Thông tin

TỪ MỤC TIÊU BƯỚC ĐẦU

CỦA PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO

 

ĐÀO NGUYÊN*

 

Việt dịch 3 Tạng Kinh, Luật, Luận từ Đại Tạng Kinh chữ Hán và Đại Tạng Kinh chữ Pali, do Hòa thượng Khánh Hòa khởi xướng, đến nay đã hoàn thành Đại Tạng Kinh Việt Nam Toàn Bộ.

Thỉnh Đại Tạng Kinh, Diễn dịch và Xuất bản kinh sách Việt ngữ” là một mục tiêu hoạt động tiêu biểu nhất, đáng chú ý nhất trong số bốn Mục tiêu hoạt động1 do Hòa thượng Khánh Hòa đã đề ra cho Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam, cụ thể là ở Nam Bộ mà Hòa thượng là người khởi xướng, mở đầu. Mục tiêu hoạt động ấy cũng như ba mục tiêu còn lại kia cần được thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ, tạo động lực chính để xoay chuyển Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ sang một thời kỳ mới, có đầy đủ sức sống, tức có đủ Đạo đức và Trí tuệ2 để tiếp tục đồng hành với dân tộc, vững bước tiến lên phía trước, thuận hợp với dòng chảy của lịch sử đất nước.

Bài viết này, chúng tôi xin trân trọng ghi nhận và đề cao tính chất trí tuệ vượt bậc của Người khởi xướng, hàm chứa nơi Mục tiêu hoạt động như vừa nêu, vừa gắn liền với hiện thực sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam thời ấy, đồng thời mở ra một hướng nhìn về lâu về dài, tạo tiền đề cho sự nghiệp dịch thuật nối tiếp: Việt dịch 3 Tạng Kinh, Luật, Luận từ Đại Tạng Kinh chữ Hán và Đại Tạng Kinh chữ Pali, để hình thành và hoàn thành Đại Tạng Kinh Việt Nam Toàn Bộ, tức Đại Tạng Kinh Việt Nam gồm đủ phần Phật giáo Nam truyền và phần Phật giáo Bắc truyền.

Tổng quát về Đại Tạng Kinh chữ Hán

Trong mục tiêu hoạt động như ở trên đã nêu, Hòa thượng Khánh Hòa (1877-1947) đã nói đến sự việc “Thỉnh Đại Tạng Kinh …” thì Đại Tạng Kinh (ĐTK) ở đây chính là ĐTK chữ Hán của Phật giáo Trung Hoa. (Về sau này sẽ nói thêm về ĐTK chữ Pali của Phật giáo Nam truyền). Vì thế, chúng ta cần có một số nhận thức tổng quát về ĐTK chữ Hán ấy.

Lịch sử phiên dịch Phật điển của Phật giáo Trung Hoa khởi đầu từ thế kỷ II Công nguyên đời Hậu Hán (25-220) với các dịch giả buổi đầu như An Thế Cao, Chi Diệu, Chi Lâu Ca Sấm, Khang Mạnh Tường, v.v… trải dài qua hàng 8, 9 thế kỷ, đến cuối thế kỷ XI đời Triệu Tống (960-1276) với chư vị dịch giả sau cùng như Thi Hộ, Pháp Hộ, Pháp Thiên, Duy Tịnh, Thiên Tức Tai, v.v… Qua đấy, vào năm 971, niên hiệu Khai Bảo thứ 4 đời vua Tống Thái Tổ nhà Triệu Tống (960-1279) Đại Tạng Kinh chữ Hán đầu tiên được kết tập, hình thành, khắc in, đến năm 983, niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc thứ 8 đời vua Tống Thái Tông nhà Triệu Tống thì hoàn thành, gọi là Bắc Tống Sắc Bản Đại Tạng Kinh, hoặc Khai Bảo Tạng, hoặc Thục Bản. Theo tác giả Đạo An (1907-1977) trong tác phẩm Trung Quốc ĐTK Phiên Dịch Khắc Ấn Sử thì ĐTK chữ Hán ấy gồm có 480 hòm, 1076 bộ, 5048 quyển (Phật Quang Đại Từ Điển, trang 1002B). Học giả Nguyễn Lang (Hòa thượng Nhất Hạnh) trong sách Việt Nam Phật giáo sử luận tập 1 phần viết về Tăng sĩ, Tự viện và kinh điển thuộc chương VIII: Tổng quan về Phật giáo đời Lý đã cho biết: “Về kinh điển, năm 1011 vua Lý Thái Tổ đã cho dựng Nhà Tàng Kinh Trấn Phúc để tàng chứa kinh điển. Năm 1018, vua sai hai người là Nguyễn Đạo Thành và Phạm Hạc sang nhà Tống (Trung Quốc) để thỉnh Tam Tạng Kinh. Tam Tạng Kinh ở đây chắc chắn là ấn bản năm 983”3.

Phật Quang Đại Từ Điển (trang 1001-1017A) đã gọi Đại Tạng Kinh chữ Hán như vừa nêu là Trung Văn Đại Tạng Kinh, và cho biết, tiếp theo Bắc Tống Sắc Bản Đại Tạng Kinh, lần lượt còn có đến 28 Trung Văn Đại Tạng Kinh nữa đã được tập hợp, khắc in để lưu hành, và Đại Tạng Kinh Đại Chánh Tân Tu là Trung Văn ĐTK thứ 28. Vì là ĐTK chữ Hán hiện đại có giá trị hơn hết về mặt sắp xếp, phân loại, chú thích v.v…, nên Đại Tạng Kinh Đại Chánh Tân Tu (ĐTK/ĐCTT) đã được phổ biến, lưu hành rộng khắp. Chúng tôi xin dựa theo Phật Quang Đại Từ Điển để giới thiệu sơ lược về ĐTK/ĐCTT như sau: “Đại Tạng Kinh Đại Chánh Tân Tu: Còn gọi là Đại Chánh Tạng, Đại Chánh Bản, là Đại Tạng Kinh chữ Hán, do chư vị Học giả Nhật Bản là Cao Nam Thuận Thứ Lang, Độ Biên Hải Húc, Tiểu Dã Huyền Diệu… biên tập xuất bản, được thực hiện từ năm Đại Chánh thứ 13 đến năm Chiêu Hòa thứ 9 (1924- 1934). Toàn Tạng gồm 100 tập (Mỗi tập gồm khoảng 900-1.000 trang khổ 23-27): Chánh Biên: 55 tập. Tục Biên: 30 tập. Biệt Loại: 15 tập (Gồm Đồ Tượng: 12 tập. Pháp Bảo Tổng Mục Lục: 3 tập). Phần Chánh Biên dùng Kinh, Luật, Luận đã được Hán dịch qua các đời, cùng những soạn thuật của các nhà Phật học Trung Quốc làm chủ, có thêm một số tác phẩm soạn thuật của chư vị Đại đức người Hàn Quốc… Trong đó, ba Tạng Kinh, Luật, Luận cùng bộ phận Soạn Thuật… chủ yếu là dùng Bản Cao Ly được lưu giữ tại chùa Tăng Thượng ở Đông Kinh (Nhật Bản) làm bản gốc, đối chiếu khảo xét với ba bản Tống, Nguyên, Minh cũng được tàng trữ tại chùa này. Riêng có tham chiếu Tạng Kinh Chánh Thượng Viện, Cổ Bản Đôn Hoàng, cùng kinh điển văn Paly, văn Phạn” (Phật Quang Đại Từ Điển, trang 1016AC). Ở đây, chúng tôi chỉ xin nói đến Ba Tạng Kinh Luật Luận đã được Hán dịch gồm 32 tập: Tạng Kinh: 17 Tập (Tập 1 -> Tập 17). Mật Giáo: 4 Tập (Tập 18 -> Tập 21). Tạng Luật: 3 Tập (Tập 22, 23, 24) và Tạng Luận: 8 Tập (Tập 25 -> Tập 32). Tạng Kinh và Tạng Luận đã dùng khái niệm Bộ để phân Tạng Kinh làm 9 Bộ, Tạng Luận làm 5 Bộ. Do tính chất đặc thù nên toàn bộ các Kinh, Luật, Luận, Nghi quỹ, v.v… của Mật giáo đã được tập hợp thành Bộ Mật Giáo 1, 2, 3, 4 (Tập 18, 19, 20, 21). Tạng Luật không phân thành Bộ riêng như nơi Tạng Kinh và Tạng Luận mà chỉ gọi chung là Luật Bộ 1 (Tập 22), Luật Bộ 2 (Tập 23) và Luật Bộ 3 (Tập 24).

Theo Nguyễn Lang trong sách Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, thì sau khi Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học được thành lập (1931), Hòa thượng Khánh Hòa giữ chức vụ Phó nhất Hội trưởng kiêm Chủ nhiệm tạp chí Từ bi âm, cùng với việc xây cất thêm cơ sở cho Hội, Thư viện Pháp Bảo Phương của Hội cũng được xây cất. “Tục Tạng Kinh được đem trưng bày tại đây. Thiền sư Thiện Chiếu (1898-1974) lại vận động giới Cư sĩ ở Chợ Lớn gởi mua thêm cho Thư viện Pháp Bảo Phương một Đại Tạng Kinh chữ Hán vừa mới ấn hành tại Trung Hoa”4. Và tác giả sách Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, đã ghi chú: “Tục Tạng Kinh nói đây (Tục Tạng Kinh: Nói đủ là Vạn Tự Chánh Tục Tạng Kinh, là Trung Văn Đại Tạng Kinh thứ 26. ĐN thêm) là của Thượng Vụ Ấn Thư Quán in lại năm 1923 theo lối ấn ảnh của Tục Tạng Kinh Nhật Bản. Còn Đại Tạng Kinh nói đây là bản in năm 1931, do các học giả Châu Khánh Lan, Diệp Quang Xước, Thích Phạm Thành, v.v… vừa mới thực hiện xong. Bản này in lại Tạng Kinh đời Tống phối hợp với các kinh bản đã từng khắc in ở Kim Lăng, Dương Châu, Thường Châu, Bắc Bình, Thiên Tân trước đó”5.

Như vậy, theo chúng tôi thì Đại Tạng Kinh chữ Hán được thỉnh về trưng bày tại Pháp Bảo Phương của Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học ngày ấy không phải là Đại Tạng Kinh Đại Chánh Tân Tu, vì Đại Tạng Kinh Đại Chánh Tân Tu này sau năm 1934 mới được in ấn, lưu hành.

Tóm tắt về Đại Tạng Kinh chữ Việt

Chữ Việt ở đây là chỉ cho chữ Quốc ngữ, là thứ chữ viết thứ 3 mà dân tộc Việt đã có được sau hai thứ chữ viết cổ xưa là chữ Hán và chữ Nôm. Xin được nói rõ hơn: Vào mấy thập kỷ đầu của thế kỷ XX, một trong số các biến chuyển có liên quan đến chữ viết ở nước ta, đáng kể nhất là sự định hình của chữ Quốc ngữ6, chứng tỏ khả năng có thể dùng để sáng tác, cũng như diễn đạt về mọi lãnh vực học thuật, tư tưởng của thứ văn tự ấy. Trong hoàn cảnh đất nước còn đang bị ngoại xâm, cùng với sự việc hệ thống thi cử theo Hán học đã bị bãi bỏ, chữ Hán không còn thông dụng trong sinh hoạt hành chính, trong đời sống xã hội Việt Nam nữa, thì đối với Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ, cụ thể là đối với chư vị Tôn đức, các vị Cư sĩ trí thức đang tham gia vào quá trình chấn hưng Phật giáo Việt Nam diễn ra khắp ba miền Nam, Trung, Bắc, nhu cầu cần dịch thuật kinh điển từ ĐTK chữ Hán (Sau này còn có thêm: Việt dịch kinh điển từ Đại Tạng Kinh Pali) sang chữ Quốc ngữ đã được đặt ra và thực hiện (Ví như Mục tiêu hoạt động của Hòa thượng Khánh Hòa mà chúng tôi đã nêu dẫn ở trước). Như vậy, sẽ có câu hỏi được nêu ra ở đây là: Vì sao người Phật tử Việt Nam thời bấy giờ (Thời kỳ chấn hưng Phật giáo: 1928-1945) cũng như về sau này, đã phải thỉnh Đại Tạng Kinh chữ Hán, để căn cứ theo đấy, Việt dịch 3 Tạng Kinh Luật Luận hiện có nơi ĐTK chữ Hán ấy, lần lượt hình thành và hoàn thành Đại Tạng Kinh chữ Quốc ngữ, mà chúng tôi thường gọi là Đại Tạng Kinh Việt Nam phần Phật giáo Bắc truyền7? Là vì như ở trên đã nói lược qua, lịch sử hình thành và phát triển về chữ viết của dân tộc Việt Nam đã cho thấy, chúng ta đã có ba thứ chữ viết, là chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Vào thời kỳ chữ Hán là thứ văn tự phổ thông ở nước ta, thông dụng nơi triều đình, công sở, thông dụng trong lãnh vực giáo dục, khoa cử, sáng tác, biên khảo v.v… thì Phật giáo Việt Nam không đặt vấn đề Việt dịch ba Tạng Kinh, Luật, Luận. Vì chữ Hán ấy tuy là văn tự của người Trung Hoa, nhưng ông cha chúng ta đã học tập nó, thâu nhận nó, phát âm khác với người Hán, có ít nhiều cải biên để hợp với tư duy của người Việt, đã lãnh hội cùng diễn đạt sự lãnh hội ấy theo một cấu trúc khác hẳn với người Hán, nhất là thứ chữ ấy đã luôn gắn liền với con đường đi tới của lịch sử dân tộc Việt, đã góp phần đáng kể vào quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, nên phải gọi thứ chữ ấy là chữ Hán Việt, là thứ chữ Hán theo người Việt, chữ Hán của người Việt, như là một thứ văn tự chính thức của người Việt ngày trước.

Trong suốt thời kỳ đất nước độc lập tự chủ, từ đầu thế kỷ X đến hậu bán thế kỷ XIX, Phật giáo Việt Nam đã sử dụng thứ chữ Hán Việt ấy, thông qua mọi lĩnh vực: Học hỏi, tu tập, tụng niệm, thực hiện các khóa lễ, nghiên cứu Phật học, giảng dạy Phật pháp, in ấn kinh sách v.v…, xem đấy là sự việc bình thường, thuận hợp. Nhưng đến thời bấy giờ (Thời kỳ chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam) thì đã đổi khác. Lịch sử dân tộc đã chuyển sang một thời kỳ mới, hệ thống khoa cử theo Hán học đã bị bãi bỏ, chữ Hán không còn thông dụng… mà chúng ta đã có chữ Quốc ngữ với Văn học chữ Quốc ngữ đang trên đà trưởng thành, do vậy, Phật giáo Việt Nam của thời ấy trong quá trình chấn hưng để tự tồn và phát triển, cần phải chú trọng đến sự việc: Căn cứ nơi ĐTK chữ Hán, Việt dịch một số Kinh Luật Luận cần thiết, thông dụng, góp phần nâng cao sự hiểu biết về Phật học của người Phật tử Việt Nam xuất gia cũng như tại gia… là mục tiêu hoạt động hoàn toàn đúng đắn và hợp lý. Hơn nữa, về lâu về dài, mục tiêu hoạt động ấy đã tạo tiền đề cho sự nghiệp dịch thuật nối tiếp: Việt dịch ba Tạng Kinh Luật Luận, lần lượt hình thành và hoàn thành ĐTK Việt Nam toàn bộ (bằng chữ Quốc Ngữ) như trước đã nói.

Việt dịch Kinh Luật Luận, xuất bản kinh sách Việt ngữ… đã được thực hiện trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo (1928-1945)

Chúng tôi xin căn cứ theo các tư liệu đáng tin cậy để giới thiệu tóm lược về mảng Kinh Luật Luận đã được Việt dịch vào thời bấy giờ:

Ở miền Nam kỳ

* Cùng với tạp chí Từ bi âm (1932) của Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học (1931) chư vị Hòa thượng Bích Liên (1876-1950) và Liên Tôn (1882-1951) bấy giờ là Chủ bút và Phó Chủ bút của Bán Nguyệt san nghiên cứu Phật học ấy, đã Việt dịch Kinh Thủ Lăng Nghiêm, diễn nghĩa các Kinh A Di Đà, Kinh Kim Cang Bát Nhã, Luật Sa Di.

* Tạp chí Duy tâm của Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1934) ngay từ khi ra đời (1935) đã dịch các Kinh Ưu Bà Tắc Giới, Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật.

* Sư Thiện Chiếu (1898-1974) cây bút chính của tạp chí Tiến hóa (1938), cơ quan ngôn luận của Hội Phật học Kiêm Tế (1937) ngoài công việc biên soạn, trước tác, cũng đã Việt dịch các Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Cú.

* Cư sĩ Đoàn Trung Còn (1908-1988), với cơ sở xuất bản Phật Học Tùng Thư ra đời ở Sài Gòn từ năm 1932, hoạt động liên tục đến năm 1975, cũng đã có nhiều đóng góp vào lãnh vực dịch thuật Kinh Luận, như đã Việt dịch các Kinh Pháp Hoa, Kinh Kim Cang, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Kinh Na Tiên Tỳ Kheo v.v…

Ở Trung kỳ

* Cùng với tạp chí Viên âm (1933), cơ quan của Hội An Nam Phật Học (1932), Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám (1897-1969), bấy giờ là Hội trưởng Hội An Nam Phật học và Chủ bút tạp chí Viên âm, đã Việt dịch Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Kinh Ưu Bà Tắc Giới, Luận Đại Thừa Khởi Tín, Luận Chỉ Quán…

* Hòa thượng Trí Độ (1895-1979): Thời gian làm việc cho tạp chí Từ bi âm, đã Việt dịch và chú giải các Kinh A Di Đà, Phẩm Phổ Môn của Kinh Pháp Hoa, Kinh Vu Lan Bồn. Từ năm 1935, giữ cương vị Đốc giáo của trường An Nam Phật Học (Huế), Hòa thượng Trí Độ đã Việt dịch Luận Chỉ Quán, viết bài giới thiệu về Nhân Minh v.v…

Ở Bắc Kỳ

* Hội Bắc Kỳ Phật giáo được thành lập năm 1934, và trong buổi lễ suy tôn Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Hanh (1840-1936) làm Thiền gia Pháp chủ, tổ chức vào ngày 12-1-1936, Hội đã làm lễ dâng cúng Phật cuốn Kinh Thiện Sinh mới được Hội Việt dịch và cho ấn hành.

* Cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha (1902-1954), một trong hai cây bút chính của tạp chí Đuốc tuệ (1935), cơ quan của Hội Bắc Kỳ Phật giáo, ngoài công việc biên soạn Tự điển Hán Việt (1942) trước thuật các sách, còn Việt dịch một số kinh như Kinh Lễ Sáu Phương, Kinh A Di Đà, Kinh Di Giáo, Kinh Tứ Thập Nhị Chương…

* Cũng có thể kể thêm Hội Phật tử Việt Nam, được thành lập tại Hà Nội năm 1949 với Bán Nguyệt san Bồ đề, ra đời từ ngày 22-9-1949, hoạt động đến năm 1954, do Cư sĩ Tuệ Nhuận Văn Quang Thùy làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút. Thông qua tạp chí này, Cư sĩ Tuệ Nhuận đã Việt dịch, chú giải Luận Duy Thức Tam Thập Tụng.

Từ thỉnh ĐTK, diễn dịch và xuất bản kinh sách Việt ngữ… đến ĐTK Việt Nam Toàn Bộ đã bước đầu hoàn thành

Như nơi phần vào đề đã nêu rõ, ở đây chúng tôi xin nêu tóm lược về quá trình Việt dịch 3 Tạng Kinh Luật Luận từ ĐTK chữ Hán và từ ĐTK chữ Pali, để lần lượt hình thành và hoàn thành ĐTK Việt Nam Toàn Bộ, thuận theo chủ trương của GHPG Việt Nam.

- Năm 1973, tức hơn 9 năm sau ngày GHPG Việt Nam Thống nhất được thành lập (12-1-1964), Viện Tăng thống của GHPGVN Thống nhất đã ra quyết định thành lập Hội đồng Phiên dịch Tam Tạng: Hòa thượng Trí Tịnh (1917-2014) làm Trưởng ban, Hòa thượng Minh Châu (1918-2012) làm Phó ban (ngày ấy hai vị còn là Thượng tọa). Xem: Biên Bản Hội nghị Toàn thể Hội đồng Phiên dịch Tam Tạng: 1973- 2517. Bản in Ronéo. Lưu hành nội bộ.

Hội đồng Phiên dịch Tam Tạng này đã tổ chức nhiều cuộc họp, hoạch định chương trình làm việc, phân công người thực hiện v.v… Rất tiếc là chưa tạo được cơ sở tài chính, mà thời gian hoạt động thì quá ít (tính đến cuối tháng 4 năm 1975, là ngày đất nước Việt Nam được thống nhất), nên thành quả của Hội đồng Phiên dịch này chỉ nên tính kể theo phần đóng góp của các cá nhân. Chúng tôi xin nêu vắn tắt về các bản Kinh Luật Luận đã được Việt dịch trong thời kỳ 1955-1975 ở miền Nam Việt Nam như sau:

Về Tạng Kinh: Một số bản kinh nơi ĐTK chữ Hán đã được Việt dịch: * Kinh Pháp Hoa: (Cư sĩ Đoàn Trung Còn: 1908-1988, Hòa thượng Trí Tịnh: 1917-2014, Hòa thượng Trí Quang). * Kinh Hoa Nghiêm: (Hòa thượng Trí Tịnh: 1917-2014). * Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật: (Hòa thượng Thiện Hoa: 1918-1973. Hòa thượng Trí Quang. Hòa thượng Thanh Từ). * Kinh Viên Giác: (Hòa thượng Trí Hữu: 1913- 1975, Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Trí Quang). * Kinh Lăng Già: (Ni trưởng Diệu Không: 1905-1997, Hòa thượng Thanh Từ). * Kinh Thủ Lăng Nghiêm: (Hòa thượng Thiện Hoa: 1918-1973, Cư sĩ Tuệ Quang). * Kinh Lục Độ Tập, Kinh Cựu Tạp Thí Dụ, Kinh An Ban Thủ Ý: (Học giả Lê Mạnh Thát). * Kinh Tâm Địa Quán, Kinh Bách Dụ: (Hòa thượng Tâm Châu: 1921-2015). * Kinh Trường A Hàm (Hòa thượng Thiện Siêu: 1921-2001). * Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân (Hòa thượng Quảng Độ). * Kinh Đại Bát Niết Bàn: (Cư sĩ Đoàn Trung Còn: 1908-1988, Hòa thượng Tâm Châu, Hòa thượng Trí Tịnh: 1917- 2014). * Kinh Giải Thâm Mật, Kinh Vu Lan (Hòa thượng Trí Quang). * Kinh Địa Tạng (Hòa thượng Trí Tịnh, Hòa thượng Trí Quang, Cư sĩ Đoàn Trung Còn)… Những bản kinh ngắn vẫn thường được dùng để giảng dạy cho các lớp sơ cấp Phật học, cũng được nhiều vị Việt dịch, như Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Kinh Di Giáo, Kinh Bát Đại Nhân Giác, Kinh Thập Thiện, Tâm Kinh Bát Nhã.

Về Tạng Luật và Tạng Luận: So với số lượng các Kinh đã được Việt dịch thì số lượng các Luật và Luận được Việt dịch trong thời kỳ ấy còn quá ít. * Về Luật thì có: Tứ Phần Giới Bổn Như Thích, Sa Di Luật Giải (Hòa thượng Hành Trụ: 1904-1984), Phạm Võng Bồ Tát Giới (Hòa thượng Hành Trụ, Hòa thượng Trí Quang). Tỳ Kheo Giới, Tỳ Kheo Ni Giới, Sa Di, Sa Di Ni Giới (Hòa thượng Trí Quang). * Về Luận thì có: Luận Đại Thừa Khởi Tín (Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Trí Quang, Cư sĩ Cao Hữu Đính: 1917-1991). Luận Nhiếp Đại Thừa (Hòa thượng Trí Quang). Luận Bách Pháp Minh Môn (Hòa thượng Thiện Hoa)…

Riêng Hòa thượng Minh Châu (1918-2012), với cương vị hiện tại là Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh (1973) đã căn cứ nơi ĐTK chữ Pali, Việt dịch các bộ Nikaya (Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh…) mở đầu cho sự hình thành và hoàn thành ĐTK Việt Nam phần Phật giáo Nam truyền.

- Năm 1990, tức cũng khoảng 9 năm sau ngày GHPGVN được thành lập (8-11-1981), Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN ra quyết định thành lập Hội đồng Chỉ đạo phiên dịch và ấn hành ĐTK Việt Nam: Hòa thượng Minh Châu làm Chủ tịch (xem: Lễ tiếp nhận và phát hành hai tập kinh đầu tiên của ĐTK Việt Nam. Bản in của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Phật lịch 2535-1991), thâu nhận những thành tựu về dịch thuật đã có từ trước (các Kinh Luật Luận đã được Việt dịch từ ĐTK chữ Hán và ĐTK chữ Pali), tiếp tục tiến hành để hoàn thành ĐTK Việt Nam gồm cả phần Phật giáo Nam truyền và phần Phật giáo Bắc truyền (ĐTK Việt Nam Toàn Bộ).

- Sau đấy, có chư vị Tăng sĩ, Cư sĩ, không thuộc hệ thống hành chánh của GHPGVN, đã đứng ra thành lập các ĐTK hoạt động độc lập, thực hiện công việc Việt dịch Kinh Luật Luận từ ĐTK chữ Hán (Đại Tạng Kinh Đại Chánh Tân Tu: ĐTK/ĐCTT), góp phần hoàn thành ĐTK Việt Nam phần Phật giáo Bắc truyền. Đó là:

- Đại Tạng Kinh Linh Sơn Pháp Bảo: Do Hòa thượng Tịnh Hạnh (1934-2015) chủ biên và bảo trợ, hoạt động từ năm 1994, Việt dịch toàn bộ 2 tạng Kinh, Luật nơi ĐTK/ĐCTT.

- Tiểu Tạng Thanh Văn: Do Hòa thượng Tuệ Sĩ chủ biên, hoạt động từ năm 2005, Việt dịch 4 Bộ A Hàm…

- Đại Tạng Kinh Tuệ Quang: Do Cư sĩ Nguyên Hiển (Bác sĩ Trần Tiễn Huyến) sáng lập và bảo trợ, hoạt động từ quý 4-2006, Việt dịch toàn bộ Tạng Luận nơi ĐTK/ĐCTT.

ĐTK Việt Nam Toàn Bộ đã bước đầu hoàn thành - Mở đầu từ chủ trương của Hòa thượng Khánh Hòa (1877-1947): “Thỉnh Đại Tạng Kinh, Diễn dịch và Xuất bản kinh sách Việt ngữ” đã được thực hiện trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo Việt Nam dấy khởi khắp ba miền Nam Trung Bắc (1928-1945), nối tiếp trải qua hơn 70 năm, đến cuối năm 2016 thì ĐTK Việt Nam Toàn Bộ đã bước đầu hoàn thành. Chúng tôi xin nêu tóm lược như sau.

Đại Tạng Kinh Việt Nam toàn bộ đã hoàn thành:

- ĐTK Việt Nam phần Phật giáo Nam truyền

* Tạng Kinh: Đóng góp của Hòa thượng Minh Châu (1918-2012). Việt dịch 4 Bộ Nikaya: Trường Bộ Kinh (2 tập), Trung Bộ Kinh (3 tập), Tương Ưng Bộ Kinh (5 tập), Tăng Chi Bộ Kinh (5 tập). Tiểu Bộ Kinh (Bộ Nikaya thứ 5) gồm 15 đề mục. Hòa thượng Minh Châu đã Việt dịch được 7 đề mục. 8 đề mục còn lại đã được nữ Cư sĩ Trần Phương Lan (1941-2011) Việt dịch tiếp và hoàn thành.

* Tạng Luật và Tạng Luận: Đã được chư vị bên Nam Tông Việt dịch hoàn tất (xem thêm bài viết của Thượng tọa Bửu Chánh: Ngôn ngữ Phật giáo Nam Tông Kinh8.

- ĐTK Việt Nam phần Phật giáo Bắc truyền

* Tạng Kinh:

+ Đóng góp của chư vị Tôn đức: Hòa thượng Trí Tịnh Việt dịch các kinh: Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, Kinh Đại Bát Niết Bàn, Kinh Đại Bảo Tích. Hòa thượng Thiện Siêu: Dịch giảng các Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Hòa thượng Duy Lực (1923-2000): Dịch giải các kinh: Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Kinh Lăng Già, Kinh Kim Cương, Kinh Duy Ma Cật, Kinh Viên Giác, Bát Nhã Tâm Kinh. Hòa thượng Trung Quán (1918-2003): Việt dịch các kinh: Kinh Hiền Ngu, Kinh Phật Bản Hạnh Tập. Hth Trí Quang: Dịch giải các kinh: Kinh Pháp Hoa, Kinh Duy Ma, Kinh Thắng Man, Kinh Di Giáo, Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim (Kinh Kim Quang Minh), Kinh Giải Thâm Mật, Dược Sư Kinh Sám. Hòa thượng Nhất Hạnh: Chuyển ngữ một số kinh: Sen Nở Trời Phương Ngoại (Kinh Diệu Pháp Liên Hoa), Đạo Bụt Nguyên Chất (Kinh Nghĩa Túc), Kinh Kim Cương Gươm Báu Cắt Dứt Phiền Não (Kinh Kim Cương)…

+ Tạng Kinh của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam: Việt dịch 4 Bộ A Hàm: Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, Tăng Nhất A Hàm (Không dịch bốn phần Kinh Biệt Hành).

+ Tạng Kinh trong Tiểu Tạng Thanh Văn: Do Hòa thượng Tuệ Sỹ chủ biên, Việt dịch, chú thích, đối chiếu 4 Bộ A Hàm (Trường, Trung, Tạp và Tăng nhất). Không dịch phần Biệt hành.

+ Tạng Kinh của ĐTK Linh Sơn Pháp Bảo: Do Hòa thượng Tịnh Hạnh (1934-2015) chủ biên, gồm 70 tập, Việt dịch từ 17 tập nơi Tạng Kinh của ĐTK/ĐCTT (Tập 1 -> Tập 17), không dịch phần Mật Giáo (Tập 18 -> Tập 21), chỉ đưa Kinh Thủ Lăng Nghiêm (No 945, 10 quyển) lên Bộ Kinh Tập, biên tập theo bản Việt dịch của Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám. Toàn bộ các kinh Hán dịch, từ số hiệu 1 đến số hiệu 847 nơi 17 tập thuộc Tạng Kinh của ĐTK/ ĐCTT, đã được Việt dịch, ấn hành gồm 70 tập, trên 60.000 trang Việt ngữ.

* Tạng Luật:

+ Đóng góp của chư vị Tôn đức: Hòa thượng Kim Cương Tử (1914- 2001): Phật Luật Học; Hòa thượng Thiện Siêu: Cương Yếu Giới Luật; Hòa thượng Đỗng Minh (1927-2005): Việt dịch các Bộ Luật: Luật Tứ Phần (Hòa thượng Tuệ Sỹ hiệu đính xuất bản), Luật Ngũ Phần, Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da (Bí Sô), Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da (Bí Sô Ni), Luật Thập Tụng; Hòa thượng Phước Sơn: Việt dịch bộ Luật Ma Ha Tăng Kỳ; Thượng tọa Tâm Hạnh: Việt dịch phần luật liên hệ của Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da như: Xuất Gia Sự, Dược Sự, Phá Tăng Sự, Tạp Sự, Việt dịch bộ Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa.

+ Tạng Luật trong Tiểu Tạng Thanh Văn, do Hòa thượng Tuệ Sỹ chủ biên là bộ Luật Tứ Phần: ĐTK/ĐCTT, Tập 22, N0 1248, 60 quyển, Đại sư Phật Đà Da Xá và Đại sư Trúc Phật Niệm Hán dịch vào đời Diêu Tần (384-417), Hòa thượng Đỗng Minh (1927-2005) Việt dịch, Hòa thượng Tuệ Sỹ hiệu đính, xuất bản.

+ Tạng Luật của ĐTK Linh Sơn Pháp Bảo, do Hòa thượng Tịnh Hạnh (1934-2015) chủ biên: Việt dịch toàn bộ các Luật, Yết ma, Giới bản, Luật thích… từ số hiệu 1421 đến số hiệu 1504 hiện có nơi 3 tập 22, 23, 24, thuộc Tạng Luật của ĐTK/ĐCTT, đã được biên tập nhưng chưa xuất bản9. Hiện đã được Ban Phiên Dịch của Đại Tạng Kinh Tuệ Quang tiếp nhận tổng duyệt để hoàn thành, đưa lên mạng và ấn hành.

* Tạng Luận:

+ Đóng góp của chư vị Tôn đức: Hòa thượng Thiện Siêu (1921- 2001): Việt dịch các luận: Luận Thành Duy Thức, Luận Đại Trí Độ: 100 quyển, 700 trang Hán tạng, bản Việt dịch in làm 5 tập, trên 3.500 trang Việt ngữ, Trung Luận, Luận Câu Xá, Giới thiệu về Nhân Minh Học; Hòa thượng Trí Quang: Việt dịch các bộ luận: Luận Nhiếp Đại Thừa, Luận Đại Thừa Khởi Tín, Luận Chỉ Quán, Luận Dị Bộ Tông Luân.

+ Tạng Luận trong Tiểu Tạng Thanh Văn: Do Hòa thượng Tuệ Sỹ chủ biên là Bộ Luận A Tỳ Đạt Ma Câu Xá: ĐTK/ĐCTT, Tập 29, No 1558, 30 quyển. Tác giả là Bồ tát Thế Thân, Pháp sư Huyền Tráng Hán dịch vào đời Đường, Hòa thượng Tuệ Sỹ Việt dịch, chú thích, đối chiếu.

+ Tạng Luận của Đại Tạng Kinh Tuệ Quang: Do Cư sĩ Nguyên Hiển (Bác sĩ Trần Tiễn Huyến) sáng lập và bảo trợ. Đã Việt dịch toàn bộ các Luận, Luận Tụng, Luận Thích v.v…, từ số hiệu 1505 đến số hiệu 1692, hiện có nơi 8 tập (Tập 25 -> Tập 32) thuộc Tạng Luận của ĐTK/ĐCTT: Gần 8.000 trang Hán tạng, chuyển dịch thành trên 36.000 trang Việt dịch, được chép vào đĩa CD và đưa lên mạng. Một số Bộ Luận của Tạng Luận trên đã được in và phát hành riêng như:

- Luận Đại Thừa Tập Bồ Tát Học: Tác giả là Bồ tát Pháp Xứng, Hán dịch là Đại sư Pháp Hộ, đời Triệu Tống (960-1276): ĐTK/ĐCTT, Tập 32, No 1636, 25 quyển, do Cư sĩ Nguyên Hồng (Giáo sư Lý Kim Hoa: 1934-2016) Việt dịch.

- Luận Thành Thật: Tác giả là Tôn giả Ha Lê Bạt Ma, Hán dịch là Pháp sư Cưu Ma La Thập, đời Diêu Tần (384-417): ĐTK/ĐCTT, Tập 32, No 1646, 16 quyển. Do Cư sĩ Nguyên Hồng Việt dịch.

- Luận Kinh Thập Địa: Tác giả là Bồ tát Thế Thân. Hán dịch là Đại sư Bồ Đề Lưu Chi, đời Nguyên Ngụy (339-556): ĐTK/ĐCTT, Tập 26, No 1522, 12 quyển. Do Cư sĩ Nguyên Huệ (Đào Nguyên) Việt dịch.

- Luận Du Già Sư Địa: Tác giả là Bồ tát Di Lặc thuyết giảng, Đại sĩ Vô Trước ghi chép, Hán dịch là Pháp sư Huyền Tráng, đời Đường (618- 906): ĐTK/ĐCTT, Tập 30, No 1579, 100 quyển, 600 trang Hán tạng, do Cư sĩ Nguyên Huệ (Đào Nguyên) Việt dịch (Trọn bộ gồm 4 tập, trên 3.000 trang Việt ngữ).

- Luận A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa: Tác giả là Tôn giả Thế Hữu và Năm Trăm Vị Đại A La Hán. Hán dịch là Pháp sư Huyền Tráng: ĐTK/ ĐCTT, Tập 27, N0 1545, 200 quyển, 1000 trang Hán tạng. Do Cư sĩ Nguyên Huệ (Đào Nguyên) Việt dịch (Trọn bộ gồm 8 tập, trên 5.000 trang Việt ngữ).

Như vậy, ĐTK Việt Nam Toàn Bộ – Tức gồm cả phần Phật giáo Nam truyền và phần Phật giáo Bắc truyền – đã bước đầu hoàn thành10. Đây là một Phật sự cực kỳ vĩ đại mà Phật giáo Việt Nam vào đầu thế kỷ XXI đã đạt được. Có được ĐTK Việt Nam toàn bộ thì bản sắc của Phật giáo Việt Nam mới được xác lập đầy đủ, mới trả lời được cái vấn nạn rất hóc búa đã đặt ra từ lâu của một số người nước ngoài: Phật giáo Việt Nam có những khác biệt gì so với Phật giáo Trung Hoa? (Hay chỉ là một bản sao lôm côm của Phật giáo Trung Hoa, như có nhà nghiên cứu đã nhận xét một cách mỉa mai?)11.

Nhớ về quá khứ, nơi bài viết: “Dấu ấn đậm đà của một bậc Tôn đức trong lãnh vực dịch thuật Hán Tạng” in trong tập “Tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu”, chúng tôi đã nêu dẫn: Ghi nhận như thế (Ghi nhận về các Bộ Luận nơi Tạng Luận của ĐTK/ĐCTT đã được Việt dịch còn quá ít) để chúng ta thấy rằng, Phật giáo Việt Nam hiện đại, nhân tài của Phật giáo Việt Nam hiện đại, cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đối với việc dịch thuật phần Luận Tạng nói riêng, cả ba Tạng Thánh điển nói chung, tiến tới việc hoàn thành Đại Tạng Kinh tiếng Việt. Đồng thời để chúng ta càng thêm trân trọng đối với những đóng góp, tuy chưa phải là nhiều, nhưng hết sức quý giá của Hòa thượng Thiện Siêu. Và như vậy, nhắc lại những thành tựu của người đi trước, cũng chính là một sự tri ân đúng nghĩa nhất12.

Đó là những dòng viết từ hơn 17 năm về trước. Bây giờ (tháng 8 năm 2017), thì Phật giáo Việt Nam đã được trang nghiêm hơn rất nhiều so với ngày trước, phần chính là vì ĐTK Việt Nam toàn bộ đã được hoàn thành. Và cái ước nguyện của chúng tôi nơi ngày ấy hiện đã trở thành hiện thực, trong đó có sự đóng góp chút công sức của chính mình. Như thế thì ở đây, sự nhớ nghĩ về quá khứ chính là nhớ nghĩ về Hòa thượng Khánh Hòa, vị Danh Tăng xuất chúng của Phật giáo Việt Nam thời cận hiện đại, không chỉ là người Mở đầu cho Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam, mà còn là người đã Đề ra những phương hướng hoạt động, vừa gắn liền với thực tiễn, vừa mở ra những cái nhìn về lâu về dài, tạo Tiền đề cho sự phát triển nối tiếp của Phật giáo Việt Nam ở hậu bán thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, tập hợp đủ nội lực để vững bước tiến về tương lai, trong ấy, sáng giá nhất là sự thành tựu của ĐTK Việt Nam toàn bộ.

 


* Trung tâm NCPGVN, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.

1. Bốn Mục tiêu hoạt động do Hòa thượng Khánh Hòa (1877-1947) đề ra gồm: 1. Chỉnh đốn Tăng già, lập Hội Phật giáo. 2. Kiến lập Phật Học Đường, đào tạo Tăng tài. 3. Thỉnh Đại Tạng Kinh, Diễn dịch và Xuất bản kinh sách Việt ngữ. 4. Xuất bản báo, tạp chí, phổ biến giáo lý. (Xem: Một số bài viết của các nhà nghiên cứu, in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Hòa thượng Khánh Hòa và Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam. Tháng 5-2017).

2. Giáo sư Trần Văn Giàu (1911-2010) trong sách: Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ 19 đến Cách Mạng Tháng Tám, Tập 2, phần Điểm qua phong trào chấn hưng Phật giáo (1931-1945) đã tóm kết về hiện trạng của Phật giáo Việt Nam thời tiền chấn hưng: “Phật tử phê phán Phật giáo suy đồi ở trên hai điểm chính đó là: Dốt và Hư” (Sđd, Nxb KHXH, 1975, trang 234). Thiếu Trí tuệ (Dốt), thiếu Đạo đức (Hư) thì Phật giáo Việt Nam tất không còn nội lực để tồn tại và phát triển. Xem thêm bài viết của Đào Nguyên: Người Phật giáo nhớ đến Bác Sáu Giàu: Nguyệt San Giác Ngộ số 178. Tháng 1-2011.

3. Nguyễn Lang. Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Bản in 1992. Trang 234.

4. Nguyễn Lang trong sách Việt Nam Phật giáo sử luận tập 3, Nxb Lá Bối, Paris, 1985, trang 53.

5. Nguyễn Lang trong sách Việt Nam… Sđd, trang 81.

6. Để có một số nhận thức tóm tắt về chữ Quốc ngữ, có thể tham khảo: Việt Nam Văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm (1898-1946): Chương thứ 18: Các giáo sĩ… và việc sáng tác chữ Quốc ngữ (Sđd. Bản in 1968. Trang 189-196).

7. Còn ĐTK Việt Nam phần Phật giáo Nam truyền là chỉ cho ĐTK bằng chữ Quốc ngữ được Việt dịch từ 3 Tạng Kinh Luật Luận nơi ĐTK chữ Paly.

8. Văn hóa Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng, Nxb Tôn giáo. 2016. Trang 126-128.

9. Thật sự thì cho đến lúc này (Tháng 8 – 2017), 5 Bộ Luật chính của các Bộ phái đã được Hán dịch hiện có nơi Tạng Luật của ĐTK/ĐCTT, đều đã được chư vị Tôn đức Việt dịch, xuất bản, có Bộ Luật như Luật Ma Ha Tăng Kỳ do Hth Phước Sơn Việt dịch đã được tái bản v.v… Như thế thì nói: Tạng Luật của ĐTK Linh Sơn Pháp Bảo tuy đã được biên tập nhưng chưa được xuất bản, là chỉ nói về phần còn lại: Tức các phần Yết ma, Giới bản của bốn bộ luật chính (Tứ Phần, Ngũ Phần, Thập Tụng và Ma Ha Tăng Kỳ), các phần sinh hoạt liên hệ của luật thuộc Hữu bộ (Bí sô, Bí sô ni) cùng phần phụ từ N0 1460 đến N0 1504 của Tập 24.

10. Chúng tôi dùng cụm từ: Bước đầu hoàn thành là vì: Thể hiện sự khiêm tốn đối với một thành quả quá đỗi lớn lao, mà bản thân mình cùng một số pháp hữu đã có tham dự ít nhiều, nhưng chưa bao giờ dám nghĩ là sẽ có ngày ĐTK Việt Nam Toàn Bộ được thành tựu. Vì sự thành tựu này là sự thành tựu nối kết, chưa phải là một sự thành tựu thuần nhất. do đó, như ĐTK Tuệ Quang chẳng hạn, sau khi Việt dịch xong Tạng Luận thì đã tiếp tục Việt dịch Tạng Kinh (Bộ A Hàm, Bộ Bản Duyên, Bộ Bát Nhã…) cùng biên tập Tạng Luật… để có thể có được một ĐTK Việt Nam phần Phật giáo Bắc truyền, do chính mình chủ biên và thực hiện. Hoặc như Báo cáo hoạt động 6 tháng cuối năm 2016 và Kế hoạch 6 tháng đầu năm 2017 của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã cho thấy: Nhà nghiên cứu Vũ Đình Lâm và các thành viên Văn phòng phía Bắc TTNCPG Việt Nam tiếp tục thực hiện xuất bản Đại Tạng Kinh Nikaya Toàn tập, song ngữ Paly – Việt. Đã in tập 28, 29, 45… (Xem: Tài liệu Hội nghị kỳ 5, khóa 7, Trung ương GHPG Việt Nam… Bản in Photo của Văn phòng 2 TƯGHPG Việt Nam. Phần ghi báo cáo… của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, trang 2).

11. Xem thêm bài viết của Đào Nguyên: Nội lực để Phật giáo Việt Nam chuyển mình trong thời đại mới. Nguyệt san Giác ngộ số 191, tháng 2 năm 2012.

12. Tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Nxb TP Hồ Chí Minh, 2002, trang 182.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 82
    • Số lượt truy cập : 6952515