TỪ PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO ĐẦU THẾ KỶ XX
ĐẾN PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CỦA PHẬT GIÁO NĂM 1963
Hòa thượng THÍCH ĐỨC NGHIỆP
Phó Pháp chủ Thường trực Hội đồng Chứng minh
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính thưa Quý vị Khách quý và Quý vị Đại biểu.
Xin phép được trình bày nội dung bài tham luận của chúng tôi như sau:
Thứ nhất, nói về Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam vào đầu thế kỷ XX do hai ảnh hưởng sau đây:
Một là, ảnh hưởng trong nước: Kể từ đầu thế kỷ XV, đầu thời Lê sơ, Nho giáo chiếm độc tôn do triều đình nhà Lê yểm trợ và sử dụng; đến đầu thế kỷ XX, thời Pháp thuộc thì Thiên Chúa giáo tức Công giáo cũng chiếm địa vị độc tôn trong xã hội Việt Nam. Do vậy, Phật giáo Việt Nam đã bị suy yếu suốt chiều dài lịch sử 500 năm.
Hai là, ảnh hưởng Phật giáo nước ngoài. Thí dụ:
- Tại Ấn Độ, một là, có ông The AnagariKa-Dharmapala, người Phật tử Tích Lan, từ năm 1891 đến 1933, ông ta đầu tiên đã phục hưng Phật giáo Ấn Độ bằng ba việc làm cụ thể như:
1- Tái thiết bốn Phật tích: Lumbini Park nơi đức Phật đản sinh; Buddha Gaya nơi đức Phật thành đạo; Sarnath nơi đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên; và Kusinara nơi đức Phật nhập Niết-bàn. Đồng thời ông ta cũng tu sửa lại bốn con đường dẫn vào bốn Phật tích;
2- Thành lập Hội Đại Bồ Đề (The Maha Bodhi Society) tại các đô thị lớn của Ấn Độ;
3- Xuất bản báo nguyệt san Đại Bồ Đề (Maha Bodhi Jourual) phổ biến Phật sự tại Ấn Độ.
Sau đó, Bác sĩ Ambedkar (1891-1956), Phật tử người Ấn Độ, cũng đã thành lập Hội Phật giáo Ấn Độ (The Indian Buddhist Society), khuyến khích hàng chục triệu người Ấn (Paria) quy y theo Phật giáo và biên tập tác phẩm đức Phật và Giáo pháp của Ngài (The Buddha and His Dhamma) để truyền bá khắp Ấn Độ.
- Tại Trung Quốc, đồng thời với thời đại của Trung Hoa Dân Quốc dưới sự lãnh đạo của ngài Tôn Dật Tiên (1912-1925); năm 1913, Thái Hư đại sư đưa ra chủ trương cải cách Phật giáo (như Giáo lý, Giáo chế, Giáo sản) song song với việc thành lập Trung Quốc Phật giáo Hội, xuất bản kinh sách, Hải Triều Âm nguyệt san và tổ chức Phật học viện tại Nam Kinh, Vũ Xương và Thượng Hải.
- Tại Nhật Bản, tiếp theo triều đại Duy Tân của Minh Trị Thiên Hoàng (1868-1912), Phật giáo Nhật Bản cũng đổi mới bằng cách:
Về nhân sự: Chỉ có hai thành phần – thành phần Thanh Tăng không lập gia đình và thành phần Tân Tăng có lập gia đình. Bởi vậy, Thanh Tăng chỉ có mười phần trăm (10%); còn Tân Tăng thì chiếm tới chín mươi phần trăm (90%).
Về tổ chức cũng chỉ có hai môn phái – Thiền tông và Tịnh Độ Chơn tông. Đó là hai tông phái lớn nhất của Phật giáo Nhật Bản hiện nay.
Đến đây, chúng ta thấy rằng, các phong trào chấn hưng Phật giáo của ba nước nói trên đã tác động mạnh tới các vị cao tăng và cư sĩ Việt Nam, cũng như nhờ vào ảnh hưởng đấu tranh đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập cho nước nhà của các phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Việt quốc và Cộng sản tại Việt Nam từ đầu thế kỷ XX tới 1930, đã xúc tác cho phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam ra đời.
+ Ở miền Nam, có hai tổ chức và một tạp chí Từ Bi Âm:
- Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học do Hòa thượng Khánh Hòa thành lập năm 1930;
- Hội Tăng già Nam Việt được thành lập năm 1951.
+ Ở miền Trung, có hai tổ chức và một tạp chí Viên Âm:
- An Nam Phật học Hội do Hòa thượng Giác Tiên và cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám sáng lập năm 1932;
- Hội Tăng già Trung Việt thành lập năm 1949.
+ Ở miền Bắc, có hai tổ chức và một tạp chí Đuốc Tuệ:
- Hội Phật giáo Bắc Kỳ do cư sĩ Nguyễn Năng Quốc thành lập năm 1934 dưới sự chỉ đạo của Hòa thượng Thích Thanh Hanh làm Pháp chủ và Thượng tọa Trí Hải làm cố vấn;
- Hội Chỉnh lý Tăng Ni Bắc Việt sau đổi thành Hội Tăng già Bắc Việt do Thượng tọa Tố Liên thành lập năm 1949;
Đến năm 1950, Thượng tọa Tố Liên đại diện Phật giáo Việt Nam đi dự Đại hội Phật giáo Thế giới Liên hữu (The World Fellowship of Buddhists) tổ chức tại Colombo, thủ đô Tích Lan. Khi hồi hương, Thượng tọa Tố Liên mang về chùa Quán Sứ Hà Nội một bản Hiến chương Hội Phật giáo Thế giới Liên hữu, một lá cờ Phật giáo Thế giới năm màu và một tấm y vàng (cà-sa màu vàng). Và kể từ đây, Phật giáo Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Hội Phật giáo Thế giới.
Kế đó, Thượng tọa Tố Liên cùng chư tôn đức Tăng Ni và các cư sĩ Phật tử trên toàn quốc, Bắc Trung Nam, vận động thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam tại chùa Từ Đàm Huế năm 1951; và Giáo hội Tăng già toàn quốc tại chùa Quán Sứ Hà Nội năm 1952.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 của quân dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, quân đội Pháp phải rút khỏi Việt Nam. Hiệp định Genève quy định phân chia Việt Nam thành hai miền Nam - Bắc, lấy vĩ tuyến 17 với cầu Hiền Lương làm ranh giới. Chính phủ miền Bắc dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch; chính quyền miền Nam do ông Ngô Đình Diệm thành lập và quân đội Mỹ tiếp tục vào miền Nam. Vì chính sách độc tài, gia đình trị và kỳ thị tôn giáo của Ngô Đình Diệm kéo dài từ năm 1955 đến 1963, nên đã có Phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam, lấy danh nghĩa là Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, gồm có mười một giáo phái Phật giáo, dưới quyền lãnh đạo tối cao của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết.
Thứ hai, nói về Lý do và Ý nghĩa về phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam năm 1963:
Lý do chủ yếu về Phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam là do chính quyền Ngô Đình Diệm đã thực hiện chính sách bất công xã hội và kỳ thị Phật giáo từ 1957 đến 1963, tại các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và trên khắp miền Nam. Cụ thể như sau:
- Xóa bỏ ngày Đại lễ Phật đản trong những ngày nghỉ lễ hàng năm;
- Bắt bớ và giam giữ những người Phật tử không chịu bỏ Phật giáo để rửa tội theo Công giáo;
- Dùng Đạo dụ số 10 để hạn chế và chèn ép Phật giáo về mặt sinh hoạt tín ngưỡng, phát triển và truyền bá Chính pháp;
- Cấm treo cờ Phật giáo Thế giới khắp miền Nam;
- Đàn áp, gây tử thương 8 Phật tử, xe thiết giáp cán vỡ đầu 3 Phật tử và một số Phật tử bị thương trong ngày Đại lễ Phật đản tại Huế năm 1963.
Do vậy, Tổng hội Phật giáo Việt Nam gồm 6 tập đoàn kết hợp với 5 giáo phái thành lập Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo gồm 11 tập đoàn ra thông cáo và phát động phong trào đấu tranh tại chùa Xá Lợi Sài Gòn, ngày 25-5-1963, bằng phương pháp bất bạo động như biểu tình, tuyệt thực và tự thiêu, nhằm mục đích đòi hỏi chính quyền Ngô Đình Diệm phải thực thi “bình đẳng tôn giáo, công bằng xã hội”, kéo dài từ cuối tháng 5 tới đầu tháng 11 năm 1963. Cuối cùng, Phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam đã thành công bằng cuộc đảo chính ngày 1-11-1963 tại Saigon do Hội đồng Quân nhân cách mạng thực hiện. Ba anh em ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn đều bị xử tử, ngoại trừ Tổng Giám mục Ngô Đình Thục và bà Nhu (Trần Lệ Xuân) còn sống vì đi nước ngoài trước cuộc đảo chính. Tuy nhiên, Phật giáo miền Nam đã phải trả giá bằng 7 vị Tăng Ni tự thiêu, mở đầu đỉnh cao là Hòa thượng Thích Quảng Đức ngày 11-6-1963 đã làm rung động cả thế giới, cộng với hàng nghìn Tăng Ni và Phật tử cũng đã bị cầm tù và tử thương do chính quyền Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp! Nói chung, Phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam năm 1963 có chính nghĩa và hợp lòng dân, nên đã được toàn dân, từ Trung Nam - Bắc Việt Nam, đến Phật giáo thế giới tại Rangoon Miến Điện và Liên Hiệp Quốc tại New York đều nhiệt tình ủng hộ.
Tiếp đó, ngày 31-12-1963 tại chùa Xá Lợi Sài Gòn, Tổng hội Phật giáo Việt Nam và 5 giáo phái Phật giáo miền Nam cùng tổ chức Đại hội Phật giáo miền Nam nhằm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất gồm cả Nam tông và Bắc tông, có Viện Tăng thống và Viện Hóa đạo với một bản Hiến chương mới, dưới quyền lãnh đạo tối cao của Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết, trụ sở đặt tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn. Đến cuối năm 1966 thì Giáo hội này lại chia làm hai – khối Ấn Quang và khối Việt Nam Quốc Tự. Hiện trạng này kéo dài tới ngày 30-4-1975.
Thứ ba, nói về tiến trình thống nhất và phát triển toàn quốc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong hiện tại:
Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước Việt Nam đã có hòa bình, chủ quyền độc lập và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, Bắc-Trung-Nam thu về một mối. Vĩnh viễn nhân dân Việt Nam không còn bị nô lệ dưới quyền cai trị của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một vận hội mới cho Phật giáo Việt Nam có đủ điều kiện thuận lợi cho việc thống nhất, hòa hợp, đoàn kết tất cả các Tăng Ni, cư sĩ Phật tử, Nam tông, Bắc tông trên toàn quốc, thành một khối duy nhất, dưới một mái nhà chung mà lâu nay Phật giáo từng mong ước.
Bởi vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được chính thức thành lập vào tháng 11 năm 1981 tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội sau hai năm các nhà lãnh đạo Phật giáo Bắc Trung Nam tích cực vận động cho sự nghiệp thống nhất cao đẹp này.
Biết rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một Giáo hội Phật giáo hợp pháp duy nhất, đại diện cho toàn thể các hệ phái Phật giáo, Nam tông, Bắc tông, Tăng Ni, cư sĩ Phật tử trên toàn quốc và đã được Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận về mặt pháp lý và thực tế.
Hơn nữa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động theo một Hiến chương, gồm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự với 10 Ban, Viện, hệ thống tổ chức từ Trung ương đến tỉnh thành, quận huyện và cơ sở, theo định hướng “Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội” nhằm mục đích: Hoằng dương chính cháp, lợi lạc nhân sinh, và đồng hành cùng dân tộc. Đồng thời Giáo hội Phật giáo còn xúc tiến mạnh công tác lợi đạo ích đời theo tiến trình đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế như:
- Trong Đạo: Trải qua 30 năm chiến tranh, thời tiết, thiên tai bão lụt, nhiều ngôi chùa trên toàn quốc đã được tu sửa và xây mới; các kinh sách và báo chí đã được in ấn, phát hành; nhiều cơ sở Phật học đã được thiết lập, từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng đến Học viện; các Tăng Ni sinh cũng được gửi đi du học chương trình hậu đại học tại các nước ngoài như Ấn Độ, Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật, Pháp, Úc, Mỹ… Và sứ mệnh hoằng pháp lợi sinh cũng tổ chức các lớp Giảng sư và tập huấn trong các tự viện trên toàn quốc nhằm phổ biến Phật pháp đến các tín đồ, Phật tử, đồng thời Giáo hội đã thành lập được 58 Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo trên 63 thành phố toàn quốc, nhằm điều hành các Phật sự cần thiết.
- Ngoài xã hội và thế giới:
1- Từ Quốc hội Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc đến Hội đồng Nhân dân các cấp, đều có đại biểu Phật giáo tham dự.
2- Về Y tế, Giáo dục và An sinh xã hội:
Trên toàn quốc, Phật giáo cũng có các Tuệ Tĩnh đường, các phòng y tế, Đông Tây y, để khám và bốc thuốc miễn phí cho các bệnh nhân nghèo; có các lớp học tình thương, các cô nhi viện, và năm qua Phật giáo đã vận động được 300 tỷ đồng, hàng ngàn tấn gạo, hàng ngàn tấn quần áo để phân phát, giúp đỡ đồng bào nghèo.
3- Về hội nhập thế giới:
Từ năm 1982, sau khi Giáo hội thành lập được một năm, đến nay 2013, năm nào phái đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam cũng đi dự Đại hội quốc tế. Đặc biệt, riêng tại Việt Nam có hai Đại hội Phật giáo Thế giới tổ chức tại thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là:
1- Đại hội Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc 2008 tại Hà Nội;
2- Đại hội Nữ giới Phật giáo Thế giới tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2011.
Kính thưa Quý vị!
Đến đây, bài tham luận của chúng tôi xin khép lại, mong rằng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ mãi mãi đổi mới, phát triển, hội nhập và đồng hành cùng dân tộc, hợp với tinh thần Phật giáo là: Khế lý, Khế cơ, Khế thời và Khế xứ.
Xin trân trọng cảm ơn Quý vị đã lắng nghe.
TP. Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 06 năm 2013
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1 – Sourses of Indian Tradition - Theodore de Bary;
2 – A Popular Dictionary of Buddhism - Christmas Humphreys;
3 – Thái Hư Đại sư toàn thư (35 tập) - Tác giả: Thái Hư đại sư, Nhà xuất bản: Tôn Giáo Văn Hóa Xuất Bản Xã;
4 – Hải Triều Âm nguyệt san - Thái Hư đại sư;
5 – The Buddhist Revival In China - Holmes Welch;
6 – Sources of Japanese Tradition - Theodore de Bary;
7 – Việt Nam Phật giáo sử luận (3 tập) - Nguyễn Lang;
8 – Khái lược Phật giáo Việt Nam - Nguyễn Cao Thanh.
Bình luận bài viết