TỪ NICK, NGHĨ VỀ NHỮNG GIÁ TRỊ TỐT ĐẸP
TỪ NICK, NGHĨ VỀ NHỮNG GIÁ TRỊ TỐT ĐẸP
NGUYÊN CẨN
Chúng ta nghĩ gì qua sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam cuối tháng 5 vừa qua? Nick, một chàng trai tật nguyền nổi tiếng thế giới về ý chí , nghị lực, đã vượt lên hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của thể chất, quyết tâm thực hiện ước mơ của mình và sau cùng anh đã thành công rực rỡ. “Người hùng” Nick Vujicic đã rời Việt Nam sau hành trình từ Bắc vào Nam, để lại rất nhiều cảm xúc và cả… tranh luận ồn ào quanh số tiền hàng chục tỷ chi phí cho việc mời anh hay nghi thức đón tiếp VIP.Sau khi tất cả những ồn ào, điều gì sẽ thực sự lắng đọng lại trong mỗi chúng ta? Điều gì làm nên sức hút với 25.000 khán giả xem diễn thuyết của Nick tại sân vận động Mỹ Đình, 30.000 khán giả tại TP. Hồ Chí Minh, và hàng triệu người theo dõi qua màn ảnh nhỏ?
Khi một người khuyết tật làm được những gì anh ta muốn như một người bình thường thực sự là điều kỳ diệu, xứng đáng được tôn trọng và trân trọng? Sẽ rất bình thường nếu như Nick tới Việt Nam hay bất cứ nơi nào trên thế giới, đem câu chuyện vượt lên số phận của mình để an ủi và đem lại hi vọng cho những con người có hoàn cảnh như anh.
Nhưng có gì đó “lạ lùng” hay bất thường ở Việt Nam khi bao nhiêu người trẻ trung, khỏe mạnh, lành lặn, thậm chí những doanh nhân từng trải cũng chen lấn quanh anh để lắng nghe những lời khuyên bảo về cách sống và giá trị sống. Có nghịch lý chăng người khuyết tật cần được an ủi, chở che lại đang dặn dò, “tư vấn”, an ủi và dang “đôi cánh tâm hồn” chở che cho những kẻ lành lặn, may mắn hơn mình về nhiều mặt (!) Dường như giới trẻ chúng ta đang thiếu tự tin hay một loại “dưỡng chất” tâm hồn bổ sung nghị lực và ý chí ? Vì sao những người mạnh mẽ bề ngoài ấy, cả những doanh nhân, lại thiếu sự cương nghị vững vàng trong cuộc sống, phải lắng nghe, nuốt từng lời vàng ngọc của một người thua thiệt mọi điều, chỉ có ý chí vươn lên?
Người ta thường cho rằng một tâm hồn minh mẫn trong một cơ thể tráng kiện. Tuy nhiên, nhà Phật vẫn quan niệm rằng cho dù có được một thân thể khỏe mạnh, nhưng tâm vẫn có thể không khỏe mạnh khi nó chất chứa đầy nhiễm ô, phiền não, tham lam, sân hận, si mê, cao ngạo, nghi ngờ, âu lo... Khi một người chất chứa trong tâm những thứ này, theo cách nhìn của Phật giáo, người đó được xem là không có một tâm thần mạnh khỏe, hay nói cách khác là người đó đang bị tâm bệnh. Và ngược lại, khi một người không có những phiền não trong tâm, không bị những khổ đau giày xé trong lòng thì người này được coi là có sức khỏe tâm thần.
Niềm tin nào cho tuổi trẻ hôm nay?
Tuổi trẻ chen nhau tìm thần tượng, cho dù thần tượng… tật nguyền chỉ vì họ muốn được sưởi ấm những ý nghĩ tiêu cực, bi quan đang trì trệ tâm hồn. Ít ra điều này cũng tốt hơn là tôn vinh những thần tượng âm nhạc biến thái, những gã lòe loẹt bên ngoài, rỗng tuếch bên trong.(!) Hay những cuộc vui phù phiếm bên bia rượu từ miền quê cho tới thành phố, tụ tập, say sưa để… giải sầu để Việt Nam trở thành quốc gia có mức độ tiêu thụ bia đứng đầu Đông Nam Á! Những ai có cơ hội tiếp xúc nhiều với nhịp sống của giới trẻ hôm nay sẽ dễ nhận ra một điều không ít thanh thiếu niên không thể tìm ra cho mình một mục tiêu sống rõ ràng, không biết mình cần phải làm gì, và muốn đạt tới điều gì. Lướt qua facebook, chúng ta cũng có thể thấy được muôn hình vạn trạng những lời chán nản của những bạn trẻ tuổi đôi mươi. Họ có buồn thật không? Chẳng ai biết! Vì họ cũng không hiểu chính họ nữa là! Cũng đã qua thời kỳ khi lớp lớp thanh niên sục sôi những lý tưởng của tuổi trẻ. Dường như thanh niên ngày nay ít quan tâm tới những điều lớn lao hơn, nghĩ tới bản thân mình nhiều hơn và cũng sống thực dụng hơn. Không thể đổ tất cả lỗi lầm cho các em bởi tìm ra con đường cho mình, cho cả thế hệ mình không phải bao giờ cũng dễ, nhất là trong bối cảnh xã hội đang có nhiều biến động cả trong ngoài.
Có người thầy cho rằng: “Sự lên ngôi của một xã hội kim tiền buộc người trẻ phải chạy theo nó và bỏ quên những ước mơ tốt đẹp trong dòng chảy hối hả của cuộc sống.Và đáng buồn hơn, xã hội đầy rẫy những lọc lừa, dối trá đã khiến các em mất niềm tin vào cuộc sống, mất niềm tin vào tình cảm tốt đẹp giữa người với người. Là một người thầy, thấu hiểu rằng dạy kiến thức cho các em dễ hơn rất nhiều việc dạy các em có niềm tin vào sự tốt đẹp trong cuộc sống.
Đã nhiều lần tôi chạnh lòng khi thấy tất cả những sinh viên từng gửi thư hỏi về cơ hội trở thành giảng viên đều hỏi một câu giống nhau, việc tuyển dụng có phải rất tiêu cực không? Với những người có học thức cao, nuôi mơ ước trở thành người gieo mầm cho tương lai mà sự hoài nghi còn thường trực như vậy thì thử hỏi trong đông đảo thanh niên, niềm tin vào sự công bằng, trong sạch của cuộc sống còn ít ỏi đến mức nào?”
Kết quả điều tra ở một số trường THPT tại Hà Nội cho thấy một kết quả đáng quan ngại: Trong 546 học sinh được phỏng vấn, có đến 96% lo lắng, băn khoăn ở những mức độ khác nhau:
27,75% các em tuổi teen gặp khó khăn trong quan hệ với người khác (gia đình, bè bạn, thầy cô…).
20% bối rối về các vấn đề của bản thân (đạo đức, ước mơ, lý tưởng, tương lai…) và 85% cho rằng chịu sức ép quá lớn từ gia đình, vì các em cho rằng bố mẹ đặt kỳ vọng quá lớn vào các em và luôn muốn các em trở thành xuất sắc mà không quan tâm đến sức khỏe cũng như điều kiện tâm lý và khả năng trí tuệ từng em.
54.7% cho rằng cha mẹ không hiểu gì về con cái và cá biệt có đến 17,6% hoàn toàn mất niềm tin vào cha mẹ (!).
Thật ra, trong thế kỷ trước, lớp thanh niên ngày ấy cũng có những cảm xúc cô đơn:
“Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh,
Bể vô tận sá gì phương hướng nữa
Thuyền ơi thuyền, theo gió hãy lênh đênh,”
Những lời thơ thời đất nước còn chìm trong vòng nô lệ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương không biết có còn tạo ra ít nhiều cảm xúc trong chúng ta? Có thể phần nào thông cảm cho một lớp thanh niên mới lớn lên vào đời, bơ vơ tìm lý tưởng sống. Thực trạng đang diễn ra hôm nay đang cần phải cảnh báo về một lối sống hết sức thực dụng, một nhân sinh quan vị kỷ và nếp sống suy thoái đạo đức, không chỉ nơi giới trẻ. Một vài con số thống kê lạnh lùng như tuổi quan hệ tình dục hiện nay là 14.2 và 23% học sinh biết yêu, hơn một triệu ca nạo phá thai trong cả nước hàng năm, mà trẻ vị thành niên chiếm 20% … Thực tế có thể con số ấy còn cao hơn... Gần đây các tin tức trên báo chí ầm ĩ với việc đã có hơn 20 “động lắc” bị phát hiện (8 ở Hà Nội và 14 ở thành phố HCM), tạm giữ hàng ngàn thanh thiếu niên thuộc đủ mọi giới, sinh viên học sinh, nhân viên, con các đại gia, các quan chức. Phóng sự trên báo Tuổi Trẻ còn mô tả cảnh sống bầy đàn của họ như những người nguyên thủy sau khi “cắn” thuốc. Có bao nhiêu “gã cùng tử” đã và đang lao mình trong bóng tối của tội lỗi?
Thế thì câu hỏi đặt ra là: Lý tưởng thanh niên hôm nay là gì? Tại sao họ lại sống “hiện sinh” hơn cả những người hiện sinh? Hay đúng hơn, sống theo kiểu mà người xưa gọi là “túy sinh mộng tư”, sống không hay mà chết cũng chẳng biết. Khi mà người tuổi trẻ đánh giá nhìn nhận lý tưởng của mình qua sự thành công trong cuộc sống: Việc làm, lương bổng, quyền lực, xe cộ, áo quần mà bỏ quên đi sự trau dồi đạo đức, thanh lọc tâm linh, khi mà “Trai thời trung hiếu làm đầu; Gái thời tiết hạnh là câu trau mình” (Nguyễn Đình Chiểu) bị xem là cổ hủ, lạc hậu thì có nghĩa gì cho việc bàn về những giá trị đạo lý truyền thống?
Sẽ là một câu chuyện không hồi kết nếu chúng ta bàn về lý tưởng thanh niên và niềm tin đánh mất như thế nào trong cuộc sống của các em hôm nay. Nhưng chúng ta đã rõ: Vì sao họ cần Nick như cần một chút lửa trong buổi chiều lạnh lẽo cô đơn. Anh đến đúng nơi và đúng lúc, gạt sang một bên những tranh cãi về tổ chức, thì Nick đã đánh trúng vào sự thiếu thốn của công chúng Việt Nam, nhất là giới trẻ, sự trống vắng lý tưởng sống và niềm tin vào chính mình, vào xã hội, vào bản chất Thiện của con người. Sự xuất hiện của anh đã có tác dụng khơi dậy được phần nào những tư duy tích cực, vốn thường ngày chìm lấp trong những hoang mang hay hoài nghi trước cuộc đời. Cần phải mở ngoặc ở đây để buồn cùng những tấm gương Việt Nam không thua gì Nick như Nguyễn Ngọc Ký như… vì người Việt Nam, nhất là người trẻ đã không còn tin vào rất nhiều điều, vào chính đồng bào mình. Chính bởi thế, cần phải có một người từ phương xa như Nick dẫu bị rào cản về khoảng cách và ngôn ngữ, nhưng thực chất lại không gặp rào cản niềm tin.
Thắp lại niềm tin từ đâu?
Điều đó chứng tỏ tuổi trẻ hôm nay vẫn muốn tin, muốn yêu những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Những giá trị thể hiện qua những hình mẫu sống động, không tô vẽ như sách vở, không xa vời như những “siêu nhân thần thánh hóa”…Những con người mang thông điệp tràn đầy tính nhân văn, khắc họa cái đẹp của cái riêng, cái cá nhân hòa trong nét đẹp toàn xã hội. Chúng ta thấy giới trẻ cũng rất thích đọc những loại sách “Học làm Người” hay “Chicken Soup for the Soul” vì sách vở đạo đức trong nhà trường không đủ khả năng lay động tâm hồn do quá khô cứng.
Có những nhà giáo dục đã kêu gọi để có một thế hệ trẻ sống sâu sắc hơn và sống đẹp hơn, những gì chúng ta làm hôm nay phải là gây dựng lòng tin ở các em, không thể để nó băng hoại. Họ cho rằng sự tự do và niềm tin vào những giá trị tốt đẹp của cuộc sống- hai yếu tố quan trọng nhất giúp con người hướng thiện sâu sắc...
Thế nên, có thể đã muộn chăng khi chúng ta phải nhìn nhận lại việc xây dựng CON NGƯỜI đang gặp phải những bất cập, không đáp ứng yêu cầu của một cuộc sống mới đúng với bản vị NGƯỜI.
Con người mới ấy phải hội đủ tư chất sống tự chủ, tỉnh thức và có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Một con người có khả năng gột rửa những bệnh thái tâm lý, những yếu kém về thể chất, luôn tinh tấn trau dồi tri thức và nhận thức, mang một nhân sinh quan vững vàng, một thế giới quan lành mạnh.
Nói tóm lại, anh ta phải có khả năng vượt lên chính mình, làm một thắng nhân (self-made man) đúng nghĩa hay theo tinh thần drala (vượt qua kẻ thù - ở đây là vô minh và ái dục) của các chiến binh Tây Tạng.
Trong Phật giáo có ba điều căn bản khiến cho con người thấy bất an và đau khổ, có thể được xem như là căn gốc của tâm bệnh, đó là tham, sân, và si. Ba điều này là những trạng thái tâm bất thiện (akusala-citta), và những trạng thái tâm bất thiện được coi là những trạng thái tâm bệnh. Rõ ràng rằng trạng thái tâm bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe vật lý, và rộng hơn còn ảnh hưởng đến đời sống của người khác và xã hội mỗi khi nó được thể hiện qua hành động. Do đó, việc rèn luyện hay tu tập tâm để phát triển một tâm thức khỏe mạnh là điều kiện tiên quyết trong việc xây dựng một nhân sinh quan vững vàng, một lý tưởng sống mạnh mẽ. Nick đem đến cho chúng ta một hình tượng mạnh mẽ vươn lên từ bất hạnh, không lung linh xa vời như những Bill Gates hay Warren Buffet, không có tài năng thiên phú, sắc đẹp siêu phàm như bao cầu thủ, tài tử trên thế giới… Anh thật gần, giúp ta thổi lên một ngọn lửa nhưng giữ được ngọn lửa đó và thổi bùng nó lên được hay không lại là do chính từng người trong chúng ta nếu biết xây dựng và gìn giữ ngọn lửa ấy. Đó chính là những thắng nhân của thời đại mới. Được như thế, chúng ta có một thế hệ tuổi trẻ mạnh mẽ, đủ sức đương đầu bao sóng gió thời đại, tiếp nối vinh quang lịch sử.
Tin tức khác
- TỪ QUANG XUÂN BÍNH THÂN (TẬP 15) – THÁNG 1 NĂM 2016 (PL. 2559)
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
- TỪ QUANG Tập 12 - Tháng 04 năm 2015 (P.L.2559)
Bình luận bài viết