Thông tin

TU LÀ CỘI PHÚC…

 

VIÊN THẮNG

 


 

Nhớ lại những năm tháng tôi được học ở Trường Trung Cấp Phật Học Khánh Hòa, cố Hòa thượng Thích Đỗng Minh (1927-2005) thường dạy Tăng, Ni sinh chúng tôi: “Sự đau khổ không đến gõ cửa người vô sản chân chính”. Thật vậy, hình ảnh của những vị chân tu từ bỏ tất cả với chí nguyện xả thân cầu đạo, xả phú cầu bần, vì sự an lạc hạnh phúc của chúng sinh:

“Gót tu sĩ bốn phương trời rảo bước,

Cõi Ta-bà đâu chẳng phải nhà ta,

Một mình đi với bình bát cà sa,

Đói xin ăn, dưới gốc cây nằm ngủ”…

Thật cao quý và an lạc biết bao! Khi chúng ta nhìn thấy hình ảnh của những vị tu sĩ chân tu thật học, hết lòng dấn thân hành đạo, bước đi vững chãi, thảnh thơi, thong dong tự tại dạo khắp cõi Ta Bà. Nơi nào có chúng sinh đau khổ thì nơi ấy là quê hương mình. Hành trang của người tu sĩ chỉ có ba y và một bình bát. Mỗi ngày xin cơm của nghìn nhà, ban đêm ngủ bên gốc cây, xem danh lợi thế gian như bèo bọt. Đức Thế Tôn là bậc Thầy làm gương mẫu đầu tiên về đời sống phạm hạnh thanh bần này, Ngài trở thành người vô sản, từ khi quyết định từ bỏ đời sống vương giả, từ quyền cao, chức trọng cho đến cung vàng, điện ngọc, vợ đẹp con thơ… là do Ngài thấy những pháp thuộc về thế gian là Vô thường, Khổ, Vô ngã; chúng sinh đau khổ phiền não là do vô minh che lấp trí tuệ, nên Ngài quyết chí ra đi tìm con đường giác ngộ để giải thoát an lạc cho nhân loại. Suốt 49 năm Ngài hoằng pháp lợi sinh, dấu chân Ngài đi khắp mọi miền đất nước Ấn Độ, nhưng tài sản của Ngài chỉ có ba y và bình bát, bản hoài duy nhất là giúp cho chúng sinh hiểu được nguyên nhân khổ đau và con đường thoát khổ.

Sơ Tổ Ca Diếp của chúng ta cũng xuất thân từ con nhà giàu sang quyền quý nhưng khi xuất gia, lại phát nguyện sống hạnh đầu đà, cho đến Tổ Trúc Lâm- tức vua Trần Nhân Tông xem ngôi vàng như đôi dép rách. Lại còn rất nhiều bậc cao Tăng ngày nay dù ẩn cư tu hành hay ra làm việc cho giáo hội vẫn luôn sống đời phạm hạnh thanh tịnh, không màng danh lợi thế gian, sống đời vô sản, thiểu dục tri túc, thật đúng là:

Nhận đời manh áo bát cơm,

Tặng đời trọn cả tâm hồn thanh cao.

Xã hội ngày nay chư Tăng, Ni sống đầy đủ phương tiện vật chất hơn ngày xưa, nên không nếm sự khổ nhọc như chư Phật, chư Tổ thời xưa. Thế nhưng chúng ta hãy cố gắng ứng dụng nếp sống ‘ít muốn biết đủ’ để không đắm nhiễm vật chất và không bị trói buộc chuyện gia đình như người thế tục đó là hạnh phúc nhất của người xuất gia.

Trên đây là nói về đời sống của người xuất gia. Còn người bình thường ở thế gian thì như thế nào? Nỗi khổ ở thế gian này có lẽ ai ai cũng biết rõ cả rồi; cho nên, Đức Phật dạy: “Đời là bể khổ” như thi hào Nguyễn Du nói: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Ở cõi Ta Bà chẳng có  người nào dám vỗ ngực nói mình là người an lạc hạnh phúc nhất thế gian. Chính vì thế mà nhà thơ Đoàn Như Khuê nói:

“Biển khổ trầm luân sóng ngập trời,

Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi

Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió

Rốt cuộc rồi trong bể thảm thôi”.

Phần đông những người ở thế gian chưa đủ nhân duyên tu học theo Phật pháp, nên họ sống xoay vần trong vòng luẩn quẩn của thế tục về danh lợi, được mất, hơn thua, vui buồn, hờn giận, hạnh phúc, khổ đau v.v… Người được phước báo giàu có đầy đủ vật chất nhưng tâm không biết hướng thiện, không tin nhân quả, không tin Phật pháp thì chỉ biết sống hưởng thụ, ăn chơi trác táng, sống say chết mộng, keo kiệt chỉ lo thân mình, chẳng nghĩ đến người khác, nhưng tinh thần họ luôn bị phiền não giày vò đau khổ. Bởi vì họ không bằng lòng cuộc sống hiện tại mình đang có, nên ngày đêm họ quyết tìm mọi cách mọi cách để kiếm tiền, kể cả giở trò lừa đảo, thủ đoạn để chiếm đoạt đồng tiền bất chính, nên họ trở thành người làm nô lệ do đồng tiền sai khiến, chẳng còn thời gian quan tâm đến gia đình. Đây là nguyên nhân dẫn đến gia đình rạn nứt đổ vỡ, ly tán, con cái chịu thiệt thòi. Còn có rất nhiều gia đình vì đất đai tăng giá mà cha mẹ, anh em trong nhà bị nồi da nấu thịt, đấu đá lẫn nhau rồi kéo nhau ra tòa chỉ vì tranh giành... Đến khi vô thường ập đến, người nhà bị tai nạn, bệnh tật giày vò đau đớn hay bị bắt vào tù … thì họ đau khổ tột cùng, rơi vào bế tắc không tìm ra lối thoát cho chính mình.

Còn người nghèo thì suốt ngày bươn chải lo gánh nặng cơm áo gạo tiền bức bách, sống trong vô minh phiền não; họ bị trói buộc vào trách nhiệm gia đình, chỉ lo làm lụng sao cho có tiền để được ăn sung mặc sướng mà không hề biết đến nhân quả tội phước.

Điều hạnh phúc nhất là người ở đời hội đủ duyên lành biết tu học theo Phật pháp. Do đó, chúng ta thấy rất rõ về sự khác biệt cách sống giữa người biết tu học và người không biết tu học. Những năm tháng tu học, làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi được biết rất nhiều vị Phật tử làm việc ở lĩnh vực kinh doanh rất giàu có, nhưng họ sống rất giản dị, luôn phát tâm hộ trì Phật pháp, giúp đỡ người nghèo. Như Phật tử Phạm Nhật Vượng (Tập đoàn Technocom). Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa sen. Cư sĩ Xuân Trường ăn chay trường từ nhiều năm nay; điều tôi tâm đắc nhất là cư sĩ này nói “Đại gia thì cũng chỉ ăn được ba bữa cơm một ngày thôi, cái khác biệt là họ sẽ để lại cái gì cho đời và cái để lại đó, nếu nó thực sự đáng quý thì cũng chẳng cần khoa trương nhưng nó vẫn quý”. Hay cư sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, pháp danh Thiện Đức, là người sáng lập cũng là Chủ tịch Thái Hà Books, chuyên thực hành về thiền. Cư sĩ chia sẻ: “Mạng người được tính bằng hơi thở. Ấy vậy mà trong đó rất có thể có bạn vẫn coi thường hơi thở”. Câu nói này ở trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, Đức Phật cũng dạy: “Mạng người sống trong một hơi thở”.

Tôi có quen một em Phật tử cũng chuyên về kinh doanh, em cũng thường đến chùa tôi để hỏi về Phật pháp. Tôi rất quý em là vì không những bản thân em ăn chay trường và tu tập theo thời khóa mà cả gia đình, nhân viên đều thực hành theo em. Khi bán ở cửa hàng gặp khách hàng đến mua em đều khuyến khích ăn chay, tụng kinh, niệm Phật. Cả đại gia đình em thường xuyên cúng dường rất nhiều chùa, và luôn giúp đỡ người nghèo. Em lý luận về ăn chay tôi nghe rất có lý: “Người ăn mặn cắt cổ con vật thì nó oán hận rồi chết, nhưng người ăn chay khi cắt rau hay hái trái thì rau vẫn sống mọc lên, còn trái vẫn tiếp tục ra hoa kết trái”. Chính vì thế mà cố Hòa thượng Thích Trí Tịnh thường khuyên mọi người: “Ăn chay, niệm Phật, thương người, thương vật”.

Nhân ngày Đấng Từ Phụ Thích Ca đản sinh, hàng đệ tử chúng con ngồi ôn lại lời Ngài dạy để nhìn lại tâm bệnh của mình như buồn phiền, lo lắng, thất vọng, khổ não, các tâm lý tiêu cực, phiền não nội kết v.v… mà ứng dụng Phật pháp để tiêu trừ làm cho tâm mình được an lạc, và luôn quán chiếu thấy các pháp ở thế gian là Vô thường, Khổ, Vô Ngã. Nhờ vậy mà cuộc sống gặp thuận cảnh hay nghịch cảnh chúng con vẫn giữ tâm bình thản. Thật hạnh phúc thay khi chúng con được mãi mãi uống dòng sữa pháp của Đức Thế Tôn. Thật chẳng sai tí nào thi hào Nguyễn Du nói: “Tu là cội phúc, tình là dây oan”.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 7
    • Số lượt truy cập : 6115082