TRƯỜNG BỒ ĐỀ PHƯƠNG DUY
TRƯỜNG BỒ ĐỀ PHƯƠNG DUY:
MỘT THÀNH TỰU NỔI BẬT TRÊN LĨNH VỰC
TỪ THIỆN XÃ HỘI CỦA PHẬT GIÁO LONG AN
DƯƠNG HOÀNG LỘC
1. Trường Bồ Đề Phương Duy gọi một cách đầy đủ là Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Bồ Đề Phương Duy. Tên gọi này cho thấy tính quy mô và mang tính chất liên tục, toàn diện của một ngôi trường thuộc hệ giáo dục phổ thông. Trường được thành lập vào tháng 8 năm 2012, đặt trong khuôn viên chùa Long Thạnh (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa) - một ngôi chùa vốn nổi tiếng trong lĩnh vực từ thiện - xã hội tỉnh Long An. Trong năm học 2015-2016, trường thu hút được 184 học sinh theo học ở ba bậc học tiểu học (51), trung học cơ sở (79) và trung học phổ thông (54). Học sinh theo học ở đây, ngoài việc được giảm toàn bộ học phí, cung cấp đồ dùng học tập và trang phục, còn được nhà trường hỗ trợ nơi ăn chốn ở để họ yên tâm học tập, nên hầu hết đều sinh hoạt theo chế độ nội trú. Nhìn chung, tất cả học sinh đang theo học tại trường có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, đã bỏ học giữa chừng hoặc có nguy cơ phải bỏ học ở các trường công lập và tư thục khác trên địa bàn huyện Thủ Thừa. Ngoài ra, còn có trẻ mồ côi, cơ nhỡ hoặc con của những người công nhân, người nghèo khó từ nơi khác đến đây sinh sống, tìm kiếm cơ hội việc làm. Do vậy, Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Bồ Đề Phương Duy ra đời cho thấy đây là một ngôi trường thể hiện được tính nhân văn sâu sắc của dân tộc ta, cho thấy được tấm lòng từ bi của người con Phật và đã góp phần tô đậm thêm tinh thần hộ quốc an dân, nhập thế của Phật giáo Việt Nam hiện nay.
2. Để thành lập được ngôi trường này, không thể không nhắc đến tâm nguyện và công sức của Thượng tọa Thích Quảng Tâm - Phó Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, trụ trì chùa Long Thạnh. Được sự ủng hộ của các cấp chính quyền và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, Thượng tọa đã phát tâm xây dựng ngôi trường để làm nơi đào tạo kiến thức và dạy dỗ đạo đức cho các em học sinh. Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Bồ đề Phương Duy nằm trên tổng diện tích đất trên 2.000 m2, gồm hệ thống các phòng học, thư viện, nhà bếp và phòng nội trú để phục vụ nhu cầu học tập của các em. Hằng tháng, trường phải chi trả chi phí khoảng 80 triệu đồng, phần lớn là do sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Điều này cho thấy trường đã xây dựng được nguồn hỗ trợ tài chánh khá tốt để hoạt động. Như vậy, không thể không ghi nhận nét nổi bật là: Bằng uy tín và năng lực, lòng nhiệt huyết, Thượng tọa Thích Quảng Tâm lẫn hội đồng quản trị cùng ban giám hiệu nhà trường đã kết nối được các nguồn lực xã hội một cách tích cực và hiệu quả. Đây là một nét nổi bật và thành tựu đáng ghi nhận trong việc tạo nguồn kinh phí để duy trì hoạt động của nhà trường.
3. Chất lượng giảng dạy của nhà trường là một vấn đề cần được nhắc đến. Trong năm học 2015-2016, tổng số giáo viên ở ba cấp học của nhà trường là 48, trong đó giáo viên cơ hữu là 7 người, nhân viên là 4 người, còn lại là các thầy, cô giáo được thỉnh giảng ở những trường học khác trong huyện. Nhờ sự dạy dỗ tận tình của đội ngũ giáo viên ở đây mà việc học tập của các em đạt kết quả khả quan. Điều này được thể hiện qua Báo cáo tổng kết năm học 2015-2016 của nhà trường như sau: Tỉ lệ học sinh đạt loại giỏi cấp trung học cơ sở và phổ thông là 25,6%, loại khá có 43,2% và trung bình là 27,2%, loại yếu thì chỉ 4%. Đặc biệt, không thể không nhắc đến một thành tích quan trọng là tất cả học sinh lớp 9 và 12 của trường đều được xét tốt nghiệp Trung học cơ sở và thi đậu kì thi Trung học phổ thông quốc gia. Ngôi trường này, tuy mới được thành lập, đã đạt được chất lượng học tập tốt là một thành công và cho thấy sự nỗ lực rất lớn của ban giám hiệu và các thầy cô giáo cùng đội ngũ nhân viên nhà trường. Mặt khác, học sinh đang theo học ở trường còn được quan tâm trong việc rèn luyện đạo đức, các hoạt động thể dục thể thao và văn nghệ được tổ chức đều đặn tạo nên một sân chơi bổ ích, mở các khóa học kỹ năng sống để các em biết cách tự chăm sóc bản thân và trưởng thành hơn. Thông qua những kết quả này đã cho thấy tính chất chuyên nghiệp và đã tạo nên nền tảng chất lượng trong hoạt động dạy, học ở Trường Tiểu học Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Bồ Đề Phương Duy. Thiết nghĩ, đây là một sự trưởng thành lớn của nhà trường, mặc dù vừa mới chỉ đi hoạt động được 4 năm.
4. Là một ngôi trường tư thục của Phật giáo, Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Bồ Đề Phương Duy là một mô hình thành công trong lĩnh vực xã hội hóa giáo dục của Phật giáo ở nước ta hiện nay. Đồng thời còn cho thấy để làm nên sự thành công của ngôi trường chính là nhờ vào sự hòa quyện mật thiết giữa ba nhân tố chính: Lòng từ bi, trí tuệ của người con Phật (1) và việc nối kết thành công những tấm lòng nhân ái của cộng đồng xã hội (2) lẫn tính chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm cao trong tổ chức hoạt động dạy và học của nhà trường (3). Đây còn trở thành một nội lực quan trọng để nhà trường vượt qua những khó khăn, thử thách trước mắt cũng như lâu dài, hoàn thành mục tiêu cao cả của mình, đó là sự nghiệp trồng người, phát triển tương lai cho các học sinh tại đây.
5. Mở rộng hơn nữa, Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Bồ Đề Phương Duy là kết quả và là một thành tựu lớn, nổi bật trong hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo tỉnh Long An trong những năm qua. Là một địa bàn nằm kề đô thị lớn và phát triển nhất cả nước - Thành phố Hồ Chí Minh, cho nên Long An đón nhận nhiều cơ hội phát triển, nhất là quá trình đô thị hóa và phát triển khu công nghiệp với nhiều nhà máy, xí nghiệp hoạt động. Tuy nhiên, không thể bỏ qua việc ngày càng có nhiều vấn đề xã hội như ô nhiễm môi trường, người nhập cư, lao động từ các tỉnh khác đến đây tìm kiếm cơ hội việc làm, gia tăng số lượng người nghèo khổ, nhiều vùng nông thôn còn khó khăn, thiếu thốn,… Vì vậy, đây là một điều kiện dẫn đến Tăng Ni, Phật tử Long An tăng cường trách nhiệm xã hội, thông qua các hoạt động từ thiện xã hội hết sức thiết thực và hiệu quả như phát quà, khám chữa bệnh miễn phí, phát thẻ bảo hiểm y tế, xây nhà tình thương và làm cầu, đường ở các địa bàn nông thôn xa xôi. Những việc làm hết sức ý nghĩa này đã được chính quyền và xã hội ghi nhận. Cũng chính nhờ đó để có thể hiểu rõ uy tín và năng lực hoạt động, sự dấn thân của Tăng Ni, Phật tử tỉnh Long An trên nhiều phương diện, trong đó nổi bật là từ thiện xã hội. Cho nên, Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Bồ Đề Phương Duy là kết quả của một quá trình hoạt động sôi nổi, gặt hái nhiều thành tựu trên lĩnh vực từ thiện xã hội trong những năm vừa qua. Mặt khác, ở bất kỳ xã hội nào cũng vậy, người cao tuổi và trẻ em là hai đối tượng dễ bị tổn thương và gặp phải rủi ro nhiều nhất, cho nên họ cần được sự giúp đỡ, bảo vệ từ nhà nước và cộng đồng. Ngôi trường này ra đời đã trở thành một mái nhà chung cho trẻ em nghèo, mồ côi, lang thang trên địa bàn huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Đây là một môi trường tốt để góp phần nuôi dạy các em vừa trưởng thành vừa có kiến thức và kĩ năng để hội nhập tốt xã hội, mai sau trở thành những công dân tốt của đất nước. Thiết nghĩ, đó là mục đích và giá trị cốt lõi của mái trường này hiện tại lẫn tương lai.
6. Huy động các tổ chức xã hội, trong đó có các tôn giáo, tham gia vào lĩnh vực xã hội hóa giáo dục và y tế là một chủ trương đúng đắn của nhà nước ta hiện nay. Giáo dục và y tế được xem là hai loại hình dịch vụ xã hội căn bản mà bất kì ai cũng phải cần sử dụng. Ngày nay, trước tình trạng quá tải và áp lực lệ phí cao của trường học, bệnh viện công đã trở thành một gánh nặng lớn của nhiều người nghèo, công nhân, lao động tay chân, nông dân,… cho nên, việc Phật giáo đứng ra mở các phòng khám, các lớp học miễn phí là một việc làm đáng hoan nghênh, mang lại nhiều ý nghĩa xã hội, cho thấy giá trị đạo đức Phật giáo được phát huy hữu hiệu trong đời sống của con người đương đại. Ở Việt Nam, xưa cũng như nay, Phật giáo đã có nhiều nỗ lực trong việc cung cấp dịch vụ xã hội cho cộng đồng, thông qua việc mở các phòng khám Đông - Tây y kết hợp, ra đời các lớp học tình thương ở nhiều ngôi chùa trên khắp mọi miền tổ quốc. Thế nhưng, cho đến nay, chỉ có Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Bồ Đề Phương Duy là một ngôi trường duy nhất tổ chức được ba cấp học liên thông, chương trình giảng dạy theo đúng quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Thiết nghĩ, đây là một mô hình mà Trung ương Giáo hội cần phải quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển hơn nữa, nhất là cần biểu dương, triển khai việc nhân rộng mô hình này đến Phật giáo các tỉnh, thành. Hi vọng trong tương lai sẽ có nhiều ngôi trường tư thục ra đời do Phật giáo khởi xướng, quản lý để chung tay góp phần xây dựng xã hội theo hướng văn minh, hiện đại nhưng giàu tính nhân ái và đậm đà nghĩa tình-một lối sống tốt đẹp của dân tộc ta rất cần được duy trì và phát huy hiện nay.
7. Tăng Ni, Phật tử tỉnh Long An nói riêng và cả nước nói chung đang hân hoan và thành kính chào mừng Đại lễ Kỉ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981-2016). Trong tinh thần đó, Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Bồ Đề Phương Duy xứng đáng là một thành quả quan trọng mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An đã đạt được, đồng thời còn là một món quà thiết thực, ý nghĩa để trang nghiêm cúng dường đến Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân dịp đại lễ quan trọng này. Nhất là cho thấy phương châm hết sức đúng đắn mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề ra từ ngày thành lập đến nay: “Phụng sự chúng sanh tức cúng dường chư Phật”.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 20 – THÁNG 4 NĂM 2017 (PL. 2560)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 19 – THÁNG 1 NĂM 2017 (PL. 2560)
- ĐÓN XEM TỪ QUANG TẬP 19
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 18 – THÁNG 10 NĂM 2016 (PL. 2560)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 17 – THÁNG 7 NĂM 2016 (PL. 2560)
- TỪ QUANG TẬP 16 – THÁNG 4 NĂM 2016 (PL. 2560)
Bình luận bài viết