Thông tin

TỪ TRÚC LÂM YÊN TỬ ĐẾN TRÚC LÂM YÊN THÀNH –

CHẶNG ĐẦU KHẮC ĐẬM DẤU ÂN CỦA SỰ PHÁTTRIỂN

 

NGUYỄN TIẾN LỢI*

 

Cách thành phố Vinh 50 km về phía Bắc, từ quốc lộ 1A ngược theo Tỉnh lộ 538 về phía Tây 7 km, Yên Thành là huyện bán sơn địa, có diện tích 54,6 ngàn ha, 39 xã, thị trấn, gần 28 vạn dân. Giáp các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Đô Lương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, huyện Yên Thành nằm ở vị trí trung tâm vùng đông bắc tỉnh Nghệ An rộng lớn, quy mô dân số gần 2 triệu người, chiếm 2/3 dân số của tỉnh.

Đây là một vùng quê chiêm trũng, thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa nước. Xưa và nay Yên Thành là vựa thóc lớn của tỉnh Nghệ An, nổi tiếng với câu ca huyền thoại:

Yên Thành là mẹ là cha

Đói cơm rách áo thì ra Yên Thành

Những di chỉ khảo cổ học về rìu đá phát hiện tại xã Vĩnh Thành cho thấy Yên Thành là một trong những cái nôi của người Việt cổ, lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với nền văn minh lúa nước. Là mảnh đất “phên dậu quốc gia”, các triều đại cũ đều cử hoàng thân, quốc thích cai quản để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Thế kỷ thứ 7, Quỳ Lăng làm thủ phủ vùng Hoan Diễn; Thế kỷ thứ 6, Lý Nam Đế người khai sinh nước Vạn Xuân độc lập đưa Thái tử Lý Phật Mã về cai quản; Thế kỷ thứ 10, hoàng tử thứ 8 của vua Lê Đại Hành là Lê Long Ngân trong cuộc quốc biến tranh giành ngôi báu đắp thành Dền làm căn cứ chống lại triều đình; Thế kỷ 11, nhà Lý cử Tam tòa Đại vương Mạc cử Quốc công Mạc Ngọc Liễn về trấn giữ vùng đất này; Thế kỷ 19, tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn và phó bảng Lê Doãn Nhã đã chọn lèn Vũ Kỳ làm căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa Cần vương chống Pháp. Cũng chính mảnh đất này đã sản sinh ra nhiều văn quan, võ tướng thao lược, tài ba và nhiều nhà khoa bảng lừng danh đã có những đóng góp đáng kể trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc: “anh hùng miền sơn cước” Nguyễn Vĩnh Lộc, Sát hải đại vương Hoàng Tá Tốn góp công 3 lần đánh thắng giặc Nguyên Mông thời Trần; Thái phó Lai quốc công Phan Công Tích trong cuộc trung hưng nhà Lê; Phan Đăng Lưu người sáng lập Tân Việt cách mạng Đảng và là nhà lãnh đạo ưu tú của Đảng Cộng sản Việt Nam. Về khoa bảng, từ thời Trần đến thời Nguyễn có 4 Trạng nguyên, 3 Thám hoa, 3 Hoàng giáp, 7 tiến sĩ, 4 phó bảng. Một số nhà khoa bảng nổi tiếng: Trạng nguyên Bạch Liêu, Hồ Tòng Thốc, Hồ Tông Đốn, Hồ Tông Thành (thời Trần), Thám hoa Phan Tất Thông, Phan Duy Thực (thời Lê), Phan Thúc Trực (thời Nguyễn)… Con người Yên Thành thật thà, chân chất, mộc mạc, chung thủy, đằm thắm nghĩa tình, cần cù, sáng tạo trong lao động, kiên cường dũng cảm trong chiến đấu, yêu nước, yêu quê hương, hiếu học, cách mạng và nhân văn. Trong thế kỷ 20 nhân dân Yên Thành đã cống hiến hết sức lớn lao về sức người, sức của góp phần đánh thắng 2 đế quốc xâm lược lớn Pháp và Mỹ cùng nhân dân cả nước viết lên trang sử hào hùng, chói lọi của dân tộc. Là huyện anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, máu đào của hơn 3 ngàn liệt sỹ, mồ hôi xương máu của gần 5 ngàn thương binh và hơn 3 vạn người đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia chiến đấu nói lên tất cả tình yêu quê hương, đất nước của người con Yên Thành. Trong tiềm thức của con người Yên Thành, Nho giáo, Lão giáo và Phật giáo hòa quyện với nhau, ăn sâu vào máu thịt. Điều đó giải thích độ đậm đặc của các di tích Lịch sử - văn hóa ở huyện Yên Thành. Với hơn 200 di tích và danh thắng, trong đó có 17 di tích cấp Quốc gia, 17 di tích cấp tỉnh… Tuy nhiên, trong thời kỳ đổi mới với nền kinh tế thị trường mà con người Yên Thành vẫn bị ru ngủ trên vựa lúa của mình và tâm đắc với truyền thống có từ bao đời nay thì không thể giàu được.

Đứng trước thực trạng, cơ sở hạ tầng thấp kém, giao thông không thuận lợi, sản xuất độc canh nông nghiệp, nguy cơ tụt hậu không thể tránh khỏi. Lãnh đạo huyện các thế hệ tuy quyết tâm rất cao, 3 lần di dân phát triển kinh tế vùng đồi, tạo cơ chế đầu tư phát triển công nghiệp, khuyến khích xuất khẩu lao động thu được nhiều kết quả rất đáng phấn khởi, nhưng những giải pháp đó chỉ để cải thiện tình hình chứ chưa phải là giải pháp triệt để cho sự phát triển bền vững. Các huyện lân cận, Nghĩa Đàn đã tách thêm thị xã Thái Hòa, Nghi Lộc đã tách thêm thị xã Cửa Lò, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Đô Lương đang có xu thế trở thành thị xã, thì nguy cơ tụt hậu của huyện Yên Thành càng thêm gay gắt. Ban Thường vụ Huyện ủy khóa 25 rất băn khoăn trăn trở. Sau nhiều lần bàn tính và kết luận muốn không tụt hậu và phát triển bền vững, Yên Thành phải đi trên chính đôi chân của mình, bằng cách khơi dậy tiềm năng thiên nhiên, tình yêu quê hương, phát huy các giá trị văn hóa sẵn có đặc biệt là văn hóa tâm linh thông qua du lịch để quảng bá hình ảnh đất nước và con người Yên Thành nhằm thu hút các nguồn đầu tư trong và ngoài huyện.

Ban Thường vụ Huyện ủy quyết nghị chủ trương xây dựng một khu du lịch văn hóa tâm linh sinh thái gồm: Xây dựng tại Rú Gám một ngôi chùa lớn để thu hút du khách; Xây dựng một quần thể nhà nghỉ dưỡng sinh thái. Điểm nhấn của giải pháp này lấy Rú Gám, Sông Dinh – biểu tượng, vượng khí, niềm tự hào, kiêu hãnh của Yên Thành làm cốt lõi. Ở chùa Gám có đôi câu đối:

Dinh thủy đông hồi nhiêu quang vụ

Phượng Sơn tây phục hướng minh đường

Có thể hiểu, phía Đông có sông Dinh là long mạch làm cho mùa màng tươi tốt, bội thu, phía Tây có núi Phượng Sơn với thế long chầu hổ phục tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình. Cũng có thể hiểu, Rú Gám là nơi mở ra hướng phát triển tươi sáng của huyện Yên Thành trong tương lai.

Rú Gám xưa có tên là Thứu Lĩnh. Thứu là tên gọi cổ của chim phượng hoàng. Rú Gám giống như một con chim phượng hoàng nên còn có tên gọi là Phượng Sơn. Giữa đồng bằng nhô lên một đỉnh núi tròn nên Rú Gám còn có tên chữ Hán là Côn Sơn, dân địa phương gọi là Động Nhôn. Lưng chừng núi có hòn đá bạc to và hòn đá bạc nhỏ. Đỉnh Hòn đá bạc nhỏ là một phiến đá phẳng lỳ, chiều rộng 6 m, chiều dài 9 m, tương truyền là bàn cờ tiên. Đứng trên đỉnh núi phóng tầm mắt có thể bao quát toàn bộ cả vùng phía Đông Bắc tỉnh Nghệ An. Rú Gám còn đi vào huyền thoại về kinh nghiệm sống nhân văn của ông cha “Mù xanh Gám, không dám đi cày”. Mỗi khi núi có sự cố đều có những biến cố không tốt đến đời sống con người.

Rú Gám là một khu rừng nguyên sinh. Thảm thực vật phong phú, với nhiều chủng loại gỗ quý như: sưa, gõ, lim, sến, trầm hương, nhiều cây dược liệu quý như hoài sơn, tuyết nhung, cao đằng, hà thủ ô, nến trầm… Trên núi còn có những cây gõ hàng trăm năm tuổi mà chu vi của nó khoảng vòng tay của 4 người ôm. Động vật ở đây cũng khá phong phú như cầy hương, trăng, gà rừng, sóc, chồn, cáo, vẹt… Rú Gám có đền thờ Bạch Thạch thần (thần đá trắng), và đền Nhà Ông thờ Lý Thiên Cương là một vị nhân thần có công chiêu dân lập ấp. Có lẽ do tính chất linh thiêng của các ngôi đền này mà Rú Gám còn giữ được sự cổ kính, nguyên sinh. Mặt khác, tục truyền Rú Gám là một ngọn núi địa linh, ảnh hưởng của núi có thể sản sinh ra nhiều nhân tài không có lợi cho sự lâm lược của phương Bắc, nên Cao Biền là một vị quan cai trị nhà Đường, một nhà phong thủy tài ba đã yểm huyệt làm chệch hướng long mạch nhằm hạn chế sự xuất hiện của các nhân tài ấy.

Xung quanh Rú Gám là một quần thể di tích lịch sử, văn hóa: đền thờ Bạch Y công chúa[1], chùa Yên Thông, đền Đức Hoàng, nhà thờ Hồ Tông Thốc (Thọ Thành), khu di tích Bác Hồ về thăm, đền Cô Đá (Vĩnh Thành), khu tưởng niệm 72 chiến sĩ cách mạng bị thực dân Pháp xử bắn trong phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh 1930-1931 (Mỹ Thành)… Xung quanh Rú Gám còn là một quần thể danh thắng: Sông Dinh, Nhà thờ đá, núi đá Bảo Nham (Bảo Thành), hang Mặt trăng (Minh Thành), hang núi lèn Vũ Kỳ là đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa Nguyễn Xuân Ôn, một số danh thắng nhân tạo như kênh Vách Bắc, đập Vệ Vừng, Mả Tổ, Quản Hài, Nhà trò…

Đền, chùa Gám là một công trình văn hóa tâm linh nổi tiếng. Đền Gám thờ các vị thần có công “bảo quốc, hộ dân”: Cao Sơn, Cao Các, Sát Hải đại vương, Tam tòa Đại Vương và Tứ vị thánh Nương… Chùa Gám là công trình kiến trúc cổ thờ Phật theo phái Trúc Lâm. Các mảng điêu khắc và hoa văn họa tiết hết sức tinh xảo mang hình cây cỏ, hoa lá, chim muông, các loài thú sắp xếp theo trình tự logic làm cho con người như hòa quyện, gần gũi với thiên nhiên. Đền, Chùa Gám là trung tâm văn hóa tín ngưỡng của một vùng dân cư rộng lớn. Là công trình có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Hằng năm vào mùa lễ hội nhân dân trong vùng tổ chức rước các vị thần linh từ núi Phượng Sơn về đền, chùa để tế lễ.

Tiềm năng du lịch rất lớn, nhưng làm thế nào để phát huy được tiềm năng đó là một bài toán khó. Theo tư vấn của một số nhân sĩ về Phật học, vua Trần Nhân Tông một vị vua anh minh và nhân từ sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử 2 lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông, củng cố vững chắc nền độc lập, tự chủ của dân tộc đã chủ động nhường ngôi cho con lên núi Yên Tử đi tu, lập nên tông phái Trúc Lâm Yên Tử. Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức đi thực tế tìm hiểu mục đích, tôn chỉ, phương thức hoạt động của các chùa, thiền viện theo tông phái Trúc Lâm Yên Tử ở phía Bắc.

Tông phái Trúc Lâm Yên Tử được Hòa thượng Thích Thanh Từ vận động khôi phục lại cuối thế kỷ 20. Mục đích của Tông phái là khôi phục tư tưởng đạo Phật của vua Trần Nhân Tông. Đường hướng mục vụ là kết hợp tu và thiền (Thiền, Giáo đồng hành). Phương pháp tu là sự dung hợp pháp tu của 3 vị tổ sư: Huệ Khả (494-601), Huệ Năng (638-713) và Sơ tổ Trúc Lâm (Trần Nhân Tông 1258-1308), được hòa thượng Thích Thanh Từ khái quát: Biết vọng không theo (không theo hư ảo); Đối cảnh không tâm (không bận tâm về những điều xảy ra); Không kẹt 2 bên (các duyên nợ đều giả dối); Hằng sống với cái thật (thật là vĩnh viễn). Chủ trương của tông phái là đào tạo con người có tâm hồn trong sạch, lối sống chân thật, xả thân cứu khổ chúng sinh, kiên nhẫn tu hành, hiểu sâu sắc về Phật và Phật pháp. Người tu hành theo phái Trúc Lâm Yên Tử là tu tập, có học nhưng không thi lấy bằng cấp, có thể tu tại gia, có thể tu theo các đạo tràng, thiền viện. Tông phái Trúc Lâm Yên Tử đề cao tôn chỉ: “Đạo pháp, dân tộc, Chủ nghĩa xã hội”. Do mục đích, tôn chỉ, phương thức hoạt động hợp lòng dân nên đến nay tông phái Trúc Lâm Yên Tử phát triển mạnh mẽ, có một số lượng đông đảo cư sĩ, tín đồ nam nữ khắp 3 miền của đất nước. Số cơ sở của tông phái phát triển rất nhanh, đơn cử một số thiền viện lớn: Yên Tử (Quảng Ninh), Tây Phương (Vĩnh Phúc), Sùng Phúc (Hà Nội), Bạch Mã (Huế), Đà Lạt (Lâm Đồng), Thường Chiếu (Đồng Nai), Chân Không (Bà Rịa-Vũng Tàu), Giác Tâm (Quảng Ninh), Viên Chiếu, Linh Chiếu (Đồng Nai), Huệ Chiếu, Phổ Chiếu (Bà Rịa – Vũng Tàu)… Hiện đang xây dựng các Thiền viện: Trúc Lâm Hàm Rồng (Thanh Hóa), Trúc Lâm Phú Quốc (Kiên Giang).

Được sự định hướng của Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo huyện đã trực tiếp làm việc với Hòa thượng Thích Thanh Từ tại Đà Lạt. Hòa thượng đã cử đặc phái viên về khảo sát thực địa, sau đó cử sư trụ trì của Chí Linh và chỉ đạo việc xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Yên Thành. Từ đó phương án xây dựng khu du lịch văn hóa tâm linh sinh thái Rú Gám hoàn thiện. Khu du lịch sinh thái tâm linh có các dự án thành phần:

Khu di tích gốc: Mở rộng khuôn viên, nâng cấp, trùng tu khu vực đền, chùa Chí Linh

Khu tâm linh: được bố trí dưới tán rừng đặc dụng, diện tích 125 ha. Trong đó Thiền viện tăng được bố trí tại đền Gám, Thiền viện ni được bố trí tại sườn núi phía Bắc. Trên đỉnh núi Rú Gám là tượng Phật Quan thế âm Bồ Tát, lưng chừng núi phía Nam là đền thờ các vua Hùng.

Khu nghỉ dưỡng sinh thái: Quy hoạch trên diện tích gần 200 ha, trong đó có 38 ha mặt nước với nhiều hạng mục như nhà dịch vụ, nhà đón tiếp, nhà nghỉ, nhà hàng, nhà đa năng, quảng trường, bãi xe, tháp vọng cảnh, sân chơi thể thao, bơi thuyền, lướt ván… phục vụ lễ hội và nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng của du khách.

Đền thờ liệt sĩ: Mở rộng, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng mới đền thờ các liệt sỹ; Khu rừng đặc dụng: có diện tích khoảng 250 ha ôm lấy toàn bộ khu tâm linh, được quy hoạch để bảo vệ da dạng sinh học, đặc biệt các loại gỗ, dược liệu, thảm thực vật và các loại động vật quý hiếm.

Tiến trình đã thực hiện: UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 515/QĐ-UBND-CN phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch sinh thái tâm linh đền, chùa Gám; Quyết định số 931/QĐ-UBND-NC chấp thuận phục hồi sinh hoạt Phật giáo tại chùa Chí Linh; Quyết định số 1903/QĐ-UBND-CN phê duyệt dự toán kinh phú khảo sát, lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch sinh thái và tâm linh Rú Gám. Đại đức Thích Trúc Thông Kiên đã nhập tự và làm sư trụ trì chùa Chí Linh. Trong buổi hội thảo phê duyệt đề án thiết kế do UBND tỉnh tổ chức, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đức Phớc đã kết luận: nguồn vốn để xây dựng khu du lịch tâm linh gồm đền, chùa Gám, Thiền viện Trúc Lâm Yên Thành và đường nội bộ kết nối giữa đền, chùa với thiền viện, giữa các hạng mục thành phần của thiền viện sẽ do Tông phái Trúc Lâm đảm nhận, dự kiến hoàn thành trong 10 năm. Khu du lịch sinh thái UBND tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh. Đền thờ liệt sĩ huyện sẽ huy động ngân sách huyện và kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng. Khu rừng đặc dụng sẽ lập dự án trình Chính phủ. Tính khả thi của Dự án xây dựng khu du lịch văn hóa tâm linh sinh thái Rú Gám là rất cao.

Dự án xây dựng khu du lịch văn hóa tâm linh sinh thái Rú Gám sẽ mở ra một tương lai, diện mạo mới của huyện Yên Thành. Các giá trị mang lại rất có ý nghĩa, bởi hằng năm thu hút được một lượng lớn du khách trong, ngoài nước, giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động, chuyển một bộ phận dân cư từ sản xuất nông nghiệp sang làm dịch vụ và điều quan trọng hơn là làm cho tư duy kinh tế của con người Yên Thành trở nên năng động hơn; Hệ thống cơ sở hạ tầng sẽ được cải thiện, nhất là lĩnh vực giao thông; Tạo được sự chú ý và niềm tin cho các nhà đầu tư trong, ngoài nước khi đầu tư vào huyện Yên Thành; Giáo dục đạo đức con người hướng tới chân, thiện, mỹ, khắc phục và đẩy lùi các tệ nạn xã hội; Từng bước khôi phục các giá trị văn hóa, tâm linh như lễ hội, tuồng cổ một thời nổi tiếng;

Làm sống dậy tiềm năng danh sơn Rú Gám, nơi hội tụ anh linh của hồn thiêng sông núi, là niềm khát khao cháy bỏng, ước nguyện lớn lao của Đảng Bộ, Chính quyền và nhân dân Yên Thành. Không những thế, còn là sự tri ân đối với cha ông đã hun đúc và để lại một kho tàng quý báu những giá trị văn hóa đồ sộ, những cảnh quan tuyệt vời của tạo hóa. Khu du lịch văn hóa tâm linh sinh thái Rú Gám có tầm cỡ khu vực Bắc miền Trung trở thành điểm nhấn quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2015 và những năm tiếp theo, là điểm tựa quan trọng tạo ra sức sống mới cho một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng và nhân văn. Từ Trúc Lâm Yên Tử đến Trúc Lâm Yên Thành, như một ngẫu nhiên và triết lý nhân văn, chặng đầu khắc đậm dấu ấn của sự phát triển bền vững và dấu ấn văn hóa, tâm linh Việt Nam trong mỗi người dân huyện lúa anh hùng.



* Chủ tịch UBND huyện Yên Thành

[1] Tương truyền Công chú Bạch Y là con vua Hồ Quý Ly về dựng chùa Yên Thông tu hành và qui tịch tại đây

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 163
    • Số lượt truy cập : 6947940