TƯ TƯỞNG DÙNG “PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO”
TRONG KINH TẠNG PĀLI
THIỆN KINH
Như Gombrich đã từng nhận định: “Đúng là thuật ngữ ‘phương tiện thiện xảo’, upāya-kauśalya, thuộc về kinh điển sau này, nhưng việc vận dụng thiện xảo mà nó ám chỉ, tức là kỹ năng thích ứng lời nói với từng đối tượng người nghe đã có tầm quan trọng to lớn trong Pāli Tạng”1, có nhiều bản kinh trong kinh tạng Pāli cho thấy tư tưởng vận dụng và đề cao pháp môn phương tiện thiện xảo dù ở đó cụm từ này không hiện diện. Pháp môn phương tiện mang ý nghĩa cơ bản là thuyết pháp với nội dung linh hoạt biến đổi tùy căn cơ, tâm tánh chúng sanh để dẫn dắt họ đến chân lý và lấy đó làm định hướng trong việc thuyết pháp độ sanh. Bài viết này nhằm khảo sát và trình bày những bằng chứng thuyết phục về định hướng dùng phương tiện thiện xảo trong phương pháp hoằng pháp của đức Phật được tìm thấy trong kinh tạng Pāli.
Định hướng thuyết pháp có thứ lớp
- Chúng sanh ví như ba loại sen trong hồ
Có một câu chuyện nổi tiếng trong kinh văn Pāli, về sự do dự ban đầu của đức Phật trong việc truyền đạt giáo lý thâm sâu của mình cho chúng sanh với căn tánh khác nhau2. Sau quãng thời gian thiền định và chứng đắc về bản chất của đau khổ và trói buộc của cuộc đời và đạt tới giải thoát, đức Phật nhận thấy rằng “Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu”3. Thật vậy, chân lý do đó có thể bị bóp méo bởi một thế giới bị che đậy bởi vô minh là các chấp trước của chúng sanh.
Sau ba lần vị vua trời chí thành thỉnh cầu Phật vì chúng sanh thuyết pháp, đức Phật bắt đầu dùng Phật nhãn để quán sát thế gian. Dưới con mắt trí tuệ, Thế Tôn nhận thấy rằng “có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn, độn căn, có hạng thiện tánh, ác tánh, có hạng dễ dạy, khó dạy, và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế giới khác và sự nguy hiểm làm những hành động lỗi lầm”4.
Từ sự quán sát căn tánh chúng sanh, đức Phật mượn hình ảnh về ba loại sen trong hồ với sức vươn cao khác nhau để minh họa cho căn tánh chúng sanh. Qua đó chúng ta có thể thấy tầm nhìn hoằng pháp và định hướng dùng phương tiện thiện xảo của Phật:
Có một số hoa sen xanh, sen hồng, hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, không vượt lên khỏi mặt nước, được nuôi dưỡng dưới nước. Có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, sống vươn lên tới mặt nước. Có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước đẫm ướt5.
Khi nhìn thấy những khác biệt kỳ diệu này, đức Phật kết luận rằng không có ích gì khi thuyết cùng chung một giáo pháp cho toàn thể chúng sanh hay nói cách khác coi tất cả chúng sanh là một. Đức Phật khi ấy biết rằng nếu Ngài muốn độ tha nhân, Ngài cần phải nhạy bén với sự khác biệt về nghiệp chướng của mỗi người và cá nhân hóa những lời dạy của Ngài sao cho phù hợp với căn cơ của họ. Với tuệ giác này, đức Phật đã quyết định chuyển pháp luân lần đầu tiên cho những người bạn đồng tu khổ hạnh trước đây của mình, năm anh em Kiều Trần Như.
Bản kinh này mặc dù không nói đến thuật ngữ phương tiện thiện xảo nhưng rõ ràng đức Phật khẳng định Ngài sẽ dùng nhiều phương thức khéo léo, đa dạng cho từng đối tượng mà Ngài giáo hóa, và chân lý do Ngài giác ngộ được sẽ được truyền đạt dưới nhiều nội dung khác nhau tùy vào ngữ cảnh, có thể được đơn giản hóa hay thâm sâu vi diệu, nhưng tất cả đều phục vụ cho mục đích duy nhất - đưa chúng sanh đến bờ an vui, giải thoát với cứu cánh giải thoát như đức Phật đã đạt được.
- Chúng sanh ví như ba loại thửa ruộng
Tương tự, trong kinh Tương ưng bộ, có một trường hợp nói về việc người thôn trưởng tên Asibandhakaputta thưa hỏi đức Phật rằng tại sao có sự khác biệt cao thấp trong giáo pháp mà Thế Tôn giảng dạy giữa người này với người khác. Ông thưa hỏi Phật “vì sao, bạch Thế Tôn, đối với một số người, Thế Tôn thuyết pháp một cách hoàn toàn trọn vẹn; đối với một số người, Thế Tôn thuyết pháp không hoàn toàn trọn vẹn như vậy?”6. Đức Phật đáp lại bằng ví dụ về ba loại thửa ruộng để minh họa cho chúng sanh với căn cơ khác nhau: “ở đây, một người cày ruộng có ba thửa ruộng, một loại tốt, một loại bậc trung, một loại xấu, đất cứng, có chất muối, đất độc. Ông nghĩ thế nào, này thôn trưởng? Người cày ruộng ấy muốn gieo hột giống, thời gieo ở thửa ruộng nào trước,...?”7.
Sau đó, Thế Tôn giải thích cho ông trưởng thôn rằng mảnh đất tốt được ví như các đệ tử xuất gia là các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, mảnh ruộng bậc trung nhằm nói đến các đệ tử cư sĩ, và mảnh ruộng loại xấu ngụ ý về các ngoại đạo sa-môn, bà-lamôn, du sĩ. Đức Phật giải thích thêm về phương pháp giáo dục của mình rằng với ba thửa ruộng ấy, người nông dân giỏi sẽ biết canh tác trên thửa ruộng tốt trước tiên, sau đó đến thửa ruộng với đặc tính trung bình, và sau cùng mới đến thửa ruộng xấu.
Cũng như vậy, tất cả ba loại thính chúng kể trên với căn cơ khác nhau đều được Thế Tôn trình tự truyền đạt giáo pháp, dẫn dắt để đạt được mục đích cuối cùng là đến an vui, giải thoát. Dù xuất phát điểm có khác nhau, phương pháp và nội dung truyền đạt có khác nhau, nhưng ở cả ba loại, đức Phật đều hướng họ đến cùng một mục tiêu. Nội dung sau đây được lập lại giống nhau đối với cả ba hạng người: “Đối với họ, Ta thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Ta nói lên cho họ biết đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, thanh tịnh”8. Dù cho đó là hạng căn cơ hạ liệt, đức Phật vẫn tìm ra phương pháp để truyền đạt, dù chưa được trọn vẹn bởi vì “nếu họ hiểu được chỉ một câu, như vậy là họ được hạnh phúc, an lạc lâu dài”9.
Câu trả lời đầy thuyết phục của Thế Tôn dành cho vị thôn trưởng về pháp trọn vẹn và pháp chưa trọn vẹn đã thể thiện định hướng dùng phương tiện thiện xảo để mang giáo pháp đến gần hơn với quần chúng. Vì số đông luôn muôn hình vạn trạng với nghiệp báo và chấp thủ khác nhau nên giáo pháp cũng cần mang tính linh hoạt và tùy biến tương ứng.
- Thứ lớp các bài pháp được thuyết
Phật chỉ ra rằng trí tuệ thậm thâm (chân lý) không đến với hành giả ngay lập tức, mà nó đến từ một sự rèn luyện kiên trì từ thấp đến cao, và kết quả từ những nỗ lực tu tập cũng sẽ dần dần đạt được mà không thể đốt cháy giai đoạn. Trong Tăng chi bộ kinh, đức Phật thể hiện tinh thần thuận thứ thuyết pháp này thông qua việc giáo huấn các đệ tử như sau: “Này các Tỷ-kheo, biển lớn tuần tự xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể chấp chánh trí thình lình”10.
Cụ thể hơn, câu chuyện trong bài kinh số 56 (kinh Ưu-ba-ly) thuộc Trung bộ kinh về một vị gia chủ giàu có và nổi tiếng tên Upāli (Ưu-ba-ly), một đại thí chủ của giáo phái Nigaṇṭha (Ni kiền tử), đã cho thấy thứ lớp trong thuyết pháp của đức Phật như thế nào. Cụ thể, Upāli chính là thửa ruộng loại xấu, đất có muối và độc nên khó canh tác (ngụ ý người ngoại đạo) bởi vì ông đã từng là một Nigaṇṭha thuần thành, tiếp nhận nhiều giáo lý của đạo này nên tháo gỡ những tà kiến và chấp trước đã ăn sâu trong nhận thức của ông không dễ dàng như đối với các đệ tử xuất gia và tại gia của Phật. Một lộ trình phù hợp đã được lập ra dành cho ông, từ đó ta có thể thấy được con đường chuyển hóa với các trình độ từ sơ cơ đến rốt ráo được Phật thiện xảo lập ra tương ứng với căn cơ chúng sanh. Con đường từ thấp đến cao đó là:
“Rồi Thế Tôn thuận thứ thuyết pháp cho gia chủ Upāli, tức là thuyết về bố thí, thuyết về giới, thuyết về các cõi trời, trình bày sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự nhiễm ô các dục lạc, những lợi ích của xuất ly. Khi Thế Tôn biết gia chủ Upāli tâm đã sẵn sàng, tâm đã nhu thuận, tâm không triền cái, tâm được phấn khởi, tâm được hoan hỷ, Ngài mới thuyết những pháp được chư Phật tán dương đề cao: Khổ, Tập, Diệt, Đạo”11.
Theo trên, việc thuận thứ thuyết pháp khéo léo của Phật bắt đầu từ việc vị trưởng giả này vốn đã quen thuộc - bố thí. Đây là việc dễ dàng nhất một người trưởng giả giàu có có thể làm và tuy dẫn tới những phước báo hữu lậu nhưng lại là điểm hấp dẫn mà các cư sĩ trưởng giả hay hướng tới. Tiến xa hơn một chút, Đức Phật dạy ông về sự vi diệu của các cõi trời với phước báo thù thắng hơn cõi người. Không dừng ở đó, mục tiêu tiếp theo đó là đức Phật hướng dẫn cho ông sự nguy hiểm, trói buộc của dục lạc ở cõi người và trời, để từ đó hướng ông đến tâm xuất ly các pháp thế gian và hướng tới giải thoát qua giáo pháp Tứ diệu đế với khổ, tập, diệt, đạo. Để rồi cuối cùng, ông tự thân chứng ngộ được Duyên khởi: “Phàm pháp gì được khởi lên, tất cả pháp ấy đều bị tiêu diệt”.
Định hướng tùy biến nội dung bài pháp
- Giáo pháp như chiếc bè đưa người qua sông
Với hàm ý rằng giáo pháp không phải là chân lý, do đó không có lý do gì để chấp trước vào chúng. Ví dụ về ‘chiếc bè’ trong Kinh ví dụ con rắn12 thuộc Trung bộ Kinh thường được nhắc đến như một minh chứng về các phương pháp giáo hóa khéo léo vốn đã được sử dụng trong kinh Pāli.
Những tư duy đa chiều trong Phật giáo 341
Đức Phật khi đó đưa đến kết luận: “Ta thuyết pháp như chiếc bè để vượt đưa qua, không phải để nắm giữ lấy. Chư Tỷ-kheo, các ông cần hiểu ví dụ cái bè... Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống nữa là phi pháp”13.
Mặc dù về mặt dùng từ, thuật ngữ phương tiện thiện xảo không được sử dụng trong ví dụ ‘chiếc bè’, nhưng câu chuyện về chiếc bè đã đại diện rõ ràng cho tinh thần thiện xảo về phương tiện giáo hóa của đức Phật. Khi ta thấy rằng ‘pháp’ giống như một ‘chiếc bè’, không có lý do gì để bám víu vào nó. Nói cách khác, mỗi pháp được tạo ra chỉ nhằm mục đích đưa chúng sinh vượt dòng nước vô minh chảy xiết và sau đó tiếp tục cuộc hành trình trên con đường tìm cầu giải thoát với nhiều chặng đường phía trước. Vì thế, mỗi pháp chỉ phù hợp với mỗi giai đoạn, hoàn cảnh nhất định. Tư tưởng dùng phương tiện để thuyết pháp của đức Phật đã được minh chứng đầy sức thuyết phục như thế.
- Thuyết pháp mềm mỏng hoặc cứng rắn, hoặc cả hai
Đức Phật rất thiện xảo trong việc điều chỉnh cách thức truyền đạt sao cho phù hợp với tâm tánh người nghe, nhờ vậy họ nhanh chóng hiểu được giáo lý. Kinh tăng chi bộ, Phẩm Kesi, ghi lại một cuộc đối thoại rất thú vị giữa Kesi, một người huấn luyện ngựa, với đức Phật. Khi Kesi hỏi Phật về cách Phật giáo huấn chúng sanh như thế nào, đức Phật trước khi đưa ra câu trả lời đã đặt câu hỏi về chuyên môn cho người đánh xe ngựa về cách ông huấn luyện ngựa. Kesi đáp: “con nhiếp phục ngựa đáng được điều phục với lời nói mềm mỏng; con nhiếp phục ngựa đáng được điều phục với lời thô ác; con nhiếp phục ngựa đáng được điều phục với lời nói mềm mỏng và thô ác”14.
Thông qua dữ liệu từ câu trả lời của Kesi, đức Phật cũng nêu lên sự tương đồng giữa cách giáo hóa của đức Phật dành cho đa dạng các chúng sanh và kỹ thuật của người huấn luyện ngựa: “Này Kesi, Ta nhiếp phục người đáng được nhiếp phục với lời nói mềm mỏng, Ta nhiếp phục với lời nói cứng rắn, Ta nhiếp phục với lời nói vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn”15.
Qua câu kinh trên, phương pháp sư phạm đặt trọng tâm vào tùy biến trong lời dạy đã được đức Phật chủ trương. Với từng đối tượng tiếp cận, khi cần nói lời mềm mỏng, khuyến khích hay khi cần dùng lời nghiêm khắc, cứng rắn, đức Phật đều có cân nhắc và đưa ra phương tiện truyền đạt phù hợp. Đức Phật tiếp tục giải thích cụ thể thế nào là lời nói mềm mỏng và cứng rắn, hay thậm chí cả hai cùng song hành trong một bài giảng. Trong đó, bài pháp với lời nói mềm mỏng là các pháp về nhân của thân, khẩu, ý hành thiện và phước báo giữa chư thiên và loài người, và ngược lại là lời nói cứng rắn về nhân quả trong các cõi địa ngục, ngạ quỷ, và bàng sanh. Cũng có khi, đức Phật kết hợp lời nói vừa mềm mỏng vừa cứng rắn về hai hướng nhân quả thiện và ác như thế với những đối tượng phù hợp.
- Các thiện pháp: biết hội chúng, biết người thắng kẻ liệt
Phật dạy Bảy thiện pháp để một vị tỷ-kheo thực hành và qua đó trở thành tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, là phước điền vô thượng ở đời: “Tỷ-kheo là vị biết pháp, biết nghĩa, biết tự ngã, biết ước lượng, biết thời, biết hội chúng, biết người thắng kẻ liệt”16.
Qua bảy thiện pháp trên, hai thiện pháp cuối biết hội chúng và biết người thắng kẻ liệt cho thấy tinh thần sử dụng phương tiện thiện xảo trong tùy biến nội dung bài pháp của đức Phật và cũng như định hướng cho các đệ tử. Về hội chúng, đức Phật dạy rằng ở mỗi nơi các vị đến, cần phải biết hội chúng là những đối tượng cụ thể nào, sát-đế-lỵ, bàla- môn, gia chủ, hay là hội chúng sa-môn để từ đó biết pháp nào nên nói, không nên nói, hoặc thậm chí giữ im lặng đôi khi là phương tiện thiện xảo phù hợp nhất trong những hoàn cảnh nhất định17.
Ngoài ra, trong mỗi hội chúng lại có những hạng người khác nhau với căn cơ, tâm tánh cũng khác biệt. Do đó, Phật còn dạy về biết người thắng kẻ liệt. Để chia chẽ, phân tích sâu thêm về tâm lý và hành vi của đối tượng nghe pháp, đức Phật phân chia người trên thế gian thành bảy cặp đối tượng, mỗi cặp với hai hạng người đối lập nhau, một bên đáng tán thán và bên kia đáng trách. Thế Tôn phân tích về các đối tượng thính chúng của mình như sau: ưa thấy các bậc thánh và không ưa thấy các bậc thánh, ưa nghe diệu pháp và không ưa nghe diệu pháp, hai hạng người nghe diệu pháp: lắng tai nghe và không lắng tai nghe, hai hạng người lắng tai nghe pháp: nghe xong, thọ trì pháp và nghe xong, không thọ trì pháp, hai hạng người nghe xong thọ trì pháp: quán sát ý nghĩa các pháp được thọ trì và không quán sát ý nghĩa các pháp được thọ trì, hai hạng người quán sát ý nghĩa các pháp được thọ trì: thực hành pháp, tùy pháp và không thực hành pháp, tùy pháp, hai hạng người thực hành pháp, tùy pháp: thực hành với mục đích tự lợi, không có lợi tha và thực hành với mục đích tự lợi và lợi tha18.
Điều này chứng minh một điều rằng để trở thành một đạo sư thuyết pháp thành công, không thể thiếu sự quán sát và am tường về từng loại đối tượng cụ thể thọ nhận giáo pháp. Từ đó, người thầy mới có thể thiện xảo tùy biến trong nội dung bài pháp và phương pháp truyền đạt. Hay nói cách khác, không có một giáo án được định sẵn, bất di bất dịch trong tư tưởng giáo hóa của đức Phật.
KẾT LUẬN
Qua phần trình bày, tác giả đã khái quát về định hướng dùng phương tiện thiện xảo trong thuyết pháp của đức Phật, được hiển hiện một cách rõ ràng thông qua nhiều bản kinh Pāli bất kể khi ấy đức Phật đã đặt một tên gọi cụ thể cho phương pháp giáo hóa này hay chưa. Thật vậy, đức Phật đã có sự phân tích tường tận về các loại đối tượng thính chúng. Đức Phật không chỉ chọn bài pháp với nội dung có thứ lớp từ thấp đến cao để giáo hóa mà còn tùy biến trong chính nội dung đó cho những đối tượng với xuất thân, tâm tánh khác nhau nhằm đưa tất cả ra khỏi bờ mê, ngược dòng vô minh, đến được bờ an vui, giải thoát. Hơn thế nữa, vượt dòng sang bờ bên kia không chỉ có một lần, mà nó chỉ đơn thuần là các chặng đường hành giả cần vượt qua để tiếp tục chặng đường mới, bỏ lại chiếc bè phương tiện sau lưng. Dù căn cơ hạ liệt hay chín muồi, đức Phật đều trước tiên nhận biết rõ ràng khả năng của họ, và bằng trí tuệ, Ngài luôn tìm ra phương thức tốt nhất có thể dành cho mỗi cá nhân.
1. Gombrich, Richard F. (2006), How Buddhism Began, New York: Routledge, p.17.
2. Các bài kinh với nội dung tương tự như Kinh Thánh cầu (Trung bộ Kinh), Kinh Đại bổn (Trường bộ Kinh) và một số trong Tương ưng bộ Kinh.
3. Kinh Trung bộ 1, 26. Kinh Thánh cầu. Thích Minh Châu dịch (2012). Hà Nội: Tôn Giáo, tr. 218.
4. Ibid., tr. 219 - 220.
5. Ibid., tr. 220.
6. Ibid.
7. Ibid., tr. 493-4.
8. Ibid., tr. 494.
9. Ibid., tr. 495.
10. Kinh Tăng chi bộ 3. Thích Minh Châu dịch (2005). Hà Nội: Tôn Giáo, tr. 568.
11. Ibid.
12. Kinh Trung bộ 1, 22. Kinh ví dụ con rắn. Thích Minh Châu dịch (2012), tr. 178.
13. Ibid., tr. 179
14. Kinh Tăng chi bộ 2. Thích Minh Châu dịch (1996). Tp. HCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, tr. 27.
15. Ibid., tr. 27.
16. Kinh Tăng chi bộ 3. Thích Minh Châu dịch (2005). Hà Nội: Tôn giáo, tr. 437.
17. Kinh Tăng chi bộ 3, Chương VII Bảy Pháp VII. Đại Phẩm. Thích Minh Châu dịch (2005). Hà Nội: Tôn giáo, tr. 440.
18. Ibid. tr. 441-2.
Bình luận bài viết