Thông tin

TỪ MỘT KỶ NIỆM NHỎ, ĐẾN VIỆC HỌC PHẬT

TỪ MỘT KỶ NIỆM NHỎ, ĐẾN VIỆC HỌC PHẬT

NHUẬN NGHI

Hồi ức

Dịp hè năm 1963, tôi chưa tròn 12 tuổi, sống ở làng quê Phước Lý chỉ cách nội ô Sài Gòn không đến 20 km, song là hai khuôn trời khác biệt, chỉ dịp Tết mới được đi Sài Gòn. Do đó, khi người anh họ từ Bình Định vào thăm má tôi, tôi được đi với anh ấy chuyến về Sài Gòn lịch sử. Khi đi, má tôi dặn: “Trên đó biểu tình lôn xộn lắm, hai anh em cẩn thận”. Anh tôi dạ thưa nghiêm túc, còn tôi phấn khởi chẳng phải lo lắng gì. Bấy giờ làng quê lạc hậu lắm, sách báo hiếm lắm, chỉ tối thứ bảy đến nhà Bác Sáu ở giữa xóm nghe cải lương trên đài phát thanh (gọi là nghe radio).


Cuộc đấu tranh mùa Pháp nạn 1963 chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm

Từ sáng sớm ngồi xe lôi 4 km đến phà Cát Lái, thêm một cuốc xe lam 12 km về Thủ Thiêm, qua phà lần nữa là đã thấy Sài Gòn; đơn giản vậy thôi mà Sài Gòn xa cách với tuổi thơ chúng tôi thật nhiều. Được ăn bò vò viên, uống đá đậu đỏ thập cẩm đã tuyệt vời; được xem chiếu bóng là quá thỏa mãn.

Chuyện bất ngờ đến; khi chúng tôi đến gần vòng xoay chợ Bến Thành, mọi người dạt ngang, một khoảng trống nhìn rõ đầu đường Trần Hưng Đạo, từ nhiều phía cảnh sát chạy ào ào về hướng đường Trần Hưng Đạo nói trên, tôi hơi hoảng không biết chuyên gì. Liền sau đó thấy đoàn người biểu tình từ đầu đường Trần Hưng Đạo, điềm đạm với các nhà sư đi đầu, có cả bàn thờ, lớp lớp tăng ni và Phật tử sát cánh hàng ngang gần hết mặt lộ, loáng thoáng biểu ngữ (tôi hồi hộp quá không đọc chữ gì và cũng chẳng hiểu).

Cảnh sát giục đến, vừa trực diện với đoàn biểu tình, vừa chặn ngõ vào các đường và hẻm để bao vây và ngăn chặn người khác chen vào. Khi xáp “trận”, đoàn người biểu tình bị túa ra tán loạn trước dùi cui buộc giải tán của cảnh sát, khá xa không biết có đổ máu không, thấy có nhiều sư ni và người dân ngã quỵ; xe cây cảnh sát bắt đẩy một số người có cả quý thầy.

Hơn nửa tiếng náo loạn, cả người biểu tình và cảnh sát mất hút, đường phố ngưng đọng chốc lát rồi trở lại bình thường.

Tôi không thấy thú vị gì nữa chuyến đi Sài Gòn lần này, không hiểu sao tăng ni phải xuống đường, mọi người bị đánh đập chắc đau lắm, roi thầy giáo đánh chúng tôi đã khiếp, gậy đập vào đầu vào lưng các thân người thật kinh hoàng!

Về sau, nghe tin quân đội Sài Gòn do các tướng lĩnh làm “cách mạng” lật đổ Ngô Đình Diệm, ngày 1-11-1963; đài phát thanh liên tục phát tin về cuộc đảo chính này. Tôi liên tưởng đến cuộc đấu tranh của Phong trào Phật giáo, và lần chứng kiến một cuộc biểu tình bị đàn áp hè năm ấy trở thành một hành trang dẫn tôi đến với Đạo Phật. Tôi quy y tam bảo vào năm 14 tuổi và ít nhiều giữ giới và học Phật đến nay ở tuổi lục tuần.

Học Phật và Nghiên cứu Phật giáo

Học Phật, các lời dạy của của Đức Cồ Đàm rất thâm thúy nhưng cũng rất thiết thực, khuyến khích mọi người tu học để thoát vòng khổ lụy và tự tìm “ánh trăng” giải thoát cho chính mình; học đến mức độ càng học càng thấy mình chưa biết gì nhiều về tư tưởng nhà Phật là đạt mức nghiên cứu ở các cấp độ khác nhau.


Từ năm học 1964-1965 đến ngày nay tôi được trọ học ở Sài Gòn suốt thời trung học và đại học, khi ra trường được công tác và làm việc tại TP.HCM. Đi học với chiếc xe đạp (có vài năm được cưỡi xe gắn máy), tôi đi khắp nội thành Sài Gòn và Gia Định. Tôi tiếp tục chứng kiến và đôi lần tham gia các cuộc mít tinh, biểu tình chống chính quyền; trong đó những năm 1965-1966, sư sãi và sinh viên xuống đường ác liệt không kém năm 1963, sau đụng độ biểu tình là một bãi “chiến trường” với nhiều đồ đạc ngổn ngang, có cả bàn thờ, chân đèn và nhang khói rơi vãi, có cả vết máu.

Tôi cùng bạn học đến chùa Xá Lợi, bấy giờ rất nổi tiếng và tham gia học giáo lý, được nghe giảng mới hiểu đạo Phật, còn đọc kinh bằng chữ Phạn, chữ Hán có hiểu gì đâu. Ở tuổi thiếu niên, tôi nghe các câu chuyện trong kinh “Pháp cú tỉ dụ” mà thấu hiểu thêm, tự giác hơn việc thực hiện đạo lý và cố gắng không làm điều gì sai trái, thực hiện làm một việc gì tốt trong ngày.

Ngày nay, kinh sách được phổ biến rộng khắp, bằng chữ Việt, bằng giảng giải của quý Thầy, hiện đại hơn có mạng internet, có dĩa tiếng, dĩa hình… Việc học Phật thật thuận tiện vô cùng.

Học Phật ở chùa Xá Lợi được tổ chức từ khi chùa xây cất xong vào năm 1958, Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Hội trưởng Hội Phật học Nam Việt, người góp công sức rất lớn trong việc xây chùa, trong đó có giảng đường, có chương trình thuyết pháp, học Phật nghiêm túc và tiến bộ, chống mê tín và hủ tục lạc hậu. Ngày nay nhiều chùa trong Thành phố theo cách làm này, và được thống nhất trong một chương trình, được quý thầy có từ tâm và trình độ cao giảng giải hàng tuần.

Như vậy, có lẽ cái nghiệp và cái duyên đã đưa mỗi người chúng ta đến với việc tu học. Việc tu tập, học Phật ngày nay khá thuận lợi. Đất nước hòa bình, cuộc sống cải thiện nhiều, ứng xử xã hội và môi trường sống ngày một tốt hơn; còn lại là ý chí và cách sắp đặt sao cho hài hòa để cuộc sống thăng hoa, trong đó “ánh trăng” mỗi người tự tìm ra và đạt đến sẽ là hạnh nguyện cao đẹp nhất.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 10
    • Số lượt truy cập : 6124771