TƯ LIỆU VỀ PHẬT GIÁO TRONG “CHÂU BẢN TRIỀU NGUYỄN”
VÀ “ĐẠI NAM THỰC LỤC”
TẠ VĂN TRƯỜNG
Kỹ sư, Cử nhân tỉnh Bắc Giang
Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính của triều Nguyễn, đây là nguồn sử liệu quan trọng để biên soạn các bộ sử và các sách điển lệ chính thống như: Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (chính biên, tục biên), Quốc triều chính biên toát yếu, Minh Mệnh chính yếu… Trong Châu bản triều Nguyễn và Đại Nam thực lục đề cập nhiều nội dung liên quan tới Phật giáo, đây là nguồn tư liệu gốc có giá trị đặc biệt khi nghiên cứu về Phật giáo dưới triều Nguyễn.
1. Tư liệu về Phật giáo trong Châu bản triều Nguyễn
Trong Châu bản triều Nguyễn có ghi đến 250 bản chiếu, dụ, tấu, các sự kiện có liên quan đến Phật giáo. Nhiều văn bản thể hiện sự quan tâm của nhà vua đến các ngôi chùa công và các hoạt động Phật sự ở đó. Có chùa lại được vua Minh Mạng cho xây dựng từ sự cảm kích đối với một vị thiền sư chân tu. Trường hợp chùa Sắc tứ Bát Nhã ở Phú Yên là một ví dụ. Năm Minh Mạng thứ 21 (1840), nhà vua sắc mời thiền sư Giác Ngộ, trụ trì chùa Long Sơn Bát Nhã (Phú Yên) về Kinh ban hiệu Tăng cang và trọng thưởng. Trong dịp này, nhà vua ban dụ: “lại truyền cho viên tỉnh Phú Yên xuất tiền công mua sắm vật liệu, thuê dân phu sửa sang chùa chiền nơi Nguyễn Giác Ngộ hiện đang trụ trì cho được quan chiêm…”1.
Năm Tân Tỵ (1822), thiền sư Tiên Giác - Hải Tịnh được lệnh triệu về Kinh, thay Mật Hoằng làm Tăng cang và trụ trì chùa Thiên Mụ. Đảm nhận nhiệm vụ này được một thời gian thì ngài Hải Tịnh bị triều đình cho thôi giữ chức trụ trì và Tăng cang vì liên đới trách nhiệm trong vụ sư Nguyễn Văn Huấn ở chùa Thiên Mụ phạm tội. Nhưng ngay sau khi vua Thiệu Trị lên ngôi (1841), thiền sư đã được phục hồi chức Tăng cang. Châu bản ngày 16 tháng 3 năm 1841 ghi: “Nguyên Trụ trì chùa Thiên Mụ là Nguyễn Tâm Đoan, trước nhân can án phạm lỗi bị cách chức bỏ Tăng cang, nhưng chuẩn cho ở chùa ấy làm công việc nặng nhọc để chuộc tội, gần đây đã biết xấu hổ ăn năn lỗi trước, truyền gia ân khoan miễn cho Nguyễn Tâm Đoan. Bộ Lễ hãy cấp hoàn một văn bằng Tăng cang và vẫn chuẩn cho ở tại chùa này làm việc, chờ khi có chùa quan nào khuyết Trụ trì sẽ bổ sung. Khâm thử”2.
Năm 1826, vua Minh Mệnh cho dựng bức bình phong ở chùa Thiên Mụ. Trong Châu bản triều Nguyễn, bản phụng chỉ ngày 29 tháng 9 năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) có ghi: “Lương Tiến Tường, Hoàng Văn Diễn vâng chỉ truyền xuất tiền kho là 13 quan và 450 tàu lá dừa làm bức bình phong cho chùa Thiên Mụ”3.
Với các ngôi chùa công chủ yếu ở kinh đô Huế như chùa Thiên Mụ, chùa Diệu Đế, chùa Giác Hoàng, chùa Thánh Duyên, chùa Long Quang (Pháp Vân) quán Linh Hựu... chùa Long Phước ở Quảng Trị, triều đình Huế luôn quan tâm sửa chữa, trùng tu.
Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), thiên tai, bão lụt làm các tòa điện trong chùa Thiên Mụ bị hư hỏng. Bản tấu của Bộ Công ngày 15 tháng 1 năm Thiệu Trị 7 (1847) cho biết: “Ngày tháng 9 năm ngoái do bão lụt nên ngói lợp các toà đình Hương Nguyện, điện Đại Hùng, điện Di Lặc, điện Quan Âm, lầu Hộ Pháp trong chùa Thiên Mụ bị dột và các vật hạng bị gãy hỏng xin do bộ thần (Bộ Công) tiến hành kiểm tra lại rõ ràng để tu bổ cải tạo. Bộ Công đã tiến hành kiểm tra, phát vật liệu công và cấp thợ. Lại do quan Bộ Binh điều phái 2 viên Suất đội và 100 binh lính, lĩnh các vật liệu đem đến chùa (Thiên Mụ), căn cứ từng khoản mục để tu bổ sửa chữa”4.
Năm 1844, xây dựng xong chùa Diệu Đế, chuẩn bị làm lễ khánh thành và mở trai đàn, triều đình có bài thượng dụ như sau: “Vườn nhà nguyên của Phước Quốc công nơi ấp Xuân Lộc phía đông kinh thành là đất phát điềm tốt, đã chuẩn y đề nghị của Bộ cho lập ngôi phạm vũ để vì dân cầu phước, đặt tên là Diệu Đế tự, hiện nay việc xây dựng đã hoàn thành. Tháng sau nhân tiết Vu Lan, mừng Thánh tổ Mẫu ta Nhân Tuyên Từ Khánh thái hoàng hậu hưởng thọ tuổi tiên thật là phước lớn, lòng trẫm chi xiết vui mừng. Truyền lấy giờ tốt ngày mùng 9 tháng 7 mở đại trai đàn khánh chúc tại chùa Diệu Đế tụng kinh một thất bảy ngày đêm, chúc thánh thọ tăng long và cầu khắp nước mưa thuận gió hoà, dân chúng yên ổn cùng hưởng phước thái bình”5.
Thiệu Trị ngày 15 tháng 1 năm thứ 7 (1847), Bộ Công xin sửa chùa Thiên Mụ, trong bản tâu có đoạn: “Tháng 12 năm ngoái tiếp cung lục của Bộ Lễ tâu, trong đó có khoản nói rằng tháng 9 năm ấy nhân gặp bão lụt có kiểm tra các tòa sở chùa Thiên Mụ như đình Hương Nguyện, điện Đại Hùng, điện Di Lặc, điện Quan Âm, lầu Hộ Pháp thấy có nhiều mái ngói bị dột và các vật hạng gãy vỡ, xin cho thần bộ khám rõ lại xem những gì cần làm lại, chờ năm nay khi tạnh ráo sẽ phái lính thợ làm. Khâm phụng chuẩn cho cung lục tuân hành”6.
Cùng với việc chăm lo Phật sự ở các ngôi quốc tự, thì việc chấn chỉnh Phật giáo cũng được đặt ra ở các ngôi chùa này. Năm Tự Đức thứ 10 (1857) đã có sắc chỉ triều đình rằng: “Truyền thị vệ chọn cử người thuộc ti chia nhau đến các chùa quán như Linh Mụ, Giác Hoàng, Diệu Đế, Thánh Duyên, Linh Hựu, Long Quang mỗi tháng bất thần đến kiểm một lần. Nếu có chùa nào mái ngói, cây gỗ, tượng Phật, đồ thờ các thứ hư hao thì ghi rõ tâu xin sắm sửa. Và sư tăng nếu có tên nào hạnh kiểm sa sút cũng đồng thời tâu luôn đợi chỉ trục xuất để cho có luật lệ. Khâm thử”7. v.v…
Về việc tu bổ các di tích ở núi Ngũ Hành Sơn (Quảng Nam) trong đó có các chùa Tam Thai, Ứng Chân, Từ Lâm. Châu bản chép:
“Núi Tam Thai ở Quảng Nam có nhiều cổ tích danh thắng, từ sau binh lửa đã hư hoại nhiều, cần tu bổ để lưu truyền việc tốt. Nay truyền phái thiêm sự Bộ Công là Nguyễn Công Liêu, lang trung Nội tạo là Vương Hưng Văn trông coi việc tu bổ, cho xuất tiền khi Quảng Nam 3 ngàn quan cùng với số tiền 3 trăm lượng bạc của Hoàng Thái hậu (tức bà Trần Thị Đang) ban cho công trình tu bổ, giao cho Nguyễn Công Liêu và Vương Hưng Văn chước lượng thuê mướn tu bổ. Còn các thứ đồng sắt gạch vôi nếu cần chi tiêu, chuẩn cho tư trình nha môn này cấp phát, xong việc tâu luôn một thể…”8.
2. Tư liệu về Phật giáo trong Đại Nam thực lục
Đại Nam thực lục được các sử thần Nhà Nguyễn biên soạn từ năm 1921, gồm 38 tập chia thành 2 loại: Đại Nam thực lục tiền biên và Đại Nam thực lục chính biên. Trong Đại Nam thực lục, nhiều nội dung về Phật giáo được đề cập đến. Nhiều chiếu chỉ, văn bản của nhà vua và triều đình tỏ rõ sự can thiệp của Nhà nước đối với Phật giáo. Ngay từ thời Gia Long (1804) nhà vua đã xuống dụ: “Gần đây có kẻ sùng đạo Phật, xây dựng chùa chiền quá cao, lầu gác rất là tráng lệ, đúc chuông tô tượng rất đỗi trang hoàng, cùng là làm chay, chạy đàn, mở hội, phí tổn về cúng Phật nuôi sư không thể chép hết, để cầu phúc báo viển vông, đến nỗi tiêu hao máu mỡ. Vậy từ nay về sau, chùa quán có đổ nát mới được tu bổ, còn làm chùa mới và tô tượng đúc chuông, đàn chay hội chùa, hết thảy đều cấm. Sư sãi có kẻ chân tu thì lí trưởng sở tại phải khai rõ tính danh quán chỉ, đem nộp cho quan trấn để biết rõ số”9.
Năm 1844, vua Thiệu Trị cho dựng tháp Từ Nhân (về sau đổi tên là tháp Phúc Duyên), gồm bảy tầng, cao 21m, bằng gạch, mỗi tầng thờ một pho tượng Phật. Đây là biểu tượng gắn liền với hình ảnh chùa Thiên Mụ. Trong Đại Nam thực lục chính biên có ghi chép về việc xây ngôi tháp này như sau: “Năm Giáp Thìn, Thiệu Trị thứ tư, tháng 3, bắt đầu xây tháp bảy tầng chùa Thiên Mụ gọi là tháp Từ Nhân, trước tháp xây đình Hương Nguyện, giao cho Thống Chế doanh Hổ Uy là Hoàng Văn Hậu đôn đốc mọi việc. Năm Ất Tỵ, Thiệu Trị thứ 5 (1845), mùa thu, tháng 7, tháp Từ Nhân làm xong, nhà vua đổi tên là Phúc Duyên bảo tháp”10.
Đến thời Tự Đức, nhà vua ra lệnh: “Chùa quán thờ Phật, có đổ nát thì cho phép sửa chữa, còn như làm chùa mới, đúc chuông, tô tượng, cúng đàn chay, hội thuyết pháp, hết thảy đều cấm cả. Sư ở chùa người nào chân tu thì lí trưởng phải khai, liệt họ tên nộp quan, để biết rõ số sư tăng”11.
Về việc triều đình tổ chức sát hạch tăng sĩ, Đại Nam thực lục ghi lại: “Vua sai các địa phương từ Quảng Bình trở vào Nam hỏi kỹ trong hạt, có nhà sư nào đắc đạo, thông hiểu đạo thì tỉnh cấp bằng cho đến kinh, kịp tuần tháng tư tụng kinh ở chùa Giác Hoàng 21 ngày đêm, ở Thủy Đàn 7 ngày đêm; ở quán Linh Hựu 7 ngày đêm”12.
Về quy định lối sống đạo đức tăng sĩ, khi một tăng sĩ phạm tội bị hình phạt thì sư trưởng của chùa ấy cũng bị liên đới trách nhiệm. Trường hợp sư Nguyễn Văn Huấn ở chùa Thiên Mụ là một ví dụ tiêu biểu: “Sư chùa Thiên Mụ tên là Nguyễn Văn Huấn vì ghen ghét người, Bộ Hình và Viện Đô Sát xét hỏi qua một năm không khám phá ra manh mối. Đến nay, khoa đạo là Nguyễn Sĩ Đăng, Lê Tập bí mật dò xét tìm được tình trạng, đều thưởng cho mỗi người 10 lạng bạc và gia một cấp. Khi án giao xuống đình thần xét, Huấn bị xử trảm hậu, sư trưởng Nguyễn Tâm Đoan bị cách chức trụ trì chuẩn bắt phải làm việc nặng nhọc tại chùa ấy”13.
Còn rất nhiều nội dung liên quan tới Phật giáo được đề cập trong Châu bản triều Nguyễn và Đại Nam thực lục nhưng trong giới hạn bài viết chỉ đề cập được một số nội dung chính trong hai tài liệu trên. Nhìn chung, trong Châu Bản triều Nguyễn và Đại Nam thực lục có nhiều nội dung liên quan đến Phật giáo, đây là những tư liệu quý giá về Phật giáo dưới thời Nguyễn, cho thấy rõ được chính sách của triều đình đối với Phật giáo. Ngày nay, bất cứ ai muốn nghiên cứu về Phật giáo triều Nguyễn đều phải sử dụng những tư liệu chính thống này.
1. Lý Kim Hoa (2003), Châu bản triều Nguyễn – Tư liệu Phật giáo, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 82.
2. Lý Kim Hoa (2003), Châu bản triều Nguyễn – Tư liệu Phật giáo, Sđd, tr. 91.
3. Trung tâm lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh tập 19, tờ 231.
4. Trung tâm lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Thiệu Trị tập 41, tờ 14.
5. Châu bản triều Nguyễn, ngày 23 tháng 6 Thiệu Trị năm thứ 4, Nội các, Q.28, Lý Kim Hoa biên dịch, Nxb. Văn hóa thông tin, 2003, tr. 120-123.
6. Châu bản triều Nguyễn, Bộ Công, Q. 41, Lý Kim Hoa biên dịch, Sđd, tr. 206 - 209.
7. Châu bản triều Nguyễn, Bộ Lễ, Q.224, Lý Kim Hoa biên dịch, Sđd., tr 387-390.
8. Lý Kim Hoa (2003), Châu bản triều Nguyễn – Tư liệu Phật giáo, Sđd, tr.39.
9. Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên. Nxb. Sử học, Hà Nội, 1963, Tập 3, tr. 167.
10. Đại Nam Thực Lục, Đệ tam kỷ, quyển XXXVII.
11. Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên. Sđd., tập XXVIII, 1973, tr. 136.
12. Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục chính biên, tập 5, Nxb. Giáo dục, Hà Nội,tr. 643.
13. Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục chính biên, tập 5, sđd, tr. 616.
Bình luận bài viết