Thông tin

TỪ NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN, NGHĨ VỀ “ÂN QUỐC GIA”

CỦA ĐẠO PHẬT

(KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN (1923-2022))

 

VU GIA

 


 

Trước ngày giải phóng (30-4-1975), nhân dân miền Nam thường đọc báo, nghe đài, hầu như không ai không biết Ni sư Huỳnh Liên dẫu chưa một lần gặp mặt.

HT Thích Giác Toàn cho biết: “Giữa thế kỷ XX, trong làn sóng chấn hưng Phật giáo mạnh mẽ khắp cả nước, tại miền Nam, Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang, với chí nguyện “Nối truyền Thích Ca Chánh Pháp” đã khai lập đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam – sau này là Hệ phái Khất Sĩ - một trong chín tổ chức, Giáo hội, Hệ phái… thành viên sáng lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981). Từ sau khi Đức Tổ Sư vắng bóng (1954), việc hoằng truyền chí nguyện của Ngài vẫn liên tục được phát huy, đó là nhờ công lao to lớn của chư vị giáo phẩm các thế hệ là học trò của đức Tổ Sư, đặc biệt chư vị giáo phẩm trưởng thượng thế hệ đầu tiên được chính Đức Tổ Sư tiếp độ, khai đạo, giáo huấn… trong đó có cố Ni Trưởng Huỳnh Liên. Ni Trưởng Huỳnh Liên (1923-1987) là vị giáo phẩm Ni đã được Tổ ủy thác lãnh đạo, hướng dẫn giáo đoàn Ni. Ni Trưởng là bậc nữ lưu xuất chúng, có thiên phú về thơ văn và nổi bật với chí nguyện phụng sự nhân sinh rất mạnh mẽ, tích cực tham gia các phong trào đấu tranh đòi hòa bình, tự do, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trong giai đoạn 1963-1975 tại miền Nam Việt Nam”1.

Phật pháp tại thế gian

Trong Kinh Tâm Địa Quán, Phẩm Báo Ân, Đức Phật Thích Ca đã dạy, phàm là con người phải ghi nhớ Tứ ân. Đó là: Ân cha mẹ, Ân chúng sanh, Ân quốc gia xã hội và Ân Tam bảo. Đây là phạm trù đạo đức quan trọng thể hiện ân tình giữa con người với con người, giữa con người với quốc gia xã hội, với chúng sanh, hàm chứa tinh thần đại hùng, đại lực, đại bi, đại trí; mang sinh khí hòa bình, tự do, bình đẳng cho nhân thế với hoài bão giải phóng mọi ràng buộc khổ đau cho con người và muôn vật.

Từ thập niên 30 của thế kỷ trước, Tâm Minh Lê Đình Thám, cho rằng: “Nhà nước chủ yếu làm cho nhân dân an cư lạc nghiệp và bảo vệ đất nước, chống ngoại xâm, ân ấy cần báo đáp, bằng cách làm tròn nhiệm vụ người dân. Trong chế độ phong kiến, quốc vương tiêu biểu cho nhà nước, nên trong các kinh dạy bảo vệ chủ quyền đất nước, hết lòng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thì mới thật có ơn. Đối với một nhà nước thật sự có dân như thế, người đạo Phật cần phải góp phần thi hành triệt để mọi chủ trương chính sách của Nhà nước, tận tâm giúp đỡ Nhà nước phục vụ lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc, thì mới báo đáp được công ơn ấy”2.

Lục Tổ Huệ Năng cũng có bài kệ:

佛法在世间 Phật pháp tại thế gian (Phật pháp trên thế gian)

不离世间觉 Bất ly thế gian giác (Không thể rời thế gian mà giác ngộ)

离世觅菩提 Ly thế gian mịch bồ đề (Rời thế gian tìm giác ngộ)

恰如求兔角 Kháp như cầu thố giác (Giống như tìm sừng thỏ)

Ý bài kệ muốn nói rằng không có cái pháp xuất thế gian hay Phật pháp riêng biệt ở ngoài pháp thế gian. Cố gắng tìm kiếm sự giác ngộ ở ngoài thế gian chỉ là tốn công vô ích giống như tìm sừng thỏ. Thỏ không bao giờ có sừng nên tìm sừng thỏ chỉ là phí công vô ích.

Như vậy, việc tích cực tham gia các phong trào đấu tranh đòi hòa bình, tự do, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trong giai đoạn 1963-1975 tại miền Nam Việt Nam của Ni trưởng Huỳnh Liên không đi lệch lời Phật dạy. Điều này cũng cho thấy Phật giáo không phải là tôn giáo yếm thế, một khi đã cắt ái lìa gia thì chỉ biết mình, không biết gì đến cõi hồng trần sôi động, và tu sĩ Phật giáo không lo tu hành mà thích làm chính trị, như một số người đã nghĩ.

Truyền thống yêu nước thương nòi của Phật giáo Việt Nam

Thiền sư Khuông Việt, Thiền sư Pháp Thuận đã giúp nhà Đinh, nhà tiền Lê trong những ngày đầu dựng nước, cũng như Thiền sư Vạn Hạnh giúp Lý Công Uẩn khai mở nhà Lý, lịch sử Việt Nam đã ghi tường tận. Đặc biệt, “Trần Nhân Tông được sử Việt đánh giá là một vị Hoàng đế anh minh, đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển bền vững của Đại Việt cuối thế kỷ XIII, cũng như việc bảo vệ nền độc lập và mở rộng lãnh thổ đất nước. Ngoài ra, ông cũng là một thiền sư lớn của Phật giáo Việt Nam thời trung đại. Ông là 1 trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam”3, nhưng ngài chưa khi nào buông bỏ nghiệp duyên với cõi hồng trần.

Cụ thể, tháng 5 năm 1290, “Bấy giờ Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường trở về kinh sư. Các quan trong triều không ai biết cả, vua thì uống rượu xương bồ say khước. Thượng hoàng thong thả đi thăm khắp các cung điện, từ giờ Thìn đến giờ Tỵ. Cung nhân dâng bữa. Thượng hoàng ngoảnh nhìn không thấy vua, lấy làm lạ, hỏi là Quan gia ở đâu? Cung nhân vào trong nội đánh thức, nhưng ngài không tỉnh. Thượng hoàng giận lắm, lập tức trở về Thiên Trường, xuống chiếu cho các quan ngay ngày mai đều phải tới phủ Thiên Trường để điểm danh, ai trái lệnh sẽ bị xử tội”4. Tại đây, Thượng hoàng nói với vua Anh Tông: “Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm đang sống mà người còn như thế, huống chi sau này?”.

Vua dập đầu tạ tội”5.

Qua việc này, Thượng hoàng phát hiện ra danh tài trẻ Đoàn Nhữ Hài, “lấy Đoàn Nhữ Hài làm Ngự sử trung tán”6 làm cận thần của vua Anh Tông, giúp vua Anh Tông trị quốc bình thiên hạ.

Tháng 11 năm 1308, “Bấy giờ Thượng hoàng xuất gia, tu ở ngọn Tử Tiêu núi Yên Tử, tự hiệu là Trúc Lâm đại sĩ (Tổ thứ nhất của phái Thiền Trúc Lâm). Bà chị Thiên Thụy ốm nặng, Thượng hoàng xuống núi, tới thăm và bảo:

“Nếu chị đã đến ngày đến giờ thì cứ đi, thấy âm phủ có hỏi thì trả lời rằng: Xin đợi một chút, em tôi là Trúc Lâm đại sĩ sẽ tới ngay”.

Nói xong, Thượng hoàng trở về núi, dặn dò người hầu là Pháp Loa các việc về sau, rồi bỗng nhiên ngồi thiền mà hóa. Thiên Thụy cũng mất ngày hôm đó”7.

Nhưng tu sĩ Phật giáo Việt Nam đâu chỉ ở nhà Lý, nhà Trần mới thế. Trước đó, sau khi dẹp yên các sứ quân, tự lập làm đế năm 968, mở đầu kỷ nguyên độc lập cho nước nhà, năm Tân Mùi (971), Đinh Tiên Hoàng “Bắt đầu quy định cấp bậc văn võ, tang đạo. Lấy Nguyễn Bặc làm Định quốc công, Lưu Cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, Tăng thống Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt đại sư, Trương Ma Ni làm Tăng lục, Đạo sĩ Đặng Huyền Quang được trao chức Sùng chân uy nghi”8.

Khi quân Tống xâm lược, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn ra trận chống giặc, rồi thay nhà Đinh làm vua từ năm 980.

Về thân thế và hành trạng của Thiền sư Khuông Việt, Đại Việt sử ký toàn thư có nói đến, nhưng không kỹ hơn Thiền uyển tập anh. Trong Thiền uyển tập anh cho biết thêm khi Lê Đại Hành lên ngôi, thì “càng kính trọng Sư hơn, phàm việc quân, việc nước ở triều đình, Sư đều dự vào. (…)

Năm Thiên Phúc thứ 1 (980), binh Tống đến quấy nước ta, Vua biết rõ việc đó, liền sai Sư đến bàn thờ cầu đảo. Quân giặc kinh hãi, rút về giữ sông Hữu Ninh, lại thấy sóng gió nổi lên, giao long nhảy nhót, giặc bèn tan vỡ”9.

Trước đó nữa, Thiền sư Định Không (730-808). “Khi sắp tịch, Sư gọi đệ tử Thông Thiên dạy rằng: “Ta muốn mở rộng làng xóm, nhưng e nửa chừng gặp tai họa, chắc có kẻ lạ đến phá hoại đất nước ta. Sau khi ta mất, con khéo giữ pháp này, gặp người họ Đinh thì truyền, nguyện ta mãn vậy”.

Nói xong, Sư cáo biệt mà tịch, thọ 79 tuổi”10.

Tinh thần này được tiếp tục truyền thừa.

Trưởng lão La Quý (852-936), “chùa Song Lâm, làng Phù Ninh, Phủ Thiên Đức. Người An Chân, họ Đinh. Thuở nhỏ vân du các phương, khắp hỏi các bậc thiền. Trải qua nhiều năm không gặp duyên đạo, bèn sắp thối chí. Sau tại pháp hội của Thông Thiện ở chùa Thiền Chúng nghe nói một lời, lòng liền khai ngộ, bèn chịu phục thờ làm thầy.

Khi Thiện sắp tịch, gọi Sư đến dạy: “Xưa thầy ta là Định Công, căn dặn ta rằng: con khéo giữ pháp của ta, gặp người họ Đinh thì truyền. Con đúng là người đó. Ta nay đi vậy”.

Khi đã đắc pháp, Sư tùy phương diễn hóa, chọn đất dựng chùa. Mỗi khi nói ra lời nào tất là phù sấm. Sư có lần ở chùa Lục Tổ, đúc tượng Lục Tổ bằng vàng, sau sợ trộm cướp nên đem chôn ở cửa chùa và dặn: “Gặp vua sáng lấy ra, đụng chúa tối thì giấu”.

Khi sắp tịch, Sư dạy đệ tử là Thiền Ông rằng: “Xưa kia, Cao Biền xây thành bên sông Tô Lịch, biết đất Cổ Pháp ta có khí tượng đế vương, nên đã đào đứt con sông Điềm và những ao Phù Chẩn v.v… đến 19 chỗ để trấn yểm nó. Nay ta khuyên Khúc Lãm lấp lại như xưa. Lại nữa ở chùa Châu Minh ta có trồng một cây bông gạo để trấn chỗ đứt, biết đời sau ắt có kẻ hưng vương ra đời để phò dựng Chánh pháp của ta. Sau khi ta tịch, con khéo đắp một ngọn tháp bằng đất, dùng phép yểm giấu trong đó, chớ cho người thấy”.

Nói xong Sư tịch, thọ 85 tuổi”11.

Nhân vật Khúc Lãm không thấy sách sử nhắc đến, nhưng qua nghiên cứu của Lê Mạnh Thát thì “Lãm chắc chắn là một trong những người lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc trong thời kỳ manh nha của nó với các vị khác như Khúc Hạo, Khúc Thừa Dụ, Khúc Thừa Mỹ v.v…”12.

Theo Lê Mạnh Thát, truyện những thiền sư được ghi chép trong Thiền uyển tập anh với “những mẩu tin rất ly kỳ, nhưng cũng rất thực tế trong công tác tuyên truyền vận động độc lập của những người yêu nước sống rải rác trong các mạng lưới của làng mạc Việt Nam dưới những hình thức sấm vĩ, tín ngưỡng chùa chiền. Chúng vạch cho thấy họ đã vận động cho cuộc chiến đấu ấy như thế nào, đã lãnh đạo cuộc vận động đó với lý thuyết gì. Các truyện Khuông Việt, Pháp Thuận và Vạn Hạnh đã diễn tả một cách khá rõ rệt tính chất dân tộc của những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm do dân tộc ta thực hiện trong những ngày đầu của thuở mới lập quốc qua sự tham dự tích cực và trực tiếp của hầu hết mọi tầng lớp người”13.

Như vậy, những việc làm của Ni trưởng Huỳnh Liên trên bước đường hành đạo là nối tiếp truyền thống yêu nước thương nòi của Phật giáo Việt Nam, chứ không phải cá biệt.

Đem đạo vào đời

“Trong lịch sử truyền thừa của Hệ phái Phật giáo Khất Sĩ Việt Nam, đặc biệt là đối với Ni giới Hệ phái Khất Sĩ, ngày mồng 01 tháng 4 năm Đinh Hợi (1947) mãi mãi ghi dấu một nét son chói lọi không thể nào phai. Thật vậy, vào ngày này 65 năm trước (1947-2014) tại Chùa Linh Bửu, một buổi lễ truyền giới xuất gia, tuy đơn sơ nhưng không kém phần trang trọng, đã được cử hành dưới sự chứng minh của Tổ Sư Minh Đăng Quang. Trong buổi lễ truyền giới này, bốn nữ Khất Sĩ đầu tiên của Hệ phái đã xuất hiện, ba trong bốn người mới vào độ tuổi ngoài hai mươi. Bốn vị nữ Khất Sĩ được Tổ ban pháp danh biểu hiện màu hoa sen thanh quý: Huỳnh Liên, Bạch Liên, Thanh Liên và Bửu Liên.

Từ bốn đóa hoa sen đầu mùa này, một mùa sen với muôn ngàn sắc hương tỏa ngát, sẽ nở rộ trong tương lai. Một trong bốn vị trên - Ni Trưởng Huỳnh Liên - là trưởng tử nữ, cũng là người được Tổ ủy thác sứ mệnh lãnh đạo Giáo hội Liên Hoa - tiền thân của Ni giới Hệ phái Khất Sĩ bây giờ - Và cũng từ cái ngày trọng đại ấy, tên tuổi của Ni Trưởng Huỳnh Liên đã gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Ni giới Hệ phái Khất Sĩ, song hành với Giáo hội Tăng Già Khất Sĩ - tiền thân của Hệ phái Tăng Già Khất Sĩ ngày nay - một Hệ phái Phật giáo rất mới so với Giáo hội Phật giáo đương thời”14.

Ni trưởng Huỳnh Liên, thế danh Nguyễn Thị Trừ, sinh ngày 19 tháng 3 năm Quý Hợi (1923), tại làng Phú Mỹ, TP Mỹ Tho, tỉnh Định Tường (nay là xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang). Ngài là trưởng nữ trong một gia đình gồm 5 chị em gái. Thân sinh của ngài là cụ ông Nguyễn Văn Vận và cụ bà Lê Thị Thảo. 7 tuổi, ngài được cha mẹ cho đi học trường làng, đậu bằng Primaire (tiểu học bấy giờ), rồi vào trường trung học. “Khi đã đậu bằng trung học, cụ ông (thân phụ Ni Trưởng) bảo con gái không nên học lên cao nữa, Ni Trưởng đành phải ở nhà, học chữ Nho với bà ngoại Sáu (em gái bà ngoại ruột) và học Pháp văn, thi phú với cậu Mười Đàm (Lê Quý Đàm, em trai của mẹ)”15.

Chuyện này nếu có thật cũng là việc rèn luyện thêm, chứ chữ Nho của bà ngoại Sáu và Pháp văn của cậu Mười Đàm chưa chắc giỏi hơn cô gái Nguyễn Thị Trừ (sau này là Ni trưởng Huỳnh Liên), bởi nhà trường Pháp Việt ngày đó dạy khá bài bản.

“Ngày 17/8/1874, Chuẩn Đô đốc Krantz, Thống đốc Nam Kỳ ký Nghị định Tổ chức lại ngành học, được áp dụng đến tháng 3/1879, quy định hệ thống giáo dục với hai bậc tiểu học và trung học. Tiểu học sẽ tập đọc và viết chữ quốc ngữ, chữ Nho, học tiếng Pháp; mẹo hay pháp ngữ sơ đẳng; toán sơ đẳng; hình học sơ đẳng; khái niệm đo đạc; tổng quan về lịch sử và địa lý.

Đến bậc trung học, học sinh sẽ học kỹ hơn về tiếng Pháp, văn học Pháp; làm luận bằng tiếng Pháp, quốc ngữ và chữ Nho và nhiều nội dung nâng cao hơn về toán, vũ trụ, vật lý, hội họa…

Song Pháp nhận ra chương trình giáo dục của họ quá Tây, khi áp dụng với dân tộc có nền văn hiến lâu đời lại trở nên phản tác dụng. Người Pháp thấy cần thay đổi chính sách giáo dục.

Năm 1879, Nghị định Cải tổ giáo dục Nam Kỳ được ban hành, chia chương trình học chính làm ba cấp. Cấp một học trong ba năm, dạy Pháp văn, quốc ngữ và Hán văn. Cấp hai thời lượng ba năm, mỗi tuần sẽ dành hai giờ cho chữ Nho và quốc ngữ, còn lại dành cho tiếng Pháp”16.

Về sau, chương trình giáo dục ở miền Nam cũng đưa chữ Hán vào sách giáo khoa và có Ban D (Ban Cổ điển), tới những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước mới bỏ ban này. Trong Chương trình bậc Trung học, các sách giáo khoa khi viết về thơ văn cổ đều có kèm chữ Hán, vì theo tác giả Thê Húc, “Bên nguyên văn (diễn âm Hán Việt dưới những chữ Hán để tiện cho học sinh Ban Cổ điển học thêm chữ Hán) có cước chú trước hết nghĩa chữ, rồi sau nghĩa câu, hầu giúp học sinh học thêm tiếng Hán Việt càng hiểu rõ từng chữ từng câu”17.

Do vậy, trình độ Pháp văn và Hán văn của Ni sư Huỳnh Liên đã khá vững trước ngày xuất gia. Và chính nhờ phước duyên này, ngài được Tổ Minh Đăng Quang “ủy thác sứ mệnh lãnh đạo Giáo hội Liên Hoa - tiền thân của Ni giới Hệ phái Khất Sĩ bây giờ”.

Với trình độ học vấn căn bản như thế cùng với chí nguyện “Nối truyền Thích Ca Chánh Pháp”, trên bước đường hành đạo, ngài đã thể hiện được tâm thế đời - đạo viên dung: “Kinh Khất Sĩ đã được Ni Trưởng chuyển ngữ từ Hán Tạng, Pāli Tạng ra thành Việt ngữ, lại còn thi hóa, đọc lên hiểu liền, dễ nhớ, dễ thuộc như Kinh A Di Đà, Phổ Môn, Hồng Danh, Vu Lan, Báo Hiếu, Kinh Di Giáo, Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Bát Nhã Tâm Kinh, Quy Sơn Cảnh Sách (Hán Tạng). Kinh Cầu An, Cầu Phước, Cầu Chúc, Dâng Y Ca Sa, Phóng Sanh, Cầu Nguyện Khi Thiền Định, Kệ Trích Lục, Kinh Vô Ngã Tướng… (Pāli Tạng). Kệ Ni Trưởng sáng tác: Xưng Tụng Tam Bảo, Sám Hối Tam Bảo, Sám Hối Tam Nghiệp, Giới Sát, Thân - Khẩu - Ý, v.v... là theo sự chỉ đạo và hướng dẫn của Tổ Sư Minh Đăng Quang. Viết xong, Ni Trưởng trình lên Tổ, Tổ chứng minh và cho phổ biến; còn dạy hàng đệ tử lấy đây làm thời khóa thọ trì và tu tập”18.

100 mùa xuân đi qua, nhìn lại 64 năm Ni trưởng Huỳnh Liên chìm nổi giữa cõi Ta bà, 40 năm phụng sự nhân sinh (ngài đã xả bỏ phàm thân, quy lai Phật cảnh vào ngày 16-4-1987, nhằm ngày 19-3 năm Đinh Mão), chúng ta dễ nhận ra ngài đã đem đạo vào đời, đã “đáo xứ tùy duyên”, biết vận dụng phương tiện quyền xảo để phù hợp với cuộc sống và con người mỗi nơi, mỗi chốn. Cuộc đời và đạo nghiệp của Ni trưởng Huỳnh Liên không chỉ là ánh đuốc sáng cho hàng hậu học của hệ phái Khất sĩ mà còn của Phật giáo Việt Nam noi theo.

 


1. Nhật Huy – Thích Nữ Khiêm Liên, Ni trưởng Huỳnh Liên – Cuộc đời và Đạo nghiệp, NXB Hồng Đức, H, 2016, trang 7.

2. Tâm Minh Lê Đình Thám, Tứ ân, thuvienhoasen.org, ngày 6-12-2010.

3. https://vi.wikipedia.org/wiki/Trần_Nhân_Tông

4. Hoàng Văn Lâu (dịch và chú thích), Đại Việt sử ký toàn thư, T. II, NXB Khoa học xã hội, H, 2003, trang 80.

5. Đại Việt sử ký toàn thư, T. II, sđd, trang 81.

6. Đại Việt sử ký toàn thư, T. II, sđd, trang 80.

7. Đại Việt sử ký toàn thư, T. II, sđd, trang 98-99.

8. Đại Việt sử ký toàn thư, T. I, sđd, trang 215.

9. Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, NXB Hồng Đức, H, 2021, trang 191-192.

10. Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, sđd, trang 247.

11. Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, sđd, trang 247-248.

12. Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, sđd, trang 26.

13. Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, sđd, trang 25-26.

14. Ni trưởng Huỳnh Liên – Cuộc đời và Đạo nghiệp, Sđd, trang 25-26.

15. Ni trưởng Huỳnh Liên – Cuộc đời và Đạo nghiệp, sđd, trang 31.

16. Mạnh Tùng, Giáo dục Việt Nam thời Pháp thuộc, VnExpress, ngày 25-8-2017.

17. Thê Húc (Hiệu đính và bình chú), Bài hát Tỳ Bà (Chương trình bậc Trung học), NXB Nam Việt, S, 1952, trang 10.

18. Ni trưởng Huỳnh Liên – Cuộc đời và Đạo nghiệp, sđd, trang 68-69.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 30
    • Số lượt truy cập : 6793206