TỪ MỘT KỶ NIỆM XA
CAO HUY THUẦN
Được uống rượu đầu năm và bàn gẫu câu chuyện cũ rích là chuyện trí thức, tôi có vui miệng kể lại cho bạn bè hoàn cảnh đặc biệt, trong đó, lần đâu tiên, tôi đã hiểu và đã cảm nhận một cách thấm thía hai chữ trí thức. Chuyện cũ đã mấy mươi năm, tưởng kể để mua vui trong chốc lát, ai ngờ chủ nhà ép ra viết thành chữ nghĩa. Văn tự hà tằng vi ngã dụng (chữ nghĩa nào dùng được việc gì cho ta – Thơ Nguyễn Du)…
Tháng 5 năm 1963, tôi có việc riêng phải vào Sài Gòn. Xong việc tôi ghé Nha Trang vài hôm thăm người quen trước khi ra lại Huế. Tôi đang tắm biển ở Nha Trang thì nghe tin lựu đạn nổ trước đài phát thanh Huế, đêm mồng 8, khi dân chúng tập trung trước đài để yêu cầu nghe lại cuốn băng ghi âm buổi lễ Phật đản. Lựu đạn nổ, máu của chín em bé áo lam thấm vào trang đầu của một giai đoạn lịch sử vừa bật mở, và tôi đang tắm biển ở Nha Trang …
Khi tôi trở lại Huế, mắt tôi không thấy những xôn xao, như tôi nghĩ, trong thành phố và giữa trường Đại học, vốn muôn thuở hiền lành; nhưng tai tôi đón nhận không biết bao nhiêu là tin tức từ mọi nơi, từ mọi giới, thầm thầm thì thì, rồi giục giã, thôi thúc. Tin tức từ tai này chuyền qua tai khác, từ miệng nọ lan đến miệng kia, như một hơi gió bị ép, có ai ngờ cơn bão cũng chỉ là triệu triệu cơn gió bị ép mà thôi.
Tôi về Huế chưa kịp ráo mồ hôi thì phải chuẩn bị vào lại Sài Gòn cùng với một số nhân viên giảng huấn khác của trường Đại học. Chúng tôi, cũng giống như hàng trăm giáo chức khác ở Đại học Sài Gòn, Đà Lạt, phải tập trung học tập chủ nghĩa nhân vị trong ba ngày tại một trung tâm dựng lên giữa đường Sài Gòn – Biên Hòa, gọi tắt cho tiện là “Trại Lồ Ồ”, bởi vì nó nằm gần suối Lồ Ồ. Tổ chức cho Đại học, đầu não của trí tuệ, Trại vận dụng tất cả trí tuệ của các chuyên viên nhân vị chủ nghĩa và trang hoàng bằng tất cả hình thức uy nghi trong buổi khai mạc, với sự hiện diện của các nhân vật cao cấp trong Chính phủ. Lần đầu tiên tôi được đi học cùng lớp, cùng thầy, với các vị giáo sư cũ khả kính của tôi, ăn cùng một món canh, ngủ cùng một thứ màn, rửa chân cùng một gáo nước, tẩy não cùng một chân lý sáng ngời. Tôi không biết quý vị đã thông hiểu chủ nghĩa như thế nào sau mấy ngày học tập; riêng tôi, tôi chỉ giữ lại trong đầu mỗi một câu chuyện đùa của Thiếu tướng Tám, chỉ huy Trại. Ông Thiếu tướng kể câu chuyện tếu này để nhập đề cho một bài giảng về cái quái gì đó trong chủ nghĩa nhân vị hoặc trong Quốc Sách Ấp Chiến Lược: trong một buổi học tiếng Anh, bà giáo Mỹ chấm một chấm (.) giữa một tờ giấy trắng mênh mông và yêu cầu mọi người cho biết “bức tranh” đó gợi lên hình ảnh gì trong đầu. Một người trả lời: cata-strophic, và thản nhiên cắt nghĩa: đó là cái bụng của vợ tôi khi mang bầu. Mọi người cười tán thưởng. Có lẽ tôi sẽ cười to hơn nếu ông Thiếu tướng nói: đó là bụng của cô bồ của tôi …
Tôi nhớ câu chuyện tếu không mấy nhân vị đó bởi vì ông Thiếu tướng sắp được học chữ catastrophic mà không cần phải nhìn một cái bụng mênh mông. Ông học chữ đó trong ngày bế mạc Trại. Vinh dự tối cao, Trại bế mạc với sự hiện diện của chính ông Ngô Đình Nhu. Từ sáng sớm học viên chúng tôi đã đứng chào đón ông Nhu từ trực thăng bước xuống, theo sau cả một đoàn tùy tùng cao cấp, sĩ quan, bộ trưởng. Ông Nhu ban huấn từ, dĩ nhiên là về chủ nghĩ nhân vị. Tôi nghe mơ màng nhưng sực tỉnh ở đoạn cuối, khi ông bước qua chuyện mấy trái lựu đạn ở đài phát thanh. Tất cả đều là Việt Cộng, Việt Cộng khoác áo thầy tu, Việt Cộng ném lựu đạn. Chúng tôi, đầu não trí thức, có nhiệm vụ tố cáo hành động dã man của Việt Cộng trước dư luận thế giới đang bị tuyên truyền nhiễm độc.
Xong bài huấn từ bế mạc, ông Nhu bước lên trực thăng. Ông Nhu không cao, nhưng hình như ai cũng thấp hơn ông một cái đầu.
Chúng tôi lại tập trung vào lớp, và bây giờ không phải để học nhân vị nữa, mà để biểu quyết một kiến nghị tố cáo Việt Cộng dã man ném lựu đạn trước đài phát thanh Huế. Quyết nghị của Giáo chức đại học tất nhiên phải do chính giáo chức đề xướng, luận bàn, viết ra thành văn, và biểu quyết. Do đó, các chuyên viên nhân vị chủ nghĩa rút lui, kể cả Thiếu tướng Tám, nhường quyền điều khiển cho chính quý vị giáo sư. Ba bốn vị trí thức cao cấp hăng hái động viên, cổ vũ chúng tôi suốt cả buổi sáng, nhiệt thành nhất lại là ông thầy cũ của tôi ở trường Luật Sài Gòn, mà tôi vốn kính trọng từ ngày đọc những bài viết về kinh tế của ông trong báo Phổ Thông xuất bản ở Hà Nội trước 1954. Dưới sự điều khiển của một giáo sư có uy tín, đồng thời lại là một nhân vật cao cấp trong chính quyền, chuyện biểu quyết là chuyện tất nhiên. Chúng tôi ăn trưa, và tiếp tục thảo luận về văn bản quyết nghị trong buổi chiều.
Buổi chiều, sự việc xảy ra một cách bất ngờ. Sau khi các vị đại tri thức đề nghị bản văn biểu quyết, một chàng thanh niên trong phái đoàn Huế ra trước hội trường phát biểu, và chàng ta đặt câu hỏi một cách ngây thơ, nhưng bất ngờ: quý vị đoan chắc rằng Việt Cộng ném lựu đạn ở Huế, nhưng quý vị ở tận Sài Gòn, Đà Lạt; vậy tại sao quý vị không hỏi chúng tôi là những người ở Huế? Ai ném lựu đạn?
Cả hội trường nín lặng. Nín lặng như khi nhìn một bàn tay đang thắp diêm, châm nến. Thành khẩn, tha thiết, nóng hổi, chàng thanh niên kể rõ mọi chuyện từ đầu đến đuôi, từ gốc đến ngọn, từ khi xe quân đội bao vây quần chúng đến quang cảnh súng nổ trước đài phát thanh. Cả hội trường nín lặng, kinh ngạc. Khi vị thầy khả kính của tôi tiếp tục tiếp tục lại nhiệm vụ điều khiển công việc biểu quyết, sự nhiệt thành của ông không làm tan nổi nhiều ngượng ngùng trong không khí. Bây giờ thì chuyện biểu quyết không còn đương nhiên nữa, mà phải thúc ép. Sức ép đang lên thì một chàng thanh niên khác, cũng từ phái đoàn Huế, ra giữa hội trường nêu lên vấn đề trí thức và sự thật. Quý thầy thường dạy học trò phải yêu sự thật, xin quý thầy tiếp tục dạy cho chúng tôi bài học đó.
Thảo luận kéo dài từ chiều đến tối, và từ sau buổi ăn tối đến khuya. Tố cáo Việt Cộng thì tố cáo; nhưng nhét vào bản văn biểu quyết mấy chữ Việt Cộng ném lựu đạn thì không đủ cánh tay giơ lên. Catastrophic! Buổi họp tan, và Trại bế mạc khi ban chỉ huy biết có đánh nữa cũng không thắng. Chín năm nhân vị: thách thức đầu tiên trong đại học. Buổi tối đi ngủ, Hoàng Văn Giàu và Ngô Văn Bằng khoan khoái phủi chân chui vào màn: hai chàng điếc không sợ trực thăng. Năm 1964, tờ Lập Trường đăng Nhật Ký Lồ Ồ của Hoàng Văn Giàu; tôi muốn được xem lại quá.
Về lại Huế, không khí khác hẳn. Nhẫn nhục đã chuyển qua tranh đấu, và tranh đấu công khai. Trong tháng 7, và nửa tháng 8, sinh viên Phật tử đóng đô ở hai chùa Từ Đàm và Diệu Đế, tổ chức phát thanh, dân chúng đi nghe càng ngày càng đông. Từ Đàm ở bên này sông, Diệu Đế ở bên kia sông, những cuộc biểu tình im lặng đi từ chùa này qua chùa kia, dài suốt cả những con đường dài, đi suốt cả lòng thành phố, im lặng, trang nghiêm, đạo hạnh, làm chảy nước mắt những người không dám đi theo trong đó có tôi. Cả thành phố xôn xao với những buổi phát thanh ở Diệu Đế, người đi nghe xôn xao, người ở nhà nghe lại cũng xôn xao, đại học bắt đầu xôn xao, sinh viên nôn nóng.
Tất nhiên các loa phóng thanh ở Diệu Đế nhắm về phía Đại học, và chĩa thẳng vào lương tâm những người trí thức. Trong một thành phố nhỏ, có văn hóa cao, trọng trí thức, trọng bằng cấp, trọng chữ nghĩa, trọng đạo đức, một tiếng nói của Giáo sư đại học có giá trị như tiếng sấm đầu tiên của cơn giông mùa hạ. Trời đất vần vũ từ đầu mùa hè 1963, cây cối rung chuyển, đâu tia chớp đầu tiên? Sợ, dĩ nhiên là sợ, ai mà không sợ chế độ đàn áp? Mấy ai bắt chước được chị tiểu thương Đông Ba phơi thây giữa chiến địa, ung dung như con thiên nga trắng muốt dạo bơi giữa hồ? Nhưng mặt khác, phẫn nộ trước bất công, áp bức, dối trá, miệt thị dâng tràn lên cổ, và tình cảm liên đới với sinh viên thúc giục chân phải bước đi.
Đến một giây phút nào đó, kỳ lạ thật, những chuyện khó khăn nhất bỗng trở nên giản dị, chín núi Thái Sơn cũng nhẹ như lông hồng. Không biết ai đã rót vào tai ai lời nói đầu, anh Bùi Tường Huân nói với tôi? Anh Lê Tuyên nói với anh Bùi Tường Huân? Hay là chỉ ánh mắt này nháy ánh mắt kia, nghẹn ngào này gặp nghẹn ngào khác, không ai nuốt tủi nhục trước sinh viên lâu hơn được nữa? Thoắt một cái, một buổi họp giáo chức đại học được tổ chức, giữa mùa hè, trong lúc mỗi người phân tán mỗi nơi. Con chim đầu đàn bay, các con khác cũng bay theo, khó khăn là ở cái vẫy cánh đầu tiên. Anh Lê Tuyên lúc đó là giám đốc Văn khoa của Đại học Sư phạm, anh có đôi cánh dài. Anh Bùi Tường Huân … Tôi thân với anh Huân vì tôi dạy ở trường Luật và anh là khoa trưởng, chỉ có thế thôi, tôi không biết gì hơn về anh Huân, và cũng chẳng hề muốn biết. Anh Huân có người bạn thân là giáo sư Wulff, người Đức, dạy ở trường Y, sau này là một nhân chứng quý báu của vụ đàn áp ở Huế. Anh có một người bạn ngoại quốc khác nữa, ông Rose, người Mỹ, mà tôi chưa hề gặp. Sau này, đọc quyển truyện Gặp gỡ cuối năm của Nguyễn Khải, tôi mới nghe nói ông Rose là CIA. Cũng chẳng có gì lạ. Các trường đại học danh tiếng nhất của Mỹ có lần đã la làng phản đối, bởi vì CIA tuyển chọn nhân viên trong hàng ngũ ưu tú nhất ở các đại học để phái đi làm Giáo sư ở khắp nơi. Anh Huân quen ông Rose là chuyện của anh Huân; chuyện đó chẳng ăn nhập gì với buổi họp đầu tiên của một số giáo chức đại học Huế giữa đe dọa, khủng bố của mùa hè 1963. Chẳng lẽ tất cả mọi chuyện lớn nhỏ vui buồn của giang sơn này đều toàn là chuyện Việt Cộng ném lựu đạn với chuyện CIA xúi dại xúi khôn? Lúc đó anh Huân là khoa trưởng, và sự việc một khoa trưởng chọn thái độ đứng về phía sinh viên đang tranh đấu ở Từ Đàm, Diệu Đế là một hành động can đảm mà mọi người đang chờ đợi. Hành động can đảm này lôi cuốn hành động can đảm khác. Và kết quả là chúng tôi cũng phơi thây giữa chiến địa, không ung dung bằng ai, nhưng thanh thản lương tâm. Mà đâu có phải để làm cái gì ghê gớm! Chỉ để ra một tuyên ngôn.
Chiều hôm đó, các loa truyền thanh ở Diệu Đế phát đi khắp thành phố bản tuyên ngôn của giáo chức đại học Huế. Tin bay vào Sài Gòn. Và bay qua bên kia Thái Bình Dương. Phong trào đấu tranh trong đại học bùng lên.
Anh Tuyên, anh Huân và toàn bộ sinh viên tranh đấu đều bị bắt vào đêm 20.8, đêm quân đội tổng tấn công vào chùa chiền, và bị giam giữ lâu nhất, cho đến ngày ông Diệm bị lật đổ. Ra khỏi tù khi “cách mạng” thành công, anh Tuyên cười bảo tôi: “Chúng nó tra hỏi tôi ai viết bản tuyên ngôn, tôi không khai cho cậu.”. Tôi tìm được hướng đi và lẽ sống từ ấy.
Sau đảo chính 1.11.1963, hai sự việc làm tôi suy nghĩ về vấn đề trí thức. Sự việc thứ nhất là nhiều nhà văn tên tuổi, nhiều trí thức có tiếng ở Sài Gòn viết trên báo nhiều bài tự bạch trong đó các anh tự trách mình, tự trách trí thức đã “đánh đĩ lương tâm”, “đánh đĩ ngòi bút”, “dính máu ăn phần”. Mấy chữ này bây giờ nghe đã quá quen tai. Năm 1963, đó là những lời sám hối đầu mùa. Ý thức về sự dễ khiếp nhược, dễ a-dua của trí thức trước một chế độ độc tài có tầm cỡ lớn khiến các anh đặt vấn đề cảnh giác của trí thức trước chính trị: cảnh giác ngay từ đầu, đừng để chế độ bước từng bước vào tội lỗi, đừng vui chân đi đêm với chế độ, đừng nghe cò kè trả giá, và đừng sáng mắt trước “vàng ngoài bốn trăm”. Không phải tất cả – bởi vì trí thức không phải chỉ là bằng cấp, chữ nghĩa hoặc chuyên môn – nhưng ít ra phải có một số trí thức nào đó tự lấy nhiệm vụ lau chùi hàng ngày tấm gương trí thức chung để trí thức cùng nhau soi lương tâm của mình, để giữ cho nhau chiếc lưng đứng thẳng, không thua bất cứ ai một cái đầu. Các trí thức đó, với sự góp sức chung của mọi người có lương tâm, giữ gìn và phát huy một chức năng vô cùng quan trọng trong các nước chậm tiến, vốn là con mồi của bao nhiêu hình thức trì trệ, một chức năng vốn sẵn thích hợp với truyền thống trọng đức, trọng tài, trọng hiền trong xã hội Việt Nam: chức năng tri thức. Đây không phải là chức năng đối lập, mà là độc lập.
Sự việc thứ hai làm tôi suy nghĩ là câu nói của một vị lãnh đạo Phật giáo, cảnh cáo khuynh hướng đắc thắng bắt đầu manh nha nơi một nhúm người vừa thoát khỏi áp bức ngày hôm qua: “Coi chừng, chúng ta đã không chết đói mà sẽ chết no”. Khiếp! Chính trị là cái nhan sắc gì mà ai cũng dễ si mê đến thế. Và quyền lực, “Tâu lạy Bà, Bà có nhiều phép lạ”. Bà là Thượng Đế! Hôm qua tôi tù mọt gông. Hôm nay tôi gông cả thiên hạ. May quá, thời cuộc 1963-64 chẳng hề cho phép lực lượng mới nào thiết lập trật tự mới, cho nên những kẻ ngồi tù hôm qua chưa quên chiếc gông của mình. Nhưng câu cảnh cáo đậm đà mùi vị ẩm thực của vị lãnh đạo giữ nguyên giá trị thiên thu của tiếng chim vỗ cánh báo mùa biển động. Bởi vì, nếu “người quân tử ăn chẳng cầu no”, như đức Khổng Tử dạy, là vì người quân tử ăn cơm với rau má, chứ nếu người quân tử được ăn quyền lực thì người quân tử ăn vỡ bụng cũng chẳng biết no.
Cho nên người trí thức, đứng trước chính trị và quyền lực, có cái trách nhiệm tự cảnh giác mình và cảnh giác người ngay cả trong trường hợp chính phe của họ lên cầm quyền. Ngay cả trong trường hợp đó, chức năng tri thức mà họ gìn giữ vẫn phải độc lập, tỉnh táo đối với chức năng chính trị mà chính bạn của họ đảm đương. Họ càng phải lau chùi lương tâm của họ kỹ hơn nữa, bởi vì họ không muốn bạn của họ rơi vào vết xe đã lăn xuống hố. Tri thức không phải là người không biết uống rượu nhưng là người nhàm chán say sưa trong chốn cung đình. Dù là với bạn.
Chúng tôi chưa có ai say trong thời 63-64, tuy có người dự vào bàn tiệc của chính trị, hoặc tự ý hoặc “bị” đề cử. Một số ít vào Sài Gòn làm xe pháo mã trong một ván cờ chưa biết ai là tướng. Hầu hết ở lại Huế làm báo. Làm nhiệm vụ gìn vàng giữ ngọc cho lương tâm. Tờ Lập Trường ra đời.
Mãi đến sau này, khi đọc Weber, tôi mới thấm thía tên tờ báo cũ của chúng tôi. Tôi thấy tội cho anh Tôn Thất Hanh khi bị đề cử tham gia Thượng Hội Đồng Quốc Gia cùng với bác sĩ Lê Khắc Quyến, cũng bị đề cử. Anh Hanh là người khoa học, đâu có ưa gì chính trị. Ra đi, anh chết trong lòng rất nhiều, bởi vì anh thừa biết chính trị là nhan sắc. Nhưng anh phải đi, bởi vì nếu không thì không trả lời được câu chỉ trích: “Bộ trí thức các anh chỉ có cái mồm biết nói thôi sao?”. Anh Hanh và anh Quyến lúc đó phải tham gia vào cái nhiệm vụ đạo đức mà Weber gọi là đạo đức trách nhiệm (éthique de la responsabilité). Đây là đạo đức của những người hành động, nghĩa là những người luôn luôn phải nhìn vấn đề dưới tương quan giữa phương tiện và cứu cánh, đôi khi vì hiệu năng mà phải dùng những biện pháp trái với chính lương tâm của mình. Tờ báo của chúng tôi nhắm đến một đạo đức khác mà Weber gọi là đạo đức của niềm tin (éthique de la conviction). Đây là đạo đức khiến con người hành động theo lương tâm mà không cần phải để ý đến hậu quả. Tận cùng của đạo đức này là thái độ của người theo thuyết bất bạo động tuyệt đối: thà tôi chết chứ không cầm súng giết người. Anh chàng này ngu chăng? Khùng chăng? Không, anh ta tin như vậy, và anh ta chỉ muốn chung thủy với lòng tin của anh, với lập trường của anh, mặc ai nghĩ gì thì nghĩ, và cho dù mặt trời có nổ ra muôn mảnh trên đầu anh ta, anh ta vẫn tin như thế và hành động như thế.
Tất nhiên, trên thực tế, hai thứ đạo đức vừa nói không mấy khi nằm ở trạng thái nguyên chất, trạng thái ròng: trách nhiệm nào lại chẳng dựa trên lòng tin, và lòng tin nào lại chẳng có ý thức về trách nhiệm? Thế nhưng sự phân biệt hai thứ đạo đức trên lãnh vực lý thuyết làm sáng tỏ hai thái độ khác nhau, một bên là của người cầm quyền, một bên là của người trí thức, hai thứ đạo đức khác nhau nhưng cần nhau và bổ túc cho nhau, như ngày với đêm, như ngủ với thức. Cho nên tôi không thể thiếu anh, tôi cần anh, tôi trọng anh; nhưng anh phải hiểu là anh cũng không thể thiếu tôi, anh cần tôi, anh trọng tôi, anh trọng sự độc lập của tôi dù cho điều đó có làm phiền anh. Để ngọn hải đăng vẫn sáng khi con tàu lạc hướng. Để quyền lực không phải là bạo lực.
Bình luận bài viết