Thông tin

TỪ NHỮNG NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA THIỀN TÔNG,

NGHĨ VỀ ĐẠO VÀ ĐỜI

 

VU GIA

 


 

Muốn thành tiên, thành Phật, thành thánh, thành thần,… trước hết phải thành người. Làm người mà không thành người thì mọi ước mơ, mọi phấn đấu đều là hư ảo, mà muốn thành người, đi đầu là hiếu. Bất hiếu bất thành nhân. Một khi “Trực chỉ nhân tâm” thấy mình làm người mà không thành người thì làm sao “Kiến tính thành Phật”?

Những ngày giãn cách xã hội, tôi chẳng biết làm gì lại nghĩ về những nét đặc trưng của Thiền tông: “Giáo ngoại biệt truyền/ Bất lập văn tự/ Trực chỉ nhân tâm/ Kiến tính thành Phật” (Truyền giáo pháp ngoài kinh điển/ Không lập văn tự/ Chỉ thẳng vào tâm người/ Thấy chân tính thành Phật).

Có 16 chữ, mà bao đời qua, nhiều người luận giải đều… có lý và tiếp tục luận giải. Có người nói rằng một khi thấy đỉnh núi là không, vạn vật là không, Phật cũng là không, cần gì tu hành, một thoáng đốn ngộ, bờ giác đến rồi.

Thế nào là đốn ngộ? Tự điển Phật học dẫn tác phẩm Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Luận, cho rằng “Đốn tức là nhanh chóng dứt trừ vọng niệm, ngộ là ngộ cái không đạt được”. Vậy tìm một thoáng đốn ngộ không dễ gì.

Đọc tác phẩm Đại Huệ Phổ Giác Thiền sư ngữ lục, tôi thấy có đoạn có thể giúp người đọc biết thêm một chút về Thiền tông với những câu hỏi và những câu trả lời… chẳng mấy ai hiểu ất giáp mô tê, nếu không phải người tu thiền: “Thế nào là câu thoại đầu? Thoại là lời nói, đầu là đầu đề. Đó là câu nói hoặc cơ ngữ của các bậc tông tượng trong Thiền lâm được đề khởi như một đầu đề để thiền giả thực hành tham thiền. Câu thoại đầu phần nhiều chỉ có một chữ hoặc một câu ngắn, như câu hỏi Triệu Châu: “Con chó có Phật tính không?”, đáp: “Không”. Lời đáp “Không” trong câu đối thoại này chính là thoại đầu cần tham. Hoặc câu hỏi Vân Môn: “Thế nào là Phật?”, đáp: “Que chùi cứt”. Câu thoại đầu để tham thiền chính là “Que chùi cứt”” (NXB Hồng Đức, H, 2012, trang 20).

Vậy “Bất lập văn tự” là như thế nào? “Giáo ngoại biệt truyền” làm sao chuẩn mực được? Có người cho rằng “Bất lập văn tự” không phải phế bỏ văn tự, mà không qua văn tự lời nói, gọi là pháp thiền trực tiếp; cho nên chỉ cần cái nghi tình (không biết). “Giáo ngoại biệt truyền” là ở ngoài Giáo môn, vì Giáo môn có giai cấp từ Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa và Đẳng giác, Diệu giác.

Pháp thiền trực tiếp do Phật Thích Ca đích thân truyền không có giai cấp, phàm phu ngộ và Thập địa Bồ tát ngộ bằng nhau, chỉ là cái dụng không bằng (cái lý thì bằng, cái sự không bằng). Cái dụng không bằng do phàm phu có tập khí thế gian và xuất thế gian còn nguyên. Thập địa Bồ tát hết tập khí thế gian, tập khí xuất thế gian còn ít, nên cái dụng lớn hơn nhiều, chỉ không bằng Phật. Phàm phu bị tập khí phiền não nhét đầy nên không hiển bày cái dụng. Phàm phu kiến tánh, những tập khí dứt lần lần sẽ bằng dụng của Phật.

Có người lại nói Thiền tông không chủ trương phế bỏ kinh sách, nhưng cũng không khuyên chấp nhặt quá vào kinh sách, kinh sách được dùng làm phương tiện để tham khảo chứ không phải mục đích đến của các hành giả Thiền tông. Mục đích tối thượng của người tu tập theo Thiền tông là liễu ngộ Phật tính, thấu suốt bản tâm thanh tịnh của chính mình, thoát khỏi sinh tử luân hồi và sống với bản tâm thanh tịnh ấy, nếu có nhân duyên thì hoằng hóa giúp người cũng tu tập ngộ đạo như mình, làm lợi lạc. Trong tác phẩm Cư trần lạc đạo của ngài Trần Nhân Tông có viết: “Gia trung hữu bảo hưu tầm mích/ Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” (Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/ Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền), nghĩa là trong người ai cũng có Phật tính, nên một khi không chạy theo, không dính mắc 6 ngoại xứ còn gọi là 6 trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), đó là thiền, là cơ hội thấy được hòn ngọc báu của mình.

Ý này, ngài Trần Nhân Tông ngộ từ lời Phật dạy: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, nghĩa là người muốn an trụ tâm, được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì đừng dính mắc chỗ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Đối với sáu trần không vướng mắc đó là an trụ tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Với tôi, muốn đốn ngộ phải có ngộ tính. Ngộ tính không phải tư chất, không phải trí lực mà là lĩnh ngộ được đại đạo từ tâm của mình. “Trực chỉ nhân tâm” là như thế. Thật thật giả giả ở đời cũng giống như uống rượu. Không say là vì không uống “quả”; không uống là không say “nhân”. Có nhân ắt có quả. Có quả phải có nhân. Nhưng lắm lúc gieo nhân chưa hẳn gặt được quả, như người uống rượu chưa chắc lần nào cũng say và có lúc sung sướng vì được say.

Sống mơ mơ màng màng… Uống là “nhân” của say, say là “nhân” của mộng, mộng là “nhân” của tỉnh, tỉnh là “nhân” của uống, nghịch lại chính là “quả”… Không rõ “nhân” làm sao hiểu “quả”. Trên nhân quả là luân hồi. Thế gian vạn vật đều trong luân hồi, có ngày có đêm, có thiện có ác, có sống có chết,…

Nhưng nếu cô độc trên đường tìm đạo, dẹp bỏ thất tình lục dục để cầu đạo và cho là thành đạo thì có gì vui?

Vũ khí không thiện không ác. Thiện ác là do người sử dụng. Rượu cũng thế. Thế gian đau thương, thống khổ, rượu sẽ giúp hòa tan bi ai. Thế gian vui sướng, may mắn ập đến, rượu sẽ trợ hứng bầu không khí. Nhưng tại sao có người uống mãi không say, bi thương ngày một đầy? Tại sao có người chỉ nhấp một chén là say? Chung quy, rượu không thể thay đổi tâm tình người ta, mà say hay không tự do lòng người. Do vậy, mới có người say tâm, có kẻ say thân và chính họ mới biết nguyên nhân say của mình. Nếu tâm chết thì rượu không say người mà người tự say. Chết vào rượu chính là say, sinh ở rượu chính là tỉnh. Tỉnh tỉnh say say tựu ở lòng người. Hư hư thật thật, thật hư chỉ trong một ý nghĩ.

Muốn thành tiên, thành Phật, thành thánh, thành thần,… trước hết phải thành người. Làm người mà không thành người thì mọi ước mơ, mọi phấn đấu đều là hư ảo, mà muốn thành người, đi đầu là hiếu. Bất hiếu bất thành nhân. Một khi “Trực chỉ nhân tâm” thấy mình làm người mà không thành người thì làm sao “Kiến tính thành Phật”?

Sự tích truyền pháp của Sơ Tổ Thiền tông Trung Hoa cho Tổ Huệ Khả được truyền lại như sau:

Tổ hỏi: "Trong mọi thứ, thứ gì vô sắc?". Bồ-đề-đạt-ma đáp: "Vô sinh vô sắc". Tổ hỏi tiếp: "Trong mọi thứ, cái gì vĩ đại nhất?". Bồ-đề-đạt-ma đáp: "Phật pháp vĩ đại nhất".

Vậy Phật pháp là gì? Theo HT Thích Thanh Từ, “Phật pháp là những điều đức Phật chứng kiến được sau khi giác ngộ, đem chỗ chứng kiến ấy nói lại để cho mọi người hiểu biết để dứt sạch mê lầm và giác ngộ như Ngài”, tức là Phật nói những gì mình thấy, mình biết, mình đã trải qua, đã chiêm nghiệm từ thực tế, nên cần phải tin.

Thực ra đúng, sai; phải, quấy; tốt, xấu; tài và bất tài… đều tùy thuộc vào sự uyển chuyển, tỉnh sáng của tâm. Phật pháp vốn là pháp bất định, nếu sống cứ chấp chặt một bên, ứng xử không hợp lúc hợp thời thì dễ chuốc lấy tai họa, khổ lụy. Bởi vậy, người trí tuy hay nhìn vào nội tâm, song ứng đối với ngoại giới luôn nhanh lẹ, khế cơ khế thời. Đôi lúc thấy như hay, đôi lúc nhìn như dở! Họ tùy duyên, song lại bất biến. Điểm chính là tâm tư phải bình an, tĩnh lặng thì mới có được sự hành xử sáng suốt, ít lỗi lầm.

Trong kinh A-hàm có đoạn kể Ma-ha-nam là em con chú bác của Thái tử Tất-đạt-đa, lúc Phật về hoàng cung giáo hóa, ông phát tâm rất mạnh tu hạnh cư sĩ, giữ 5 giới tu thập thiện, ông thắc mắc hỏi Phật như thế này:

- Thưa Thế tôn, bình thường con giữ 5 giới tu thập thiện, giả sử con bị tai nạn chết bất đắc kỳ tử thì con sẽ sanh về đâu? Đức Phật trả lời bằng một câu hỏi:

- Này Ma-ha-nam, có một cây thân đứng nghiêng, có người đến cưa thì cây ngã về đâu?

- Thưa Thế tôn, cây nghiêng chiều nào, khi cưa thân cây ngã theo chiều đó.

Phật dạy: “Cũng vậy, hằng ngày ông thường tạo nghiệp thiện, khi chết theo nghiệp thiện mà tái sanh vào cõi lành. Người thường ngày tạo nghiệp ác khi chết tái sanh vào cõi ác. Không phải chết bất đắc kỳ tử là đọa địa ngục”.

Bất kỳ cái gì sinh linh cũng có hai mặt thiện ác, chứ không phải duy nhất thiện hoặc duy nhất ác. Phật môn cũng không ngoại lệ cho nên mới có thuyết pháp “nhất niệm thành Phật, nhất niệm thành ma”. Thế gian không có gì là tuyệt đối cả, chỉ xem lúc nào, phương diện nào lấn át hơn. Nhà Phật có câu: “Phóng hạ đồ đao lập địa thành Phật”, nghĩa là buông con dao đồ tể xuống, đứng ngay đó mà thành Phật. Phật là bậc Đại thiện. Chữ Phật được dùng ở đây là để chỉ cho tâm thiện, hoặc người tốt. Ý nói người làm ác chỉ cần quyết tâm bỏ ác hướng thiện là lập tức trở thành người tốt. Thiện tâm của người này không khác gì thiện tâm của Phật, lấy mặt thiện áp qua mặt ác.

Thiện ác do tâm, hoàn cảnh chỉ là đưa đến một cái tác dụng xúc tiến. Do vậy, tưởng ma chưa hẳn là ma, tưởng Phật chưa chắc là Phật. Phật quả là tu mới có chứ không phải kế thừa có được. Tu Phật chính là tu thân, như người leo núi, từng bước, từng bước đi lên,… Nhưng muốn cần thân tĩnh thì phải có tâm tự tại.

Người đời thường nói thiên đạo không bằng nhân đạo, nhân đạo không bằng tâm đạo. Trời có bất trắc phong vân, nhân tâm chìm nổi biến hóa, nhất niệm thành thần, chớp mắt nhập ma, nếu có tín niệm chắc chắn sẽ đạt được điều mình mong muốn.

Thế nào là đạo tâm? Nói trắng ra là khá mờ mịt, nhưng tôi nghĩ đơn giản là không thẹn với lương tâm chính là đạo tâm. Đại hùng, đại lực còn có tấm lòng đại từ bi mới thành đại sự.

Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy rằng tam độc (tham, sân, si) là những nguyên nhân gây ra bất hạnh và phiền não, ưu tư cho con người. Thực tế cuộc sống bao đời qua cho thấy có tam độc (tham, sân, si) ắt có phiền não, nhưng một khi lấy tam độc làm niềm vui thì phiền não không còn là phiền não. Nếu ai cũng trừ được tam độc thì thế gian này thành Phật cả rồi. Nhân loại được tôn xưng là vạn vật chi linh, nhưng nếu thả vào nơi không có con người thì trí tuệ cũng dần bị kéo xuống, chỉ còn mỗi bản năng sinh tồn. Có con người là có đấu tranh, càng đấu tranh càng lộ ra tam độc. Quan trọng là sống đúng với bản tâm của mình. Người có việc nên làm, có việc không nên làm. Không ai nguyện ý chết, nhưng nếu chết vì bảo vệ người thân, bảo vệ xóm làng, bảo vệ đất nước thì cái chết chẳng tính là gì. Phật dạy không sát sinh, nhưng có những lúc cần phải phạm giới. Lịch sử dân tộc đã cho thấy điều ấy. Thượng hoàng Trần Nhân Tông cũng khoác chiến bào ra trận, dân tộc ta mới có ngày hôm nay.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 25
    • Số lượt truy cập : 6114280