Thông tin

TỪ ĐẠO HẠNH – LÝ THẦN TÔNG, TỪ SƯ ĐẾN VUA

 

TS. NGUYỄN MẠNH CƯỜNG*

 

I. CHÙA THẦY

Hằng năm cứ đến ngày 7-3 âm lịch là người ở thập phương lại tấp nập kéo về dự hội chùa Thầy (Nhớ ngày mồng bảy tháng ba. Trở vào hội Láng trở ra hội Thầy).

Chùa Thầy còn gọi là Thiên Phúc tự nằm ở chân núi Sài thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, cách trung tâm thủ đô chừng 25km về phía tây. Chùa được xây dựng vào thời Lý Nhân Tông (1072 - 1127), lưu dấu ấn tu hành của một vị cao tăng rất nổi tiếng thời Lý: thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chuyện kể rằng sau khi đắc đạo, thiền sư trở về giảng đạo, dạy học hái thuốc giúp dân, tổ chức những trò chơi như đá cầu, đánh vật, múa rối nước. Do đó dân chúng rất cảm phục nên mới gọi nhà sư bằng một danh xưng vừa trìu mến vừa gần gũi là "Thầy". Bởi vậy chùa ngài tu là chùa Thầy, núi ngài hóa cũng là núi Thầy, làng ngài sống là làng Thầy, thậm chí đến cả tổng đó cũng được gọi là tổng Thầy.

Về kiến trúc, lúc đầu chỉ là một thảo am nhỏ mang tên Hương Hải am do thiền sư Từ Đạo Hạnh lập ra để tu lập. Sau mới xây thành qui mô lớn. Trước cửa chùa có hồ nước rộng gọi là Long Trì (ao rồng), giữa hồ có nhà thủy đình là nơi biểu diễn rối nước trong những ngày hội. Hai bên cầu có hai chiếc cầu lợp mái theo kiểu "thượng gia hạ kiều" (trên là nhà dưới là cầu). Bên trái là Nhật Tiêu Kiều thông ra tam phủ trên một đảo nhỏ giữa ao Rồng. Bên phải là Nguyệt Tiêu Kiều bắc qua ao lên núi. Toàn khu chính điện của chùa là một khuôn viên hình chữ nhật rộng khoảng 40m, dài chừng 60m, gồm ba tòa nhà to dài xây song song hình chữ tam, có hai dãy hành lang chạy kèm hai bên các đấu hối. Nhưng kỳ lạ thay tam bảo chùa có kết cấu kiến trúc hình chữ tam đồ sộ như thế mà chỉ có 36 lỗ đục, còn gỗ được xếp chồng lên nhau nhưng lại rất vững chắc. Hai bên toà tam bảo là gác chuông và gác chính nhô cao lên khỏi hai dãy hành lang. Đi tiếp là chùa Thượng, bàn giữa tượng Di Tà tôn ở trên, phía dưới là bệ đá trăm hoa (bách hoa đài) tạc từ thời Trần, trên để hòm sắc lịch triều tôn phong của thiền sư Từ Đạo Hạnh, phía dưới cùng là tượng thiền sư nhập định trên tòa sen vàng, gian bên trái thờ tượng toàn thân thiền sư bằng gỗ chiên đàn đặt trong khám. Rời chùa chính, đi qua Nguyệt Tiêu Kiều là cổng "Bất nhị pháp môn" để lên núi. Đến lưng chừng núi ta gặp chùa cao (Hiền Thụy am) với hang thánh hóa là nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh giải thi (trục xác). Leo lên tới đỉnh núi ta thấy một khoảng đất bằng phẳng xung quanh có nhiều mô đá châu vào. Đó là "chợ trời". Lại theo đường mòn chùa cao ta đi vòng về phía sau, qua lối rẽ là tới hang Cắc Cớ. Hang rất tối, muốn vào phải níu nhau mà đi. Tương truyền đây là nơi tuẫn tiết của tướng quân họ Lã sau trận chống giặc ngoại xâm thất bại. Từ hang Cắc Cớ lên, men theo sườn núi qua hàng đại già, ta đặt chân tới đền Thượng, nơi thờ thánh Văn Xương, nơi hội họp của Đông Kinh Nghĩa Thục xưa kia. Đi tiếp, ta sẽ xuống đến chùa Bối Am, hay còn gọi là một chùa một mái. Bên cạnh đó là hang Hút Gió, thềm đá Thái Lão, đền kỷ niệm Phan Huy Chú. Như vậy là chúng ta đã hoàn thành một chuyến viễn du chùa Thầy đầy thi vị.  

Trong chùa Thiên Phúc hiện còn thờ tượng vua Lý Thần tông. Sử cũ chép về ông vua này như sau: Do Lý Nhân Tông không có con trai, sau khi Nhân Tông băng, Dương Hoán được ngôi Hoàng đế là Lý Thần Tông. Tuơng truyền nhà vua là nhà sư Từ Đạo Hạnh đầu thai. Khác với các vị vua triều trước lo điều hành đất nước, Thần Tông chỉ biết vui chơi. Ông thường tìm kiếm những con vật lạ trong thiên hạ làm sở thích. Phàm ai có hươu trắng, hươu đen hay chim sẻ trắng, rùa trắng... đều đem dâng vua cả. Lúc ấy, có Đỗ Khánh là lính ở Tả Vũ Tiệp đem dâng con xương và con cá công sắc vàng[1]. Ông cho đấy là điềm lành, bèn xuống chiếu cho bề tôi chúc mừng. Cáp môn sứ là Lý Phụng Ân nói rằng: "Cá là vật nhỏ mọn mà bệ hạ đã lấy làm điềm lành, vậy nhỡ sau này có người đem tới dâng con lân con phượng thì bệ hạ sẽ làm sao?". Bởi lời ấy, việc này mới thôi.

Bấy giờ, Vương Cửu là lính ở Tả Hưng Vũ đem dâng con rùa, trên mai có những vết hợp thành nét chữ. Vua liền xuống chiếu cho các học sĩ, nhà sưđạo sĩ theo hình nét chữ để đoán. Họ tán ra thành chữ Thiên thư hạ thị, thánh nhân vạn tuế nghĩa là: "sách trời bảo cho biết rằng thánh nhân (đây chỉ vua Lý Thần Tông) muôn năm"[2].Vua Thần Tông cũng đại xá cho các tù phạm và trả lại ruộng đất mà đã tịch thu của quân dân trước đó. Ông cũng thực hiện chính sách ngụ binh ư nông, cho binh lính thay phiên nhau cứ sáu lần một tháng được về làm ruộng. Vì thế, việc sản xuất nông nghiệp của Đại Việt phát triển cao.

Theo lời Sùng Hiền hầu thì Lý Thần tông chính là Từ Đạo Hạnh.

II. BẮT ĐẦU TỪ THẾ PHẢ NHÀ LÝ

Lý Thái Tổ (1009 – 1028) - Lý Thái Tông (1028 – 1054) - Lý Thánh Tông (1054 – 1072) - Lý Nhân Tông (1072 – 1127) - Lý Thần Tông (1128 – 1138) - Lý Anh Tông (1138 – 1175) - Lý Cao Tông (1175 – 1210) - Lý Huệ Tông (1210 – 1224) – Lý Chiêu Hoàng (1224 – 1225).

Nhìn vào thế phả các vua Lý chúng ta chợt nhận ra rằng, giữa các vị vua đầu triều với các vị vua ở cuối triều đại được gạch nối bởi một nhân vật đó chính là Sùng Hiền Hầu. Sử chép rằng vua Lý Nhân Tông không có con trai nối dõi nên có một người mượn Sùng Hiền hầu để đầu thai và trở thành vua nhà Lý? Nhìn vào phả hệ này chúng ta thấy quả là có việc đó. Vậy thực hư của việc này thế nào, chúng ta phải bắt đầu từ đâu? Đó là một vấn đề cực kỳ tế nhị và phức tạp. Vậy Sùng Hiền hầu là ai?

III. SÙNG HIỀN HẦU

Sùng Hiền Hầu là một tông thất nhà LýViệt Nam. Ngoài ra, ông là Thái thượng hoàng đầu tiên được ghi chép trong lịch sử Việt Nam.

Tên thật và năm sinh của Sùng Hiền hầu bị khuyết trong sử sách. Các sách sử như Đại Việt sử lượcĐại Việt sử ký toàn thư chỉ đề cập trực tiếp tới người con ông là Lý Thần Tông - người được kế vị vua Lý Nhân Tông:

Theo Việt sử lược: Lý Thần Tông "là cháu của vua Thánh Tông, con Sùng Hiền hầu".

Theo Đại Việt sử ký Toàn thư thì Thần Tông là cháu gọi Thánh Tông bằng ông, cháu gọi Nhân Tông bằng bác, con của Sùng Hiền hầu.

Riêng sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục trực tiếp đề cập thân thế của ông, ghi Sùng Hiền hầu là "hoàng đệ của Nhân Tông".

Sinh hạ Lý Thần Tông

Theo ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư, Lý Nhân Tông tuổi cao chưa có con nối dõi, xuống chiếu chọn con tông thất để lập con nối. Khi đó Sùng Hiền hầu cũng chưa có con, gặp lúc nhà sư Từ Đạo Hạnh đến chơi nhà liền bàn việc cầu tự. Từ Đạo Hạnh bảo rằng: Bao giờ phu nhân sắp đến ngày sinh để tôi cầu khấn với sơn thần.

Năm 1116, phu nhân Đỗ thị có mang, trở dạ mãi không đẻ, liền sai người đi báo với Từ Đạo Hạnh. Từ Đạo Hạnh trút xác trong núi. Sau đó Đỗ thị sinh ra con trai, đặt tên là Dương Hoán, vua Nhân Tông đưa vào cung làm nghĩa tử. Đến năm 1117 thì Dương Hoán được lập làm Thái tử.

Bộ sử lâu đời nhất là Việt sử lược không gắn sự kiện Từ Đạo Hạnh qua đời với thái tử Dương Hoán, chỉ ghi chép việc Từ Đạo Hạnh mất năm 1116 và Dương Hoán được lập thái tử năm 1117, không đề cập thời điểm Dương Hoán ra đời.

Lên ngôi Thái thượng hoàng

Năm 1129, vua Lý Thần Tông tôn thân phụ Sùng Hiền hầu làm Thái thượng hoàng và thân mẫu Đỗ thị làm Hoàng thái hậu, ở tại cung Động Nhân.

Việc này bị các sử gia phong kiến chê trách, như Lê Văn Hưu từng bàn[3]:

Qua đời

Năm 1130, tháng 5, Sùng Hiền hầu qua đời, được truy tôn thụy hiệuCung Hoàng đế. Sử sách cũng không ghi gì thêm.

IV. LÝ THẦN TÔNG

Lý Thần Tông, tên thật là Lý Dương Hoán (11161138), là vị vua thứ năm của nhà Lý, trị vì từ năm 1127 đến năm 1138.

Thân thế

Lý Thần Tông là con trai của Sùng Hiền hầu - em trai của vua Lý Nhân Tông, tức là cháu gọi Nhân Tông bằng bác.

Có ý kiến cho rằng Lý Thần Tông là hậu thân của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư, quyển III ghi lại việc Từ Đạo Hạnh thoát xác tại chùa núi Thạch Thất năm 1116, ngay trước khi Lý Dương Hoán ra đời. Người ta cho rằng vì Lý Nhân Tông không có con nên Từ Đạo Hạnh đầu thai làm con trai Sùng Hiền hầu để duy trì sự nghiệp của nhà Lý.

Cai trị

Lý Thần Tông tôn cha đẻ là Sùng Hiền hầu làm Thái thượng hoàng. Đại Việt sử lược chép việc ông tôn mẹ nuôi là Thần Phi làm Thái hậu, còn Đại Việt sử ký toàn thư lại chép ông tôn thân mẫu Đỗ thị làm Hoàng thái hậu. Ông thường tìm kiếm những con vật lạ trong thiên hạ làm sở thích. Phàm ai có hươu trắng, hươu đen hay chim sẻ trắng, rùa trắng... đều đem dâng vua cả. Lúc ấy, có Đỗ Khánh là lính ở Tả Vũ Tiệp đem dâng con xương và con cá công sắc vàng. (Cá xương là một loại cá biển, cũng gọi là cá hầu. Cá công cũng ở biển, còn gọi là cá chiết, trông gần giống như con cua). Ông cho đấy là điềm lành, bèn xuống chiếu cho bề tôi chúc mừng. Cáp môn sứ là Lý Phụng Ân nói rằng: “Cá là vật nhỏ mọn mà bệ hạ đã lấy làm điềm lành, vậy nhỡ sau này có người đem tới dâng con lân con phượng thì bệ hạ sẽ làm sao?”.

Bởi lời ấy, việc này mới thôi.

Tháng 8 năm 1132, quân Chân LạpChiêm Thành vào cướp phá Nghệ An. Thần Tông sai quan Thái úy Dương Anh Nhĩ đánh thắng được quân hai nước. Sang năm 1134, hai nước phải đến tiến cống.

Tháng 9 năm 1136, tướng Chân Lạp là Tô Phá Lăng lại mang quân vào cướp phá Nghệ An. Thần Tông sai quan Thái phó là Lý Công Bình đi đánh bại quân Chân Lạp.

Vua Thần Tông đại xá cho các tù phạm và trả lại ruộng đất mà đã tịch thu của quân dân trước đó. Ông cũng thực hiện chính sách ngụ binh ư nông, cho binh lính thay phiên nhau cứ sáu lần một tháng được về làm ruộng. Vì thế, việc sản xuất nông nghiệp của Đại Việt phát triển.

Giai thoại

Tương truyền năm Thần Tông 21 tuổi (1136), bỗng nhiên mắc bệnh lạ, trên người mọc lông hổ, ngồi xổm chụp người, cuồng loạn, gầm gừ đáng sợ. Triều đình phải làm cũi vàng nhốt Vua trong đó. Khi ấy có đứa bé ở Chân Định hát rằng:

Nước có Lý Thần Tông,

Triều đình muôn việc thông.

Muốn chữa bệnh thiên hạ,

Cần được Nguyễn Minh Không.

Triều đình sai quan chỉ huy đi đón sư Nguyễn Minh Không. Đến am, sư cười bảo: "Đâu không phải là việc cứu cọp đó ư?" Quan chỉ huy hỏi: "Sao thầy sớm biết trước?" Sư bảo: "Ta đã biết việc này trước ba mươi năm". Sư đến triều vào trong điện ngồi, lên tiếng bảo: "Bá quan đem cái đảnh dầu lại mau, trong đó để một trăm cây kim, và nấu cho sôi, đem cũi vua lại gần đó." Sư lấy tay mò trong đảnh lấy một trăm cây kim găm vào thân vua, nói: "Quí là trời". Tự nhiên lông, móng, răng đều rụng hết, thân vua hoàn phục như cũ. Vua tạ ơn sư một ngàn cân vàng và một ngàn khoảnh ruộng để hương hỏa cho chùa, ruộng này không có lấy thuế.

Về việc này, Đại Việt sử ký toàn thư, quyển III không nhắc đến việc hóa hổ mà chép như sau: [Năm 1136] Vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi. Nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm quốc sư. Tha thuế dịch cho vài trăm hộ [ban cho Minh Không]. (Tục truyền khi nhà sư Từ Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem thuốc niệm thần chú rồi giao cho học trò là Nguyễn Chí Thành tức Minh Không, dặn rằng 20 năm sau nếu thấy quốc vương bị bệnh lạ thì đến chữa ngay, có lẽ là việc này).

Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục cũng chỉ ghi vắn tắt việc Lý Thần Tông "có tật chữa lâu không khỏi, sau nhờ nhà sư Minh Không chữa được".

Gia quyến

Lý Thần Tông ở ngôi hoàng đế được 10 năm, chỉ thọ 23 tuổi. Kết thúc thời vua Lý Thần Tông, nhà Lý đi vào thời kì suy vong.

Vua có 5 người con:

Minh Đạo vương Lý Thiên Lộc (sinh năm 1132)

Một hoàng nữ chết sớm (sinh năm 1132)

Thái tử Lý Thiên Tộ (sinh năm 1136)

Một hoàng tử không rõ tên (sinh năm 1137)

Công chúa Thụy Thiên (sinh năm 1137)

V. TỪ SƯ ĐẾN VUA – SỰ TRÁI NGƯỢC KHÓ TIN

Sách Lĩnh Nam trích quái[4], khi chép về sự tích của Từ Đạo Hạnh có viết truyện như sau:

Truyện Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không

Ông họ Từ tên Lộ, tự là Đạo Hạnh, ở chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích. Cha tên là Vinh, làm chức Tăng quan đo sát ở triều Lý, thường qua chơi làng An lãng, lấy con gái người họ Tăng tên là Loan, nhân thế ở lại đó. Lộ tức là con bà họ Tăng vậy. Thưở thiếu niên, thích du hiệp, phóng khoáng, có chí lớn, hành động ngôn ngữ không ai có thể lường được, thường cùng kẻ nho giả là Mãi Sinh, đạo sĩ là Lê Toàn Nghĩa và người con hát là Phan ất kết bạn, đêm thì mải miết đọc sách, ngày thì thổi sáo đánh cầu, bày trò vui chơi.

Cha mẹ thường trách là trễ nải, một đêm ghé dòm qua khe cửa trong phòng thấy ngọn đèn gần tàn, sách vở chồng chất, Lộ vừa gục xuống án mà ngủ, tay vẫn chưa rời khỏi sách; do đó cha mẹ không còn lo nghĩ nữa. Sau Lộ dự kỳ thi tăng hương thí, đỗ khoa Bạch Liên. Không bao lâu, cha dùng tà thuật làm phật ý Diên Thành hầu. Diên Thành nhờ Đại Điên thiền sư dùng phép đánh chết, ném xác xuống sông Tô Lịch. Xác trôi tới cầu An Quyết, trước cửa nhà Diên Thành hầu, hốt nhiên đứng dựng lên ở đấy suốt một ngày không trôi đi.

Diên Thành hầu sợ hãi nói với Đại Điên, Đại Điên đến hét lên rằng: “Người tu hành không được phép giận quá một ngày”, rứt lời thây đổ xuống mà trôi đi. Lộ nghĩ việc báo thù cho cha nhưng chưa nghĩ ra mưu kế. Một hôm rình Đại Điên ra ngoài muốn gây sự đánh, bỗng nghe thấy trên không trung có tiếng thét ngăn lại.

Lộ sợ hãi quăng gậy mà đi. Muốn sang chùa bên nước ấn Độ cầu phép lạ để đánh Điên, đường đi qua đất rợ Kim Xỉ (răng vàng) thấy hiểm trở bèn quay về, ẩn cư ở núi Phật Tích, thường ngày đọc kinh Đại Bi đà la, đọc trọn mười tám vạn tám ngàn lần.

Một hôm có thần nhân đến trước mặt nói rằng: “Đệ tử tức là Trấn Thiên vương, cảm phục thầy có công to đức lớn kiên trì tụng kinh nên lại đây để thầy sai khiến.”. Lộ biết là đạo pháp đã thành, thù cha có thể rửa, bèn thân đến cầu An Quyết, cầm cây gậy chống ở tay thử ném xuống dòng nước chảy xiết. Gậy đi ngược dòng nước tới cầu Tây Dương thì dừng lại. Lộ mừng mà nói rằng: “Phép của ta thắng được Đại Điên rồi”.

Bèn đến thẳng chỗ Điên ở. Điên nói rằng: “Mày không nhớ chuyện ngày trước sao?”. Lộ nhìn lên không trung, tịnh không thấy gì, bèn đánh liền. Điên phát bệnh mà chết. Từ đó thù xưa rửa sạch, tục lự nguội dần, mới du ngoạn các miền rừng rú để tìm dấu Phật. Nghe tiếng Kiều Trí Huyền ở đạo Bình Hoá, bèn cung kính tới bái yết và hỏi về chân tâm, đọc câu kệ rằng:

Cửu hỗn phong trần vị thức câm (kim)

Bất tri hà xứ thị chân tâm

Nguyện thừa chỉ giáo khai phương tiện,

Tiện kiến bồ đề đoạn khổ tầm.

Huyền đọc kệ đáp lại:

Ngũ âm bí quyết diễn chân câm (kim)

Cả trung mãn nguyệt lộ thiền tâm.

Hà sa giác thị bồ đề đạo,

Nghĩ hướng bồ đề cách vạn tầm.

Lộ hoang mang chưa hiểu hết, bèn đi tới chùa ở núi Pháp Linh yết kiến Phạm Hội thiền sư, hỏi rằng: “Như thế nào là chân tâm?” Phạm nói: “A nan cá chính là chân tâm”. Lộ bỗng nhiên tỉnh ngộ, hỏi rằng: “Thế nào là phép hành trụ.?” Phạm nói: Đói thì ăn khát thì uống. Lộ bái từ mà đi, từ đó phép lực ngày càng mạnh, duyên thiền ngày càng kết. Các giống rắn núi, thú đồng đến quấn quýt quanh mình. Lộ đốt ngón tay cầu đảo, phun nước trị bệnh, không lúc nào không ứng nghiệm ngay. Có một vị sư hỏi rằng: “Phải chăng hành, trụ, tọa, ngoạ đều là Phật tâm”.

Lộ đọc kệ đáp rằng:

Tác hữu trần sa hữu

Vi không nhất thiết không.

Hữu, không như thuỷ nguyệt,

Vận chước khả không không.

Hoặc lại nói:

Nhật nguyệt xuất nhan đầu

Nhân nhân thất hoả châu

Quy nhân hữu câu tử,

Hành lộ bất kỵ câu.

Khi ấy vua Lý Nhân tông không có con, tháng 3 năm Hội tường Đại khánh thứ 3, có người ở phủ Thanh Hoa dâng lời nói rằng: “ở bãi bể có một đứa trẻ kỳ lạ, mới khoảng lên 3, tự xưng là hoàng tử, lấy hiệu Giác Hoàng, phàm vua làm điều gì đứa trẻ ấy cũng biết”. Đó chính là Đại Điên hoá sinh vậy. Vua sai quan Trung sứ tới xem, thấy đúng như lời nói, bèn đón về Kinh sư, cho ở chùa Báo Thiên. Vua thấy đứa trẻ thông minh kỳ lạ rất lấy làm yêu dấu, muốn lập làm kẻ kế tự, quần thần đều cố khuyên can là không thể được, và nói: “Nếu kẻ thật là linh dị, tất phải thác sinh ở nơi cung cấm, sau mới có thể lập được”. Vua nghe theo. Bèn mở đại hội bảy ngày đêm cho đầu thai.

Lộ nghe tin, nói với chị gái rằng: “Đứa trẻ kia là yêu tà, mê hoặc người ta quá đáng. Ta há chịu ngồi yên mà không cứu, để nó làm mê hoặc lòng người rối loạn chính pháp sao?”. Nhân bảo chị gái giả đò làm người đi xem hội, mật đem mấy tấm bùa của Lộ treo ở trên rèm. Tới ngày thứ 3 thì Giác Hoàng bị bệnh nói với mọi người rằng: “Khắp biên giới trong nước đều có lưới sắt vây che, tuy muốn thác sinh, sợ không có lối vậy”.

Vua nghe có kẻ phá mất bùa chú, bèn sai người đi tìm, quả nhiên bắt được Lộ ở Hưng Thánh lâu, trói lại, họp quần thần để xét xử.

Vừa lúc đó Sùng Hiền hầu đi qua, Lộ năm nỉ nói: “Xin ra sức cứu bần tăng khỏi phải chịu tội, ngày sau xin ngụ thai trong cung để báo đáp công đức này.” Hầu gật đầu. Đến lúc họp, quần thần tâu với vua rằng: “Bệ hạ không có người nối nghiệp nên cầu kẻ kia thác sinh, thế mà tên Lộ cuồng dại dám tự ý phá gỡ phép bùa chú, thật là đắc tội.”. Hầu tâu rằng: “Thiết tưởng nếu Giác Hoàng có thần lực thì dẫu có trăm tên Lộ phá gỡ phỏng có hề gì? Nay lại trái hẳn. Lộ hơn hẳn Giác Hoàng, thần trộm nghĩ nếu như bắt tội Lộ chẳng thà cho Lộ thác sinh.”. Vua bằng lòng.

Lộ đến thẳng phủ đệ nhà Hầu, nhằm chỗ phu nhân tắm, nhìn khắp cả. Phu nhân giận quá, mách với Hầu. Hầu vốn hiểu ý, để mặc không hỏi đến. Phu nhân vì thế có thai. Lộ dặn Hầu rằng đến ngày phu nhân đẻ con phải báo cho biết trước. Đến ngày tháng, Lộ được người báo tin, bèn tắm rửa thay quần áo, bảo học trò rằng: “Mối túc nhân của ta chưa hết, phải thác sinh lần nữa ở đời, tạm làm đế vương, kíp đến khi già, chết làm nhị thập nhị thiên tử. Nếu thấy thân thể ta tan ra đất, đó là ta nhập vào bùn đất không còn ở trong cõi sống chết nữa”. Học trò nghe nói, ai cũng cảm động sụt sùi. Lộ đọc kệ rằng:

Thu lai bất báo nhạn lai quy,

Lãnh tiếu nhân gian tạm phát bi,

Vị báo môn nhân lưu luyến trước,

Cổ sư kỷ độ tác kim sư.

Đọc dứt, nghiễm nhiên mà hoá.

Hầu phu nhân bèn sinh con trai, đặt tên là Dương Hoán. Khi lên ba, vua Nhân tông nuôi ở trong cung, lập làm Hoàng thái tử. Nhân tông băng hà, thái tử tức vị, ấy là vua Thần tông do Lộ thác sinh ra vậy. Hình xác Lộ nay còn ở hõm đá trong chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích, huyện Ninh Sơn.

Xưa ở làng Đàm Xá, huyện Đại Hoàng (còn có tên là Gia Viễn) đất Tràng An có người tên là Nguyễn Chí Thành ở chùa Quốc Thanh, hiệu là Minh Không quốc sư, lúc ít tuổi đi du học, gặp Đạo Hạnh, học được Đạo giáo, trải hơn 10 năm.

Đạo Hạnh thấy người tiết tháo bèn truyền tâm ấn, lại đặt tên cho. Kíp tới khi Đạo Hạnh sắp tạ thế, bảo Minh Không rằng: “Xưa tôn sư của ta đã tu tròn quả phúc mà còn bị cái nạn đao thương quả báo, huống chi ở cái thuở mạt thế huyền vi này, há có thể tự giữ mình được sao? Ta nay xuất thế, ở cái địa vị làm thầy người ta, bệnh trái kiếp sau quyết là khó tránh nổi. Ta với người có duyên, nên cứu giúp nhau.”.

Đạo Hạnh đã hoá, Minh Không trở về chùa cũ cày ruộng. Hơn hai mươi năm, ẩn hơi kín tiếng. Khi đó Lý Thần tông bỗng mắc bệnh lạ, tâm thần rối loạn, tiếng kêu đau đớn gầm rú đáng sợ. Các lương y trong thiên hạ vâng chiếu mà đến, kể hàng ngàn hàng vạn, đều chịu bó tay. Khi ấy có đứa trẻ hát rằng:

“Dục trị thiên tử bệnh,

tu đắc Nguyễn Minh Không.”

(Nghĩa là: muốn chữa bệnh nhà vua tất phải tìm Nguyễn Minh Không).

Triều đình bèn sai sứ đi tìm được Minh Không. Minh Không thấy sứ giả đến, trong thuyền có rất nhiều lính, muốn dọn cơm chay cho ăn, bèn lấy một cái nồi nhỏ đem cho họ, bảo họ rằng: “Anh em đông quá sợ không đủ no bụng, tạm ăn vậy”. Thế mà bọn lính chèo thuyền hơn một trăm người cùng ăn cũng không sao hết.

Lính ăn xong sư lại bảo: “Anh em hãy tạm ngủ say một lát đợi nước triều dâng lên ta hãy bắt đầu ra đi”. Chúng nghe lời, đều nằm ngủ say ở trên thuyền. Mới trong khoảnh khắc, thuyền đã trở về kinh đô. Bọn lính tỉnh dậy đều lấy làm lạ.

Khi Minh Không đến, các bậc có tiếng là học rộng ở khắp các nơi đều đang thi thố mọi phép ở trên điện, thấy Minh Không quê mùa, không thèm chào. Minh Không lấy một chiếc đinh lớn dài hơn 5 tấc đóng vào cột điện, lớn tiếng nói rằng: “Có nhổ được đinh này hãy nói chuyện chữa bệnh”. Nói như vậy 2, 3 lần. Không có ai dám nhổ. Minh Không bèn lấy hai ngón tay trái mà nhổ, đinh bật phăng ra. Chúng đều kính phục.

Khi gặp Thần Tông, Minh Không lớn tiếng nói: “Kẻ đại trượng phu được tôn lên ngôi Thiên tử, giàu có khắp bốn bể, cớ sao còn phát bệnh cuồng loạn đến như vậy?”. Vua nghe nói rất run sợ. Minh Không bèn lấy một cái vạc lớn đựng dầu, đun lên sôi sùng sục, rồi lấy tay khoắng vào 4 lần, rắc vẩy lên khắp mình vua, bệnh tức thì khỏi hết. Vua bèn phong Minh Không là quốc sư, ban lộc mấy trăm hộ để thưởng công. Năm Tân Sửu, niên hiệu Thái Bình thứ 22, Minh Không tạ thế, thọ bảy mươi sáu tuổi[5].

Qua những đoạn trích về Từ Đạo Hạnh ở trên cho chúng ta thấy một điều, các sư thời Lý thường sử dụng phép tu Mật tông, trong đó chú trọng tới phù chú chữa bệnh mang tính tín ngưỡng dân gian. Hơn thế nữa, quan niệm về thác sinh, tái sinh còn in đậm trong tín ngưỡng, tôn giáo người Việt thời này. Chính nhờ chuyện thác sinh, tái thế mà Từ Đạo Hạnh từ một thiền sư tu hành nổi tiếng thành một nhà vua. Quy trình này có lẽ không phải chỉ có các sư người Việt thời Lý làm được mà chắc hẳn sẽ còn có nhiều nơi khác trên thế giới các nhà sư cũng thác sinh tái thế như vậy. Song với người Việt Nam, quá trình đi từ nhà sư tới nhà vua chúng ta chỉ gặp ở Từ Đạo Hạnh sau đó tịnh không thấy sử sách chép những truyện này nữa.

VI. HỆ LỤY

Nếu nhìn vào các sự kiện trên, chúng ta mới chợt nhận ra rằng, các nhà sư không muốn vương triều Phật giáo của mình sụp đổ. Khi Lý Nhân tông không có con kế nghiệp đã xuất hiện ngay một nhà sư - nhà sư pháp thuật đầy mình thác sinh từ nhà sư để trở thành nhà vua. Phải chăng đó là sự kế tiếp hay sự nuối tiếc cái vương Phật giáo sắp suy tàn? Cái vương triều Phật giáo Lý mà chúng tôi nói ở đây rõ ràng có cái gì đó khác với thiền phái ở các vua đầu thời Trần; bởi tiểu sử của các Ngài nếu đọc kỹ rõ ràng là sự đánh, chém, tiêu diệt kẻ thù một cách tàn bạo mà không hề có chút từ bi hỉ xả ở những chốn ‘Thiền môn’. Những nhà sư, những vị quan lại, tăng thống, thái sư có chức có quyền trong một vương triều Lý rõ ràng đã rất sợ một sự sụp đổ giữa chừng của vương triều này - một vương triều có sự kế thừa từ các đời Đinh - Tiền Lê trước đó. Những Cột kinh phật ở Hoa Lư xác nhận sự có mặt một một bài kinh Phật đỉnh tôn thắng Đà la Ni - Bài kinh này nhằm cầu trường thọ bền lâu cho những con người mà trước đó không lâu đã ra tay hạ thủ anh em ruột thịt nhà mình. Những bài kinh ấy rõ ràng không giúp cho những con người ấy trường thọ, Vương triều nhà Đinh suy vi, một dòng họ mới lên thay - nhà Lê hay lịch sử gọi là Tiền Lê. Các vị vua thời ấy cũng rất sùng, rất sợ Phật giáo song họ cũng lại rất tàn ác với các nhà sư để rồi chẳng mấy chốc vương triều lại rơi vào tay một dòng họ mới dòng họ Lý ở Đình bảng - vốn được sản sinh ra từ Phật giáo.

Lý Công Uẩn dựa vào thế lực của các vị sư đang lên, cho rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long cũng là những mong xa rời những ác mộng do các vương triều trước gây ra. Khi về kinh đô mới, Lý Công Uẩn đã cho xây ngay một ngôi chùa - Chùa Vạn Tuế tại kinh thành Thăng Long - những mong dòng họ con cháu mình trường tồn mãi với thời gian. Song con người vẫn chỉ là một hạt bụi nhỏ bé của trái đất của thế giới tự nhiên do vậy dù sống lâu mấy thì con người cũng phải trở về với cát bụi nên vị vua cuối cùng của nhà Lý bị bức tử chết trong ngôi chùa Chân Giáo - Nhà Trần lên ngôi vua và một hình thái Phật giáo Việt Nam mới ra đời. 



* Viện Nghiên cứu Tôn giáo 

[1] Cá xương là một loại cá biển, cũng gọi là cá hầu. Cá công cũng ở biển, còn gọi là cá chiết, trông gần giống như con cua.

[2] Lời bàn: Ở đời, có những người nổi danh chẳng qua chỉ vì họ tầm thường, và họ càng tầm thường thì lại càng trở nên nổi danh hơn. Thần Tông có lẽ cũng tạm xếp vào loại này được. Lời cáp môn sứ Lý Phụng Ân kể cũng là lời thẳng thắn, tiếc là vua vẫn chứng nào tật nấy. Biết sao hơn được, bởi nhân cách ông đã định hình quá sớm mất rồi. Hậu thế cũng khéo khen cho các học sĩ, nhà sư và đạo sĩ, xu nịnh một người làm hư hại phong hoá một thời, mưu chút lợi nhỏ cho riêng thân để muôn người chê bai.

[3] Thần Tông là con người tông thất, Nhân Tông nuôi làm con, cho nối đại thống, đáng lẽ phải coi Nhân Tông làm cha mà gọi cha sinh là Sùng Hiền hầu làm hoàng thúc, phong mẹ đẻ Đỗ thị làm Vương phu nhân, như Tống Hiếu Tông đối với Tú An Hy Vương và phu nhân Trương thị, để tỏ ra là một gốc mới phải. Nay phóng Sùng Hiền hầu làm thái thượng hoàng, Đỗ thị hoàng thái hậu, chả hóa ra là hai gốc ư? Bởi Thần Tông bấy giờ còn trẻ thơ mà các công khanh trong triều như Lê Bá Ngọc, Mậu Du Đô lại không biết lễ nên mới thế.

[4] Lĩnh Nam chích quái,  Nxb. Văn học. 1990. 

[5] Lĩnh Nam chích quái,…. Đã dẫn

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 63
    • Số lượt truy cập : 6449956