TRỢ HẠNH VÃNG SANH
HOẰNG DỰ
Trọng yếu nhất của vấn đề vãng sanh chính là ở “ta” cho nên gọi là chánh hạnh. Hạnh này người tu tịnh nghiệp cần phải có đó là Tín-Nguyện-Hạnh, là 3 món tư lương để làm hành trang trên con đường về đất Phật. Tuy nhiên, trên phương diện hành trì hạnh chánh, ngoài ra người tu tịnh nghiệp cần phải tu thêm “trợ hạnh”, “trợ” nghĩa là “giúp”. Hạnh này giúp chúng ta tăng thêm nhân duyên, tương lai có khả năng vãng sanh Tây phương. Chính vì lẽ đó, trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, đức Thích Ca Thế Tôn nói với Phu nhân Vi Đề Hi muốn được vãng sanh Cực Lạc thế giới thì cần phải tu ba phước nghiệp:
“Một là hiếu dưỡng cha mẹ, kính thờ bậc Sư trưởng, có tâm nhơn từ chẳng giết hại và tu tập mười nghiệp lành.
Hai là thọ trì Tam Quy Y đầy đủ các cấm giới và chẳng phạm oai nghi.
Ba là phát tâm Bồ đề sâu tin nhân quả, đọc tụng kinh điển Đại thừa và khuyên dạy sách tiến người tu hành”1.
PHƯỚC NGHIỆP THỨ NHẤT
1/ Hiếu dưỡng cha mẹ:
Người hành giả thường ngày chuyên niệm thánh hiệu A Di Đà còn lại lúc bình thường, cần phải hiếu thảo và báo đáp ơn dưỡng dục của cha mẹ. Công ơn của cha mẹ kinh sách ghi chép rất nhiều, tuy nhiên ở đây xin đơn cử một đoạn kinh để nói lên tinh thần đó. Như kinh Tâm Địa Quán có nói: “Nương nhờ ơn nuôi dưỡng của hai vị Từ-Phụ và Bi-Mẫu cho nên tất cả các trai gái đều được an vui. Thế là ơn cha cao như núi Chúa, ơn mẹ sâu như bể cả”2. Người con chí hiếu cho dù cung phụng không xao lãng về vật chất hay cõng cha mẹ đến trọn đời không xa lìa cũng không trả xong được. Như trong kinh Bổn Sự có nói: “Dù cho có người một vai cõng cha, một vai cõng mẹ, đến trọn đời mà chẳng chút xa lìa, và cung cấp áo cơm thuốc men, các món cần dùng. Như cũng chưa có thể gọi là đã trả xong ơn sâu nặng của cha mẹ”3. Như vậy, người con muốn báo hiếu đền trả cho xong, thì hãy nên hành theo những lời dạy trong kinh như sau: kinh Bất Tư Nghì Quang nói rằng: “Cung phụng đồ ăn uống và châu báu chưa đủ trả được ơn cha mẹ. Hướng dẫn cha mẹ xoay về chánh pháp mới là báo hiếu”4. Và trong Luật Tỳ Na Da cũng nói rằng: “Nếu cha mẹ không tin, khuyên phát khởi niềm tin; nếu chưa có giới pháp, khuyên thọ trì giới pháp; nếu tánh tình bủn xỉn, khuyên tu hạnh bố thí; nếu không trí huệ, khiến kia tu trí huệ. Làm con được như thế, mới được gọi là trả ơn”5.
2/ Kính thờ bậc Sư trưởng:
Điều gọi là kính thờ các bậc Sư trưởng, Đại sư Tĩnh Am nói rằng:
“Cha mẹ tuy sinh dưỡng sắc thân ta, nhưng nếu không có Sư trưởng thế gian thì không hiểu biết lễ nghĩa; không có Sư trưởng xuất thế thì không hiểu Phật pháp.
Không hiểu biết lễ nghĩa thì chẳng khác gì cầm thú, Phật pháp không hiểu thì cũng như người phàm tục. Nay ta được biết chút ít về lễ nghĩa, được hiểu sơ lược về Phật pháp, ca sa trang nghiêm đắp thân, giới pháp nhuận thấm thân mình, được như thế là nhờ ân đức sâu nặng của Sư trưởng. Nếu chỉ cầu quả nhỏ thì chỉ có lợi riêng cho bản thân mình mà thôi. Nay phải phát tâm đại thừa, phổ nguyện lợi ích hết thảy chúng sanh. Như thế thì Sư trưởng thế gian và Sư trưởng xuất thế đều được lợi ích”6.
Qua lời dạy trên người tu tịnh nghiệp cần phải lưu tâm.
3/ Có tâm nhơn từ chẳng giết hại và tu tập mười nghiệp lành:
Đã hiếu thảo và phụng dưỡng cha mẹ, kính thờ các bậc sư trưởng, đồng thời phải có “lòng thương rộng lớn không giết hại chúng sinh và tu mười nghiệp lành”. Nếu như có người hỏi: “Phật pháp lấy gì làm gốc?”. Theo tinh thần của Phật dạy, ta khẳng định rằng “Phật pháp lấy từ bi, trí tuệ làm gốc”. Ở đây, từ bi lại là phương tiện đầu tiên. Cho nên, chúng ta học Phật chính là học cái tâm đại từ đại bi của chư Phật, chỉ có tâm từ bi thì mới hướng dẫn được chúng sinh lìa khổ được vui. “Từ” hay “ban vui”, “bi” hay “cứu khổ”. Nếu thực hành được hai chữ “từ bi” này, mới chính thật là đệ tử của Như Lai.
Chúng ta đã là người tu Tịnh nghiệp, một lòng cầu sanh Tịnh độ, nếu sát sanh làm tổn hại đến sanh mạng của chúng sanh, tăng trưởng nghiệp sát, do vậy bị oán nghiệp của chúng sanh chướng ngại, tương lai khó vãng sanh. Chính vì thế trong kinh Thiện Ác Báo Ứng quyển hạ nói: người phạm tội sát sanh sẽ bị mười quả báo như sau:
“1. Oan gia thêm nhiều; 2. Người thấy không vui; 3. Chúng sanh sợ hãi; 4. Thường bị khổ não; 5. Thường nghĩ chuyện chết chóc; 6. Chiêm bao buồn khổ; 7. Lâm chung hối hận; 8. Chết yểu; 9. Tâm thức ngu muội; 10. Chết đọa địa ngục7”.
Trái lại: nếu chúng ta không giết hại mà có lòng từ bi với tất cả chúng sanh thì sẽ có năm điều lợi ích:
“1. Thọ mạng dài lâu; 2. Thân không tật bệnh; 3. Gia đình đoàn tụ; 4. Không bị nghiệp ác oán thù; 5. Tái sanh sẽ được làm người hay sinh lên cõi Trời”8.
Cho nên, người tu Tịnh nghiệp cần phải nhận thức về hai phạm trù này, để khỏi tổn hại đến tính mạng chúng sanh. Vì vậy, cần phải có tâm từ bi không được sát hại mới có thể được vãng sanh. Vả lại, còn phải tuỳ theo sức lực, khả năng của mình mà tu mười điều lành. Mười điều đó là:
- Thân: không sát sinh, không trộm cắp và không tà dâm.
- Khẩu: không nói lời ác, không nói hai lưỡi, không nói dối và không nói lời trau chuốt.
- Ý: không tham lam, không giận hờn và không si mê.
Bạn phải luôn luôn tu tập mười điều lành này, nếu còn thiếu sót, hãy sửa đổi ngay. Đây là phước nghiệp thứ nhất. Phải đầy đủ phước nghiệp này mới có đủ khả năng thành tựu chánh nhân vãng sanh.
PHƯỚC NGHIỆP THỨ HAI
Thọ trì Tam quy y đầy đủ các giới cấm và chẳng phạm oai nghi:
Vâng giữ ba phép quy y, nghiêm trì các giới đầy đủ, không trái phạm các oai nghi. Trước tiên là vâng giữ ba phép quy y, đây là bài học vỡ lòng của người nào muốn bước vào cửa Phật. Chính là nói chúng ta muốn vãng sinh Tây Phương, tối thiểu là phải thọ tam quy y. Nếu không thọ tam quy y thì không được xem là người của đạo Phật, mà lại còn không thể xem là đệ tử của đức Như Lai, vì không có duyên với Phật thì làm sao đến Tây Phương, thân cận với đức Phật A Di Đà được? Cho nên, muốn vãng sinh Tây Phương, ít nhất phải thọ tam quy y. Sau khi thọ tam quy y, kế đến phải nghiêm cẩn trì giới vì giới là bậc thầy làm chỗ nương tựa của người hành giả tu đạo giải thoát. Cho nên trong kinh Đại Bát Niết Bàn Đức Phật có nói: “Này A Nan! Ông hỏi sau khi Phật diệt độ lấy gì làm thầy? Nên biết giới Ba la Đề mộc xoa là Đại sư của các ông. Nương theo đó tu hành thời có thể được định, huệ xuất thế”9.
Vả lại, người tu Tịnh nghiệp nghiêm cẩn trì giới để khỏi phạm oai nghi hạnh kiểm của mình và hầu góp phần chánh pháp trường tồn hay chánh pháp hoại diệt, chính là do ta có giữ giới hay không giữ giới. Vì thế, trong kinh Luật Luận thường nói: “Giới luật là thọ mạng của Phật pháp”.
“Giới Luật còn hành, Phật pháp cũng còn
Giới Luật không còn hành, Phật pháp cũng mất”.
Cho nên, chính vì lẽ đó người tu Tịnh nghiệp dù tại gia hay xuất gia đã thọ giới rồi cần phải ý thức về phương diện này.
PHƯỚC NGHIỆP THỨ BA
1/ Phát tâm Bồ đề:
Ngài Tế Tỉnh Đại Sư thường dạy rằng:
“Thật vì sanh tử
Phát lòng Bồ đề
Dùng tín nguyện sâu
Trì danh Phật hiệu”10.
Người tu Tịnh nghiệp trước lấy ba điều căn bản cốt yếu, để làm tôn chỉ của Pháp môn Tịnh Độ đó là “Tín-Nguyện-Hạnh”.
Thì trong bốn câu kệ trên, gồm mười sáu chữ trên đây, Tổ sư đã khai thị rõ ràng cái tôn chỉ ấy. Đó là vì muốn giải quyết cho xong việc sanh tử mà phát lòng Bồ đề, bằng cách trì danh niệm Phật. Hành giả chúng ta lấy danh hiệu Phật để niệm, mà không phát khởi tâm Bồ đề, thì quả thật hành giả niệm Phật có phần khiếm khuyết. Do vậy, Tổ thứ 11 là Ngài Thiệt Hiền Đại Sư đã có dạy rằng: “Niệm Phật vẫn mong thành Phật. Mà nếu như đại tâm không phát thì niệm Phật làm chi”11. Vì sự lợi ích thiết thực của người tu Tịnh Độ là một đời được vãng sanh. Cho nên, Đức Phật A Di Đà vì lòng từ mẫn nên phát ra đại nguyện rộng lớn, nếu chúng sanh nào phát Bồ đề tâm khi lúc lâm chung sẽ được Ngài và Thánh chúng hiện thân tiếp độ. Chính vì lẽ đó, trong kinh Đại Bảo Tích có nói: “Giả sử khi tôi thành Phật, chúng sanh ở mười phương phát Bồ đề tâm, tu các công đức chí tâm phát nguyện muốn sanh về nước tôi. Lúc họ mạng chung, tôi và đại chúng vây quanh hiện ra trước mặt họ. Nếu không như vậy thì tôi không lấy ngôi chánh giác”12. Thế cho nên, là người hành giả tu niệm Phật mà không khởi phát tâm rộng lớn, tức là Bồ đề tâm hay sao? Tuy nhiên, hành giả niệm Phật đem công đức để cầu phước lợi nhơn thiên, tất không hợp với bản hoài của Phật. Vì vậy, hành giả niệm Phật phải vì sự thoát ly khỏi vòng sanh tử luân hồi. Làm được như vậy mới hợp bản hoài đích thật của Đức Thế Tôn là muốn cho tất cả chúng sanh đều thoát vòng sanh tử, đều được giác ngộ như Ngài. Chính vì vậy người niệm Phật cần phải phát Bồ đề tâm.
“Bồ đề” nghĩa là “giác”. Giác ở đây tức chỉ quả giác ngộ của hàng Thanh Văn, quả giác ngộ của hàng Duyên Giác và quả giác ngộ của Phật. Vậy người niệm Phật phát Bồ đề tâm, chính là phát tâm cầu quả giác ngộ của Phật; quả vị này cùng tột không chi hơn, vượt trội hơn cả hàng Thanh Văn và Duyên Giác, nên gọi là Vô Thượng Bồ Đề. Tâm này gồm hai chủng tử chính, là từ bi trí huệ, hay phát xuất công năng độ thoát mình và tất cả chúng sanh.
Mặt khác, đứng trên phương diện luận về pháp, những pháp nào đi đến Phật quả cứu cánh giảng thuyết rộng về giới ngoại và sự lợi thế đó là pháp Đại Thừa. Trái lại, chính là Tiểu Thừa. Nhưng điểm chủ yếu để phân định Tiểu Thừa hay Đại Thừa, là thuộc về tâm chứ không phải pháp. Nếu dùng pháp Tiểu hoằng hoá làm phương tiện dẫn đến Phật quả thì đó chính Đại Thừa. Chẳng vậy, khi đức Như Lai giảng dạy về Tiểu Thừa giáo, Ngài cũng là hạng Tiểu Thừa hay sao Chính vì lẽ đó, cho nên người niệm Phật cần phải chú trọng về chỗ phát tâm, tức là phát Vô Thượng Bồ Đề tâm. Môn niệm Phật đã thuộc về pháp Đại Thừa nếu hành giả tu theo môn này lại phát đại Bồ đề tâm nữa, thì tâm và pháp đều được hoàn vẹn, sẽ đi đến quả Viên Giác kiêm cả tự lợi, lợi tha.
Về Bồ đề tâm, trong kinh văn đề cập rất nhiều, nhưng ở đây chỉ xin trích vài đoạn kinh Hoa Nghiêm để cùng nhau thể nghiệm hành trì.
… “Này Phật tử! Tất cả chư Phật lúc sơ phát tâm, chẳng phải chỉ vì đem tất cả đồ sở thích cúng dường chúng sanh trong mười vô số thế giới ở mười phương trải qua trăm kiếp nhẫn đến trăm ngàn na do tha kiếp mà phát Bồ đề tâm. Cũng chẳng phải chỉ vì giáo hoá những chúng sanh ấy tu Ngũ Giới, Thập Thiện, Tứ Thiền, Tứ Không, nhẫn đến khiến trụ nơi quả A La Hán và Bích Chi Phật mà phát Bồ đề tâm. Chính là vì khiến chủng tánh Như Lai chẳng dứt, vì đầy khắp tất cả thế giới, vì độ thoát tất cả chúng sanh trong tất cả thế giới, vì biết rõ cả sự thành hoại của tất cả thế giới, vì biết rõ sở thích, phiền não, tập khí của tất cả chúng sanh, vì biết rõ sự chết đây sanh kia của tất cả chúng sanh, vì biết rõ tâm hành của tất cả chúng sanh, vì biết rõ cảnh giới bình đẳng của tất cả chư Phật, vì những điều trên đây mà phát tâm Vô Thượng Bồ Đề”13.
… “Phổ Hiền Bồ Tát bảo: Thiện nam tử! Bồ Tát vì điều phục giáo hoá tất cả chúng sanh, nên phát Bồ đề tâm. Vì trừ diệt khổ tụ cho tất cả chúng sanh, nên phát Bồ đề tâm. Vì đem cho tất cả chúng sanh sự an vui đầy đủ, nên phát Bồ đề tâm. Vì đem lại Phật trí cho tất cả chúng sanh, nên phát Bồ đề tâm. Vì cung kính cúng dường tất cả chư Phật, nên phát Bồ đề tâm. Vì tuỳ thuận lời dạy Như Lai khiến chư Phật hoan hỷ, nên phát Bồ đề tâm. Vì muốn thấy sắc thân tướng hảo của tất cả chư Phật, nên phát Bồ đề tâm. Vì muốn vào trí huệ rộng lớn của tất cả chư Phật, nên phát Bồ đề tâm. Vì muốn hiển hiện các đức: lực, vô uý của chư Phật, nên phát Bồ đề tâm”14.
Như thế, trong kinh Hoa Nghiêm đức Thế Tôn và chư Bồ Tát đã thuyết minh rộng rãi về công đức của Bồ đề tâm. Và trong kinh văn khuyên phát Bồ đề tâm cũng có nói: “Cửa yếu vào đạo lấy sự phát tâm đứng hàng đầu, việc cấp thiết tu hành lấy sự lập nguyện làm bước trước”15.
Nếu không phát tâm rộng lớn, không lập nguyện bền chắc, thì dù trải qua vô lượng kiếp, vẫn y nhiên trong nẻo luân hồi; dù có tu hành cũng khó tinh tấn và chỉ luống công khổ nhọc.
Cho nên kinh Hoa Nghiêm có nói: “Nếu quên mất tâm Bồ đề mà tu các pháp lành, đó là nghiệp ma”16.
Quên mất mà còn như thế huống nữa là chưa phát: Do đó nên biết rằng, học đạo Như Lai trước hết là phải phát nguyện Bồ đề tâm không thể trì hoãn được. Bởi thế khi xưa Tỉnh Am Đại Sư đã soạn ra “Phát Bồ Đề Tâm Văn”17 để khuyến tấn tứ chúng và trình bày nói lên sự phát tâm có 8 cách: Tà, Chánh, Chân, Nguỵ, Đại, Tiểu, Thiên, Viên. Ở đây xin nói tóm lược như sau:
1. Trong đời có người tu hành mà từ trước đến nay chỉ một bề hành theo sự tướng, không biết tham cứu tự tâm, chỉ lo những việc ở ngoài, hoặc mong cầu lợi dưỡng, hoặc ưa thích hư danh, hoặc ham dục lạc hiện đời, hoặc mong cầu phước báu mai sau, phát tâm như vậy gọi là Tà.
2. Bậc không lợi dưỡng, cũng chẳng thích hư danh, vui hiện thế không màng, phước vị lai chẳng tưởng. Chỉ vì sự sống chết mong cầu đạo Bồ đề, phát tâm như vậy gọi là Chánh.
3. Niệm niệm trên cầu Phật đạo, tâm tâm dưới độ chúng sanh, nghe thành Phật lâu xa chẳng khiếp lui, thấy chúng sanh khó độ không chán mỏi. Như leo non cao muôn dặm, quyết trèo tận đỉnh. Như lên tháp báu chín cấp đến ngọn chót cùng, phát tâm như thế gọi là Chân.
4. Có tội không sám hối, có lỗi không biết trừ. Trong trược mà ngoài thanh, trước siêng nhưng sau trễ. Tuy có lòng tốt, song xen lẫn với lợi danh. Dù tu pháp lành, bị tội nghiệp làm ô nhiễm. Phát tâm như thế gọi là Ngụy.
5. Chúng sanh độ hết, bản nguyện mới cùng. Phật đạo tròn nên, thệ nguyện mới mãn. Phát tâm như thế gọi là Đại.
6. Xem ba cõi như tù ngục, nhìn sống chết tợ oan gia. Chỉ mong tự độ, không muốn độ người, phát tâm như thế gọi là Tiểu.
7. Thấy ngoài tâm có chúng sanh mình phải độ. Hiểu ngoài tâm có Phật đạo, rồi nguyện thành. Công phu tu tập chẳng sạch quên, sự kiến giải không tiêu mất. Phát tâm như thế gọi là Thiên (Lệch).
8. Biết chúng sanh là tánh mình nên nguyện độ thoát. Rõ Phật đạo là tánh mình nên nguyện viên thành. Lìa ngoài nguồn tâm thể, không thấy có pháp chi. Rồi dùng tâm rỗng như hư không, phát nguyện lớn như hư không, tu hạnh rộng lớn như hư không. Kết cuộc chứng quả vô chứng đắc như hư không, cũng chẳng thấy có tướng “không”. Phát tâm như thế gọi là Viên.
Biết tám tướng trạng khác nhau trên đây là biết quán xét kỹ càng, biết quán xét kỹ càng thì biết lấy bỏ, biết lấy bỏ thì có thể phát tâm. Quán xét như thế nào? Là xem sự phát tâm của ta, trong tám tướng trạng trên đây, là tà hay chánh, chân hay nguỵ, đại hay tiểu, thiên hay viên. Lấy bỏ như thế nào? Là bỏ tà, bỏ nguỵ, bỏ tiểu, bỏ thiên, lấy chánh, lấy chân, lấy đại, lấy viên. Phát tâm như vậy mới được gọi là chân chánh phát Tâm Bồ đề.
Tâm Bồ đề này là hàng đầu trong các pháp lành. Phát khởi được như vậy hẳn phải có nhân duyên. Trong văn, Tỉnh Am Đại Sư lại khuyên đại chúng nên nghĩ đến mười duyên để phát tâm. Mười duyên ấy là: “Một là vì nhớ ơn nghĩ ơn nặng của Phật. Hai là vì nhớ nghĩ công ơn cha mẹ. Ba là vì nhớ nghĩ công ơn sư trưởng. Bốn là vì nhớ nghĩ công ơn thí chủ. Năm là vì nhớ nghĩ công ơn chúng sanh. Sáu là vì nhớ nghĩ khổ đau sinh tử. Bảy là vì tôn trọng tánh linh của mình. Tám là vì sám hối nghiệp chướng đã gây. Chín là vì nguyện cầu vãng sanh Tịnh Độ. Mười là vì làm cho chánh pháp tồn tại lâu dài”18.
2/ Tin sâu nhân quả:
Sau khi phát tâm Bồ đề, kế đến người học Phật chúng ta cần phải tin sâu nhân quả, nếu không tin sâu nhân quả thì không được xem là đệ tử của Phật. Hay nói cách khác: “Vấn đề tối thiểu nhất của người học Phật là phải tin sâu nhân quả”. Phải biết “nhân như vậy thì quả như vậy”, “trồng dưa được dưa”, “trồng đậu được đậu”. Các hành giả tu Tịnh nghiệp phải tin chắc rằng, hiện tại chúng ta gieo nhân niệm Phật, tương lai nhất định sẽ được quả vãng sinh; vãng sinh Tây Phương Cực Lạc là “nhân”, tương lai đắc quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là “quả”. Hai chữ “nhân quả” này, người học Phật cần phải phân định rõ ràng để trang nghiêm tự thân.
3/ Đối với đọc tụng kinh điển Đại Thừa:
Chính là nói chúng ta muốn cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thì phải rõ đạo lý niệm Phật vãng sanh, còn ngược lại tín tâm sẽ không kiên cố. Hiểu rõ đạo lý này tức là thấy rõ sự lợi ích của việc tụng kinh, cũng là nhân tố trợ hạnh giúp hành giả trang nghiêm tự thân về nước An dưỡng. Vì sự lợi ích như thế, cho nên trong kinh Pháp Hoa19 có đoạn nói rằng:
“Sau khi Như Lai diệt độ, năm trăm năm sau, nếu có người nữ nghe kinh điển này, đúng như lời mà tu hành, thời khi chỗ đây chết liền qua cõi An Lạc, chỗ trụ xứ của đức A Di Đà Phật cùng chúng đại Bồ Tát vây quanh, mà sanh lên toà báu trong hoa sen.
Chẳng còn bị lòng tham dục làm khổ, cũng chẳng còn bị lòng giận dữ, ngu si làm khổ, cũng chẳng bị lòng kiêu mạng, ganh ghét và các tánh nhơ làm khổ, đặng thần thông vô sanh pháp nhẫn của Bồ tát, đặng pháp nhẫn đó thời nhãn căn thanh tịnh. Do nhãn căn thanh tịnh đó thấy bảy trăm muôn hai nghìn ức na do tha hằng hà sa các đức Phật Như Lai”.
4/ Khuyên người tu hành gắng tinh tấn:
Chính là nói tuỳ theo khả năng của mình mà hoá độ chúng sinh. Những gì đã nói ở trên là đều chú trọng tự mình tu, còn câu này chú trọng đến độ chúng sanh, chỉ cần cho chúng sanh học tập Phật pháp, khiến cho họ hưởng được an lạc trong giáo lý nhà Phật. Người niệm Phật một lòng cầu sanh Tịnh Độ, không phải ta cầu sanh Cực Lạc chỉ có mình ta, mà phải chỉ dạy cho mọi người có được lợi ích như ta.
Tóm lại, trọng yếu nhất của vấn đề vãng sanh chính là ở “ta” cho nên gọi là chánh hạnh. Hạnh này người tu Tịnh nghiệp cần phải có đó là Tín-Nguyện-Hạnh, là 3 món tư lương để làm hành trang trên con đường về đất Phật. Tuy nhiên, trên phương diện hành trì hạnh chánh, ngoài ra người tu Tịnh nghiệp cần phải tu kiêm thêm “trợ hạnh”, “trợ” nghĩa là “giúp”. Hạnh này giúp chúng ta kiện toàn thêm tư lương, tương lai có khả năng vãng sanh, điển hình như tu ba phước nghiệp. Với phước nghiệp này tức là pháp tu Tịnh nghiệp của ba đời chư Phật đã hành. Cho nên, trong kinh Quán Vô Lượng Thọ có nói:
“Này Vi Đề Hi! Nay Bà có biết chăng? Ba tịnh nghiệp ấy là chánh nhơn tịnh nghiệp của ba đời chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại”20. Do vậy, hành giả tu Tịnh nghiệp cần phải nhận chân giá trị thiết yếu của pháp hành này, mà cần phải lưu tâm.
1. Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, HT. Thích Trí Tịnh (dịch), Nxb Tôn giáo, 1994, Tr. 775.
2. Kinh Tâm Địa Quán, trích dẫn lại Kinh Lời Vàng, Biên Trước Dương Tú Hạc, Thích Trí Nghiêm (dịch), Cô nhi viện Phật giáo Việt Nam ấn hành, PL.2506 – DL.1963, tr. 129-130.
3. Kinh Bổn Sự, trích dẫn lại Kinh Lời Vàng, Biên Trước Dương Tú Hạc, Thích Trí Nghiêm (dịch), Cô nhi viện Phật giáo Việt Nam ấn hành, PL.2506 – DL.1963, tr. 130.
4. Kinh Bất Tư Nghì Quang, trích dẫn lại Kinh Lời Vàng, Biên Trước Dương Tú Hạc, Thích Trí Nghiêm (dịch), Cô nhi viện Phật giáo Việt Nam ấn hành, PL.2506 – DL.1963, tr. 133.
5. Luật Tỳ-Na-Da, trích dẫn lại Kinh Lời Vàng, Biên Trước Dương Tú Hạc, Thích Trí Nghiêm (dịch), Cô nhi viện Phật giáo Việt Nam ấn hành, PL.2506 – DL.1963, tr. 133.
6. Mấy Điệu Sen Thanh, HT. Thích Thiền Tâm, Tập 1, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, PL.2542 – DL.1998, tr. 127.
7. Tứ Phần Luật Tỳ Kheo Ni Giới Bổn Tập 1, Ni Sư Thích Nữ Trí Hải, 1995, tr. 304.
8. Kinh Thập Thiện, TT. Thích Hoàn Quang (dịch), 1971, tr. 68.
9. Kinh Đại Bát Niết Bàn, Tập II, HT. Thích Trí Tịnh (dịch), Nxb Tôn giáo, 2003, tr. 676.
10. Liên Tông Thập Tam Tổ, HT. Thích Thiền Tâm, Nxb Tôn giáo, 2002, tr. 407.
11. Liên Tông Thập Tam Tổ, HT. Thích Thiền Tâm, Nxb Tôn giáo, 2002, tr. 408.
12. Kinh Đại Bảo Tích, Tập I, phẩm Vô Lượng Thọ Như Lai, NxbThành phố Hồ Chí Minh, PL.2543 – DL.1999, tr. 608.
13. Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm Kinh, HT. Thích Trí Tịnh (dịch), Tập I, Phẩm Sơ Phát Tâm Công Đức thứ 17, NXB Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, PL.2538 - DL.1994, tr. 582-583.
14. Kinh Hoa Nghiêm, trích dẫn lại Niệm Phật Thập Yếu, HT. Thích Thiền Tâm, Nxb TP. Hồ Chí Minh, tr. 52-53.
15. Khuyên Phát Bồ Đề Tâm, Đại Sư Tỉnh Am, Tâm Nguyên (dịch), Nxb Thuận Hóa, PL.2540 – DL.1996, tr. 7.
16. Kinh Hoa Nghiêm, trích dẫn lại Niệm Phật Thập Yếu, HT. Thích Thiền Tâm, Nxb TP. Hồ Chí Minh, tr. 39.
17. Mấy Điệu Sen Thanh, HT. Thích Thiền Tâm, Thành hội Phật giáo Việt Nam ấn hành, PL.2542 – DL.1998, tr.123-124.
18. Khuyên Phát Bồ Đề Tâm, Đại Sư Tỉnh Am, Tâm Nguyên (dịch), NXB Thuận Hóa, PL.2540 – DL.1996, tr. 9.
19. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, HT. Thích Trí Tịnh, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, PL.2537 – DL.1993, tr. 501.
20. Kinh Vô Lượng Thọ Như Lai và Quán Vô Lượng Thọ Phật, trích dẫn kinh Quán Vô Lượng Thọ Như Lai, HT. Thích Trí Tịnh (dịch), Nxb. Tôn giáo, 2005, tr. 170.
Bình luận bài viết