Thông tin

TRUYỆN NGỤ NGÔN

 

THIỀU CHỬU

 

Cái thân nguyên vẫn là không 

Có một người hành khách, đi qua một cánh đồng rộng. Trời tối không có chỗ nào ngủ trọ, giữa đồng có một cái lều, đành phải chui vào ngủ tạm một đêm. Nào hay vừa đến nửa đêm, hốt nhiên nghe thấy một tiếng hú rất dài. Một con ác quỷ cõng một xác người chết lại, quẳng xuống mặt đất, lại thấy một ác quỷ nữa chạy theo, nhe răng trợn mắt mà cướp lấy xác người chết. Hai con quỷ cãi nhau mãi không giải quyết được. Con quỷ đến trước nhác trông thấy người hành khách ngủ đấy, mới bảo con quỷ đến sau rằng: "Chúng ta cãi nhau mãi mà không có bằng cứ cũng vô ích, vậy anh cứ hỏi hắn xem cái xác này là do tôi hay do anh vác lại, tự khắc rõ ngay". Bấy giờ người hành khách đã sợ mất vía rồi, nhưng vì con quỷ bắt phải nói, thì không thể không nói mới nghĩ bụng rằng: "Mình nói thực thì bị con quỷ sau nó bắt tội, nói dối thì con quỷ trước nó bắt tội, âu đằng nào cũng chết, ta cứ nói thực là hơn". Nghĩ đoạn mới nói rằng: " Cái xác người chết này chính là do chú quỷ trước vác lại." Nói chưa dứt lời, con quỷ sau đã nổi cơn hung ác, vặn đứt ngay một cánh tay người hành khách quẳng xuống đất. Con quỷ đi trước vội bẻ cánh tay người chết chắp vào, lại y như trước. Con quỷ sau lại vặn một đùi, con quỷ trước lại chắp vào, cũng đúng như trước. Con quỷ sau vặn đầu quẳng xuống, con quỷ trước lại lấy đầu xác chết chắp vào, lần lần con vặn con chắp đổi hết cả toàn thân, rồi hai con quỷ chia nhau những phần quẳng ra kia ăn sạch nhẵn nhụi, xong mỗi con đi một ngả...

Đáng thương cho người hành khách, lúc đó mới thực mơ màng: "nghĩ bụng rõ ràng mình trông thấy cái thân thể mình bị hai con quỷ nó ăn hết rồi, còn cái thân thể hiện ta có đây, tịnh không có cái gì của ta cả, vậy bây giờ ta có thân, hay không có thân nữa nhỉ?". Nghĩ đi nghĩ lại nghĩ lại nghĩ hồi, trằn trọc không thể ngủ được, bất giác trời đã sáng trưng, người hành khách trở dậy ra về, đi qua một cái chùa, trong chùa có nhiều vị cao tăng Đại đức Trụ trì. Người hành khách mới tìm vào trong chùa, đem cái sự đêm qua ra bạch với các chư Tăng và hỏi: "Như thế là có thân hay không có thân?". Các sư nghe nói biết người khách đã có duyên tốt, đã hiểu được một đôi phần rồi, mới bảo rằng: "Không phải đến bây giờ anh mới không có thân, mà anh đã không có thân từ bao nhiêu kiếp rồi, cho đến cái kiếp này nữa, anh làm gì có thân. Anh thử nghĩ lại coi: cái mà anh công nhận là thân anh thực kia, thực ra nó chỉ là bởi bốn phần lớn nước, gió, đất, lửa hỗn hợp lại, thành ra một hình tượng giả dối thôi, chứ đó có phải là cái thân của anh thực đâu?". Người hành khách nghe nói, hiểu rõ được hết lẽ không thân, đoạn trừ hết phiền não, hưởng thú yên vui vô cùng vô tận.

Lời bàn góp:

Các Tổ xưa nói: hữu thân hữu khổ (có thân có thổ), thân vi khổ bản (thân là gốc khổ) đều là thấu rõ các lẽ của Phật đã nói "thế gian cái gì cũng là khổ, nào đói rét, nào đớn đau, nào chết chóc, nào tình ái, cơ man nào là khổ, nhưng đều là ngọn cả, duy có cái thân mới là cội rễ sự khổ, vì không có cái thân thì cái khổ không có chỗ nào mà bám vào mà khổ vậy". Song, đã có cái thân làm người ở thế giới đều là vì kiếp trước đã gây nên nghiệp, nên kiếp này làm thân này mà chịu những quả báo trước, thì lẽ tất nhiên là phải khổ, nhưng cái khổ đấy có thể trừ sạch được, mà có trừ sạch được, lại do cái thân này. Có cái thân tứ đại Ngũ uẩn này, biết suy nghĩ, biết hành động, biết lẽ chân thiệt giả dối, biết được đến chỗ cội nguồn sinh ra cái thân này, bấy giờ mới y theo chỗ biết đó, dũng mãnh tinh tiến, tu hành các phép chân chính, bố thí trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ, soi tỏ được cái chân tâm chân trí nguyên lại là thường trụ thường sáng, chỉ vì vô minh che lấp, nhận lầm cái thân tứ đại, Ngũ uẩn giả dối, mà bỏ cái giả dối, lấy cái chân thường, ấy mới là người biết học Phật vậy.

Ai còn tham chước cái thân giả mà tự tư tự đại xin hãy coi hai con quỷ kia mà nghĩ xem?

 

Người rồ không biết mình rồ

Tại một xứ kia, cứ mỗi năm tất có một kỳ nhất định mưa một trận mưa độc ác. Ai uống phải nước mưa này tức thì hoá rồ ngay. Nhưng trận mưa độc ác đổ xuống sông hồ ao chuôm đều chan hoà cả, cho nên cứ đến kỳ mưa thì dân cả hạt ấy đều hoá rồ hết. Người đã rồ thì không còn biết gì nữa, thôi thì cởi trần cởi truồng, lấy bùn lấy đất trát kín cả người, cả đến các quan sang cũng như thế.

Bấy giờ có mình ông vua, hiểu được cái cớ hoá rồ là tại nước mưa bèn sai người trước khi mưa thì lấy nắp đậy kín giếng laị, nước mưa không tràn vào được. Trong thời kỳ ấy, chỉ uống một nước giếng ấy, cho nên khi mọi người đều hoá rồ chỉ riêng có một mình vua vẫn tỉnh táo như thường. Song những người rồ kia, không tự biết mình là rồ, trông thấy vua như thế lại cho vua là rồ, và bảo nhau rằng: “Việc này không phải việc chơi, chúng ta phải mau mau tìm cách chữa mới được”. Vua nói rằng: “Các người chớ vội lo, ta tự khắc có thuốc chữa ngay” vua nói xong liền đi vào trong uống một chén nước độc ác rồi đi ra, tức thì cũng hoá rồ như mọi người. Mọi người thấy thế đều mừng rỡ nói rằng: “May thay! May lắm thay! Vua ta bây giờ không hoá rồ nữa rồi”. Qua hạn bảy ngày, mọi người tỉnh lại cả, nghĩ lại những nỗi rồ dại trước, y như một giấc chiêm bao mới tỉnh, tưởng đến cảnh tượng trần truồng, tự nhiên bật cười, rồi sửa sang mũ áo chỉnh tề, cùng vào chầu vua. Bấy giờ vua cũng đã tỉnh rồi, nhưng cố ý giả bộ như rồ, trần truồng lem luốc ngồi ngất ngưởng trên ngai rồng. Mọi người trông thấy ai nấy đều rụng rời. Vua mới giảng giải cho dân chúng hiểu hết mọi lẽ trước sau, bấy giờ mọi người mới biết rõ.

Lời bàn góp:

Cổ nhân có câu: “Tỉnh rồi thử xem những người say”. Ông Lục Tượng Sơn nói: “Con người sinh hoạt ở trong vòng cầm thú mà không tự biết mình là cầm thú, là vì cầm thú lại coi cầm thú”. Xem đến chuyện người rồ không biết mình rồ này, càng thấy những lời nói trên có cái ý vị sâu sa là nhường nào!

Chúng sinh nhầy nhụa ở trong tam giới, phóng túng cái lòng tham, sân, si, hàng ngày, hàng phút, hàng năm, hàng đời, âm thầm mù mịt như thể đêm trường, ai nấy đều trói chặt trong vòng nhân ngã, gây nên tai vạ động đất kinh trời, ghê lòng gớm mắt mà vẫn tự hào là thần thánh tài hoa. Có ai đem những đạo nhân từ, hiếu hữu, trinh tiết ra nói thì lại hùa vào mà chê cười cho là hủ, là gàn. Thậm chí Phật tổ Thích Ca xả thân cầu đạo, chứng cõi đại ngộ, phát minh bao nhiêu phép phương tiện để cứu cho đời, mà đời phần nhiều vẫn không trọng, lại còn báng bổ huỷ hoại, cũng đáng buồn thay!

 

Một Thái tử ngốc

Ngày xưa có một Thái tử, mới lên bảy tuổi đã vào núi tu đạo. Sau khi vào ở trong núi thì các việc ngoài, Thái tử không còn có biết việc gì nữa. Khi vua cha mất, tôi dân đều nghĩ rằng Thái tử tu từ thuở bé, chắc là đạo đức cao thượng, tài năng hơn người nhiều lắm, mới vào đón Thái tử về triều lên nối ngôi vua.

Hôm Thái tử mới về triều, người đầu bếp sửa soạn những món ăn cực kỳ ngon để làm tiệc mừng Thái tử. Thái tử ăn thấy ngon lạ, tưởng ngay người đầu bếp này có tài năng lắm, cho nên mới nấu được những món ăn ngon như thế. Vì thế, bất luận là cái gì, hễ cần dùng đến là bảo người vào tìm anh đầu bếp lấy.

Dân nghe thấy thế, đều cười là thái tử ngốc.

Lời bàn góp:

Cổ ngữ nói rằng: “Một ngày đàng một sàng khôn”, rằng: “Có học thì mới biết, có đi thì mới đến” cho hay không có học cố nhiên là ngu, mà học không có hành, không thực nghiệm, chỉ vùi đầu trong pho sách cổ, làm nô lệ cổ nhân, kết qủa nói thì trên trời dưới biển chi chi cũng biết, mà làm thực hành thì chẳng biết chi chi. Nhà Nho chê là Thực cổ bất hoá, nhà triết học cho là học nhồi sọ là ăn bội thực, cũng không phải là lời quá đáng vậy. Ông Vương Dương Minh nói rằng: “biết mà không làm, không phải là biết. Biết thế nào lại làm được như thế, thế mới là biết thực.”

Phái tu Tịnh Độ bên Nhật Bản cứ thụ giới rồi thì phải vân du khắp các chốn thành thị thôn quê để khảo sát thế thái nhân tình. Trong vòng năm, bảy năm họ mới trở về hoằng đạo. Phép tu như thế tưởng cũng là một phép rất đúng với phương phép của Phật tổ vậy.

Xem câu chuyện Thái tử ngốc thì ai là không cười vỡ bụng. Nhưng thử để ý xem xét đến thực tế của các nhà tu học ngày nay, tưởng cũng có hàng compagnie Thái tử ngốc vậy.

 

Thầy lang nông nổi

Ngày xưa có một ông vua một nước lớn kia, bị bệnh rất nặng, các thầy lang trong nước chữa mãi không bớt. Sau nghe đồn rằng ở một nước nhỏ rất xa kia có một thầy lang giỏi nổi tiếng chữa được bách bệnh. Nước ấy lại là nước chịu dưới quyền cai trị của nước lớn kia. Ông vua nước lớn mới ra lệnh đòi thầy lang. Thầy lang tới nơi, quả nhiên chữa chưa bao lâu, đã chữa cho vua khỏi bệnh. Vua mừng lắm, liền xuống chiếu cho ông vua nước nhỏ kia biết rằng thầy lang có công chữa được khỏi bệnh, phải nên trọng thưởng cho nhà thầy. ông vua nước nhỏ vâng chỉ ban thưởng cho thầy lang, vì thế mà nhà thầy lang hốt nhiên trở nên một nhà giầu có lớn. Bà lang nghiễm nhiên trở nên một bà chủ lớn. Còn thầy lang vì vua còn lưu lại chưa về đến nhà, chưa biết những sự ở nhà, trong lòng ngẫm nghĩ, những ân hận rằng: “Mình chữa cho vua khỏi bệnh, tưởng thế nào vua cũng trả ơn cho kha khá, ai ngờ chờ đợi bấy lâu vẫn chẳng thấy nước gì cả”. Thầy lang càng nghĩ lòng càng tấm tức, mới cố từ xin về. Vừa về đến địa phận nhà, trông thấy ngoài đồng có một đàn voi. Thầy lang hỏi thăm là voi của ai. Những kẻ chăn voi nói là voi của nhà thầy lang, vì thầy có công chữa cho ông vua nước lớn khỏi bệnh, nên vua ban cho. Thầy lang đi một quãng nữa thấy một đàn ngựa. Thầy lang hỏi thăm đàn ngựa của ai. Trẻ chăn ngựa lại nói là của thầy lang kia, vì thầy chữa khỏi bệnh cho ông vua nước lớn, nên vua ban cho. Thầy lang đi một quãng nữa, lại thấy một đàn dê. Thầy lang hỏi thăm là dê của ai. Đàn trẻ chăn dê lại nói như trước. Thầy lang đi một hồi nữa thì về tới nhà, trông lên thấy lầu son gác tía, khác hẳn ngày xưa, mới hỏi thăm đây là nhà ai? Người canh cửa nói: “Đây là nhà thầy đó”. Thầy lang bước vào trong nhà, trông thấy một người đàn bà, ngọc dắt trâm cài, quần là áo gấm, không nhận được là ai nữa. Mới hỏi đứa đầy tớ rằng: Bà này là người nào? người đầy tớ đáp, đây là bà lang con đấy ạ. Bấy giờ thầy lang mới bổ chửng người ra mà na nẩm rằng: “À, ra vua hậu đãi ta thế này mà ta không biết. Ta chữa bệnh cho vua không được hết lòng, thực đáng thẹn xiết bao!

Lời bàn góp

Làm thiện được phúc, làm ác phải tội đó là cái luật nhân quả, nhất định không sai. Vậy nên người ta ai đã làm được một việc tốt thế nào rồi cũng được hưởng cái kết quả tốt. Nhưng cũng có khi cái kỳ kết quả nó còn muộn nên chưa thấy ngay. Nếu vì chưa trông thấy kết quả ngay mà đã cho là không có kết quả, cái kiến thức nông nổi như thế thì có khác gì thầy lang kia! Chúng ta xem chuyện thầy lang thì chúng ta bật cười. Có biết đâu chúng ta lại lắm chỗ đáng cười hơn là thầy lang kia!

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 48
    • Số lượt truy cập : 6951862