Thông tin

TỰ LỰC - YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH CHO HÀNH GIẢ TU TỊNH ĐỘ

TỰ LỰC - YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH CHO HÀNH GIẢ TU TỊNH ĐỘ

 

THÍCH NỮ VIÊN GIÁC

 

 

Pháp môn Tịnh độ được xem là một trong những pháp môn tu tập hội đủ hai yếu tố: tha lực và tự lực; ngoài tha lực nhiếp hộ của Đức Phật A Di Đà và Thánh chúng, hành giả cần phải tự lực tu tập nhằm trang bị đầy đủ chánh nhân Tịnh độ để được vãng sanh. Vì thế, tinh thần “tự lực” là yếu tố quyết định cho hành giả tu theo pháp môn Tịnh độ và đó cũng là vấn đề chúng ta sẽ bàn luận.

Ngày nay, pháp môn Tịnh độ được phổ biến rộng rãi, bất kỳ ai cũng có thể tu tập thông qua việc trì danh hiệu Phật A Di Đà nhưng để được vãng sanh là điều không đơn giản. Chúng ta là những phàm phu tập tu trong cõi đời đầy ô trược, thuận duyên thì ít, nghịch cảnh dẫy đầy, việc nương vào tha lực là điều tất yếu, bên cạnh đó tinh thần “tự lực” vẫn là yếu tố quan trọng quyết định cho mục tiêu giác ngộ giải thoát.

Đối với hành giả tu Tịnh độ, chánh nhân: Tín - Nguyện - Hạnh là ba yếu tố quan trọng đòi hỏi tinh thần tự lực rất cao trong quá trình tu tập.

TÍN chính là niềm tin, Phật giáo không lấy niềm tin mù quáng làm cứu cánh, không chủ trương van xin cầu khẩn hoặc phó thác, mặc khải vận mệnh của mình cho bất cứ một đối tượng nào ở bên ngoài, dù đó là ai. Vì thế, hành giả phải xây dựng một niềm tin chánh tín, lấy giác ngộ giải thoát làm mục đích, Đức Phật thể hiện rõ quan điểm này với Kàlàmà trong Kinh Tăng Chi như sau: “Chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì nghe truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói; chớ có tin vì được Kinh Tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì vị Sa môn là bậc Đạo Sư của mình1.

 Các Tôn giáo khác luôn lấy niềm tin là chuẩn mực và sự thưởng phạt làm mục đích cho tôn giáo mình. Phật giáo thì khác, một tôn giáo hoàn toàn tự do trong tư tưởng, nhận thức và cả đi đến thực hành. Phật giáo không bắt mọi người tin theo như một tín điều, mà chỉ khuyên mọi người tin khi thực hành với những gì thấy đúng, chứng nghiệm và điều đó đem lại lợi ích cho mình và mọi người.

Quan điểm này, thể hiện tinh thần “tự lực” không áp đặt giáo điều, tự do trong ý thức, tự nguyện trong tu tập, đến để thực nghiệm giáo pháp vào thực tiễn cuộc sống, khi đạt được an lạc thực sự thì hãy tin. Như vậy, giáo lý của Phật giáo là đến để thực nghiệm, chứ không phải đến để tin theo.

Khi nắm được điểm trọng yếu trên, hành giả Tịnh độ có thể thiết lập niềm tin tuyệt đối với Tam bảo, không ngờ vực và luôn được soi sáng bằng trí tuệ. Đầu tiên, tin vào Đức Phật Thích Ca để khai mở tiềm năng thành Phật trong mỗi con người vì: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”; Tin vào Đức Phật A Di Đà đang hiện hữu thuyết pháp để thức tỉnh tự tánh vô lượng thọ, vô lượng quang và vô lượng công đức trong tâm hành giả; Tin vào chính bản thân mình có đầy đủ khả năng giác ngộ giải thoát khi tu tập theo pháp môn và tin là thế giới Ta bà đầy khổ đau có thể thiết lập một Tịnh độ tại nhân gian khi ta giác ngộ.

Người có lòng chánh tín kiên cố như thế chính là người có khả năng tự lực cao. Nếu hành giả tu tập trong trạng thái mong chờ vào tha lực của Đức Phật, chịu tác động bởi ngoại duyên, mơ tưởng một thế giới Tịnh độ cách đây hơn mười muôn ức cõi Phật thì niềm tin ấy chưa trọn vẹn, quan niệm này cũng đánh đồng vị trí của Đức Phật chẳng khác gì một vị thần linh luôn cứu rỗi cho sinh linh khi nghĩ tưởng về Ngài, và một cảnh giới Tịnh độ chẳng khác một thiên đàng của tôn giáo khác. Vì thế, niềm tin chánh tín là bước khởi đầu cho hành giả tu Tịnh độ, thiếu yếu tố niềm tin sẽ không chạm đến giải thoát.

Nguyện chính là phát nguyện, trên nền tảng của niềm tin, hành giả cần phải thành khẩn phát nguyện, điều này rất quan trọng đối với những ai tu tập. Tĩnh Am đại sư khẳng định tầm quan trọng của việc lập nguyện trong Khuyến phát Bồ Đề Tâm văn như sau: “Chính yếu để nhập đạo thì sự phát tâm đứng đầu, việc khẩn cấp để tu hành thì sự lập nguyện đứng trước. Nguyện lập thì chúng sanh độ nổi, tâm phát thì Phật đạo thành được. Cái tâm quảng đại không phát, cái nguyện kiên cố chẳng lập, thì dẫu trải qua đời kiếp nhiều như cát bụi, cũng y nhiên vẫn ở trong phạm vi luân hồi2.

Vì thế, tâm hành giả phải phát nguyện nhàm lìa cõi trược, hướng về cõi Tịnh, hai tâm thế này phải được diễn ra song vận nhau. Thân không bám víu, đắm nhiễm nơi căn trần, chấm dứt mọi hành vi thô ác, bất thiện; chuyển hóa những khổ đau trong tâm niệm bằng những tư duy sâu sắc về pháp môn tu, gạn lọc những nhiễm ô, những ý niệm phiền muộn, lo âu, bất an, tham dục…Tâm nhàm lìa cõi trược lớn thì chí nguyện hướng về Tịnh cảnh càng sâu.

HẠNH chính là hành trì, sau khi niềm tin được xây dựng kiên cố, phát nguyện thành khẩn thiết tha thì phần hành trì phải đi vào chuyên nhất. Nếu như Tín - Nguyện là điều kiện cần thì Hạnh là điều kiện đủ để đạt đến mục đích của người tu Tịnh độ. Hành giả phải hạ thủ công phu thực hành chánh hạnh một cách miên mật, ngoài việc hành trì giới luật, hành giả cần phải hỗ trợ những thiện nghiệp khác như: bố thí, cúng dường, tạo tượng, in kinh, phóng sanh, trợ duyên tu tập cho hành giả khác…tất cả công đức đó đều hồi hướng về Tịnh độ. Đồng thời, tùy vào căn cơ của bản thân mà hành giả hành trì thánh hiệu Phật A Di Đà theo cách thích hợp: Thật tướng niệm Phật, Quán tưởng niệm Phật, Quán tượng niệm Phật và Trì danh niệm Phật; thông qua bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi.

Chúng tôi chỉ đề cập đến cách hành trì phổ biến đó là “Trì danh niệm Phật”, hành giả luôn tâm tâm niệm niệm vang lên danh hiệu “A Di Đà Phật” hay “Nam Mô A Di Đà Phật” có khi thầm trong tâm, có lúc vang lên thành tiếng, điều cốt yếu là duy trì cho lâu bền đừng lui sụt. Lúc niệm, tâm không nghĩ điều xấu, thân không hành động bất thiện, miệng không nói những điều vô bổ, tất cả thân, khẩu, ý hợp nhất vào danh hiệu A Di Đà Phật: “Tam nghiệp hằng thanh tịnh/Đồng Phật vãng tây phương”. Cứ như thế, niệm niệm nối nhau không bao giờ dứt, cho đến nhất niệm và đạt đến niệm Phật tam muội.

Pháp môn Tịnh độ thể hiện góc độ giá trị về tinh thần tự lực của con người, tự thân phải vận động triệt để nhằm đạt được “nhất tâm bất loạn”, như một ngọn đuốc xua tan mọi bóng tối, Đức Phật dạy: “… Này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình chớ y tựa một cái gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác...”3. Tinh thần tự thắp đuốc lên mà đi như là kim chỉ nam cho mọi hành giả, chỉ nương tựa vào pháp môn tu tập mà thẳng tiến đến Bồ đề.

 Thế nhưng, ở một phương diện hạnh nguyện tự lợi, lợi tha của Chư Phật, thì mỗi vị Phật đều có những hạnh nguyện riêng biệt làm phương tiện huyền xảo để hóa độ chúng sanh. Đối với Đức Phật A Di Đà, Ngài phát ra 48 lời nguyện kết thiện duyên với tất cả chúng sanh, tạo một lực đẩy kiên cố cho hành giả vững bước tiến tu đạo nghiệp.

Đức Phật Di Đà phát lời thệ nguyện bằng chính năng lực chuyển hóa của Ngài hay còn gọi là phát huy triệt để tinh thần tự lực của một con người. Hành giả không có niềm tin chánh tín cùng nguyện lực kiên cố thì khả năng “tự lực” không có điểm đến, ngược lại tự lực mà không có tín và nguyện thì dễ lầm đường lạc lối. Cho nên, ai tự điều phục được dục vọng thấp hèn, tự chiến thắng mình thì từ một chúng sanh nhiễm ô sẽ trở thành một con người giác ngộ, từ một vũng bùn ô trược cõi Ta bà sẽ trở thành Tịnh cảnh Lạc bang. Vì thế, chúng ta khẳng định pháp môn Tịnh độ ngoài tha lực thì yếu tố “tự lực” sẽ quyết định trong quá trình tu tập của hành giả Tịnh độ.

 


1. Kinh Tăng Chi Bộ 1, Chương III Ba Pháp VII. Phẩm Lớn, Thích Minh Châu dịch, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1996, tr. 341.

2. Đại sư Thật Hiền soạn, Việt dịch Thích Trí Quang, Khuyến phát Bồ đề tâm văn, Nguồn: http:// www.thuvienhoasen.org

3. Kinh Tương Ưng V, Thích Minh Châu, Nxb Tôn Giáo, Tp.HCM, 2000, tr.170

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 354
    • Số lượt truy cập : 6947199