim Thang thư” gởi tặng cho Quốc Chúa.
Tiếp đó chúa cho mở trai đàn, thỉnh thiền sư thuyết pháp, mời các tăng nhân thiết cúng trai tăng cúng dường, đãi trà cho tân giới đệ tử, ban thêm 300 quan tiền, sai lính gánh 100 thạch gạo về chùa Thiền Lâm. Vinh dự cho các giới tử là chúa đã ấn triện của chúa vào giới điệp giới tử cấp phát cho tăng nhân và người tham dự giới đàn.
Như vậy, thông qua việc tổ chức Đại giới đàn, Phật giáo dưới triều chúa Nguyễn Phúc Chu đã thực sự tạo ra một nguồn nhân lực Tăng tài cho Phật giáo, hoằng dương Phật pháp bấy giờ. Đồng thời, chúa cũng bước đầu tạo niềm tin Phật pháp đối với quần chúng trong việc an dân; nhất là xây dựng được một số Phật tử xuất thân từ hoàng tộc thuộc thành phần lãnh đạo quốc gia, đóng vai trò là những vị hộ quốc an dân trong tiến trình mở mang bờ cõi.
Hải ngoại ký sự cũng ghi nhận sự vận dụng giáo lý Phật đà của chúa Nguyễn Phúc Chu trong việc thực thi các chính sách thu phục nhân tâm, sống theo tinh thần đạo đức Phật giáo thông qua ý nghĩa việc hành trì trai giới mà thiền sư Đại Sán dạy: “Việc Trai giới chẳng phải chỉ giữ cho sạch miệng sạch mình, tư tưởng trong sạch mà thôi. Việc Trai giới của nhà vua cần phải đem việc quốc gia trên dưới thanh lý chỉnh tề, không một người nào chưa được yên sở, không một việc nào chưa được thỏa đáng, như thế mới gọi là viên mãn. Nay trước hết nên thanh lý oan ngục, tha tù bị giam cầm, chẩn cấp kẻ nghèo thiếu, khởi dụng kẻ yểm trệ, bãi bỏ cấm điều nghiêm khắc, thương xót kẻ buôn bán, thi cho thợ thầy. Nói tóm lại nên đem tất cả công việc giúp người lợi vật, châm chước cử hành. Đến như nghi lễ đàn trường, Tăng chúng y bát, vật dụng hương hoa… sẽ kê đơn chế biện”.[8]
Tại đây, chúng ta có thể đủ cơ sở lý giải dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, và các chúa sau này, trong tiến trình mở mang bờ cõi, với chính sách khai hoang lập ấp, cứu tế người nghèo mà không có sự mâu thuẫn đối kháng phải giải quyết bằng quân sự đối với dân bản địa. Chúa từng ra lệnh phàm dân ly tán mới trở thì chia cấp cho cày cấy, tha các thứ binh đao tô thuế trong vòng ba năm. Trong những trường hợp bất khả kháng, có nguy cơ đối phương đe dọa cuộc sống người dân thì biện pháp quân sự mới dùng đến. Chẳng hạn, chúa quyết tâm trấn áp bọn Hoa thương A Ban Chân Lạp Nặc Thu cầm đầu hay quấy phá an ninh trật tự; sai Chưởng dinh Trấn Biên Trương Phước Ban dẹp bọn phiêu lưu người Anh đến chiếm cứ đảo Côn Lôn, xây pháo đài kiên cố. Thực tế, bấy giờ do chính sách an dân được vận dụng từ triết lý sống Phật giáo, vì vậy vẫn có có nhiều cộng đồng người dân khác nhau sinh sống trên cùng một địa bàn dân cư ở vùng đất mới.
Rõ ràng, chỉ có những người Phật tử trong vai trò lãnh đạo quốc gia, sống theo tinh thần Phật giáo mới có khả năng thiết lập một đời sống hạnh phúc, dân chúng an cư lạc nghiệp. Chúa từng bước hiện thực hóa mọi người dân chung sống an trong cảnh “Đất vua, chùa làng phong cảnh Bụt”, sớm tối nghe tiếng chuông chùa, thấm nhuần câu kinh tiếng kệ lấy đó mà làm kim chỉ nam để sống và ước nguyện trong thế giới an bình tự tại. Trong bài Thiên mụ hiểu chung, Chúa viết: “Ký bạch đông phương túy tích trùng/ Thự quynh tiệm dữ bách khoa nùn/. Tà khan vân ảnh giang can nguyệt/ Bất thính triều thanh sơn tự chung/ Độ ngã nhàn tình y phiếu miễu/ Kỷ nhân trần mộng đắc thung dung/ Du du dư vận chư thiên lý/ Phạn ngữ dao ưng đáp hiểu chung” (Biêng biếc phương trời buổi rạng đông/ Trăm hoa ửng nắng sắc hương nồng/ Vẳng nghe sóng dậy chuông chùa điểm/ Ghé mắt, mây phô nguyệt biến lồng/ Riêng tớ tình suông về thăm thẳm/ Mấy ai, cảnh mộng tới thong dong. Mang mang dư vận từng không tỏa/ Kinh Phạn hồi chuông sớm quyện lòng)[9].
Là người Phật tử thuần thành, chúa hiểu rất rõ công đức các thiền sư có công với đạo pháp, đối với nước nhà. Do đó, trong bài minh truy tán thiền sư Nguyên Thiều, Tổ khai sơn chùa Thập Tháp và Quốc Ân, chúa viết: “Ưu ưu Bát nhã, Đường đường Phạm thất. Thủy nguyệt ưu du, Giới trì chiến lật. Trạm tịch cô kiên, Trác lập khả tất. Thị thân bản không, Hoằng pháp lợi vật. Biến phú từ vân, Phổ chiếu tuệ nhật. Chiêm chi chiêm chi, Thái sơn ngật ngật”. (Cao vút trí tuệ, Phạm hạnh vun trồng. Giới đao một lưỡi, Trăng nước thung dung. Ngồi đứng một thân, Trong lặng kiên cường. Hoằng pháp lợi người, Quán thân vốn không. Mây từ che khắp, Trời tuệ chiếu cùng, Ngắm đi ngắm đi, Thái sơn oai hùng)[10]…
Tóm lại, trong vòng 34 năm trị vì, Chúa Nguyễn Phúc Chu là một trong những Phật tử thuần thành đã kế thừa và vận dụng triết lý sống Phật giáo trong việc xây dựng chính quyền chuyên chế phong kiến và đã đạt được những thành tựu trong việc hiện thực hóa việc mở mang bờ cõi, tiến đến việc xây dựng một đời sống đạo đức hiền thiện cho mọi người dân. Việc xây dựng và trùng tu hệ thống chùa chiền, mở đại giới đàn tuyển người làm Phật, xây dựng nguồn nhân lực Phật tử phục vụ đạo pháp trong vai trò hộ quốc an dân, phát triển đạo pháp, dùng chánh pháp để an dân và quản dân, thực chất là nhằm cụ thể hóa nội dung triết lý đạo Phật của người dân dưới thời Chúa trị vì.
* Đại đức, Tiến sĩ, Phó Tổng thư ký VNC Phật học Việt Nam.
[1] Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu Mâu Tử, tập 1, Tu thư Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1982, tr. 511.
[2] Lê Quý Đôn toàn tập, Tập 1, NXB. Khoa học Xã hội
[3] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2, NXB. Văn học, H, 1992, tr. 220 – 242.
[4] Thích Đại Sán, Hải ngoải kỷ sự, Viện Đại học Huế, 1963, tr.42.
[5] Hải ngoải kỷ sự, sđd, tr. 42-43.
[6] Sđd., tr. 50.
[7] Sđd, tr.50.
[8] Sđd., tr. 97.
[9] Trần Đình Sơn dịch, Tản mạn Phú Xuân, NXB. Trẻ, 2001, tr. 39.
[10] Việt Nam Phật giáo sử luận, tập2, sđd, 1992, tr. 190-191.
Bình luận bài viết