Thông tin

TỪ NHỎ XUẤT GIA VÀ NỬA ĐƯỜNG XUẤT GIA

TỪ NHỎ XUẤT GIA VÀ NỬA ĐƯỜNG XUẤT GIA

LÊ SƠN PHƯƠNG NGCdịch

(Theo Phật giáo cố sự)

 

Vào thế kỷ VI trước công nguyên, ở miền Bắc Ấn, có một nước rất nhỏ, gọi là nước Ca Tỳ La Vệ, nay thuộc miền nam nước Népal. Vua nước ấy tên là Thủ Đoàn Đà Na, có nghĩa là Tịnh Phạn. Vương cơ tên là Ma Da.

Nước Ca Tỳ La Vệ liền kề với nước Thiên Tý là nước có lâm viên Lam Tỳ Ni. Vua Thiện Thưởng nước Thiên Tý cho xây dựng lâm viên này tặng Hoàng hậu vợ mình tên Lam Tỳ Ni, mẹ của Ma Da phu nhân, nên vườn mới có tên như vậy.

Người con trai duy nhất của vua Tịnh Phạn cùng Ma Da phu nhân là Thái tử Tất Đạt Đa đã ra đời vào một buổi sáng năm 565 trước CN. Thái tử Tất Đạt Đa nước Ca Tỳ La Vệ đã giáng sinh nơi vườn Lam Tỳ Ni, là người đã sáng lập nên đạo Phật. Thái tử Tất Đạt Đa thuộc dòng họ Thích Ca, nên sau khi ngài “ngộ đạo thành Phật” được người đời tôn xưng là Thích Ca Mâu ni có nghĩa là “con người kỳ lạ mang họ Thích Ca”.

Theo truyền thuyết, Ma Da phu nhân cấn thai khi đã 45 tuổi, rồi qua đời bảy ngày sau khi bà sinh hạ Thái tử Tất Đạt Đa. Thái tử Tất Đạt Đa được người dì ruột tên là Ba Xà Ba Đề nuôi dưỡng đến lớn. Phu nhân Ba Xà Ba Đề chính là em gái của Ma Da phu nhân, và là người vợ thứ hai của vua Tịnh Phạn, cũng là mẹ kế của Thái tử Tất Đạt Đa.

Là một Thái tử, nên thời tuổi trẻ của Tất Đạt Đa được hưởng những ưu đãi nhất của vương quốc. Vua Tịnh Phạn hy vọng Tất Đạt Đa sẽ trở thành một nhà vua ưu tú kế vị mình, nên vua cho Tất Đạt Đa học theo một chương trình giáo dục ưu hạng, ngoài kiến thức Thái tử còn được rèn luyện thể lực, học tập võ nghệ, nhất là hai môn cưỡi ngựa và bắn cung. Phu nhân Ba Xà Ba Đề cũng rất quan tâm và cưng chiều đứa con trai duy nhất của chị mình. Thế nhưng, tính cách con người Thái tử Tất Đạt Đa hoàn toàn không như mong muốn của cha mẹ. Ngài là một người phi thường có ý tưởng rất khác người. Thời bấy giờ, tình trạng xã hội bất an khiến ngài suy nghĩ, chế độ xã hội phân biệt giai cấp không hợp lý khiến ngài bất mãn, đời người sinh lão bệnh tử khiến ngài khổ tâm. Thái tử Tất Đạt Đa suốt ngày u sầu phiền muộn, dần dần nẩy ý xuất gia tu hành đề tìm cách giải thoát.

Nước Ấn Độ thời cổ có nhiều tiểu quốc, thời bấy giờ do những biến động trong quan hệ giai cấp mà phát sinh nhiều tư trào tư tưởng khác nhau. Các vấn đề về vũ trụ, về nhân sinh xã hội đã làm xuất hiện hàng trăm kiểu kiến giải khác nhau, tạo nên cục diện “bách gia tranh minh” (trăm nhà đua tiếng).  Nhìn chung, trong lãnh vực tư tưởng thời bấy giờ có hai trào lưu chủ yếu, đó là: một trào lưu đại biểu cho tư tưởng chính thống của giai cấp, đứng đầu là đạo “Bà La Môn”, một trào lưu khác là các giáo phái “không Bà La Môn” đều được gọi là “hệ thống Sa môn”. Tiêu điểm đấu tranh của hai trào lưu “Bà La Môn” và “hệ thống Sa môn” biểu hiện ở chỗ nhận thức và thái độ khác nhau về chế độ của từng “chủng tính” trong xã hội Ấn Độ.

Thời tối sơ, Ấn Độ cổ đại chỉ có hai “chủng tính”: Một là tộc người Aryan từ phía tây bắc Ấn tràn xuống chinh phục đại lục Ấn Độ, là người da trắng, tự nhận mình là “chủng tộc Aryan cao quý”. Một là tộc người Đạt La Trà Tì vốn là người thổ trước có nước da sạm hơn, bị người Aryan thống trị xem họ là “chủng tộc hạ đẳng”. Rồi xã hội phát triển, giai cấp phân hóa, cuộc sống chung đụng, từ hai chủng tính Aryan và Đạt La Trà Tì, đã trải qua thời kỳ lâu dài, sau cùng đã diễn biến hình thành các chủng tính phân biệt theo địa vị xã hội, theo chức nghiệp… rồi dẫn đến tình trạng phân biệt, việc hôn nhân chỉ trong phạm vi riêng của chủng tính mình, không có sự thông hôn giữa hai chủng tính khác nhau.

Trong bốn đại chủng tính tại Ấn Độ cổ đại thì chủng tính cao quí nhất, chuyên lo các điển lễ tôn giáo, tổ chức hoạt động theo nghi thức cúng tế được xem là người trung gian câu thông giữa người phàm và thiên thần, gọi là “Bà La Môn” (Brahman). Đẳng cấp thứ nhì là chủng tính thuộc tầng lớp quý tộc, họ nắm các chức vụ cao cấp điều hành quốc gia, gọi là “Sát Đế Lợi”. Đẳng cấp thứ ba gồm toàn bộ giới lao động làm các trong xã hội như nghề trồng tỉa, nghề chăn nuôi, nghề thủ công và nghề buôn bán, gọi là “Phệ Xá”. Đẳng cấp thấp kém nhất gồm những lao động làm thuê không nghề nghiệp như phụ việc, giết mổ gọi là Paria (Thủ-đà-la)

Đạo Bà La Môn là đại biểu lợi ích tôn giáo của chủng tính Bà La Môn. Chủng tính này đưa ra căn cứ lý luận cho vai trò cao quý của mình, cho rằng khi mới vừa tạo ra thế giới, có một vị thần nguyên thủy cực lớn, được xem là “nguyên nhân”. Những người không cùng một chủng tính vì họ từ từng bộ phận cơ thể của vị thần ấy biến hóa mà thành. Chủng tính Bà La Môn là miệng của thần, hai vai thần thành chủng tính Sát Đế Lợi, hai cẳng chân thành chủng tính Phệ Xá, hai bàn chân thành chủng tính Thủ Đà La. Vì thế, con người tự nhiên mà cao thấp quý tiện khác nhau. Số mệnh đã định cho những người khác chủng tính đảm trách những công việc khác nhau trong xã hội là vô cùng thích hợp, là sự sắp xếp của trời đất.


Ba đại cương lĩnh của đạo Bà La Môn là:

1. Phệ Đà thiên khải.

2. Tế lễ vạn năng.

3. Bà La Môn chí thượng.

“Phệ Đà” là bản văn về lịch sử và tôn giáo thời đại thượng cổ của Ấn Độ, viết bằng chữ Phạn cổ, chủ yếu là những bài tụng ca thần thánh bằng văn cầu đảo và lời sấm chú. Đạo Bà La Môn lấy Phệ Đà làm kinh điển căn bản, cho rằng Phệ Đà nhất định không thể do người thường sáng tác mà phải do một kỳ nhân được ý chí của thiên thần khải thì mới thông tuệ như thế, nên không thể nghi ngờ quyền uy của Phệ Đà, gọi là “Phệ Đà thiên khải”. Đạo Bà La Môn còn cổ xúy rằng hoạt động tế lễ chứa đựng một sức mạnh thần bí bất khả tư nghị, bao gồm cả công năng sáng tạo và hủy hoại. Thậm chí các thiên thần cũng phải dựa vào hoạt động tế lễ mới cầu được bất tử, mới đủ sức mạnh chiến thắng được kẻ địch. Thế mới gọi là “tế lễ vạn năng”, tức là chủng tính Bà La Môn nắm hết các hoạt động tế lễ, từ đó nắm hết thiên địa vạn vật, chi phối sức mạnh của các vị thần, nắm quyền sinh nở ra, quyền hủy hoại đi, thành ra là đấng tối thượng đối với loài người, là thần nhục thể, gọi là “Bà La Môn chí thượng”.

Chế độ chủng tính và ba đại cương lĩnh của đạo Bà La Môn làm cho chế độ xã hội bất bình đẳng thêm sức mạnh, gây trở ngại nghiêm trọng đối với sự tiến bộ và phát triển xã hội, dẫn đến tình trạng bất mãn phản đối mạnh mẽ.

Hệ thống Sa Môn thì khác, nói chung là nó chống lại chế độ chủng tính và ba đại cương lĩnh của đạo Bà La Môn. Học phái duy vật chủ nghĩa tối cổ ở Ấn Độ là phái “Thuận Thế luận” khẳng định thế giới vật chất, lại có đạo “Kỳ Na” khẳng định linh hồn và giải thoát. Phái Thuận Thế luận và Kỳ Na giáo đều thuộc “Sa Môn hệ thống”. Hai trào lưu đạo Bà La Môn và Sa Môn hệ thống đấu tranh kịch liệt với nhau làm sản sinh Phật giáo.

Thái tử Tất Đạt Đa xuất thân hoàng tộc, thuộc chủng tính Sát Đế Lợi, rất là bất mãn đối với việc cổ xúy “Bà La Môn chí thượng”, cũng như việc đạo Bà La Môn nắm quyền thống trị. Bất mãn ấy khiến Thái tử phiền muộn đau khổ nên cố tìm ra con đường giải thoát.


Vua Tịnh Phạn nhân biết được nỗi ưu tư của Tất Đạt Đa nên lo lắng lắm, ông dùng tất cả mọi biện pháp nhằm giúp con trai quên đi nỗi ưu tư ấy. Ông tổ chức điều kiện sinh hoạt tối ưu cho Thái tử, cưới công chúa Da Du Đà La về làm vợ Thái tử, ông còn tuyển nhiều người đẹp hầu hạ Thái tử, nhưng chẳng hề khiến Thái tử Tất Đạt Đa thích thú say mê, chỉ miệt mài với ý nghĩ làm sao giải thoát phiền não. Càng nghĩ Thái tử càng thấy đời người như ảo mộng, thế sự vô thường. Công chúa Da Du Đà La sinh một con trai, Tất Đạt Đa đặt tên con là La Hầu La. Ông cảm thán cuộc đời cho rằng La Hầu La gây trở ngại cho mình, ông than “Sinh con là thêm gánh nặng cho mình mà thôi!”.

Sau cùng, vào năm 536 trước CN, vào một đêm khuya yên tĩnh, Thái tử Tất Đạt Đa cỡi ngựa trắng rời khỏi kinh thành. Thái tử đến bên một gốc cây, cởi bỏ y phục sang quý rồi mặc bộ quần áo vải thô màu đen, cạo bỏ râu tóc giống như các nhà tu hành thời cổ ở Ấn Độ. Từ đó, Tất Đạt Đa đi vào rừng núi theo hẳn việc tu hành. Bấy giờ Thái tử 29 tuổi.

Xuất gia vốn là truyền thống của hệ thống Sa Môn. Người xuất gia, cạo bỏ râu tóc, từ giã gia đình vào ở hẳn nơi rừng núi tu hành, sống khổ hạnh thân xác để linh hồn được hoan lạc và giải thoát. Truyền thống ấy được Thích Ca Mâu ni noi theo, về sau thành ra phương pháp tu hành tối trọng yếu của các môn đồ Phật giáo. Phật giáo cho rằng gia đình ngoài đời chỉ làm cho con người phiền não, nên chỉ có cách từ bỏ gia đình mới tĩnh tâm tu hành thoát khỏi các cấu nhiễm và trói buộc của cuộc đời. Sách “Thích thị yếu lãm” viết rằng “Gia đình là gốc của mọi phiền não, người xuất gia cởi bỏ mọi trói buộc cấu nhiễm”. Kỳ thực, phái Toàn Chân của Đạo Lão, dòng Ẩn tu sĩ trong đạo Cơ đốc cũng đều xuất gia đấy thôi. Tuy nhiên, vì Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn tại Trung Quốc, hóa ra chuyện xuất gia hầu như chỉ để gọi các nhà tu theo Phật gíáo mà thôi.

Phật giáo phân biệt hai loại người gọi xuất gia trong hai tình huống:

1. Từ nhỏ xuất gia: Những người từ bỏ gia đình từ tuổi thiếu niên, thế phát (cạo bỏ râu tóc) nhận chịu “Mười không” (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu, không ngồi giường to cao, không trang điểm, không nhìn nghe ca múa nhạc, không trữ vàng bạc, không bạ đâu ăn đó). Ban đầu làm sa di hoặc sa di ni nơi chùa am, đến tuổi trưởng thành thì nhận chịu “cụ túc giới” (toàn bộ các giới) thành tăng ni chính thức.

2. Nửa đường xuất gia: Những người đến lớn mới xuất gia: thế phát nhận chịu cụ túc giới làm tăng ni chính thức.

Con của Thích Ca Mâu ni là La Hầu La đến 15 tuổi thì theo cha tu hành, cũng được cho là một sa di Phật giáo “từ nhỏ xuất gia”.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 41
    • Số lượt truy cập : 6128033