TRUY TÌM TỰ NGÃ
HT. THÍCH GIÁC TOÀN
Nói đến truy tìm, chúng ta hay nghĩ đến việc tìm kiếm một cách quyết liệt bên ngoài, hướng đến một đối tượng quan trọng nào đó. Thế nhưng, truy tìm tự ngã lại là việc quay về tìm kiếm nơi chính bản thân mình. Mặc dù tự ngã ở ngay nơi mỗi người, nhưng trong vòng luân hồi sanh tử, bị vô minh che lấp nên đa phần chúng ta bỏ quên tự ngã của mình. Thật ra, chỉ cần biết phương pháp quay về, thì chúng ta sẽ rất dễ dàng thấy được tự ngã của chính mình, nói một cách gần gũi hơn là tìm lại chính mình. Truy tìm tự ngã là một vấn đề rất quan trọng trong cuộc sống của mỗi cá nhân, cho nên, chúng tôi chia sẻ về chủ đề “Truy tìm tự ngã” để giúp quý vị hiểu rõ hơn về vấn đề này. Trong phạm vi của chủ đề này, chúng tôi sẽ trích dẫn một vài bài kinh liên quan để làm rõ vấn đề, giúp quý vị nắm được các ý pháp, giúp ích cho việc tu tập của mỗi người.
Thương tự ngã mình, quý tự ngã người
Sống trên đời, chúng ta thường nói là mình yêu thương cha, mẹ, con cái, vợ chồng... nhưng thật ra ta không yêu ai nhiều bằng yêu thương chính tự ngã của mình. Trong Kinh Tương Ưng, thiên Có Kệ, chương Tương ưng Kosala, phẩm Thứ nhất, Kinh Mallika (Mạtly) có đoạn: “Rồi Vua Pasenadi, nước Kosala nói với hoàng hậu Mallika rằng:
- Này Mallika, có ai khác thân ái với hoàng hậu hơn là tự ngã của hoàng hậu.
- Thưa Đại vương, không có ai khác thân ái vói thiếp hơn là tự ngã của thiếp. Nhưng thưa Đại vương, có ai khác thân ái với Đại vương hơn là tự ngã của Đại vương?
- Này Mallika, không có ai khác thân ái với ta hơn là tự ngã của ta”.
Hai vợ chồng nhà vua cùng nhau trao đổi Phật pháp. Nếu một gia đình bình thường, có lẽ những câu hỏi như trên sẽ gây hiểu nhầm rằng tình cảm vợ chồng đang có điều bất ổn. Nhưng đối với những cặp vợ chồng hiểu đạo, những câu hỏi như thế giúp họ thêm sáng tỏ đạo pháp. Quý vị Phật tử cũng nên học tập cách trao đổi đạo pháp của hai vợ chồng vua Pasenadi. Thông thường, để làm vui lòng nhau, vợ chồng thường trả lời rằng, người kia là người thân thiết nhất của mình. Nhưng với tri kiến của người hiểu Phật pháp, cả nhà vua và hoàng hậu đều nhìn nhận sự thật rằng, không có ai thân thiết với họ cho bằng tự ngã của chính họ. Thoạt đầu, nghe câu trả lời như trên có vẻ như tình cảm vợ chồng không được khăng khít, vui vẻ cho lắm. Nhưng thật ra, đó là sự nhìn nhận đầy trí tuệ của hai vợ chồng Phật tử thuần thành. Sau khi trao đổi như vậy, hai người bèn đến gặp Đức Phật để thưa thỉnh:
Rồi vua Pasenadi nước Kosala bước xuống lầu và đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, con đi lên lầu thượng (của hoàng cung) với hoàng hậu Mallika và con nói với hoàng hậu Mallika:
- Này Mallika, có ai khác thân ái với hoàng hậu hơn là tự ngã của hoàng hậu?
Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, hoàng hậu Mallika trả lời với con:
- Thưa Đại vương, không có ai khác thân ái với thiếp hơn là tự ngã của thiếp. Nhưng thưa Đại vương, có ai khác thần ái với Đại vương hơn là tự ngã của Đại vương? Được hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời cho hoàng hậu Mallika:
- Này Mallika, không có ai khác thân ái với ta hơn là tự ngã của ta.
Rồi Thế Tôn, sau khi biết rõ ý nghĩa này, trong lúc ấy liền nói lên bài kệ này:
Tâm ta đi cùng khắp
Tất cả mọi phương trời
Cũng không tìm thấy được
Ai thân hơn tự ngã
Tự ngã đối mọi người
Quá thân ái như vậy
Vậy ai yêu tự ngã
Chớ hại tự ngã người.
Đức Phật đã xác chứng câu trả lời của nhà vua và hoàng hậu, quả thật không có ai thân thiết với ta bằng chính tự ngã của mình. Bởi vì ai cũng yêu thương tự ngã của mình, cho nên Phật dạy không được làm hại tự ngă của người khác. Mình biết thương mình thì cũng phải biết thương người, ai cũng có tự ngã riêng, không nên làm ảnh hưởng đến tự ngã của người khác, gây cho họ những cảm xúc tiêu cực. Khi chúng ta hiểu và thực hành được như vậy, thì đi đến đâu cũng được an vui. Nếu người nào chỉ biết bản thân mình, lấy tự ngã của mình đối đãi với xã hội, nhưng không tôn trọng tự ngã của người khác, thường đụng chạm vào tự ngã của người khác và lấy đó làm tự mãn, thì cuối cùng cũng là tự làm khổ mình, tự hại chính mình mà thôi. Bởi vì, ngậm máu phun người thì sẽ dơ miệng mình; ngửa mặt lên trời phun nước bọt, thì chính mình là người lãnh chịu. Có nhiều người ỷ lại quyền uy, mưu mô xảo quyệt, hại người để lợi mình, cuối cùng chính bản thân họ phải lãnh chịu những hậu quả đáng tiếc. Trong phim ảnh có câu chuyện về những người có uy quyền, ra sức hại một người mà họ không thân thích, đến cuối cùng nhận ra người đó chính là đứa con ruột của mình bị đánh tráo. Lúc nhận ra, thì hối hận không còn kịp nữa. Đôi khi ta cứ nghĩ mình đang bày mưu kế để hại người lợi mình, thế nhưng cuộc sống vốn dĩ công bằng, ai làm gì thì người đó tự gánh chịu, cho nên, phải luôn dùng tâm từ bi, lòng yêu thương để đối đãi vối tất cả mọi người, như thương chính bản thân mình để không phải hối hận. Ông bà ta từng dạy: “Thương người như thể thương thân”. Chúng ta phải giữ gìn bản thân khỏi những ác nghiệp, thương yêu bản thân và thương yêu người khác.
Tự ngã là thân ái, nhưng cũng có thế là kẻ thù
Cũng trong Kinh Tương Ưng, chương Tương ưng Kosala, phẩm Thứ nhất, Kinh Mallika có đoạn rằng:
Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, ở đây khi con đang ngồi yên tịnh một mình, tư tưởng này khởi lên nơi con: “Đối với những ai, tự ngã là thân ái? Đối với những ai, tự ngã là kẻ thù?”. Và rồi bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Những ai sống thân làm ác, sống miệng nói ác, sống ý nghĩ ác; đối với người ấy, tự ngã là kẻ thù”. Dầu họ có nói: “Tự ngã là thân ái của chúng tôi”, nhưng tự ngã đối với họ là kẻ thù. Vi sao vậy? Những gì kẻ thù làm cho kẻ thù, tự ngã của họ làm cho tự ngã của họ như vậy. Do vậy, đối với họ, tự ngã là kẻ thù. Những ai sống thân làm thiện, sống miệng nói thiện, sống ý nghĩ thiện đối với họ, tự ngã là thân ái. Dầu cho họ có nói: “Tự ngã là kẻ thù của chúng tôi”, nhưng tự ngã đối với họ là thân ái. Vi sao vậy? Những gì kẻ thân ái làm cho kẻ thân ái, tự ngã của họ làm cho tự ngã của họ như vậy. Do vậy, đối với họ, tự ngã là kẻ thân ái”.
- Như vậy là phải, thưa Đại vương. Như vậy là phải, thưa Đại vương. Thưa Đại vương, những ai sống thân làm ác... Do vậy, đối với họ, tự ngã là kẻ thù. Thưa Đại vương, những ai sống thân làm thiện... Do vậy, đối với họ, tự ngã là thân ái.
Nếu những ai biết được
Tự ngã là thân ái
Họ sẽ không liên hệ
Với các điều ác hạnh
Kẻ làm điều ác hạnh
Khó được chơn hạnh phúc
Bị thần chết cầm tù
Từ bỏ thân làm người
Kẻ có nghiệp như vậy
Cái gì là của mình?
Lấy cái gì đem đi?
Cái gì theo dõi họ
Như bóng theo dõi hình?
Ở đây, kẻ bị chết
Làm các nghiệp công đức
Làm các nghiệp ác đức
Lấy cả hai đem đi
Cả hai của kẻ ấy
Như bóng theo dõi hình
Cả hai theo kẻ ấy
Do vậy hãy làm lành
Tích lũy cho đời sau.
Bài kinh diễn tả hai hình ảnh đối lập, một bên là những người xem tự ngã là thân ái, và một bên là những người xem tự ngã là kẻ thù. Những ai thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác thì tự ngã chính là kẻ thù. Vì chính họ làm những ác nghiệp thì tự họ nhận lấy, nhân xấu dẫn đến quả xấu. Cứ nghĩ mình đang hại người, thật ra là hại chính mình, nghiệp của bản thân tự gánh chịu. Những người với thân, khẩu, ý thiện thì, tự ngã là thân ái, vì chính mình làm những nghiệp thiện, thì sẽ đem lại những quả thiện. Cho dù chuyện gì xảy ra, người Phật tử phải cố gắng giữ gìn thân, khẩu, ý cho thật tốt, đừng để gây tạo những ác nghiệp. Nhân quả rất rõ ràng, ta là chủ nhân của nghiệp và là kẻ thừa tự nghiệp do chính mình gây tạo. Không ai có thể quy định tự ngã là thân ái hay kẻ thù của ta ngoài chính ta. Nếu chúng ta biết tích lũy công đức, tu tập theo lời Phật dạy, làm lành, lánh dữ thì tự ngã là thân ái, cho dù có ai nói đó là kẻ thù thì cũng không thể xảy ra, ngược lại cũng như vậy.
Chấp thủ tự ngã là nguyên nhân của khổ đau
Trong Kinh Tần-bệ-sa-la vương nghinh Phật, số 62, thuộc Kinh Trung A-hàm, tập 1, Đức Phật dạy rằng: “Hàng phàm phu ngu si không học, thấy ngã là ngã mà đắm trước nơi ngã, nhưng thực ra không có ngã, không có ngã sở. Ngã vốn không, ngã sở vốn không; pháp sanh thì sanh, pháp diệt thì diệt; thảy đều do nhân duyên hội tụ mà sanh khổ. Nếu không có nhân duyên thì các khổ liền diệt. Chúng sanh do duyên tụ hội liên tục mà sanh các pháp. Như Lai sau khi thấy chúng sanh liên tục sanh ra nên nói ‘có sanh có tử’. Ta dùng thiên nhãn thanh tịnh hơn hẳn người thường, thấy đúng thư thật về chúng sanh này, lúc tử lúc sanh, hoặc đẹp hoặc xấu, hoặc diệu hoặc bất diệu, qua lại thiện xứ, hoặc bất thiện xứ, đều tùy theo nghiệp mà chúng sanh ấy đã tạo, và thấy đúng như thật”.
Người chưa học đạo hay chấp thân thể, tâm ý là thật là của mình. Thế nhưng, ngã vốn không có thật. Thế mà chúng ta vẫn thường sống với quan niệm “tôi mập, tôi ốm, tôi xấu, tôi đẹp...”, với cái nhìn đầy ngã và ngã sở. Hãy nghĩ về việc chúng ta chết đi, buổi sáng thân xác được đưa vào lò thiêu, buổi chiều chỉ còn nắm tro tàn. Khi đó, những gì mập, ốm, đẹp, xấu đều không còn nữa. Cuộc sống xoay vần, thành trụ, hoại, không đều vận hành theo nhân quả.
Trong Kinh Tương Ưng Bộ, chương Tương ưng uẩn, phẩm Nakulapitā, Phật cũng dạy rằng:
- Này các Tỳ-kheo, Ta sẽ giảng cho các ông về sự chấp thủ và ưu não, sự không chấp thủ và không ưu não...
- Này các Tỳ-kheo, thế nào là chấp thủ và ưu não?
- Ở đây, này các Tỳ-kheo, kẻ vô văn phàm phu quán sắc: “Đây là của tôi, đây là tôi, đây là tự ngã của tôi”. Sắc ấy của vị này biến hoại, đổi khác. Vị này khi sắc ấy biến hoại, đổi khác, khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.
- Ở đây, này các Tỳ-kheo, kẻ vô văn phàm phu quán thọ...
- Ở đây, này các Tỳ-kheo, kẻ vô văn phàm phu quán tưởng...
- Ở đây, này các Tỳ-kheo, kẻ vô văn phàm phu quán các hành...
- Ở đây, này các Tỳ-kheo, kẻ vô văn phàm phu quán thức: “Đây là của tôi, đây là tôi, đây là tự ngã của tôi. Thức ấy của vị này biến hoại, đổi khác. Vị này khi thức ấy biến hoại, đổi khác, khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não”.
Chấp thủ là nguồn gốc của ưu, não, khổ đau. Khi chưa biết đạo thì con người luôn chấp vào thấy, nghe, biết, hiểu, chấp bên này, trụ bên kia dẫn đến ưu sầu, khổ não. Đức Phật dạy, mọi pháp vốn vô thường, giả hợp, không có gì thật sự trường tồn, càng chấp thủ thì càng khổ đau mà thôi. Như đoạn kinh trên dạy rõ, khi chấp thủ vào sắc, cho đó là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi, nhưng sắc kia chẳng thật là tự ngã, chúng luôn vô thường biến hoại. Khi biến hoại, thì người chấp thủ liền sanh ưu, não. Thọ, tưởng, hành, thức cũng biến hoại không ngừng như thế. Khi biết tu tập, thì phải dần buông bỏ chấp thủ, tìm ra bản chất thật sự của chính mình. Cho dù nương vào cuộc sống, nương vào thân này để sống, nhưng phải tìm hiểu bản chất thật sự của chúng là gì. Để khi hiểu được bản thân, ta không còn bị phương tiện lôi kéo, chạy theo phương tiện để rồi quên mất mục tiêu thật sự khi được thân người là gì. Tư tưởng hữu ngã, chấp thủ đem lại khổ đau, thì ngược lại, vô ngã chính là nền tảng của giải thoát.
Vô ngã là nền tảng của sự giải thoát
Thế gian hay lầm chấp thân tôi, con tôi, tài sản tôi. Cứ tham chấp đủ điều cho tới khi mọi thứ vô thường biến hoại, thì hết khổ này đến khổ kia. Trong Kinh Trung A-hàm, tập 1, Kinh Tần-bệ-sa-la vương nghinh Phật, số 62, Đức Phật dạy rằng:
- Này Đại vương, Đại vương nghĩ sao, sắc là vô thường hay thường?
Vua đáp:
- Bạch Thế Tôn, là vô thường.
Lại hỏi:
- Nếu vô thường, nó là khổ hay không khổ?
- Bạch Thế Tôn, là khổ, là biến dịch.
- Nếu pháp là vô thường, khổ, biến dịch, thì Đa văn Thánh đệ tử có nên cho rằng: ‘Cái này là ta, cái này là sở hữu của ta; ta là Sở hữu của cái kia’?
- Bạch Thế Tôn, không nên.
Lại hỏi:
- Nếu vô thường, nó là khổ hay không khổ?
- Bạch Thế Tôn, là khổ, là biến dịch.
- Nếu pháp là vô thường, khổ, biến dịch, Đa văn Thánh đệ tử có nên cho rằng: Cái này là ta, cái này là sở hữu của ta; ta là sở hữu của cái kia?
- Bạch Thế Tôn, không nên.
- Này Đại vương, Đại vương nên học như vầy: Những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vį lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô, hoặc tế, hoặc đẹp, hoặc xấu, hoặc gần, hoặc xa; tất cả đều chẳng phải là ta, chẳng phải là sở hữu của ta; ta chẳng phải là sở hữu của kia. Nên dùng trí tuệ quán biết như thật.
- Này Đại vương, những gì là thọ, tưởng, hành, thức, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại, hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô, hoặc tế, hoặc đẹp, hoặc xấu, hoặc gần, hoặc xa; tất cả đều chẳng phải là ta, chẳng phải là sở hữu của ta; ta chẳng phải sở hữu của kia. Nên dùng trí tuệ quán biết là như thật. Ngã của ta, chẳng phải là của ta. Nên dùng trí tuệ quán biết đúng như thật.
- Này Đại vương, Đa văn Thánh đệ tử quán đúng như vậy, liền nhàm chán sắc, nhàm chán thọ, tưởng, hành, thức. Nhàm chán rồi liền vô dục, vô dục rồi, liền được giải thoát, đã giải thoát liền có tri kiến giải thoát, biết như thật rằng: Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.
Đây là đoạn kinh diễn tả về sự vô thường của các pháp và con đường giải thoát khỏi sự khổ đau rất ý nghĩa của Phật giáo. Cuộc đời con người ngày tháng tựa thoi đưa, nếu không nhanh chóng quay về nhìn lại bản chất vô thường của vạn pháp, vô ngã của tự thân để thay đổi tư duy, thay đổi cách sống thì khổ đau vẫn còn tiếp diễn, sanh tử luân hồi cứ mãi đeo bám.
Không có cái ta tồn tại vĩnh hằng, độc lập nơi mỗi người, Kinh Tương Ưng Bộ, phẩm Hoa, Phật dạy rằng: “Ví như, này các Tỳ-kheo, sông Hằng này chảy mang theo đống bọt nước lớn. Có người có mắt nhìn đống bọt nước ấy, chuyên chú, như lý quán sát. Do nhìn chuyên chú, như lý quán sát nó, đống bọt nước ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỳ-kheo, lại có lõi cứng trong đống bọt nước được?
Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, phàm có sắc gì thuộc quá khứ, vį lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; vị Tỳ-kheo thấy sắc, chuyên chú, như lý quán sát sắc. Do vị Tỳ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát sắc, sắc ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỳ kheo, lại có lõi cứng trong sắc được?
Ví như, này các Tỳ-kheo, trong mùa thu, khi trời mưa những giọt mưa lớn, trên mặt nước, các bong bóng nước hiện ra rồi tan biến. Một người có mắt nhìn chuyên chú, như Iý quán sát nó, bong bóng nước ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỳ-kheo, lại có lõi cứng trong bong bóng nước được?
Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, phàm có thọ gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thẳng, hoặc xa hay gần; Tỳ-kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát thọ ấy. Do Tỳ-kheo nhìn chuyên chú, như 1ý quán sát nó, thọ ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng. Làm sao, này các Tỳ-kheo, lại có lõi cứng trong thọ được?”.
Khi quan sát các bọt nước, sóng biển, mặc dù ta thấy chúng hiện hữu nhưng bản chất của chúng vốn không, không có lõi cứng. Quán sắc của bản thân hoặc quán sắc của người khác cũng như vậy, ta đều thấy sự không thật, luôn luôn vận hành thay đổi, không tồn tại vĩnh hằng. Thuở nhỏ, mình chấp vào thân nhỏ cho đó là ta, lớn lên một chút lại xem tấm thân lớn đó là ta. Thật sự, xét về bản chất thì không có cái thân nào tồn tại cả, chúng đều là giả hợp, rỗng không. Tuy nhiên, nghe và đọc về điều đó thì dễ, còn để tu tập và sống với bản chất không thật như thế thì thật sự rất khó. Chỉ có tinh tấn, khéo tu tập thiền quán để nhận chân được bản chất của các pháp, ta mới không bị chúng chi phối, từ đó mới có thể nhàm chán đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Do nhàm chán mà có thể ly tham. Khi không còn thấy sự hấp dẫn thật sự tồn tại của các pháp, thì ta không còn tham chấp chúng nữa. Như khi chúng ta nhìn thân thể tuổi xế chiều, nhăn nhó xấu xí của mình, ta không còn ham muốn thân thể nữa.
Để giảng giải về bản chất vô thường, khổ, vô ngã, Đức Phật đã từng nhặt một miếng phân bò rồi nói với các Tỳ kheo được ghi lại trong Kinh Tương Ưng Bộ, Tập 3: Thiên uẩn, Chương I: Tương ưng uẩn, B. Năm mươi kinh ở giữa, V. Phẩm Hoa, phần Phân bò, như sau: “Này Tỳ-kheo, cho đến được một ngã thể nhỏ như thế này cũng không thường còn, thường hằng, thường trú, chịu sự biến hoại, không vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú.
Nếu được một ngã thể nhỏ như thế này, này Tỳ-kheo, là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú, thời đời sống phạm hạnh để chơn chánh đoạn tận khổ đau không thể trình bày. Vì này Ty-kheo, cho đến được một ngã thể nhỏ bé như thế này cũng không thường còn, thường hằng, thường trú, chiu sự biến hoại, không vĩnh viễn thường hằng, vĩnh trú; do vậy đời sống phạm hạnh để chơn chánh đoạn tận khổ đau có thể trình bày”.
Nếu trên đời sống, người nào còn chấp có pháp nào thường hằng vĩnh cửu, thì người đó không thể giải thoát, không thể sống đời sống phạm hạnh, chân chánh đoạn tận khổ đau. Ngược lại, nếu hiểu được bản chất của các pháp là vô thường, đời sống phạm hạnh được thiết lập và con đường giải thoát chân chánh có thể thực hiện.
Kết luận
Trên đây là những đoạn kinh liên quan đến vấn đề truy tìm tự ngã. Những đoạn kinh trên là gợi ý rất quan trọng cho chúng ta trên con đường hình thành chánh kiến và tu tập để đoạn tận khổ đau. Với những nội dung sâu sắc của các bài kinh, tùy theo khả năng mỗi người mà thấu hiểu và thực hành khác nhau. Nói chung, các bài kinh trên đều là kim chỉ nam trên bước đường tu học. Để khép lại đề tài này, chúng tôi xin tặng quý vị một bài thơ có ý nghĩa liên quan đến chủ đề “Truy tìm tự ngã”:
Tôi tìm tôi
Tôi tìm tôi tự thẳm sâu
Từ đâu tôi lại hiện trâu vào đời
Tôi tìm tôi giữa cuộc đời
Mênh mông sóng nước ầu ơ ví dầu
Tôi tìm tôi chốn bể dâu
Ngàn năm chìm nổi nhịp cầu trần gian
Tôi tìm tôi cõi nhân hoàng
Tử sinh vô lượng đa mang phong trần
Tôi tìm tôi kiếp phù vân
Lênh đênh tan hợp xoay vần trái oan
Tôi tìm tôi giấc kê vàng
Mới bình minh đã mơ màng hoàng hôn
Tâm hồn ơi! Hỡi tâm hồn
Luân hồi mấy bận bồn chồn đến đi
Vui buồn được mất hỷ bi
Tìm đâu gặp lại lưu ly chơn thần
Tôi tìm giác ngộ huyễn thân
Tứ đại, giả hợp hương trần bụi bay
Cuộc trăm năm giấc mơ dài
Phù sinh ảo mộng lâu đài chiêm bao
Tôi tìm tôi cõi nhiệm mầu
Một ngày chợt ngộ ra vào tự tâm
Trâu ơi sáu mươi ba năm
Khứ lai vô tận thậm thâm đi về
Tôi tìm tôi cội Bồ-đề
Kim cang vi diệu bốn bề vốn không
Buồn vui ảo hóa tím hồng
Nhận ra viễn tướng tâm tòng tịch như
Tôi tìm tôi tánh quyền thư
Vô Lượng Quang Thọ hiển từ phàm phu
Ngày ngày tinh tấn điều nhu
Tự tại tâm thức vô ưu thanh lòng
Dòng đời như một dòng sông
Sáng tối dơ sạch, lớn ròng hạo nhiên
Biết nhiếp phục, đoạn não phiền
Ấy là an trú thắng duyên Ta-bà
Kiếp người như một đóa hoa
Bình minh rạng rỡ chiều tà rụng rơi
Ai ơi thức tỉnh mộng đời
Tự mình thanh lọc khỏi nơi vui buồn
Tôi tìm tôi nẻo chơn thường
Pháp trần nhẹ phủi khỏi vương khỏi sầu
Trâu ơi! Phật tánh thẳm sâu
Thiều quang chiếu diệu thượng cầu niềm vui
Năm xưa mười bảy tháng mười
Có con trâu trắng hóa người dưới trăng
Năm nay mười bảy tháng mười
Dưới trăng có bóng khách cười nhớ trâu.
Cuộc đời như một đóa hoa, sớm nở tối tàn rất nhanh chóng. Mới sanh ra như buổi bình minh, chớp mắt đã thấy hoàng hôn đến rồi, trong nẻo luân hồi sanh tử thì mơ mơ màng màng, không biết đường đi lối về. Chỉ khi hiểu được sự mong manh, vô thường của kiếp người, ta mới can đảm buông xuống mọi ham thích tiền tài, danh lợi để chăm lo cho việc lớn sanh tử. Quan trọng vẫn là sự tu tập của bản thân mỗi người, phải làm sao để nhiếp phục được phiền não, an trú nơi Ta-bà với tâm vô nhiễm, biết tận dụng thắng duyên của kiếp người để tu tập hầu sớm thoát vòng sanh tử. “Trâu ơi” là cách chúng tôi gọi và thức tỉnh chính bản thân mình, nhìn vào bên trong để quán chiếu, dụng công tu tập, ngõ hầu thoát khỏi khổ đau. Quý Phật tử cũng nên biết thức tỉnh, tự nhắc nhở chính mình tinh tấn trên bước đường tu tập.
Bình luận bài viết