Thông tin

TỰ BẢO VỆ MÌNH TRƯỚC NẠN ĐẠI DỊCH COVID 19

 

HUỲNH VĂN ƯU

 

 

Làn sóng dịch Covid-19 ngày càng bùng phát mạnh mẽ trên thế giới và khu vực như Campuchia, Lào, hai nước láng giềng này có chung đường biên giới biển và nhiều đường mòn lối mở với Việt Nam, nên việc kiểm soát vô cùng phức tạp. Trước tình hình khó khăn dịch Covid-19, việc bảo vệ sức khỏe cho con người là tuyệt đối tự nguyện, tự giác không lơ là, chủ quan, phải thực hiện nghiêm túc phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Về bản thân cũng phải có cách riêng nhằm ngăn ngừa để tự bảo vệ mình, bảo vệ chúng sinh (bảo vệ cộng đồng). Đó cũng là sự chung tay, góp sức nhằm đẩy lùi đại dịch bệnh Covid-19.

Thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, trước tình hình đại dịch diễn biến phức tạp, người dân phải ý thức tự nguyện, tự giác khi bước ra đường phải đeo khẩu trang đó là một trong số 5K cần phải nghiêm túc thực hiện; kế đến là khử khuẩn, giữ khoảng cách, không tập trung sau cùng là khai báo y tế. Hết lòng ủng hộ và thực hiện Nghị quyết Chính phủ về việc mua vaccine để tiêm phòng chotoàn dân. Bởi đây là sự quan tâm hết sức của lãnh đạo Chính phủ, đây còn là giải pháp quan trọng để chủ động chống dịch Covid-19.

Như đã nói trên Việt Nam phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây Nam giáp Campuchia, Lào, đây là những nước có nhiều bệnh dịch xảy ra, nên số người muốn trốn đi nước khác là điều không tránh khỏi. Các chiến sĩ, bộ đội, dân quân ngày đêm canh giữ nơi biên cương để chúng ta có được nơi êm ấm, ở hậu phương chúng ta phải quan tâm yêu thương người tiền tuyến bằng nhiều cách, trong đó điều quan trọng nhất là không tiếp tay môi giới đưa người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với khẩu hiệu “Mạng sống hay lợi nhuận”.

Về bản thân chúng ta cần phải giữ tâm thanh tịnh trước nạn đại dịch, đừng hoang mang sợ sệt thái quá mà mất đi sự chủ động phòng dịch, tâm thanh tịnh giúp ta có nhiều năng lượng, có nhiều tế bào giúp thân thể khỏe mạnh mới có cơ hội chống chọi dịch, đạt phần thắng lợi đẩy lùi dịch bệnh. Ví như thời tiết thay đổi bất thường lại có người nóng sốt, phong hàn, cảm mạo… đó là những người mất chất đề kháng chống dịch (nói theo ông bà xưa) từng dạy con cháu trước thời tiết giao mùa đừng đi mưa, về nắng. Còn nói theo tôn giáo thì tâm thanh tịnh sinh ra trí tuệ, có trí tuệ thì nhìn mọi vấn đề đều minh bạch rõ ràng không dính mắc phiền não nhiễm ô, đồng thời cũng sinh ra nhiều năng lực ứng phó trước giông bão sự thế khó lường. Còn như vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, rồi dính chặt vào lo nghĩ thì sự việc sẽ sinh ra, bởi “do tâm tương sinh” chiêu cảm mà có. Cho nên tâm thanh tịnh ở trong đạo ngoài đời đều phải đặt lên hàng đầu trong đời sống. Ví như, trước sự việc nhỏ như để quên mắt kính mà tâm không thanh tịnh thì chạy đôn chạy đáo lục tung cả nhà mà không tìm được, chi bằng tâm thanh tịnh ngồi nghĩ thì nhớ ra liền. Việc lớn như cả hai người đều sắp chết, nhưng người tâm không thanh tịnh thì nghĩ ngợi, lo sợ lung tung, sau khi chết không biết hướng đi, còn người tâm thanh tịnh, đứng trước cái chết luôn hướng về cõi Tây phương niệm Phật cầu về Cực Lạc và một lòng tin chắc chắn sẽ được Phật Di-đà hộ trì dẫn đi... Rõ ràng tâm thanh tịnh rất lợi ích lúc sống cũng như lúc chết.

Đứng trước nạn đại dịch Covid-19 mỗi người trong chúng ta đều có cái suy nghĩ riêng về nguyên nhân cũng như cách làm thế nào thoát khỏi nạn dịch. Riêng cá nhân mình cũng đã nghĩ là phải giữ gìn sức khỏe để có chất đề kháng (tế bào), tế bào mình mạnh thì dịch Covid 19 khó mà xâm nhập. Bệnh dịch đã từng xảy ra từ nhiều thế kỷ trước, ông bà ta đã có cách ngăn ngừa riêng của họ, đa phần là dịch xảy ra theo thời tiết, mùa vụ thời gian. Trước cảnh thiên tai, dịch họa nhiễu nhương, trên từ vua quan dưới đến hàng thứ dân ai nấy đều một lòng cầu khấn nạn dịch sớm bình an. Đó cũng là cách.

Năm 1503, vào lễ Tết Đoan ngọ có lễ ban quạt cầu “phúc lành, sức khỏe, bình an” với bài thơ của vua Lê Hiển Tông viết trên quạt kích thước (2,4m). Ý của bài thơ là nhà vua muốn khuyên răn văn võ bá quan trong triều nên để ý thiên tai địch họa chăm lo đời sống nhân dân. Thiên tai dịch họa là mối lo của người đứng đầu thiên hạ. Thiết nghĩ qua đó nhằm nhắc nhở trách nhiệm, bổn phận của mỗi người trong chúng ta từ trên xuống dưới, chẳng phải riêng ai.

Vào triều Nguyễn có lễ tế Đàn Nam Giao, Giao tức là lễ tế trời đất, được khởi công xây dựng 25-3-1806, lần đầu tiên tổ chức tế lễ 27-3-1807. Sau lễ Đàn Nam Giao là Đàn Xã Tắc là vị thần quan trọng nhất trong năm vị thổ thần. Tắc là lúa duy nhất trong ngũ cốc; Xã tắc còn tượng trưng cho đất đai và Tổ quốc, ý nghĩa càng thiêng liêng những ngày lễ này cũng không nằm ngoài ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi, mọi việc bình an… Vào triều Minh Mạng, bệnh dịch bùng phát từ mùa thu sang mùa đông nhà vua đã lấy Bạch đậu khâu trong kho và phương thuốc chữa bệnh dịch, sai người ban cấp; Sắc cho các địa phương mỗi nơi đặt một đàn tế lễ, lại còn sai bố thí cho các nhà chùa làm đàn trai cầu đảo… Thật cảm thương tâm sự trước lời than thở của Ngài mà lấy làm quý mến kính trọng: “(Thấy nhiều người ốm chết) Trẫm lấy làm thương, Trẫm từ khi lên ngôi đến giờ, nau náu, nơm nớp, chỉ sợ chưa hợp ý trời, nay đại hạn và ôn dịch làm tai vạ, có lẽ là trời răn ta bất đức chăng”?

Với lòng mong mỏi nạn đại dịch Covid-19 sớm qua mau, gia đình tôi ngày hai thời sáng tối luôn cầu nguyện chư Phật và chư Bồ-tát mười phương Từ bi cứu khổ chúng sanh cõi Ta-bà sớm được bình an trong cuộc sống. Nói theo nhà Phật thì tất cả chúng sanh hữu tình hay vô tình đều có sự sống. Nên chăng, chúng ta thử dùng biện pháp hóa giải với dịch Covid-19 hơn là tìm cách đối đầu tiêu diệt, tiêu diệt chỉ kết oán thêm, cho nên tôi luôn tìm mọi phương cách để hóa giải. Từ ngày bệnh dịch xảy ra, mới đầu tưởng chừng vài tháng sẽ qua khỏi, nào ngờ đến nay đã hơn một năm. Dịch bệnh không giảm mà có chiều hướng phức tạp, khó lường thêm, dịch bệnh lại sinh ra nhiều biến chứng mới, lây lan diện rộng hơn, nhanh hơn.

Dịch Covid-19 xảy ra trên toàn thế giới, đây là báo hiệu sự cộng nghiệp không riêng cho nước nào, vùng nào. Như vậy, cộng nghiệp này phải có nguyên nhân chung, mà trên thế giới này nghĩ mãi chẳng thấy có cái chung nào xấu để bệnh dịch hoành hành đau khổ như thế này. Nhớ lại những năm gần đây, trên thế giới đều quan tâm đến môi trường, và gọi nhau đừng phá hoại môi trường. Có lẽ đây là nguyên nhân không tốt, bởi môi trường bị hủy diệt tàn sát như phá rừng, chặt cây, bao nhiêu sinh vật nhỏ như, muỗi, kiến, côn trùng, chim bay, thú chạy đều không có chỗ nương tựa (vì đó cũng là chúng sinh) rồi cuộc sống nó sẽ ra sao, đó là nói về đất liền rừng rậm, còn biết bao môi trường chung quanh khác như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, nạn khai thác cát, đất làm tiêu diệt biết bao sinh linh trong lòng đất, trong không khí, đó là chưa nói đến khí thải từ nhà máy, xí nghiệp, trong sinh hoạt thì đâu đâu cũng thấy hóa chất tiêu diệt chúng sinh, một dòng sông chỉ cần cho chút hóa chất xuống thì tôm cá đều chết sạch. Vì lợi dưỡng cuộc sống cá nhân mà giết hại muôn loài, những việc làm trên là nhân của nhiều đời, nhiều năm, nhiều tháng tích tụ lại mà có quả như ngày hôm nay.

Với những suy nghĩ từ cuộc sống tận đáy lòng, hàng ngày thấy nghe đâu đâu cũng có bàn tay con người phá hoại môi trường không hối tiếc, vì lối sống ích kỷ tạo nhân nay đành chịu nhận quả lụy thân. Tôi thật sự quá sợ, và đau đáu nghĩ đến tương lai, biết các nhà khoa học tài ba lỗi lạc có sớm tìm giải pháp nào cứu thế giới này không, còn biết việc gì xảy ra nữa, lành hay dữ đây! Trong khi chờ đợi không gì hơn là cầu nguyện và hóa giải mọi chướng ngại. Đó là tôn trọng môi trường, bảo vệ môi trường sống cho muôn loài. Nói theo Thủ tướng Chính phủ: “Chống dịch như chống giặc”, chống giặc là chống giữa người với người, đôi khi còn hòa giải, ngồi lại bàn với nhau để tìm cách hóa giải cho đôi bên đều có lợi. Thì ở đây, ta cũng dùng cách nầy hòa giải với dịch Covid-19 bằng cách chúng ta không phá hoại môi trường mà còn bảo vệ môi trường sống của các (loài) nữa, được như vậy tin chắc mọi việc trước sau sẽ êm thấm. Ai có nhà nấy, như vậy có tốt hơn không, hai bên khỏi tốn công, tốn sức, khỏi mất thời gian, “vạn sự dĩ hòa vi quý”.

- Nam-mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật

- Nam-mô A-di-đà Phật

- Nam-mô Đại-từ Đại-bi cứu khổ cứu nạn Quảng đại, Linh cảm Quán Thế Âm Bồ-tát.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 15
    • Số lượt truy cập : 6704588