Thông tin

TỪ BI: MỘT ĐỨC HẠNH

ĐỂ SỐNG THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG

 

LÊ VĂN TÂM[1]

 

1. Dẫn nhập

Ô nhiễm môi trường không phải một vấn đề mới. Từ Bi là một hạnh cần được thường xuyên suy niệm và tu tập cũng không xa lạ gì đối với Phật tử. Vì vậy, chúng tôi khẳng định rằng đề tài “Từ bi: một đức hạnh để sống thân thiện với môi trường” sẽ không mang đến cho quý vị một ý tưởng đặc biệt nào ngoài ước mong được sự góp ý của quý vị nhằm soi sáng nội dung sắp được trình bày.

Sự ô nhiễm và hủy hoại của môi trường do tác động của con người thực ra đã diễn ra đó đây từ bao nhiêu thế kỷ xa xôi rồi, song mức độ nguy hại của chúng chỉ giới hạn trên bình diện địa phương. Từ thế kỷ thứ 18, nhờ khoa học và công nghiệp ngày càng phát triển, sức mạnh biến cải mặt đất của con người tăng lên khủng khiếp. Sự biến cải ấy đã lưu lại khắp địa cầu bao nhiêu chất độc nguy hại cho sức khoẻ và đã hủy hoại hàng loạt địa bàn sống mà nhiều nơi không còn hy vọng tái sinh lại được.

Những sự ô nhiễm quá tải cho môi trường dù mang lại tai họa ngắn hạn hay sự suy thoái dài hạn đều là những nhân tố hình thành sự khủng hoảng môi trường (hay khủng hoảng sinh thái) ngày nay. Những tai họa ngắn hạn tuy chỉ gây dư luận một thời song dấu ấn để lại không dễ xóa nhòa. Cuộc chiến tranh vì dầu hỏa tại vùng Vịnh, sự cố Dioxin ở Seveso ở Ý năm 1974, tai nạn lò nguyên tử tại Tschernobyl/ Ukrain năm 1986 và vô số cuộc chìm tàu chở dầu trên các đại dương v..v.. vẫn tiếp tục gây nỗi lo âu và thường được lập lại trong các cuộc thảo luận về tương lai nhân loại.

Đối với những sự suy thoái dài hạn của môi trường, con người cũng trở nên nhạy cảm hơn. Nhiều người không còn quá thờ ơ trước những tin tức về “sự sa mạc hóa cướp đi ngày càng nhiều đất đai phì nhiêu” tại những vùng xa xôi, về sự “ô nhiễm ngày càng tăng lên trong không khí và sông biển”. Nhiều người cũng chịu khó liếc mắt vào bình luận về “sự tiếp tục suy giảm của đa dạng sinh học” hoặc “ranh giới băng tuyết tại bắc cực ngày càng thu hẹp lại”. Họ cũng lo lắng hơn về nhiệt độ quả đất tăng lên v..v.. Tóm lại, số người ý thức rõ rằng sự sống của con người luôn luôn tùy thuộc vào môi trường được nhân lên.

Tai họa và suy thoái về môi trường đã trở thành một thách thức lớn đối với những nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ, các chính phủ, các tổ chức quốc tế và các tôn giáo... Họ không chỉ tìm cách cập nhật sự hiểu biết của mình về cấu trúc, về chức năng và tiến trình của quỹ  thiên nhiên cũng như về  mối quan hệ phức hợp giữa con người và môi trường mà còn sát cánh hợp tác với nhau để truy tầm những giải pháp và một khung hành động chung cho mọi người trên thế giới trên lãnh vực bảo vệ môi trường, bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Chúng tôi nghĩ rằng Phật giáo, nói chung, và Phật tử, nói riêng, cũng đã và đang đóng góp cho những việc tương tự. Hôm nay chúng tôi xin góp phần bé nhỏ của mình vào việc chung ấy bằng cách giới thiệu lại những kỳ vọng lớn của cộng đồng các quốc gia trên thế giới trong sự nghiệp bảo vệ môi truờng và những lời khuyên dạy của Đức Phật trong kinh Từ (Bi) mà chúng  tôi đã thọ lãnh như những phương tiện, những hành trang quí báu để sống thân thiện với môi trường, với thế giới đồng hiện hữu.

2. Từ Hội nghị Thượng đỉnh Stockholm đến Hội nghị Thượng đỉnh Johannesburg.

Trên bình diện quốc tế, UNESCO là một trong những tổ chức đầu tiên đã nhận thấy vấn đề môi trường là một thách thức mới của nhân loại. Tháng 9 năm 1968, UNESCO đã triệu tập tại Paris/ Pháp một hội nghị về môi trường nhằm tìm kiếm phương cách sử dụng hợp lý và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của sinh quyển [2].

Bốn năm sau, năm 1972, “Hội nghị Liên hợp Quốc về Môi trường con người” được tổ chức tại Stockholm/ Thụy Điển. 113 quốc gia tham dự Hội nghị này đã thừa nhận sự xuống cấp của môi trường toàn cầu và nhận thấy cần phải có ngay biện pháp bảo vệ và cải thiện vì đó là “một vấn đề lớn có ảnh hưởng tới phúc lợi của mọi dân tộc và phát triển kinh tế toàn thế giới…”. Hội nghị cũng nhấn mạnh trách nhiệm quan trọng của con người trong sự  nghiệp này, vì ”con người trong thời đại hôm nay đang có trong tay một sức mạnh biến đổi môi trường rất lớn, nếu biết sử dụng một cách thông minh thì nó có thể mang lại cho mọi dân tộc những lợi ích phát triển và cơ hội làm cho chất lượng cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu sử dụng sai và vô ý, cũng sức mạnh ấy có thể gây hại cho con người và môi trường một cách không lường được.” [3].

Hội nghị đã đề ra 26 nguyên tắc định hướng cho hành động nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên “bao gồm không khí, nước, thực vật và động vật và các hệ sinh thái thiên nhiên”, hoặc nhằm “cải thiện năng lực của trái đất”, ngăn ngừa các chất ô nhiễm độc hại… Những nguyên tắc về phát triển kinh tế xã hội, về quy hoạch định cư, về dân số hoặc về giáo dục, về nghiên cứu và triển khai khoa học cũng đều có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo đảm những lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường. Hội nghị cũng đòi hỏi từng công dân, mọi cộng đồng, mọi xí nghiệp và mọi thể chế, mọi chính phủ thuộc các cấp cần phải “ nhận trách nhiệm cùng nhau chia sẻ bình đẳng mọi nỗ lực chung …[4].

Sau 20 năm thực hiện, kết quả đạt được thật là ít ỏi, bởi vì những nghị quyết được thông qua không mang tính cưỡng chế. Hơn nữa các chính phủ trên thế giới vẫn luôn luôn xem việc tăng trưởng kinh tế là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong việc xây dựng đất nước. Kinh tế là huyết mạch. Kinh tế là động lực đưa đấ nước đi lên. Vì vậy một đồng bạc được đưa vào việc bảo vệ môi trường thường được xem như là một đồng bạc bị đánh mất trong việc đầu tư kinh tế.

Rút kinh nghiệm đã qua, người ta nhận thấy rằng các mục tiêu môi trường chỉ có thể đạt được khi nó được gắn liền với những mục tiêu kinh tế và xã hội trong một chính sách phát triển toàn diện. Một khái niệm mới dần dà được hình thành. Đó là khái niệm “phát triển bền vững”, trong đó sự phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi truờng được trở thành 3 trụ cột gắn bó với nhau, hỗ trợ cho nhau và củng cố, hài hòa lẫn nhau. Khái niệm này được hiểu một cách khá thống nhất và đồng thuận tại “Hội nghị Liên Hợp Quốc về Môi trường và Phát triển” được tổ chức vào năm 1992 tại Rio de Janeiro/ Braxin. 178 quốc gia tham dự Hội nghị đã công nhận “Phát triển bền vững” là một “Chiến lược của thiên niên kỷ” nhằm xây dựng một nền văn minh bền vững trên Trái Đất. Nội dung quan trọng hàng đầu của chiến lược là xoá nghèo khổ, cải thiện đời sống, tạo sự phồn vinh và hoà bình cho nhân loại.

Hội nghị Rio đã tuyên bố 27 nguyên tắc cơ bản định hướng cho hành động của các chính phủ. Kèm theo đó là Chương trình Nghị sự 21 (Agenda 21) bao gồm 40 chương ghi rõ chi tiết những hành động quyết định cho tương lai trái đất [5].  Nội dung quan trọng nhất là chống nghèo khổ, thay đổi thói quen tiêu dùng, kế hoạch dân số, quy hoạch phát triển khu dân cư, bảo vệ sức khoẻ, bảo vệ khí quyển, chống sự phá rừng và sa mạc hóa, bảo vệ biển và nguồn nước ngọt, xử lý rác và hóa chất độc hại, tăng cường vai trò nữ giới, quan tâm đến trẻ em và thiếu niên, phát triển khoa học, giáo dục và đào tạo, phát triển công nghệ sạch, phát triển hợp tác quốc tế v..v..

So với Hội nghị Stochkolm năm 1972, nhiệm vụ bảo vệ môi truờng không còn là ưu tiên hàng đầu nữa, tuy nó vẫn được xem như là “bộ phận cấu thành của quá trình phát triển” (Nguyên tắc 4). Nó được đưa ra phía sau việc phát triển kinh tế và xã hội. Nguyên tắc 5 trong Bản Tuyên bố của Hội nghị đã ghi rõ rằng việc “xoá bỏ nghèo khổ là một nhiệm vụ chủ yếu (…) để giảm sự chênh lệch về mức sống và để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đại đa số nhân dân trên thế giới”[6] .

Sau Hội nghị Rio, Chiến lược “phát triển bền vững” đã trở thành quốc sách của tuyệt đại đa số quốc gia trên thế giới. Đây cũng là hệ quả tất yếu khi mà Hội nghị đã công nhận Trái Đất là ngôi nhà chung của nhân loại.

Từ năm 1992 đến nay, Chính sách phát triển bền vững đã được truyền đạt rộng rãi đến công dân mọi quốc gia và được viết, được quảng bá qua các phương tiện truyền thông trên khắp thế giới. Nhưng kết quả thu hái được sau 10 năm thực hiện thì như thế nào?

Sau đây là câu trả lời của Phó Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Nitin Desai tại “Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững” được tổ chức tại Johannesburg, Nam Phi năm 2002:

”Mặc dù đã có sự cải thiện điều kiện xã hội và tiến bộ trrong việc ban hành pháp luật, nhìn chung, thành quả ghi nhận được còn nghèo nàn. Nghèo khó và các bệnh tật có khả năng tránh được vẫn còn tồn tại. Môi trường đất, nước, đại dương, rừng vẫn tiếp tục suy thoái. Các rủi ro như từ sự biến đổi khí hậu cũng như các lĩnh vực khác tiếp tục tăng lên”[7].

Câu trả lời này cho thấy rõ rằng các mục tiêu chính mà Hội nghi Rio quyết tâm hướng tới đã không đạt được. Trong lãnh vực môi trường, sự suy thoái không chỉ tồn tại như cũ mà còn trở nên trầm trọng hơn nữa! Sự thật này đã đi ngược lại mục tiêu và điều cam kết long trọng của Hội nghị Rio.

Tuy vậy 10 năm so với 990 năm vẫn còn lại quá ngắn để có thể có một đúc kết chung cuộc. Để tiếp tục thúc đẩy tiến trình phát triển bền vững, một Hội nghị toàn cầu nối tiếp mang tên là “Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về phát triển bền vững” được tổ chức tại Johannesburg, Nam Phi vào năm 2002, với sự tham gia của 196 quốc gia trên thế giới. Ngoài việc đánh giá kết quả của 10 năm trước, Hội nghị đã tập trung bàn thảo về “sự toàn cầu hóa hàng ngày và khắp mọi nơi” và cố gắng tìm các giải pháp cho những vấn đề cản trở tiến trình phát triển bền vững. Sự “phát triển kinh tế theo hướng thương mại và tự do hóa tài chánh” được xem là một vấn đề lớn “đã gây nhiều khó khăn cho việc theo đuổi các mục tiêu môi trường và xã hội…”.

Hội nghị Johannesburg đã mang lại nhiều đổi thay. Thứ nhất, đó là sự mở rộng nội dung của khái niệm “phát triển bền vững” bằng 3 mục tiêu bao quát gồm có: chống nghèo khổ, thay đổi hình thức tiêu dùng và sản xuất và quản lý tài nguyên thiên nhiên để phục vụ kinh tế, xã hội. Nhiều mục tiêu cụ thể cũng được xác định, nổi bật hơn hết là các mục tiêu hướng đến việc phục vụ lợi ích cho phụ nữ, thanh niên, trẻ em và những nhóm người đễ bị tổn hại.

Thứ hai, đó là sự mở cửa cho những đối tác ngoài chính phủ được đóng góp phần của họ vào sự nghiệp phát triển công bằng và bền vững. Sự mở cửa này cũng có thể xem như một sự công nhận năng lực và hành động hữu hiệu từ trước đến nay của các tổ chức phi chính phủ, của các hiệp hội dân sự, các công đoàn phụ nữ thanh niên, các doanh nghiệp lớn, các hiệp hội kinh tế cấp địa phương v..v…

Thứ ba, Hội nghị Johannesburg đã nhất trí thông qua “Chương trình để thực hiện Chương trình Nghị sự 21 của Hội nghị Rio năm 1992” và cam kết tiếp tục hành động vì sự phát triển bền vững.

Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Johannesburg, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan đã kết thúc bài diễn văn bằng câu nói như sau: “Đã đến lúc chúng ta cần thực sự vào cuộc và hành động. Thời điểm kết thúc hội nghị hôm nay (ngày 04/09/2002) chính là thời điểm khởi đầu công việc của chúng ta”.[8].

3. Một số nguyên nhân khiến chiến lược “Phát triển bền vững” chưa ngăn chận được sự suy thoái của môi trường

Trên thực tế, thời điểm này đích thực là điểm khởi đầu của các hoạt động phân tích, đánh giá và phê phán về Hội nghị. Có rất nhiều người tỏ sự ngờ vực về kết quả có thể đạt được sau Hội nghị.

Nhiều câu hỏi được đặt ra:

Liệu trong tương lai còn có bao nhiêu thời điểm mới nữa để bắt đầu thực hiện lại chương trình đã từng triển khai trong quá khứ?

Liệu nội dung của “phát triển bền vững” có còn đổi mới hay bổ xung nữa không?

Liệu đến cuối thế kỷ 21 này hay đến vài ba thế kỷ kế tiếp cộng đồng những quốc gia trên thế giới có thể thực hiện thành công việc “xây dựng trên quy mô toàn cầu một xã hội nhân bản, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và thấu hiểu về nhu cầu phẩm giá cần cho tất cả mọi người” chăng? (8).

Liệu sau vài thế kỷ hành động cộng đồng các quốc gia có thể giúp cho trẻ em “được thừa hưởng một thế giới không có sự phỉ báng và khiếm nhã do nghèo khó, suy thoái môi trường và các mẫu hình phát triển không bền vững gây ra” chăng? [9]

Liệu “Chương trình để thực hiện Chương trình Nghị sự 21” của Hội nghị Johannesburg có thể sớm ngăn chận sự suy thoái môi trường chăng? Hay còn cần thêm một Chương trình mới nữa?

Chúng ta có thể hiểu được tâm trạng ngờ vực có pha lẫn một chút châm biếm tàng ẩn trong những câu hỏi trên bởi vì bao nhiêu cam kết, hứa hẹn và nỗ lực từ Hội nghị Paris năm 1968 cho đến Hội nghị Johannesburg năm 2002 đã đưa lại một số kết quả vô cùng khiêm tốn, và trên khía cạnh bảo vệ môi trường thì thật là đáng thất vọng. Kết quả ấy đã chỉ ra sự yếu kém trong sự liên kết hành động của cộng đồng các quốc gia trước những vấn đề cấp bách của nhân loại. Hơn nữa để đạt

Nhiều người đã không dấu được nỗi thất vọng vì “Chương trình hành động” không phải là một Chương trình để đem ra triển khai vì nội dung chủ yếu chỉ là những mục tiêu không ràng buộc. Càng thất vọng hơn nữa là mối quan tâm hàng đầu của Hội nghị hầu như chỉ tập trung vào vấn đề kinh tế.

Biết đâu 10 năm, 20 năm hay 50 mươi năm sau rồi cũng sẽ có những lời tự phê như lời tự phê đáng để suy ngẫm của Tổng Thống nước Cộng hòa Nam Phi Thabo Mbeki trong bài Phát biểu chào mừng của ông tại Hội nghị Johannesburg năm 2002: “Thật đáng buồn, chúng ta vẫn chưa đạt được một bước tiến nào đáng kể trong việc thực hiện hóa những điều khoản của Chương trình Nghị sự 21 và những thỏa thuận quốc tế khác. Rõ ràng là cộng đồng toàn cầu vẫn chưa tỏ rõ ý chí thực hiện những quyết định đã được chúng ta thông qua một cách dễ dàng. Hậu quả  hiển nhiên của việc này là sự tăng lên những nỗi thống khổ của nhân loại, suy thoái về sinh thái, kể cả gia tăng ngăn cách Bắc Nam - mà tất cả những điều đó lẽ ra đã có thể phòng tránh được” [10].

Thực ra sự thiếu ý chí thực hiện của cộng đồng toàn cầu mà Tổng Thống Thabo Mbeki đã thẳng thắng nhìn nhận chưa phải là nguyên nhân duy nhất cản trở sự thực hiện những khát vọng to lớn và quý báu của các Hội nghị thượng đỉnh. Còn nhiều nguyên nhân khác nữa mà chúng ta đã nghe tại nhiều cuộc hội thảo hay đã góp nhặt từ sách báo.

Họ đã lên tiếng về sự trì trệ của các quốc gia. Họ đã mổ xẻ các biện pháp đề ra không mang tính khả thi. Họ đã phê phán tính cách lý thuyết hoặc tuyến tính của tư duy xây dựng Chiến lược phát triển bền vững. Họ đã nhức đầu về Chương trình nghị sự quá lớn lao mà chính những người trong hội nghị cũng đã không thực sự hiểu thấu đáo những mối liên kết giữa các vấn đề [11]. Họ nghi ngờ lời kêu gọi của Hội nghị về sự tăng cường đối thoại và sự hợp tác giữa các nền văn minh và các tôn giáo [12], bởi vì vấn đề văn hóa, một động lực quan trọng của sự phát triển, không được đề cập đến trong Hội nghị, nhưng bóng dáng của nền văn hóa Tây Phương lại ẩn hiện đó đây trong Chiến lược phát triển bền vững. Nền văn hóa ấy lấy con người làm bản vị và đã hợp pháp hóa vai trò thống trị của con người lên thiên nhiên.

4. Khủng hoảng sinh thái là khủng hoảng tâm thức của con người

Như chúng ta đã biết, Chiến lược phát triển bền vững được xem là chiến lược thiên niên kỷ. Việc thực thi, việc bàn thảo, việc chỉnh sửa chắc chắn sẽ còn dài vô tận so với một đời người. Chúng tôi xin không đi sâu vào các nguyên nhân cản trở việc bảo vệ môi trường để trình bày vài ý tưởng được khởi lên từ một số vấn đề của các Hội nghị Thượng đỉnh và sau đó xin gợi ý về một giải pháp cốt lõi rút ra từ Kinh Từ Bi.

Các Hội nghị quốc tế về môi trường và phát triển bền vững, theo quan điểm của chúng tôi, thật đáng được ca ngợi.

Thứ nhất, các Hội nghị này, đầu tiên là Hội nghị Stockholm, đã cơ bản gộp chung lại những lãnh vực kinh tế, xã hội và môi trường mà trước kia chúng đứng tách biệt nhau và chỉ rõ rằng việc bảo vệ môi trường không thể đứng độc lập được. Hội nghị đã đưa ra một nội dung lý tưởng cho những mục tiêu cụ thể vì nhân loại.

26 nguyên tắc được Hội nghị tuyên bố đã làm rõ nét sự đan kết giữa những vấn đề tưởng như không có mối quan hệ trực tiếp và khắn khít với nhau, ví dụ như giữa “quyền cơ bản được tự do bình đẳng” và “các hình thức bóc lột và thống trị nước ngoài khác” (nguyên tắc 1) với sự bảo vệ tài nguyên và các hệ sinh thái thiên nhiên vì quyền lợi của các thế hệ hôm nay và tương lai” (nguyên tắc 2), giữa “tính ổn định về giá cả và thu nhập” với “quản lý môi trường” (nguyên tắc 10)  giữa sự cung cấp các nguồn lực gìn giữ, cải thiện, quản lý môi trường (nguyên tắc 12 và 13) với quy hoạch định cư, quy hoạch dân số (nguyên tắc 15, 16) ...[13]

Thứ hai các Hội nghị đã công nhận Trái Đất là “Ngôi Nhà Chung” của nhân loại và tính toàn bộ của hệ sinh thái Trái Đất. Như vậy các Hội nghị đã chính thức soi sáng cho công dân các quốc gia trên thế giới thấy được mối quan hệ tương hỗ giữa nhân loại với thiên nhiên, giữa các hệ sinh thái nhân tạo với các hệ sinh thái thiên nhiên trong một mạng lưới rộng lớn của hệ sinh thái Trái Đất.

Hai điều trên đây đã giúp con người ý thức rõ tác động đúng-sai, tốt-xấu, riêng-chung đều mang tính liên đới dây chuyền dài hạn.

Những nhận thức của các Hội nghị thượng đỉnh là những nhận thức được phát xuất từ “tư duy nối mạng” của các bậc minh triết thuộc nhiều thế hệ đã qua và cuối cùng được đúc kết tại các Hội nghị.

Đối với hàng Phật tử, cách đây hơn 25 thế kỷ, đức Phật đã giảng dạy phương pháp tư duy nối mạng qua nguyên lý Duyên Khởi:

“Cái này hiện hữu thì cái kia hiện hữu. Cái này không thì cái kia không

Cái này sinh thì cái kia sinh. Cái này diệt thì cái kia diệt”.

Nguyên lý này chỉ rõ rằng mọi sự vật và hiện tượng trong thế giới và vũ trụ đều làm điều kiện (duyên) cho nhau (vừa là nhân và cũng là quả) vận hành và chuyển biến không ngừng nghỉ trong quá trình “sinh thành hoại diệt”. Cũng có thể gọi đó là Nguyên lý nhân quả tương hỗ.

Ngài Tịch Thiên đã nhắc lại trong tập Luận “Nhập Bồ Tát Hạnh”: “Tất cả các pháp đều do các duyên khác sinh ra. Không pháp nào tự có”. Điều này xác nhận rằng không có một thực thể độc lập. Mọi sự vật và hiện tượng đề bị chi phối bởi Nguyên lý nhân quả tương hỗ. [14]

Xin mạn phép vẽ ra đây hai sơ đồ giản lược sau đây để làm rõ nét các mối tương quan, tương duyên, tương sinh, tương tác của vấn đề ô nhiễm và suy thoái môi trường. Ví dụ thứ nhất: Để đến đích nhanh (nguyên nhân) xe cơ giới được chế tạo và được sử dụng (kết quả). Khói bụi phun từ xe cơ giới (nguyên nhân) đánh độc con người (kết quả). Những chất như  CO (cacbon mônôxit, SO2  (synphua điôxit) NO 2  (Nitơ  điôxit) và  CO 2 (cacbon điôxit)], với nồng độ loãng, chỉ làm cho con người cay mắt, ngộp thở  hoặc sặc sụa; với nồng độ đậm đặc hơn chúng gây bệnh đường phổi hoặc giết chết con người. Biến cố sương mù Luân Đôn năm 1952 đã cướp mất hơn 4 000 nhân mạng. Đó là  những kết quả đồng thời trực tiếp cho con người). Khí CO 2 đã góp phần tạo ra hiệu ứng nhà kính hâm nóng Quả Đất, làm rối loạn khí quyễn, nâng cao sức tàn phá của bão lụt, khiến con người khốn đốn hơn. Đây là  kết quả đa dạng dị thời cho toàn bộ hệ sinh thái Quả Đất và sự an sinh của nhân loại.

Ví dụ thứ hai: Vì lợi nhuận tối đa (nguyên nhân kinh tế) nên rừng nguyên sinh bị “chặt trắng” (kết quả sinh thái). Vì rừng bị chặt trắng (nguyên nhân sinh thái) nên toàn bộ hệ sinh thái động và thực vật lâu đời của rừng bị hủy diệt (kết quả về đa dạng sinh học); đất mất táng cây che chở nên bị mưa gió xói mòn và  rửa trôi (kết quả về hệ sinh thái đất). Xói mòn và rửa trôi (nguyên nhân cơ học) cuốn theo chất dinh dưỡng của đất (kết quả về năng lực sản xuất  của đất), và đất không còn khả năng phục vụ cho sự canh tác và sự sống của con người, thậm chí còn trở thành hoang mạc hay sa mạc (kết quả kinh tế, xã hội và môi trường).

Nếu ví dụ thứ hai được triển khai theo một hướng khác thì mạng lưới nhân quả nhiều tầng nhiều lớp và quan niệm lợi hại, tốt và xấu của con người hiện ra rõ hơn: Vì rừng bị chặt trắng (nguyên nhân) nên các điều kiện trữ nước, điều tiết dòng chảy và lọc sạch nước của đất rừng bị hủy diệt (kết quả tai hại), nước mang đất dồn chảy ngay vào suối sông gây ra lũ lụt, gây tai hại cho mùa màng và các công trình hạ tầng của con người (kết quả tai hại) hoặc mang phù sa bồi đắp cho miền đồng bằng (kết quả thuận lợi cho canh tác).

Như vậy trong mạng lưới Duyên khởi mỗi một điều kiện mới thêm vào hay mất đi đều dẫn đến sự biến đổi tất yếu cho hoàn cảnh chung. Hữu thể cá biệt và hoàn cảnh chung của giây phút trước đã khác đi ngay trong giây phút sau. Như vậy, Nguyên lý Duyên khởi một mặt bao hàm cả luật Vô thường nói lên tính vận động và biến chuyển không ngừng của vạn hữu; mặt khác bao gồm cả luật Vô ngã khẳng định rằng không có sự vật nào có “cái Ta” như một thực thể bất biến, vĩnh hằng. Trong mạng lưới Duyên sinh, mọi sự sinh thành hoại diệt đều bình đẳng và không bị sự nhào nặn hay chi phối nào từ bàn tay của một hữu thể thần thánh đứng phía sau hoặc đứng bên trên. Mọi sự thưởng phạt đều là quả báo của biệt nghiệp hay cộng nghiệp của con người, của tác động qua lại giữa các nhân tố trong mạng lưới Duyên sinh.

Có một điều quan trọng mà rất người chưa quan tâm đủ, đó “sức quật ngược” của các tai họa và ô nhiễm môi trường. Con người càng gieo tai họa, ô nhiễm cho môi trường bao nhiêu thì cũng nhận lại bấy nhiêu tai họa và ô nhiễm ấy như hai ví dụ vừa minh họa. Môi trường hay    Thiên nhiên luôn luôn im lặng, không có ngôn từ không phản đối trước bất cứ một tác động nào của con người. Những từ “lợi”, “hại”, “tốt”, “xấu” v..v.. đều phát sinh từ tâm ý của con người. Chỉ có hành động do tâm ý điều khiển của con người mới đem lại kết quả tốt hay xấu.

Kinh Pháp cú 127 đã ghi:

“Không trên trời dưới biển,

Không lánh vào động núi

Không chỗ nào trên đời

Trốn được quả ác nghiệp”

Các hệ sinh thái thiên nhiên sau khi bị tàn phá đều có khả năng tự thiết lập lại sự cân bằng và năng lực phát triển của chúng. Sự tự thiết lập lại này có thể tiến hành nhanh hay chậm tùy theo tác động qua lại của toàn bộ những điều kiện thuộc sinh quyễn..

Sau khi rừng thiên nhiên bị chặt trắng,  như ví dụ đã kể, nó và toàn bộ hệ sinh thái của nó sẽ dần dần tự phục hồi trên mặt đất trống qua quá trình diễn thế, nếu được để yên. Song nếu con người dùng mặt đất trống để canh tác hay xây dựng những công trình kiến trúc thì hệ sinh thái của rừng “tự nhiên” trước kia sẽ bị xoá bỏ và được thay vào bằng hệ sinh thái “bán tự nhiên” của ruộng đồng hoặc hệ sinh thái “nhân tạo” của đô thị với phố chợ, đường xá, nhà máy, sân bay v..v..

Vì lợi ích kinh tế của mình, con người đã không ngừng phá rừng, xẻ núi lấp sông để làm ruộng, chăn nuôi để thiết lập các khu dân cư, các chùm đô thị và các cơ sở hạ tầng. Qua dòng thời gian, con người dần dần huỷ hoại, đẩy lùi, biến cải hình dạng và cấu trúc tất cả các hệ sinh thái tự nhiên từ đồng bằng đến cao nguyên, từ đầm lầy đến lòng biển. Quả Đất hiện nay mang dấu ấn lịch sử sâu đậm của hoạt động kinh tế và phương thức sản xuất của loài người từ thời hái lượm sang định canh định cư, từ tiền công nghiệp đến hậu công nghiệp.

Trong Quy hoạch cảnh quan, để tiện việc xác định mục tiêu và kế hoạch sử dụng không gian sống một cách bền vững, các nhà khoa học đã dựa theo tỷ lệ giữa các nhân tố thiên nhiên và nhân tạo để phân cấp các hệ sinh thái theo các tiêu chuẩn tự nhiên, cận tự nhiên, bán tự nhiên, cận nhân tạo và nhân tạo. Sự phân cấp các hệ sinh thái đã phản ánh rõ hệ quả của sự biến cải khuôn mặt Trái Đất của con người thông qua tư duy, hành động, kỹ năng và trình độ văn minh xuyên suốt qua dòng thời gian. Như vậy, sự khủng hoảng sinh thái, khủng hoảng môi trường ngày hôm nay thực chất là sự khủng hoảng của tâm thức con người.

Hiện nay, trên thực tế, không còn một hệ sinh thái thiên nhiên nguyên sơ nào nữa. Sự hiện diện và tác động trực tiếp hay gián tiếp của loài người bao trùm lên khắp mặt Đất. Vùng “băng tuyết thiên nhiên vĩnh cửu” tại Bắc cực cũng mang chứng tích của sự đánh độc từ chất diocxin. Qua kết quả nghiên cứu khoa học, diocxin đã tác động làm vỏ trứng của loài chim cánh cụt trở nên mỏng manh và dễ vỡ.

Tóm lại, vì lợi ích của riêng mình, con người đã nhào nặn Trái Đất theo ý muốn và sức mạnh của mình. Đến nay, con người là nhân tố chủ động nhất, có quyền lực nhất, gieo ảnh hưởng lớn nhất và đem lại nhiều kết quả đổi thay sâu sắc nhất trong mạng lưới quan hệ qua lại giữa mọi sự vật (trong mạng lưới duyên sinh, theo thuật ngữ của đạo Phật). Trong những kết quả ấy, có hai kết quả đã đem lại cho nhân loại nỗi lo lắng vô cùng lớn lao: đó là sự “khủng hoảng môi trường” và “sự phân chia sâu sắc xã hội loài người giữa giàu và nghèo”. Hội nghị Johannesburg đã xem chúng là những thách thức lớn bởi vì chúng là hai nguyên nhân đe dọa sự tồn tại của Trái Đất và hòa bình của thế giới.

Theo đạo Phật, đây là quả báo mà con người phải thọ lãnh từ nghiệp mình đã gieo.

Hội nghị Johannesburg đã công bố nội dung của thách thức ấy như sau: [15]

Về mặt sinh thái: “Môi trường toàn cầu tiếp tục trở nên tồi tệ. Suy giảm đa dạng sinh học tiếp diễn, trữ lượng cá tiếp tục giảm sút, sa mạc hoá cướp đi ngày càng nhiều đất đai màu mỡ, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã hiển hiện rõ ràng. Thiên tai ngày càng nhiều và càng khốc liệt. Các nước đang phát triển trở nên dễ bị tổn hại hơn. Ô nhiễm không khí, nước và biển tiếp tục lấy đi cuộc sống thanh bình của hàng triệu người”[16].

Về mặt xã hội: “Ranh giới sai lầm tạo nên sự phân chia sâu sắc xã hội loài người giữa giàu và nghèo và khoảng cách  ngày một tăng giữa các nước đã phát triễn và các nước đang phát triển đã tạo ra mối đe dọa lớn đối với sự phồn vinh, an ninh và ổn định của toàn cầu”[17].

Theo Nguyên lý Duyên khởi, chúng ta có thể khẳng định rằng các vấn đề nêu trên là những hệ quả tiêu cực vô cùng trầm trọng phát sinh từ nguyên nhân “sử dụng sai hiểu biết và sức mạnh” của con người. (2). Song nguyên nhân cốt lõi đứng bên sau sự sử dụng sai ấy chính là tâm thức tạo nên một thế giới quan phủ nhận mối quan hệ bình đẳng giữa con người và thiên nhiên, giữa xã hội này với xã hội khác. Thế giới quan này đã khiến cho nhiều người muốn đứng tách biệt lên trên và muốn thống trị vạn vật, đã gán cho thiên nhiên một giá trị sinh lợi, giá trị của hàng hóa và đã hợp pháp hóa vai trò thống trị của con người đối với thiên nhiên. Đây là nguyên nhân của sự bóc lột tài nguyên thiên nhiên không thương tiếc, của sự sử dụng con người như một loại tài nguyên – chúng ta vẫn thường nghe thuật ngữ “tài nguyên con người”, tài nguyên nhân lực”!.

Suốt mấy nghìn năm qua, vô số người đã thực hiện lời khuyên của một Đấng Cứu Thế là “Các con hãy sinh sản nhiều hơn và hãy bắt quả đất làm tôi tớ cho các con”. Cũng có vô số con người tin rằng nền văn hóa này cao hơn nền văn hóa kia, tôn giáo này siêu việt hơn tôn giáo nọ. Một khi thế giới quan này đã ăn sâu vào tim óc thì làm sao có thể nói đến một sự bình đẳng giữa con người và con ong cái kiến, giữa con người trong ánh sáng văn minh với những kẻ còn hái lượm và săn thú trong rừng già để sống? Hiện nay nhiều người sống theo thế giới quan ấy đã chuyển đổi quan niệm, song bao nhiêu dấu ấn tiêu cực lưu lại trên mặt đất đã lâu đời hầu như không thể nào đổi ngược được nữa.

Chúng tôi nhắc đến thế giới quan này vì nó quan hệ mật thiết với việc thực thi “Chương trình nghị sự 21” của Hội nghị Rio và Johannesburg. Nó cản trở tiến trình triển khai của Chương trình này. Liệu Chương trình này có thể xoá bỏ cuộc khủng hoảng môi trường không? Có thể xoá bỏ “sự phân chia sâu sắc xã hội loài người giữa giàu và nghèo không”? Có thể lấp được “khoảng cách ngày một gia tăng giữa các nước đã phát triển và các nước đang phát triển đã tạo ra mối đe dọa lớn đối với sự phồn vinh, an ninh và ổn định của toàn cầu” không?[18]

Đó là những câu hỏi rất khó trả lời bởi vì các biện pháp được các Hội nghị Thượng đỉnh đưa ra đều mang nặng tính cách hành chánh, quản lý và đào tạo. Các công cụ tài chánh và kỹ thuật thật sự sẽ không đưa đến kết quả chờ đợi nếu chúng trở thành công cụ sắc bén của những kẻ kém thiện tâm và kém bổn phận hỗ tương đối với môi trường và xã hội. Hơn nữa các Hội nghị chỉ nói nến cuộc khủng hoảng môi trường và hoàn toàn làm ngơ trước cuộc khủng hoảng tâm thức. Như vậy làm sao cuộc khủng hoảng tâm thức có thể đưa ra thảo luận được để từ đó rút ra một lời khuyên về đạo đức và về cung cách hành tốt đẹp được. Với lời khuyên  “giảm dần loại trừ những phương thức sản xuất và tiêu dùng không bền vững” sẻ không mấy ai tuân thủ nghiêm túc vì lợi nhuận kinh tế vẫn được đánh giá là quan trọng nhất trong thế giới này [19].

Đạo đức và văn hóa cũng là động cơ then chốt của phát triển. Nhiều nước phương Tây đã đưa văn hoá vào Chiến lược và quy hoạch Phát triển bền vững như một cột trụ thứ tư, bên cạnh ba trụ cột gồm có phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

5. Từ Bi, một hạnh tu, một con đường đưa đến an lạc, hoà bình và thân thiện với môi trường

Trong những thập niên qua, thế giới quan phủ nhận sự bình đẳng giữa con người và thiên nhiên tuy rất phổ biến nhưng đã dần dần bị đông đảo các nhà đạo đức môi sinh, các triết gia, khoa học gia … phê phán. Các cuộc bàn luận về “Chủ nghĩa vì con người”, “Chủ nghĩa  vì sinh thái”, “Chủ nghĩa vì Công nghệ” (Technozentrism) trong mối quan hệ với Phát triển bền vững đang rất sôi động.

Dầu sự bàn thảo về đạo đức môi sinh còn tiếp tục kéo dài đến đâu chăng nữa, con người phải thấy rằng Quả Đất chẳng khác nào một  “Con tàu Vũ trụ”. Cụm từ “Con tàu Vũ trụ” đã nói lên số phận hoàn toàn bị lệ thuộc của nhân loại vào Quả Đất. Con tàu này không có một bờ bến nào khác để tấp vào vì mục đích vứt bỏ không khí và nước uống ô nhiễm và thay vào đó bằng không khí và nước uống trong sạch hoặc lấy thêm lương thực dự trữ cho dân số tăng lên không ngừng. Như vậy, hủy diệt môi trường và hệ sinh thái Quả Đất cũng là hủy diệt loài người. Sống thân thiện với môi trường và Quả Đất cũng là sống thân thiện với loài nguời.

Trên mặt quốc tế,  năm 1991 Hiệp hội Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới (IUCN), Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế (WWF) đã đề nghị một Chiến lược “Cứu lấy Quả Đất” với chín nguyên tắc cơ bản và 132 hành động thiết thực nhằm bảo vệ hay cải thiện môi trường và tăng chất lượng sống của con người. (18).

Chiến lược đã nêu lên một loạt các yếu tố về đạo đức để xây dựng tư cách mới của con người “bởi vì đó là một chân lý”. Đối với sự sống của các loài, Chiến lược đã xác nhận rằng: “ Mỗi dạng sống đều phải được bảo đảm quyền tồn tại, bất kể nó có giá trị như thế nào đối với con người. Sự phát triển của loài người không được đe dọa đến tính toàn vẹn của thiên nhiên và sự sống còn của các loài khác. Con người phải đối xử  tử tế với tất cả các sinh vật khác và bảo vệ chúng chống lại những hành vi hung bạo, những đau đớn có thể tránh được, cũng như sự giết chóc không cần thiết.” [20]. Để được vậy, con người”phải thay đổi thái độ và hành vi” của mình, “thay đổi kiểu sống”, “thay đổi những quan niệm về giá trị  mà họ quen hiểu xưa nay”[21].

Trước đó Albert Schweizer đã nói đủ những điều trên qua một công thức ngắn gọn: “Đạo đức là sự mở rộng trách nhiệm đến tận vô biên đối với tất cả những gì có sự sống”[22] Về mặt tổ chức dân sự, nhiều phong trào bảo vệ thiên nhiên được thành lập khắp thế giới. Một phong trào gương mẫu đáng kể ra đây là phong trào Chipko có nguồn gốc từ Hy Mã Lạp Sơn. Chipko có nghĩa là “ôm cây”. Theo truyền thuyết, năm 1730 bà Amrita Devi và một số dân làng Rajasthan đã đấu tranh bất bạo động bằng cách ôm cây chống lại những người khai thác và tàn phá rừng. Họ đã bị giết chết nhưng ảnh hưởng của họ lưu truyền mãi đến ngày nay và lan rộng khắp thế giới. Chipko đã trở thành một phong trào yêu thiên nhiên của giới nữ. Phụ nữ và con cháu họ tại nhiều làng ở Ấn Độ đã mang truyền thống trồng và chăm sóc cây rừng để lấy củi, gìn giữ các nguồn nước trong sạch và bóng mát. Có nơi phụ nữ đã vận động dân làng mình và vùng phụ cận cùng ôm cây ngăn chận đoàn công nhân đến khai thác rừng lấy gỗ cho nhà máy giấy. Họ đã thành công.

Về mặt tôn giáo, tình yêu thương rộng lớn như bác ái, từ bi được xem như nguyên tắc căn bản để cứu lấy Quả Đất. Gần đây đứcTừ Bi cũng thấm dần vào tâm trí của người Phương Tây.

Điều này đã khiến chúng tôi tự thấy xấu hổ vì ý thức rất rõ rằng tâm mình chưa được thấm nhuần đức Từ Bi và ngay trong đời sống hàng ngày vẫn chưa thực hiện đúng đắn được một phần vô cùng bé nhỏ đức hạnh này. Nhưng là Phật tử không lẽ không góp ý gì về nội dung của Từ Bi trong tương quan với việc „Phát triển bền vững“ và cứu lấy môi trường trong khi đã có người thuộc truyền thống tôn giáo khác quan tâm nói đến hạnh Từ Bi trong việc cứu lấy Quả Đất [23]

Là Phật tử, ai cũng biết rằng thực hiện Từ Bi là thể hiện lòng thương yêu và lòng thương xót chúng sinh khổ ải để dốc chí đem lại cho chúng niềm an vui và sự cứu khổ. Đối với cuộc khủng hoảng môi trường Từ Bi trở thành nguyên tắc sống thân thiện, sống “vô hại” đối với muôn loài và địa bàn sinh sống của chúng.      

Từ Bi đi chung với Hỷ Xả (tứ Vô lượng tâm) là bốn hạnh tu hỗ trợ nhau để để diệt ác tâm và sống an lạc trong hiện tại. Xa hơn nữa, Từ Bi là một con đường sống cao đẹp đưa đến hạnh phúc và hòa bình, điều mà toàn thể nhân loại mơ ước. Từ Bi cũng là một bản đồ tu tập để Phật tử thoát khỏi vòng luân hồi, một mục đích mà tất cả Phật tử đều nhắm đến. Những điều này đã được đức Phật trình bày rất hệ thống trong Kinh Từ Bi.

Chúng tôi xin mạn phép trình bày lại nội dung của Kinh trong mối liên hệ với một số vấn đề của môi trường. Chúng tôi dựa vào bản Kinh Từ hay Kinh Từ Bi  (Metta-Sutta) do cố Hoà Thượng Thích Thiện Châu dịch ra Việt ngữ [24] Một vài chỗ chúng tôi sửa đổi theo bản dịch của Hoà thượng Thích Minh Châu và nhất là theo bản dịch Đức ngữ có chú giải của Ngài Nyanaponika.[25] Cụ thể, câu “Ưa thanh bần, dễ dàng chịu đựng” được đổi thành “Sống biết đủ, dễ dàng thỏa mãn” vì câu chữ rất sát bản dịch của Ngài Nyanaponika  và cũng không lệch với câu dịch lấy từ  thư viện Hoa Sen: “Tri túc, dễ nuôi (sống giản dị, để cho người thiện tín dễ dàng hộ trì).

Nội dung của Kinh Từ Bi  có thể tóm gọn như sau:

Để đạt được hạnh phúc và thoát khỏi luân hồi, Phật tử phải có đầy đủ Trí và Đức.

Thứ nhất, Phật tử cần phải tu học để phát triển trí tuệ và nhận thức.

Thứ hai, Phật tử phải mở rộng từ tâm đến tất cả mọi loài

Thứ ba Phật tử phải mạnh dạn lãnh trách nhiệm và hành động vì lợi ích của chúng sinh

Thứ tư, Phật tử phải cố gắng vươn lên đạt cho được giới đức và trí tuệ cao vợi và dứt bỏ tham dục lạc để có thể thoát khỏi vòng sinh tử.

Chúng tôi xin đọc bốn câu đầu của bản kinh:

Ai khôn ngoan muốn tìm hạnh phúc

Và ước mong sống với an lành

Phải tài năng, ngay thẳng, công minh

Với những lời dạy ấy đức Phật đã nhắn nhủ rằng để sống hạnh phúc và an lành người Phật tử phải tự phát triển nội lực, phải trau dồi thuần thục những đức hạnh tốt. Đây là “điều kiện cần” trước khi ban vui cứu khổ và  “tài năng” đứng ở vị trí hàng đầu. “Tài năng” hoặc “khả năng” (tùy theo bản dịch), theo chú giải của ngài Nyanaponika là sự thâm nhập vào những sự thật mà cụ thể là sự quán triệt bốn sự thật trong Tứ Diệu Đế [26]. Theo chú giải ấy “tài năng” có thể xem là khả năng nhận thức sáng suốt.

Trong lãnh vực môi trường, với suy nghĩ đúng theo phương pháp luận của Tứ Diệu Đế, từ “khổ” sang “nguyên nhân của khổ” đến “con đường diệt khổ” và “sự chấm dứt của khổ”, người Phật tử sẽ lãnh hội dễ dàng những thông tin và nhận định đa chiều về ô nhiễm và suy thoái của môi trường, về sự phân cấp phân tầng xã hội v..v.. Từ đó sẽ không còn mấy khó khăn để tìm ra những giải pháp, những hành động thiết thực và hợp với khả năng mình trong việc cứu trợ môi trường trên địa bàn trước mặt hay trên địa bàn vùng.

Thâm nhập vào Tứ Diệu Đế cũng là thâm nhập vào Nguyên lý Duyên khởi, là thấy được mạng lưới tương quan, tương duyên, tương tác, tương sinh giữa các sự vật và hiện tượng. Nhờ vậy có thể ý thức rằng, một con người (hay một sự vật) đứng tại một điểm nào đó trong mạng lưới dày chằng chịt và vô thủy vô chung này, không thể được xem là một kẻ đứng giữa, đứng tại trung tâm của mọi sự vật chung quanh (như người ta vẫn thường nói: “môi trường chung quanh”). Con người chỉ có thể  “đứng cùng”, “đứng với”, đứng một cách bình đẳng với muôn loài trong môi trường, trong toàn thể hệ sinh thái Địa Cầu.

Bản thân chúng tôi cũng không thoát khỏi thuật ngữ môi trường như một hoàn cảnh chung quanh. Song riêng cho mình, chúng tôi thích thay khái niệm “môi trường” bằng khái niệm “thế giới đồng hiện hữu”. Chúng tôi chỉ có thể “đứng cùng” hay “đứng với” vạn hữu. Đây là một khái niệm lạ song thiết nghĩ nó hợp với Nguyên lý Duyên sinh, hợp với cái nhìn về tính toàn thể của hệ sinh thái Địa Cầu, hợp với nội dung mở rộng của sự bảo vệ môi trường và nhất là hợp với nội dung “Từ Bi” và tâm nguyện làm Phật tử của mình. Khái niệm này giúp chúng tôi thấy rõ hơn nghiệp báo đồng thời và dị thời,  nhìn thấy môi trường “trả lui lại” lại cho con người tất cả những gì tốt hay xấu mà con người đem đến cho nó.

“Phải có tài năng” là một đòi rất cao về mặt trí tuệ. Phải có trí tuệ mới nhận thức được những mối quan hệ hỗ tương trong cuộc sống để vững lòng và tinh tấn thực hiện hạnh Bố thí :

“Đem an vui đến cho muôn loài

Cầu chúng sinh thảy đều an lạc.”

Trong câu “Phải tài năng ngay thẳng công minh” chúng ta thấy bên cạnh “tài năng” còn có hai đức tính ngay thẳng và công minh nhưng không phải chỉ bấy nhiêu thôi. Kinh Từ Bi còn liệt kê một loạt đức tính thiện khác để làm trang bị cho kẻ đi tìm hạnh phúc. Chúng là:

“Nghe lời phải, dịu dàng khiêm tốn.

 Sống biết đủ, dễ dàng thỏa mãn

Ít bận rộn, vui đời giản dị

Chế ngự giác quan và thận trọng

Không liều lĩnh, chẳng mê tục lụy

Không chạy theo điều quấy nhỏ nhoi

Mà thánh hiền có thể chê bai”

Những đức tính thiện này giúp con người ứng xử tốt với người và giữ được mình trong giới hạn không tự làm tổn hại mình hay gây tổn hại cho người.

Chúng tôi xin nói thêm về sự “sống biết đủ”. Sống biết đủ là sống chừng mực, trung dung giữa những thiếu thốn, bần hàn và xa hoa, lãng phí. “Biết đủ” ngụ ý khuyên rằng nên giới hạn sự xa hoa, phung phí.

Xin nêu một ví dụ nhỏ về một hộp kẹo xô-cô-la để minh họa sự lợi và hại về măt kinh tế và môi trường.

Mỗi viên kẹo xô-cô-la đều được bọc trong một lớp giấy màu, có trường hợp còn được bọc thêm bên ngoài một lớp giấy trong. Những viên kẹo được đem đi bao bì. Trước hết chúng được đặt vào một khuôn nhựa êm rồi được phủ lên trên bằng lớp giấp xốp. Sau đó, tất cả đều được để vào một hộp giấy với mẫu mã và màu sắc đẹp tươi. Hộp giấy lại được bao thêm bằng một lớp giấy kính. Khi hộp xô-cô-la được mang tặng, nó lại được bao thêm một lần nữa bằng giấy hoa sặc sỡ và được ràng xung quanh bằng giây kim tuyến có kèm theo một đóa hoa nhân tạo.

Đối tượng của sự sản xuất là kẹo xô-cô-la. Người tiêu thụ cuối cùng là kẻ ăn xô-cô-la. Sự bao bì không có chức năng nào khác ngoài sự phục vụ cho nghi thức giao tiếp và thị hiếu thẩm mỹ. Giao tiếp càng lịch thiệp, càng kiểu cách, càng “cao cấp” như thế nào thì bao bì càng trang trọng, càng xa hoa lộng lẫy. Cái giá trị “giản dị” không có chỗ đứng trong xã hội xa hoa và lãng phí. Các công đoạn bao bì kiểu cách nói trên thực ra chỉ đem lợi cho các nhà sản xuất và cung cấp nguyên liệu. Họ đã nhờ các nhà tâm lý học và thiết kế mẫu mã tư vấn trong việc khai thác thị hiếu và nếp sống bề mặt của con người.

Bao bì, giấy gói, giây nhợ, màu sắc, hoa hoè đều chỉ đáp ứng cho nhu cầu lễ nghĩa trong chốc lát. Cuối cùng chúng đều thành rác, những thứ rác khó phân hủy. Khi bị đốt khói bụi của chúng sẽ gây ô nhiễm cho môi trường.

Trong quy trình chế tạo những sản phẩm bao bì, nhà sản xuất phải dùng thêm nguyên liệu và năng lượng. Phế liệu, chất thải và khói bụi từ nhà máy càng gây thêm ô nhiễm lớn cho đất, cho không khí, cho thủy vực và cho những kẻ không ăn xô-cô-la.

Chúng ta nghĩ sao về những con thống kê chỉ rõ rằng khoảng 20% dân số thế giới (chủ yếu tại các nước công nghiệp) tiêu thụ khoảng 80% năng lượng toàn cầu. Và khoảng 80% dân số thế giới (tập trung tại các nước đang phát triển) chỉ tiêu thụ khoảng 20% năng lượng toàn cầu? Ai chịu trách nhiệm nặng nề về khí thải ô nhiễm?

Chúng ta đánh giá như thế nào đối với người hài lòng trả thêm tiền cho bao bì song lại rất do dự trong việc cho vài đồng để cứu đói.

Những lời kêu gọi con người “phải thay đổi quan niệm sống”  và “quan niệm về giá trị từng quen hiểu xưa nay”, “phải giảm dần và loại trừ những phương thức sản xuất và tiêu dùng”[27][28] quả thực mát lòng cho kẻ nặng nghiệp bảo vệ môi trường. Cụ thể phải thay đổi như thế nào?

Phải sống “biết đủ” và “giản dị” như Kinh Từ Bi đã dạy. Đó là nếp sống rất đáng để cho Phật tử quan tâm suy ngẫm.

Xin đọc tiếp Kinh Từ Bi :

Đem an vui đến cho muôn loài

Cầu chúng sinh thảy đều an lạc.

Không bỏ sót một hữu tình nào

Kẻ ốm yếu hoặc người khỏe mạnh

Giống lớn to hoặc loại dài cao

Thân trung bình hoặc ngắn, nhỏ, thô.

Có hình tướng hay không hình tướng

Ở gần ta hoặc ở nơi xa

Đã sinh rồi hoặc sắp sinh ra

Cầu cho tất cả đều an lạc.

Đoạn kinh này nêu rõ những đối tượng của sự đem vui cứu khổ là những ai.

Đó là những chúng sinh khác nhau từ hình tướng đến thể lực: to lớn, dài cao, ngắn, nhỏ, thô, không có hình tướng, ốm yếu và khoẻ mạnh. Chúng phân phối trên các không gian sống khác nhau (ở gần hay ở xa) và hiện hữu qua các thời gian khác nhau (đã sinh hoặc sắp sinh).

Thứ nhất, đoạn kinh đã vẽ lên trước mắt chúng ta một bức tranh về các giống loại đa dạng. Từ đó chúng ta có thể liên tưởng đến những hoàn cảnh sống khác biệt của chúng sinh.

Tình thương “không bỏ sót một hữu tình nào” là tình thương tỏa rộng đến tất cả mọi giống loại, xuyên suốt cả không gian lẫn thời gian, trùm lên thế giới hữu hình lẫn vô hình. Đây cũng  là tình thương vô ngại, bình đẳng, mở rộng cùng khắp vạn vật và vũ trụ. Đức Phật há chẳng dạy đệ tử: “Hãy du hành vì hạnh phúc của quần sanh, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người” đó sao?[29]

Lời khuyên “Tung rải từ tâm khắp vũ trụ” trong Kinh Từ Bi cũng nói lên yêu cầu mở rộng tình thương đến chỗ vô cùng.

Thứ hai, đoạn kinh khuyên Phật tử một cách gián tiếp rằng không nên để cho hình tướng bể ngoài che lấp cái giá trị nội tại của chúng sinh. Giá trị nội tại này là sự sống bình đẳng, là Phật tính ẩn bên sau các dáng vẻ dài ngắn, nhỏ thô, khoẻ mạnh, ốm yếu.

Về mặt tâm lý, hình dáng xinh đẹp thường dễ gây được mối thiện cảm và sức thu hút. Hình dạng dị hợm dễ tạo ra ngăn cách và dị ứng. Nhiều người sợ những con sâu lông lá đến dựng tóc gáy, những con sên nhũn nhùn ơn ớn, những con nhện khủng khiếp, dù chúng chẳng làm gì mình. Không những chỉ sợ mà còn ghét nữa.

Với tâm lý như vậy thì tình thương rộng lớn là thuốc lành trị liệu, giúp con người vượt qua bức tường ớn sợ và xoá dần sự ngăn cách với chúng sinh. Như vậy tình thương rộng lớn có công năng giúp đỡ con người thiết lập lại mối quan hệ “tử tế”, “thân thiện” với thiên nhiên để từ đó có thể hội nhập lại với toàn thể hệ sinh thái Quả Đất.

Thứ ba, thật là kỳ diệu khi tình thương lan tỏa đến cả chúng sinh “sắp sinh ra” mà mặt mũi chưa được biết như thế nào. Chúng ta có thể hình dung tình thương vô biên như sợi giây xuyên suốt nối kết lại tất cả chúng sinh trong cùng một thế hệ, nối kết lại tất cả chúng sinh thuộc nhiều thế hệ - từ hiện tại đến tương lai - và nối kết lại tất cả chúng sinh có “hình tướng” với chúng sinh “không hình tướng” thành một mạng lưới của sự sống đa dạng. Tuy đa dạng song bình đẳng trong sự ham sống sợ chết, trong cốt lõi có mang Phật tính.

Trong mạng lưới của tình thương vô biên, không có sự khinh trọng riêng một loài nào, không có sự giết hại tàn nhẫn một loài nào, không có sự đánh giá một loài nào như hàng hóa sinh lợi. Đây là mạng lưới lý tưởng cùng tột nói lên giá trị nội tại bình đẳng của muôn loài. Mạng lưới này khác hẳn mạng lưới của loài người “giữa các thế hệ hiện nay và tương lai” mà mối giây liên kết mọi thế  hệ là  sự “đáp ứng một cách bình đẳng những nhu cầu về phát triển và môi trường”[30].

Thú tư, sự đa dạng của các loài luôn luôn gắn liền với sự đa dạng của hoàn cảnh và số phận. Chỉ có trí tuệ sáng suốt mới cho ta thấy rõ được từng cảnh ngộ và từng số phận. Chỉ có lòng thương vô biên mới thấm nhuần xuyên suốt vào từng hoàn cảnh và số phận. Chỉ có trí tuệ sáng suốt với lòng thương vô biên mới khiến cho người Phật tử nhạy cảm trước từng cảnh ngộ, với từng số phận để có thể đem vui và cứu khổ hữu hiệu. Sống với tình thương vô biên là sống thân thiện và đoàn kết.

Thứ năm, với lòng nhạy cảm và đem vui cứu khổ chúng sinh, Phật tử không nỡ bỏ qua số phận nào và không nỡ tàn hại sinh mạng nào. Hệ quả hiển nhiên là sự từ khước quan niệm làm chủ và thống trị vạn vật. Nơi nào còn có áp lực, còn có sợ hãi, còn có giết hại dưới sức nạnh của thống trị thì nơi đó chưa có hạnh phúc chân thật. Bởi vậy đức Phật dạy: hạnh vô úy thí là hạnh cao nhất, giới sát sinh là giới đứng đầu mọi giới cấm.

Kinh Pháp cú 129 ghi rõ:

Tất cả mọi người

Cùng sợ dao gậy

Và sợ chết chóc

Cứ tự coi mình

Mong muốn thế nào

Thì biết người khác

Cũng muốn như vậy.

Chớ có tự mình

Hay xúi người khác

Làm việc giết hại [31]

Sống với tình thương vô biên là sống không gây áp lực, gây sợ hãi, giết chóc,; sống trong niệm hoà bình.

Thứ sáu, với tình thương rộng lớn Phật tử chắc chắn ca ngợi và có thể tiếp tay trong sự “hợp tác trong tinh thần chung lưng đấu cật toàn cầu để gìn giữ, bảo vệ và phục hồi sự lành mạnh và tính toàn bộ xủa hệ sinh thái Trái Đất [32]. Phật tử chắc chắn cũng ca ngợi sự “hợp tác - của các nước - để phát huy hệ thống kinh tế thế giới thoáng và giúp đỡ lẫn nhau dẫn đến sự phát triển kinh tế và phát triển bền vững (…), để nhằm đúng hơn vào những vấn đề thoái hóa của môi trường”[33].

Thứ bảy, trên bình diện xã hội loài người, sự chia cơm xẻ áo, sự xoá bỏ ngèo nàn, sự lấp hố sâu phân chia xã hội giàu nghèo sẽ được giải quyết tốt đẹp với tâm Từ Bi. Xoá bỏ nghèo nàn và phân chia xã hội là mục tiêu hàng đầu của các Hội nghị Thượng đỉnh, cũng là của cộng đồng các quốc gia trên thế giới. Biết đâu rồi đây tình thương vô biên sẽ trở thành động lực cốt lõi để hội tụ và vận hành các chính sách, các chương trình, các công cụ như luật pháp, quy hoạch, tài chánh, nhân lực, kỹ thuật để có thể đạt được kết quả mong muốn, điều mà Chiến lược Phát triển bền vững hướng đến.

Chúng tôi xin đọc tiếp Kinh Từ Bi :

“Với ai và bất luận ở đâu

Không lừa dối, chẳng nên khinh dễ

Lúc căm hờn hoặc khi giận dữ

Đừng mưu toan gây khổ cho nhau  

Như mẹ hiền thương yêu con một

Dám hi sinh bảo vệ cho con

Với muôn loài ân cần không khác

Lòng ái từ như bể như non”

Đoạn kinh này chủ yếu nhắm vào con người. Lừa dối, khinh dễ và giận dữ là ba tính bất thiện. Chúng làm mất sự tin cậy, mất đoàn kết, mất an vui và mất hoà bình giữa con người và xã hội. Chúng trái ngược với hạnh Từ Bi. Phật tử đều biết câu: Lửa sân hận thiêu trụi cả rừng công đức.

Khổ đầu của đoạn kinh là lời khuyên vừa mang tính ngăn ngừa trước những điều bất thiện có thể phát sinh vừa chận đứng lại những điều bất thiện đã phát sinh, không để chúng trở nên trầm trọng tạo thêm quả báo nặng nề hơn do “mưu toan gây khổ cho nhau”.

Nhìn kỹ, đây cũng là yêu cầu phải thực tập hạnh tinh tấn gồm hai vế tích cực và tiêu cực và bốn nội dung: không để phát sinh điều bất thiện, diệt điều bất thiện đang hiện hữu. Làm nảy nở điều thiện và phát triển điều thiện đang hiện hữu. Điều bất thiện luôn luôn là trở ngại trong quá trình thực hiện Từ Bi . 

Khổ kế tiếp của đoạn kinh đã, cụ thể hóa lòng Từ Bi bằng tình thương yêu của người mẹ hiền dành hết cho đứa con duy nhất của mình. Đây là tình thương yêu không bờ bến, rất mãnh liệt khiến người mẹ dũng cảm lấy trách nhiệm bảo vệ cho con, dám hy sinh vì con. Đối với muôn loài, Kinh Từ Bi cũng khuyên Phật tử nên hành động như vậy

Trong khía cạnh bảo vệ môi trường sinh thái, Hans Jonas, một triết gia nổi tiếng về đạo đức sinh thái, đã đưa nguyên tắc hành động có trách nhiệm đối với sự sống của con người qua câu nói được tạm dịch như sau: “Bạn hãy hành động sao cho những tác động dễ hòa hảo với sự sống thường trực và thực sự của con người trên Quả Đất” [34]

Đức Phật đã từng dạy đệ tử cách hành xử “bất hại” (ahimsa) đầy trách nhiệm đối với người và thiên nhiên:

“Như ong đến với hoa

Không hại sắc và hương

Che chở hoa lấy nhụy

Bậc thánh đi vào làng”

(Kinh Pháp cú, kệ 29)

Bất hại chứa đựng ý nghĩa biết tôn trọng khách thể , vừa không xâm phạm hay làm tổn hại khách thể vừa che chở cho khách thể. Như vậy hành động bất hại mang tính hợp tác và cộng sinh như ong với hoa: không hại sắc, không hại hương và che chở hoa.

Johnas nói về tác động của hành động: tác động dễ hoà hảo (hay hài hòa). “Dễ hoà hảo” là thế nào. Không thể đánh giá chính xác được. Trách nhiệm mà Jonas nói đến là trách nhiệm uyển chuyển rất khó đánh giá. Trong khi ấy hành động “bất hại” có tiêu chuẩn rõ rệt: không hại sắc, không hại hương và che chở hoa như ong với hoa. Hành động bất hại mang tính rốt ráo không khác nào hành động của “người mẹ hiền thương yêu con một, dám hy sinh bảo vệ cho con”. Chỉ có hàng Bồ Tát mới thực hiện nổi. Thiết nghĩ, người mẹ hiền với tình thương vô bờ bến đối con, dám hy sinh vì con cũng có thể xem như  là vị Bồ tát của đứa con.

Thật lô-gích khi đức Phật khẳng định trong đoạn kinh cuối cùng rằng người Phật tử sẽ “thoát khỏi luân hồi” nếu tiếp tục phát triển tình thương đến tận vô biên và

“Đủ giới đức, trí tuệ cao vời

Và dứt bỏ lòng tham dục lạc”

Sống bất hại, sống hy sinh vì mọi loài một cách rốt ráo thật không dễ bởi vì con người là thành viên của cộng đồng sinh vật trên Trái Đất. Sự sống còn và phát triển của con người hoàn toàn tùy thuộc vào thực phẩm, nước uống và không khí của Trái Đất. Vì vậy mọi hành động nuôi dưỡng và phát triển sự sống không thể nào tránh khỏi sự xâm phạm trực tiếp hay gián tiếp đến loài này hay loài khác thuộc giới động vật hay thực vật. Thực hiện rốt ráo hạnh “bất hại” đối với hàng Phật tử tại gia thực vô cùng khó khăn.

Chúng tôi ý thức rõ rằng mình là kẻ sơ cơ nặng nghiệp nên không thể lớn lối phạm thượng bàn vào nội dung của mấy khổ kinh cuối cùng, mà chúng tôi nghĩ rằng đó nội dung lý tưởng của hàng Bồ Tát.

Chúng tôi xin đọc tiếp những câu chót để giữ sự tròn vẹn của bản kinh.

Tung rãi từ tâm khắp vũ trụ

Mở rộng tình thương không giới hạn

Từng trên, phía dưới và khoảng giữa

Không vướng mắc oán thù ghét bỏ

Khi đi, khi đứng hoặc nằm ngồi

Hễ lúc nào tinh thần tỉnh táo

Phát triển luôn dòng chính niệm này

Là đạo sống đẹp cao nhất đời

Đừng để lạc vào nơi mê tối

Đủ giới đức, trí huệ cao vời

Và dứt bỏ lòng tham dục lạc

Được như thế thoát khỏi luân hồi.

Tóm lại, Kinh Từ Bi  ra một con đường tu học cao đẹp để Phật tử hướng đến một đời sống lý tưởng. Nội dung của đời sống lý tưởng này bao gồm: mở rộng trí tuệ và nhận thức để thấy được mạng lưới tương quan tương duyên giữa vạn vật và mọi hiện tượng; mở rộng tình thương đến muôn loài; thấy rõ tính bình đẳng của sự sống; đạt được hoà bình của nội tâm; đóng góp cho hoà bình và văn minh nhân loại; gìn giữ tính toàn vẹn của các hệ sinh thái Quả Đất; sống thân thiện với mọi loài; chuyển dần những thói quen sống lãng phí có hại cho môi trường, sống biết đủ và giản dị nhằm cởi trói những lệ vào nếp sống bề ngoài; đóng góp phần bé nhỏ của mình vào việc kiến tạo sự nghiệp văn minh và hoà bình cho nhân loại mà cộng đồng các quốc gia trên thế giới đang góp sức xây dựng.

6. Vài khó khăn cần vượt qua

Thể hiện những điều nêu trên đây không phải là một việc dễ. Trong đời sống thiết thực hiện tại sự học tập và triển khai một nghề nghiệp trong sáng theo quan niệm  „Ngũ Minh“ - để có thể góp phần phát triển kỹ thuật trong sáng và thức ăn sạch - là một việc khó làm. Càng khó làm hơn nữa là công nhận và thực hiện sự bình đẳng giới tính, điều mà các Hội nghị quốc tế  không ngừng đòi hỏi. Lấy Trí và Đức để làm thước đo, để đối đãi với nhau có lẽ là một giải pháp ổn thỏa. Trí và Đức là hai điều quyết định ai là kẻ xứng đáng làm người “Bà La Môn” như kinh Phật đã dạy.

7. Kết luận

Con đường tu học và thể hiện Từ Bi là một con đường khó khăn và dài vô tận đối với Phật tử tại gia, nhất là khi gặp những hoàn cảnh mâu thẫn giữa „ta“ và „đối tượng bên ngoài“.

Chiến lược „Phát triển bền vững“ được xem là chiến lược dài hạn, không phải chỉ cho thế kỷ mà cho cả thiên niên kỷ. Quyết tâm hành động của những người theo đuổi việc thể hiện các mục tiêu lý tưởng mà cộng đồng các nước trên thế giới đã đề rất đáng để người Phật tử suy ngẫm mỗi khi đọc lời nguyện: „Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ. Phật đạo vô thượng thệ nguyên thành“.

Kinh Từ Bi là một bản kinh kỳ diệu. Nội dung của Kinh có thể tóm gọn trong một câu::

Muốn được hạnh phúc và an lành cho mình thì trước hết phải đem hạnh phúc và an vui đến cho người trước đã.



[1] Giáo sư, Tiến Sĩ.

[2] “Intergovermental conference of experts on the scientific basis for rational use and conservation of the resources of the biosphere”, Paris, từ 04.-13. tháng 9 năm 1968

[3] Cục Môi trường: Hành trình vì sự phát triển bền vững 1972-1992 – 2002, Hà Nội, 2002, tr.12.

[4] Cục Môi trường, sđd: Tuyên bố Stockholm về môi trường con người, tr. 13.

[5] Stiftung Entwicklung und Frieden: Sau Hội nghị Thượng đỉnh (Nach dem Erdgipfel), Bonn 1993, tr. 211-252

[6] Stiftung Entwicklung und Frieden: sđd, tr.174

[7] Cục Môi trường, sđd: Diễn văn khai mạc của Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Nitin Desai tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững,  tr. 30

[8] Cục Môi trường, sđd: Phát biểu bế mạc của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững, tr. 42

[9] Cục Môi trường, sđd: Tuyên Bố Johannesburg về Phát triển bền vững, nguyên tắc 2 và 3, tr. 24

[10] Cục Môi trường, sđd: Phát biểu chào mừng của Tổng Thống Nước Cộng Hoà Nam Phi Thabo Mbeki tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững, tr. 38

[11] Cục Môi trường, sđd: Diễn văn khai mạc của Nitin Desai, tr. 31

[12] Cục Môi trường, sđd: Tuyên bố Johannesburg, tr. 26

[13] Cục Môi trường, sđd: Tuyên bố Stockholm, tr. 12-16

[14] Sàntideva: Bodhicarỳavatàra (Nhập hạnh Bồ Tát), Việt dịch: Nguyên Hiển, Chương 6: Nhẫn nhục, điều 31, XB: Hội Phật học Phổ Minh, 2005, tr. 61

[15] Cục Môi trường, sđd: Tuyên Bố Johannesburg, điều 12 và 13, tr. 25

[16] Cục Môi trường, sđd, Tuyên bố Johannesburg, điều 13, tr. 25

[17] Cục Môi trường, sđd; Tuyên bố Johannesburg, điều 12, tr. 25

[18] Cục Môi trường, sđd: Tuyên bố Rio, nguyên tắc 9, tr. 20

[19] IUCN (Hiệp hội Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên), UNEP (Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc) WWF (Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên): Cứu lấy Trái Đất (việt dịch từ Caring for the Earth), Hà Nội, 1993

[20] IUCN, UNEP, WWF, sđd: tr. 19

[21] IUCN, UNEP, WWF, sđd: tr. 55

[22] Schweizer, A. Kultur und Ethik (Văn hoá và Đạo đức), câu:“ Ethik ist ins Grenzlose erweiterte Verantwortung gegen alles, was lebt“, München 1990, tr.332

[23] Boff, Leonardo: Quả Đất: Ngôi nhà của chúng ta (Unser Haus: die Erde, H. dịch sang Đức ngữ từ nguyên văn Bồ Đào Nha), Düsseldorf 1996,  tr. 219

[24] Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp,Thiền đường Trúc Lâm: Nghi Thức Lễ Phật- Kinh Từ Bi, Paris 1978, tr. 14-16

[25] Nyanaponika, Mahathera: Sutta-Nipàta, Konstanz 1977, tr.58-59

[26] Nyanaponika, M., sđd: tr. 256

[27] IUCN, UNEP, WWF, sđd: tr.14

[28] Cục Môi trường, sđd: Truyên bố Rio, nguyên tắc 9, tr. 20

[29] Tương Ưng I, tr. 128

[30] Cục Môi trường, sđd: Tuyên bố Rio, tr. 9

[31] Trí Quang (biên tập): Pháp Cú Nam Tông, Kệ 129, Ấn tống 2002, tr. 64

[32] Cục Môi trường, sđd: Tuyên bố Rio, nguyên tắc 2, tr. 19

[33] Cục Môi trường, sđd: Tuyên bố Rio, nguyên tắc 12, tr. 20

[34] Jonas, Hans: Das Prinzip der Verantwortung. Versuch einer Ethik für die technologische Zeit (Nguyên lý của trách nhiệm, Thử tìm một đạo đức cho thời đại công nghiệp) Frankfurt a. M. 1984, tr. 36

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 80
    • Số lượt truy cập : 6952456