Thông tin

TỨ LIỆU LUYỆN HAY LÀ BỐN PHÉP TRỊ TÂM BỆNH CỦA THIỀN LÂM TẾ

TỨ LIỆU LUYỆN

HAY LÀ BỐN PHÉP TRỊ TÂM BỆNH CỦA THIỀN LÂM TẾ

 

NGUYỄN ĐỨC TIẾU

     

 

Như mấy ngành Thiền khác, thiền Lâm Tế vẫn là đốn giáo, và sự truyền thừa này vẫn lấy tâm in qua tâm, trực tiếp giữa sư và đệ.

Ngoài nhiều phương pháp khai thị rất khó hiểu, Tổ khai sáng ngành thiền ấy là ngài Lâm Tế Nghĩa Huyền (-867) còn đặt ra bốn phép trị tâm bệnh gọi là tứ liệu luyện tùy tiện dùng cho mỗi loại căn cơ. Tuy nói là phương pháp song trong thế giới Thiền linh động như nước chảy mây bay không có gì nhứt định gọi là pháp được mà chỉ có sự ứng dụng không cùng đối với cơ sự không cùng. Trong việc ứng biến, Thiền tuyệt đối không dùng tư duy phá tư duy, mà chỉ mạnh tay chận đứng tư duy ở phút giây câu hỏi vừa được nêu lên. Đó là đặc tánh chung của Thiền lúc nào cũng sẵn sàng nhận chìm trí óc ta trong vực phi lý. Phép tứ liệu luyện đó là:

Đoạt nhơn bất đoạt cảnh

Đoạt cảnh bất đoạt nhơn

Nhơn cảnh câu đoạt

Nhơn cảnh câu bất đoạt

Đoạt là cướp giựt, Đoạt nhơn là cướp giựt người; “cướp giựt người không cướp giựt cảnh”, Thiền hay dùng những chữ mạnh cốt đập mạnh vào giác tánh của người nghe; còn nói thường như ta thì bỏ người không bỏ cảnh, hoặc bỏ người hỏi nhưng không bỏ câu hỏi.

Nhơn là đối với sư mà nói, còn đối với đệ tử thì tức là ngã. Vả lại, nhơn chỉ là ngã trá hình (như kinh nói ngã có bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả). Vậy câu đầu cũng có nghĩa là phá ngã chấp không phá pháp chấp, hoặc trừ tâm không trừ cảnh.

Cảnh thật hay tâm thật? Cái nào là bóng dáng của cái nào? Hay cả hai đều biệt lập và đối lập nhau như hai thực thể? Đó là vấn đề duy tâm và duy vật từng làm khổ bao trí óc. Người cho tâm là thật thì chấp ngã. Người cho cảnh là thật thì chấp pháp. Người cho tâm và cảnh đều không thật thì chấp không. Chấp là mê, là phiền não, luân hồi. Đạo Phật dạy phá chấp. Phá bằng cách nào?

I. ĐOẠT NHƠN BẤT ĐOẠT CẢNH

Có người hỏi sao “bỏ người không bỏ cảnh”, ngài Lâm Tế đáp:

Khi vừng dương lên và sáng tỏ

Mặt đất đầy gấm thêu

Mớ tóc bồng của em bé

Trắng như tuyết

Đó là một lối nói đặc biệt Thiền có tên riêng là thoại đầu hoặc công án. Các thiền sư không nói để giải thích, mà chỉ cốt chặt đứt dòng tư duy, và đẩy ngược tư duy về chỗ siêu hình trước khi tư duy chưa dấy động. Vậy chúng tôi xin phép phớt qua, không dám biện luận gì thêm.

Sau đó có một cao tăng ở triều nhà Thanh giải thích thêm vầy: “Người được trí huệ thì tâm vắng lặng vậy, làm sao cảnh ngoài làm chướng ngại được mình. Lúc nào thầy cũng phải bỏ người không bỏ cảnh mới dìu dắt được hạng hạ căn”.

Thường chúng ta níu lấy cảnh để đóng khung vào đó mọi tâm tư và hành động. Ta nói “Xúc cảnh sanh tình”.

Trái lại, hạng đạo gia lại níu lấy tâm, và sợ “cảnh ngại tâm”. Phât dạy rằng cảnh không có ngoài tâm, nên trừ tâm đừng trừ cảnh, trừ ngã đừng trừ pháp.

Tâm là gì? Ngã là gì? Đó là một khối hỗn tạp, xô bồ gồm nhiều lớp chồng chất lên nhau của vô số cảm nghĩ, mong muốn, kiến thức, kỷ niệm - gọi chung là ký ức - gom góp trong cuộc sống này và trước nữa. Thời gian của nó là dĩ vãng. Chất màu nuôi sống nó là tư duy. Nhờ tư duy – hoặc niệm – nó phóng mình từ dĩ vãng chụp lên hiện tại và trùm cả tương lai trước sự kích thích của ngoại giới xuyên qua ngưỡng cửa của giác quan. Khoan nói cảnh có thật hay không, điều chắc chắn ai cũng tự mình nghiệm thấy được là cảnh chỉ hiện đến với ta qua mớ tâm sự ấy chồm lên từ thuở xa xưa nào. Chính cái tâm ấy thấy, không phải mắt thấy, mắt chỉ làm cái việc thâu ảnh mà không ý thức được ảnh. Cái thấy đó hẳn nhiên đã bị biến đổi hết rồi (biến kế sở chấp), đã thành méo mó, lệch lạc (thiên kiến). Vậy nên đối với chúng ta, cảnh chỉ là một cái cớ để cho tâm hiện đại hóa (actualiser) cái gì nó mang sẵn tự đời nào.

Cái thấy đã vậy thì cái cảm nghĩ cái làm, tất cả đều phản chiếu căn bệnh ở nội tâm, đều mắc kẹt giữa cái tôi muôn mặt. Trước cái tôi lúc nào cũng sừng sững cái không tôi (phi ngã) giằng co nhau dựng nên cuộc sống trong máu và nước mắt. Người ta gọi đó là thân phận con người. Không, Phật dạy rằng bệnh có thể trị được, và trị ngay tại tâm: trừ tâm không trừ cảnh. Tâm vắng thì cảnh lặng.

Cũng trong tinh thần đó, ngày kia Tổ Huệ Năng nghe mấy ông đạo cãi nhau rất hăng, ông thì cho là gió động, ông thì cho là phướn động, Ngài bèn cắt ngang mà rằng: “Không phải phướn động, cũng không phải gió động, chính cái tâm các ngươi động đó”.

Cũng vậy, có người hỏi ngài Lâm Tế: “Phật có thể lầm chăng?”, Tổ quát lớn: Phật ở đâu?

II. ĐOẠT CẢNH BẤT ĐOẠT NHƠN

Có người hỏi sao “bỏ cảnh không bỏ người?”, một vị cao tăng giải thích: “Người nào có được trí tuệ thì không lạc được ra ngoài vì chỉ chăm lo quán tâm. Thầy phải đoạt cảnh không được đoạt người thì mới dìu dắt được hạng trung căn”.

Tiếp theo đây, thay vì trình bày lời giải thích của ngài Lâm Tế, chúng tôi xin giới thiệu một công án, cũng ông Tổ, chỉ Phép “Đoạt cảnh” như sau:

Ngày kia, trong một buổi nói pháp, Tổ dạy: “Trên đống thịt đỏ lòm này có một vị chơn nhơn vô vị. Ông ta lúc nào cũng ra vô do lối cửa mở trên mặt các người. Ai chưa thấy được vị này thì ráng mà tìm”.

Một thầy tăng hỏi lại: “Vị chơn nhơn ấy là ai?”, Tổ vụt bước xuống đàn, giằng cánh tay thầy ta mà hét lớn: “Nói đi! Nói đi!” (đó là đoạt nhơn). Thầy ta chựa kịp nói gì thì Tổ buông tay ra, trề môi bảo: “Ồ chỉ là một mớ phân khô, cái lão chơn nhơn vô vị đó!” (một ví dụ “đoạt cảnh” rất điển hình).

Công án nầy cho ta thấy trước hết Tổ dùng một câu nói quái dị quất thẳng vào thần thức người nghe khiến y lạc lỏng, ngẩn ngơ, rồi cố suy nghĩ, và tự nhiên rời vào mạng lưới giăng sẵn, tức là cái phi lý Thiền. Sau ngài mới bất thần mà đoạt cảnh làm chấn động tận thâm tâm. Cơn chấn động này không những chặt ngang được dòng tư duy đang lục đục tìm lối thoát, mà còn hướng được người tìm đạo đến chỗ Vô tâm (theo cư sĩ Chang Chen Chi).

III. NHƠN CẢNH CÂU ĐOẠT

Sao gọi rằng “người và cảnh đều chối bỏ?”. Một vị cao tăng đáp: “Người và cảnh vốn là không thì làm gì có vọng? Vậy nên thầy phải đoạt cả nhơn và cảnh mới dìu dắt được hạng thượng căn”.

Bằng cách nào Thiền Lâm Tế đoạt cái nhơn và cái cảnh của người học đạo. Xin đọc công án điển hình dưới đây:

Ngày kia Tổ Lâm Tế lên đàn toan nói pháp thì một vị đại đức vụt hỏi rằng: “Đức Quan Thế Âm có ngàn tay, ngàn mắt, vậy mắt nào mới là con mắt chánh?”. Tổ đáp: “Đức Quan Thế Âm có ngàn tay, ngàn mắt, vậy mắt nào mới là con mắt chánh? Nói đi! Nói đi!”. Vị đại đức không nói gì, hất tổ ra khỏi ghế, và đoạt chỗ ngồi. Tổ bèn khúm núm đến gần vị đại đức mà nói: “Thưa ông, tôi không biết”. Vị này toan nói thì liền bị Tổ hất mạnh ra mà đoạt lại chiếc ghế. Ông ta bỏ phòng giảng bước ra, rồi Tổ cũng nối gót theo sau. Buổi nói pháp chấm hết.

Công án trên diễn tả một cuộc đấu trí giữa hai đại sư, cả hai níu chặt nhau, cút bắt nhau, chối bỏ nhau (đoạt ghế) và cuối cùng tự chối bỏ luôn chính mình (bỏ phòng giảng đi ra), phủ nhận luôn cả thế giới khách quan và chủ quan vậy. “Đoạn chót câu chuyện rọi sáng ý chánh của công án: sau khi Tổ Lâm Tế đoạt lại ghế thì vị đại đức liền xô cửa bỏ phòng ra. Tổ thấy vị đại đức ra thì cũng ra theo... Nếu vị đại đức không ra, hoặc Tổ thắng thế cứ ngồi ỳ đó thì cả hai sẽ tự nhiên mắc phải mạng lưới do chính mình bủa ra, và như thế là bị kẹt giữa vô số chấp trước gây chướng ngại” (Chang Chen Chi).

Tuy nhiên, Phật giáo không phủ nhận cái nầy mà đề cao cái kia – dẫu cái kia là Niết bàn.

Phật giáo càng không phủ nhận cái nầy lẫn cái kia, phủ nhận như thế là mắc vào không chướng, là rơi vào cảnh giới vô thỉ vô minh. Vô thỉ vô minh là mịt mờ, trống không, không bàn không nghĩ được, có từ vô thỉ, có trước khi một niệm dấy lên, trước khi tâm dao động, trước khi cha mẹ sanh ra ta, trước cả luân hồi. Trạng thái này tư duy không dấy lên nghiệp ngưng theo, song chủng tử vẫn còn ở trạng thái tiềm phục, vậy nên vô thỉ vô minh chứa đủ tất cả tiềm thế của phiền não và bồ đề, Phật và chúng sanh, tất cả đều ngưng đọng lại để chờ biến và thuận biến.

Vậy nhơn cảnh câu đoạt chưa phải là giác, mà mới là cái cửa ải cuối cùng hành giả phải vượt qua mới là tròn đầy công quả.

IV. NHƠN CẢNH CÂU BẤT ĐOẠT

Sao gọi rằng “người và cảnh thảy đều không chối bỏ?”. Tổ Lâm Tế giảng (theo lời thoại đầu):

“Trong khi nhà vua ngự trên ngai vàng thì các bô lão ca hát ngoài đồng”. Và một vị cao tăng thêm: “Đối với người được trí tuệ thì tự nhiên tâm là tâm mà vật là vật. Thầy đừng nên bỏ người bỏ cảnh mới dìu dắt được hàng siêu căn”.

Đạo Phật không dạy tìm chơn lý bằng cách lần lượt phá và chấp – phủ nhận và chấp nhận chỉ là một thái độ trí thức không dẫn đến đâu cả.

Chơn lý chỉ có thể tìm thấy trong thực nghiệm và tu chứng. Nhờ tu chứng, con người mới vượt qua khỏi mọi mâu thuẫn, bắt đầu là mâu thuẫn giữa cái tôi và cái không tôi. Đấy không phải là sự dung hòa bằng lý trí của khoa học biện chứng cổ điển dạy rằng cái đề và cái phản đề hoà giải nhau làm ra cái tổng đề.

Đấy chính là sự viên dung toàn vẹn bằng sức tự tu tự chứng thời gian viên dung vào sát na, hạt bụi viên dung vào ba ngàn thế giới, uế độ viên dung vào tịnh độ, số không viên dung vào vô cực, v.v… tất cả đều bình đẳng nhau ngoài vòng hấp lực của cái tôi.

Đấy chính là cái nhìn thẳng – là trí Bát Nhã – bao trùm cả cái Toàn Thể và cái Riêng Biệt, cái tôi và cái người, cái có và cái không, cái biển dâu và cái tự tại, v.v…

Đấy là trạng thái tâm linh của con người đã tự thực hiện để mà trở về: tiềm thức trở ý thức, đạo trở về đời,… Trở về, con người hồn nhiên hòa mình vào thế tục, lấy phiền não làm bồ đề, tung hoành tự tại coi bất cứ đâu cũng là đạo tràng, bất cứ pháp nào cũng là Phật pháp. Đó là một sự “nhập cuộc” vậy, sau khi thâm tâm đã gội sạch hết thành kiến kinh niên. Trở về thì người vẫn là người ấy, cảnh vẫn là cảnh ấy, chỉ khác có cái thấy – hết kì thị và phân biệt – nên tất cả đều bình đẳng nhau. Toàn thể thế giới đều đồng nhứt là Pháp Thân, Phật trong đó không có suy lượng mà chỉ có tùy cảm mà ứng đối; không có khuôn mẫu mà chỉ có bất biến nhưng tùy duyên.

Sự nhập cuộc ấy là cái “bình thường tâm”, tự nhiên mà hợp đạo.

Đạo ấy chỉ gọn có vầy thôi, hồn nhiên như hoa nở, trăng lên, như cuộc sống:

Có người hỏi ngài Huệ Hải thiền sư:

- Hòa thượng hành đạo mà có dụng công không?

Sư đáp:

- Có

- Dụng công làm sao?

- Đói thì ăn, mệt thì ngủ.

- Mọi người đều làm như vậy, vậy có khác với chỗ dụng công của Hòa thượng không?

- Có khác. Khác là người thường khi ăn thì không chịu ăn, lòng còn mơ ước đủ thứ, khi ngủ thì không ngủ, lòng còn tính toàn đủ điều. Chỗ không giống nhau là vậy.

Tâm và Pháp đều không chối bỏ, ăn và ngủ còn được long trọng nhận là đạo thì Thiền hẳn là đạo của cuộc sống hằng ngày, và pháp Phật gắn liền vào pháp thế gian vậy.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 32
    • Số lượt truy cập : 6919983