TỪ TÂM VÀ TUỆ GIÁC
HT. THÍCH THIỆN ĐẠO
Từ bi và trí tuệ là hai mặt không thể tách rời của Phật Pháp. Nền tảng của Phật Pháp là từ bi, và diệu dụng của phật pháp là trí tuệ. Không có từ bi không phải là Phật Pháp, không có trí tuệ không phải là Phật Pháp.
Đức từ phụ Thích Ca, vị giáo chủ của đạo Phật, đã để lại một kho tàng giáo pháp thật cao cả mà thực tế. Ngài đã xác định sự có mặt của Ngài trên cuộc đời là vì lòng bi mẫn chúng nhơn thiên. Lòng bi mẫn là tình thương, là lòng từ bi, là bản hoài của chư Phật. Thương chúng sanh bị chìm đắm trong vô minh tà kiến không lối thoát, cho nên đức Từ Phụ đã hướng dẫn phương pháp dứt trừ vô minh tà kiến, đã khai mở con đường giác ngộ để chúng sanh thoát ly sanh tử. Lòng từ của Đức Phật là vô duyên từ, tức là tình thương không phân biệt, không giới hạn, vượt ra ngoài chủng tộc đối tượng, trang trải đến tất cả mọi người, mọi loài, mọi chúng sanh.
Mỗi vị Phật có đầy đủ 10 hiệu, một trong 10 hiệu đó là Minh Hạnh Túc, hay còn gọi là Lưỡng Túc Tôn, tức là một người đầy đủ phước đức và trí tuệ, xứng đáng làm chỗ nương tựa cho chúng sanh. Nếu tình thương của đức Phật là vô biên thì trí tuệ của đức Phật là vô lượng. Trí tuệ đó không bị ngăn ngại, vượt không gian thời gian, là vô thượng trí, là vô phân biệt trí, là nhứt thiết chủng trí, là siêu nhật nguyệt trí. Giáo pháp mà đức Phật đã tuyên thuyết là những phương pháp, là chìa khóa mở cửa chân lý, là con đường đưa đến an lạc giải thoát, là pháp môn phương tiện để đạt được giác ngộ. Học Phật phải có lập trình, tu Phật phải có phương pháp, thì việc tu học mới có kết quả.
Trí tuệ có lòng từ làm nền tảng là trí tuệ vô ngã, là chánh trí giải thoát. Không có lòng từ nuôi dưỡng, trí tuệ dễ rơi vào tà trí, thế trí, tức là sự lanh lợi có mánh khóe có mưu đồ, mọi suy nghĩ và hành động đều quy về bản ngã và ngã sở. Được lòng từ nuôi dưỡng, trí tuệ như là hương hoa thanh khiết, là trái chín quả ngọt, nuôi lớn bồ đề tâm, viên thành bồ đề nguyện, nhiêu ích độ tận chúng sanh.
Phật đạo mà thiếu từ tâm chẳng khác nào các chủ thuyết thế gian, chỉ lý thuyết suông, không đem lại an lạc cho mình và người, cho hiện tại và tương lai. Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy: “Nói ngàn câu kệ mà không đem lại tịnh lạc cho người nghe, thànói một câu mà người nghe được tịnh lạc”.
Ngày nay nhiều người học Phật quá chú trọng về tri thức, cố góp nhặt thật nhiều kiến thức để làm tư lương cho việc tu tập, nhưng lại xem nhẹ không quan tâm đến hạnh nguyện và lòng bi mẫn độ sanh, cho nên công việc hoằng pháp không thuyết phục được người nghe, không làm sáng tỏ tính nhân văn ưu việt của chánh pháp. Hệ quả là rất nhiều người theo Phật, nhưng không biết Phật là ai, không hiểu pháp là gì, không tiếp cận được tính thực dụng của giáo pháp, cảm thấy lý thuyết và thực hành trong Phật Pháp không khế hợp nhau, rồi một lúc nào đó, niềm tin bị lung lay, chí nguyện không kiên cố, dần dần lạc vào tà trí, bị mê hoặc theo tà thuyết, kết quả là lầm lạc đau khổ, một đời người chỉ kết liễu trong ân hận nuối tiếc.
Để sách tấn những người học Phật, trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật đã ân cần chỉ dạy:
“Ai không rơi vào tà kiến
Ai chánh hạnh chánh kiến
Ai xa lìa các nhiễm
Sẽ thoát ly sanh tử
Như mặt trăng ra khỏi mây mù”.
Bình luận bài viết