Thông tin

TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO CÁCH MẠNG CỦA THIỀU CHỬU

 

TS. HỒ ANH HẢI

 

Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha vốn dĩ tu tại gia không phải để trốn đời, để mưu cầu giải thoát cá nhân mình, mà là để thực hiện lý tưởng cao cả của Phật: cứu chúng sịnh ra khỏi bể khổ. Ông theo đạo Phật đơn giản chỉ vì khâm phục và tán đồng lý tưởng của Phật Tổ là nhằm thực hiện một xã hội tuyệt đối bình đẳng không chia giai cấp, mọi người sống sum họp vui hoà trong một chế độ hợp lý hoá (ghi chú: các đoạn in nghiêng không chú thích là trích nguyên văn lời Thiều Chửu từ cuốn "Phật học vấn đáp"). Trong Tự Bạch ông viết khi quy y theo Phật, ông quyết định không vào chùa tu hành mà chỉ làm một cư sĩ tu tại gia, vì ông không tán thành việc trong giới tăng sĩ vẫn duy trì chế độ bất bình đẳng chia tầng lớp ngôi thứ, không trọng lao động tự kiếm sống, thậm chí còn hưởng thụ sa xỉ sự cúng dàng của dân. Sau Cách mạng tháng Tám, được tiếp xúc với trào lưu tư tưởng cách mạng, ông vô cùng phấn khởi thấy lý tưởng của mình phù hợp với cách mạng. Trong quãng đời còn lại, ông đã tìm mọi cách chứng minh Phật giáo không mâu thuẫn, thậm chí hoà hợp với hệ tư tưởng của cách mạng vô sản.

Các quan điểm Phật giáo của Thiều Chửu được ông trình bày khá rõ trong "Phật Học Vấn đáp" (1949) và "Con đường học phật ở thế kỷ thứ XX"(1952). Theo ông, Phật tức là người đã dùng công phu khoa học mà tu chứng cho tới chỗ cùng tột của cái bản năng con người, nghĩa là thành một nhân cách cao đẳng, lý trí đúng đắn, sáng suốt vô cùng; chứ không phải là một đấng tối cao có quyền ban phúc, làm tội các sinh linh, hoặc là một đấng thần thông biến hoá thường thấy ở các tôn giáo khác. Mục đích của đạo Phật, theo ông, là có tính cách mạng, vì nó nhằm diệt trừ giai cấp chuyên chế để đưa toàn dân đến chỗ phúc trí bình đẳng, cùng sum họp vui hoà; hơn nữa còn giáo hoá cho mọi người trừ sạch tính xấu, vượt hẳn tư cách bình thường, tiến tới một tư cách cao thượng tuyệt trần. Thiều Chửu cho rằng Phật Tổ là một nhà cách mạng: Phật giáo ra đời trong hoàn cảnh nước Ấn Độ bị tầng lớp Bà La Môn thống trị, áp bức bóc lột quần chúng nghèo khổ. Đức Phật xuất thân từ hoàng gia, khi tu thành đạo, thấu hiểu chân lý bình đẳng, đứng lên phất cờ cách mạng, được dân nghèo đi theo, chỉ trong mấy năm đã quét sạch tầng lớp thống trị, giải thoát nhân dân khỏi ách chuyên chế. Nhưng sau khi Phật tịch, đạo Bà La Môn dần dần trỗi dậy. Nguyên nhân là do người Ấn Độ nặng óc mê tín, và nhiều đệ tử Phật làm sai tôn chỉ của Phật, chia rẽ nhau. Hậu quả là sau 800 năm tồn tại, Phật giáo bị bài xích khỏi Ấn Độ; và nước này thoái hoá dần, cuối cùng bị ngoại bang đô hộ.

Thiều Chửu cố chứng minh một sự thực lịch sử: Phật giáo truyền sang các nước phương Đông như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam v.v... đã làm cho các nước này trở nên cường thịnh. Ông giải thích: đó là do dân các nước ấy sẵn có văn minh Khổng giáo, có tư tưởng cao cả, cho nên khi gặp Phật pháp Đại thừa liền như lửa gặp gió, phát triển rực rỡ phi thường. Thiều Chửu nhấn mạnh: Phật giáo có công rất lớn cho nước ta, vì hai việc trọng đại nhất là ngoại giao và văn hoá đều nhờ giới Phật giáo cả: trong thời Đinh, Lý, Trần v.v... việc đối đáp với Trung Quốc đều là nhờ các tăng già hết. Khuông Việt Quốc Sư phụ chánh giúp vua Đinh xây đắp nền độc lập của nước nhà. Sư cụ Lý Khánh Văn dạy vua Lý Thái Tổ học, gây dựng cho nhà Lý tiến tới văn minh tuyệt điểm. Võ công đời Lý cũng oanh liệt bậc nhất: truyền hịch đánh Tàu, làm cho quân Tàu hết vía. Các vua Trần sáng suốt như Thái Tôn, Nhân Tôn đều đi tu; bao bày tôi anh hùng như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải đều hiểu sâu đạo Phật. Một đời nhà Trần hai phen bình Nguyên, võ công chói lọi, là nhờ Phật chứ đâu có nhờ Nho? Đến đời Lê Thánh Tông mới bỏ Phật sùng Nho, lợi dụng Khổng giáo chia giai cấp, trọng quyền vua, nặng chuyên chế, làm cho dân mất dần tinh thần cương nghị dũng cảm, trở nên nhu nhược lười biếng. Triều Nguyễn nhờ thế lực ngoại bang gây cuộc nội tranh, làm cho dân sinh khốn khổ, dân trí kém hèn, cuối cùng mất nước về tay thực dân Pháp, có phải tại Phật giáo đâu?

Thiều Chửu nêu rõ: đạo Phật không tách rời thế gian. Hết thảy Pháp của Như Lai tức là Pháp của thế gian; Phật Pháp có phải là Pháp nói ở ngoài đâu. Đạo Phật là đạo viên dung, nghĩa là tuỳ cơ phương tiện; bất cứ cách nào hễ làm cho người tiến hoá được thì Phật dùng hết. Như kinh Pháp Hoa nói: "hết thảy lời nói, văn tự để trị bình thiên hạ, và cả những phương pháp giúp ích cho đời sống của người, đều là Phật Pháp cả". Nói cách khác, Phật giáo có tính biện chứng và phục vụ nhân sinh, có lợi cho nhân quần. Đạo Phật là đạo đi sát với đời, là đạo tạo hạnh phúc cho người cực điểm, chứ không phải là đạo xa người, chán đời, làm chướng ngại cho cuộc tiến hoá, như những người không hiểu Phật Pháp đã phê bình lầm vậy. (Giải thích truyện Quan Âm Thị Kính). Ông cho rằng Phật giáo cũng là tôn giáo, cũng chẳng phải là tôn giáo. Vì tôi đã nói: Phật Pháp là phương tiện diệu dụng viên dung vô ngại cơ mà! Lúc nào trình độ nhân loại còn phải dùng đến lề lối tôn giáo thì Bồ tát thi hành phép tôn giáo hoá. Khi nào trình độ nhân loại tiến đến chỗ duy ngã độc tôn, thì Bồ tát lại thi hành phép xã hội hoá, nhân gian Phật hoá... Đạo Phật có phải là đạo chết chẹt một chỗ, không linh động đâu!... Chỉ dân nào trình độ đã đến bậc cao thì mới áp dụng Phật giáo được đúng mực, nếu trình độ còn thấp kém thì chỉ ảnh hưởng được nhất thời thôi. Thiều Chửu cho rằng đạo Phật vừa duy tâm vừa duy vật. Trong kinh Phật, có kinh nói vè duy vât, như Di Đà, Dược Sư, Bảo tích v.v...; có kinh nói về duy tâm, như Lăng Nghiêm, Bát Nhã, Kim Cương v.v...; có kinh nói về duy thức, như Hoa Nghiêm, Lăng Già v.v...

Thiều Chửu nhận định: nhà Phật sinh hoạt theo chế độ triệt dể dân chủ cộng hoà; còn sự sinh sống hàng ngày thì theo quy tắc xã hội hoá, tập sản dùng chung, tập đoàn sống chung, cũng như Đời Sống Mới ngày nay.... không cho ai lập nghiệp riêng, mà phải cùng sống chung, ăn chung, làm chung, của gì cũng là chung hết.

Ông cho rằng học thuật của Phật giáo có giá trị như khoa học, nhận định của Phật rất đúng với khoa học hiện nay, mà còn biết trước từ hơn 2000 năm nữa kia. Nhà Phật cho rằng: sáng tạo ra thế giới, vạn sự vạn vật, chỉ là bởi một cái năng lực của sự phân biệt của cái thức, trong kinh gọi là Duy Thức.... nói: có đến 3000 đại thiên thế giới, chứ không phải chỉ có trái đất ta ở. Theo Thiều Chửu, quan điểm này phù hợp với khoa học hiện đại cho rằng trong vũ trụ có vô số thiên hà. Về thuyết Địa Ngục và Tịnh Độ của Phật, ông nhận xét: Vì Phật nói có nhiều thế giới, nên hạng tiến hoá hơn thì ở cái thế giới Tịnh Độ, hạng quá dã man thì ở thế giới địa ngục là cũng có thể có. Trước đây trên 1000 năm, nhân loại sống dưới chính thể chuyên chế độc ác, tàn phá hết quyền tự do thì có khác gì Địa Ngục? Thiều Chửu nhấn mạnh : Phật pháp tuyệt đối không cho mê tín, xác định rõ rằng người thì ai cũng có thể thành Phật, tức kẻ giác ngộ. Phật Pháp có giá trị khoa học, cũng chia ra làm 5 khoa: Nội Minh (nay gọi là Tâm lý học); Nhân Minh (Luân lý học); Công Xảo Minh (Cơ khí học); Y Phương Minh (Y dược học); Thanh Minh (Thế giới ngữ hiện nay). Nhưng vì bộ óc người Đông phương chỉ trọng lý thuyết, coi nhẹ thực nghiệp, nên ngày nay chỉ còn lại hai khoa Nội Minh và Nhân Minh, thật đáng tiếc thay!

Là một Phật tử có học thức, Thiều Chửu thấy rõ: Do khoa học kỹ thuật phát triển nhanh chóng, loài người đã có đủ tài trí chiến thắng thiên nhiên để tự mưu lấy hạnh phúc mỹ mãn, chứ không phải van xin ai cả; vì vậy, đến thế kỷ 20 này, tất cả các tôn giáo đều sẽ hết sạch. Nếu các Phật tử không mau mau trở lại cái bản lai diện mục của đạo Phật, thì Phật giáo cũng sẽ bị đào thải. Nhưng ông tin rằng, Phật giáo ngay từ đầu đã đặt trên nền tảng "tuỳ duyên bất biến, bất biến tuỳ duyên", lập trường Phật giáo trăm phần trăm đúng với cái đích của nhân loại đến tột bậc sẽ tới; do đó nó sẽ không bị rơi vào luật đào thải. (Lời nói đầu bản dịch Lục Tổ Đàn Kinh, 1950).

Thiều Chửu viết: Ai là đệ tử chân chính của Phật thì nhất định là người tận trung với Tổ quốc, tận hiếu với giống nòi. Trong kháng chiến chống Pháp, anh em trong phái tăng già chúng tôi bao nhiêu người trút áo cà sa, xung phong vào bộ đội ra tiền tuyến... Giọt máu đồng bào chảy chỗ nào cũng trộn lẫn giọt máu tăng già chúng tôi. Toàn bộ cuộc đời Thiều Chửu chứng tỏ ông là một Phật tử chân chính, yêu nước thương nòi hết mực. Ông từng mượn một câu thơ trong Kinh Thi để diễn tả nỗi ưu tư sâu kín của mình:

"Biết ta, bảo ta lo âu.

Không biết ta, bảo ta cầu chi đây.

Trời xanh man mác ai hay

Lòng ta dằng dặc hơn trời xanh kia!"

(Lời kết "Con đường học Phật ở thế kỷ thứ 20").

Câu thơ tuyệt vời này cũng thâu tóm tấn bi kịch của Thiều Chửu: Ông đã phải tự kết liễu cuộc đời mình chỉ vì có ai đó đã không hiểu được trong con người huyền thoại này chứa đựng lòng yêu nước thương nòi bao la vô biên đến mức người bình thường khó có thể lý giải.

Hà Nội. Tháng 4 năm 2002

 


Ghi chú: Bài này đăng lại trên tạp chí Thế giới trong ta của Hội Tâm lý Việt Nam số ra tháng 7 năm 2003.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 77
    • Số lượt truy cập : 6951916