Thông tin

TỪ CHÚA TIÊN NGUYỄN HOÀNG

ĐẾN BỒ TÁT NGUYỄN PHÚC CHU

 

NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG*

 

Chúa Tiên - người khởi đầu công cuộc Nam tiến

Sử họ Trịnh chép ngắn ngủi rằng Trịnh Kiểm vào triều dâng biểu tâu sai Nguyễn Hoàng - con trai thứ của Nguyễn Kim đem quân vào trấn thủ xứ Thuận Hóa “đề phòng khi nhà Mạc từ phương Đông tới, cùng trấn thủ Quảng Nam cứu viện nhau. Phàm các việc địa phương không kể lớn bé, và các thuế, tất cả giao cho trù liệu, đến mùa thu nộp”.

Tuân mệnh vua, tháng 10 năm Mậu Ngọ 1558, Nguyễn Hoàng đem gia đình, thân thuộc, quân bản bộ và cơ đội thủy binh của mình ra cửa Đại An (Nam Định - Ninh Bình) vượt biển Đông vào cửa Việt Yên, rồi đóng doanh ở gò Phù Sa, xã Ái Tử, huyện Vũ Xương (nay thuộc tỉnh Quảng Trị). Tất cả chừng 1.000 người, hầu hết quê Thanh Hóa, và nhất là người cùng làng với họ Nguyễn, là Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung.

Sau 11 năm ở trấn, tháng 9 năm Kỷ Tỵ 1569, Nguyễn Hoàng về Thanh Hóa chầu vua Chính Trị (Lê Anh Tông), yết kiến thượng tướng Trịnh Kiểm và thăm lăng mộ cha ông. Tháng giêng năm Canh Ngọ 1570, Trịnh Kiểm xin vua cho Hoàng kiêm coi cả trấn Quảng Nam, và gọi nguyên trấn thủ Nguyễn Bá Quýnh về trấn Nghệ An. Nhờ ân tình này của anh rể mà Nguyễn Hoàng đã loại bỏ được gọng kìm phía Nam đối với xứ Thuận Hóa, và mở rộng được địa bàn do ông cai quản gồm hai xứ, trong đó xứ Thuận Hóa gồm hai phủ: Tân Bình (2 huyện, 2 châu) và phủ Triệu Phong (6 huyện và 2 châu), xứ Quảng Nam gồm 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn với 9 huyện.1

Năm Quang Hưng thứ 15, Nhâm Thìn (1592), Triết vương Trịnh Tùng đem quân đi đánh miền Đông, bắt được Mạc Mậu Hợp, lấy lại được Kinh thành. Tháng 3 năm Quý Tỵ 1593, xa giá trở về Thăng Long. Được tin, tuy đã 69 tuổi Nguyễn Hoàng lập tức ra Thăng Long mừng thắng trận, được ban chức Trung quân Đô đốc phủ tả Đô đốc, chưởng phủ sự, hàm Thái úy, tước Đoan quốc công. Ông ở lại kinh thành tới 7 năm tham dự mọi việc chính trị và đánh dẹp khắp các xứ Hải Dương, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Năm 1600, Nguyễn Hoàng tìm kế thoát về Thuận Hóa2..

Sách sử kể rằng, trong một lần đi kinh lý xứ Quảng, Nguyễn Hoàng nhận thấy: “Quảng Nam đất tốt dân đông, sản vật giàu có, số thuế nộp vào nhiều hơn Thuận Hóa mà số quân cũng bằng quá nửa”. Ông đánh giá dãy núi Hải Vân “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng” và ông liền vượt qua núi xem xét hình thế. Sau đó cho dựng trấn dinh ở xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên, xây kho tàng, chứa lương thực. Năm 1602, Nguyễn Hoàng phái hoàng tử thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên làm trấn thủ Quảng Nam.

Năm 1611, quân Chiêm Thành xâm lấn biên giới, Nguyễn Hoàng sai Chủ sự là Văn Phong đem quân đi đánh lấy được đất của Chiêm Thành bèn đặt làm một phủ, cho hai huyện Đồng Xuân và Khánh Hòa lệ thuộc vào và sai Văn Phong làm Lưu thủ đất ấy. Đây là khởi đầu cho công cuộc Nam tiến mở cõi của chúa Nguyễn.3

Năm 1613, trước khi mất, Nguyễn Hoàng đã trối lại với công tử Nguyễn Phúc Nguyên ý muốn lập riêng một nước: “Đất Thuận Quảng phía Bắc có Hoành Sơn và Linh Giang (sông Gianh) hiểm trở, phía Nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia (Thạch Bi sơn) vững chắc. Núi sẵn vàng sắt, bể cho cá muối, thật là đất để anh hùng dụng võ. Nếu biết dạy dân, nghiêm lính, để tranh giành với họ Trịnh thì đất này đủ gây nên cơ nghiệp muôn đời. Nếu thế lực không địch nổi, thì cố giữ vững đất cõi để đợi thời cơ. Chớ có quên lời ta dặn bảo”.4

Lời di chúc của chúa Tiên về sau đã dẫn đến sự Nam Bắc phân tranh, nhân dân Đại Việt mang oan cốt nhục tương tàn trong khoảng nửa thế kỷ từ 1620 đến 1672 mới dừng, chia đôi đất nước. Và, nó cũng thúc giục các hậu duệ của Chúa tiếp tục công cuộc mở cõi về phía Nam.

Người đặt nền móng cho sự phát triển của Phật giáo Đàng Trong

Đất Thuận Hóa khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đã khá đông dân, họ gồm những người dân Đại Việt vào làm ăn sinh sống từ đời Trần Anh Tông, đời Hồ Quý Ly, đời Lê Thánh Tông và những người đồng hương với ông quê Tống Sơn, Thanh Hóa. Ngoài ra còn có một số người Chiêm Thành xin ở lại đã được “Việt hóa”; người nhà Tống xin tỵ nạn vì không chịu khuất phục nhà Nguyên.

Về văn hóa, tuy ngôn ngữ có khác chút ít so với người Bắc Hà, nhưng dân Thuận Hóa vẫn giữ nguyên bản chất văn hóa đồng xanh có tính cách truyền thống của người Việt từ xứ Bắc vào như tục cúng bánh chưng Tết Nguyên đán, hội vui mùa xuân, tục cúng bái chầu văn...

Về tư tưởng, dân Thuận Hóa lúc bấy giờ đã sống với một triết lý dung hợp cả ba nguồn tư tưởng lớn là Nho, Phật, Đạo cộng với tín ngưỡng bản địa vốn có. Trên thực tế, Phật giáo đã truyền vào Hà Tĩnh, Quảng Bình từ đời Trần (Phật hoàng Trần Nhân Tông trong chuyến vào thăm Chiêm Thành đã đến châu Bố Chính phía Bắc tỉnh Quảng Bình ngày nay, rồi chọn am Tri Kiến ở châu Địa Lý nay thuộc huyện Lệ Thủy, nơi danh lam của xứ Thuận Hóa để ở). Tinh thần Phật giáo đã theo cuộc di dân nhiều đợt định cư đời Trần Anh Tông, đời Hồ Quý Ly, đời Lê Thánh Tông, đã xuất hiện những ngôi chùa ở xứ này như chùa Sùng Hóa ở làng Lại Ân, huyện Tư Vinh, chùa Kính Thiên ở Thuận Trạch, huyện Lệ Thủy, chùa Thiên Mụ ở phía Nam xã Giang Đạm, huyện Kim Trà...

Chỉ qua mấy năm vào trị nhậm, Nguyễn Hoàng đã rút ra một điều rất cơ bản là người dân Thuận Hóa tin vào Phật giáo có phần mạnh hơn các tín ngưỡng khác. Từ đó, ông chuyển hướng từ ghét các nhà sư sang ái mộ đạo Phật từ bi, khuyên việc thiện… để cho dân thấy ông cũng là một Phật tử, hơn nữa là một Phật tử được thiên mệnh phó thác để chuyển hồi long mạch về cho toàn xứ. Nghĩa là Nguyễn Hoàng coi đạo Phật làm nơi nương tựa tinh thần cho công trình lập quốc của dòng họ Nguyễn.5

Gieo nhân lành, Nguyễn Hoàng đã được hái quả ngọt: từ một xứ bất yên, sau hơn 10 năm ở trấn, nhờ thi hành “chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang” mà mọi người dân đều an cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp. Thuyền buôn các nước đến nhiều. Chúa đã biến Thuận Hóa trở nên một nơi đô hội lớn6.

Phấn khởi trước những thành quả ban đầu của đường lối trên, Nguyễn Hoàng đã tiến hành nhiều hoạt động yểm trợ Phật giáo để thu phục lòng dân, nhất là sau khi ở Bắc về (1593):

Năm Tân Sửu 1601, cho làm lại chùa Thiên Mụ (có sách viết Thiên Mỗ) ở đồi Hà Khê (trước, chùa ở phía Nam xã Giang Đạm, huyện Kim Trà, Thuận Hóa). Thiên Mụ là Bà Trời, theo một truyền thuyết về một bà già áo đỏ quần xanh, ngồi trên đỉnh đồi nói: sẽ có một vị chân chúa đến xây dựng chùa ở đây, để tụ khí thiêng, cho bền long mạch.7

Năm Nhâm Dần 1602, Nguyễn Hoàng đến chùa Thiên Mụ tổ chức lễ Trung Nguyên cúng Phật, niệm kinh giải oan cầu phúc, tế độ chúng sinh. Xong, ông xuôi thuyền sông Hương về; đến làng Triêm Ân (Lại Ân, huyện Tư Vinh), thấy một lùm cây có cây đa to, cao cả trăm thước, vang tiếng chim hót, ông bắt dừng thuyền, lên bộ. Thấy một ngôi thảo am trong lùm cây rậm, tường vách sụp nát, rường mái đổ nghiêng, ông liền sai gọi người già, hỏi được biết chùa am đã có lâu năm nhưng không rõ đầu đuôi. Nghe nói thế, Chúa liền phát tâm, sai người trùng tu chùa phụng thờ chư vị Bồ tát để cầu phúc phù hộ cho dân. Chỉ sau vài tháng chùa mới làm xong, quy mô rất tráng lệ. Lòng Chúa cả mừng, bèn sai Cai bạ Lâm đề biển hiệu là “Sùng Hóa tự”. Năm Quý Mão 1603, Chúa tổ chức đại lễ Phật đản tại chùa này. Trong ngày lễ ấy, thần dân thiên hạ kéo đến xem hội rất đông, ai nấy đều tấm tắc ngợi khen, cho là “khá sánh với hội lớn vô già, mọi bề công đức hoàn thành, lòng Chúa hết mực thư thái. Từ đó Chúa rộng mở thì hành nhiều việc chính sự giáo hóa, ơn chăm trăm họ, bề tôi thán phục vui lòng, các nước láng giềng đều đến thăm, thiên hạ xưng tụng cho là bậc vua sáng ở đời thái bình”8.

Năm 1609, Nguyễn Hoàng cho dựng chùa Kính Thiên ở Thuận Trạch, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Sách Ô châu cận lục9năm 1555 ghi: “Chùa Kính Thiên ở huyện Lệ Thủy, gần trạm Bình Giang, nước biếc uốn quanh, non xanh chầu về, hẳn nhiên là một ngôi chùa u tịch, một cõi thần tiên vậy. Nhà cửa thôn xóm chẳng xa nhưng tuyệt nhiên không nghe tiếng gà gáy, chó sủa, thực là một ngôi chùa lớn ở phủ Tân Bình vậy. Chùa có quả chuông lớn nặng nghìn cân, trước có đặt Tăng quan và sái phu (người quét dọn) phụng sự, nay hoa rụng chim kêu, chỉ còn trơ lại nền mà thôi”. Như vậy, có thể nói chùa Kính Thiên có từ trước năm 1553, tức là ít nhất có từ đời nhà Mạc. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng nhân nền chùa cũ mà dựng lại.

Nguyễn Hoàng cũng đã quan tâm đến sự phát triển Phật giáo Đại thừa của xứ Quảng Nam vốn chịu ảnh hưởng của Phật giáo Champa:

Năm 1602, sau khi dựng xong dinh trấn Quảng Nam ở xã Cần Húc, Chúa cho dựng chùa Hưng Đông ở mé Đông của trấn. Năm 1607, cho dựng chùa Bảo Châu ở Trà Kiệu, Quảng Nam.

Những Phật sự tiêu biểu nói trên cho thấy Nguyễn Hoàng là người đặt nền móng cho sự phát triển của Phật giáo Đàng Trong.

Minh vương Nguyễn Phúc Chu hoàn thành cơ bản công nghiệp Nam tiến

Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu còn gọi là Minh Vương - vị chúa Nguyễn đời thứ 6, sinh năm 1675, nối ngôi chúa năm 1691. Ông là con trưởng của Ngãi Vương Nguyễn Phúc Thái.

Sinh ra và trưởng thành sau ngày chấm dứt phân tranh Trịnh - Nguyễn, Nguyễn Phúc Chu được học hành căn bản và sớm thể hiện là một vị chúa có tài.    

Nối nghiệp tổ tiên, năm 1698 Nguyễn Phúc Chu cử Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược đất Chân Lạp đặt phủ Bình Thuận, lập dinh Trấn Biên (Biên Hòa), dinh Phiên Trấn (Gia Định).

Năm 1714, vì bị Xiêm La quấy phá, phải dựa thế triều đình Phú Xuân mới giữ được Hà Tiên, Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên và đảo Phú Quốc cho chúa Nguyễn. Hiền Vương phong Mạc Cửu là Cửu Lộc hầu và cho tiếp tục làm Tổng binh trấn Hà Tiên.

Như vậy, ngót 100 năm sau ngày Nguyễn Hoàng thành lập phủ Phú Yên, biên giới Đàng Trong đã nối dài tới tận Hà Tiên. Minh Vương Nguyễn Phúc Chu đã cơ bản hoàn thành công cuộc mở cõi về phía Nam.

Phật giáo phát triển rực rỡ

Nam Hà, khi Nguyễn Phúc Chu lên ngôi Chúa là một giải đất thanh bình, thịnh vượng. Có được thành quả này là nhờ các hậu duệ của Nguyễn Hoàng đã tuân thủ đúng đường lối của chúa Tiên là lấy đạo Phật làm chỗ dựa tinh thần cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dòng họ Nguyễn.

Dưới thời Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635), tư tưởng Phật giáo cư trần lạc đạo của Trần Nhân Tông, và ở trần mà chẳng nhiễm trần của Đào Duy Từ đã chi phối sự phát triển Phật giáo Đàng Trong. Do giao du với các tín ngưỡng khác của dân bản địa, đã hình thành một nền Phật giáo Thuận Hóa với những sắc thái mới so với Phật giáo từ quê hương cũ của họ ở xứ Bắc thể hiện qua việc: Từ xem kinh Phật, Đào Duy Từ đã sáng tác ra những điệu múa khúc ca Phật giáo, tạo nền tảng cho nền lễ nhạc Phật giáo Huế.

Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1601-1648) cấp đất cho tổ Nguyên Thiều dựng chùa Vĩnh Ân tức chùa Quốc Ân ở Phú Xuân Sơn. Nhiều chùa làng được dựng như: chùa La Chữ, Thủ Lễ, Thanh Phước, trùng tu chùa Hà Trung, chùa Kim Lan và chùa Thiên Mụ. Chúa cho phép các thiền sư Trung Hoa sang cắm tích trượng lập thảo am để hoằng pháp ở các dãy núi phía Nam sông Hương.

Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1620-1687) chodựng chùa Thiên Tôn, xã Đâu Kênh, phủ Triệu Phong; Chúa ban tứ Phật tượng, tự khí và kim biển; dựng chùa Hòa Vinh ở núi Linh Thái, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc rồi mở hội chùa (Phật đản) rất lớn kéo dài 7 ngày đêm10. Chúa đã hỗ trợ cho tổ Nguyên Thiều dựng chùa Thập Tháp (1683) ở làng Thuận Chánh, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Ninh (Bình Định bây giờ).  

Những năm 1648-1650, bắt đầu có các thiền sư Trung Quốc đến truyền giáo ở Đàng Trong như Lục Hồ Viên Cảnh, Đại Thâm Viên Khoan thuộc dòng Thiền Lâm Tế; nghĩa là Phật giáo Trung Hoa bắt đầu ảnh hưởng đến Phật giáo Thuận Hóa.

Tháng 7 năm Đinh Mão 1687, Ngãi Vương Nguyễn Phúc Thái (Nguyễn Phúc Trăn 1650 - 1691) đã dời phủ chúa từ Kim Long về Phú Xuân tức vùng cố đô Huế ngày nay. Năm Chính Hòa thứ 10, ngày 17/5 Kỷ Tỵ 1689, Chúa ban lệnh miễn thuế đất ruộng của chùa và đổi tên chùa Vĩnh Ân thành chùa Quốc Ân (Sắc tứ Quốc Ân tự). Năm 1695, nghe tiếng Thiền sư Hương Hải, Chúa liền cho người đi đón về nghỉ tại phủ, rồi Ngài truyền lập Thiền Tĩnh viện trên núi Quy Kính để Thiền sư ở. Quốc Thái phu nhân và 3 công tử cùng quan dân binh lính ai cũng kính tin, xin quy y thụ giáo hơn 1.300 người11. Chúa phái Thiền sư Nguyên Thiều Hoán Bích sang Trung Quốc thỉnh danh tăng và thỉnh Phật tượng và pháp khí về Thuận Hóa.

Đến thời Minh Vương Nguyễn Phúc Chu đạo Phật phát triển lên một nấc cao hơn không chỉ số lượng chùa và tăng sĩ mà cả về qui mô, qui củ, uy nghi phong cách trong tăng giới, thể hiện ở một số Phật sự lớn sau:

Năm 1694, Chúa tôn Thiền sư Quả Hoằng Hưng Liên (quê Quảng Đông), người khai sơn và đang trụ trì chùa Tam Thai, (tọa lạc ở phía Tây Ngũ Hành Sơn, huyện Diên Phước) Quảng Nam - người đầu tiên đem tông phái Tào Động vào Đàng Trong Đại Việt làm Quốc Sư. Như vậy, bên cạnh phái thiền Lâm Tế đã xuất hiện thiền phái Tào Động.

Năm 1695, sau khi Thiền sư Nguyên Thiều tịch, Chúa cử người sang thỉnh Thạch Liêm Hòa thượng từ Quảng Đông sang để dạy đạo cho quan và dân. Được sự hỗ trợ kịp thời và có hiệu quả của Minh Vương, Hòa thượng Thạch Liêm đã tổ chức thành công đại giới đàn tại chùa Thiền Lâm từ ngày 1/4 đến ngày 8/4 năm Ất Hợi. Hơn 4.000 người, trong đó có Chúa cùng hoàng gia nội phủ và cai bá bách quan đã đến xin quy y với Hòa thượng Thạch Liêm. Trong cả ngàn giới tử thọ Sa di giới lúc đó có ngài Liễu Quán, về sau thị hiện làm Tổ sư khai phái thiền Liễu Quán rất lớn ở Đàng Trong, tạo cơ duyên cho Phật giáo Nam Hà phát triển mạnh mẽ.

Minh Vương thụ Bồ tát giới với Hòa thượng và được Ngài ban pháp danh Hưng Long và đạo hiệu Thiên Túng Đạo Nhân.

Tháng 6 năm đó, trong thời gian ở Hội An chờ gió yên biển lặng để lên thuyền về nước, tại chùa Di Đà, ngài Thạch Liêm đã mở đàn truyền Bồ tát giới cho 300 giới tử ở đây không kịp ra Thuận Hóa thụ đại giới ở giới đàn Thiền Lâm hồi tháng 4 vừa qua.

Theo lời khuyên của Thạch Liêm, Nguyễn Phúc Chu quan tâm nâng đỡ các cao tăng trong toàn xứ Đàng Trong và ban biển ngạch sắc tứ cùng câu đối cho rất nhiều chùa, biển ngạch thường được ký “Thiên Túng Đạo Nhân”.

Để quản lý, coi sóc đạo Phật, tại kinh đô Phú Xuân, Chúa đã đặt ra Ty Đăng Lục, Ty Nội Pháp.

Năm Giáp Ngọ 1714, “Tào Động Chính Tông Tam Thập Thế” Nguyễn Phúc Chu mở cuộc đại trùng tu chùa Thiên Mụ, nhằm biến chùa thành một cảnh chùa hoành tráng và mỹ lệ để thờ Tam bảo, thực sự là một cõi Phật ở Đàng Trong. Trùng tu xong, Chúa vào an cư kiết hạ một tháng tại vườn Tỳ Da sau chùa, mở hội lạc thành, phát chẩn tiền gạo cho người nghèo. Chúa lại sai người đem vàng sang Trung Quốc thỉnh một bộ Đại tạng kinh về cất giữ ở Tàng Kinh Lâu của chùa. Một bia đá cẩm thạch khắc bài minh của chúa do một con rùa bằng đá trắng rất lớn mang trên lưng được dựng năm 1715 (Ất Mùi), đầu bia bằng đá trắng đề “Ngự kiến Thiên Mụ tự”,và chạm quốc ấn bằng chữ triện đề “Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo”. Trước đó, Chúa cho đúc một quả đại hồng chung rất mỹ thuật nặng 3.295 cân đặt tại chùa đúng vào ngày Phật đản mồng 8 tháng 4 Canh Dần (1710).

Kết luận

Nhớ buổi ban đầu Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, chúa Tiên mới thực hiện một số Phật sự để chứng tỏ mình “là một Phật tử được thiên mệnh phó thác” để xây dựng cơ nghiệp họ Nguyễn. Nhưng đó là nền móng rất cơ bản để ngót 140 năm sau, hậu duệ đời thứ 6 của Ngài là Hưng Long Nguyễn Phúc Chu, nhờ lấy việc Hộ pháp đạo Phật làm phương sách trị quốc, đã hoàn thành công nghiệp Nam tiến mở mang bờ cõi, giữ gìn hòa thuận trong nhân dân, giữ bình an cho đất nước.

Có thể nói, dưới thời Quốc chúa Minh Vương xứ Đàng Trong là dải đất thái bình thịnh trị, đạo Phật phát triển rực rỡ “chùa chiền khắp sứ, sãi vãi đầy đoàn”, người dân sống hiền hòa, nhân ái giống thời vua Lý Thánh Tông và Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Công lao của Ngài đối với đất nước và đạo Phật thật to lớn, xứng đáng được trân trọng ghi nhận.



* Nhà Nghiên cứu, Ban PGVN, VNC Phật học Việt Nam.

1 Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, NXB. Văn hóa - Thông tin, 2007. Nguyễn Thị Ngọc Bảo - Con gái Nguyễn Kim là vợ Trịnh Kiểm. Xin lưu ý độc giả rằng, năm 1558 Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa. Tới 1570 ông mới kiêm trấn thủ xứ Quảng Nam.

2. Nguyễn Khoa Chiêm, Nam Triều công nghiệp diễn chí, Sở Văn hóa Thông tin xuất bản, Huế, 1986.

3 Đại Nam thực lục tiền biên, NXB. Văn hóa Thông tin, H, 1995.

4 Đại Nam thực lục tiền biên, NXB. Văn hóa Thông tin, H, 1995.

5 Hà Xuân Liêm và Thích Hải Ấn,  Lịch sử Phật giáo xứ Huế, NXB. TPHCM, 2001.

6 Đại Nam thực lục tiền biên, H, 1995.

7 Đại Nam thực lục tiền biên, H, 1995.

8 Nguyễn Khoa Chiêm, Nam Triều công nghiệp diễn chí, Sở Văn hóa Thông tin xuất bản, Huế, 1986.

9 Dương Văn An,  Ô châu cận lục, Trần Đại Vinh - Hoàng Văn Phúc dịch, NXB. Thuận Hóa.

10 Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm trong sách Lịch sử Phật giáo xứ Huế, NXB. TPHCM, 2001, cho rằng lễ hội này chính là ngày chúa đón Hương Hải thiền sư.

11 Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, NXB. Văn hóa - Thông tin, H, 2007.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 27
    • Số lượt truy cập : 6794978